Khóa "Bồi dưỡng đạo hạnh" lần 3 của Giáo đoàn III

 Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni,

Thưa chư thiện nam tín nữ Phật tử,

Trong tiết trời se lạnh của xứ Ban Mê vào những ngày cuối Đông, khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” lần thứ 3 dành cho Sa-di, Sa-di-ni và tập sự được khai mạc vào sáng ngày 05/01/2013 (nhằm 24/11 Nhâm Thìn) tại Tịnh xá Ngọc Quang, TP. Ban Mê Thuột, tỉnh Đăk Lắk trong bầu không khí trang nghiêm, thanh tịnh dưới sự chứng minh của chư Tôn đức. Thoáng, 10 ngày đã trôi qua. Nay, ngày 15/01/2013 (nhằm 04/12 Nhâm Thìn) đã đến ngày tạ pháp. Thay mặt Ban tổ chức, con xin báo cáo tiến trình và kết quả khóa tu như sau:

1. Ban Tổ chức


Chư Tôn Đức chứng minh

-        Ban chứng minh: HT. Giác Dũng - Trưởng Giáo đoàn III, Trưởng ban tổ chức

-        HT. Giác Thuận: Phó ban tổ chức kiêm Giám luật

-        TT. Giác Tiến: Phó ban Tổ chức kiêm Tổng điều hành

-        ĐĐ. Giác Phổ: Thư ký kiêm Kiểm soát

-        ĐĐ. Giác Phong: Tri sự khóa tu

-        NS. Hạnh Liên: Giám luật Ni

-        NS. Hiếu Liên: Kiểm soát Ni

2. Khóa sinh tham dự


Khóa tu học lần này gồm có 102 vị (trong đó có 28 sa-di, 34 tập sự nam, 17 sa-di-ni và 23 tập sự nữ) thuộc 55 đơn vị tịnh xá, tịnh thất của giáo đoàn III. Đa số khóa sinh là những người trẻ tuổi, có tâm ham học, ham tu, nhưng uy nghi chánh hạnh còn cần phải được quan tâm đào dưỡng.

3. Nội dung chương trình tu học

Trong hai ngày đầu, TT. Giác Thuận, Giám luật Giáo đoàn, trụ trì TX. Ngọc Phú – Phú Yên - Tuy Hòa, Phó ban tổ chức kiêm Giám luật khóa tu đã ân cần chỉ giáo đến hội chúng Sa-di, Sa-di-ni và tập sự với đề tài “Để trở thành một vị Tăng Ni khất sĩ”.

Thượng tọa đã nêu lên những điểm cần thiết mà mỗi Sa-di, tập sự cần phải nắm vững như đắp y, mang bát, đánh chuông, tụng kinh, ngồi thiền,… Trọng tâm của buổi giảng, Thượng tọa đã giải thích rõ ràng về “thập lục hạnh” được trích từ “Luật nghi khất sĩ” như phép đi khất thực, phép đến nhà cư sĩ, cách đi, đứng, ngồi, nằm, nói, làm, ngủ, nghỉ, v.v… Kết thúc buổi giảng, Thượng tọa đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “thập lục hạnh” mà mỗi sa-di, sa-di-ni và tập sự cần phải nghiêm giữ và thực hành nghiêm mật để xứng đáng là một vị sư khất sĩ.

Ngày thứ ba, hội chúng được đón nhận những lời pháp thân mật, gần gũi pha lẫn những vi tiếu, hòa ái của TT. Giác Minh (Trụ trì TX. Ngọc Đà – Đà Lạt – Lâm Đồng), giúp cho hội chúng xua đi những cơn hôn trầm và quên đi sự đau nhức của đôi chân. Trong lối giảng dạy tự nhiên đầy cuốn hút với chủ đề “Phước Huệ song tu”, Thượng tọa đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của trí tuệ trong lộ trình giải thoát. Với ý nghĩa đó, Thượng tọa đã khuyên nhắc hội chúng cần phải nghe kinh, xem sách, thiền định để phát triển trí huệ. Đồng thời, người xuất gia mới vào đạo cần phải nhẫn nại, lập công bồi đức, công phu, công quả để tích tạo phước duyên, làm tư lương trên bước đường tiến đến quả vị giác ngộ.

