Kỷ niệm Sinh nhật lần thứ 80 của Đức Đạt-lai Lạt-ma

sn1

Đức Đạt-lai Lạt-ma tại Tsuglagkhang, McLeod Ganj, ngày 21 tháng 06 năm 2015. From: AFP

Dân chúng Tây Tạng tại Dharamsala, Ấn Độ tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 80 của Đức Đạt-lai Lạt-ma vào ngày 21 tháng 06, mặc dù Ngài được sinh ra vào Chủ Nhật tuần trước theo lịch âm của Tây Tạng và theo hệ thống lịch Gregory nhằm ngày mùng 06 tháng 07.

Sự kiện được tổ chức tại tu viện Tsuglagkhang bên cạnh cung điện của Ngài tại McLeod Ganj và có sự tham dự của đại diện bốn trường phái chính của Phật giáo Tây Tạng và các tu sĩ đạo Bön. Lễ Cầu nguyện cho Đức Đạt-lai Lạt-ma trang nghiêm diễn ra khá lâu do Chính phủ Lưu vong Tây Tạng, Hiệp hội Riwo Geden – Dhomay (đại diện cho người dân Amdo) thực hiện, và Ngài Rinpoche Sakya Ghongma cúng dường mandala theo truyền thống.

sn2 

Đức Đạt Lai Lạt Ma và ông Lobsang Sangay, Thủ tướng Chính phủ Lưu vong Tây Tạng. From: AFP

Buổi lễ cầu nguyện còn có sự hiện diện của nhiều Bộ trưởng Ấn Độ, trong đó có ông Mahesh Sharma - Bộ trưởng Liên bang Bộ Văn hóa và Du lịch, ông Kiren Rijiju - Bộ trưởng Liên bang Bộ Nội vụ, ông Nabam Tuki - Chủ tịch Bộ trưởng bang Arunachal Pradesh, và ông Viplove Thakur - Bộ trưởng Bộ Du lịch. Phát biểu trong buổi lễ chúc mừng Đức Đạt-lai Lạt-ma, ông Nabam Tuki nói: “Tôi mong Ngài được sống thọ để tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi làm cho cuộc đời này trở nên tốt đẹp hơn”, và đã thỉnh Ngài viếng thăm bang Arunachal Pradesh để chúc phúc cho dân chúng. Ông cũng trân trọng dâng tặng cho Đức Đạt-lai Lạt-ma một bức tượng Đức Phật Thích-ca Mâu-ni lịch sử.

Đức Đạt-lai Lạt-ma đã gửi đến đại chúng pháp thoại, Ngài bảo: “Tôi đã 80 tuổi rồi và cả cuộc đời tôi thực tập theo vốn kiến thức mà tôi đã học tập từ truyền thống Nalanda”. Ngài thường nghiên cứu tham khảo kinh pháp của truyền thống Nalanda được truyền từ tu viện Mega Ấn Độ đến Tây Tạng (mọi người thường nhầm lẫn trường phái này và trường đại học Nalanda). “Ngôn ngữ Tây Tạng là ngôn ngữ duy nhất có thể giải thích toàn bộ đại điển của trường phái Nalanda. Ngôn ngữ Tây Tạng không chỉ có lợi ích trong đời sống sinh hoạt mà còn là phương tiện duy nhất để giải thích kinh điển trường phái Nalanda một cách tuyệt vời. Và truyền thống này còn có thể mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại. Nó không phải là một vấn đề của niềm tin tôn giáo, mà là một nghiên cứu về tâm”, Ngài nói tiếp và khuyến khích việc bảo tồn ngôn ngữ và tập tục văn hóa Tây Tạng.

Ngài bảo: “Bạn càng quan tâm đến hạnh phúc của người khác thì niềm hạnh phúc, sự không ngờ vực trong bạn càng dâng tràn, hãy ươm trồng ý nghĩa này sẽ giúp ích cho mọi người”.  

Ngài còn nói thêm rằng mặc dù không phải là siêu nhân, Ngài chỉ là một vị Tăng bình thường, Ngài sẽ tiếp tục công việc để thúc đẩy lòng từ bi và hòa hợp tôn giáo. Ngài mong rằng toàn thể thính chúng sẽ cùng Ngài tổ chức kỷ niệm lễ sinh nhật lần thứ 90 của Ngài trong 10 năm tới và Ngài sẽ cố gắng giữ sức khỏe thật tốt cho ít nhất 2 thập niên nữa. “Tôi vẫn còn sức khỏe rất tốt có thể sống thêm 20 năm nữa, bác sĩ đã nói với tôi như vậy”, Ngài nói.

Buổi lễ kết thúc với bữa thọ trai. Tsering Wangchuk, phát ngôn viên của Chính phủ Lưu vong Tây Tạng nói với phóng viên Hãng thông tấn Pháp hôm Chủ Nhật rằng: “Hội chúng lớn hôm nay hơn 8000 người và có nhiều nhà chức sắc từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự chúc thọ Đức Đạt-lai Lạt-ma…. Bài phát biểu của Đức Đạt-lai Lạt-ma vừa mới kết thúc… và bây giờ Ngài đang dùng cơm với tất cả mọi người”.

 sn3

Phật tử xếp thành hàng dài dâng hoa chúc mừng. From: AFP

(Theo Buddhistdoor International, 2015/06/22)