Ký sự chuyến du hành Miền Trung

 Kính lạy Giác linh Ni trưởng Huỳnh Liên - Trưởng Ni giới Hệ phái Khất Sĩ

Chúng con thành kính quỳ lạy trước án tiền, trầm hương quyện tỏa, đồng cúi đầu Khâm Kỉnh. Tay nâng quyển: Chuyến du hành miền Trung, với món công đức, sưu tập, kính cúng dường đệ nhứt cố Ni trưởng, Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ; đệ Nhị, đệ Tam cố Ni trưởng là bậc thầy tối cao khả kính. Đã thừa lệnh Đức Tổ sư Minh Đăng Quang du phương khai sơn lập giáo kế thừa chơn truyền Thích-ca Chánh pháp Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Ngày nay Chánh pháp được xương minh hưng thịnh, cội bồ đề rợp bóng che chở chúng con. Chúng con nguyện muôn kiếp ngàn đời, kiền thiền đảnh lễ phụng thờ.

LỜI PHI LỘ

Kính bạch Ni trưởng Tạng Liên – đương kiêm Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam.

Kính bạch chư Ni trưởng, chư Ni sư, Sư cô,

Ban Biên tập chúng con tiếp tục sưu tầm thêm quyển “Tuyển tập Pháp đợt II” của Đệ nhứt Ni trưởng Huỳnh Liên – Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam thì may sao gặp được một giấy nháp cũ kỷ của cố Ni trưởng ghi vội về “Chuyến du hành miền Trung”. Chúng con nôn nao xúc động trong niềm mừng tủi thiết tha. Bút tích của Thầy còn đây, chữ viết chưa nhòa, mà bậc Thầy kính thương của chúng con đã khuất bóng!!!

Chúng con cố đọc vì mực đỏ hơi nhòe, và là bản thảo ghi vội ngót 40 năm rồi chớ có ít đâu! Càng đọc, chúng con càng ham thích. Ôi! Lời vàng bút ngọc của Thầy sao mà bình dị thanh thoát biết dường nào! Văn cú rõ ràng, không ngớt tuôn theo tâm tư tình cảm, trung thực làm sao! Đọc dòng ký sự, dẫu chúng con đang là đoàn hậu bối vẫn tưởng tượng, hình dung được bao nỗi nhọc nhằn, bao niềm ray rức trong sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp, phổ độ chúng sanh của cố Ni trưởng cũng như của chư Ni trưởng, hàng đại đệ tử của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Chúng con bồi hồi thương cảm, kính tôn! Chúng con cũng nhận chân được đầy đủ tính “Bi, Trí, Dũng” mà Ni trưởng đã thể hiện trong cuộc hành trình mở đạo, hóa giải những tỵ hiềm của Đạo và Đời… Chân dung Đệ nhất Ni trưởng, Đệ nhị Ni trưởng, Đệ tam Ni trưởng từng lúc hiện rõ trong ký ức chúng con qua các giai đoạn tháng năm của buổi khai sơn lập giáo.

Chúng con cũng không khỏi xúc cảm trước quý thiện nam, tín nữ thuần thành hộ đạo buổi đầu như: cô Tùng Ngọc, cô Thuận Ngọc, bà Như Ngọc (tự Thân Văn), ông Khánh Thành, bà Hoa Ngọc, bà Huệ Ngọc, cậu Giác Châu và ông bà Vương Sĩ v.v… rất nhiều vị đã xả thân vì đạo, hộ đạo… Ôi! Còn nhiều điều quý báu trắc ẩn chứa đựng trong tập ký sự nầy mà chúng con tâm mờ trí cạn, không thể trình bày hết những cảm xúc, nhưng biết chắc chắn còn nhiều điều như vậy đã xảy ra trong chuyến du hành mà Ni trưởng chưa phân tách rõ. Chúng con cũng liên tưởng đến bao giai đoạn khai đạo, truyền đạo, giáo đạo phổ độ chúng sanh tại bổn xứ vẫn hàm chứa sự trân quý như vậy.

Ni trưởng là vị đại đệ tử Ni đầu tiên của Đức Tổ sư, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đức Tổ sư đã giao phó, được toàn thể Giáo hội Ni giới Khất sĩ kính tôn là bậc giáo trưởng, đối với nhơn sanh xã hội là bậc ân trọng.

Hệ phái Ni giới Khất sĩ ngày nay được phát triển mạnh, từ hình thức rộng lớn đến nội dung sâu dày, chính nhờ yếu tố nhân lành của Ni trưởng cũng như của chư Ni trưởng thập đại đệ tử Ni của Đức Tổ sư đã hằng tâm gieo trồng chăm bón.

Ni trưởng từng cảm khái thố lộ:

Tình đất sanh ngọt trái

Tình nước khiến thơm bông.

Cho nên suốt cuộc đời Ni trưởng luôn hy sinh rốt ráo cho đời và đạo một tình cảm thật là trong sáng, thật là cao thượng mà chúng con luôn luôn tôn thờ bái vọng tâm niệm theo:

“Nguyện xin hiến trọn đời mình,

Cho nguồn đạo pháp cho tình quê hương”

Ban Biên tập chúng con cũng xin đem hết lòng tôn kính cảm khái và tâm huyết:

Tình Thầy khiến con thảo

Tình đạo khiến con trung.

Chúng con ráng chép lại đúng nguyên văn của Ni trưởng, chỉ mạo muội hiệu chỉnh vài chữ do sự ghi chép bản thảo của Ni trưởng không rõ hoặc nhìn không ra nét. Ngưỡng mong Đệ nhứt Ni trưởng chứng minh và cũng kính mong tấm lòng hộ trì pháp của Ni trưởng, Ni sư cùng toàn thể Ni chúng và nam nữ Phật tử thông cảm ủng hộ trợ duyên.

Chúng con rất tiếc là không có phương tiện để sưu tập đủ hình ảnh minh họa của chuyến du hành, cũng như chưa bổ sung tư liệu từ các Ni trưởng, Ni sư, Phật tử trong cuộc du hành nầy.

Ban Biên tập chúng con ước mong sau đợt ấn tống lần II nầy, sẽ được đón nhận những tư liệu còn sót nằm rải rác trong quý Ni trưởng, Ni sư, Phật tử để tiến hành hoàn chỉnh cho kỳ in đợt III. Kính mong được sự chiếu cố của quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô và toàn thể nam nữ Phật tử; chúng con cũng không quên kính mong chư Ni trưởng, Ni sư và toàn thể liệt quý vị bỏ qua cho những gì sai sót, lỗi lầm trong ấn phẩm nầy.

Xin chân thành đa tạ.

Ban Biên tập

 

CHUYẾN DU HÀNH MIỀN TRUNG

Ngày 17 tháng 2 năm Kