Khuyến nhẫn

 Ni trưởng Huỳnh Liên là vị Trưởng tử Ni của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, là Đệ nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam.

Ni trưởng sinh ra và lớn lên trong gia đình Nho giáo, là bậc nữ lưu xuất chúng với tài văn chương sẵn có, đem ánh sáng nhiệm mầu của Phật pháp, lời dạy của Đức Tổ sư để chan hòa cuộc đời với chí nguyện “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp". Ni trưởng là bậc Trưởng lão Ni với đức hạnh tuyệt vời, cùng với lòng từ bi và trí tuệ bao la vô tận nhưng cũng rất kiên cường, dũng mãnh, dám nghĩ, dám làm, giúp đời hiểu đạo, đưa đạo vào đời để giáo hóa chúng sanhbằng những bài kinh, bài kệ. Ni trưởng có rất nhiều bài kinh, bài thơ hay nhưng con tâm đắc nhất là bài Khuyến Nhẫn

Bài này có ý nghĩa rất hay. Ni trưởng dạy chúng con phải biết tu sửa. Tu là sửa – Sửa cái gì? Sửa cái sai trở thành cái đúng,sửa cái xấu trở thành tốt, sửa những điều tội lỗi sai lầm trở thành thiện lành chơn chánh… để dần dần tiến lên trên con đường chân thiện mỹ chính.Bài Khuyến Nhẫn chính là dạy cho chúng conphải biết tu sửacái xấu trở thành tốt, ác trở thành thiện, vì lẽ đó mà hôm nay con xin phép phân tích đoạn thơ:

Vào cửa Đạo làm người thiện tín,

Phải học câu nhẫn nhịn thuận hoà.

Việc nhỏ nhen thắc mắc bỏ qua,

Chỗ tranh cãi rầy rà nên tránh.

Tu phải học cẩn ngôn, cẩn hạnh,

Đạo phải hành sửa tánh, trau tâm.

Thật vậy, Ni trưởng đã trải qua biết bao sóng gió để lèo lái con thuyền Khất sĩ Việt Nam đưa Ni chúng và Phật tử chúng con từ bờ mê sang bến giác, nhận ra được sư thật của cuộc sống đầy đau khổ, bởi cuộc đời là vô thường, Ni trưởng đã cảm hóa chúng con đưa chúng con vào đạo.

Vào cửa đạo làm người thiện tín:

Vào cửa đạo có nghĩa là vào chùa được nghe kinh, kệ, nghe quý thầy quý sư thuyết giảng rồi làm theo lời Phật dạy biết làm lành lánh dữ, quay về với đấng Cha Lành, là người thiện nam tín nữ biết quy y tam bảo thọ trì ngũ giới,mà người giữ giới là người đạo đức, người có cuộc sống tốt đẹp, được nhiều người thương mến.

Phải học câu nhẫn nhịn thuận hoà:

Cổ nhân thường nói: “Một câu nhịn chín câu lành”. Chỉ có hạnh nhẫn nhục mới đem đến sự thành công. “Chút nhẫn lòng được giải khó khăn, câu niệm Phật dằn lòng nóng nảy”, niệm Phật để tâm an định lại, khi tâm định lại thì huệ mới phát sinh, trí huệ phát sanh mới biết đường tà nẻo chánh, trắng đen, phải quấy…

“Thuận hòa” là hai từ không thể thiếu ở trong đạo, Ni trưởng dạy phải học sáu pháp lục hòa, phải biết kính trên nhường dưới. Đối với ngoài đời một gia đình hòa thuận là gia đình hạnh phúc, đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn.

Việc nhỏ nhen thắc mắc bỏ qua,

Chỗ tranh cãi rầy rà nên tránh.

Vào chùa là nơi trang nghiêm thanh tịnh, không nên tranh cãi để làm động chúng, từ việc lớn, hoặc nhỏ chúng ta có thể bỏ qua để tâm trí nhẹ nhàng thanh thản. Ni trưởng dạy “Mỗi người mỗi nước mỗi non. Bước vào cửa đạo là con một nhà”.Vì con một nhà nên chúng ta phải biết yêu thương giúp đỡ nhau, dùng lời ôn hòa dịu dàng, trao đổi cởi mở để cùng nhau tiến bộ, cùng tinh tấn trên con đường tu học.

Tu phải học cẩn ngôn, cẩn hạnh:

Cẩn ngôn là cẩn thận giữ gìn lời nói, cẩn hạnh là cẩn thận giữ gìn việc làm. Chính vì cẩn thận lời nói của mình trước khi nói phải suy nghĩ “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, nói những lời dễ nghe, đi vào lòng người để cảm hóa họ đi trên con đường chánh đạo “Ta nên cất tiếng ôn tồn, Phá tan những giấc mộng hồn tối đen! Miệng ta là cánh hoa sen, một khi hé nở một phen thơm lừng…” Ni trưởng dùng phương pháp ẩn dụ để ca ngợi lời hay ý đẹp, thoát ra từ miệng như hoa sen thơm ngát. Ngược lại những lời nói thô tháo khó nghe, gây thù kết oán để hại người thì như gươm đao châm chích vào tâm người:

Dùng lời thô ác cùng người,

Cùng ta, người cũng dùng lời ác thô.

Những lời nóng giận hồ đồ,

Khác nào gậy bổ, tựa hồ gươm đâm.

                                 (Kinh Pháp Cú – câu 133)

Cẩn hạnh là những hành động việc làm của mình phải cẩn thận, không dám phạm những điều ác, tập làm những điều lành, phải biết tu đạo đức, tu tâm dưỡng tánh để gieo trồng phước lành đời sau.

Đạo phải hành sửa tánh, trau tâm:

Là hàng hậu học dù tại gia hay xuất gia đã là đệ tử Phật thìviệc làm phải giống Phật, học thực hành theo lời dạy của Tổ Thầy trau dồi tâm trí, phải bỏ tâm tham, sân, si, ích kỷ, hẹp hòi, bỏn xẻn, thay vào đó là tâm từ bi, hỷ xả, tâm bố thí, nhẫn nhục, trì giới thiền định tinh tấn. Người đệ tử Phật, tâm phải rộng mở thương mình thương người độ mình độ người, tất cả cùng lên bờ giải thoát.

Tuy chúng con không có duyên gặp được Ni trưởng nhưng qua những lời văn thơ của Ni trưởng để lại, càng đọc chúng con càng thấy đức độ tài năng của Ni trưởng thật cao siêu, chính nhờ sự chuyển hóa nội tâm bằng những bài thuyết pháp, những bài văn thơ hùng hồn cảnh tỉnh. Ni trưởng đã hoàn thiện nhân cách cho đệ tử, truyền trao sức mạnh tình thương cho hàng hậu học chúng con đứng dậy chúng con được trưởng thành trong chánh pháp.

Qua đoạn thơ mà con đã phân tích cho thấy trong cuộc sống không ai mà thập toàn, thập mỹ, nhưng chúng con biết tu sửa, biết học hỏi, học đức hạnh cao quý Ni trưởng. Ngài là tấm gương sáng cho hàng hậu học chúng con noi theo. Ngài xứng đáng là đóa sen thiêng trước ngôi bảo tọa, tất cả những tư tưởng, tình cảm của Ni trưởng vẫn sống mãi trong lòng công chúng, đó là bài học quý giá mà hàng đệ tử chúng con y giáo phụng hành, nguyện đem sự hiểu biết của mình để hoằng pháp lợi sanh làm tốt đạo đẹp đời, xứng đáng làm hàng đệ tử trong Hệ phái Khất sĩ Việt Nam.