HT. Giác Minh và ĐĐ. Giác Nhường khuyến tấn hành giả khóa Bồi dưỡng đạo hạnh

Sáng ngày 07/7 Bính Thân (nhằm 09/8/2016), Hòa thượng Giác Minh – Tri sự phó Giáo đoàn III đã viếng thăm và khuyến tấn khóa sinh “Bồi dưỡng đạo hạnh” lần thứ 2 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, Thành phố Hồ Chí Minh.

HTGiacMinh

ĐĐ. Giác Hoàng cảm niệm tri ân Hòa thượng

Hòa thượng khuyến tấn chư vị hành giả khi trở về tham dự khóa tu học này là phước duyên rất lớn. Chư vị muốn trở thành bậc mô phạm trong ngày mai hậu thì phải được rèn luyện, dạy dỗ, ví như người lính, thợ mộc, thợ may,… đều phải trau dồi mỗi ngày mới trở nên anh lính tài, người thợ khéo. Và chúng ta đang ngồi nơi này để nghe pháp, học kinh, tu tập nhưng bên cạnh đó biết bao người phải khổ cực tìm kế mưu sinh, lại còn chiến tranh, bệnh tật, thiên tai,… chi phối đời sống con người.

Chư Tôn đức đã dày công mở lớp bồi dưỡng để chư vị được tu học. Chúng ta phải ghi nhớ ân sâu này mà gắng sức gia công tu tập cho thật xứng đáng là người con của Phật, Tổ, Thầy. Chúng ta đừng nghĩ mình sẽ học cái gì cao xa mà bỏ quên mất những việc gần gũi, đơn giản nhưng làm tăng đạo đức, phẩm hạnh của người tu. Hòa thượng dẫn dụ câu chuyện Ô Sào thiền sư và Bạch Cư Dị để khuyên nhắc lớp Sa-di, tập sự:

“Bạch Cư Dị như hiểu được phần nào, nên hỏi tiếp:

- Thế nào là đại ý Phật pháp?

Đạo Lâm nói:

- Chớ làm các điều ác, những điều thiện nên làm.

Bạch Cư Dị nghe xong thầm nghĩ, ngỡ là Thiền sư sẽ khai thị đạo lý thâm sâu cho mình, không ngờ Ngài lại nói ra điều tầm thường đến thế. Cảm thấy quá thất vọng, Bạch Cư Dị nói:

- Đạo lý này đứa bé ba tuổi cũng biết nói.

Thiền sư Đạo Lâm mỉm cười:

- Đúng thế! Đứa bé ba tuổi cũng nói được, nhưng ông lão 80 tuổi làm chưa xong”.

daohanhlan2 5

Phần tiếp theo, Hòa thượng giảng giải về 2 giới đầu trong 10 giới Sa-di, tập sự là giới cấm sát sanh và cấm trộm cắp. Đối với giới sát thì người xuất gia phải dứt trừ tâm sát và thân sát vì tâm chính là mấu chốt của luân hồi sanh tử, cũng là đường dẫn đến bến bờ yên vui hạnh phúc (tâm làm chủ, tâm tạo tác). Và giới thứ 2, chư hành giả cũng nên từ bỏ ý niệm bất thiện và rộng lòng ra ơn bố thí thể xả bỏ cái tâm tham lam bu bám chúng ta ngàn đời, ngàn kiếp. Và chính khóa tu này đã tạo điều kiện thuận lợi cho chư hành giả có nhiều cơ hội thực hiện tốt.

Cuối giờ, Hòa thượng nêu lên những câu hỏi liên quan tới bài giảng nhằm hỗ trợ cho hành giả hiểu rõ hơn những điều đã được học.

Chiều cùng ngày, Đại đức Giác Nhường tiếp tục triển khai chi tiết về giới thứ nhất và giới thứ hai của Sa-di giới.

Trước khi đi vào nội dung chính, Đại đức nói đến đạo hạnh của người xuất gia tân học là phải thực hành mọi oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, nói, làm,… còn việc học ở nơi trường sở là đạo lý, tham dự các khóa tu là nơi vun bồi đạo hạnh để thành tựu đạo quả. Nếu chư hành giả học mà không hành thì sẽ mất đi hai thứ tài sản quý báu của bậc Thánh là tâm tàm, tâm quý.

Và sau đó, Đại đức lần lượt phân tích từng giới để chư vị tân học dễ dàng nắm bắt. Với việc nghiên cứu sâu rộng, Đại đức đã dẫn những tích truyện liên quan đến những điều sai phạm của các vị Sa-di thiểu trí. Chính vì không có nhận thức đúng thông qua việc làm, lời nói, ý nghĩ mà phải thọ lãnh hậu quả khổ sầu, đớn đau trong địa ngục.

Kết thúc buổi giảng, Đại đức nhấn mạnh với chư hành giả phải học hỏi cho thấu đáo để ứng dụng vào đời sống tu tập mang lại kết quả tốt nhất.