HT. Giác Giới chia sẻ với Khóa bồi dưỡng trụ trì

Thứ Hai, ngày 23/05 Bính Thân (nhằm 27/06/2016), Hoà thượng Giác Giới – Ủy viên Thường trực HĐTS kiêm Phó Trưởng Ban Tăng sự TƯ GHPGVN, Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long đã quang lâm viếng thăm và sách tấn chư vị học viên Khoá Bồi Dưỡng Nhiệm Vụ Trụ Trì lần thứ 9 do BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long tổ chức tại chùa Long Phước, phường 5, thành phố Vĩnh Long.

trutri1

Hoà thượng chia sẻ cùng đại chúng học viên về chủ đề Sứ mạng của vị trụ trì trong việc hoằng pháp. Hoà thượng nói: Vai trò quan trọng của vị Trụ trì là nắm lấy giềng mối của Phật pháp và làm cho nền đạo được hưng thạnh, như Cổ đức có nói: “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”“Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Ngài nói về vị trụ trì phải có tâm đức, tuệ đức để định hướng cho quá trình tu học làm lợi ích cho tự thân, cũng như tha nhân được tốt đẹp hơn.

trutri2

Hòa thượng dẫn dụ về cuộc hành trình xuất gia, tầm đạo của đức Như Lai, Thế Tôn. Ngài nói với các Tỳ kheo: “Mặc dù cha mẹ không bằng lòng, than khóc nước mắt đầy mặt, ta vẫn cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống đời sống thoát ly gia đình. Ta xuất gia như vậy, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, đi tìm con đường vô thượng tối thắng, hướng đến tịch tịnh” (số 26, Trung Bộ kinh). Trên đường tìm đạo, Ngài đã gặp gỡ và học đạo với hai vị thầy trứ danh đương thời là Alara Kalama với thiền Vô sở hữu xứ, Uddaka Ramaputta với thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thêm vào đó là 6 năm chịu đựng cuộc sống khổ hạnh nhưng không có kết quả như ý, nên Ngài đã từ bỏ ra đi tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Cuối cùng, Ngài đã thấu rõ chơn lý diệu mầu và tuyên thuyết giáo pháp thậm thâm theo lời cầu thỉnh của Phạm thiên.

trutri3

Rồi đức Thế Tôn dùng mắt tuệ nhìn khắp thế gian để quán cơ duyên hóa độ. Lần lượt là Alara Kalama, Uddaka Ramaputta nhưng hai vị này đã qua đời cách đó không lâu, và tiếp theo là năm anh em Kiều-trần-như. Sau khi, năm vị này nghe đức Thiện Thệ thuyết pháp đã thoát khỏi vòng vây của ác ma, nhập vào dòng Thánh với bài pháp Tứ diệu đế và cuối cùng chặt đứt con đường sanh tử, đạt A-la-hán quả với bài pháp Vô ngã tướng.

Qua hình ảnh đức Thế Tôn, Hòa thượng tiếp tục khuyên nhắc chư vị học viên khi làm công tác hoằng pháp phải đưa tín đồ bổn đạo và số đông quần chúng đến chỗ rốt ráo, chứ không phải dặm chân tại chỗ. Lúc ban đầu có thể dùng dục câu nhử nhưng sau đó phải dùng tuệ bứng gốc và đó cũng là quy trình giáo hóa của đức Thế Tôn qua bài kinh Kutadanta (số 5, Trường Bộ kinh). Đức Phật dùng phương pháp thuận thứ thuyết pháp, từ thấp lên cao, từ căn trí chậm lục đến lợi căn thông tuệ, ... Ngài đã dùng nhiều phương tiện để dẫn dắt chúng sanh từ phàm phu khổ lụy đến bậc thánh an vui, nhưng phương tiện phải có định hướng rõ ràng, cụ thể. Đó là mục tiêu giác ngộ giải thoát cho chúng sanh vạn loại. Và bài kinh Makhadeva (số 83, Trung Bộ kinh), đức Phật khẳng định con đường đưa đến đoạn tận mọi phiền não, ưu bi đó là thánh đạo tám ngành. Tiền thân của Ngài chỉ tìm và thấy được lộ trình đẫn đến Phạm thiên giới qua việc tu tập Tứ vô lượng tâm và hướng dẫn cho mọi người cũng thấy dường ấy. Nhưng nay Ngài lại tìm được pháp cao siêu thù, thắng hơn đó là Bát thánh đạo đưa đến Niết-bàn tịch tịnh.

Với tâm huyết của người xuất gia phạm hạnh thanh cao, Hòa thượng đã khuyến khích chư vị trụ trì học viên thấy được những điều cần thiết trong việc xây dựng nếp sống thiền môn, và phương pháp hoằng truyền giáo pháp Thích Ca đến với cả thảy chúng sanh. Sau thời chia sẻ của Hòa thượng, chư vị học viên vô cùng hoan hỷ và đạt được nhiều điều lợi lạc, hữu ích.

trutri4

trutri5