HT. Giác Tường: "Xưa Sa Đéc là quê..."

HT. Giác Tường hiện nay là Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ. Hòa thượng kể về ký ức Tết xưa trong cửa thiền của Giác Ngộ Xuân với giọng thơ thâm trầm, đạo vị...

Quê tôi ở Sa Đéc. Học hết lớp ba trường làng thì tôi ở nhà làm ruộng. Ngày xưa,  có cô em gái mới 16 tuổi, em thường theo dì Út ra Linh Phước tự nghe Tổ sư Minh Đăng Quang thuyết pháp. Tôi đi chợ, thấy đông đông nên ghé vào xem. Trước đó, tôi đã từng nghe “y bát chân truyền” nhưng chưa thấy ai, bây giờ mới tận mắt chứng kiến ngài về thuyết pháp.

HTTuong

HT. Giác Tường - Ảnh: Bảo Toàn

Đó là cái duyên lần đầu tiên tôi gặp Sư Tổ và biết đạo. Do cái duyên gặp Sư Tổ sớm nên em gái tôi đi tu trước. Lúc đó, tôi suy nghĩ “ai tu nấy đắc” nên từ đó tôi cũng nuôi mộng đi tu, đợi “trái đã chín muồi” thì tôi cũng nối bước…

Sau khi lạy phụ mẫu 3 lạy, tôi từ giã dáng mạo anh trai làng làm nghề cắt tóc. Tôi quyết chí đi tu. Tôi ra Sa Đéc một lúc thì nghe Sư Tổ về thuyết pháp ở tịnh xá. Tôi quyết định vào tịnh xá làm công quả với Sư Tổ Minh Đăng Quang. Những ngày làm công quả rất ấn tượng với tôi.

Tuy rất cực khổ nhưng lúc đó đối với tôi mà nói thì đó là niềm vui vô hạn. Đến bây giờ, hình ảnh tôi và Sư Tổ vẫn rõ ràng nhất. Tôi thì xắn đất dưới ao đưa lên, Sư Tổ thì bê đất đắp nền. Thầy trò chúng tôi đắp nền làm tịnh xá Ngọc Quang ở Sa Đéc với mây tre lá đơn sơ. Sau đó, tôi ngộ đạo. Tôi thưa với Sư Tổ, xin xuất gia. Đó là năm 1954, năm đó, tôi tròn 24 tuổi.

Tôi gút lại, cuộc đời tôi bằng mấy câu thơ này, tạm gọi là: “Xưa Sa Đéc là quê mà nay vũ trụ là quê Sư Tường”… Lấy vũ trụ là nhà, nhân sanh làm quyến thuộc. Lấy từ bi, bình đẳng làm cứu cánh… Đời của chư Tăng là đời của muôn phương. Mặc năm tháng phong trần chẳng quản ngại… Ví như, cuộc đời hành đạo của Sư Tổ Minh Đăng Quang, Sư Tổ đã viết được bộ Chơn lý gồm 70 cuốn. Tôi mới xem được 50 cuốn thì vèo… nay tôi đã 85 mùa xuân.

Theo tục lệ cổ truyền, Tết Nguyên đán là buổi sáng đầu tiên để mở màn cho một năm mới. Vạn vật được tạo hóa an bài, luôn luân chuyển, sinh sôi, cái này sinh thì cái kia sinh… Mùa xuân cũng vậy, cỏ cây hoa lá xinh tươi, người người đón chào mùa xuân vui đẹp. (Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng: mùa xuân là mùa sinh sản, mùa hạ tăng trưởng, mùa thu thâu rút lại, mùa đông ẩn tàng, chất chứa)…

Tết đến, mỗi người đều được nàng Xuân cho thêm một tuổi. Vậy thì, ba mươi tháng Chạp, mùng một tháng Giêng, tất cả những kẻ phiêu lưu hồ hải đồng nhớ cội nguồn trở về quê cha đất tổ ăn Tết. Ăn Tết ôn lại dĩ vãng năm qua, kinh nghiệm năm tới, làm ăn cho được tấn tài, tấn lợi, tấn phát thêm lên.

Còn chư Tăng, chư Ni, nàng Xuân cũng cho thêm một tuổi. Chư Tăng không nghĩ ngày trở về cố quận … nhưng cũng nhớ ngày xuân mà đón chào nàng Xuân như ai nấy! Vì vậy, theo truyền thống, tại tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), lúc gần giao thừa, 12 giờ thiếu 15 phút, toàn bộ chư Tăng tịnh xá lên chánh điện đọc một bài kinh cầu an - kinh Phổ môn.

Sau đó, tiếng chuông trầm hùng vang lên để đón giao thừa, đón mừng xuân mới đã về: Xuân đã về trong lòng người muôn sắc. Xuân tưng bừng gieo rắc khắp muôn phương. Xuân về đây rộn rịp cả phố phường. Tiết xuân thắm rộn lên trong lòng đất. Hồn xuân tỏa lan tràn lên cảnh Phật. Sương xuân rào rạt vạn cành hoa. Gió xuân về trong nắng ấm chan hòa. Hồn xuân nở giữa hoa đời tươi đẹp…

Nhân dịp năm mới, Ất Mùi đã về, tôi chúc quý Phật tử, độc giả Báo Giác Ngộ “bá niên trường thọ”, được ông bà, cha mẹ lì xì… bạc cắc!

Nguồn: giacngo.vn