Kế hoạch "ngầm" (Phần 8)

PDang p8Từ đó đến nay đêm nào Pháp Đăng cũng suy nghĩ về tương lai, về cuộc đời, về ước mơ theo kiểu như một đứa con nít gọi là "khôn trước tuổi" vì đã đi ra ngoài sự lập trình sẵn của cuộc đời: sau này con phải là bác sĩ để cứu giúp người bệnh, kỹ sư để xây những toà nhà chọc trời cho quê hương, hay cảnh sát để bảo vệ sự yên bình cho thành phố và đi làm kiếm thật nhiều tiền về cho cha mẹ, hay đơn giản hơn là người có ích cho xã hội.

Nhưng những người đứa trẻ tạm gọi là "dị biệt" sẽ thường nghĩ những việc khác người: sau này lớn lên ta sẽ thay đổi mọi định luật của thế giới, sẽ trở thành siêu anh hùng để chiến tranh với các vì sao bảo vệ trái đất, hay đơn giản hơn là chúa tể của muôn loài để lập lại trật tự cho nhân loại.

Và nó muốn thoát ra khỏi những định luật nhàm chán của cuộc đời đã quy định sẵn cho mình.

Nghĩ thế rồi Pháp Đăng lại tự cười với nụ cười đầy hoang dại và ngu ngốc, tự nhiên cảm thấy ngột ngạt với cuộc sống hiện tại, muốn thay đổi, nhưng lại sợ phải đánh đổi nhưng Pháp Đăng thì cũng chẳng có gì để đánh đổi.

Hình như giữa ranh giới của một đứa bé mà không còn là con nít mà cũng chẳng phải là người lớn. Thì mọi thứ với nó ngay bây giờ phải khám phá, phải khác người và phải vượt ra khỏi cái gì đó.

Pháp Đăng thức dậy trong vẻ mệt mỏi khó thở vì tối qua cứ nằm mà tưởng tượng, suy nghĩ và mơ mộng quá nhiều cho những điều không đâu vào đâu.

Những thời kinh Tịnh độ thì lơ là không chú tâm, còn việc học thì cảm thấy ngán ngẩm mất phương hướng.

Mọi chuyện vừa trải qua đã làm cho Pháp Đăng phải suy nghĩ lại thật nhiều điều về hiện tại, tương lai mà chú muốn đi tìm câu trả lời, lâu lâu lại toát ra ý nghĩ: phải chăng Sài Gòn… là nơi có thể giúp chú thay đổi số phận của đời mình và thực hiện những ước mơ vĩ đại như bao người đã tìm tới.

"Đi hay ở"

Làm gì để thực hiện cho một kế hoạch ngầm đầy bí mật mà chỉ có chú và Pháp Bảo là người hiểu rành nhất. Phải chăng đây cũng là quyết định táo bạo nhất trong đời của chú để chuẩn bị cho một sự thay đổi lớn.

Pháp Đăng nhớ lại có lần đã hỏi thầy về tương lai của một người tu sĩ như chú:

- Bạch thầy, tương lai của chúng con sao này sẽ làm gì?

- Thì hiện tại các con còn nhỏ nên phải tập trung vào việc học, sau này thầy sẽ giới thiệu cho các con vào các trường Phật học, chú nhỏ thì đi học Sơ cấp, chú vừa thì học Trung cấp, còn chú lớn như Pháp Tất thì thầy cho vô Học viện Phật giáo.

- Rồi sao này chúng con làm gì? Pháp Đăng hỏi tiếp.

- Ừ thì, học xong tùy theo khả năng của các con, ai muốn tịnh tu thì lấy kiến thức đã học mà thực hành tu tập, ai muốn hoằng pháp thì đi giảng dạy Phật pháp cho Phật tử, hướng dẫn mọi người đạo đức thiện lành, để làm cánh tay nối dài của Đức Phật.

- Vậy mục đích cuối cùng của người tu là gì? Bạch thầy. Pháp Đăng hỏi.

- Thì mục đích là an lạc nội tâm, giác ngộ được thì giác, còn không thì lập nguyện trở lại tu tiếp, còn ai đủ căn duyên thì chứng đắc thành Phật.

- Nhưng con thấy làm Phật buồn quá, ngồi im một chỗ cho người ta lễ lạy không à. Pháp Đăng hỏi.

- Trời, thì mình tôn kính Ngài, muốn noi theo gương hạnh của Ngài nên mới lập tượng tôn thờ Ngài thôi, chứ Phật có biểu mình làm vậy đâu, cái chính là mình phải thực hành lời dạy của Ngài trong đời sống hằng ngày, vì Ngài cũng đã từng thắc mắc về mọi sự khổ đau của kiếp người giữa vòng quay sanh-già-bệnh-chết nên quyết định làm điều gì đó thoát khỏi mọi định luật của cuộc đời, nên Ngài mới từ bỏ ngôi vị đế vương để đi tìm con đường giải thoát, nói ví dụ cho mấy chú dễ hiểu là: Ngài như một người đi lạc trong khu rừng sâu để đi tìm tòa lâu đài chứa đầy kho báu. Khi đến đích Ngài đã vẽ lại bức bản đồ để giúp cho chúng ta theo đó mà đi đến tòa lâu đài mà Ngài đã tìm được. Khu rừng sâu là ý chỉ cho khổ đau của kiếp người, bức bản đồ là giáo pháp của Ngài như: Tứ diệu đế, Bát chánh đạo,… và kho báu mà Ngài tìm được là con đường thoát khỏi khổ đau và Niết-bàn tịch diệt.

- Thầy dùng ngôn từ Phật pháp cao xa, nên chúng con khó hiểu quá. Pháp Đăng nhăn mặt nói.

- Ừ thì, bởi vậy sau này lớn lên phải cho mấy chú đi học Phật học, chứ không là “mù chữ Phật pháp” hết, còn giờ mới là chú tiểu thì lo mà làm tròn trách nhiệm, tu học tốt chứ ở đó mà mục đích đầu với đuôi. Thầy nói thêm.

Nhớ lại những câu hỏi mà mình từng hỏi thầy trụ trì, Pháp Đăng cảm thấy hình như có điều gì đó ngộ ngộ mà vẫn chưa hiểu hết.

Từ ngày ra đi của sư huynh Pháp Tất, thầy trụ trì có vẻ buồn bã trầm tư, những buổi điểm tâm sáng thường được thầy kể cho các chú nghe những lời Phật dạy trong các bài kinh hay những câu chuyện đạo, nay thầy chỉ im lặng và ít nói hơn cũng làm cho toàn thể đại chúng đều toát lên nét u buồn khó tả, có lần trong thời công phu tối khi các chú đang tụng kinh, Pháp Đăng quan sát thấy thầy đi đi lại lại vòng quanh trong vẻ trầm tư đầy tâm trạng, một hồi lâu thì ngôi nhà bên cạnh chùa bật to bài hát Khúc Thụy Du - NS Anh Bằng. Pháp Đăng thấy thầy đứng lại nghe một cách chăm chú mà bình thường thầy không bao giờ để tâm đến:

Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi.

Bất chợt, Pháp Đăng thấy thầy bật khóc với những giọt nước mắt lăng dài trên má, rồi thầy lặng lẽ lau đi và bước thật nhanh.

Lúc đó, Pháp Đăng chỉ muốn chạy đến mà ôm chầm lấy thầy, nhưng không hiểu tại sao mãnh lực nào đã làm khoảng cách lạ lùng để Pháp Đăng không thể đứng bật dậy làm điều đó.

Tình thương và trái tim của người thầy, người cha là thế. Đôi khi nó rất tế nhị nhưng đầy bản lĩnh của sự kèm nén đầy mạnh mẽ, nhưng có lúc lại yếu mềm và bất lực trước những nỗi đau thầm kín để bản năng vốn có của con người được bộc lộ qua những dòng nước mắt tràn mi.

Đây là lần đầu tiên trong đời, Pháp Đăng thấy thầy mình khóc. Một cảm giác đồng cảm cho nỗi đau và trái tim của người thầy lại dâng trào trong tâm trí của Pháp Đăng.

Giữa ý nghĩ ở lại hay ra đi đã làm cho Pháp Đăng cảm thấy mệt mỏi và ngán ngẩm mọi thứ chung quanh, giữa một bên là người thầy, một bên là thay đổi số phận đời mình. Đã khiến cho Pháp Đăng nhiều đêm phải nằm khóc trong tức giận đầy buồn tủi.

Hiểu được tâm trạng và nỗi lòng của sư huynh Pháp Đăng, vì thế mà mấy ngày nay Pháp Bảo cũng chỉ biết im lặng.

Đêm nay Pháp Bảo không ngủ được nên nằm thủ thỉ bên tai:

- Sư huynh có gì nhớ nói cho đệ biết nha. Nếu huynh có trốn đi thì cũng phải dắt đệ theo. Vì không có huynh ở đây đệ đi học một mình sẽ buồn và cô đơn lắm, tụi Tý Ngầu sẽ ăn hiếp đệ nữa. Vừa nói mà Pháp Bảo vừa thút thít khóc.

Pháp đăng cũng chỉ im lặng nằm xoa đầu Pháp Bảo rồi tiếp tục suy nghĩ những chuyện vẩn vơ về sự quyết định đầy khó khăn trong đời.

- Không được, đệ phải ở lại chùa, khi nào lên được tới Sài Gòn, thì huynh sẽ lén quay về dắt đệ đi. Rồi Pháp Đăng khóc cho quyết định của mình.

CÒN TIẾP PHẦN 9: SÀI GÒN HOA LỆ

Dựa trên câu chuyện có thật của chú tiểu Pháp Đăng.