Kinh nghiệp báo tái sanh

 

 

Tôi được nghe lời kể như vầy:

Lúc bấy giờ, Tôn giả Ca-diếp,

Cùng năm trăm mẫn tiệp Tỳ-kheo,

Từ Câu-tát-la đi về,

Trú tại thôn Tư-ba-ê sang giàu.

Đây vùng đất vua ban đặc biệt,

Cho Bà-la-môn Tệ Túc tiếng tăm,

Lo phần cúng tế Phạm thiên,

Giữ gìn truyền thống tiền hiền lâu nay.

Ông là người nặng nề tà chấp:

“Không đời sau, không có tái sinh,

Quả bảo thiện ác đều không”,

Chủ trương đoạn diệt, khó mong chuyển dời.

Dân trong trấn nghe tin truyền tụng,

Đại chúng cùng Ca-diếp Thánh nhân,

Từ Câu-tát-la mới về,

Đang nghỉ tạm Thi-xá-bà vườn rừng.

Họ bàn tán về Ngài Ca-diếp:

“Bậc A-la-hán, trưởng thượng, đa văn,

Thông minh tài trí luận bàn,

Nếu được diện kiến vô vàn quý thay”.

Bấy giờ, Bà-la-môn Tệ Túc,

Từ lầu cao ngó xuống phố phường,

Thấy người tấp nập trên đường,

Từng đoàn lũ lượt tứ phương đổ về.

Ông bèn hỏi, người đi đâu vậy?

Mới hay rằng, họ đến ngoại thành,

Diện kiến Ca-diếp nức danh,

Bậc tài đức, bậc Vô Sanh đương thời.

Nghe xong, Bà-la-môn thầm nghĩ:

“Ta cũng nên đến đó xem sao”.

Liền bảo sửa soạn kiệu xe,

Đến rừng Thi-xá bốn bề bình yên.

Khi đến nơi xuống xe đi bộ,

Đến bên trong diện kiến Thánh Tăng,

Sau khi chào hỏi lễ nghi,

Ngồi nơi thích hợp chờ khi hỏi Ngài.

Người đến thăm đông không kể hết,

Người lễ thưa hoặc chỉ xưng tên,

Hoặc khoanh tay, hoặc lặng yên,

Tất cả an tọa, rừng thiền lặng trang.

Rồi Tệ Túc cất lời giữa chúng:

“Thưa Tôn giả, tôi nay muốn hỏi,

Chủ thuyết tôi không có đời sau,

Không thiện ác, không tái sinh,

Chẳng hay chủ thuyết Ngài tin thế nào?”

Không trả lời, Tôn giả hỏi lại:

“Này Hiền giả, ông hãy nói xem,

Mặt trời, mặt trăng ngày đêm,

Là thuộc nhân thế, cõi thiên, cõi nào?

Thuộc đời này hay là đời khác?”

Tệ Túc thưa rằng thuộc cõi thiên,

Là thuộc đời khác bổn nguyên,

Chẳng thuộc nhân giới, chẳng duyên đời này”.

Ca-diếp bảo: “Thế nên tin được,

Có đời này và có đời sau,

Tái sinh, thiện ác đáo đầu,

Quả báo phải nhận nào đâu thoát nàn”.

Nhưng Tệ Túc không tin Tôn giả,

Vẫn khăng khăng bảo vệ ý mình:

“Thể nào lại có tái sinh,
Lẽ nào lại có quá trình quả nhân.

Dù Tôn giả giảng phân lý lẽ,

Tôi không tin có kẻ tái sinh,

Tôi đây có một chứng minh,

Một người quen biết bịnh tình trầm kha.

Sắp đến lúc rời xa cõi thế,

Tôi đến bên nói kể mấy điều,

“Rằng Sa-môn tin tưởng nhiều,

Hễ người đã phạm 10 điều ác nhân.

Gồm sát hại, tà dâm, trộm cướp,

Nói thêu dệt, độc ác, dối gian,

Nói thêm, nói bớt mênh mang,

Tham lam, tật đố, lầm đàng đạo chơn.

Người này sẽ đọa nơi địa ngục,

Nếu sau này anh phải vào đây,

Hãy về nói lại tôi hay”.

Nhưng tôi chưa thấy ai rày báo tin.

Người đã mất là hàng thân quyến,

Họ sẽ không lỗi hẹn với tôi.

Không về nên biết chắc rồi,

Đời sau không có, luân hồi cũng không”.

