Khóa Bồi dưỡng trụ trì - ngày thứ tư

Sáng 21/04 năm Mậu Tuất, ngày thứ tư của khoá Bồi dưỡng trụ trì, sau giờ thăm viếng và chia sẻ kinh nghiệm trụ trì của HT. Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch HĐTS GHPGVN, tại giảng đường Pháp viện Minh Đăng Quang (505 xa lộ Hà Nội, Q.2, TP. HCM), trong vòng 60 phút, ĐĐ. Giác Hoàng – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Thư ký Hệ phái, thay mặt Ban Thư ký Hệ phái báo cáo một số hoạt động Phật sự của Hệ phái năm 2017 – 2018 và các Phật sự sắp tới.

Đại đức  trình bày một số vấn đề liên quan trong việc tham gia khoá tu Bồi dưỡng đạo hạnh đối với hàng Sa-di, Sa-di-ni; khoá Bồi dưỡng trụ trì đối với các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chuẩn bị nhận lãnh trách nhiệm trụ trì; giới đàn tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh – Phân đàn Hệ phái Khất sĩ. Đại đức cũng cho biết, tối qua (20/04 âl), Ban Tu thư của Hệ phái có buổi hợp đầu tiên và lên kế hoạch khởi động với 3 công việc chuẩn bị cho Đại lễ Tưởng niệm 65 năm đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng năm 2019. Đó là soạn thảo lại 2 bản tiểu sử và lược sử cuộc đời và công hạnh của đức Tổ sư, biên tập Tuyển tập Tư tưởng Đường lối của đức Tổ sư và Biên niên sử Hệ phái Khất sĩ. Tiếp theo, Đại đức giới thiệu ra mắt trang web http://phapam.daophatkhatsi.vn/ và sau cùng là công bố quỹ Pháp học Khất sĩ hiện có.

Buổi chiều cùng ngày, ông Lê Hoàng Vân - Phó ban Tôn giáo TP. HCM triển khai những phương diện cần lưu ý trong bộ Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và tình hình Phật giáo TP. Hồ Chí Minh. Song song với việc trình bày một số điều cần hiểu rõ trong bộ luật, giúp chư Tăng Ni Hệ phái hiểu đúng và hành đúng đường lối của Chính phủ và Giáo hội, ông vô cùng hoan hỷ tán thán sự tu tập và tinh thần phụng sự chúng sinh của chư Tăng Ni Hệ phái. Ông nêu rõ nhiều thành tựu nổi bật của Hệ phái trong các năm qua. 

Hòa thượng Giác Pháp thay lời Ban Tổ chức cảm tạ

Giờ sau, NT. Hiệp Liên - Ủy viên Thường trực kiêm Phó Phân ban Ni giới tỉnh Gia Lai, Giáo phẩm Ni giới Hê phái Khất sĩ, Trưởng ban Quản sự Ni giới GĐ III, NT. Yến Liên – Giáo phẩm Ni giới GĐ I, và SC.TS. Thảo Liên chia sẻ cùng chư Tăng Ni giáo pháp tương đồng của đức Tổ sư và đức Thế Tôn.

NT. Hiệp Liên qua bài viết Giới - Định - Huệ của đức Tổ sư Minh Đăng Quang với lời dạy của bậc Chánh giác đã nói về trăn trở của mình khi biết các vị Khất sĩ trẻ có quan niệm sai lầm rằng Khất sĩ chẳng có pháp tu gì rõ ràng cả. Ni trưởng đã chứng minh nhiều lời dạy của chính đức Tổ sư y theo ý pháp và con đường thực tập của đức Phật. Trong nhiều bài Chơn lý, đức Tổ sư đã khẳng định: “Ba pháp tu vắn tắt ấy chính là thực tập Giới, Định, Huệ”. Đức Phật cũng xác nhận, chư Phật ba đời đều đi trên con đường Bát Chánh đạo, gồm thâu ba môn Vô lậu học này. Người tu học trong đạo Phật không thực tu 3 pháp vắn tắt này, đức Phật xác định đây không phải là hàng Sa-môn đúng nghĩa. 

NT. Yến Liên với đề tài Giáo pháp của đức Phật và sự nối truyền của Tổ sư Minh Đăng Quang đã dẫn chứng từ các kinh trong Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, và bộ Chơn lý để thấy rằng con đường Trung đạo “Tứ Y pháp” thuở xưa đức Phật tán thán, hành trì và đời nay đức Tổ sư cũng đề cao pháp tu ấy. Ni trưởng cũng giảng giải 3 pháp tu chính của đạo Phật, đó là tu tập Thánh Giới, Thánh Định và Thánh Tuệ theo kinh văn và lời của đức Tổ sư. Điểm nhấn thứ 3 trong bài tham luận của mình, Ni trưởng nêu cao tinh thần sống chung tu học thanh tịnh, hoà hợp, môi trường tuyệt vời để thực tập giáo pháp của Như Lai, Tổ, Thầy.

SC.TS. Thảo Liên chia sẻ chủ đề Tu tập Tâm theo Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang. Sư cô nghiên cứu và phân tích chữ Tâm, cái Tâm khá rõ đồng thời nêu cách tu tâm mà đức Tổ sư đã chú trọng và dạy rõ trong bộ Chơn lý. Từ nền tảng này, cho thấy “tâm là trung tâm điểm tạo ra các pháp vạn vật ở thế gian, tâm có tác dụng chi phối rất lớn đối với đời sống con người và môi trường xung quanh; tâm là người dẫn đường, là chủ nhân của cuộc đời mình, chứ không phải là sản phẩm sáng tạo của một vị thần linh tối cao nào. Tu tập là con đường đưa đến hạnh phúc thiết thực nhất”.

>> Nghe các bài tham luận tại đây