Khất sĩ theo cái nhìn của đức Tổ sư Minh Đăng Quang

KS 1

Khi đề cập đến từ khất sĩ, mọi người thường liên tưởng đến một trong ba nghĩa của vị Tỷ-kheo (Khất sĩ, Bố ma và Phá ác). Danh từ Khất sĩ Tỷ-khưu ngày nay khá phổ biến trong xã hội và phát triển theo thời gian. Mãi cho đến giữa những năm 40 của thế kỷ XX, hai chữ “Khất sĩ” được nhấn mạnh và trở thành tên gọi cho một đường lối tu học do đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai lập với phương châm “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Vậy, Khất sĩ dưới cái nhìn của đức Tổ sư như thế nào và có gì khác so với thời kỳ ban đầu hay không? Đây cũng chính là nội dung được tìm hiểu trong bài viết này.

1. Khởi nguyên của từ

Như vừa đề cập, Khất sĩ là một phần của vị Tỷ-kheo cả về mặt ý nghĩa lẫn cương vực đời sống phạm hạnh. Khất sĩ có nghĩa là người đi xin, nhưng không phải ai đi xin cũng là người Khất sĩ. Bởi trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ việc đi xin chính là một trong những hạnh mà vị Sa-môn phải thực hành[1], chứ không phải dành riêng cho sa-môn Gotama cùng chúng Thích tử. Tuy lúc ấy danh từ này chưa được phổ biến và thịnh hành, nhưng các vị du sĩ, đạo sĩ hay ẩn sĩ vẫn thường thực hành. Chính vì vậy, đôi khi các vị Bà-la-môn đã lầm tưởng và cho rằng việc đi xin của họ cũng giống với sa-môn Gotama, nên cũng được gọi là vị Tỷ-kheo Khất sĩ. Điển hình là vị Bà-la-môn Bhikkhaka đã đưa ra vấn đề này và được đức Thế Tôn giải đáp như sau:

“Không phải ai xin ăn; cũng gọi là khất sĩ; nếu chấp trì độc pháp; không còn gọi Tỷ kheo; ai sống ở đời này; từ bỏ các phước báo; đoạn trừ mọi ác pháp; hành trì theo phạm hạnh; sống đời sống chánh trí; vị ấy xứng Tỷ kheo”[2].

Hay như trong câu Kinh Pháp Cú số 266-267 được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch:

Chỉ khất thực nhờ người,

Ðâu phải là Tỷ-kheo!

Phải theo pháp toàn diện,

Khất sĩ không, không đủ. (PC.266)

Ai vượt qua thiện ác,

Chuyên sống đời Phạm hạnh,

Sống thẩm sát ở đời,

Mới xứng danh Tỷ-kheo. (PC.267)

Như vậy, chúng ta có thể thấy, việc đi xin đã có từ trước khi đức Phật xuất hiện. Tuy nhiên, lúc này chỉ có tướng trạng như của các vị ẩn sĩ, du sĩ và đạo sĩ, chứ chưa thể trở thành danh xưng Khất sĩ Tỷ-kheo. Bởi lẽ, vị Khất sĩ chân chánh đòi hỏi phải có phạm hạnh và vượt qua thiện ác như đức Thế Tôn vừa giải đáp ở trên. Nói cách khác, đây là danh xưng dành cho các vị đang hướng về việc đoạn tận các ác pháp hay đã đâm thủng màn vô minh và chứng đạt Niết-bàn. Điều này chúng ta sẽ thấy rõ hơn trong phần sau của bài.

2. Theo quan điểm của đức Tổ sư Minh Đăng Quang

Khi đức Tổ sư quyết định lấy hai chữ “Khất sĩ” để làm tên gọi cho con đường "Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp” của Ngài thì ắt hẳn trong nội hàm của nó phải có gì đó đặc biệt. Vậy điểm đặc biệt ở đây là gì ? Đó chính là điều chúng ta cần tìm hiểu.

a. Khất sĩ đồng nghĩa với Tỷ-kheo

Muốn biết cái nhìn của đức Tổ sư như thế nào về hai chữ “Khất sĩ”, trước tiên chúng ta cần xem lại lời định nghĩa của Ngài về từ này. Từ đó, sẽ có cái nhìn chuẩn xác hơn về điều Ngài muốn nói. Lời định nghĩa ấy được ghi lại trong quyển Đạo Phật Khất Sĩ như sau:

“Khất sĩ là học trò khó xin ăn, tìm học pháp lý giải khổ cho mình và tất cả, để tu tập hành theo cho kết quả. Khất sĩ theo với hết thảy, học với hết thảy, mục đích toàn giác toàn năng, không riêng tư phân biệt ai ai”[3].

