Khái quát về quan điểm hiếu đạo của Phật giáo

hieu-thuphapTrải qua mấy ngàn năm lịch sử Trung Quốc, tinh thần “hiếu đạo” vẫn luôn được mọi người công nhận là một mỹ đức truyền thống chí cao vô thượng.Đến khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc,đã bị giới học giả Nho – Đạo công kích. Như trong cuốn Mâu Tử lý hoặc luận đã nói: Vấn đề Sa-môn cạo đầu hủy hoại tóc, bỏ vợ, tuyệt tự, ăn mặc trang sức trái với lễ chế, đến nay cũng có một số nhân sĩ thích phê phán Phật giáo như vậy, bởi vì họ cho rằng giới Tăng Ni xuất gia không thể giống như người thế tục, có thể làm tròn bổn phận, tức hòa hợp với nhân luân. Trước quan niệm gia đình nhỏ bé và tư tưởng tôn pháp, họ cho rằng xuất gia là hành vi đại bất hiếu. Theo học thuyết của Mạnh Tử, bất hiếu có ba nhưng không có con cháu (hậu duệ) là bất hiếu lớn nhất, điều này tuy chẳng phải là tư tưởng chủ yếu của Nho gia, nhưng mãi cho đến nay vẫn còn có một số học giả Nho gia cực đoan nên đã phê bình Phật giáo là một tôn giáo phản bác tinh thần hiếu đạo.

Kỳ thật, Phật giáo chẳng hề phản bác tư tưởng hiếu đạo, trái lại còn vô cùng sùng kính hiếu đạo. Như trong Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán Kinh ghi rằng: “Cha có ân đức yêu thương, mẹ có ân đức xót thương, ân đức xót thương của mẹ, nếu ta trụ ở đời trong một kiếp nói chưa hết ân đức ấy”[1]. Cho nên nói: “Trải qua một kiếp, mỗi ngày ba thời, cắt thịt của mình để dưỡng nuôi cha mẹ, nhưng vẫn chưa báo đáp được ân đức một ngày”[2]. Lại nói: “Các ngươi phải chuyên cần tu tập, hiếu dưỡng cha mẹ, như vậy chẳng khác nào được phước cúng dường đức Phật”[3]. Trong Tăng Nhất A-hàm, quyển 11 cũng ghi: Đại Bồ-tát lấy việc cung dưỡng cha mẹ để hỗ trợ đạo hạnh của mình. Đức Phật đã khai thị cho chư đệ tử: “Nếu trong một trăm năm, có người dùng vai mặt cõng cha, vai trái cõng mẹ, cha mẹ có đại tiểu tiện trên lưng hoặc cung phụng y thực vô cùng trân quý, cũng không thể báo ân cha mẹ trong khoảnh khắc. Từ nay nghe chư Tỳ kheo tận tâm, tận thọ cung dưỡng cha mẹ, nếu không cung dưỡng sẽ bị trọng tội”[4].

Ngược dòng quá khứ trên 2500 năm trước, đức Phật sau khi thành đạo, ngài đã kiến lập một Phật giáo bao gồm bốn phương vạn chúng quy tựu về. Để báo ân mẫu thân, ngài đã tự mình đến cung trời Đao Lợi diễn thuyết Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện suốt 3 tháng cho mẫu thân là Ma-da phu nhân. Mục đích là muốn cho tất cả chúng sanh đều phải nhớ đến việc báo ân cha mẹ, đặc biệt hơn nữa là vì muốn biểu dương Bồ-tát Địa Tạng trong kiếp quá khứ, vì muốn cứu mẹ nên đã rộng phát thệ nguyện bồ đề, để làm thuyền từ cứu vớt chúng sanh ra khỏi biển khổ. Thứ đến, sau khi vua cha là Tịnh Phạn vương tạ thế, đức Thế Tôn còn tự mình đỡ quan tài đưa đến nơi mộ phần.

Trong Phật điển gồm có Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Phụ Mẫu Ân Trọng Nan Báo, Kinh Vị La Vương, Kinh Tăng Nhất A Hàm, Kinh Địa Ngục, Kinh Bồ Tát Đa, Kinh Lục Độ Tập, Kinh Hiếu Tử Và Kinh Vu Lan Bồn… tất cả những kinh này đều có giảng nói về hạnh hiếu trong Phật giáo. Trong đó giáo dục tín đồ Phật giáo phải lấy hiếu đạo làm gốc. Vào thời Bắc Tống, trong cuốn Phụ Giáo Thiên, thiền sư Khế Tung đã đưa ra quan điểm năm giới và năm thường, tuy tên khác nhưng cùng một thể, trong đó chủ trương hiếu gọi là giới, hiếu là giới đầu tiên, đó là pháp của đạo hiếu thuận, từ đó kiến lập hiếu là luân lý quan chủ yếu của Phật giáo. Trong Kinh Phạm Võng lấy hiếu làm giới, nếu bất hiếu với song thân tức là chưa đủ tư cách để nói giới. Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương cũng đưa ra quan điểm như sau: “Người thờ phụng trời đất quỷ thần, không bằng hiếu thảo với song thân, song thân là vị thần linh tuyệt diệu nhất”[5].Trong Kinh Phạm Võng nói: “Như đệ tử Phật thường nên phát khởi tất cả nguyện, hiếu thuận cha mẹ, Tăng Sư, Tam bảo”[6]. Phát nguyện hiếu thuận này, muôn đức lấy hiếu làm gốc, tự mình thực hành lấy hiếu làm đầu, không hiếu thuận thì tất cả nguyện không thành, ở nhà hiếu thuận cha mẹ, xuất gia thì hiếu thuận sư trưởng, ở nhà không có con hiếu thuận, xuất gia không có cao tăng, hiếu thuận là pháp tiến đến đạo.

Trong Kinh Phạm Võng lại nói: “Tất cả những người nam đều là cha ta, tất cả những người nữ đều là mẹ ta, ta đời đời từ đó mà sinh ra”[7]. Trong Kinh Vu Lan Bồn lại nói: “Người đệ tử Phật tu hạnh hiếu thuận, phải nên nhớ nghĩ, ức niệm đến sự cung dưỡng cha mẹ, cho đến cha mẹ bảy đời, mỗi năm ngày rằm tháng 7 thường lấy hạnh hiếu thuận nhớ nghĩ ức niệm sự sanh thân đời này của cha mẹ, cho đến bảy đời cha mẹ, vì họ mà làm pháp vu lan bồn, cúng dường đến đức Phật và tăng chúng, để báo đáp ân cha mẹ nuôi dưỡng, thương xót và yêu thương”[8]. Tất cả chúng sanh lưu chuyển từ đời này sang đời khác, đều đã từng làm cha mẹ của ta, cho nên chúng ta phải học hạnh của Bồ-tát Địa Tạng, tức là phải “Độ tận hết chúng sanh, mới chứng quả vị bồ đề, khi nào chốn địa ngục chưa trống vắng, thì thệ nguyện sẽ không thành Phật”. Qua những đoạn kinh trên, chúng ta thấy chủ trương báo ân của tư tưởng hiếu đạo trong Phật giáo, như trong Kinh Địa Tạng đã nói, Bồ-tát Địa Tạng từ hiếu thuận với cha mẹ của mình, tiến đến hiếu thuận với tất cả cha mẹ của chúng sanh, do hiếu thuận với cha mẹ của tất cả chúng sanh mà hiếu với tất cả chúng sanh, không chỉ hiếu với chúng sanh trong nhân loại mà còn hiếu với tất cả chúng sanh trong tam đồ lục đạo. Như vậy, chúng ta thấy tất cả triết học tôn giáo trong thế gian, những triết thuyết về hiếu đạo của họ, cho dù tốt đẹp thế nào cũng không thể sánh với tư tưởng hiếu đạo phong phú, rộng lớn vô biên trong Phật giáo.

Đặc biệt là tư tưởng thượng báo tứ ân, hạ tế tam đồ (trên đáp đền bốn đức, dưới cứu khổ tam đồ) trong Phật giáo, tư tưởng này đã kết hợp tinh thần hiếu đạo và tư tưởng báo ân với nhau. Trong đó báo tứ ân gồm có: ân dưỡng dục của cha mẹ, ân giáo dưỡng của sư trưởng, ân quốc vương, và ân hỗ trợ của chúng sanh, đây là bài học chủ yếu dạy người đệ tử Phật, sớm tối đều phải tinh cần tu tập, nhớ nghĩ. Có thể nói nghĩa lý trong luân lý báo ân này vô cùng rộng lớn, không những khuyên dạy chúng ta phải báo đáp ân cha mẹ mình mà còn khuyên nhắc, động viên chúng ta phải nhớ nghĩ và báo đáp ân đức đến tất cả nhân loại. Phật giáo cho rằng “Hiếu vượt hơn thiện, mà mỗi người đều có tâm thiện”.[9]Nên nói pháp hiếu thuận dẫn dắt chúng ta đến với đạo, tức nâng cao pháp hiếu đạo đến trình độ chí cao. Không những thế, Phật giáo còn dùng đức của thánh nhân, đạo của thánh nhân để báo đáp ân của cha mẹ, cho nên gọi là thuần hiếu.

Tổ sư Ấn Quang đã từng khai thị rằng: “Phải biết tất cả chúng sanh đều là cha mẹ của mình trong kiếp quá khứ, là chư Phật trong đời vị lai, vậy nên phải dùng tâm đại bồ-đề, tùy thuận cơ duyên mà vì họ tuyên nói giáo pháp và cứu giúp họ, được như vậy mới khế hợp với tâm Phật và phù hợp với nguyện vọng của mình. Phải dõng mãnh quạt gió từ bi, dứt hẳn nghiệp sát, phải dùng lễ nghĩa, làm cho tinh thần nhân nhượng hưng thịnh, đồng thời nghiệp binh đao phải đoạn dứt hẳn, có thế thì phong tục tốt đẹp, thiên hạ hòa bình”. Phật giáo cho rằng con người trải qua bao đời lưu chuyển trong sinh tử, ngày nay tất nhiên có cha mẹ thì trong vô số kiếp ở quá khứ và vị lai, do chìm đắm trong biển sinh tử, cũng có vô lượng vô số cha mẹ. Do vậy chúng ta hiếu dưỡng cha mẹ đời nay thì cũng phải cứu giúp cha mẹ trong kiếp quá khứ và vị lai, thế nên trong nhãn quan của chư vị Bồ-tát, tất cả chúng sanh đều là cha mẹ của ta. Vì vậy tín đồ Phật giáo cứu giúp, hóa độ rộng rãi chúng sanh, cũng tức là hiếu kính cha mẹ. Phật giáo lấy cha mẹ hiện đời làm cốt yếu, nhưng cũng đề cập đến cha mẹ trong ba đời qua khứ và vị lai, cho nên Phật giáo đối với việc rộng độ chúng sanh, chính là báo đáp rộng rãi đối với ân đức cha mẹ. Do vậy trong kinh điển thường nói, báo đáp ân song thân chính là hiếu nhỏ đối với cha mẹ hiện đời, phổ cập yêu thương và cứu giúp chúng sanh mới chính là thực hành đại hiếu.

Tóm lại, tư tưởng hiếu đạo và hành vi hiếu hạnh trong nhân loại có được, đó là nhờ con người biết thuận theo bổn tính tự nhiên của mình, đặc biệt là trong các nước văn minh, biết trọng lễ nghĩa, tư liệu tham khảo, nghiên cứu nguồn gốc và sử liệu về hiếu hạnh có rất nhiều.Nên nói hiếu đạo là căn bản vì nhân sinh mà kiến lập, ở đây nói đến nhân sinh, tức chỉ cho bậc cha mẹ làm đầu. Rất nhiều người hiểu lầm cho rằng, các vị xuất gia làm Hòa thượng không cần cha mẹ, như nói “không cha không vua”. Đại sư Liên Trì nói: “Ân cha mẹ nặng hơn núi Nhạc, lúc tế lễ dùng năm loại cúng phẩm và ba loại gia súc vẫn chưa đủ thù tạc, đáp đền, người thân phải xa lìa trần cấu, thì đạo làm con mới thành tựu. Nghĩa là độ thoát cha mẹ, siêu việt khổ hải, sinh về cõi tịnh lạc, như thế mới là đạo hiếu triệt để, vững chắc. Lại nữa trong hiếu đạo của Phật giáo cũng phân làm ba loại:

1. Hiếu đạo theo Nhân – Thiên thừa, tức chú trọng hiếu dưỡng phước báo cho cha mẹ trong hiện đời.

2. Hiếu đạo theo người Tiểu thừa, tức chủ trương độ song thân thoát ly khổ hải.

3. Hiếu của Bồ-tát thừa, tức phổ độ tất cả chúng sanh (trong đó bao gồm cha mẹ trong ba đời) lìa khổ được vui, đồng thành Phật đạo.

Qua đó, chúng ta có thể thấy rõ tinh thần hiếu đạo theo Phật giáo được phân theo từng cấp độ:

- Hiếu đạo của người thế gian là nghĩa hẹp, là hiện đời, theo tầm nhìn hạn hẹp, tạm thời, không triệt để.

- Hiếu đạo của người xuất thế gian, là nghĩa rộng, hiếu trong ba đời, là thấy xa, là vĩnh viễn, là triệt để.

- Người bất hiếu với cha mẹ, không xứng với đạo làm người, hiếu đạo mà chưa thoát sinh tử, chưa gọi là hiếu.

Như vậy, hàng đệ tử Phật chúng ta, vì muốn chuyên tâm thanh tịnh, thành tựu đạo nghiệp, cho nên tạm thời lìa xa cha mẹ học đạo, chẳng phải là lìa bỏ chẳng quan tâm cha mẹ, cũng chẳng phải đoạn tuyệt đạo lý luân thường của bổn phận làm con. Thông qua tham khảo luận bàn về tính tạm thời và tính vĩnh viễn, sự triệt để và không triệt để của hạnh hiếu thế gian và hạnh hiếu xuất thế gian, chúng ta có thể khẳng định rằng luân lý nhân sinh trong Phật giáo mới chính là luân lý cao thượng nhất trong kiếp nhân sinh.

* Trích Báo Phật học viện Trung Quốc.

(Bài này trong nguyên tác không có ghi tên tác giả)



[1]Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán Kinh, q.2, trích Đại Chánh Tạng, tập 03, no. 159, tr. 297, a14-16.

[2]Sđd, tr. 297, b14-15.

[3]Sđd, tr. 297, c6-8.

[4]Di Sa Tắc Bộ Hoà Hề Ngũ Phần Luật, q.20, trích Đại Chánh Tạng, tập 22, no. 1421, tr. 140, c16-20.

[5]Kinh Tứ Thập Nhị Chương, q.1, trích Đại Chánh Tạng, tập 17, no. 784, tr. 722, c9-10.

[6]Kinh Phạm Võng, q.2, trích Đại Chánh Tạng, tập 24, no. 1484, tr. 1007, b27-28.

[7]Sđd, tr. 1006, b9-11.

[8]Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh, q.1, trích Đại Chánh Tạng, tập 16, no. 685, tr. 779, c15-19

[9]Đàm Tân Vân Tập, q.3, trích Đại Chánh Tạng, tập 52, no. 2115, tr. 661, c7.