Kính dâng Ngài một đóa hoa tâm

Thật là hạnh phúc lớn đối với một người Phật tử như con, khi hữu duyên được làm công việc ghi lại hình ảnh trong suốt thời gian diễn ra Lễ tang Đại lão Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên, một trong những vị đại đệ tử của Tổ sư Minh Đăng Quang.

PS KyYeu 1

Suốt 7 ngày tổ chức Lễ tang, từng thời khắc từ lúc cung đón nhục thân Ngài tại sân bay Tân Sơn Nhất, cho đến khi kim quan được quàn tại Pháp viện Minh Đăng Quang, rồi đến giây phút cuối cùng tại đài hỏa táng, từng ngày, từng ngày, từng đoàn, từng đoàn viếng tang, từng dòng cảm niệm, từng lẵng hoa được dâng lên trước di ảnh của Ngài, con không thể đếm hết con đã ghi lại bao nhiêu hình ảnh. Song, điều duy nhất còn đọng lại trong con là những lời cảm xúc của hàng môn đồ pháp quyến, những lời cảm niệm của các vị pháp lữ đồng tu.

PS KyYeu 2

Vẫn biết, đối với các bậc cao Tăng, sanh tử khứ lai tự tại, sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ. Trong pháp giới duyên sinh vô tận, một nhục thân ngũ uẩn xuất trần, nương tứ đại huyễn thân làm Phật sự, giữa hồng trần không nhiễm phàm trần, nhưng sự ra đi của Ngài đã để lại biết bao nỗi niềm kính tiếc khôn nguôi trong lòng chư Tăng Ni và Phật tử.

Ngài ra đi nhẹ như làn khói vương qua cõi tạm, vậy mà công hạnh của Ngài dù viết bao nhiêu lời cảm niệm, bao nhiêu lời ngợi ca cũng chỉ là nắm lá trong rừng. Với đức tính vô ngã vị tha, nhiếp hóa mọi người, Hòa thượng đã làm cho những Tăng Ni, Phật tử hữu duyên phát khởi tín tâm, tu hành tinh tấn, tiến bước trên đường giải thoát. Dù ở cương vị nào, Hòa thượng cũng luôn luôn thể hiện tinh thần Đạo pháp, nghĩa đồng môn, đoàn kết hòa hợp trong tinh thần người con Phật, đậm nét từ bi. Con nhớ mãi cử chỉ hiền hòa khi Pháp sư xoa đầu từng em bé sau lễ khánh thành Tịnh xá Ngọc Cẩm, Hội An, Quảng Nam năm 2007.

Kính ngưỡng vọng Giác linh Hòa thượng Pháp chủ,

Công đức của Hòa thượng Pháp sư đối với ngôi đạo tràng Tịnh xá Trung Tâm – Q. Bình Thạnh – TP. HCM và quá trình hành đạo cống hiến cho nhân sanh cùng Hệ phái Khất sĩ hơn 20 năm trong nước và 40 năm khắp phương trời hải ngoại, Ngài đã làm rạng danh Sư Tổ, làm phổ chiếu Minh Đăng Quang. Buổi chiều cung rước di ảnh Ngài về đảnh lễ Tổ sư tại Tịnh xá Trung Tâm, trời mưa như trút nước, rồi những giọt lệ hoen mi khi Hòa thượng Giác Toàn dâng lời cảm niệm, một đời người, một vầng nhật nguyệt, với mảnh ca-sa bình bát một thân, hạnh trì bình Du Tăng Khất Sĩ, khiến hàng Phật tử chúng con xúc động vô ngần.

Với tinh thần phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật, hạnh nguyện vô ngã vị tha, Hòa thượng đã nỗ lực tham gia công tác từ thiện xã hội không mệt mỏi. Con nhớ mãi mỗi chuyến từ thiện, Ngài luôn dành thời gian hướng dẫn mọi người tụng bài kinh Cầu siêu. Ngài dạy, vì chiến tranh, nghịch cảnh tai ương, chúng sanh chết oan uổng, chết bất đắc; con người vì tham lam, làm cho chúng sanh bé nhỏ phải chịu đau thương, nên chúng ta hãy cùng cầu siêu cho những oan gia trái chủ sớm được siêu thoát thì thế giới mới sớm được sống trong an lành.

Chúng con được biết, Ngài rất quan tâm đến việc đào tạo Tăng tài, đào tạo một thế hệ kế thừa đầy đủ tài đức nên luôn hỗ trợ, khuyến tấn Tăng Ni học hành đến nơi đến chốn để có một hành trang trên con đường hoằng pháp độ sanh. Tuy sống và dấn thân hành đạo ở hải ngoại, song khi có dịp vân du đến nơi nào có Tăng Ni sinh Việt Nam du học, không phân biệt tông môn nào, Ngài luôn ghé thăm để sách tấn khuyến khích tinh thần tu học, cũng như hỗ trợ về vật chất, nên phần lớn Tăng Ni sinh du học đều thọ ơn Ngài. Trong những ngày diễn ra Lễ tang, TT. Minh Thành và gần 20 Tăng Ni sinh Khất sĩ đã từng du học tại các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Tích Lan v.v... quay về phủ phục trước Linh đài của Đại lão Hòa thượng Pháp sư dâng hương tưởng niệm và thể hiện hiếu tâm, chung lo hiếu sự.

Hòa thượng Ân sư là một bậc lãnh đạo, suốt cuộc đời đã dâng hiến cho đạo pháp mà chẳng nghĩ đến cái riêng của bản thân. Ngài đã sống như ánh thái dương luôn chiếu sáng cho cuộc đời với hạnh vị tha của vị Bồ-tát vào đời. Nhân duyên nối tiếp nhân duyên, con đã gặp cậu bé, người đệ tử cuối cùng được Pháp sư truyền giới trong những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh.

Ngài đi, mây trắng thong dong

Ngài về, rướm lệ ngậm lòng gần xa.

Vâng! Đâu chỉ có tông môn pháp quyến, đâu chỉ có tình Linh Sơn cốt nhục, đâu chỉ có tình pháp lữ đồng tu, mà con đã ngấn lệ, khi nghe những lời thì thầm thật khẽ, những giọt lệ hoen mi của những con người bình dị nhất, mà cũng là sâu sắc nhất, như gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, gia đình bác Võ Đình Cường, khi cụ bà thốt lên: Đời người trong quy luật sinh - lão - bệnh - tử, trong dâu bể vô thường, chúng con xin được thắp một nén hương nguyện cầu cho Giác linh Pháp sư yên tĩnh ở nơi thế giới mà mọi chúng ta ai ai rồi cũng sẽ lần lượt tựu về. Ngài không vĩnh biệt chúng con… mà chỉ tạm biệt. Nếu hữu duyên thì chúng con sẽ được gặp lại…

Ðâu đây vẳng lại dư âm những lời ca như từ một cõi giới xa xăm vọng về “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về...”.

Hòa thượng đã an nhiên thu thần thị tịch, để lại cho đời, cho đạo tấm gương đạo hạnh sáng ngời. Quả thật: “Sắc tướng vốn không, mượn cảnh huyễn độ người như huyễn. Tử sinh nào có, nương thuyền từ độ kẻ trong mê”.

Sự ra đi vĩnh viễn của Hòa thượng là một mất mát lớn lao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như Tăng Ni, Phật tử Hệ phái Khất sĩ. Sự mất mát này, chúng con cũng như Tăng Ni, Phật tử không sao tìm lại được sự bù đắp trong cuộc đời nhân thế của kiếp hiện tại.

Hỡi ơi! “Người xưa nay đã còn đâu/ Chỉ còn mây bạc lòng sầu tiếc thương / Ra vào lòng dạ vấn vương / Bóng hình Hiền sĩ du phương vô cầu”.

Công đức và đạo hạnh của Hòa thượng đối với đạo pháp, chúng sinh vẫn còn sống mãi trong tâm tư của người con Phật và trong trang sử muôn màu của Phật giáo Việt Nam nói chung và Hệ phái Khất sĩ nói riêng.

Nơi thế giới Niết-bàn vô tung bất diệt, Giác linh Đại lão Pháp sư vận thần thông an trụ Cửu Liên đài, chứng Pháp thân thể nhập Ta-bà, tiếp tục thực hành hạnh Du Tăng Khất Sĩ trong những kiếp lai sinh.

Con, một Phật tử nhỏ bé xin thành thành kính đảnh lễ Giác linh Ngài!