Qua định nghĩa đó, chúng ta có thể nhận ra điều đức Tổ sư muốn nói về hình ảnh Khất sĩ. Người được gọi là Khất sĩ phải hội đủ hai yếu tố: xin vật chất để nuôi thân và học pháp lý để giải khổ cho mình và cho tất cả. Nếu thiếu đi một hay đúng hơn chỉ có xin vật chất không thôi thì không thể nào được gọi là Khất sĩ, vì hình ảnh đó có khác chi với những người đầu đường cuối xóm đi xin sự thương hại nơi mọi người để hầu mong được ban bố cho một ít thực phẩm hay một thứ gì đó. Hình ảnh ấy được Ngài gọi là khất cái thấp kém vì chỉ lo cho cái xác thân vật chất vô thường tạm bợ, không xứng đáng với hai từ Khất sĩ. Vì thế, đức Tổ sư Minh Đăng Quang mới dạy cho chúng đệ tử trong quyển Chơn lý Khất sĩ rằng:

“Cho nên từ ngàn xưa, kẻ đã giác ngộ chơn lý ấy, như Phật Tiên Hiền Thánh thảy đều bát cơm bầu nước, bay khắp non sông, trôi vòng thế giới, để đến với danh từ “Khất sĩ”, hầu hưởng quả Vô Thượng Sĩ ngày mai. Các Ngài không phải là hạng khất cái, thấp hèn như cỏ cây thú chỉ tìm sống, cái sống chẳng đợi ai cho, sống để rồi chết trong cái vô minh tà ác”[4].

Và cũng trong quyển Chơn lý này, Ngài còn nhấn mạnh về hình ảnh xin vật chất như thế chỉ được gọi là khất cái, ác hung tà xảo: “Khất sĩ không phải dốt nát mê muội, ác hung tà xảo như người khất cái. Bởi khất cái là hạng mạt lưu, còn Khất sĩ lại là bậc tối thượng vô song”[5]. Như thế, đức Tổ sư đã sử dụng đến hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược nhau để giảng giải cho ta thấy rõ như thế nào là Khất sĩ cao thượng và thế nào là khất cái thấp hèn. Đây chính là điểm khác biệt giữa Khất sĩ với khất cái, và cũng để nhận chân sự cao thượng của người Khất sĩ: “Giá trị của người Khất sĩ là mắt tai mũi lưỡi miệng thân ý phải cho trọn lành trong sạch”[6]. Mà lục căn trọn lành trong sạch chính là đã đoạn trừ được các ác pháp và có sự giác sát hay quán chiếu ngay trên các căn.

Điều này làm chúng ta nhớ lại hai câu kinh Pháp cú số 266 và 267 đã đề cập ở trên. Không phải chỉ có việc khất thực hay đi xin là đủ để được gọi là Tỷ-kheo. Lời giảng giải của đức Tổ sư   hoàn toàn tương hợp với lời dạy của đức Thế Tôn. Ở đây, tuy có sự khác biệt về cách sử dụng từ: đức Từ Phụ thì nói “Tỷ-kheo” còn đức Tổ sư Minh Đăng Quang thì lại dùng từ “Khất sĩ”, nhưng lại tương hợp về nội dung. Có khác chăng, chỉ là cách dùng từ Khất sĩ của đức Tổ sư đã có sự biến chuyển và đồng nghĩa với từ Tỷ-kheo của đức Thế Tôn mà thôi. Bởi, từ Khất sĩ trong lời kinh Pháp cú chỉ là một đặc tính cần phải có và luôn song hành với hai đặc tính khác: Bố ma và Phá ác; còn đức Tổ sư thì lại triển khai từ Khất sĩ theo khuynh hướng bao hàm và chứa đựng luôn hai đặc tính Bố ma cùng Phá ác. Cho nên Khất sĩ cũng chính là Tỷ-kheo. Để thấy rõ hơn tinh thần này, chúng ta cần đọc tiếp một đoạn khác cũng trong quyển Đạo Phật Khất Sĩ:

“Trái lại, đạo Phật là sự thật hành để thành Phật, là sự tu giống y theo Phật. Con đường ấy là Khất sĩ, là Tăng, là đệ tử Phật sau này, là giới luật y bát chơn truyền vậy. Phật là ông thầy biết sáng chỉ chăm dạy học cho tất cả ai ai kẻ khổ sở lầm mê, mà không cần phân biệt kẻ đó là con của ai,…..”[7] .

