Hướng thiện cho con

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng để hình thành nhân cách, góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình dường như là điều không thể thiếu đối với mỗi cá nhân, có lẽ chúng ta sẽ không thể sống hạnh phúc nếu thiếu đi hơi ấm của gia đình. Chính cái nôi của gia đình đem đến cho ta sự ấm áp, sự yêu thương, là điểm tựa và cho cả sự tiếp sức để mỗi người phấn đấu. Việc chăm sóc mái ấm của riêng mình không chỉ đem lại hạnh phúc bản thân mà đó cũng là nơi ươm mầm cho các thế hệ tương lai. Hướng thiện cho con là cách ươm mầm sức sống tươi nhuận, đơm hoa kết trái ngọt ngon cho đời.

Thật vậy, gia đình quả thật đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với việc hình thành và giáo dục nhân cách con người. Uơm mầm giống đẹp ắt hẳn mai sau được trái lành. Việc nuôi dạy con cái cũng giống như việc trồng và dưỡng nuôi mầm xanh. “Dạy con phải dạy từ thuở còn thơ”, ông bà xưa đã dạy như thế.

Đọc lịch sử đức Phật, ai ai cũng sẽ công nhận Ngài là một nhà giáo dục vĩ đại nhất. Nơi Ngài ta cảm nhận được hơi ấm lan tỏa xoa dịu khổ đau, vun bồi những thiếu xót, để từ đó trí tuệ bừng nở, hạt giống Bồ-đề càng xanh tươi. Nhiều người sẽ phẫn nộ trước hành động ra đi tìm đạo của Siddhattha, sao lại nhẫn tâm bỏ đứa con khi mới chào đời. Song ít ai biết rằng, khi trở thành bậc Chánh đẳng Chánh giác, đức Phật lại trở thành người Thầy hướng dẫn cho La-hầu-la suốt quãng đời thời niên thiếu. Và dưới cách dạy dỗ từ người cha mô phạm, La-hầu-la đã đạt được giác ngộ viên mãn ở độ tuổi 20.

“Cha mẹ sanh con trời sanh tính”, phải chăng đúng như thế? Thiết nghĩ đó chỉ là câu nói truyền miệng để xoa dịu đi sự bất lực của cha mẹ đối với những đứa con ngỗ nghịch. Ngoài yếu tố nghiệp lực, gen, huyết thống thì đó là sự uốn nắn giáo dục con trẻ từ lúc thuở nhỏ. Nhiều nhà khoa học còn khuyên các bậc cha mẹ phải uốn nắn con từ trong bào thai nữa. Vậy việc người con “nên” hay “hư” cũng có sự ảnh hưởng từ cách giáo dục của cha mẹ. Môi trường sống cũng góp phần quyết định cho sự hình thành nhân cách của con người đạo đức. Mạnh Tử là một nhà tư tưởng, một nhà chính trị rất nổi tiếng của Trung Quốc thời kì Xuân Thu Chiến Quốc. Tầm ảnh hưởng của ông chỉ sau đức Khổng Tử, ông được tôn xưng là “Á Thánh” trong hệ tư tưởng chính thống của xã hội phong kiến thời bấy giờ. Mạnh Tử có được thành tựu rạng rỡ như vậy là nhờ người mẹ của ông: Mạnh mẫu.

Những thành công của Mạnh Tử có liên quan chặt chẽ đến việc giáo dục ban đầu. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, Mạnh mẫu đã chú ý và coi trọng việc chọn cho con môi trường sống lành mạnh. Bà sở dĩ chuyển nhà đến ba lần là để tạo cho con môi trường sống tốt, để giúp con lớn lên khỏe mạnh. “Cha mẹ là người thầy tốt nhất của con cái”. Quả thật, vị thầy đầu đời đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách phẩm hạnh của con.

“Đấng Sanh Thành” hay “người thầy đầu tiên” là những cách gọi chỉ cho cha mẹ. Vì cha mẹ là người sanh ta ra đời, dưỡng nuôi, chăm sóc và dìu dắt ta trên con đường đạo đức. Bổn phận của cha mẹ vô cùng quan trọng là thế.

Theo đức Phật, yêu thương và chăm sóc cho con cái là điều kiện tiên quyết đầu tiên đối với bổn phận của cha mẹ. Tuy nhiên, dưỡng nuôi để một đứa trẻ lớn lên bình thường chưa đủ, cha mẹ phải là người mẫu mực cho con cái noi theo. Mỗi một lời nói và hành động của cha mẹ là khuôn thước hình thành những thói quen của con trẻ. Chính vì được xem là người thầy đầu đời của con nên cha mẹ dường như luôn sát cánh cùng con qua từng giai đoạn cuộc đời. Vì thế, đối với tâm sinh lý của trẻ hay tính cách của từng đứa con mà cha mẹ có cách uyển chuyển dạy dỗ, không phải lúc nào cũng cưng chiều, không phải lúc nào cũng dùng hình thức của roi vọt.

Đôi khi, những lời la mắng với con cái thật ra chỉ là sức mạnh mà không có nội lực. Đức Phật đã bình tĩnh chọn thời điểm đúng lúc để dạy con mà không la rầy, trách mắng, trừng phạt hay nổi giận với con. Hiền từ mà nghiêm khắc sẽ gieo vào lòng con trẻ ấn tượng, từ đó trong tâm thức của chúng sẽ tuân theo những gì cha mẹ dạy. Thay vào đó sẽ không có những phản ứng dữ dội từ những trận đòn, từ những lời lớn tiếng, hay là cái nhìn trừng trừng ghê sợ của người lớn. Để rồi, chính những điều đó khiến chúng luôn sống trong sự sợ hãi, bất an và không dám đối diện với cha mẹ khi con trẻ có bất cứ tâm sự hay sự thay đổi nào qua từng thời kì phát triển của chúng.

Giúp con trẻ kiềm chế những cảm xúc bất thiện là điều cần thiết. Cha mẹ thiết lập cho tâm hồn con trẻ những suy nghĩ, những hành vi xuất phát từ lòng từ bi, bác ái, trí tuệ, để con luôn thấy được những điều cha mẹ dạy là rất dễ thương và đạo đức.

Con cái luôn thích làm những gì để thỏa mãn tính hiếu kì của chúng, đôi khi sự dạy bảo của cha mẹ khiến chúng khó chịu. Những lúc như thế, cha mẹ phải cực kì tâm lý, chọn thời điểm đúng lúc để giáo dục con. Bắt buộc sẽ làm cho chúng phô bày những phản ứng hay sự chống cự và không đồng tình, cũng có thể theo thời gian sẽ khiến cho đứa trẻ hoàn toàn mất tự chủ với những cảm xúc tâm lý bình thường, và việc giáo dục từ cha mẹ sẽ trở nên rất khó khăn. Kiên nhẫn kết hợp yêu thương để con thấy rằng cha mẹ luôn vì con và sát cánh bên con.

Lòng hướng thiện nơi cha mẹ là gương sáng tuyệt vời cho con. Lẽ dĩ nhiên, cha mẹ không thể hô hào con phải thế này hay phải như thế kia nhưng chính bản thân mình lại không làm được những gì mà mình đã dạy. Rằng con không được tham lam, phải sống nhân nghĩa, phải yêu quý điều lành, phải ăn nói thật thà, sống lương thiện, bao dung nhân ái, vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Ấy vậy mà, cha mẹ lại quá mưu tính, tham vọng, dối gian, yếu đuối, có lối sống bất chánh trong cuộc sống. Cho nên, đời sống mô phạm của cha mẹ chính là tấm gương lý tưởng để cho con cái nhìn vào đó mà học theo. Hãy tin rằng, giáo dục con trẻ trên nền tảng hướng thiện, là bạn đang xây dựng tương lai tươi sáng cho cuộc đời con mình.

Ngay khi còn nhỏ, cha mẹ cần sớm dạy cho con phân biệt điều tốt, điều xấu, thế nào là lẽ phải cùng lẽ trái, điều gì được làm và không được làm. Tuyệt đối không vì nuông chiều con mà để con sống vô lối, nhất thiết phải đưa ra một giới hạn kỷ cương cần thiết. Như thế, con trẻ mới không bị chai lì bởi những trận đòn, mà cũng không ỷ lại với sự chiều chuộng của cha mẹ.

Ngay trong phạm vi gia đình, cha mẹ cũng phải hết sức đối xử công bằng với tất cả các con, đừng để trẻ sớm nhận ra sự bất công, oan khuất… dưới mái ấm gia đình mình. Nếu ngay từ nhỏ chúng được đối xử công minh như thế thì khi bước chân vào xã hội chúng sẽ luôn cảm nhận được cuộc sống tươi đẹp, và dễ dàng có lòng hướng thiện hơn, dù chúng có gặp những trường hợp bất như ý. Nhưng vì, trong tâm thức của chúng luôn tiềm ẩn những mầm giống bao dung, dĩ nhiên chúng sẽ dung hòa tất cả với trí tuệ và tình yêu đồng loại của mình.

Hơn thế nữa, việc định hướng cho tương lai của con là rất cần thiết. Tùy vào năng lực, tính cách và sở thích của con mà cha mẹ vẽ ra cho con những gì phù hợp, nhưng không mang tính chất bắt buộc. Đến thời điểm này, cha mẹ có thể trực tiếp truyền lại cho con sự hiểu biết của riêng mình hoặc là gửi con đến một người nào đó, hay trường lớp nào có khả năng dạy con. Và khi đến tuổi trưởng thành, là cha mẹ ai cũng mong con có một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc. Điều quan trọng lúc này, cha mẹ phải là điểm tựa vững chắc để cho con bước vào đời. Tư cách đạo đức, nhân phẩm và tri thức rộng mở để con tự làm đẹp chính mình và cống hiến cho cuộc đời.

Tất cả mọi thứ cha mẹ dành cho con từ lúc chào đời cho đến những bước đi chập chững, cho đến tuổi con trưởng thành, thành đạt trong cuộc sống. Đó là niềm hãnh diện của cha mẹ. Phụ huynh sẽ hạnh phúc nhường nào khi đứa con của mình đủ tự tin đem những bông hoa tươi thắm dâng hiến cuộc đời và gửi lại một đóa tặng riêng cho mình. Và cha mẹ vui sướng khôn nguôi khi đứa con mỉm cười và nói: “Con cảm ơn!”