Kinh biết sống trong hiện tại

Tôi được nghe chuyện kể như vầy:

Lúc bấy giờ, Phật ở Xá-vệ,

Tinh xá Cấp Cô Độc, vườn Kỳ-đà,

Trong chúng có một Tỳ-kheo,

Thích sống cô độc chẳng theo mọi người.

 

Vị ấy thường hỷ hoan ca ngợi,

Sống một mình, khất thực một mình,

Thọ trai lặng lẽ một mình,

Tham thiền nhập định một mình thường vui.

 

Nhân một dịp đại chúng thưa Phật,

Để giải nghi Phật gọi Tỳ-kheo,

Chuyện tu, sinh hoạt một mình,

Đại chúng nói vậy, sự tình thực hư?

 

Vị Tỳ-kheo khiêm cung thú nhận,

Quả đúng lời đại chúng đã thưa.

Phật từ bi hỏi Tỳ-kheo:

Thầy sống đơn độc là theo hạnh gì?

 

Bạch Phật, con chỉ biết tu hạnh,

Sống một mình, khất thực một mình,

Một mình ra khỏi xóm làng,

Một mình thiền định, bình an vô cùng.

 

Phật mỉm cười ân cần chỉ dạy:

Thầy đúng là người sống một mình,

Hạnh này rất đáng ngợi khen,

Như Lai cũng có pháp thiền độc cư.

 

Đó là pháp tịnh tâm quán chiếu,

Quá khứ qua, đâu thấy được chi,

Tương lai chưa đến kịp thì,

Nên sống hiện tại viễn ly tham sầu.

 

Kẻ thức tâm luôn hành như thế,

Tâm bình yên, bỏ hết lo âu,

Xa lìa hối hận dục tham,

Cắt dây ràng buộc thường làm mình đau.

 

Đấy cách sống một mình mầu nhiệm,

Ngoài cách này không có cách chi,

Để hàng tứ chúng khắc ghi,

Phật tóm tắt bằng kệ thi thế này:

 

“Khi quán chiếu cuộc đời,

Thấy rõ tất cả pháp,

Không kẹt vào pháp nào,

Lìa xa mọi ái nhiễm,

Sống an lạc như thế,

Là biết sống một mình”.

 

Đại chúng nghe Đức Phật chỉ dạy,

Đồng vui mừng cung kính lập nguyền,

Từ đây cho đến trọn đời,

Nguyện sống hiện tại thời thời chánh tâm.

 

Một lần khác cũng tại nơi ấy,

Thành Xá-vệ, tinh xá Kỳ Viên,

Phật gọi tứ chúng đồng quy,

Lắng nghe cho kỹ, thực thi pháp này.

 

Ấy là pháp “một mình vui sống”,

Như Lai giờ sẽ nói kệ rằng:

“Đừng tìm về quá khứ,

Đừng tưởng đến tương lai,

Quá khứ đã không còn,

Tương lai vẫn chưa tới.

Hãy quán chiếu đời sống,

Trong giây phút hiện tại,

Người tỉnh thức an trú,

Tự tin và thảnh thơi,

Phải tinh tấn hôm nay,

Kẻo ngày mai không kịp.

Cái chết đến bất ngờ,

Không thể điều đình được,

Những ai biết an trú,

Đêm ngày trong chánh niệm,

Vị ấy, Như Lai gọi,

Người biết sống một mình,

Người sống trong hiện tại”.

 

Thế nào là “tìm về quá khứ?”

Phật dạy rằng đối với những người,

Nghĩ rằng đời sống vừa qua,

Ta từng như thế sắc da tướng hình.

 

Từng cảm thọ, giác tri như thế,

Từng nghĩ suy, nhận thức vậy là,

Nếu người quyến luyến nghĩ suy,

Những chuyện xưa cũ nên chi gọi rằng:

 

Người sống đây tìm về quá khứ”.

Còn “không tìm quá khứ” là sao?

Là không nghĩ chuyện đã lâu,

Thuở ấy hình tướng, da màu thế nao?

 

Từng cảm thọ, giác tri như thế,

Từng tâm tư nhận thức thế này,

Đều không quyến luyến truy tìm,

Đó người quá khứ không tìm không mong.

 

Thế nào là “tương lai tơ tưởng?”

Đó là người thường nghĩ ngợi về,

Tương lai hình tướng thế này,

Cảm thọ, tri giác, tâm hay nghĩ gì.

 

Nghĩ thế rồi khởi tâm ràng buộc,

Mơ tưởng về những chuyện tương lai,

Những ai tâm trí như đây,

Gọi người nghĩ tưởng tương lai đó là.

 

Sao gọi “tương lai không nghĩ tưởng?”

Là người tuy nghĩ đến tương lai,

Hình thể, cảm thọ, thức tri,

Nhưng không lưu luyến nghĩ suy buộc ràng.

 

Thế nào là “cuốn theo hiện tại?”

Đó là người không biết không theo,

Tam Bảo, giáo pháp, thánh ngôn,

Nhưng thường suy nghĩ tự tôn về mình.

 

Cho rằng mình đang có hình thể,

Cảm thọ cùng tri giác hiện thời,

Tâm tư, nhận thức cuộc đời,

Đó là hiện tại cuốn lôi người rồi.

 

Sao được gọi “không theo hiện tại?”

Đó là người biết Phật, Pháp, Tăng,

Hành theo giáo pháp thánh nhân,

Không tự đồng nhất tướng thân là mình.

 

Không đồng nhất mình là cảm thọ,

Hay giác tri, nhận thức, nghĩ suy,

Như thế được gọi là người,

“Không bị lôi cuốn hiện thời đương duyên”.

 

Đức Như Lai từ bi giảng giải,

Cho chư Tăng, cư sĩ nữ nam,

Ý nghĩa “Người sống một mình,”

“Người sống hiện tại biết mình” là đây.

 

Nghe xong bài pháp vô cùng quý,

Cả đại chúng xuất gia tại gia,

Thảy đồng hoan hỷ tín thành,

Từ nay phát nguyện thực hành pháp tu.