Đến đây, đức Tổ sư đã giảng giải rõ hơn về từ Khất sĩ, nghĩa là phải có sự tu giống như Phật và đây chính là con đường của Khất sĩ, là Tăng. Như thế, Ngài đã khẳng định Khất sĩ chính là con đường tu học theo Phật, từ hình tướng bên ngoài cho đến phương pháp thực tập để đạt đến sự giác ngộ giải thoát. Từ đó, chúng ta cũng có thể thấy được điều mà đức Tổ sư muốn nói ở đây: Khất sĩ chính là Tăng, mà Tỷ-kheo là chính nhân để hình thành Tăng, nên cũng có thể nói Khất sĩ chính là Tỷ-kheo. Hình ảnh này, một lần nữa, được Ngài minh họa trong quyển Chơn lý Khất sĩ:

Chính Phật là Vô Thượng Sĩ, là ông thầy giáo có sự học không ai hơn. Còn Tăng là khất sĩ, là học trò đang đi du học khắp nơi cùng xứ, học nơi thầy, nơi bạn, nơi trò; học với tất cả chúng sanh, vạn vật, các pháp; học với Phật Pháp Tăng ba đời; học từ xóm làng tỉnh xứ đến khắp các xã hội, thế giới chúng sanh….”[8].

Như thế, Khất sĩ chính là Tăng, là Tỷ-kheo đệ tử của đức Thế Tôn, là người đang đi trên con đường mà bậc Toàn Giác đã vạch ra. Con đường ấy luôn đầy đủ Giới-Định-Huệ như lời khẳng định của Ngài trong quyển “Y bát chơn truyền”: “Nếu Khất sĩ không có tu về định huệ, dầu mà có trì giới không đi nữa cũng chưa gọi được trọn là Khất sĩ, vì chữ sĩ đây là sự học đạo lý với quả linh bằng pháp tu định huệ. Tu tức là học, hay học tức là tu, bởi tại hành mà dạy sanh ra học. Tu học định huệ là do giới y bát Khất sĩ. Như vậy là trong tiếng Khất sĩ đủ gồm cả giới định huệ”[9].

Khi đã đầy đủ giới định huệ, cũng có nghĩa là đã hàm chứa cả hai đặc tính Bố ma và Phá ác trong đó rồi. Đến đây, chúng ta có thể phần nào thấy được hình ảnh Khất sĩ chính là Tỷ-kheo mà đức Tổ sư đã nói, và đặc biệt chính là nội hàm của từ. Đồng thời, nội hàm ấy lại luôn gồm đủ cả giới định huệ, con đường thẳng tiến đến Niết-bàn.

KS 2

b. Du Tăng Khất Sĩ

Như vừa trình bày ở trên, Khất sĩ là những người học trò đang đi khắp nơi cùng xứ để tìm học pháp lý nhằm giúp cho đời sống của chính mình được giải khổ. Sau đó, hỗ trợ cho mọi người cùng được an vui như thế, và đặc biệt là cùng hướng đến sự toàn giác toàn năng. Chính hình ảnh du học khắp nơi đó đã giúp cho vị Khất sĩ có thể học với tất cả chúng sanh vạn vật, không có sự phân biệt riêng tư. Đây cũng chính là hình ảnh Du Tăng Khất Sĩ. Điều này đã được đức Tổ sư giải thích lý do vì sao cần phải thực hành đời sống như thế. Bởi lẽ, khi đứng yên một chỗ một nơi thì dễ sanh tâm tham đắm chấp trước và chẳng thể sống được với cảnh ngộ thời duyên, và khó học thêm những pháp mới ở các nơi. Như thế, khó mà đoạn trừ được tham sân si và đạt được mục đích toàn giác. Chính vì thế, đức Tổ sư mới nhấn mạnh đến việc du học khắp nơi cùng xứ để tự mình đi tới và dắt dẫn mọi người vượt qua con đường khách tạm. Hình ảnh này được Ngài minh họa qua quyển Chơn lý Khất sĩ:

