HT. Giác Toàn viếng thăm và chia sẻ Chơn Lý tại Hạ trường Tổ đình Minh Đăng Quang

Ngày 10/05/Mậu Tuất (nhằm 23/06/2018), HT. Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trưởng Ban Tổ chức khoá An cư đã viếng thăm và khuyến khích chư hành giả tại Hạ trường Tổ đình Minh Đăng Quang qua hai quyển Chơn lý: Võ Trụ Quan và Ngũ Uẩn.

Hoà thượng Trưởng Ban Tổ chức khoá An cư giảng giải về hai quyển Chơn Lý: Võ Trụ Quan và Ngũ Uẩn

Hoà thượng tán thán chư vị hành giả có được môi trường thuận lợi để chuyên tâm tu học, và nhất là được về lại nơi sinh trưởng của Tổ sư; nơi nguồn cội thiêng liêng của quê Cha đất Tổ. Ngài đã nhắc đến hành trạng quý báu của đức Tổ sư Minh Đăng Quang từ khi xuất gia cho đến lúc chứng đạo, thành lập giáo đoàn Khất sĩ noi theo chí nguyện của đức Thế Tôn khi xưa là “Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” để cho Tăng, Ni hành giả lấy đó làm nguồn động lực mà tinh tấn tu tập cho đến ngày công viên quả mãn.

Với sự thấu đạt Chơn lý của đức Tổ sư, Ngài đã nói đến quá trình học tập, hành trì và thành đạt quả vị của người xuất gia phạm hạnh trong Chơn lý Võ Trụ Quan, như sau: Người mà giác ngộ chơn lý mới biết đường đi, đi tới cảnh cao siêu tốt đẹp của tâm hồn, vĩnh viễn, chắc thiệt yên vui; mới gọi ta, của ta, mới có lý nghĩa, mới là ích lợi. Hết mê lầm, không loạn vọng. Không sở chấp chi nữa hết.” lời dạy này được Hoà thượng chia sẻ với đại chúng hành giả khi chính thức đi vào từng phần nội dung của Chơn lý Võ Trụ Quan.

Chơn lý Võ Trụ Quan chia thành 10 phần từ Thể của võ trụ đến phần cuối cùng là Chơn lý của võ trụ. Mỗi phần được Hoà thượng triển khai rất cụ thể rõ ràng giúp cho người nghe dễ dàng nắm bắt và hiểu rõ nghĩa lý để ứng dụng vào đời sống phạm hạnh mỗi ngày.

Và trong Chơn lý Ngũ Uẩn, đức Tổ đã định nghĩa hai chữ chơn lý: “Chính nghĩa hai chữ chơn lý, chơn là không vọng tự nhiên, lý là lẽ, lẽ thật tự nhiên. Chơn như tự nhiên là gốc vốn nguyên xưa. Nếu ta đang rối khổ, mà hiểu được lẽ tự nhiên chơn như, là sẽ hết khổ.” Mọi người khi hiểu và hành trì cho thấu đạt được chơn lý, lẽ thật của con người, vạn vật, các pháp thì sẽ lìa khổ được vui.

Chơn lý Ngũ Uẩn được đức Tổ chia làm 15 phần; phần đầu là Ngũ Uẩn hay Ngũ Ấm đến phần cuối chót là Chơn lý của Ngũ Uẩn. Từng phần được đức Tổ định nghĩa triển khai, giảng giải rất tường tận, rất chi tiết từ chúng sanh đau khổ ở cõi thấp tiến dần tới cảnh giới cao hơn như người, trời hay Phật thì phải dứt bỏ cái phàm tình, mê vọng mà gốc chính là tham, sân, si phiền não.

Qua mỗi phần của hai quyển Chơn lý, Hoà thượng chia sẻ với đại chúng với những hình ảnh thiết thực, sống động từ tự thân tới cuộc sống xung quanh giúp cho chư hành giả hoan hỷ tiếp nhận trọn vẹn lời dạy của đức Tổ sư, của chư Tôn đức để sống ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn mỗi ngày, như Thiền sư Huyền Quang – Tam Tổ Trúc Lâm đã nói:

“Phồn hoa rủ bóng không theo

Thiền lâm an trú ẩn nghèo nhàn cư

Sớm khuya Bát nhã đèn từ

Nước Ma ha rửa sạch ngu nhiều đời

Lòng thiền vằng vặc trăng soi

Hiu hiu thế sự, gió thời gian qua

Bụt hiện tịnh cốc lòng ta

Ngại chi non nước gần xa dặm trời.”