Ngài Ca-diếp ung dung thí dụ:

“Kẻ trộm kia phạm tội quốc gia,

Bị người bắt được trình vua,

Phạm nhân bị phạt xứng vừa tội gây.

Kẻ phạm tội dùng lời mềm dẻo:

“Xin đao nhân ân huệ sau cùng,

Được về từ biệt cố nhân,

Rồi sẽ trở lại đem thân thọ hình”.

Này Hiền giả nghĩ sao điều ấy,

Đao nhân kia có thể thả không?”

- “Thưa không, chắc chắn là không”,

- “Này hiền giả, ý ông đồng ý ta”.

“Cùng con người, cùng đời hiện tại,

Mà đao nhân chẳng thả, chẳng thương.

Huống chi phạm lỗi mười đường,

Nhân gian, địa ngục hai phương không đồng.

So sánh đó ta liền hiểu rõ,

Người thân ông sao được trở về.

Ông hãy tỉnh ngộ, lìa mê,

Đoạn dứt tà kiến quay về đường chơn.

Thưa Tôn giả, còn minh chứng khác,

Một người thân bệnh hoạn lâm chung,

Lúc người trăn trối sau cùng,

Tôi trấn an họ hãi hùng không nên.

“Các Sa-môn tin rằng nhân quả,

Nếu người kia chẳng phạm 10 điều,

Sát sanh, trộm cắp, dâm loàn,

Nói lời thêu dệt, dối gian hại người.

Nói ác độc, nói thêm nói bớt,

Hạng người này sẽ được sinh Thiên,

Nếu người về được cõi Tiên,

Nhớ về báo lại tôi liền đặng tin”.

Những người ấy một đi không lại,

Là người thân không lẽ dối tôi.

Thế nên tôi rõ đấy thôi,

Nào có nhân quả, luân hồi đời sau.

Ngài Ca-diếp lại dùng thí dụ,

Ví có người rớt xuống hố sình,

Hôi hám dơ bẩn khắp mình,

Vua thấy thương hại tận tình vớt lên.

Cho tắm rửa ướp hương mặc đẹp,

Cho uống ăn trăm vị thơm ngon,

Ở nơi gác tía lầu son,

Hưởng năm dục lạc hỷ hoan thỏa lòng.

“Này Hiền giả, phải chăng người ấy,

Lòng còn mong xuống lại hố dơ?”

Thưa không, không kẻ nào ngơ,

Ai còn muốn ở chỗ dơ làm gì!”

“Quả đúng vậy, thiên thần rất ngại,

Cõi Diêm Phù bất tịnh hôi tanh,

Làm lành đã được sinh Thiên,

Hưởng vui ngũ dục, ai phiền trở lui.

So sánh đó ta liền hiểu rõ,

Người thân ông sao muốn trở về.

Ông hãy tỉnh ngộ, lìa mê,

Đoạn dứt tà kiến quay về đường chơn”.

Thưa Tôn giả, tôi còn minh chứng:

“Có người thân mắc bệnh trầm kha,

Đường cùng sắp phải bước qua,

Tôi khuyên người ấy chớ sa lệ buồn.

“Nếu lúc sống giữ được năm giới,

Thác về ngay Đao Lợi thiên cung,

Khi ấy người nhớ báo tin,

Để tôi được biết tái sinh luân hồi”.

Nhưng người ấy một đi không lại,

Là người thân không lẽ dối tôi.

Thế nên tôi rõ đấy thôi,

Nào có nhân quả, luân hồi đời sau”.

Ngài Ca-diếp dùng lời phân giải:

“Một trăm năm nơi thế giới này,

Bằng Đao Lợi một đêm ngày,

Thọ mạng ngàn tuổi, ông nay nghĩ gì?

Nếu người ấy lần lựa ngơi nghỉ,

Vài ngày xong mới xuống báo tin,

Thể nào ông dễ gặp chăng?”

- “Thưa Ngài, nếu vậy, tôi băng hà rồi.

Nhưng tôi nghĩ không hề lâu vậy!”

Ca-diếp bèn ví dụ người mù,

Xanh, vàng dài, ngắn, tế, phù,

Từ lọt lòng mẹ, muôn thu biết gì.

Cũng không biết trời trăng sông núi,

Nên rằng cõi Đao Lợi sống lâu,

Là thật có, chẳng dối đâu,

Chẳng vì không thấy mà hầu bảo không.