Muốn học không phải ở một chỗ, mà cần phải bước lên đi tới, phải đi theo thời duyên cảnh ngộ của nước gió không ngừng, chớ đừng cố cượng. Vì chính sự ở một chỗ giữ một bài, một lớp là khổ não, vô minh, si mê, thất học. Càng đứng ngồi nằm một chỗ càng thấy nóng nảy sân hờn, và lại bụi lấp xấu dơ, tham lam đen nặng. Vậy muốn được học, nếu là kẻ thật học thì phải ra người khất sĩ khó hèn, để hạ lòng tự cao dốt nát, đặng rèn nuôi chí nhẫn, và thong thả học hành, ngao du thiên hạ, vừa là tự mình đi tới và dắt lần những kẻ khác cùng theo cho đúng theo lẽ trước sau, thời gian khách tạm, vô thường vô ngã”[10].

Hình ảnh Tăng đoàn du phương để vừa học tu vừa dạy lại người của đức Tổ sư đã gợi lại cho ta hình ảnh đời sống Tăng đoàn thời đức Phật, cũng rày đây mai đó, cũng từ nơi này đến xứ khác để thực hành nếp sống du phương tu học và hành đạo giáo hóa chúng sanh của bậc Sa-môn Khất sĩ. Hình ảnh du Tăng ấy cũng chính là tinh thần tiếp nối và thực hành theo lời dạy của đức Thế Tôn:

“Hãy đi! Hỡi các Tỷ-kheo, vì lợi lạc số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của loài Trời và loài người. Các người hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng. Hãy truyền bá đạo pháp, hỡi các Tỷ-kheo. Đạo pháp toàn thiện ở phần đầu, phần giữa cũng như phần cuối, cả trong ý tứ và lời văn, hãy tuyên bố về cuộc sống Thánh, toàn thiện và thanh tịnh…”[11].

Lời dạy này được đức Thế Tôn tuyên thuyết vào giai đoạn đầu của việc chuyển vận bánh xe pháp. Lúc này, Tăng đoàn vừa mới được hình thành, số lượng Khất sĩ chưa nhiều[12], nhưng đều đã chứng đạt đạo quả A-la-hán. Chính vì thế, chư vị Thánh Tăng này đều có đủ khả năng để đi một phương giáo hóa chúng sanh. Thêm vào đó, nhiệm vụ hoằng pháp giai đoạn này là vô cùng cần thiết, nhằm xiển dương giáo pháp toàn thiện vừa mới được khám phá đến với mọi người và mọi loài. Cho nên đức Thế Tôn mới chỉ dạy như thế để đem lại lợi ích cho chúng sanh.

Về sau, Tăng đoàn của Ngài lớn mạnh và đông đảo các vị Tỷ-kheo. Khi ấy, nhiều vị Khất sĩ cùng hành đạo một phương. Cách làm này tạo điều kiện thuận lợi cho các vị Khất sĩ trưởng lão dạy đạo cho chư vị mới xuất gia, để rồi từ đó hình thành những nhóm Khất sĩ cùng truyền bá giáo pháp ở một địa phương. Từ đây hình ảnh Tăng đoàn xuất hiện ở những địa phương khác nhau ngày một nhiều hơn và giáo pháp Thánh thiện cũng được tỏa sáng rộng hơn. Hình ảnh Tăng đoàn ấy, trong kinh thường gọi là chư vị Khất sĩ. Và đây cũng là hình ảnh Khất sĩ Bồ-tát theo cái nhìn của đức Tổ sư.

Hạng Khất sĩ cao thượng này là hình ảnh vị Khất sĩ du hành khắp nơi cùng xứ, nhưng vị này vừa lo tu học cho chính mình lại vừa đem giáo pháp đã học được ấy dạy lại cho đời. Các vị Khất sĩ này luôn vì lợi ích chúng sanh nên trong khi du hành thường hay giáo hóa và khuyến tấn mọi người về con đường đạo đức. Các Ngài cũng giống như người thầy giáo đi từ làng này đến làng kia, từ xứ này đến xứ khác để dạy học cho chúng sanh, để dìu họ đi từ lớp thấp lên đến lớp cao, và dắt họ đi từng bước để đến đạo quả giác ngộ. Hình ảnh đó đã được đức Tổ sư khắc họa: “Khất sĩ cũng như một ông thầy giáo dạy học cho bá tánh, chẳng lãnh tiền lương, dầu dạy ít dạy nhiều không hề kể công so của, quý nhứt là gương hiền đạo đức, gương giới hạnh, gương từ bi đại lượng ở đời”[13].

Đây là một ảnh dụ khá thú vị đối với tinh thần phụng hiến và tâm nguyện mang sự an vui tối thượng đến với nhân sanh của vị Khất sĩ Bồ-tát. Đồng thời, chính việc vân du và lấy phương tiện khất thực để tiếp xúc với nhân sanh đã giúp cho mọi người tập xả bỏ lòng tham, phát triển tình thương. Qua đó, gieo vào đất tâm mọi người những hạt giống tự tại yên vui, tôn kính đối với chánh pháp và con đường đưa đến sự giác ngộ giải thoát. Cho nên việc du hành với hạnh khất thực cũng là phương cách để các Ngài giáo hóa và bố thí pháp vậy. Điều này cũng được đức Tổ sư khắc họa trong quyển Khất sĩ: “Không phải vì đói khát sợ chết mà xin, người đi xin vật chất là làm cớ sự để bố thí tinh thần phước lạc, nhắc nhở độ khuyên người. Đi xin tức là bố thí pháp vậy”[14].

Vâng, chính việc vân du như thế mới đủ duyên để khuyến hóa, đem ánh sáng giác ngộ soi rọi vào tâm trí của mọi người, mới có thể giúp nhân sanh thấm nhuần đạo lý giải thoát. Đặc biệt hơn, hình ảnh đó lại chính là biểu thị cho chữ đạo ngay nơi cửa ngõ đường đi của mọi người. Để từ đó đời sống và việc làm của họ luôn được hướng dẫn bởi ánh sáng của đạo. Đây cũng là cách để vẽ lên trong tâm trí nhân sinh hình ảnh hoa sen tuyệt đẹp và không chút nhiễm ô bụi trần: “Khất sĩ cảm hóa kẻ ác, dạy dỗ người thiện, để dấu hoa sen không ô nhiễm vào nơi trí óc tâm người, vạch hàng chữ đạo nơi cửa ngõ đường đi, khoe sự tốt đẹp của giới hạnh, nhắc nhở sự yên úy đến cho người”[15].

Đó là hình ảnh của vị Khất sĩ Bồ-tát mà đức Tổ sư đã khắc họa. Bên cạnh đó, đức Tổ sư còn đề cập đến hai hạng Khất sĩ khác, đó là Khất sĩ Thanh Văn và Khất sĩ Duyên Giác. Khất sĩ Thanh Văn là hình ảnh nói về các vị Khất sĩ vân du để học đạo, học từ các pháp, học từ thầy từ bạn cho đến cỏ cây muôn thú,… Việc học đó giúp ích và đem lại sự tiến hóa tâm thức, để rồi thành tựu đạo quả giác ngộ. Cho nên mục đích của việc du hành là để học, để biết và hoàn thiện cái biết của tự thân như lời dạy:

“KHẤT SĨ là học trò khó đi xin ăn để tu học. Khất sĩ là cái sống của chơn lý võ trụ, mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy. Bởi chúng sanh là cái biết, từ chưa biết đến đang biết, và cái biết sẽ hoàn toàn ngơi nghỉ”[16].

Chính việc học để biết nên vị Khất sĩ cần phải rày đây mai đó để học với tất cả chúng sanh, để tập tu và đoạn trừ những ác pháp, để không còn mê lầm bản ngã, để thành tựu sự thanh tịnh của sáu căn và thể nhập với đời sống chơn lý võ trụ. Cho nên “Khất sĩ xin học với tất cả lẽ phải nên” để mà đoạn trừ mọi tham sân si, để đến với giác chơn. Đây cũng là mục đích của chúng sanh, là con đường đi đến quả Phật của vị Khất sĩ Thanh Văn. Thế còn con đường đến với Phật quả của vị Khất sĩ Duyên Giác thì như thế nào?

Khất sĩ Duyên Giác cũng là hình ảnh du Tăng như thế, nhưng vị này giác ngộ nhờ thấy được các pháp do nhân duyên sanh khởi và tu trì để đạt được sự giải thoát. Các vị Khất sĩ này cũng du hành rày đây mai đó nhưng khả năng tuyên thuyết giáo pháp để hóa độ nhân sanh thì rất hạn chế. Các vị chỉ giáo hóa đời qua thân giáo. Nói cách khác, những ai hữu duyên có thể nhìn vào lối sống phạm hạnh của các Ngài mà tôn kính và học tu theo, đều có thể đi đến đạo quả giác ngộ. Các Ngài luôn lấy mình làm gương để khuyên răn nhắc nhở thế nhân con đường đạo đức tấn hóa: “Chính bậc Khất sĩ Duyên Giác là một vị phước thần, thỉnh thoảng xuất hiện trong thời kỳ không có chư Như Lai hay Bồ-tát, để đem gương Phật nhắc nhở cho hạng Thinh Văn. Kẻ nào thấy gặp được cũng bằng như gặp Phật”[17].

Cho nên, các vị Khất sĩ Duyên Giác luôn đem gương hạnh của đức Phật vào cuộc sống để giáo hóa, làm gương cho đời. Đồng thời, các vị luôn du hành khắp mọi nơi để kết duyên và giúp cho cõi đời sanh tâm thiện lành đối với chư vị Khất sĩ và giáo pháp Thánh thiện, để có thể tiến hóa trên con đường giác ngộ. Tóm lại, hình ảnh Khất sĩ là hình ảnh du Tăng, dù với hình tướng nào đi nữa: Thanh Văn, Duyên Giác hay Bồ-tát, nhưng tất cả cũng đều là Khất sĩ. Du Tăng là con đường mà người Khất sĩ phải đi, dù xưa hay nay, cũng đều nhằm hướng về sự đoạn trừ tham sân si để thành tựu đời sống phạm hạnh của vị Khất sĩ Tỷ-kheo. “Ngoài khất sĩ ra không có pháp nào thứ hai để diệt tham sân si được”[18]. Lời dạy đó của đức Tổ sư, cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.

c. Ai cũng là người Khất sĩ

Qua những gì đã trình bày ở trên, chúng ta đã thấy được phần nào cái nhìn về từ Khất sĩ. Đặc biệt, trong cái nhìn của đức Tổ sư còn có một hình ảnh Khất sĩ khá thú vị và độc đáo. Đó chính là hình ảnh: ai ai cũng là người Khất sĩ.

Sự thú vị và độc đáo là ở chính chỗ nó đã vượt ra ngoài khuôn khổ định nghĩa về từ Khất sĩ, cũng như phạm vi của người xuất gia. Nếu nói một cách nghiêm túc thì kể cả người xuất gia nhưng chưa thọ Cụ túc giới, nghĩa là chỉ mới xuất gia làm tập sự hay chỉ mới thọ mười giới Sa-di, thì vẫn chưa được gọi là Khất sĩ. Cho nên khi nói đến từ Khất sĩ là đã nói đến hình ảnh của vị Tỷ-kheo, chứ không thể khác. Nhưng trong bộ Chơn lý, đức Tổ sư lại đề cập đến hình ảnh độc đáo này. Vậy tại sao Ngài lại nói như thế?

Để thấy được điều này, chúng ta cần quay lại lời định nghĩa về từ Khất sĩ của Ngài. Và trong lời định nghĩa ấy, đức Tổ sư đã nói: Khất sĩ là người học trò đi xin ăn để tu học với mục đích để trở thành bậc toàn giác toàn năng. Vì thế, để trở thành một người khất sĩ phải hội đủ hai yếu tố: xin vật chất để nuôi thân và xin pháp lý để giải khổ cho mình và cho tất cả.

