Kinh Quy luật cái chết

Tôi được nghe chuyện kể như vầy:

Một hôm nọ, vua Ba-tư-nặc,

Đang chú tâm nghe Phật giảng kinh,

Có người đến báo hung tin,

Hoàng hậu Ma-li-ka lâm bịnh mạng chung.

Bất giác vua sững sờ sầu não,

Phật từ bi bèn dạy pháp lành,

Quy luật của lẽ tử sanh,

Không ai thoát khỏi vận hành luật kia.

Bốn quy luật già, bệnh, chết, diệt,

Đối với ai chưa rõ luật này,

Già đến thì phải bị già,

Bệnh đến phải bệnh, dễ mà tránh đâu!

Khi chết đi, phải đành bị chết,

Diệt đến rồi, cũng phải diệt thôi,

Người ấy đau khổ khôn nguôi,

Không sao chống chế, dẹp lui não phiền.

Như Lai bảo đấy là bất lợi,

Khổ đau thay, bất hạnh lâu dài.

Đại vương xin hãy nghiệm suy,

Quy luật sống chết đến đi lẽ thường.

Loài hữu tình, con người sao khỏi,

Trong cuộc đời đều phải trải qua,

Đại vương bớt niệm xót xa:

“Chẳng phải chỉ có riêng ta khổ nàn,

Loài hữu tình đến đi sinh diệt,

Lẽ đương nhiên chẳng bỏ sót ai”.

Nếu nay người chẳng hiểu ra,

Đau khổ giằng xé khó mà vượt qua.

Bởi buồn khổ, người quên ăn ngủ,

Tôn nhan dần sa sút, xấu đi,

Việc triều chính cũng bỏ bê,

Người bên lo lắng, kẻ xu nịnh mừng.

Cơ hội tốt làm điều bất chánh,

Quân ngoại xâm ngấp nghé biên cương,

Hãy bình tâm, hỡi đại vương,

Không nên sầu lụy bi thương não nề.

Hãy can đảm nhổ tên sầu muộn,

Cây tên này có tẩm độc nguy,

Người không hiểu biết nên chi,

Tên độc bắn trúng khổ si một đời.

Nếu thản nhiên trước luật sinh tử,

Tâm đại vương tịch tĩnh đặng an.

Nói đoạn Phật lại quay sang,

Nhìn khắp đại chúng bảo ban dặn dò:

Mọi người chớ có sầu than khóc,

Khi người thân lặng lẽ chết đi,

Buồn khóc nào có ích gì,

Kẻ thù kẻ xấu mừng vì gặp may.

Nên người trí trong cơn bất hạnh,

Vẫn thản nhiên lo liệu mọi bề,

Tụng kinh làm phước hướng về,

Cho người đã mất được bề siêu sinh.

Nghe Phật dạy quy luật cái chết,

Và cách làm tang lễ người thân,

Nhà vua sầu muộn không còn,

Cung kính lạy tạ Thế Tôn trở về.

Y lời Phật vua làm tang lễ,

Đúng chánh pháp, ý nghĩa, trang nghiêm,

Hồi hướng phước báu nhân thiên,

Kẻ còn người mất phước duyên vẹn tròn.