Nhưng Tệ Túc phân vân chưa hết:

“Chuyện một tên trộm cướp bị tù.

Mọi người bỏ hắn vào lu,

Đậy nắp, đốt lửa, mịt mù khói xông.

Mọi người đến dõi theo thật kỹ,

Phải chăng rồi thần thức thoát qua,

Nhưng mọi người ở gần xa,

Không thấy thần thức thoát ra thế nào.

Lu được mở để xem còn mất,

Xác chết ngồi co quắp phồng da.

Thấy không thần thức lại qua,

Đời sau đời trước chắc là không không”.

Ngài Ca-diếp hỏi ông Tệ Túc:

“Ở lầu cao nằm mộng núi sông,

Ai hay thần thức đi không?

Tệ Túc liền đáp: “Không trông thấy hình”.

Cũng thế đó, dẫu là còn sống,

Thức vào ra không thấy là chi,

Huống khi bỏ xác mà đi,

Thiện ác quả báo luôn khi không dừng”.

Tệ Túc vẫn thẳng thừng nhắc chuyện:

“Có một lần bắt được trộm gian.

Người dân đem hắn giữa làng,

Lột da cắt thịt nêu đàng dạy dân.

Khi thịt nát, xương tan từng mảnh,

Tôi tìm hoài chẳng thấy thức đâu.

Thế nên không có đời sau,

Cũng không nghiệp báo đáo đầu xưa nay”.

Ngài Ca-diếp từ bi lại kể:

“Một kiếp xưa, tại chốn núi xa,

Một đoàn buôn bán ngang qua,

Gặp lão phạm chí đầu đà ẩn tu.

Đoàn người xin một đêm tá túc,

Giữa thâm sơn heo hút bóng hình,

Hôm sau tiếp tục hành trình

Để quên đứa trẻ mới sinh nơi này.

Lão phạm chí hạnh tu thờ lửa,

Nuôi bé trai đến lúc lớn khôn,

Một hôm có việc vào thành,

Phạm chí dặn chú tu hành cần chuyên.

Phải giữ lửa không cho tắt mất,

Nếu tắt thì cọ củi thắp lên,

Ham chơi chú đã vội quên,

Để lửa tắt ngấm, lòng liền sợ lo.

Chú bới bếp hòng mong thấy lửa,

Chẳng thấy đâu, bèn chẻ củi ra,

Cũng không, chú giã củi ra,

Vẫn không thấy lửa, thật là khổ thay.

Lão phạm chí ngày sau về đến,

Chú bé kia sám hối cầu xin,

Dạy cho cách lấy lửa linh,

Phạm chí lấy củi cọ nhanh đốt đèn.

Chỉ cách này mới làm nên lửa,

Không chẻ ra, không giã củi kia,

Cũng như xẻ thịt giã xương,

Hiền giả tìm thức vô phương phải rồi”.

Tái sinh quả báo là có thực,

Tệ Túc kia lòng vẫn không tin,

Có lần kẻ cướp thọ hình,

Bằng cách êm thắm không nhìn thấy đau.

Sau khi chết cân thân của hắn,

Thấy nặng hơn cả lúc bình sinh,

Lạ thay thân sống nói năng,

Lại nhẹ hơn chết thêm bằng chứng đây:

Không đời sau, tái sinh, quả báo”.

Ngài Ca-diếp phân minh ra lẽ:

Sắt lúc còn nóng nhẹ tênh,

Nhưng khi nguội lạnh nặng lên rất nhiều.

Này Hiền giả, tại sao như thế?”

- “Vâng, thưa Ngài bởi sắt đỏ mềm,

Sắt nguội đen cứng nặng hơn,

Chuyện thường là vậy, Ngài nên tỏ tường”.

- “Cũng thế ấy, con người khi sống,

Sắc nhuận tươi mềm mại nhẹ hơn,

Chết đi xác cứng rồi ương,

Nên nặng là lẽ bình thường xưa nay.

Vậy xác định tái sinh có thật,

Cớ sao ông cố chấp chẳng tin?”

Tệ Túc vẫn cứ đinh ninh:

“Thiện ác, nhân quả, tái sinh hão huyền”.

- “Như có người bà con bệnh nặng,

Vẫn nói năng khi đỡ nằm nghiêng,

Hay khi lật sấp, ngửa lên,

Nhìn liếc co duỗi, biết liền hay thay.

