Khất sĩ và thời đại

Kính bạch chư Tôn đức,

Mỗi vị Tỳ kheo đều có 3 danh hiệu: Khất sĩ, Bố ma, Phá ác. Nếu là đệ tử Phật thì đều là Khất sĩ dù ở hệ phái Nam truyền hay Bắc truyền. Và Đức Phật chính là người Khất sĩ đầu tiên.

bemac4 

Căn cứ vào phần “Chủng tộc Sa môn” trong Chơn lý 58 “Đạo Phật Khất Sĩ”: “Xưa kia Phật Thích-ca khi Ngài còn đang là thái tử, Ngài đi dạo xem bốn cửa thành, gặp người già bịnh chết với vị sa-môn Khất sĩ, Ngài cho rằng: Vị sa-môn Khất sĩ ấy hữu lý thật. Con người sống không phải để sống, sống để chết bịnh già hay chịu khổ, nô lệ. Ngài nhận ra mục đích của sống là biết, biết là học, cái sống là xin. Tất cả chúng sanh là đang xin lẫn nhau, tiến ra từ trong cái ác, cái bất công, cái mê muội. Cũng như kẻ kia mới tượng thai bào là cướp máu thịt mẹ, khi sanh ra còn dùng sữa huyết mẹ, lớn lên phá phách báo hại cha anh, về sau đến trường học quấy rầy với bạn lữ. Kẻ đó biết tự lo cho mình, sau lại lo cho gia đình con vợ, đến nữa mới biết lo cho xã hội; về già thì nghĩ đến thế giới nhơn loại, chừng gần chết lại xót thương cho loại thú, cỏ, cây, đất, nước. Từ ác tiến lên thiện, từ bất công sẽ đến công bình, từ mê muội trở nên sáng suốt. Chúng sanh đang sống trong lẽ xin vay, chẳng có cái tự mình. Kìa ta đang xin nơi cỏ, xin nơi cây, xin nơi thú, xin nơi người, xin chẳng đợi ai cho, bất công tội lỗi, nào ta có nghĩ đến cái sống biết của chúng nó cũng đang tiến, cũng như ta. Ta cắp nơi rau cỏ, ta trộm nơi nhánh trái, ta cướp mạng sống thú, cầm; hoặc tự làm, hoặc xúi kẻ khác làm cùng xin nhau chia lợi, sái với bình đẳng lẽ công chơn lý. Thế là cái sống của ta đang vay và tội lỗi. Cái vay tội lỗi ấy để mà tu học, ai ai là cũng đang tu học để đi tới con đường tốt đẹp, thì người Khất sĩ kia chẳng là chánh đẳng chánh giác khá hơn ư! Và người Khất sĩ có còn biết xét đến lẽ công bình đẳng, biết xin trực tiếp, tuy xấu thô nhưng mà trong sạch, tuy cũng tội vay nhưng được an lòng vì có mục đích tu học và bởi tự lòng người hảo tâm bố thí, chớ không tự lấy làm hay ép buộc. Cũng như người học trò khó kia xin nhờ nơi người giúp hộ, người thật tâm cố gắng học tu đi tới, nên chẳng sợ mang thân trùng dế đáp ơn. Cái Khất sĩ tạm ấy tuy cũng còn là tội lỗi ít, nhưng có mục đích có sự đáp đền sau này, cái ấy cũng là tốt đẹp lắm, chớ biết làm sao vì khi đã có phải mang thân; pháp ấy tốt đẹp hơn sự tham muốn ác ngang không đường của bao nhiêu kẻ khác, chỉ lo vay tạo.

Bởi thế nên Ngài giải thoát xuất gia theo đường sa-môn Khất sĩ, chẳng chút ngại ngùng sợ sệt. Ngài lại dạy thiện cho thế gian tập lần theo: kẻ giữ một giới là không giết hại loài người, người giữ năm giới là không giết cả thú to, tám giới không hại cả thú nhỏ, mười giới không giết cả cây to, hai trăm năm chục giới không hại cả cỏ nhỏ.

Cho đến một khi kia, Ngài đã toàn năng toàn giác, Ngài về xứ vua Tịnh-phạn, sáng ra Ngài đi khất thực xin ăn. Vua Tịnh-phạn đến đón chận đường Ngài mà nói rằng: Ngài quên tôi là nhà vua sao? Dòng họ Thích-ca xưa nay là vua chúa, nào có sự xin ăn xấu hổ như thế? Ngài quên là tôi có thể cung cấp Ngài và chư sa-môn đến bao lâu cũng được hay sao? Đức Phật đại sa-môn Khất sĩ trả lời rằng: Bệ hạ bảo tồn danh giá địa vị của dòng họ Thích-ca là cũng giống như tôi, tôi bảo tồn danh giá địa vị của dòng họ Phật, là dòng họ sa-môn Khất sĩ của tôi, vì tôi đã là con của chủng tộc sa-môn họ hàng Khất sĩ nhà Phật rồi, thế nên tôi phải đi khất thực xin ăn theo bổn phận.

Lại như trước khi Ngài nhập diệt, lời di chúc của Ngài trong kinh Di Giáo, Ngài dạy các đệ tử về sau phải giữ gìn giới luật sa-môn Khất sĩ, lấy giới làm thầy thay như Phật, giới luật ấy là đạo Phật. Đạo Phật mất hay còn là bởi nơi giới luật sa-môn Khất sĩ ấy.

Ngài dạy trong Tăng chúng chớ sanh sống như người thế gian tạo tội, chớ quên mục đích học tu của sống tạm, thà tạm vay tu học mà còn trong sạch đáng quí hơn. Hãy xem gương Ngài trọn đời bát y khất thực theo chơn lý chẳng đổi dời, ấy cũng bởi chúng sanh nghiệp tội, tham sân si ngã mạn, khổ sở, không bao giờ dời đổi. Đạo Phật thì không bao giờ mới hay cũ, chẳng bao giờ đổi thay được. Trong đời chỉ có một đạo Niết-bàn do nhờ pháp Khất sĩ ấy thôi.

Pháp ấy sẽ giúp cho chúng sanh tiến tới mãi, không ta, không của ta; giải thoát được tham sân si, ác khổ ắt sẽ diệt trừ. Nó là con đường cái quan trọng lớn lao chung của tất cả, nó cứu vớt cho biết bao kẻ khổ sở được khỏi sự chết điên, nó là tương lai ngày mai của muôn loại. Kìa như gương của ta, nó giúp cho biết bao người già yếu, khổ sở thất bại, tránh khỏi điên cuồng chết thảm. Họ bị vật chất tình thương hất hủi, họ sẽ đến với ta, họ đến với ta để sống vui, tiến đến nẻo tinh thần tốt đẹp quí báu cao thượng hơn. Thế nên những ai người giác ngộ mới sẽ thấy nhận ra ta. Ta là Khất sĩ, là chơn lý, là đạo, là con đường cao trên của lớp họ, họ mới phải xuất gia trước theo ta, mà không phải là chờ đến khi nạn khổ. Nhưng các người cũng nên biết rằng: Đạo Khất sĩ là rất quý báu và quá cao siêu, đúng với lẽ thật công bình, mà trong thế gian rất khó hiểu, rất khó gặp, rất khó hành theo, vì cũng như lớp ông già thì bao giờ cũng rất ít, lại phải chết đi, còn trẻ nhỏ càng đông lại sanh thêm nhiều mãi, thì đâu phải mỗi ai đều già ngay y như nhau một lượt.

Đối với những chúng sanh ấy, Giáo pháp Khất sĩ sẽ là bàn tay cứu vớt họ ngày mai, để đưa lên, lên đến cõi tột cao. Vậy nên chúng sanh đời sau hãy xem Khất sĩ là đạo của chư Phật ba đời, mà Khất sĩ ấy là đạo, là đường đi; mượn tạm đường đi ấy để đi đến nơi chơn thật, mục đích kết quả của mỗi người; chớ đạo ấy không phải là tên chi. Khất sĩ là đạo của chúng sanh chung, ai ai cũng đang mang danh từ Khất sĩ, họ hàng Khất sĩ, họ Phật, chủng tộc sa-môn, là học xin Khất sĩ hết.”

Kinh Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật (Hán dịch: Cưu Ma La Thập) , một lần nữa lại chứng minh xưa kia Đức Phật là vị Khất sĩ: “Ta nghe như vầy: Một thuở nọ, đức Phật ở trong vườn Kỳ-Thọ, Cấp-Cô-Độc, tại nước Xá-Vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo, một nghìn hai trăm năm mươi người câu-hội. Lúc đó, gần đến giờ ăn, đức Thế-Tôn đắp y, cầm bát, vào thành lớn Xá-Vệ mà khất thực.Trong thành ấy, đức Phật theo thứ tự, ghé từng nhà, khất-thực xong trở về Tịnh-Xá, dùng cơm, rồi cất y-bát, sau khi rửa chân xong, đức Phật trải tòa mà ngồi.”

Hòa thượng Nhất Hạnh trong chuyến thăm lại quê hương Việt Nam cũng đã hướng dẫn Tăng Ni khất thực, noi theo và gợi nhớ lại truyền thống khất thực của Chư Phật. Chiếc nón lá, biểu tượng của quê hương Việt Nam cũng đã được Hòa thường đem theo bên mình.

Kinh Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật, một lần nữa lại chứng minh xưa kia Đức Phật là vị Khất sĩ: Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Xá-vệ quốc, Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên, dữ đại tỳ-kheo chúng thiên nhị bá ngũ thập nhân câu. Nhĩ thời Thế Tôn thực thời, trước y trì bát nhập Xá-vệ đại thành khất thực. Ư kỳ thành trung thứ đệ khất dĩ, hoàn đáo bản xứ, phạn thực ngật, thâu y bát, tẩy túc dĩ, phu tòa nhi tọa”.

Kính bạch chư Tôn đức!

Thuở Phật tại thế, Tịnh xá Kỳ Viên được thành lập cho mục đích tu học. Từ đó đến nay, Tổ Tổ tương truyền đều có đạo tràng tu viện, thiền viện, tịnh xá làm nơi trú ngụ học tu. Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng thành lập Trúc Lâm Đầu Đà. Thế nhưng sự xuất hiện của những người giả danh tu học, lạm dụng Phật giáo, khất thực phi pháp làm kế sinh nhai đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự tinh khiết của truyền thống. Giáo hội đã và đang tìm cách khắc phục hiện trạng này. Bên cạnh đó, sự hình thành các tu viện, đạo tràng, thiền viện, tịnh xá… đã làm cho các vị trụ trì ở các trú xứ này ngày càng bận rộn với nhiều những chức trách và nhiệm vụ: đối nội, đối ngoại, tiếp vật xử thế, tiếp Tăng, độ chúng… Càng bận rộn thì thời gian dành cho việc tu tập càng ít đi. Thế nhưng, các vị đừng quên mình là một Khất sĩ: Khất là xin, sĩ là học. Xin vật chất để nuôi thân, xin tinh thần để nuôi tâm. Không có gì là ta và của ta, chỉ là sự giữ gìn cho Tam Bảo. Đừng để dính mắc quá nhiều với các trách nhiệm và với vật chất. Hãy an trú tâm, hãy nhận ra các pháp là vô tướng. Hãy hành Bồ tát đạo dựa trên tự lợi và lợi tha, lợi mình và lợi người: thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.

Theo tôi nhìn thấy, phương pháp tu tập hiện nay do Hòa thượng Giác Giới đề xuất tập trung vào Giới-Định-Tuệ. Giới gồm giới tướng và giới tánh. Định, tuy có nhiều loại định, nhưng Định của đạo Phật phải đi kèm với Chánh kiến để ngừng lại những điều ác. Định phải có chỉ và quán: quán Tứ niệm xứ - thân, thọ, tâm, pháp; có quán nhân duyên, có quán ngũ uẩn để phát triển trí huệ (Tuệ) đưa đến giác ngộ, thấu đạt chân lý, thấy rõ nguồn gốc sinh tử, nhận ra sự an vui tịch tĩnh tối thượng của Niết bàn. Khi có ánh sáng trí tuệ thì bóng tối vô minh sẽ tự biến mất. Mặt trời lên thì bóng tối sẽ tan hoại.

Tóm lại, “…Chúng sanh đời sau hãy xem Khất sĩ là đạo của chư Phật ba đời, mà Khất sĩ ấy là đạo, là đường đi; mượn tạm đường đi ấy để đi đến nơi chơn thật, mục đích kết quả của mỗi người; chớ đạo ấy không phải là tên chi. Khất sĩ là đạo của chúng sanh chung, ai ai cũng đang mang danh từ Khất sĩ, họ hàng Khất sĩ, họ Phật, chủng tộc sa-môn, là học xin Khất sĩ hết” (Chơn Lý – Tổ sư Minh Đăng Quang).