Khai mạc tọa đàm giáo dục Phật giáo Nam tông

Với chủ đề “Chất lượng giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer: Thực trạng & giải pháp”, tọa đàm được khai mạc sáng nay, 12-7, tại chùa Candaransì (Q.3, TP.HCM).

hoi thaoNT 1

Quang cảnh buổi tọa đàm

HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Chủ tọa chương trình; HT.Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS cùng chư tôn đức giáo phẩm PG Nam tông: HT.Đào Như, HT.Danh Đổng, HT.Lý Sa Mouth; chư tôn đức Văn phòng II T.Ư GHPGVN cùng chư tôn đức đại diện Phật giáo Nam tông Khmer các tỉnh thành, các học giả, nhà khoa học về tham dự chương trình.

hoi thaoNT 2

HT.Thích Giác Toàn phát biểu khai mạc buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc, HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư GHPGVN, chủ tọa chương trình toạ đàm cho biết, tọa đàm nằm trong nội dung hướng tới kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN (7-11-1981 – 7-11-2016) của Trung ương Giáo hội.

Theo đó, ba nhóm nội dung tọa đàm gồm: Thực trạng giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer hiện nay; Giải pháp khắc phục những hạn chế của Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer (từ cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình đến giảng viên) và Giải pháp nâng cao hiệu quả trong Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer.

Qua đó, BTC sẽ đưa ra các phương pháp giảng dạy để bổ sung nhiều hơn về lịch sử Phật giáo Việt Nam, lịch sử đất nước, văn hóa Phật giáo Việt Nam và quan điểm của các trường phái, tông phái, hệ phái Phật giáo. Cần đối chiếu với chương trình giảng dạy tại các cấp học của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, để bổ sung một số nội dung cơ bản, tạo sự hài hòa cơ bản trong ngành Giáo dục Phật giáo nói chung của Giáo hội - Hòa thượng Giác Toàn nhấn mạnh.

hoi thaoNT 3

HT.Danh Lung phát biểu đề dẫn

Tiếp đó, HT.Danh Lung, UVTT HĐTS đã báo cáo đề dẫn - đánh giá lại thực trạng Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer hiện nay, từ đó mong muốn tìm cách nâng cao hiệu quả giảng dạy, thống nhất chương trình đào tạo, biên soạn giáo án cho các lớp từ cơ sở, sơ cấp đến trung cấp, nhằm phát triển theo kịp yêu cầu của sự phát triển xã hội.

Trong buổi sáng, đại diện các ban ngành cũng như các học giả đã tập trung vào chương trình thảo luận ba nhóm nội dung trên, trong đó, đáng chú ý là giải pháp nâng cao hiệu quả trong Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer, nhấn mạnh tới việc nghiên cứu đề xuất thành lập Trường Trung cấp Pali - Khmer liên tỉnh miền Đông Nam bộ và TP.HCM, Trường Trung cấp Pali - Khmer liên tỉnh An Giang - Kiên Giang theo mô hình Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh Trà Vinh, nhằm tạo nguồn cho Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.

hoi thaoNT 4

Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu đóng góp

hoi thaoNT 5

Ông Thạch Mu Ni, Vụ phó Vụ Tôn giáo - dân tộc phát biểu

hoi thaoNT 6

Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội tại buổi khai mạc

Được biết, đông đảo các nhà khoa học, nhà sư phạm, các nhà nghiên cứu ở nhiều cơ sở quan tâm tới nội dung tọa đàm như Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, TP.HCM, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), Đại học Trà Vinh, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ, Trường Pali - Khmer tỉnh Trà Vinh, Trường Pali - Vini tỉnh Kiên Giang - đã gửi gần 30 bài tham luận về BTC.

HT.Thích Thiện Nhơn phát biểu - mong muốn thông qua tọa đàm khoa học về giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer lần đầu tiên được tổ chức này, trong thời gian tới sẽ kiện toàn chương trình giáo dục, nội dung giảng dạy, lực lượng giảng dạy, tài liệu giảng dạy cho các trường, lớp cho phù hợp.

Hòa thượng Chủ tịch bày tỏ, kết quả tọa đàm là cơ sở để ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư nói chung, Phân ban Giáo dục Nam tông Khmer làm cơ sở biên soạn tài liệu và sắp xếp chương trình các cấp Phật học cho phù hợp với hệ thống giáo dục chung của GHPGVN, tăng thêm tính bền vững vốn có cơ sở, liên kết với nhau qua các lớp, các trường Phật học, trong khu vực cũng như tính văn hóa, giáo dục biệt truyền của Phật giáo Nam tông Khmer trong lòng GHPGVN hiện tại và mai sau, nhất là liên kết với Trường Đại học Cần Thơ - Tây Đô, Cửu Long và Đại học Trà Vinh, làm thế nào để Tăng sinh sau khi tốt nghiệp Trung học, Cử nhân đều có bằng cấp phổ thông của trường Nhà nước để thuận tiện trong công tác giáo dục và sử dụng khi hữu sự.

hoi thaoNT 7

Đạo từ của HT.Thích Thiện Nhơn

hoi thaoNT 8

hoi thaoNT 9

Đại diện các ban ngành tặng hoa chúc mừng buổi tọa đàm.

Nguồn: giacngo.vn