Như thế, Khất sĩ là người đi xin cả về vật chất lẫn tinh thần. Mà trong cuộc sống, ai lại chẳng đi xin, có điều là ta chưa nhận ra mà thôi. Bởi ta cho rằng,việc xin chỉ tồn tại trên hình thức ngửa tay van xin người khác ban bố cho thứ gì đó, như hình tướng của khất cái chẳng hạn, mà không nghĩ rằng ai ai cũng đang xin. Điều này đức Tổ sư đã phân tích khá chi ly trong quyển “Khất sĩ”, Ngài nói chúng ta xin từ cái nhỏ li ti không hình tướng cho đến những cái lớn hơn, như việc hít vào là chúng ta đã xin không khí, hay như cây xanh tạo ra oxy để cung cấp cho cuộc sống là ta đã gián tiếp xin cây xanh rồi. Xa hơn nữa là ta đã xin công của những người đã chăm sóc vun trồng cho cây để mà cung cấp dưỡng khí cho cuộc sống… Cho nên đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã nói, ai ai cũng đều đang xin, dù xin dưới hình thức nào:

“Ai ai cũng đều là kẻ xin cả thảy, hoặc đi xin, hoặc đứng xin, hoặc ngồi xin, hoặc nằm xin, hoặc ở một chỗ xin, hoặc đi cùng khắp xứ xin. Xin cái ác, xin điều thiện, xin đạo đức, xin quả người Trời Phật, xin vật chất, xin tinh thần, xin địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh… Đất xin nước, đất mới sống khỏi chết khô. Cỏ cây xin đất nước mới sanh chồi mọc nhánh. Thú xin đất nước cỏ cây mới có đi chạy. Người xin thú cỏ cây đất nước lửa gió mới có nói làm. Trời xin người thú cỏ cây tứ đại mới sanh thức trí. Phật lại xin nơi Trời người thú cỏ cây tứ đại mới được giác chơn”[19].

Như thế thì tất cả ai ai cũng đang xin, người xin cái này, kẻ xin cái kia, như người này nấu cơm người kia ăn, kẻ khác lo thuốc cho kẻ nọ đau… Tất cả đều vay mượn và nương nhờ nhau mà tồn tại. Luận điểm này đã được Ngài phân tích khá rõ ràng trong quyển “Khất sĩ”. Tất cả mọi người, ai cũng đều đang xin để sống và chỉ khác nhau ở tâm hành của việc xin mà thôi. Chẳng hạn như việc xin để tô bồi cho xác thân vật chất tạm bợ hay xin để dưỡng nuôi cho trí tâm. Tùy theo tâm hành như thế nào mà đánh giá đó là cái xin cao thượng như người Khất sĩ hay thấp hèn như kẻ khất cái. Cho nên đức Tổ sư mới dạy: Sự xin ấy có khác hơn thú cỏ cây là xin để trau tâm dồi trí học hành, xác thân bỏ quên không lòng mến tiếc, chớ chẳng phải là sự tô đắp nung dồi sắc thịt huyễn ngã không công” . Hay như “Khất sĩ là kẻ xin bằng tâm, cái xin cao thượng trong sạch hơn hết, tự người hảo tâm cho, chớ không điều ép buộc”[20].

Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa cái xin của vị Khất sĩ chân chánh với cái xin của thế nhân. Bởi một bên thì xin bằng tâm và tự người hảo tâm mang đến cho, chứ không hề có sự đòi hỏi van xin hay gợi ý ai về những gì mình cần; còn một bên thì xin nhưng lại chẳng biết là mình đang xin hay cái xin thấp kém như của hạng người khất cái… Nhưng, xét cho cùng, tất cả ai ai cũng đều đang xin. Đối với vật chất đã xin như thế thì tinh thần cũng vậy, ai ai cũng đang xin để hoàn thiện đời sống đạo đức cá nhân. Chúng ta có thể quay lại lời trích dẫn ở trên để có thể thấy được ngay trong lời dạy về việc xin vật chất ấy, đã có và bao hàm luôn việc xin tinh thần. Hình ảnh “Xin cái ác, xin điều thiện, xin đạo đức, xin quả người Trời Phật, xin vật chất, xin tinh thần……” đã nói lên điều đó.

Thật vậy, sống trong đời, chẳng có ai là hoàn thiện và không xin cả. Lúc nhỏ, chúng ta học những bài học đạo lý làm người do ông bà thầy cô truyền cho. Những câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích đã dạy cho ta lối sống nhân nghĩa hiền lành qua góc nhìn của đạo lý nhân quả. Những câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ người đào giếng”..., cùng những cách sống để trở thành người hiền lành, có đạo đức trong xã hội. Đây chính là một phần nhỏ của việc xin các pháp để nuôi trí. Qua đó, chúng ta thấy được rằng, việc xin các pháp như thế để hoàn thiện đời sống đạo đức cá nhân đã là một việc làm có từ thuở bé thơ. Và gần như, ai cũng đều đã xin như thế. Điều này cũng được đức Tổ sư chỉ rõ trong quyển Chơn lý “Chư Phật”: “Trong đời nào ai có thể tự sanh sống lấy một mình mà chẳng phải là sự xin lẫn nhau: từ phút, từ chút, từ vật, từ lời. Xin và học là mục đích của chúng sanh, ai ai cũng là Khất sĩ xin với học”[21].

