Khóa tu lần 5 chư Ni Phân đoàn 2 - GĐ.IV

Nhằm gắn kết các miền tịnh xá, tạo điều kiện cho chư Ni dành nhiều thời gian thúc liễm thân tâm, tinh tấn chú tâm vào pháp hành. Khóa tu truyền thống lần 5 của chư Ni Phân đoàn 2 được tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Chung từ ngày mùng 02 đến mùng 08 tháng 09 năm Ất Mùi đã được thành tựu viên mãn. Với số lượng 26 hành giả tham dự.

Ban Tổ chức

Chứng minh: NT. Khoa Liên, NT. Vạn Liên

Giáo thọ: NT. Khoa Liên, NS. Tuyết Liên

Điều phối: NS. Tuyết Liên – NS. An Liên

Kiểm soát: NS. An Liên – NS. Hạnh Liên

Thư ký: SC. Duyên Liên

- Thời khóa tu tập

Khóa tu chính thức bắt đầu vào lúc 04 giờ khuya ngày mùng 02 tháng 09 năm Ất Mùi có tính cách nội bộ nhưng không thiếu sự trang nghiêm và thắm tình đạo vị.

Chương trình tu học 07 ngày được sắp xếp theo thời khóa biểu: Mỗi ngày có 05 thời Thiền tọa (mỗi thời có 60 phút); 02 thời Thiền hành (mỗi thời có 30 phút); 02 thời Tụng kinh khuya và tối (sám hối buổi khuya và tụng kinh Di Giáo buổi tối); sáng có 90 phút học Chơn lý; chiều có 90 phút đọc luật và 30 pháp đàm.

- Nội dung tu học

Chương trình học Chơn lý trong tuần:

Chơn lý: Số tức quan, Tâm, Giác ngộ, Chơn như, Tông giáo và Phương pháp tu tập thiền định trong Chơn lý Thần mật và kinh Pháp Bảo Đàn (HT. Giác Toàn biên soạn), do quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô luân phiên đọc.

Sau mỗi giờ đọc Chơn lý, chư Ni trình bày những ý pháp hoặc 1 câu, hoặc 1 đoạn mà mỗi vị tâm đắc qua lời dạy của Tổ sư trong Chơn lý. Sau cùng NS. Tuyết Liên đúc kết lại những ý chính.

+ Chơn lý Số tức quan, Tổ sư dạy rất nhiều pháp tu tập thiền, từ cách điều thân, điều hơi thở đến điều tâm… tùy duyên ở mỗi hành giả chọn cho mình một pháp hành để ứng dụng thực tập vào những giờ thiền tọa, mục đích làm cho tâm được an định.

+Chơn lý Tâm Tổ sư dạy Tâm là Thân khẩu ý, ngoài thân khẩu ý không có tâm. Chúng ta nên xác định được trình độ tâm qua hành động, lời nói, ý tưởng. Khi nhận định được trình độ tâm, tự mỗi hành giả tư duy, quán chiếu tu tập cho thân, khẩu, ý thanh tịnh để trở về với tâm chơn như.

+ Nội dung Chơn lý Chơn như, Tổ sư liên hệ ý pháp Kinh Kim Cang. Muốn đến quả vị Phật trước phải hàng phục tâm, hàng phục tâm là không chấp vào bốn tướng, dứt bốn tướng ấy tức thành Phật, khi tâm định chơn như tức là Niết-bàn Phật rồi. Trong đời sống tu tập không ai thiếu sót chơn như được, vì phút nào ta lãng quên chơn như ấy là giờ phút khổ loạn khi nhớ lại sẽ định vui liền.

+ Chơn lý Giác ngộ, Tổ sư đưa ra ví dụ địa ngục hay niết bàn không phải ở đâu xa mà ở ngay trong thân này, gặp một sự khổ ép ngặt, một niệm ái trói buộc, một niệm tham, sân, si khởi lên… đó là địa ngục. Ngược lại cũng từ nơi thân này mà ta biết ghê sợ tội lỗi, hổ thẹn tội lỗi, và dứt trừ tội lỗi, tâm được chơn như lúc đó ta có Niết-bàn ngay trong phút giây hiện tại. Mà muốn có tâm chơn như là phải giác ngộ, tu tập từ ác đến thiện… đến chơn như mà không trụ vào vọng chấp, chừng ấy tâm định, đã nhập định yên nghĩ theo lẽ chánh chơn, nhập định theo đường trung đạo chánh đẳng, chánh giác vô thượng tức là vào Niết-bàn, tâm chơn như thành Phật vậy.

+ Chơn lý Tông giáo, Tổ sư đã khẳng định đạo là con đường giác ngộ chớ không có tên gọi đạo chi cả. Giáo pháp Ngài nói ra y chơn lý chớ không gọi là giáo pháp chi cả. Vì vậy, người tu khất sĩ thì lấy GIỚI – ĐỊNH – TUỆ làm căn bản để làm gương giải thoát cho người cư sĩ tại gia. Với người cư sĩ tại gia về thế học họ không kém Tăng đâu, họ kỉnh trọng tăng vì Tăng hơn họ bằng GIỚI – ĐỊNH – TUỆ. Ngày nay, sự phân chia tông giáo, cạnh tranh tín đồ… làm cho đạo pháp suy giảm. Từ đó Tổ sư xác định vai trò, người xuất gia cần thể hiện tâm nguyện, hạnh nguyện, lý tưởng giải thoát qua sự thực học, thực tu, có đủ giới hạnh, để giáo hóa chúng sanh, hướng dẫn Phật tử theo đúng chánh pháp.

+ Vào mỗi buổi chiều có 90 giờ đọc luật và 30 phút pháp đàm. Vào ngày mùng 2 và mùng 3 Ni sư Tuyết Liên triển khai quyển Chơn lý Luật Khất Sĩ, đó là những quy tắc quy định cho người Khất sĩ từ Y bát cho đến cách thờ phượng, phòng ốc, tiếp độ đệ tử v.v… thấy biết được hiện tại mình chưa thực hành đúng theo luật Tổ sư quy định, nhưng có tác ý nhớ lại bổn phận người Khất sĩ, so sánh pháp hành thời Tổ còn sinh tiền và hiện tại, để mỗi người có cách hành trì chế phục tự thân.

+ Những ngày còn lại Ni sư Tuyết tiếp tục đọc Giới bổn Tỳ-kheo-ni, phần 178 giới hành phạt quỳ hương của Tổ sư, triển khai đối chiếu với bộ trích dịch Thiết yếu tứ phần Tỳ-kheo-ni của Ni sư Trí Hải dịch để Ni chúng am tường giới luật hơn.

- Về Ẩm thực và đời sống

Trên nhờ hồng ân Tam bảo gia hộ, thừa ân đức Tổ Thầy cùng sự khéo sắp đặt của Ni sư Trụ trì và Ni chúng Tịnh xá Ngọc Chung, chư Phật tử địa phương nên việc ngoại hộ được chu toàn thanh tịnh. Vào ngày cuối khóa chư Ni có chương trình đi khất thực hóa duyên, phương pháp trì bình đúng theo truyền thống, cho cư gia phân biệt giả chơn.

Nhận xét

Qua bảy ngày tu tập, Ni chúng cùng sống chung trong tinh thần lục hòa cộng trụ, tinh tấn thực hiện đúng thời khóa, với sự cần tu, cầu học được thể hiện qua các giờ học, giờ tu. Chư Ni đã mạnh dạn trình bày những ý pháp mà mình tâm đắc cũng như những gì chưa hiểu thì thưa hỏi để được quý Ni trưởng, Ni sư giải thích làm sáng tỏ ý pháp của Tổ sư.

Tóm lại

Với tâm nguyện thực hành theo lời dạy của đức Tổ sư:

“Cái sống là phải sống chung

Cái biết là phải học chung

Cái linh là phải tu chung’’.

Tuy thời gian 7 ngày ngắn ngủi nhưng đã giúp cho chư Ni phấn khởi, thấy được lợi ích an lạc trong thời gian tinh tấn tu tập. Chư Ni mong có những khóa tu kế tiếp để huynh đệ được sống chung tu học, tiếp cận với truyền thống; phương cách này sẽ giúp cho mỗi hành giả tinh tấn hơn trên lộ trình giác ngộ, cùng tìm về cội nguồn qua pháp tu truyền thống của Tổ Thầy.

Hình ảnh sinh hoạt trong khóa tu:

pd1 2

pd1 1

pd1 3

pd1 4

pd1 5

pd1 6

pd1 7

pd1 8

pd1 9

pd1 10

pd1 11

pd1 12