Nhưng đến lúc thân đây đã chết,

Hơi thở kia đã hết vào ra,

Thân thể lật úp, đỡ qua,

Không còn co duỗi, đâu là đời sau”.

“Này hiền giả, nghĩ gì thí dụ,

Quốc độ kia, dân chúng chưa nghe,

Tiếng thổi từ chiếc tù và,

Nên khi nghe tiếng, ngẩn ra bồi hồi:

“Tiếng gì mà vang xa ai oán”,

Người thổi liền chỉ chiếc tù và.

Họ liền tay vỗ, lệnh ra:

“Hãy kêu lên tiếng như là trước đây”.

Nhưng tù và không sao lên tiếng,

Chủ nhân bèn thổi miệng nó kêu.

Người dân giờ mới nói theo:

“Phải có tay miệng, hơi đều phát ra”.

Cũng thế ấy con người phải có,

Hơi thở và sức sống giác tri,

Khiến người liếc nói đến đi,

Hiền giả hãy bỏ tà si sai lầm".

Tệ Túc bảo ông không bỏ được,

Vì lọt lòng mãi đến bây giờ,

Ông được huấn luyện tôn thờ,

Tà thuyết kiên cố khó mờ xóa đi.

Ca-diếp kể: “Thuở xưa nơi ấy,

Có hai người một trí một ngu,

Kết bạn cùng sống sinh nhai

Một ngày đi lấy cây gai về nhà.

Nhưng vừa lúc ngang qua thôn cũ,

Họ thấy ngay một đống chỉ gai.

Người trí đổi lấy chỉ ngay,

Người ngu tiếc mãi đống cây nặng oằn.

Người ngu bảo chỉ gai dầu nhẹ,

Đáng lấy hơn nhưng uổng đống cây,

Đã bó đã gánh đến đây,

Bỏ đi thì phí công rày đã mang.

Rồi khi thấy vải gai gọn nhẹ,

Người trí không lần lựa, đổi ngay.

Người ngu vẫn tiếc đống cây,

Đã bó đã gánh công này quý sao.

Rồi khi thấy bạc vàng của quý,

Người trí liền đổi lấy đem về.

Người ngu lòng quyết lời thề,

Chẳng đổi gì cả gánh về đống cây.

Mọi người khen gánh vàng người trí,

Khiến anh ta vui lại thêm vui.

Người ngu bị mọi người chê,

Khiến anh buồn tủi, chịu bề khổ thay”.

- “Thưa Tôn giả, với tà niệm ấy,

Tôi dạy người đến cả vua quan,

Được lợi dưỡng, được tiếng tăm,

Chủ trương đoạn diệt bao năm nay rồi”.

“Này Hiền giả hãy nghe thí dụ:

Thuở xa xưa, ở quốc độ kia,

Đoàn thương nhân ngàn cỗ xe,

Đi qua hoang mạc, muôn bề khó khăn.

Họ bèn chia đoàn thành hai nhóm,

Một nhóm người đi trước dẫn đường.

Không lâu thấy kẻ mặt đen,

Thân thể to lớn, bùn phèn khắp thân.

Chủ đoàn hỏi: “Ngươi từ đâu lại”,

Người đáp rằng: “Từ phía trước kia”.

Lại hỏi: “Nơi ấy thức ăn,

Gạo nước vật dụng phải chăng đủ đầy?”

Người ấy đáp: “Mọi vật có đủ,

Mưa rất to nên nước gạo nhiều.

Chẳng cần đoàn chở nước theo,

Xe không quá nặng đi nhiều dặm hơn”.

Họ đâu biết kẻ kia là quỷ,

Lại nghe lời bỏ hết đồ đi,

Càng đi càng chẳng thấy chi,

Bị quỷ ăn thịt, mong gì đến nơi.

Nhóm thứ hai lên đường tiếp tục,

Cũng gặp ngay La-sát quỷ kia.

Chủ nhân thận trọng chẳng nghe,

Bảo đoàn cất giữ đầy xe vật dùng.

Hai ba ngày đoàn người bắt gặp,

Nằm ngổn ngang xương cốt gọng xe.

Đoàn kia vì trót vụng nghe,

Không có trí tuệ chở che mạng người.

Đoàn thứ hai hoàn toàn trái lại,

Người chủ đoàn trí tuệ sáng soi,

Tai qua nạn khỏi thảnh thơi,

Không điều khổ não hưởng đời bình an.

Này Hiền giả bỏ tà niệm ấy,

Chớ để đời thêm khổ thêm lo”.

Nhưng Tệ Túc vẫn đắn đo,

Ca-diếp tiếp tục kể cho chuyện này:

“Thuở xa xưa tại một quốc độ,

Có người kia thích việc nuôi heo.

Một hôm đi đến xóm nghèo,

Thấy phân khô để như gieo đầy đường.

Ông nghĩ đến đàn heo đang đói,

Nên gom phân thành thúng đội đầu.

Mang về nào có ngờ đâu,

Nửa đường mưa xuống, mình đầu hôi dơ.

Mọi người thấy chê cười đủ lẽ:

“Trong mưa ai lại đội phân dơ!”

Anh liền nổi giận phân bua:

“Heo tôi đang đói vật thừa quý chăng!”

Này Hiền giả bỏ tà niệm ấy,

Chớ chấp vào rước lấy khổ mê.

Như người ngu bị người chê,

Lại mắng ngược lại chẳng hề hiểu ra”.

- “Cũng ngày xưa, xứ Tư-ba-ê,

Có phạm chí hai thê không thuận.

Trăm tuổi rồi vẫn bận lòng,

Dàn xếp phân xử cho đồng đôi bên.

                                                    Không lâu sau, ông phạm chí chết,

Vợ lớn kia giành hết của nhà.

Vợ nhỏ thai nghén nỉ nài:

Chờ sau sinh sản công khai chia đều.

Nếu con trai xin chia phần của,

Lỡ gái thí gả lấy hồi môn.

Vợ lớn chẳng chịu thiệt hơn,

Vợ nhỏ nổi giận không còn nghĩ suy.

Dùng dao mổ bụng mình xem trẻ,

Là con trai hay gái thiệt hư.

Nào hay tự hại, hại con,

Con chết mình cũng bất toàn từ đây.

Này Hiền giả, chỉ người đạo sĩ,

Siêng tu hành, tích thiện, giới cao.

Người ấy nếu được sống lâu,

Mang lại lợi ích năm châu trời người”.

- “Này Hiền giả, thuở xưa xứ ấy,

Có hai người luyện bi rành nghề.

Một hôm nổi cuộc thắng thua,

Người thua không phục, tranh đua đến cùng.

Người thua cuộc đem bi tẩm độc,

Ngày hôm sau tiếp tục so tài.

Người thắng phấn khích cầm bi,

Nuốt vào trong bụng biết chi độc hành.

Này Hiền giả bỏ đi tà kiến,

Chớ rước vào thảm họa cho thân”.

Bấy giờ Tệ Túc hỷ hoan:

“Thật tình tôi hiểu hoàn toàn từ lâu.

Ngay thí dụ mặt trăng đã hiểu,

Nhưng muốn xem trí tuệ bậc thầy.

Nay tôi phát nguyện nương Ngài,

Quy y tín thọ, trọn bề chí tâm”.

- “Lành thay, ông hãy nương Đức Phật”.

- “Vậy bấy giờ, Phật ở nơi đâu?”

- “Phật mới diệt độ chẳng lâu”.

- “Vậy con xin nguyện cúi đầu quy y.

Đấng Thế Tôn nay đà diệt độ,

Quy y Pháp, quy y Tăng chúng.

Hãy nhận con làm thiện nam,

Năm giới thề giữ, không làm điều sai.

Nay con nguyện mở đại bố thí,

Xin ơn trên Tam Bảo chứng minh”.

Pháp hành bố thí tịnh thanh,

Ngài Ca-diếp dạy lời lành cần trau.

- “Đối chúng sinh không nên giết hại,

Không hành hạ, tổn hại một ai,

Cũng không bố thí đại trà,

Cho người tà kiến lầm sa ác nghì.

Cũng như đất còn nhiều sạn sỏi,

Nhiều chông gai mà lại gieo trồng.

Sẽ không gặt hái những mong,

Vì thế bố thí với lòng lợi tha.

Không sát sinh, cũng không đánh đập,

Bố thí cho những hạng tịnh thanh.

Ấy là bố thí phước sanh,

Cũng như ruộng tốt sẵn dành giống gieo.

Thu hoạch ắt đầy kho hưng thịnh”.

Dạy đến đây hội chúng hỷ hoan.

Tệ Túc, chúng Bà-la-môn,

Hết thảy phụng giữ kính tôn pháp hành.