Đến đây, chắc mọi người đã thấy được hình ảnh Khất sĩ là như thế nào. Có ai nghĩ rằng mình đã có đủ và không hề xin gì trong cuộc sống không? Hay ai ai cũng đang xin vật chất để nuôi thân, xin giáo pháp để hoàn thiện đạo đức cá nhân? Chính vì thế, đức Tổ sư Minh Đăng Quang mới chỉ ra rằng, ai ai cũng là người khất sĩ. Có chăng chỉ là sự khác biệt giữa tâm hành của vị khất sĩ thế gian với vị Tỷ-kheo Khất sĩ mà thôi. Đây cũng chính là nội hàm được truyền tải qua lời dạy ấy.

Qua những phần đã được trình bày ở trên, chúng ta có thể phần nào thấy được cái nhìn của đức Tổ sư về Khất sĩ từ hình ảnh Khất sĩ là vị Tỷ-kheo cho đến hình ảnh du Tăng với các hạng Khất sĩ. Đặc biệt, hình ảnh ai ai cũng là người Khất sĩ, có thể xem là một góc nhìn rất nhân văn và sâu sắc trong quan điểm của Tổ sư.

Bên cạnh đó, tuy đức Tổ sư đã đề cập đến hình ảnh khất sĩ thế gian như thế, nhưng Ngài vẫn nhấn mạnh và khẳng định, chỉ có Khất sĩ Tỷ-kheo mới là người có đầy đủ nhân duyên để hoàn thành mục tiêu đời sống phạm hạnh và đem lại lợi ích cho chúng sanh: “Khất sĩ giải thoát tu học cho mình, độ dắt cho người là giáo lý sống chung không tư kỷ, không riêng một chủng loại nào, chẳng bỏ ai ai”[22].

 


[1] Như trong thuyết Ashrama của Bà-la-môn giáo có đề cập đến 4 giai đoạn mà con người phải trải qua: từ giai đoạn học kinh Veda đến giai đoạn lập gia đình và phát triển sự nghiệp; giai đoạn vào rừng thực hành đời sống khổ hạnh; và cuối cùng là giai đoạn du phương để đạt được sự giải thoát và sống bằng cách nhận sự bố thí của mọi người.

[2] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm Cư sĩ, phần Bhikkhaka, VNCPHVN ấn hành 1993, tr.400-01.

[3] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập 3 – Đạo Phật Khất Sĩ, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 2009, tr.422.

[4] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập 1 – Khất sĩ, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 2009, tr.267.

[5] Như trên, tr.276.

[6] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập 1 – Y bát chơn truyền, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 2009, tr. 296.

[7] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập 3 – Đạo Phật Khất Sĩ, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 2009, tr. 402.

[8] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập 1 – Khất sĩ, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr.260.

[9] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập 1 – Y bát chơn truyền, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 305.

[10] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập 1 – Khất sĩ, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 2009, tr.261-62.

[11] Tỳ Khưu Indacanda dịch, Đại phẩm tập 1, Tụng Phẩm Thứ Nhì, Hà Nội, NXB. Tôn Giáo, 2014, tr. 36.

[12] Theo Đại phẩm trong Luật tạng ghi lại thì số lượng các vị Khất sĩ vào lúc bấy giờ mới chỉ có 61 vị và đều đã chứng đạt được đạo quả A-la-hán.

[13] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập 1 – Khất sĩ, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 2009, tr.280.

[14] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập 1 – Khất sĩ, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 2009, tr.274.

[15] Như trên, tr.273.

[16] Như trên, tr.259.

[17] Như trên, tr.270-71.

[18] Như trên, tr.262.

[19] Như trên, tr. 264.

[20] Như trên, tr. 268.

[21] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập 2 – Chư Phật, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr.277.

[22] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập 1 – Khất sĩ, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr.281.