Bước sang ngày thứ tư, hội chúng có dịp lắng nghe những lời chia sẻ của ĐĐ. Giác Kiến (trú xứ TX. Ngọc Quang) thông qua chủ đề “Thăm viếng các em”. Tuy có xảy ra sự cố mất điện, nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến thời pháp mà càng làm cho hội chúng chăm chú lắng nghe hơn. Đại đức đã đem đến cho hội chúng một không khí thân mật và cởi mở. Nhờ vậy mà cả Tăng, Ni và tập sự có dịp được nói lên những suy nghĩ cũng như cảm nhận của mình về những điều đã được học hỏi từ giáo pháp. Đồng thời Đại đức cũng lưu ý hội chúng về niềm tin nơi giáo pháp, niềm tin nơi pháp môn mà mình đang tu tập, cần phải có sự chỉ dạy đúng đắn từ những bậc tôn túc để định hướng cho mình trên đường tu tập để tránh sự sai lầm.

Ngày thứ năm, Ni sư Cảnh Liên (Trụ trì TX. Ngọc Túc, Đak Pơ – Gia Lai) đã đem đến cho hội chúng giáo pháp căn bản “Tứ Diệu Đế” với những lời giảng mộc mạc, gần gũi và lột tả được bốn sự thật mầu nhiệm. Mỗi lời pháp của Ni sư tuy giản dị nhưng lại là những lời khuyến tấn chân thành, khích lệ mỗi hành giả phải nỗ lực quán chiếu các pháp thế gian đều vô thường, khổ và vô ngã. Từ đó, mỗi hành giả trên bước đường tu tập ngày càng được thăng hoa tiến bước trên đường giải thoát giác ngộ.

Bước sang ngày thứ sáu, hội chúng được đón nhận lời dạy của ĐĐ. Giác Hoàng với chủ đề “Mục tiêu, mục đích và ý nghĩa khóa tu”. Nhằm định hướng con đường tu học cho hội chúng. Đại đức đã nêu rõ mục tiêu, mục đích của nó là gì và ý nghĩa trong từng giai đoạn. Mục tiêu của khóa tu là không ngoài rèn luyện oai nghi, nghi cách của một vị sa-di, sa-di-ni hay là một vị tập sự; là cơ hội để mỗi hành giả được tìm hiểu về lịch sử của Tổ sư và các đức Thầy, thiết lập được Linh Sơn cốt nhục, pháp lữ tình thâm giữa thầy trò và huynh đệ. Khóa tu không chỉ để “tính điểm” khi lên lớp như nhiều vị nghĩ, mà nó là hạnh kiểm, hạnh đức căn bản mà mỗi Tăng Ni cần phải trau dồi để xứng đáng là một vị xuất gia trong giáo pháp.

Sáng ngày thứ bảy, với chủ đề “Thực tập chánh niệm” do sự hướng dẫn của TT. Giác Trí (Trụ trì TX. Ngọc Sơn - Tuy Phước – Bình Định). Mở đầu buổi giảng bằng một câu chuyện đầy ý nghĩa về một cậu bé ham mê đánh bạc đã dùng hết số tiền với trò đen đỏ thay vì mua thuốc cho mẹ. Thông qua câu chuyện trên, Thượng tọa đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chánh niệm trong đời sống hàng ngày của người xuất gia. Bởi lẽ, chánh niệm tựa như nguồn ánh sáng giúp soi rọi vào mọi sinh hoạt trong phút giây hiện tại để tránh những sai lầm do thói quen cũ của mình. Theo Thượng tọa, chánh niệm giống như sợi dây xuyên suốt tất cả các pháp môn, còn mỗi pháp môn giống như những hạt chuỗi. Chính nhờ có chánh niệm mà chúng ta giữ được giới luật, phát triển định lực và đạt được tuệ giác. Để giúp cho hội chúng có được chánh niệm thường hằng, thượng tọa đã triển khai tập tài liệu “Lợi ích thực tập thường ngày với 37 câu chú nguyện” trích từ Luật Nghi Khất Sĩ của Tổ sư Minh Đăng Quang. Đây là phương pháp giúp cho hành giả thực tập chánh niệm trong mỗi lúc để phát triển chánh niệm đơn thuần đến chánh niệm chuyên sâu và cuối cùng là chánh niệm chuyển hóa.

