Khuynh hướng xuất thế và nhập thế của Thiền sư Mãn Giác

CaoTatThiChung1Một cuộc sống hạnh phúc là cuộc sống được xây dựng bởi những con người đạo đức, thánh thiện. Một xã hội, một quốc gia hạnh phúc và phồn thịnh là nhờ vào đức trị quốc của vị minh quân. Một vị vua anh minh cần phải có tài đức vẹn toàn. Bởi vì một vị vua với đầy đủ quyền lực trong tay, có toàn quyền sanh - sát mà không đạo đức, thì sẽ trở thành bạo chúa, muôn dân sẽ sống trong lầm than đau khổ, tiếng ta thán ngập trời. Thế mới hay đạo đức rất cần thiết cho tất cả mọi người, mọi giới, mọi thành phần trong xã hội. Đời sống mà không đạo đức, thì đời sống ấy sẽ trở thành vô vị, như cánh diều bay lượn trước đôi mắt người say, chẳng có chút ý nghĩa nào. Có lẽ vì vậy mà Phật giáo hiện thân của nền đạo đức Chân Thiện Mỹ, đã đang và sẽ tồn tại mãi trong lòng người dân đất Việt. Với những nét đẹp riêng, phong cách riêng, những con người giải thoát luôn hành xử một cách tự tại, ung dung.

Phật giáo Việt Nam tự thuở nào đã hoà vào lòng dân tộc, theo những bước thăng trầm của đất nước mà tạo cho mình một thế đứng vững vàng. Có thể nói, Phật giáo thời Lý- Trần là thời kỳ vàng son nhất, Chánh Pháp được xiển dương và phổ biến một cách rộng rãi. Phật giáo được xem là quốc giáo, đã ghi lại những nét son lịch sử đẹp tuyệt vời. Vì cả hai triều đại ấy đều có những vị vua, quan biết tôn trọng nhân sinh, sống đạo đức và mến chuộng Tăng tài. Ngoài ra, còn có những vị Thiền sư danh tiếng, lưu lại hậu thế những áng văn thơ, kệ pháp thật là trác tuyệt. Những áng văn thơ ấy đã mở ra một cách nhìn mới mẻ, một không khí lạc quan yêu đời; suối nguồn thi ca xuất phát từ nguyên lý “thực tại tuệ giác”, đã giúp mọi người nhận ra được nội tâm đích thực của chính mình. Các vị Thiền sư của hai triều đại ấy phần nhiều đều là những nhà văn nhà thơ lỗi lạc, vận dụng tinh thần “vận hành vô hành” tạo cho con người một lối sống mới, đầy chất liệu nhân bản siêu việt. Trong số những danh Tăng thời ấy, có thiền sư Mãn Giác với bài kệ “Cáo tật thị chúng”.

Mùa xuân với muôn hoa đua nở, cảnh trí nên thơ, gió thoảng mây bay, non nước thật hữu tình. Có mấy ai biết được rằng xuân đến rồi đi, hoa nở lại tàn, đó là định luật vô thường đối với muôn vật. Thiền sư Mãn Giác tên thật là Nguyễn Trường, xuất thân trong một gia đình công hầu khanh tướng, con của Hoài Tố Trung thơ viên ngoại lang, quê ở làng Lũng Chiền, An Cách. Bản thân Ngài được tuyển vào triều với tài học rộng hiểu nhiều, làu thông Tam giáo, lại được sự mến mộ của Vua Lý Nhân Tông. Mùa Xuân dù đẹp, có lẽ cũng không thể bì được với cuộc đời đầy may mắn của Ngài, nên so với cái nhìn của thế gian pháp thì như thế là quá đủ rồi, còn với Hoài Tín Tiên sinh (là hiệu do Lý Nhân Tông ban cho) thì hình như vẫn còn có cái gì đó thiếu vắng, trống trải ở tâm hồn, đó chính là đạo lý giác ngộ. Có lẽ vì vậy mà dù đang làm quan, Ngài vẫn để tâm nghiên cứu Phật giáo và thiền học, làm tiền đề cho cuộc cách mạng tinh thần, để sau này xuất gia Ngài trở thành một vị thiền sư danh tiếng. Ngài có rất nhiều đệ tử và được tôn làm người tiêu biểu cho thế hệ thứ VIII dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Ngài Mãn Giác viết:

落,

開。

過,

来。

盡,

梅。

Âm:

Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai.

Sự trục nhãn tiền quá.

Lão tùng đầu thượng lai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận.

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Nghĩa:

Xuân đi trăm hoa rụng,

Xuân đến trăm hoa cười.

Trước mắt việc đi mãi.

Trên đầu già đến rồi.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết.

Đêm qua sân trước một cành mai.

(Bản dịch của HT. Thanh Từ)

Thiền sư đã gây ấn tượng mạnh mẽ và tạo nên một sự xao xuyến nơi tâm linh người hậu học. Ngài đã khéo hình tượng hoá thời gian và đời người, bằng hai đại lượng từ rất giàu thi hứng là “xuân” và “hoa”, như một cặp song sinh, không thể tách rời nhau được. Bởi vì mùa xuân phải có hoa và hoa đẹp thật sự vào mùa xuân. Cũng vậy, thời gian và con người không thể thiếu vắng nhau được. Thời gian sẽ vô tận nếu không có con người hạn định, và đời người sẽ vô vị nếu không có thời gian tôi luyện. Tuy nhiên, qua cặp phạm trù sanh diệt đến đi (khứ - đáo), thiền sư đã khéo đặt xuân và hoa, cũng như thời gian và đời người trong mối quan hệ vừa thuận chiều vừa có vẻ như tương phản nhau, gây nên một cảm xúc mạnh nơi người đọc. Đồng thời qua 4 câu thơ trên, thiền sư Mãn Giác đã giải thích về sanh-tử, đó là cái thông thường của vòng tuần hoàn sanh, lão, bệnh, tử. Con người sanh ra tất phải có già đau và chết, những gì đã đi qua đều thuộc về quá khứ, và không bao giờ quay trở lại được. Cũng vậy, con người sanh ra và lớn lên trong cái gọi là trưởng thành, rồi lão hoá để đi đến tử vong. Khi đã cảm nhận được sanh tử là lẽ thường thì con người không còn đau khổ, không còn hy vọng vào cái gọi là trường sanh bất tử. Một khi đã thẩm thấu được định luật vô thường ấy, con người mới có thể dẹp bớt đi bao nhiêu là tham, sân, si, ái, ố, dục… vô ích.

Thiền sư đã biến cuộc đời huyễn hoá thành mùa xuân vĩnh cửu, dù vẫn thấy rõ ràng xuân đến muôn hoa đua nở, xuân đi muôn hoa rơi rụng. Cuộc đời cứ trôi đi để đến nỗi tóc rụng theo sương chẳng biết bao nhiêu lớp. Bao thăng trầm vinh nhục đã mấy lần nhấp nhô trên biển cả cuộc đời. Để rồi khi nhận thức được lẽ vô thường ấy, thiền sư thể nhập được thật tánh của cuộc đời, nhận rõ được trong cái phạm trù sanh diệt ấy vẫn có cái bất sanh bất diệt, trong muôn pháp vô thường vẫn còn có cái chân thường thanh tịnh. Vậy nên:

“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết.

Đêm qua sân trước một cành mai.”

Thật vậy, nếu lấy tri thức thông thường mà suy luận thì mùa xuân tươi đẹp trôi qua, nhường cho mùa hạ về với tiếng ve sầu buồn tê tái, rồi tiếp nối hạ tàn, mùa thu với những chiếc lá vàng rơi lác đác mênh mang, thay vào đó là mùa đông tê buốt lạnh lùng. Mùa xuân đi qua, có còn chăng là trong hoài tưởng của mỗi con người. Thế nhưng dưới lăng kính của vị thiền sư, người đã giác ngộ được chân lý nhà Phật, nhận chân được thật tánh của vạn pháp, thì mùa xuân đi qua không hẳn là đã mất. Bởi vì vũ trụ này dù biến hiện ra hình danh sắc tướng thế nào đi nữa, thì bản thể của nó vẫn là “như như”, là thường trụ. Sắc tướng là vô thường biến hiện như ánh chớp trong hư không, nhưng bản thể vĩnh hằng trong vũ trụ thì không bao giờ thay đổi. Giống như tiếng chuông của Ngài A Nan trong Kinh Lăng Nghiêm vậy, dù tiếng không còn ngân, tai không nghe tiếng, nhưng tánh nghe không làm sao mất được. Giác ngộ được chân lý về sự bất sanh, bất diệt, bất khứ, bất lai… của vạn pháp, là một cuộc đảo lộn về trực giác, ở đó yếu tố cảm hứng, trạng thái xuất thần đóng vai trò rất quan trọng. Cho nên thiền sư Mãn Giác đã dùng hình ảnh một cành mai, đột ngột nở bung ra sau một đêm cuối Xuân - khi trăm hoa đã hoàn toàn rơi rụng - để nói lên sự liễu ngộ của mình. Qua đó, Ngài đã ý nhị và tinh tế khuyên hàng đệ tử nên vận dụng trí tuệ trực giác, minh sát hiện tượng vạn pháp, qua cái nhìn như thật của người con Phật.

Bài kệ của thiền sư Mãn Giác không kết cấu theo thể thức 4 chữ, 5 chữ riêng biệt, mà đây là sự kết hợp giữa thể thơ 5 chữ và 7 chữ. Ở phần trên, khi cần để diễn đạt sự trôi chảy tuần tự của thời gian, chiều hướng tiến triển ngỡ như tuần hoàn thì dùng 5 chữ. Nhưng khi lật lại triết lý tuần hoàn, trình bày bản thể chân thường, Ngài lại kéo dài ra thành 7 chữ. Ngoài ra tiết tấu và nhịp điệu của từng câu cũng đóng vai trò quan trọng. Bốn câu đầu ngắt nhịp 2,3 đều đặn, phù hợp với nội dung, nói lên sự tuần hoàn:

“Xuân đi/ trăm hoa rụng,

Xuân đến/ trăm hoa cười.”

Thế rồi bước sang mệnh đề mới với nội dung gần như đảo ngược. Câu thơ kế Ngài viết với âm điệu nhẹ nhàng: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết”. Để rồi tạo cảm giác chậm rãi, giúp người đọc tiếp cận từ từ với chân lý. Ngài đột nhiên hé mở chúng, nói lên sự sống là vĩnh cửu và phạm trù vận hành luôn bất sanh bất diệt: “Đêm qua sân trước một cành mai.

Hình ảnh cành mai nở trong một đêm cuối xuân trong bài tuyệt bút của thiền sư Mãn Giác, là hình tượng bất hủ trong thơ văn thời Lý - Trần. Nhiều vị thiền sư đã dùng mùa xuân để trình bày tri kiến sở đắc của mình. Chúng ta cũng bắt gặp ở thiền sư Vạn Hạnh:

“Thân như ánh chớp có rồi không,

Cây cỏ xuân tươi thu đượm nồng”

Các Ngài, những người tu Phật, đã xem cuộc đời huyễn hoá như ánh chớp giữa hư không, do vậy sanh tử không có gì vướng bận, cũng chẳng sợ hãi trước mọi biến động của hiện tượng vạn pháp. Nhận thức rõ chủ thể và khách thể, chẳng phải một chẳng phải khác (bất nhất, bất dị). Giữa trí tuệ và hành động luôn hài hoà dung hợp, quán triệt thật tướng của vạn pháp bằng thực tại tuệ giác. Do vậy, sống cho mình không phải là tìm kiếm sự yên ổn và cũng chẳng phải là thực nghiệm tâm linh, mà hiện thực tâm linh bằng tuệ giác: “Ta xem Vương hầu như bụi qua kẽ hở, xem vàng ngọc châu báu như gạch ngói, xem Phật đạo như hoa ố trước mắt, xem sự hưng hoá như cây cỏ bốn mùa”. Chính vì thấu triệt được những lời dạy ấy mà các thiền sư, vua quan thời Lý - Trần nói riêng, và mọi người con Phật nói chung, đã sống và sống đúng với Chánh Pháp. Do vậy mà Trần Thái Tông đã nói: “Ta xem ngai vàng như chiếc giày rách, vứt bỏ lúc nào chẳng được”.