Khất sĩ và lý duyên sinh

Trong thời đại văn minh vật chất phát triển như vũ bão, vai trò của người tu sĩ trong đời sống xã hội là một thách thức không nhỏ về cả hai phương diện tự độ và độ tha. Trong việc xiển dương Phật pháp đến đại đa số quần chúng, người tu sĩ cần phải có tính năng động, tích cực nhập thế thông qua các phương tiện thiện xảo; mặt khác, cần phải đủ lực vận dụng khéo léo phương tiện đưa người vào Chánh giáo, mở ra con đường vượt thoát lầm mê sanh tử. Đó là cái khó của người tu sĩ Phật giáo trong thời đại hiện nay.

Người tu sĩ mắc phải không ít những sai lầm trong việc sử dụng phương tiện một cách sai lạc, thiếu tỉnh thức đã dẫn đến việc bị cuốn theo thăng trầm của những làn sóng hư vinh thế tục. Do đó, tu sĩ trước tiên cần phải nhắc thức mình là một vị Tỳ-kheo (Bhikkhu), nghĩa là người hành khất Phật giáo, là một Khất sĩ. Đây được xem như là một trong những ý nghĩa hết sức cao quý của một Tỳ-kheo. Để nuôi thân mạng, Tỳ-kheo chọn đời sống khất thực, vì mục đích tự lợi, lợi tha khác hẳn với những kẻ ăn xin vất vưởng qua ngày. Tự lợi là việc dùng phẩm vật của tín thí cúng dường đủ nuôi thân mạng cho việc tu tập, lợi tha là thông qua việc trì bình khất thực để có cơ duyên giáo hóa, gieo chủng phước điền cho tất cả chúng sanh một cách bình đẳng. Khất thực chính là truyền thống của mười phương ba đời chư Phật.

DSC 0511

Chư Tôn đức Hệ phái Khất sĩ trì bình khất thực trong khóa tu truyền thống

Trong bộ Chơn lý, Tổ sư Minh Đăng Quang đã định nghĩa về phạm trù của hai chữ “Khất sĩ” thật là thông thấu và sâu rộng. Mối tương quan, tương duyên của vạn vật trong vũ trụ không nằm ngoài hai chữ Khất sĩ. Ngài định nghĩa chữ “Khất” là sự bao hàm như sau: “Tiếng ‘khất’ có nghĩa là xin. Lẽ xin là chơn lý của võ trụ, mà chúng sanh, kẻ thì xin vạn vật để nuôi thân, người thì xin các pháp để nuôi trí. Ai ai cũng đều là kẻ xin cả thảy, hoặc đi xin, hoặc đứng xin, hoặc ngồi xin, hoặc nằm xin, hoặc ở một chỗ xin, hoặc đi cùng khắp xứ xin. Xin cái ác, xin điều thiện, xin đạo đức, xin quả người Trời Phật, xin vật chất, xin tinh thần, xin địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh… Đất xin nước, đất mới sống khỏi chết khô. Cỏ cây xin đất nước mới sanh chồi mọc nhánh. Thú xin đất nước cỏ cây mới có đi chạy. Người xin thú cỏ cây đất nước lửa gió mới có nói làm. Trời xin người thú cỏ cây tứ đại mới sanh thức trí. Phật lại xin nơi Trời người thú cỏ cây tứ đại mới được giác chơn”[1].

Tổ sư khẳng định lẽ xin là chân lý của vũ trụ. Dùng từ xin, vay mượn, hay sự trao đổi qua lại đều không có gì sai khác. Vạn vật có mặt đều nương vào cái khác mà có. Nhắc lại câu chuyện về Tỳ-kheo Mã Thắng một hôm đi khất thực gặp Ngài Xá-lợi-phất, hiện đang đi tìm thầy học đạo. Thấy dáng vẻ của một Sa-môn uy nghi, đĩnh đạc, Ngài Xá-lợi-phất bèn hỏi giáo pháp, Tôn giả Mã Thắng nhân đó đọc bài kệ:

“Các pháp từ duyên sinh,

Cũng do duyên mà diệt,

Thầy tôi Đại Sa-môn,

Thường dạy điều như thế”.

Bài kệ này đã làm chấn động toàn thân tâm của Ngài Xá-lợi-phất khiến cho Ngài thoáng sát-na nhận ra chân tướng của vạn pháp. Đây chính là giáo lý Duyên khởi (Pratityasamutpada), còn gọi là nhân duyên sanh, cũng được dịch là tùy thuộc phát sanh (Dependent Origination). Mọi sự vật, hiện tượng đang hiện hữu đều phụ thuộc bởi yếu tố của nhân và duyên kết hợp mà thành. Sự hiện hữu có được đều dựa vào, phụ thuộc vào những yếu tố khác. Do đó, không có cái gì hiện hữu một cách độc lập mà không có bất kỳ một yếu tố nào tác động. Nếu thiếu một nhân hay một duyên thì sự vật, hiện tượng đó sẽ không thể hiện hữu hoặc hiện hữu trong trạng thái khác với bản thân nó. Công thức lý nhân duyên được tóm tắt như sau:

Cái này có thì cái kia có (imasmim sati idamhoti),

Cái này sinh thì cái kia sinh (imassuppada idam uppajjati),

Cái này không thì cái kia không (imasmim asati idam na hoti),     

Cái này diệt thì cái kia diệt (imasmim nirodha idam airujjhata)[2].

Để thấy rõ sự phụ thuộc lẫn nhau của các pháp hữu vi mà chúng có mặt, “cái này có thì cái kia có” chính là xin, là vay mượn. Người được gọi là Khất sĩ chính là người phải học cho được bài học của vũ trụ, bài học của sự tương tác này, bài học của giải thoát mà mười phương chư Phật không ai không học qua. Lý tương duyên được Tổ sư cụ thể hóa như sau: “Giáo lý ăn xin là sự chan hòa cho nhau, tức là công lý võ trụ, là Pháp bảo, hay chơn lý, triết lý nhiệm mầu. Người này nấu cơm, người kia ăn. Người khác may áo, người nọ mặc. Kẻ này cất nhà, kẻ kia ở. Kẻ khác lo thuốc cho kẻ nọ đau[3]. Nghĩa là ai ai cũng là người ăn xin hết, không ai trong chúng ta không phải là người ăn xin. Mỗi hơi thở vào ra của chúng ta cũng là sự xin không khí của trời đất, sự trao đổi chất, trao đổi tế bào trong từng khoảnh khắc sanh diệt trên thân thể đều là sự vay mượn, sự cho xin. Rộng hơn nữa, kiến thức mà mỗi người có được cũng là sự xin, mọi thứ vật dụng mà con người dùng đến cũng không ngoài sự cho xin mà có. Điều này, Tổ sư đã đề cập rất chí thiết: “Lẽ sống ở đời không ai duy kỷ được: nào ai có thể tự sống riêng biệt lấy mình, mà không cần nhờ nơi tất cả? Chính thân ta đây, đã do biết bao người tạo sanh và nuôi dưỡng: Một điểm tinh cha, một chút huyết mẹ, hòa hiệp thành hình, từ lúc lọt lòng, đã chịu ơn muôn loại: Thức ăn, sự mặc, chỗ ở, thuốc men, các việc nhu cầu v.v… há phải chỉ một đôi người đảm nhận? Vạn vật chung quanh ta lúc nào cũng đỡ nâng đùm bọc, ta là kẻ quá nhỏ nhen, đang xin nhờ nơi tất cả, mà mỗi chúng ta không ai tự mình có sẵn món chi được vậy[4].

Người thế gian thường hiểu một chiều: “Do tôi lao động cực khổ để mua sắm tất cả tiện nghi mà tôi muốn có, không xin ai cả”. Hiểu như thế là thiển cận, là cái hiểu của người chưa biết lý duyên sinh, chưa biết đến chân lý vũ trụ là gì. Do đó, tất cả những việc làm, suy nghĩ, hành động mỗi mỗi người ta đều gắn thêm cái tôi vào đó: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”. Nhưng giáo lý của Đức Phật dạy rất rõ ràng rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi ”, để thấy rõ rằng không có một cái tôi nào trong bản thân một con người, con người chỉ là tập hợp của các yếu tố duyên sinh mà thành. Do đó, sự thật mỗi con người chính là Khất sĩ. Vạn vật cũng là Khất sĩ, đang là Khất sĩ, sẽ là Khất sĩ. Tuy nhiên, dưới con mắt thế gian, chẳng ai tự cho mình là kẻ ăn xin cả, trừ một vài người ăn xin vất vưởng để sống qua ngày, còn hầu hết những người có ý chí phấn đấu, biết lao động để sinh sống, làm sao họ có thể hiểu được ý nghĩa xin cao quý ấy. Còn người ăn xin sống bám xã hội thì cũng chẳng bao giờ hiểu được nghĩa lý huyền vi của đạo ăn xin cao cả. Do đó, chỉ có giáo lý của Đức Phật mới chỉ rõ cho nhân loại thấy rõ sự tương duyên lẫn nhau trong vũ trụ, và con người chịu sự chi phối tuần hoàn trong mười hai nhân duyên để chịu luân hồi, sanh tử. Điều này, chính Tổ sư Minh Đăng Quang đã khẳng định lại lời chư Phật như sau: “Giáo lý của Khất sĩ là trung đạo, chánh đẳng chánh giác vô thượng, cốt yếu để đem lại chữ hòa cho muôn loài, xin cái cao ban vào cái thấp, để tạo sự bằng phẳng giữa cõi đời. Đi xin để kêu gọi lòng từ bi hỷ xả, đức từ ái cho nhơn loài,… không phải vì đói khát sợ chết mà xin, người đi xin vật chất là làm cớ sự để bố thí tinh tấn phước lạc, nhắc nhở độ khuyên người. Đi xin tức là bố thí pháp vậy. Mỗi ngày đi xin một lần, lập một công đức dẫn đạo ban hành, dìu dắt chúng sanh, đền ơn chư Phật lưu truyền chánh pháp”. [5]

Như vậy, có thể nói hai chữ Tỷ-kheo (Bhikkhu) mà Đức Phật thường gọi hàng Sa-môn Thích tử của Ngài chính là thể hiện chân lý tối cao, tối thượng mà giáo lý của Đức Thế Tôn muốn chỉ bày cho tất cả chúng sanh. Tỷ-kheo là Khất sĩ, trên xin giáo pháp của Đức Phật, dưới xin vật thực của tín thí, trên cầu giải thoát, dưới cứu khổ hàm linh. Xin và cho cũng là cặp phạm trù không bao giờ khuyết. Đồng thời, một người được gọi là Tỷ-kheo cũng đồng nghĩa với việc người này đã nhận ra chân lý của vũ trụ, nhận ra các pháp vốn có mặt trong lý tương sinh, tương diệt mới xứng đáng là một Tỷ-kheo. Vào thời Đức Phật, có lần Bà-la-môn Bhikkhaka đến hỏi Đức Phật: “Thưa Tôn giả Gotama, con là người khất thực và Tôn giả cũng là người khất thực. Vậy có sự sai khác gì giữa chúng ta?”. Đức Thế Tôn đáp: “Không phải ai ăn xin, cũng gọi là Khất sĩ, nếu chấp trì độc pháp, không gọi là Tỷ-kheo. Ai sống ở đời này, từ bỏ các phước báo, đoạn trừ mọi ác pháp, hành trì theo phạm hạnh, sống đời sống chánh trí, vị ấy xứng Tỷ-kheo[6]. Như vậy, Khất sĩ là người ăn xin nhưng không có nghĩa là người ăn xin nào cũng là Khất sĩ. Điều này đã được Đức Phật trả lời rất rõ ràng. Nếu không có đời sống phạm hạnh, không có đời sống chánh trí thì không phải là Tỷ-kheo.

Do đó, bản thân mỗi vị Tỷ-kheo là phải quán chiếu để thấy tự thân chính là Khất sĩ, với tinh thần vô trụ, vô chấp, để có cái nhìn tuệ giác như thật: không cái gì của ta, là ta, tự ngã của ta. Và từ đó có thể truyền bá về giáo lý Khất sĩ cho tất cả chúng sanh được hiểu rõ.

Là người con Phật, thường trực tuệ tri về bản chất Khất sĩ có thể giúp cho mỗi chúng ta giảm dần tự ngã, dẫn đến đoạn diệt tham ái, để đời sống trở nên có ý nghĩa thiết thực, để tâm hồn được mở ra giữa đại đồng với tinh thần từ ái, bao dung như bản tánh tự nhiên vốn có của vũ trụ, để ta sống giúp cho tất cả, và tất cả sống giúp cho ta, như là một thân thể to lớn liền lạc, như bàn tay làm việc chùi lau cho cả cơ thể …[7]. Ai hiểu được Khất sĩ trong mối tương quan, tương duyên của vũ trụ, người ấy sẽ có đời sống an lạc và giải thoát. Và chữ “Khất sĩ” cũng chính là sự trở về, Khất sĩ chính là tự tánh, Khất sĩ cũng gọi là chân lý, là Phật tánh… gọi như thế nào cũng đúng. Bởi nếu thấy được thực tánh của vạn pháp thì gọi như thế nào cũng chính xác và chẳng có sự phân biệt nào khi ngôn từ chỉ là phương tiện để chỉ bày cho chúng sanh hiểu thấu bản chất cuộc sống để đạt đến an vui, hạnh phúc vĩnh cửu.

Hạnh Thường
Cử nhân Phật học khoa Đào tạo từ xa
Học viện PGVN tại TP. Hồ Chí Minh


[1] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập I “Khất sĩ”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 264.

[2] Thích Minh Châu dịch, Kinh Phật Tự Thuyết (Udāna), Tiểu bộ kinh, Tu thư Vạn Hạnh, 1982, tr. 291.

[3] Sđd, Chơn lý tập I “Khất sĩ”, tr. 266 – 267.

[4] Sđd, tập III “Hòa bình”, tr. 349 – 350.

[5] Sđd, tập I “Khất sĩ”, tr. 274.

[6] ĐTKVN, Kinh Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm Cư sĩ, phần Bhikkhaka, VNCPHVN ấn hành 1993, tr. 400.

[7] Sđd, tập I “Khất sĩ”, tr. 266.