Ngày thứ 8 của khóa tu học, ĐĐ. Giác Phổ (trú xứ TX. Ngọc Quang) đã đến với hội chúng với chủ đề: “Nhận thức cơ bản về đạo Phật” giúp cho đại chúng có cái nhìn tổng quát về đạo Phật thông qua cuộc đời của đức Phật, và trình bày 4 đặc tính cơ bản của đạo Phật: nhân bản, bình đẳng, từ bi và vô ngã. Với bốn đặc tính cơ bản này, Phật giáo truyền đến nơi nào đều được dân bản xứ đón nhận đến đó.

Ngày thứ 9 của khóa tu học, HT. Giác Phương (trú xứ TX. Ngọc Quang) đã giảng trạch cho hội chúng Tăng Ni hiểu rõ bài “Kinh Phước Thí” và định nghĩa chữ tu. Thông qua bài “Kinh Phước Thí”, Hòa thượng đã làm sáng tỏ từng lời, từng ý của bài kinh và khuyến khích Tăng Ni phải thường hành bố thí, cung kính và giữ vững lý tưởng xuất gia giải thoát của mình.

Ngày cuối cùng, hội chúng được hân hạnh đón tiếp HT. Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái. Hòa thượng đã giảng cho đại chúng chủ đề “Tìm hiểu đôi điều về phương châm lập đạo của Tổ sư: Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp”. Thông qua bài giảng, hội chúng xác định lập trường đi tu của mình, hiểu rõ được ý tưởng xuất gia và suy nghĩ thật kỹ toàn cảnh gia đình, điều này nói lên là người đi tu không trốn tránh trách nhiệm và bổn phận của mình. Là người con Khất Sĩ sau khi đã xác định lập trường của mình, cần phải chọn con đường tu tập theo gót chân của Tổ, Thầy, phải gắn liền phương châm lập đạo của Tổ sư “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” và nguyện trọn đời đi theo bước chân hành đạo của Tổ Thầy. Nguyện tinh tấn tu tập, sống và hành trì đúng như pháp tam học Giới – Định – Tuệ để tăng trưởng đạo hạnh và đạt được nguyện ước của mình.


HT. Giác Toàn quang lâm và ban bố thời Pháp cho hội chúng

Buổi chiều cùng ngày, hội chúng được cung đón HT. Giác Dũng, Trưởng giáo đoàn III, chứng minh khóa tu đã viếng thăm. Lời đầu tiên, Ngài đã hỏi thăm sức khỏe hội chúng, tựa như người cha chăm sóc con thơ: “Từ đầu khóa tu đến giờ, các con có khỏe không? Có ai bị bệnh không?”. Cả hội chúng đồng thanh trả lời là không có ai bị bệnh cả. Câu hỏi kế tiếp của Ngài là: “Có ai bị hôn trầm không?”. 1/3 trong số Tăng Ni trả lời là có. Ngài lại nói: “Sao nhiều người bị hôn trầm quá vậy?”. Nhân dịp này, Ngày dạy cho hội chúng phương pháp đối trị hôn trầm bằng cách chú tâm vào hơi thở để loại trừ năm triền cái là trạo cử, hôn trầm, tham dục, sân hận và nghi ngờ. Để được như thế, hành giả phải an trú tâm vào năm thiền chi tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Bên cạnh đó, Ngài dạy Tăng chúng phương pháp tu thiền qua bài thơ Ngài sáng tác:

Ngồi thiền lưng thẳng đầu không nghiêng

Hít sâu thở nhẹ trụ đan điền

Cô tinh thần thạnh thông kinh mạch

Trí tánh giao hòa dứt đảo điên.

