Kinh Khóa Hư - Tựa

 

Tinhhoabiyeu

 

KINH KHÓA HƯ

TỰA

(Dịch nghĩa bài Tựa dẫn vào sách Khóa Hư, tác phẩm của nhà vua Trần Thái Tông)

Ngày rằm mùa thu Canh Tý (1840), nhân nghỉ việc mới đi vãng cảnh chùa Đại Giác ở núi Bồ (Bồ Sơn) thuộc Huyện Tiên Du, Tỉnh Bắc Ninh để xem lễ các nhà Sư hội họp cầu ích Bồ-tát. Bấy giờ Sư cụ Thanh Hương ở Chùa Do Nha, Huyện Võ Giăng có đem một tập Khóa Hư Lục gồm ba quyển để xin tôi bài tựa. Tôi từ chối rằng hiểu biết thô thiển về Đạo giáo, chưa đạt được ý nghĩa đạo Phật, tựu trung đối với Kinh sách của Ba Thừa và luận thuyết của Năm Phái được xem sơ lược, hiểu biết nông cạn, đâu dám cầm bút viết bậy để mua cười của các bậc thiện trí thức hay sao ? Sư cụ cố nài xin hai ba lần, tôi bất đắc dĩ không làm sao được mới cầm sách về mở ra xem kỹ mới hay sách Khóa Hư Lục này là chính Hòang đế Thái Tôn triều Trần sáng tác vậy.

Tác giả thực cho rằng người ta từ bao nhiêu kiếp đến nay đã quên mất bản tâm, chẳng biết chánh đạo, sa đọa vào ba đường đau khổ bởi vì sáu căn sai lầm. Nếu không sám hối lỗi kiếp trước thì khó mà trông mong vào quả kiếp sau. Đấy là lý do làm ra sách Khóa Hư Lục này vậy. Trước hết tác giả xếp đặt bốn ngọn núi ví như bốn giai đoạn của đời người, phối với bốn mùa của thời tiết một năm, cho sanh, già, bịnh, chết là thể tất nhiên cũng như lẽ sanh ra, lớn lên, thu về, tàng chứa thay đổi lẫn nhau không bao giờ hết.

Không cứ chi người cư sĩ tại gia ở thế gian, hay hạng đi tu ra khỏi thế gian đều nên lo tu sửa sám hối. Tâm ý thức nên hư không nhưng thời giờ không thể bỏ hư không được, mà công phu học tập lại không thể một phút bỏ hư không được vậy. Cho nên cứ nhất định đêm ngày sáu buổi, đầu tiên thì dâng hương, tâu bạch, thứ đến sám hối, khuyên mời, sau cùng thì hồi hướng phát nguyện. Từ tối đến sáng, từ ngày đến đêm, mỗi lần sáu niệm ân cần, kêu thương với Từ Tôn, khẩn cầu thương giúp, ví như tấm lòng tiếc từ tấc quang âm của Vua Vũ nhà Hạ bên Tàu xưa không khác chút gì.

Lời văn gọn gàng mà lý lẽ rõ rệt, việc làm giản dị mà công phu dễ tới, có thể nhân đấy mà ngăn tâm vượn, phòng ý mã, vượt qua bể khổ bến mê. Tuy rằng thấu suốt hòan toàn chưa hẳn đã so sánh bằng các sách của bậc hiền đức đời xưa đã trước tác, nhưng để bước lên bậc thang của mười cõi, ra khỏi đường tắt bốn núi thì không thể thiếu bộ sách trọng yếu này được.

Ôi ! Vua là bậc hiền nhà Trần mà có thể tự thân ở ngôi vạn thặng của một nước lớn, lại ý niệm tới bậc Tam Tôn, bỏ áo mũ nhà Vua mà mặc lấy nâu sồng của nông dân; rời ngai rồng mà ngồi đệm cỏ. Không những một thời sửa chùa, xây tháp cúng Phật, độ Tăng, làm lợi ích cho nhân dân, thoát ly cảnh khổ mà thôi đâu, Ngài lại còn đem cách tự mình chuyên cần tu niệm hợp thành một tập kệ văn sám hối, đặt tên là tập sách Khóa Hư để chỉ bảo cho đời sau nữa. Gọi là “Trời sanh một người hiền để thức tỉnh mọi người ngu mê, Trời sanh ra một người giàu để cứu nỗi nghèo của quần chúng”. Vua thực là một vị Phật sống trên thế gian, và cũng là một vị Bồ-tát tái thế vậy.

Tôi kính cẩn đọc văn của Ngài mà lặng cầu lấy tâm ấy, thốt nhiên như mở thấy được ít nhiều. Vì vậy không dám tự giấu sự hèn kém, chắp tay kính lễ chép nhặt mấy lời để ghi đề ngoài sách. Còn như bảo đề tựa thì đâu dám.

Triều Vua Minh Mệnh năm Canh Tí, ngày khánh hỷ, cuối mùa thu, tôi chịu trai giới, Tuần phủ hộ lý Tổng Đốc Ninh Thái, Pháp danh Đại Phương Nguyễn Thận Hiến, tắm gội kính cẩn đề tựa.