Kinh Di Giáo

Tinhhoabiyeu

 Kinh Di Giáo

TỰA

Phật chuyển Pháp lần đầu,

Kiều Trần Như được độ.

Phật thuyết Pháp rốt sau,

Tu Bạt Đà được độ.

         *  *  *

Rừng Sa La Song Thọ,

Phật sắp nhập Niết-bàn.

Đêm thanh vì đệ tử,

Pháp trọng yếu truyền ban.

 

TIẾT THỨ NHẤT

Giữ Giới

Này Tỳ khưu các bậc,

Khi ta nhập Niết-bàn,

Phải tôn trọng Kinh Luật,

Như đêm tối gặp đèn.

Như người nghèo được báu,

Phải biết Giới là Thầy,

Giá ta còn sống mãi,

Cũng chẳng khác chẳng sai.

Người giữ gìn Giới Luật,

Không bán buôn, đổi chác,

Không tạo ruộng, mua nhà,

Không mướn người, nuôi vật.

Không đào đất, đốn cây,

Không xem sao, coi tướng,

Không trị bịnh, coi ngày,

Không xem số, toán mạng.

Không tham dự thế sự,

Không thông tin, đi sứ,

Không chế luyện thuốc tiên,

Không gần người càn dở.

Không thân kẻ giàu sang,

Không kinh doanh trồng tỉa,

Xa của quí bạc vàng,

Như lánh xa hầm lửa.

Phải giữ thân tiết độ,

Tạo đời sống tịnh thanh,

Gắng gìn tâm trung chánh,

Cầu dứt khoát mê tình.

Chẳng được giấu lỗi mình,

Chẳng được bày sự lạ,

Mê hoặc lòng chúng sanh,

Lạc sai nền đạo cả.

Trong bốn món cúng dâng,

Liệu lường cho vừa đúng,

Thảng hoặc có dư phần,

Sớt chia đều đủ dụng.

Đây nói sơ Giới tướng,

Là cội gốc thoát trần,

Gọi “Giải thoát chi bổn”,

Lợi ích khắp xa gần.

Giới ấy sanh định tuệ,

Dứt sạch khổ đời này,

Các Tỳ khưu giữ kỹ,

Đừng để khuyết mảy may.

Người giữ Giới trong sạch,

Thành tựu công đức lành,

Không Giới không công đức,

Giới thiệt đệ nhất danh.

 

TIẾT THỨ HAI

Kiềm Chế Nội Tâm

Này các Thầy Tỳ khưu:

Đã thọ trì Giới Luật,

Phải kiềm chế ngũ căn,

Đừng để cho phóng dật,

Theo ngũ dục hồng trần.

Ví như kẻ mục đồng,

Chẳng để trâu buông lung,

Tay cầm roi chế ngự,

Khỏi phá lúa quanh vùng.

Nếu buông thả ngũ căn,

Chẳng những ngũ dục trần,

Còn vô số tai hại,

Không phương thế chống ngăn.

Cũng như con ngựa dữ,

Không hàm thiếc, dây cương,

Tất kéo lôi người chủ,

Xuống hầm hố thảm thương.

Bị giặc cướp nhiễu hại,

Khổ sở chỉ một đời,

Giặc ngũ căn nhiễu hại,

Khổ sở biết bao đời!

Ngũ căn hại đến mức,

Chẳng khá chẳng đề phòng,

Cho nên người trí thức,

Kiềm chế chẳng chiều lòng.

Giữ gìn như giữ giặc,

Chẳng để chúng buông lung,

Dẫu buông lung dục lạc,

Cũng chẳng được miên trường.

Tâm làm chủ ngũ căn,

Các ngươi phải kiềm tâm,

Như rắn, thú, giặc, lửa,

Tâm đáng sợ vô ngần.

Như người bưng bát mật,

Đôi chân vội vã đi,

Sợ đổ, cứ nhìn mật,

Chẳng thấy hố hiểm nguy.

Như voi dại không xiềng,

Như vượn thoát cành chuyền,

Khó lòng kiềm chế được,

Cột lại chớ trì diên.

Tâm vọng mất phước lành,

Chế tâm vạn sự thành,

Các Tỳ khưu tinh tấn,

Chiết phục lấy tâm mình.

 

TIẾT THỨ BA

Xứng Lượng Vừa Phải

Này các Thầy Tỳ khưu:

Thọ các thức ăn,

Xem như dùng thuốc,

Mặc dầu xấu tốt,

Chớ giảm chớ tăng.

Miễn đủ nuôi thân,

Qua cơn đói khát,

Như ong lấy mật,

Chẳng hại sắc hương.

Nhận của cúng dường,

Tỳ khưu cũng vậy,

Trừ phiền diệt quấy,

Chớ quá tham cầu.

Bằng quá ham cầu,

Mất lòng tín thí,

Ví như người trí,

Độ lượng sức bò,

Nhiều ít lần dò,

Không cho kiệt lực.

 

TIẾT THỨ TƯ

Hổ Thẹn

Này các Thầy Tỳ khưu:

Chớ để giờ qua luống,

Ngày ngày tu pháp lành,

Sơ canh thâm canh vậy,

Luôn đêm gắng tụng kinh.

Chớ để đời qua luống,

Chỉ vì giấc nghỉ an,

Kìa vô thoàng lửa dữ,

Đang thiêu đốt thế gian.

Chớ để đời qua luống,

Chỉ vì giấc ngủ ngon,

Kìa quân giặc phiền não,

Đang rình giết chúng con.

Phiền não như rắn độc,

Đang ngủ tại lòng ta,

Dùng Giới làm cây móc,

Móc rắn liệng ra xa.

Rắn đi mình an giấc,

Rắn ở dễ chi mà,

Rắn còn nhưng cứ ngủ,

Ngươi chẳng thẹn sao a?

Biết xét mình hổ thẹn,

Như ăn mặc trang nghiêm,

Tâm tàm như câu móc,

Đối người sái hay kiềm.

Vậy nên các Tỳ khưu,

Thoàng tự biết hổ thẹn,

Bằng lìa bỏ tâm tàm,

Công đức không tròn vẹn.

Người có biết hổ thẹn,

Pháp lành ắt đắc thâu,

Bằng không biết hổ thẹn,

Cầm thú có khác đâu.

 

TIẾT THỨ NĂM

Nhẫn Nhục

Này các Thầy Tỳ khưu:

Như có kẻ chẳng lành,

Phân thây mình từng đoạn,

Phải thu nhiếp tâm mình,

Đừng phát sanh giận oán.

Lại giữ gìn cửa miệng,

Chớ buông tiếng chẳng lành,

Giận oán hư hại đạo,

Uổng công đức tu hành.

Nhẫn nhục đức cao vọi,

Hơn tất cả công năng,

Dầu khổ hạnh trì Giới,

Cũng không thể sánh bằng.

Kẻ trau dồi đức nhẫn,

Năng chế ngự lòng sân,

Đáng được danh xưng tụng,

Trang hữu lực đại nhân.

Người chẳng hay nhẫn nhục,

Nếm khổ tợ cam lồ,

Không phải người trí tuệ,

Nhập đạo ngộ huyền cơ.

Tai hại của giận oán,

Phá tan các pháp lành,

Đời đời người khinh chán,

Tiêu tán cả lòng thành.

Lòng sân hơn lửa mạnh,

Phải biết được đề phòng,

Đừng để cho thâm nhập,

Cướp lẫn đức và công.

Người đời chưa biết đạo,

Còn tham muốn cạnh tranh,

Tuy sân, còn thứ được,

Tại dốt pháp tu hành.

Kẻ xuất gia hành đạo,

Dứt tham muốn cạnh tranh,

Còn sân, ôi trái lẽ,

Tựa sấm nổ trời thanh!

 

TIẾT THỨ SÁU

Diệt Kiêu Mạn

Này các Thầy Tỳ khưu:

Tự cạo tóc mình,

Bỏ đồ trang sức,

Mặc y hoại sắc,

Khất thực trì bình,

Sinh hoạt tịnh thanh,

Dứt trừ kiêu mạn,

Phải năng tưởng quán,

Kiêu mạn xấu xa,

Người thế kia là,

Còn không dung vị,

Huống mình Tu sĩ,

Học đạo thoát trần,

Đã hạ tấm thân,

Ra người khất thực.

 

TIẾT THỨ BẢY

Lòng Chân Thật

Này các Thầy Tỳ khưu:

Lòng tà mị dua nịnh,

Trái nghịch với đạo lành,

Vậy người theo pháp chánh,

Phải giữ tấc lòng thành.

Biết tà dua, dối mị,

Người đạo chẳng nên làm,

Chơn thật là căn bổn,

Các ngươi phải chánh tâm.

 

TIẾT THỨ TÁM

Thiểu Dục

Này các Thầy Tỳ khưu:

Người còn nhiều tham muốn,

Khổ não tự nhiên nhiều,

Người diệt trừ tham muốn,

Khổ não cũng diệt theo.

Thiểu dục còn lợi ích,

Huống tu tập thêm nhiều,

Thì các phần công đức,

Tăng trưởng biết bao nhiêu!

Người thiểu dục an bài,

Không dua nịnh cầu ai,

Sáu căn, sáu mũi giặc,

Không dẫn dắt lầm sai.

Người thiểu dục thản nhiên,

Không sợ hãi ưu phiền,

Gặp việc rộng xoay trở,

Thoàng đầy đủ phước duyên.

Người thiểu dục vui yên,

Niết-bàn chứng hiện tiền,

Niết-bàn tâm tịch diệt,

Thiểu dục danh thực truyền.

 

TIẾT THỨ CHÍN

Tri Túc

Này các Thầy Tỳ khưu:

Muốn thoát các não phiền,

Thoàng năng quán tri túc,

Biết tri túc Pháp môn,

Toàn vui an ổn nhứt.

Tri túc đất làm giường,

Lòng vẫn thoàng hoan hỷ,

Bất túc ở Thiên đường,

Cũng vẫn chưa vừa ý.

Người không biết tri túc,

Tuy giàu nhưng bần hàn,

Người có biết tri túc,

Tuy nghèo nhưng giàu sang.

Kẻ không biết tri túc,

Thoàng bị năm dục lôi,

Kẻ có biết tri túc,

Nhìn thấy bắt thương ôi !

 

TIẾT THỨ MƯỜI

Xa Lánh Tục Trần

Này các Thầy Tỳ khưu:

Muốn tìm nơi tịnh lặng,

Cầu an lạc vô vi,

Phải ở riêng cảnh vắng,

Xa hẳn thị cùng phi.

Người tâm hòa tịch tịnh,

Đế Thích, các Thiên Vương,

Đều hết lòng cung kính,

Rải hoa quí cúng dường.

Nên xả chúng của mình,

Cùng chúng của người khác,

Tìm nương chốn tịnh thanh,

Lo diệt gốc khổ ác.

Đồ chúng càng đông đảo,

Phiền não càng phát sanh,

Như cây nhiều chim đậu,

Ắt khô lá, gãy cành.

Thế gian trói buộc người,

Đắm chìm nơi biển khổ,

Như tượng già sa lầy,

Khó trông ra khỏi đó.

 

TIẾT THỨ MƯỜI MỘT

Tinh Tấn

Này các Thầy Tỳ khưu:

Nếu tinh tấn chuyên cần,

Không chi gọi khó khăn,

Nước nhỏ giọt xoi mãi,

Đá cứng phải mòn lần.

Hành đạo tâm biếng lười,

Không khác chi nhen lửa,

Lửa chưa bén ngưng rồi,

Mong lửa, lửa đâu có ?

 

TIẾT THỨ MƯỜI HAI

Không Quên Chánh Niệm

Này các Thầy Tỳ khưu:

Cầu bậc tri thức lành,

Cầu người hộ trợ giỏi,

Nhưng muốn đặng viên thành,

Chánh niệm cần theo dõi.

Nếu chánh niệm tinh tiến,

Giặc phiền não khó vào,

Tự tâm thoàng nhiếp niệm,

Công đức chẳng tiêu hao.

Nếu chánh niệm bền vững,

Thì năm dục vô can,

Ví như người lướt trận,

Lòng chẳng chút kinh hòang.

 

TIẾT THỨ MƯỜI BA

Thiền Định

Này các Thầy Tỳ khưu:

Nếu nhiếp tâm một chỗ,

Tâm liền được định an,

Pháp thế gian thấy rõ,

Sanh diệt tướng vô thoàng.

Phải tập định tinh cần,

Đắc định, chẳng loạn tâm,

Ví như người chứa nước,

Đắp đê khéo, nước cầm.

Người tu hành cũng thế,

Trau dồi pháp định thiền,

Muốn gìn nước trí tuệ,

Khéo đắp đê tâm điền.

 

TIẾT THỨ MƯỜI BỐN

Trí Tuệ

Này các Thầy Tỳ khưu:

Người có trí tuệ lành,

Không ham muốn cạnh tranh,

Chẳng để cho lầm lỗi,

Thoàng tự xét lấy mình.

Được vậy, được giải thoát,

Chẳng vậy, chẳng tu hành,

Cư sĩ cũng chẳng được,

Đời đạo thảy phi danh.

Trí tuệ như thuyền vững,

Biển tứ khổ độ qua,

Trí tuệ như đèn sáng,

Vùng hắc ám chói loà.

Trí tuệ như lương dược,

Chữa lành bịnh hiện tiền,

Trí tuệ như búa sắc,

Đốn bỏ cây não phiền.

Vậy phải dùng văn tuệ,

Tư tuệ và tu tuệ,

Tăng trưởng công đức lành,

Lợi ích không xiết kể.

Có tuệ soi thế gian,

Tuy còn hàng nhục nhãn,

Mà chính bậc cao nhân,

Việc việc đều thông sáng.

 

TIẾT THỨ MƯỜI LĂM

Chẳng Hý Luận

Này các Thầy Tỳ khưu:

Cả thảy chuyện thế gian,

Nếu luận bàn đắc thất,

Tâm loạn động khó an,

Tu hành không giải thoát.

Vậy nên các Tỳ khưu,

Mau xa lìa hý luận,

Hý luận khéo diệt trừ,

Mới được vui vắng lặng.

 

TIẾT THỨ MƯỜI SÁU

Bỏ Phóng Dật

Này các Thầy Tỳ khưu:

Muốn được phần công đức,

Thì phải chừa phóng dật,

Như xa lánh giặc thù,

Lợi ích khôn lường được.

Hoặc ở chốn núi non,

Hoặc ở nơi vắng lặng,

Hoặc tịnh thất cội cây,

Niệm pháp đừng xao lãng.

Tự mình nên cố gắng,

Tu hành thêm tinh tấn,

Đừng để kiếp chết suông,

Sau này bao hối hận.

Ta ví như y sĩ,

Biết bịnh, chỉ thuốc hay,

Như uống cùng không uống,

Lỗi chẳng tại nơi thầy,

Lại như kẻ chỉ đường,

Hướng dẫn con đường thẳng,

Đi theo hoặc chẳng đi,

Lỗi chẳng nơi người dẫn.

 

TIẾT THỨ MƯỜI BẢY

Quyết Nghi

Này các Thầy Tỳ khưu:

Nếu trong pháp Tứ đế,

Còn có chỗ hòai nghi,

Đừng đem lòng ái ngại,

Mà nên hỏi mau đi.

Phật nói thế ba lần,

Đại chúng đều lẳng lặng,

Ấy bởi duyên cớ nào,

Bởi không còn nghi vấn.

Ngài A Nậu Lâu Đà,

Xem xét đại chúng khắp,

Cung kính bạch trình qua:

Con kính bạch Đức Phật.

Mặt trăng có thể nhiệt,

Mặt trời có thể hàn,

Nhưng Tứ đế Phật thuyết,

Không sai khác, hòan toàn.

Phật nói pháp Khổ đế,

Thiệt khổ, chẳng hề vui,

Phật nói pháp Tập đế,

Thiệt nhơn, chẳng đổi dời.

Khổ diệt tức nhơn diệt,

Nhơn diệt tức quả diệt,

Đạo diệt khổ, đạo chơn,

Không đạo nào sánh kịp.

Con kính bạch Đức Phật,

Các thầy Tỳ khưu này,

Đối với pháp Tứ đế,

Quyết định chẳng hồ nghi.

Có người chưa chứng quả,

Ở trong đại chúng này,

Nghe thấy Phật diệt độ,

Tức sanh lòng ai bi.

Có người mới nhập pháp,

Nghe Phật giảng, ngộ liền,

Như đêm nhờ điện sáng,

Soi lối bước hiện tiền.

Có người được chứng quả,

Biển khổ vượt qua rồi,

Chỉ có một ý niệm,

“Phật diệt độ gấp thôi !”

Ngài A Nậu Lầu Đà,

Mặc dầu nói như thế,

Nhưng trong đại chúng này,

Đều hiểu thấu Tứ đế.

Bấy giờ Đức Thế Tôn,

Muốn cho hàng đại chúng,

Bền vững trong Pháp môn,

Mở lòng từ giảng rộng.

 

TIẾT THỨ MƯỜI TÁM

Nói Rõ Nhân Duyên

Này các Thầy Tỳ khưu:

Ta trọn đời một kiếp,

Có hiệp tất có ly,

Lại hễ ly rồi hiệp,

Đừng thương nhớ ai bi.

Ta dạy đã tròn đầy,

Pháp lợi mình lợi chúng,

Dầu lưu mãi cõi này,

Cũng không còn ích dụng.

Khắp cõi dưới cõi trên,

Kẻ đáng độ, đã độ,

Kẻ chưa đáng, tạo duyên,

Để sau này được độ.

Từ đây trở về sau,

Tiếp tay đừng để tuyệt,

Tức pháp thân Như Lai,

Thoàng tại mà không diệt.

Vậy các ngươi phải biết,

Cảnh thế gian vô thoàng,

Có hiệp có ly biệt,

Chớ phiền não nhớ thương.

Tướng thế gian mơ hồ,

Tiến tu, cầu giải thoát,

Dùng tuệ phá mê mờ,

Đời mỏng manh không chắc.

Hôm nay ta đắc diệt,

Như trừ được bịnh dữ,

Thân tội ác bỏ đi,

Đem chôn biển tứ nghiệt.

Bậc người đắc trí tuệ,

Diệt trừ được huyễn thân,

Như diệt trừ nghịch tặc,

Lẽ nào chẳng vui mừng.

 

TIẾT THỨ MƯỜI CHÍN

Nhứt Tâm

Này các Thầy Tỳ khưu:

Phải nhất tâm tu học,

Cầu giải thoát thế gian,

Pháp động cùng bất động,

Đều bại hoại chẳng an.

 

Tổng Kết

Các ngươi đừng nói nữa,

Giờ nhập diệt đến rồi.

Đây lời ta di chúc,

Lời cuối cùng trong đời.