Đi đứng nằm ngồi trong tỉnh lặng

Thấy nghe ngửi nếm thảy an nhiên

Tâm không dính mắc, muôn duyên hết

Ở giữa trần gian chẳng não phiền.

Cả hội chúng nghe xong bài thơ đều hoan hỷ tín thọ và cố gắng thực hành.

HT. Trưởng đoàn truyền đạt kinh nghiệm tu tập cho hội chúng

Trong suốt 10 ngày, toàn thể hội chúng đã nỗ lực, nhưng không sao tránh khỏi những sơ sót. Giờ sám hối cũng là giờ chư Tăng Ni tự nhìn lại chính mình, bày tỏ những khuyết điểm của tự thân, để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho lộ trình phía trước. Thỉnh thoảng những lời thưa dài dòng, ngớ ngẩn của hành giả cũng là dịp toàn thể hội chúng tập mở rộng tấm lòng, lắng nghe và cảm thông cho những yếu kém của chư huynh đệ, để cùng nhau sách tấn trên đường đạo. Mỗi giờ sám hối là mỗi giờ tâm được tắm gội, làm cho sạch thơm hơn. Đó cũng là một trong những lợi ích thiết thực trong khóa tu.

4. Ban hộ pháp

Với tinh thần hộ trì Tam Bảo, Ban đại diện, Ban hộ pháp và nam nữ Phật tử TX. Ngọc Quang đã hết lòng phụng hiến tứ sự cúng dường, tịnh tài, làm phương tiện hộ trì cho khóa tu học trong suốt 10 ngày qua. Bên cạnh đó không thể không nhắc đến ban trai soạn và nhà bếp trong suốt 10 ngày, các Phật tử đã thức khuya dậy sớm, cắt gọt nấu nướng, nhờ vậy mà hội chúng mới có được bữa cơm ngon trong sạch vào những buổi sáng và ngọ trai. Nhân ngày bế mạc, thay lời cho toàn thể Tăng Ni tham dự khóa tu, xin chân thành cảm niệm tri ân và tán thán công đức của quý vị.


Phật tử sắm sanh vật thực, thành kính cúng dường đến chư tôn đức Tăng Ni

5. Kết Luận

Nhìn chung, khóa tu học dành cho Sa-di, Sa-di-ni và tập sự lần này đã thể hiện tinh thần lục hòa của đức Phật và nếp “Sống chung tu học” trong truyền thống Khất Sĩ. Qua 10 ngày, các Tăng Ni sau được Ban tổ chức ghi nhận là có nỗ lực và đạo hạnh: 1. SD. Giác Minh Mẫn (TX. Ngọc Hưng - Đồng Nai); 2. SD. Giác Minh Tống (TX. Ngọc Tòng – Nha Trang); 3. SD. Giác Minh Thảnh (TX. Ngọc Quang – Daklak); 4. Tập sự Thiện Chiếu (TX. Ngọc Phước – Vạn Giã - Khánh Hòa). Về phía chư Ni thì có: 1. Liên Thệ (TX. Ngọc Đức – Lý Sơn - Quảng Ngãi); 2. Ngọc Khôi (TX. Ngọc Thanh – Gia Lai); 3. Ngọc Huy (TX. Ngọc Lương – Phan Thiết). Về Ban ngoại hộ, SD. Giác Minh Tôn được tán dương là năng nỗ và hoàn tất tốt công tác được giao.


Đại diện cho hàng Sa-di, Tập sự nam dâng lời cảm niệm

 

Đại diện cho hàng Sa-di-ni, Tập sự nữ dâng lời cảm niệm

Mặc dù Ban tổ chức cũng như toàn thể hội chúng đã nỗ lực trong mọi phương diện, nhưng không làm sao tránh khỏi những sơ sót và bất cập. Kính mong chư Tôn đức và các khóa sinh hoan hỷ đóng góp ý kiến để Ban tổ chức đúc kết kinh nghiệm cho những lần tổ chức sau.

Kính chúc chư Tôn đức pháp thể khinh an. Kính chúc chư vị khóa sinh tinh tấn dõng mãnh. Kính chúc Ban hộ pháp và nam nữ Phật tử an lạc, hạnh phúc.

NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT.