Hương vị giáo pháp

tamthuc1

Tâm luôn bị bó buộc đè nặng và tâm muốn thoát ra khỏi trạng thái bó buộc đè nặng ấy là hai tâm thức hoàn toàn khác nhau – khác đến nỗi không có một thực tại ước định nào có thể so sánh với tâm giải thoát cả. Loại tâm này không nằm trong vùng thực tại ước định theo cách mà các pháp có thể đem so sánh với nó một cách đúng đắn, loại tâm này chỉ nằm trong vùng thực tại theo bản chất tự nhiên của nó. Dù đã có một vài so sánh được thực hiện, nhưng đó chỉ đơn thuần trên ngôn ngữ. Kỳ thực chúng không ở trong giới tuyến của chân lý tự nhiên như chúng đang có mặt. Chúng ta phải làm những đối chiếu chỉ vì thế giới này có những quy ước và phép loại suy.

Chúng ta thấy những phạm nhân đang bị nhốt trong tù chịu sự bó buộc và áp bức, họ hoàn toàn không còn tự do cá nhân kể từ ngày bị kêu án tống giam. Thế thì họ có còn hạnh phúc gì không? Mặc dù nụ cười là của họ, cảnh vật xung quanh có thể làm cho họ cười, đó vẫn là nụ cười của kẻ tội phạm. Chỉ nghe từ “tội phạm” thôi cũng đủ nói với chúng ta rằng hạnh phúc không phải là thứ tạo tiếng cười cho họ mà việc làm ác mới là thứ tạo tiếng cười cho họ. Nó trói buộc, áp bức họ. Thế nên làm sao chúng ta có thể tìm đâu thấy hạnh phúc và an lạc nơi họ?

Chúng ta có thể lấy điểm này và so sánh nó với trạng thái tâm thức bên trong chúng ta giữa tâm và phiền não trói buộc áp chế. Những phiền não này điều khiển và trói buộc tâm trong mọi khoảnh khắc. Ngay cả khi tâm trống trơn không có suy nghĩ gì, nó vẫn bị điều khiển và trói buộc vì tính chất tự nhiên của nó như thế. Khi rơi vào trường hợp này nó có thể nhận ra đâu là hạnh phúc chân thật? Hạnh phúc nó có được chính là thứ hạnh phúc giống như thức ăn mang đến cho những tù nhân. Đấy là loại thức ăn gì? Bởi có thể không bao giờ bị ở tù nên chúng ta nào biết loại thức ăn gì dành cho tội nhân. Loại thức ăn dành cho tội nhân ấy có ngon chăng?

Nếu chúng ta nói theo cách nói của thế giới quy ước này, thực phẩm - những cám dỗ - những phiền não, cấu uế nuôi tâm, chỉ đơn giản là giữ mạng sống, cũng thế những thức ăn nuôi tội nhân chỉ là giúp họ giữ được mạng sống thôi. Cấu uế phiền não nuôi tâm để nó có thể hoạt động, cũng vậy tội nhân được nuôi ăn để họ có sức có thể làm việc, để chúng ta có thể thu hoạch từ thành quả lao động của họ. Thức ăn cho tâm là những cấu uế phiền não khiến chúng ta còn duy trì cuộc sống cũng thế thức ăn nuôi tù nhân giúp họ còn giữ được thân mạng. Không hề có sự khác nhau. Nếu chúng ta so sánh thì đó là cách vận hành của nó vậy.

jail vipassana-24d8f

Tuy nhiên nếu nhìn từ một góc độ khác, chúng ta có thể thấy rằng những tù nhân vẫn còn tốt hơn chúng ta đấy, bởi vì họ biết họ đang ăn những loại thức ăn bất đắc dĩ. Họ không ăn nó vì thích hương vị của nó đâu, bởi vì không có gì thích thú gì đối với thức ăn bất đắc dĩ này. Những thiền sinh như chúng ta vẫn cứ bằng lòng bị nô lệ vì vị ngọt của dục lạc thế gian, hay còn gọi là bị dính mắc. Khi bị sa lầy trong những cảnh sắc, đó chính vì chúng ta phát hiện vị ngọt trong đó. Khi bị sa lầy trong âm thanh dìu dặt, trong hương thơm, trong vị ngon, trong cảm giác êm dịu, chỉ đơn giản một điều là do vì chúng ta tìm thấy vị ngọt trong đó. Hương vị này không phải chỉ cho trường hợp hương vị mà lưỡi chúng ta nếm được. Tất cả những loại xúc khi mắt, tai, mũi lưỡi, thân, và ý tiếp xúc có vị ngọt trong đó và chúng ta bị dính mắc ngay, và chúng ta không hề biết rằng chúng ta bị nổi chìm trong đó hết kiếp này đến kiếp khác.

Tâm bị đắm trước, ràng buộc và cảm thấy luyến mến với những thứ này, không biết rằng chúng là vị ngọt cột trói dìm chúng ta xuống, tất cả chúng là những dây nhợ của phiền não: vị ngọt của phiền não. Cho nên chúng ta bị dính mắc vào chỗ mà chúng ta không hề biết cái hại của những vị ngọt này nếu chúng ta không vận dụng chánh niệm và tuệ tri để quán chiếu chúng một cách rõ ràng. Mặc cho đã bao nhiêu kiếp trôi qua, chúng ta vẫn sẽ cứ bị trói chặt bởi những vị ngọt này, đam mê theo mỗi khi chúng ùa qua các giác quan của mình. Đấy là sự tài tình và tinh xảo của phiền não. Chúng ta không thể nào hình dung nổi chúng tinh xảo dường nào đâu?

Nếu bạn muốn biết, hãy để hết tâm ý vào thực tập và đừng quên những gì tôi đang nói ở đây. Sẽ có một ngày bạn sẽ hiểu rõ tâm thức của mình, ấy là thành quả của việc thực tập tinh cần của bạn. Điều đó không bao giờ sai khác cả. Hãy lắng nghe thật kỹ lời của Đức Thế Tôn dạy: “Vị ngọt của giáo pháp thù thắng hơn tất cả vị ngọt trên đời.” Vậy vị ngọt ấy như thế nào? Những vị ngọt khác ấy chính là vị ngọt từ thức ăn của những phạm nhân, đang bị giam cầm trong vòng quay của bánh xe chết và tái sinh do bởi sức mạnh của cấu uế phiền não. Chúng chẳng phải là thức ăn hay vị ngọt gì có thể làm cho tâm của chúng ta dễ chịu, thanh thản. Đó không phải là vị ngọt thật sự. Chúng không phải là vị ngọt của chân lý. Vị ngọt ấy chỉ là giả vờ, cấu uế phiền não phủ lên mọi thứ chúng ta tiếp xúc, chúng ta ăn uống. Đó không phải là vị ngọt của giáo pháp chân chánh.

Vị ngọt giáo pháp bắt đầu có mặt khi tâm tập trung vào định. Khi tâm bắt đầu lặng yên, niềm hỷ lạc sẽ bắt đầu hiện hữu, vị ngọt đấy, tùy vào thời gian tâm lặng yên và tùy vào mức độ tịch tĩnh của tâm. Khi chúng ta bảo “mức độ tịch tĩnh”, đừng nghĩ rằng chúng có nhiều giai đoạn khác nhau giống như chiếc thang. Đấy chỉ là cách nói. Kỳ thực, chúng gói chặt với nhau từ hỷ lạc trong định tâm ban đầu diễn tiến cho đến khi mức định tâm trong lặng hoàn toàn. Hỷ lạc khởi lên sẽ càng lúc càng tinh tế thanh tịnh hơn. Những thứ này là một trong những vị ngọt của Chánh pháp - Pháp tu tập định, Pháp an lạc - trong tầng tâm tĩnh lặng.

Khi tâm tĩnh lặng nhờ thức ăn đặc biệt của nó, nó lại dần dần rung động với những vị ngọt khác của sắc tướng, âm thanh, mùi hương, vị chất và xúc chạm bởi vì vị ngọt của sự tĩnh lặng này bắt đầu nổi trội lên. Vị ngọt này cũng vượt trội hơn những vị ngọt khác. Vị ngọt gia tăng thêm khi tâm bắt đầu quán chiếu phân tích mọi điều dựa trên ba tiêu chuẩn hay tập trung thiền quán trên đề mục quán bất tịnh — do vì lúc bắt đầu, chúng ta hướng đến tu tập theo đề mục quán bất tịnh, quán chiếu rõ từng phần một trên thân mình và người khác, cả bên trong lẫn bên ngoài, pháp tu này có vẻ rất phù hợp và tự nhiên cho chúng ta thực tập vì tất cả chúng có cùng nhân duyên giúp cho chúng ta từng bước nhận ra một cách rõ ràng: Hương vị giáo pháp sẽ đậm đà hơn, trở nên một thứ vị ngọt đặc thù. Và thêm vào đó nó còn là một vị ngọt phát sinh từ hạnh buông xả.

ducphat

Bản chất tự nhiên của tâm là vậy, hễ gặp điều chi quán chiếu cho tường tận rồi để điều ấy lướt qua. Nếu không thì vừa lướt qua là ta đã dính mắc tham đắm vào đó, thế là sợi dây cấu uế phiền não ràng buộc cột trói bủa vây ta rồi. Cấu uế phiền não được tặng cho những mỹ từ, bảo với chúng ta rằng “Cái này tốt. Cái kia dễ thương. Cái này xinh đẹp”. Chúng chẳng bao giờ nói với chúng ta rằng thân này là uế trược, đáng gớm ghê, phù du, bất an và không có gì là ta cả, không thuộc về chúng ta hay ai khác. Những thứ cấu uế chẳng bao giờ lộ cho chúng ta biết, không bao giờ đề cập, không bao giờ gợi ý về những tiêu chuẩn đúng đắn của chân lý. Thay vào đó, chúng mang đến cho chúng ta những tiêu chuẩn của chúng làm nhiễu loạn Chánh pháp, bảo chúng ta làm điều ngược lại - cái này hay cái kia là đẹp đẽ, là bền lâu, là giá trị - từ chối sự thật bằng mọi giá bởi vì năng lực của chúng rất mạnh. Vì lý do này, chúng ta cần theo sát biết rõ sự giả dối của chúng, phản đối chúng và ly khai chúng bằng cách vận dụng những năng lực như chánh niệm và sáng suốt.

Thế giới của chúng ta hầu như bị dính chặt với bề ngoài giả dối của phiền não. Khi tâm sáng suốt quán chiếu rõ nội tâm, cùng với những thứ xấu xa nhơ bẩn như chúng ta đã nói và ba định chuẩn vô thường, khổ vô ngã, quan sát và phân tích trước sau, xem xét nhiều lần, những sự thật mà lâu nay cấu uế phiền não phủ lấp lên sẽ bị vén mở làm lộ rõ sự thật muôn đời của chúng, bởi vì những định chuẩn này là sự thật là chân lý muôn đời, thuần tịnh và giản dị. Không có gì giả mạo chúng được cả. Những gì giả mạo, đó là những quan điểm lầm lẫn của chúng ta, đó là phiền não không phải là giáo pháp.

Chúng ta có thể nhận chân vạn pháp vốn chúng như thế - không có gì để hoài nghi - chỉ có điều chúng ta có thể loại bỏ đi những thứ giả danh che đậy sự thật bên trong. Ví dụ như vẻ đẹp: Thật sự một thân hình đẹp là ở điểm nào? Tiêu chuẩn đẹp của bạn là gì? Nếu bạn nói theo tiêu chuẩn, nguyên tắc của chân lý, làm sao bạn có thể thấy cái đẹp nơi cơ thể con người như thế này? Nó chứa đầy dẫy những thứ dơ uế cả bên trong lẫn bên ngoài, đó là lý do tại sao chúng ta phải tắm gội thường xuyên. Ngay cả quần áo hay những vật dụng khác khoác trên thân thể này cũng bị hôi bẩn bởi vì phần lớn thân thể bất tịnh cả bên trong lẫn bên ngoài. Bất cứ cái gì nó tiếp xúc như y phục, áo quần, nơi ở, giường chiếu đều bị dơ cả. Nơi nào con người sống đều là ô trược nhưng chúng ta không nhận ra sự thật, căn bản là vì chúng ta bị lệ thuộc vẻ bề ngoài.

Là một thiền giả chúng ta quán chiếu mọi thứ để thấy được sự thật này. Đừng lẩn tránh nó. Đây là sự thật đích thực. Những thứ lừa phỉnh chúng ta để nhìn thấy thân này là đẹp đẽ đều là giả mạo, dối gạt. Đúng như thế. Hãy nên nhìn kỹ lại thân thể bạn. Chỗ nào bạn cho là đẹp phù hợp với tiêu chuẩn sự thật trong giáo pháp? Hãy quán chiếu nó. Có phần nào dám so sánh với giáo pháp và thật hơn cả giáo pháp, nếu không nói là nó giả dối hơn giáo pháp?

Giáo pháp không có mặt trong tâm ta là bởi vì sự giả dối quá mạnh, quá cứng chắc và che giấu quá kỹ. Mặc dù toàn thân cả trong lẫn ngoài thật ô uế, chúng ta vẫn thấy nó đẹp và bền vững. Những vấn đề giữa sự thật và giả dối đang hiện diện trong thân và tâm ta, bởi vì chính phiền não cũng đang có mặt trong tâm và chi phối ảnh hưởng năng lượng tiêu cực của chúng trên toàn thân, và rồi vung vãi ra cả bên ngoài, đến nỗi liệng chúng ta vào vòng luẩn quẩn của sinh tử, khiến chúng ta quan niệm rằng đây là ta, đây là của ta, ta là tất cả, tất cả là của ta, mọi thứ thật dễ thương, còn hoài không mất, đáng hưởng thụ, hòa theo bài ca của những phiền não, những kẻ lừa dối phỉnh gạt tâm mình vào chốn say sưa, cuồng nhiệt, quay tròn còn hơn một trái banh. Và chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc gì trong khi mải mê với những thứ giả mạo lừa dối như thế?

Nếu chưa thức tỉnh quay về nơi các giác quan tự thân, thì chúng ta đang ở đâu đây và khi nào mới quay về? Nếu giáo pháp của Đức Thế Tôn không đánh thức được những thiền sinh như chúng ta, còn ai trên thế giới này có thể đánh thức nổi chúng ta nữa chứ? Khi các ngài nói, “svakkhato bhagavata dhammo” có nghĩa là giáo pháp của Đức Thế Tôn là những lời dạy đúng đắn - hướng dẫn phương pháp hoàn hảo nhất để trực nhận rõ ràng, không gì có thể bị che giấu hay bí mật nữa. Cái gì đang bị che giấu thế? Nếu như chúng ta đưa mắt nhìn, thì sẽ thấy ngay những gì tôi đang nói ở đây.

Thế nên, hãy nhìn vào bên trong, từ lớp da này trở vô bên trong. Một lớp váng chất bã dơ trên da và lớp váng mồ hôi: Những thứ này có tốt đẹp gì không? Chúng có sạch sẽ và dễ thương không? Nếu chúng là sạch sẽ sao chúng ta lại gọi là lớp váng? Hãy nhìn sâu thêm bên trong. Cái gì ở bên trong mà dưới góc nhìn giáo pháp có thể bảo là xinh xắn, đẹp đẽ đây? Giáo pháp nói cho chúng ta biết rằng không có cái gì là dễ thương hay đẹp đẽ ở đó cả, mọi thứ đều rất dơ bẩn. Thế thì phần nào tốt đẹp đúng với quan điểm giáo pháp của Đức Thế Tôn? Nếu giáo pháp là sai, nếu Đức Thế Tôn không dạy pháp đúng đắn, vậy hãy tìm minh chứng để chứng tỏ nó sai. Đối với mọi thứ, giáo pháp đều bảo là: khi bạn thể nhập vào bên trong chúng với nhận thức sáng suốt, bạn sẽ thấy rõ chúng chỉ là thế. Không có điểm nào để bạn tranh luận chi hết.

Tất cả những thứ này vốn là thật như thế, kể cả ngay trước lúc chúng ta quán chiếu chúng, thế nhưng những cấu uế phiền não đã đóng cặp mắt chúng ta lại trước chúng. Mặc dù nhìn, chúng ta cũng chẳng thấy bản chất chúng vốn dĩ đã như thế. Mặc dù những thứ dơ bẩn chất đầy trên toàn thân, phiền não vẫn một mực từ chối và biến nó thành thứ gì đó dễ thương, và chúng ta tin chúng, không chịu hướng đến giáo pháp đang vẫy tay mời chào, sẵn sàng giúp đỡ chúng ta trong mọi lúc, như thể đang gọi chúng ta: “Dừng lại. Hãy nương vào giáo pháp. Nhanh lên, bạn sẽ thoát khỏi hiểm nguy. Nhanh lên, hãy từ bỏ tất cả phiền não. Chúng là ngọn lửa đang thiêu đốt bạn đấy.”

Hãy nhìn xem chuyện gì xảy ra khi bạn đập tan phiền não ra từng mảnh nhỏ. Chiến đấu với chúng cho đến khi nào bạn không còn hơi thở. Đó là khi giáo pháp tỏa tràn mọi hướng quanh bạn giúp bạn nhận chân vạn pháp rõ ràng. Đây là phương thức đào sâu bên trong các pháp đang bị che khuất làm cho phơi bày hết sự thật: Đấy là giáo pháp chân chính. Nếu nhận chân được chân lý, chúng ta bắt đầu nhận ra giáo pháp chân chính từng bước một. Ngay khi an trú trong trạng thái tâm tĩnh lặng, chúng ta cũng không bị bất cứ điều gì lôi kéo làm trở ngại, bởi vì chúng ta đã có hương vị giáo pháp. Tâm ta có thể uống những giọt giáo pháp: đó là sự an bình tĩnh lặng trong tâm. Tâm không còn chạy nhảy, không còn kiêu ngạo hay tự hào, bồn chồn hay cuồng loạn, bay bổng vượt thoát ra ngoài những pháp đã định sẵn, bởi vì nó đã tìm thấy một loại thức ăn thật vừa ý để duy trì sự sống.

Khi dùng nhận thức sáng suốt để quán chiếu chuẩn bị món ăn cho chúng ta, làm cho nó còn đặc biệt hơn cả thức ăn tĩnh lặng, chuyển hóa nó thành món ăn trí tuệ, món ăn này có hương vị đặc biệt hơn và thuần tịnh hơn cả, không có giới hạn, nó phát xuất từ sự quán chiếu và phân tích thân thể, một đề tại trong thiền tập của chúng ta. Nguyên tắc cơ bản chúng ta cần dựa vào để đối trị và quét sạch phiền não chính là ở đây, đó cũng là lý do Đức Thế Tôn chú trọng hướng dẫn pháp tu ở điểm này. Không quan tâm đến việc nào khác bởi vì đây là chỗ then chốt mà chúng sinh dính mắc chấp giữ. Tham chấp bên ngoài là đối tượng thứ hai. Khi chúng ta quán chiếu để thấy rõ các pháp theo chân lý này, từng bước từng bước, không thối lui, luôn quán chiếu kỹ, hoặc buông xả nó đi cho đến khi chúng ta nhận thức rõ ràng, khi ấy khả năng đủ để quán chiếu cộng với khả năng buông xả mọi tham chấp sẽ xuất hiện đúng thời ngang qua năng lực của tuệ tri mà đó đã loại bỏ những pháp giấu khuất, lật tẩy tất cả những pháp giả tạo để thấy rõ ràng chân lý chắc thật trong tâm. Tuệ tri ở trình độ này sẽ dừng ở điểm thích hợp của riêng nó.

Về việc tham chấp dính mắc, chúng ta không cần nói gì cả bởi vì đơn giản chúng là kết quả của sự lừa dối. Nơi đâu có mặt tuệ tri, nơi đó sự lừa dối lập tức ẩn mất, cho nên làm sao tham chấp tồn tại được? Nó phải lẫn trốn là điều không nghi ngờ gì. Chúng ta càng quán chiếu trong khi sửa soạn món ăn - đây là hương vị giáo pháp - qua năng lực của chánh niệm và tuệ tri, tháo gỡ từng thứ một để thấy đúng đắn chúng là gì, thì tâm càng trở nên nhẹ nhàng, thanh thản. Tỉnh ngộ và tự hỏi. “Đã bao lâu rồi tôi cứ dính mắc như thế này? Tại sao tôi dám làm những điều theo cách bướng bỉnh như vậy?” Lời tự thán này cho thấy chúng ta đã trở về với chính mình - bởi vì mọi thứ thật sự không phải là những gì chúng ta đã tạo tác nên. Vậy tại sao chúng ta lại tạo ra chúng theo cách ấy? Khi chúng ta nhận thức ngang qua bề ngoài giả dối nên dẫn đến trạng thái này bởi vì tuệ tri là sự thể nhập trong nhận thức sáng suốt và có sự chọn lựa cẩn thận. Làm thế nào nó không nhận biết gì là thật gì là giả? Nếu phân tích cơ thể này thành từng phần nhỏ, chúng ta có thể nhận ra đó là một nghĩa địa sống, chỉ khi nào chết thì nó mới là một nghĩa địa chết. Làm thế nào chúng ta có thể đứng nhìn nó? Hãy nhìn ra toàn thế giới: Có chỗ nào không phải là nghĩa địa? Vô số nghĩa địa bất cứ chỗ nào có chúng sinh có mặt.

Hãy quán chiếu thật tướng của các pháp. Phải chăng tuệ tri nuôi dưỡng chúng ta? Nó giúp chúng ta khỏi bị vỡ nợ, như thế chúng ta có thể thoát khỏi cảnh làm tù nhân do bởi phiền não đoanh vây giam cầm. Tại sao chúng ta không thể vượt thoát? Giáo pháp của Đức Thế Tôn hoàn mỹ rất phù hợp với tất cả mọi người, đó là lý do Ngài đem giáo pháp dạy cho thế giới loài người. Ngài thấy đây là trung tâm điểm của sự sống, là nơi thích hợp nhất để giáo hóa. Không ai thông tuệ hơn Đức Phật, vị Đạo sư bậc nhất đã giảng dạy giáo pháp cho nơi xứng đáng nhất đó là cõi người.

Ngay lúc này, chúng ta là gì? Chúng ta là con người, chắc chắn như thế. Thêm chút nữa, chúng ta là Tăng - những vị Tăng đang thực tập thiền quán, vậy tại sao chúng ta không thể biết được sự tuyệt diệu của hương vị giáo pháp để thưởng lãm kho tàng bảo vật của riêng mình ngang qua sự thực tập của chính mình? Nếu chúng ta không có khả năng thì còn ai trên thế giới này có khả năng đây? Chúng ta nên truyền trao khả năng này cho ai? Ngay bây giờ tâm ai đang bị nhồi ép vì khổ đau và căng thẳng bất an? Không phải những thứ này gây áp lực cho tâm sao? Vậy nên chúng ta sẽ truyền trao khả năng này cho ai đây? Chúng ta sẽ truyền trao cho ai tất cả trách nhiệm và bổn phận liên quan trong việc thành tựu giải thoát? Chúng ta nên mang đau khổ đến cho họ không? Tâm chúng ta đang tràn ngập đau khổ đây. Chỉ một điều cần làm là đoạn dứt đau khổ bất an bằng cách luôn tinh tấn thực tập.

Chúng ta là những người đang lâm trận. Chúng ta đang bị khiêu chiến. Chúng ta không thể để chính mình nói rút lui. Vậy. Bất cứ đau khổ gì, dù nó to lớn mạnh mẽ cỡ nào chúng ta cũng sẵn sàng đối mặt. Đau khổ, phiền muộn có mặt cùng với ý chí tinh tấn sẽ không thể nào làm cho chúng ta bị vỡ nợ được.

Đức Thế Tôn dạy chúng ta tới lui nghĩa địa bởi vì chúng ta chưa biết rõ bên trong nghĩa địa ấy. Trước tiên, chúng ta dạo bên ngoài khuôn viên nghĩa địa để mở ra một lối dẫn tâm mình đi vào vùng ngoại vi nghĩa địa tự thân. Nghĩa địa bên ngoài chất đầy xác chết, và trên thực tế thân thể chúng ta cũng là một nghĩa địa, bao xác chết của người vật chôn trong bụng chúng ta đây. Loại nào biến thành quặng phẩm trong đó? Từ bao lâu rồi? Tại sao chúng ta không quán sát cái nghĩa địa này? Hãy quán chiếu và nhận diện nó cho rõ ràng. Những tính chất như chẳng hấp dẫn, chẳng thường hằng, bất an, không phải là ta tất cả chất đống ngay đây. Chúng ta không phải tìm chúng ở đâu xa cả.

Khi chúng ta quán chiếu những thuật ngữ - luôn thay đổi - không thường hằng - chúng ta có thể nhận chân nó một cách rõ rệt. Thân thể biến đổi mọi lúc, từ ngày nó được sinh ra đời cho đến ngày nó chết đi. Ngay cả từng cảm thọ cũng luôn thay đổi theo cách của chúng: vui, đau khổ và không vui không buồn, diễn ra ở thân và cả ở tâm. Chúng xoay tròn vòng quanh theo cách này. Chừng nào chúng mới dừng lại? Nếu có chút chánh niệm và nhận thức sáng suốt, tại sao chúng ta không nhận ra những điều này rằng chúng đang vận hành theo cách của chúng trong guồng máy nguyên lý tự nhiên. Nếu vận dụng chánh niệm và tuệ tri, chúng ta sẽ thấy, sẽ biết rõ. Những điều này không thể bị giấu kỹ mãi. Chánh niệm và nhận thức sáng suốt không thể để chúng bị chìm sâu, ẩn khuất. Chúng ta phải thấy như thật các đặc tính của chúng. Không nghi ngờ gì về điều này.

Bất an. Phần nào trong cơ thể khiến chúng ta sung sướng, thanh thản? Chẳng thấy cảm giác ấy ở chỗ nào cả nhưng bất an và đau khổ thì tràn ngập trong thân. Chúng ta thường quan tâm và chăm sóc cho thân thể để nó tồn tại, thế rồi chúng ta cứ mãi dính mắc tham chấp vào khối lửa đỏ này?

Không phải ta. Đức Thế Tôn đã tuyên bố điều đó. “Không có gì là ta. Đừng làm nó rối tung lên”. Như thể Ngài đang nắm cổ tay của chúng ta lay mạnh: “Đừng chìa tay cho nó. Đừng động đến nó. Nó nguy hiểm lắm”. Bất cứ lúc nào bạn nói rằng đó là bạn, là của bạn, tức tham chấp của bạn như chộp lấy ngọn lửa, cho nên chính bạn thoát ra bằng cách tuệ tri các pháp thật rõ ràng. Nhận diện các pháp thật sự là không thường hằng, đau khổ bất an và không phải là ta. Như vậy tâm sẽ không dám mon men đến hay đụng vào chúng. Từng bước, từng bước thực tập, gánh nặng vơi dần - những tham luyến cố chấp, chúng quả thật là rất nặng nề.

Khi tâm tự nó thoát ra ngoài mọi dính mắc tham chấp, nó trở nên nhẹ dần, nhẹ dần, càng lúc càng thanh thản. Hương vị giáo pháp sẽ xuất hiện rõ dần, rõ dần, càng tinh tế hơn trong chánh định. Khi hương vị giáo pháp vượt trội hơn hương vị của phiền não, chúng phải bị loại bỏ và bị giẫm nát dưới chân trí tuệ.

Khối thủ uẩn vật lý - thân thể - rất quan trọng. Thật sự tâm chịu sự tác động rất lớn của nó. Yêu thương nó làm cho khổ. Ghét thù nó làm cho khổ. Tức giận nó cũng khiến khổ sở. Những chuyện liên hệ đến thân là dễ thấy hơn bất cứ gì khác. Nếu tâm không thuần tịnh, thì nó không còn tìm thấy chỗ nào để nương tựa cho khuây khỏa nữa. Không chỗ nào cho những người tu hành chúng ta tịnh tu để có chút an lạc. Vì nguyên nhân này, chúng ta phải cố gắng giữ tâm cho thanh tịnh và áp dụng giáo pháp để làm bào mòn phiền não nơi mình.

Đừng cảm thấy hối tiếc thời gian dành cho việc thực tập. Đừng cảm thấy hối tiếc cho vòng sinh tử, cho ngục tù, cho người cai ngục, và người làm khổ mình: Đấy là nhiều loại phiền não khác nhau. Những thứ này là kẻ tra khảo chúng ta khốc liệt nhất từ thời thượng cổ cho đến bây giờ. Mặc dù chúng ta không thể nhớ nổi bao lâu, chỉ đơn giản nắm chắc nguyên tắc hiện tại xem đó là bản hưởng dẫn căn bản và mọi phiền não sẽ bị tan biến. Quá khứ, không luận là bao lâu, chỉ là một khối khổ và khổ. Nếu không thể ném chúng đi, những thứ này sẽ vĩnh viễn tiếp tục vận hành theo lối cũ.

Đừng để bị lôi cuốn vào bất cứ chuyện gì khác. Hãy liên tục quán chiếu sự thật - sự thật ấy đang ở bên trong bạn, lúc nào cũng chỉ chúng ra rõ ràng - bằng chánh niệm, tuệ tri, niềm tin vững chắc, và sức kiên trì. Đừng để tâm chùng xuống, thối lui. Đừng thấy điều gì và cho rằng chúng còn có giá trị lớn hơn cả sự tinh tấn để giải thoát chính mình từ những thứ trói buộc và những thứ đang đè nặng bạn. Cho dù bạn đặt nhiều cái tên cho mình hay là không đặt, hãy chắc chắn rằng ít ra ngay đây bạn không phải gồng gánh hay dính mắc thêm. Đây là điều Đức Thế Tôn bảo rằng hương vị tối thắng nhất đã tìm thấy. Nhổ bật rễ những thứ có liên quan và làm bạn vướng vào từng chút một trên con đường tu tập. Hãy xén ngang nhìn vào trong, bắt đầu từ đống xác thân vật lý này, nó như bức tường hay cái nắp dày cộm.

Một khi bạn chiến thắng được khối ngũ uẩn vật lý này, quán chiếu kỹ lưỡng chúng và với trí tuệ nhận chân chúng, không còn bất cứ sự ràng buộc nào, như thể bạn đã tích lũy một số vốn lớn, tâm bạn thật trong lành. Bạn có thể chắc chắn đạt đến giải thoát ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống hiện tại này mà không cần mong đợi, đoán chừng gì cả, có thể nó bất ngờ thành tựu năm nay hoặc sang năm. Một khi tâm bạn đạt đến mức độ này, chắc rằng bạn sẽ tự mình nhận ra điều đó. Luôn giữ vững tâm kiên định. Đau nhức và khó khăn phát sinh từ việc quá tinh tấn biến mất hoàn toàn, bởi vì hương vị giáo pháp hiển hiện rõ ràng trong tâm nhờ kiên trì liên tục có một năng lực mạnh hơn bất cứ đau khổ nào. Tâm trở nên hăng hái thực tập ngang qua những nguyên lý tự nhiên của nó. Người có tính lười biếng cần giữ tâm kiên định liên tục.

Lười biếng là một trong những phiền não, nó kháng cự tranh đấu với giáo pháp. Khi chúng ta bắt đầu phát nguyện tinh tấn thực tập, tức thì lười biếng, sự uể oải, sự chán nản, đau nhức và khó khăn, tất cả cùng xúm xít có mặt ngay áp đảo chúng ta để chúng ta không thể bước được bước nào và cuối cùng chúng ta loạng choạng ngã quỵ. Điều đó cho thấy rằng chúng ta đã bị bắn gục. Không phải đến phát thứ hai chúng mới hạ bệ được chúng ta mà chỉ một phát đạn thôi và chúng ta gục xuống - gục xuống gối và ngáy đều đều. Chúng ta luôn ở trong tầm ngắm của các phiền não, hết lần này đến lần khác, mãi cho đến khi chúng ta thật sự bị làm thành vết sẹo. Những nỗ lực của chúng ta thực chất không có nghĩa lý gì cả. Nếu cứ theo đà như vậy, chúng ta sẽ bị chìm trong vòng sinh tử, vĩnh viễn bị ở trong ngục tù của bánh xe luân hồi, chúng ta sẽ không bao giờ có một ngày được giải thoát, sẽ không bao giờ có được một ngày tự do.

Cho nên hãy chém phăng tất cả cấu uế phiền não bằng cách vận dụng những nguyên lý của giáo pháp mà Đức Phật đã ban cho chúng ta chớ không gì khác hơn. Như thế bạn sẽ vượt thoát khỏi những phiền não này, những thứ đã từng gây áp lực, chống chế bạn. Điều đó là sự thật, không nghi ngờ gì cả. Những yếu tố then chốt cần thiết là sức kiên định, chánh niệm, trí tuệ và sự nhẫn nại. Thế nên, hãy tiếp tục nhẫn nại thực tập. Có gì sai trái khi kiên nhẫn để tiếp bước con đường thực tập của bạn? Có rất nhiều điều bạn phải nhẫn nại. Thân thể vật lý đau nhức tưởng chừng gần miệng hố tử thần: Không ai khác chịu đựng giùm cho bạn. Chính bạn phải chịu đựng mà thôi. Bạn đã từng chịu đựng như thế trước đây chưa? Vì vậy tại sao bạn không thể chịu đựng những cơn đau và những mất mát khi phải tinh cần dụng công thực tập? Sau rốt, bạn nhẫn nại với chúng vì mục đích là tinh tấn để giải thoát cho bạn ra khỏi đau khổ. Vậy nên tại sao bạn không thể chịu đựng chúng? Hãy mạnh mẽ lên, tâm bạn như đang là một người xuất gia, tâm bạn đang là một thiền giả. Một khi thấy được nguy hiểm nhờ giáo pháp soi sáng, bạn sẽ thấy lợi ích phát sinh từ sự tinh cần của chính bạn.

Lúc đầu, bạn phải vật lộn hết sức vất vả với cơ thể xem nó như là một đề tài thiền quán. Khi bạn khai quang được con đường cho mình rồi, bạn sẽ thấy những nguyên nhân và hậu quả, ấy là cái vốn ban đầu của bạn, tiếp theo đó bốn uẩn khác thuộc về tâm bao gồm thọ (vedana), tưởng (sañña), hành (sankhara), và thức (viññana) cũng đã vào cuộc. Có những cảm thọ khởi lên trên thân cũng như trong tâm, nên khi bạn quán chiếu thân thể, làm thế nào để những thứ này có thể không ùa đến kết nối với nhau? Chúng là các hiện tượng liên kết với nhau. Không có chuyện rằng bạn quán chiếu thân thể xong rồi, sau đó bạn mới bắt đầu quán chiếu đến thọ, tưởng, hành và thức. Đừng trù tính sắp xếp việc gì theo cách đó bởi vì như vậy là sai. Việc thực tập thực sự không như thế. Một khi việc làm của bạn tập trung vào một điểm nào đó, nó có ảnh hưởng lên mọi thứ khác, nhưng những thứ này trở nên nổi bật chỉ khi thân thể ngũ uẩn mất đi ý nghĩa và giá trị đối với chúng ta ngang qua giáo pháp.   Trước đây, chúng ta thấy nó có một ý nghĩa và giá trị vô cùng to lớn nhưng khi giáo pháp - chân lý - đánh đổ sự lừa dối của phiền não và tham ái, những thứ này mất đi ý nghĩa và giá trị của chúng. Giờ đây, giáo pháp rõ ràng có một giá trị vượt trội trên tất cả. Đây là khi thọ, tưởng, hành và thức trở nên nổi trội bởi vì chúng đã mở ra một con đường từ việc tu tập trên thân thể vật lý.

Bạn đang có cảm thọ gì? Phần lớn chúng hội tụ về những cảm thọ của tâm. Đối với cảm thọ vật lý, tôi đã giải thích chúng cho các bạn trước đây rồi. Nếu bạn phân tích chúng khi bạn bị bệnh hay lúc ngồi thiền trong khoảng thời gian dài, bạn sẽ hiểu chúng ngay. Nếu bạn muốn hiểu chúng, tập trung quán sát chúng hôm nay, vận dụng chánh niệm và trí tuệ, bạn sẽ hiểu. Chắc chắn bạn hiểu biết chúng thật rõ nếu bạn có trí tuệ. Đừng đơn giản chỉ là chịu đựng chúng. Chiến đấu với cơn đau, bạn phải vận dụng nhận thức sáng suốt mới được. Chỉ đơn thuần chiến đấu hay chịu đựng, thì không coi là giải pháp. Phương pháp thực tập là chánh niệm và tuệ tri. Cơn đau khốc liệt, thì bạn càng có nhiều cảm thọ đoanh vây để chúng ta thực tập. Bạn không thể để chánh niệm và tuệ tri tách rời chỗ đau. Mỗi phần trên thân thể đều được nhận thức một cách rõ ràng như một thực tại với đầy đủ tính chất tự nhiên bên trong tâm bởi vì theo những nguyên lý tự nhiên chúng đã là thế.

Cơn đau dữ dội dường nào khởi lên trong thân cũng không vấn đề gì, nó là một thực tại tách rời của thân. Chỉ có tâm là dán tên tuổi gì gì đó cho nó và làm nó hiện rõ lên thôi. Chỉ có tâm là đã dùng nhận thức sáng suốt để quán sát cơn đau song hành với nó, tự thân nó vượt thoát cơn đau, ở mức độ này cơn đau là một thực tại tách rời với nó, thế nên mỗi cơn đau đều là thực tại riêng biệt cả. Mỗi cơn đau là thực tại tách rời, chúng có thể làm hại gì cho nhau? Chúng có ảnh hưởng gì lẫn nhau? Không tác hại hay ảnh hưởng gì cả. Thân là thân, đau là đau, tâm là tâm. Mỗi cái là một thực tại hoàn toàn tách rời, không ảnh hưởng tác động gì nhau. Ngay cả cơn đau không giảm bớt cũng không ảnh hưởng gì. Tâm không bị tác động gì hết. Đây gọi là nhận chân được sự thật. Sau khi bạn thể nghiệm điều này nhiều lần, bạn sẽ có thể nhổ bật gốc rễ tham chấp đối với thân và nỗi đau trên thân cũng sẽ thoáng qua nhanh. Vấn đề còn lại chỉ là những cảm thọ trong tâm.

Tưởng (Sañña) và hành (Sañña) rất quan trọng. Một khi thân, khối ngũ uẩn vật lý được bỏ qua, tưởng và hành trở nên nổi bật bởi vì không còn vấn đề gì liên quan đến thân. Tâm không cần quán sát thân thể thêm nữa, cũng như khi chúng ta ăn món ăn này đủ rồi, chúng ta đẩy nó sang một bên để ăn tiếp món ăn khác đang hấp dẫn chúng ta. Khi thực sự no rồi, chúng ta đẩy hết chúng đi, tất cả những thức ăn ấy dù thịt, món tráng miệng đều không có gì đáng bận tâm nữa. Sự thực tập quán chiếu của chúng ta cũng tương tự như vậy. Nó dạy chúng ta theo cách riêng của nó. Khi tâm có đủ năng lực, nó buông hết và không cần quán chiếu những thứ ấy nữa. Nó quán chiếu những pháp khác, cũng cách như thế, khi chúng ta ăn những thức ăn ấy vừa đủ rồi, chúng ta tiếp tục thưởng thức những món khác cho đến khi nào no nê thôi. Khi ấy chúng ta đẩy tất cả chúng sang một bên. Việc thực tập quán chiếu là để chúng ta có được đầy đủ năng lực và rồi buông xả.

Hành chỉ cho sự diễn hành của suy nghĩ trong tâm như ý nghĩ thiện, ý nghĩ xấu, việc này, việc kia. Chúng luôn có mặt không lúc nào ngớt. Mỗi chúng ta trôi lăn theo những việc của riêng mình. Những người khác cũng đều không liên quan gì với chúng ta cả, tâm vẽ những bức tranh và hình thành tư tưởng, quá khứ, vị lai làm thành một mớ hỗn độn trong tâm. Chúng ta mê đắm với mối bận tâm này, rồi lại buồn bã với chuyện kia. Những chuyện đã đi qua nhiều năm tháng rồi, chúng ta hâm nóng và dọn chúng ra hết trước mặt để dày vò hành hạ tâm mình, để làm áp lực trói buộc tâm thức mình, bởi vì khối vô minh của chúng ta, bởi vì sự thật là chúng ta không lật tẩy được nước bài và sự lừa dối của phiền não. Đấy là lý do tại sao chúng ta phải quán chiếu chúng. Bất cứ những chuyện tâm tạo tác nên, nếu là tốt, chúng biến mất, nếu là xấu, chúng cũng biến mất, thế nên có nghĩa lý gì đâu để chúng ta mong được lợi lộc gì từ chúng? Bất cứ lúc nào chúng khởi lên, hãy quán sát chúng thật kỹ ngay.

Tưởng, những nhãn hiệu và sự giải thích: Chúng dán nhãn cho tâm. Tâm phát sinh như thế nào khi nó đạt đến cấp độ thanh tịnh. Đây là lộ trình của các nguyên lý tự nhiên trong khi quán chiếu có sự hòa hợp riêng của chúng. Cho dù không ai bảo với chúng ta cả, chúng ta vẫn hiểu theo sự hiểu biết riêng của mình. Bất cứ nơi nào, vật gì mình tiếp xúc, chánh niệm và tuệ tri luôn xoay tròn ngay nơi đó cho đến lúc chúng hiểu rõ và buông xả.

Một khi trí tuệ cưa mất cây cầu nối đến thân, nó cũng cưa hết những cây cầu khác nối với hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị bên ngoài. Những thứ còn lại trong tâm chỉ là cảm thọ, những cái tên, hành và thức mà thôi. Những thứ này hoàn toàn quan hệ với tâm thức. Chúng ta quán chiếu với trí tuệ, không thân cận với bất cứ duyên nào trong bốn duyên này. Ví dụ, cảm thọ: niềm vui khởi lên rồi tan biến. Đau khổ khởi lên rồi tan biến, chúng ở trong tâm. Thế nên Đức Thế Tôn gọi chúng là không thường hằng, và không phải là ta. Không thường hằng và không phải là ta. Chúng hiện hữu và rồi tiêu hoại. Những cái tên gượng ép không thường còn, chỉ khiến đau khổ bất an, và không phải là ta. Có gì ở đó đâu mà tham đắm? Chúng chỉ như là thân thể vậy. Nói cách khác, chúng là một khối có đủ ba đặc tính.

Khi chúng ta quán sát chúng nhiều lần, bốn duyên này lùi về trong tâm. Đây còn gọi là truy lùng theo phiền não. Thăm dò được vào điểm này với nhận thức sáng suốt cho đến khi bạn hiểu và nhận chân nó một cách thật tinh tường. Khi cấu uế phiền não không thể tìm thấy chỗ nào để ẩn nấp, chúng sẽ chạy thẳng vào tâm. Chánh niệm và tuệ tri cũng sẽ quay về bao quanh tâm. Đức Thế Tôn nhắc nhở điều này với chúng ta rằng đừng dính mắc vào đó. Hãy lắng nghe! Tâm thức cũng luôn thay đổi, bất an và không phải tự ngã của ta. Hãy nghe rõ điều ấy! Làm thế nào tâm thức không bị ảnh hưởng bởi ba đặc tính khi phiền não đang có mặt ở đó? Làm sao chúng ta có thể giữ tâm là chính chúng ta và của chúng ta khi toàn bộ đội quân phiền não đang đóng đô ở đó? Nếu chúng ta dính mắc với tâm như là chính chúng ta, hay của chúng ta, cũng giống như dính mắc với phiền não xem chúng như là chúng ta hay của chúng ta thì làm sao chúng ta có thể thành tựu giải thoát được? Rất thâm diệu là ở điểm giáo pháp này, là ở đây, ở cấp độ quán chiếu này.

Tâm thức cũng biến thiên không chừng, căng thẳng bất an và không có cái ta bởi vì phiền não đang ở đó. Thế nên hãy nỗ lực thực tập quán chiếu. Bất cứ gì bị đập vỡ - cho dù sau cùng tự tâm thức cũng bị hoại diệt cùng với mọi thứ khác – song ít ra chúng ta cũng nhận chân được điều đó rõ ràng với trí tuệ sáng suốt.

Phiền não hình thành bản chất của bánh xe luân hồi (vatta) - trong Pali còn gọi là “avijja-paccaya sankhara, “do vô minh làm duyên khiến hành sinh khởi”: Đây là chủng tử của thủ, hữu và sinh, và nó được chôn giấu ở ngay trong tâm đây. Khi những nhịp cầu kết nối của nó bị cắt đứt, nó không thể tìm ra đường nào để đi ra ngoài tìm thức ăn nữa. Những cầu nối của mắt đã bị cắt đứt. Những cầu nối của tai, mũi, lưỡi, và thân đã bị trí tuệ chặt đứt. Phiền não không thể nào tìm cách phát triển ái luyến đối với cảnh sắc, âm thanh, mùi hương, vị , cảm giác xúc chạm, bởi vì tất cả cầu nối của chúng bị cắt đứt hết rồi. Chúng ta đã đồng hành và nhận biết mọi thứ như chúng thật sự đang hiện hữu, cho nên phiền não trốn lẫn vào bên trong. Nếu chúng một mực cám dỗ thân này, tức sẽ có những điều chúng ta đã quán sát và biết rõ với trí tuệ, có những chuyện chúng ta đã buông xả cho qua. Cảm thọ, nhãn mác, các hành, và ý thức, tất cả được quán chiếu và nhận thức trong ba đặc tính của vô thường, khổ và vô ngã, thế nên, còn chỗ nào để phiền não trú ngụ nữa? Chúng đang giấu mình trong một Hang động Khổng lồ: đó là Tâm. Vì vậy trí tuệ phải vào trong ấy để đoạn dứt.

Vậy giờ đây, tâm là chúng ta có phải không? Hay nó là của chúng ta? Đốn xuống ngay! Bất cứ cái gì bị hủy hoại, cứ để nó hủy hoại. Chúng ta đừng cảm thấy hối tiếc gì cả. Chúng ta mong muốn chỉ là chân lý mà thôi. Cho dù tâm sẽ bị vỡ từng mảnh và hư hoại cùng với vạn vật, ít ra hãy nhận biết rõ bằng sự thực tập của tự thân. Quật ngã xuống ! Cuối cùng, mọi thứ giả tạo đều bị vỡ vụn, trong khi bản chất của sự thật thuần khiết, chân lý tối thượng - tâm thanh tịnh - không chết và không bị hủy hoại. Hãy quán chiếu xem? Bây giờ dù bạn bảo nó vô thường, đau khổ, và vô ngã, ít ra nó làm cho tâm thanh tịnh và nó đạt được giải thoát khỏi những thực tại quy ước tạm thời. Vô thường, khổ, vô ngã nằm sẵn trong cõi tạm bợ, quy ước này. Một khi tâm đạt đến giải thoát không còn tùy thuộc vào những thứ này, chúng ta có thể nói rằng “không còn gì hơn” – chúng ta đang tỉnh giác tuyệt đối. Lúc bấy giờ còn có điều gì để nghi ngờ nữa?

Đây là sự tự do ra khỏi trại giam, ra khỏi vòng giam hãm chúng sinh hữu tình và nhất là trói buộc chúng ta – trói buộc tâm chúng ta, bây giờ được thoát ra ngay đây. Tự do ngay đây. Tất cả những thứ tạo điều kiện cho phiền não tuôn dậy đều là từ tâm sinh cả: Không gì khác đặt khó khăn trở ngại cho tâm. Đây được gọi là tâm vô tận, pháp vô tận, vượt ngoài thời gian. Đó là một sự tự nhiên thuần khiết, luôn luôn “chánh niệm, tỉnh giác” cũng giống như thế.

Ngay điểm này, làm thế nào chúng ta có thể không nhận chân rõ ràng tác hại của phiền não? Khi chánh niệm và trí tuệ giẫm nát phiền não thành từng mảnh vụn, làm sao chúng ta có thể không nhận chân tác hại của nó đối tới tâm mình? Làm thế nào chúng ta lại không nhận chân cái gọi là hạnh phúc do phiền não nuôi ta nay vĩnh viễn ra đi, để cho chúng ta tự do? “Đó là loại hạnh phúc bọc đường giả dạng do phiền não cố lôi chúng ta đi mãi trong vòng luân hồi. Đó chính là hương vị của phiền não vậy. Nhưng hương vị của giáo pháp là như thế này, một thứ hoàn toàn khác.” Làm sao chúng ta có thể giúp mà lại không biết?

Tóm lại, tâm nằm dưới sức mạnh của vòng quay, với phiền não trói buộc áp đảo thì không khác gì một kẻ đang bị giam trong trại tù. Khi được hoàn toàn thoát khỏi ngục tù phiền não, không có gì so sánh với hạnh phúc đó cả. Dù chúng ta có ca ngợi trạng thái ấy như là tối thượng - đó cũng chỉ là một quy ước tạm thời, không thật sự tương ứng với hạnh phúc thực tại được. Nhưng cho dù nó không tương xứng đi nữa, bạn cũng chắc chắn rằng sự khác nhau cũng giống như thế, giữa tâm bị trói buộc và tâm được giải thoát từ mọi áp lực, hoàn toàn tự do tự tại. Chúng có khác chăng chỉ trong cách chúng ta nói mà thôi.

Thế nên hãy nỗ lực và chuyên tâm. Bạn đến đây vì mục đích học hỏi và tìm những thứ quý báu có giá trị cho chính bạn. Hãy quán chiếu như thế để nhận chân thật rõ mọi sự trong nguyên lý vô thường, khổ đau và vô ngã như tôi đã nói ở trên, bởi chúng nằm sâu trong địa đạo, mọi thứ ở khắp nơi đều nằm trong tam giới này. Không có gì tốt đẹp khiến cho chúng ta cảm thấy hối tiếc lúc lìa xa nó. “Chỉ có một thứ tuyệt vời đó là giải thoát mà thôi.” Đó là chân lý tự nhiên tuyệt vời. Chúng ta không có tên gọi nào dành cho nó cả, bởi vì nó có bản chất riêng của nó. Mọi thứ trên đời tùy theo tính chất loại thể của chúng. Đây là những gì rất có ý nghĩa khi chúng ta nói rằng hương vị của giáo pháp hơn hết tất cả những hương vị khác. Bất cứ hương vị gì chúng ta có thể cảm nhận được, hương vị của giáo pháp vượt trội hơn tất cả chúng, hãy buông bỏ chúng hết đi, bởi vì không có hương vị nào khác có thể đọ được. Hương vị này không có tính tham chấp. Hương vị này, chúng ta nói là tối thượng, không tham chấp tự thân. Nó chỉ đơn thuần là một nguyên lý của sự thật, của chân lý và tất cả chỉ là thế.

Thế nên. Các thiền sinh hãy tinh cần thực tập. Đừng nản chí. Cúng dường đời mình cho Đức Thế Tôn. Dù có thể không bao giờ chúng ta nói rằng hiến đời mình cho phiền não ngự trị, nhưng chúng ta đã làm điều đó suốt một thời gian dài vô tận, đến nỗi không thể dựa vào đâu để tính bao nhiêu đời kiếp. Ngay cả trong một đời sống của một người thôi, chúng ta cũng không thể đếm biết bao nhiêu lần. Hãy lấy giới hạn từ đời sống hiện tại chúng ta thấy và đang làm việc đây trở về thời điểm vô tận về trước: Tất cả đều phát sinh từ vô minh duyên hành (avijja-paccaya sankhara), phủ trùm tâm này qua vô lượng kiếp sống. Không gì khác trong vũ trụ khiến chúng ta kinh nghiệm rõ hữusinh và cưu mang theo cả núi khổ đau khác hơn là vô minh duyên hành này.

Chính vì nguyên nhân này, khi người ta nói tâm của một người chết rồi cũng bị tiêu mất theo, nhưng nó bị tan biến ở đâu? Vận dụng việc thực tập để quán chiếu điều này. Đừng nói suông với tâm còn phiền não giả dối lừa phỉnh rằng tai mắt của chúng ta đã đóng lại rồi. Phiền não cho biết sự hủy diệt theo sau sự chết. Hãy xem? Chúng ta hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa. Phiền não khiến người ta sinh ra rồi chết, nó biến đi đâu? Phải chăng chúng ta muốn thấy ngang qua sự gian dối lừa phỉnh của nó, tại sao chúng ta không lấy mũi tên của nó để bắn nó trở lại. Nó làm cho chúng sinh tin tưởng sai lầm đã bị chôn đi rồi, vậy phiền não đi đâu? Và nếu nó không nương buộc với cái tâm thì nó biết nương buộc và cái gì? Nếu tâm bị tiêu biến, làm thế nào phiền não có thể nương buộc với nó? Tâm không bị tiêu biến đó là lý do tại sao phiền não vẫn có thể nương buộc vào nó loanh quanh trong sanh, già, bệnh chết hoài không dừng lại. Vậy tại sao chúng ta đã đánh mất mình theo những lừa phỉnh của phiền não khi nó bảo chết là hết, không cảm thấy sự họa hại từsự hư dối ấy? Phiền não vẫn thầm lén bịp lừa chúng sinh rơi vào trong vòng thao túng của nó để chịu đau khổ dặt dài, vĩnh viễn.

Hãy quán chiếu chân lý. Nhận chân cho được điều gì bị đoạn diệt và điều gì không hề bị đoạn diệt. Làm được điều này, chúng ta có thể được xem là hiểu rõ giáo pháp, có kinh nghiệp trong việc khám phá và quán sát chân lý. Đó cũng là cách Đức Thế Tôn tuyên bố và giảng dạy giáo pháp. Ngài dùng chân lý để trình bày giáo pháp, Ngài đã thực tập nó một cách rốt ráo, thu thập nhiều kinh nghiệm phù hợp đúng đắn với tâm thức của Ngài và rồi giảng dạy giáo pháp ấy đến với thế giới này. Thế nên Ngài luôn bảo rằng chết là đoạn diệt nhưng biến đi đâu? Ngài dạy rằng không gì ngoài sanh, già, bệnh và chết, sanh, già, bệnh, và chết và cứ mãi thế. Tất cả chư Phật cũng đều dạy giống như vậy. Chư Phật không hề nói gì khác hơn vì quý Ngài giác ngộ, nhận chân rõ cùng một chân lý, cùng những quy luật của chân lý. Vậy làm sao bạn có thể làm tâm diệt tiêu khi sự thật đã rõ ràng ra đấy rồi?

Sanh và chết, sanh ra rồi mất đi không bao giờ kết thúc: Vì nguyên nhân gì? Đức Thế Tôn dạy chúng ta, khởi đầu từ vô minh duyên với hành, hành duyên thức - “Do vì không tỉnh giác mà sinh ra hành. Lại do hành làm duyên mà phát sinh thức.” Đấy là những nguyên nhân. Chúng chôn giấu trong tâm thức, vì thế chúng dẫn dắt chúng ta đi mãi trong tái sinh. Ngay cả khi chết, chúng ta đã đoạn lìa được vô minh duyên hành rồi, nhưng điều gì xảy ra? Avijjayatveva asesaviraga-nirodha sankhara nirodho — “Trong tâm, tất cả những tác nhân làm cho không tỉnh giác bị đoạn dứt hoàn toàn khiến cho mọi thứ khác cũng đều bị đoạn dứt (nirodho hoti).” Bạn nói gì về điều đó đây? Evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa nirodho hoti - tất cả những tác nhân làm cho không tỉnh giác bị đoạn dứt hoàn toàn, và mọi thứ - toàn bộ khối khổ đau căng thẳng cũng chấm dứt”. Và chúng ta biết rằng khi sự không tỉnh giác đã không còn, người ấy hoàn toàn thanh tịnh. Làm thế nào người thanh tịnh có thể biến mất hay bị đoạn diệt? Đó là một chân lý tuyệt đối vậy. Thế nên hãy quán chiếu và lắng nghe. Chúng ta là những người con Phật, đã quy y Phật, Pháp, Tăng, phải nhớ kỹ điều đó. Chúng ta không quy y với cấu uế phiền não.

Chúng ta là những thiền sinh nên phải biết quán chiếu và khám phá để trực nhận chân lý. Bất cứ ai mang cả vũ trụ này ra để hăm dọa hay đặt vấn đề, chúng ta vẫn không nháy mắt. Một khi tâm chúng ta tuệ tri chân lý một cách rõ ràng, làm sao ai có thể hăm dọa chúng ta được nữa? Hãy suy ngẫm một chút: Đức Thế Tôn là con người duy nhất. Tại sao Ngài có thể là vị Thầy của ba cõi? Nếu Ngài không dạy chân lý mà Ngài đã thấy biết chứng nghiệm một cách rõ ràng trong tâm thức, vậy Ngài sẽ dạy gì đây? Ngài dạy với một năng lượng hào hùng. Không có ai vượt trội hơn Ngài về công phu tu tập một cách triệt để và đạt được chân lý thuần tịnh để dạy lại cho thế giới. Ngài không dạy điều gì không rõ ràng, hay đoán chừng. Nói theo phỏng đoán, linh tinh qua loa: Đó là khoa học của vô minh – khoa học của vô minh ru ngủ thế giới dẫn đến phá sản. Nguyên tắc của chân lý thật sự không dạy cho chúng ta bị phá sản, đó là nguyên nhân tại sao chúng ta nói tất cả mọi thứ khác đều giả dối là vậy. Giáo pháp là một sự thật, dựa vào đó chúng ta có thể ổn định đời sống không vấn đề chi cả.

Cấu uế phiền não luôn là giả dối, hầu hết đều như thế. Một trăm phần trăm là giả dối. Giáo pháp là thật - một trăm phần trăm là thật. Giáo pháp và cấu uế phiền não đi theo hai hướng trái ngược nhau, đó là lý do tại sao chúng là đối thủ của nhau. Trong việc tinh tấn thực tập, nếu không tranh thắng bại với cấu uế phiền não, chúng ta còn chiến đấu với điều gì nữa đây? Đấy là những đối phương. Nếu chúng ta không chiến đấu với chúng thì còn đấu với gì nữa? Bây giờ, cấu uế phiền não là đối thủ của chúng ta và của giáo pháp. Nếu chúng ta không chiến đấu với đối thủ của chúng ta và của giáo pháp là phiền não, vậy chúng ta còn chiến đấu với gì nữa? Khi chúng ta biết tất cả những chuyện của cấu uế phiền não, chúng ta còn nghi ngờ gì về giáo pháp đang ngự trị trong ta? Đặc biệt, tâm chúng ta còn hoài nghi gì về chuyện chết - tái sinh hay chết - chấm dứt? Chỉ cần khám phá ra mọi thứ đoạn diệt ở đâu, các thiền sinh hãy nhớ như vậy. Khi chúng ta nghe bất cứ âm thanh gì của cấu uế phiền não, phải chăng chúng ta cảm thấy rất mệt mỏi vì cứ phải đi rửa tai hoài? Hãy lắng nghe tiếng nói của giáo pháp của vị Thầy lừng danh nhất. Tai của chúng ta sẽ được rửa sạch và tâm ta hoàn toàn thanh tịnh.

Vậy nên hãy tinh tấn. Cứ lần lữa, nghĩ về chuyện ngủ nghỉ, nghĩ về cái bụng: Những thói quen này đã hằn sâu trong tâm thức của chúng ta. Tất cả chúng đều là cấu uế phiền não đấy. Hãy bắt đầu lại tất cả, làm cho tâm trở thành một thành viên của giáo pháp, đúng với ý nghĩ rằng chúng ta là học trò của Đức Như Lai, vị đã tiếp nhận chúng ta vào trong ngôi nhà tâm linh của Ngài và thực tập theo những nguyên tắc giáo pháp của Ngài. Đó là khi chúng ta đạt được kho báu có giá trị vô nghì đối với tâm ta. Khi giáo pháp ngự trị trong tâm, nó sẽ khác với khi phiền não xâm chiếm tâm như thế nào? Như tôi đã nói ở trước, giáo pháp ngự trị trong tâm là điều tối thượng và cao quý vô ngần: Chúng ta hoàn toàn tự tại thong dong - tâm không còn bảo thủ, đói khát, tìm kiếm, không còn hy vọng tùy thuộc vào bất cứ điều gì - để cho giáo pháp làm sung mãn tâm, và thế là đủ.

Maha Boowa Ñanasampanno

(Nguyên bản: The Savor of the Dhamma của Thiền sư Maha Boowa Ñanasampanno, Thượng tọa Thanissaro dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh).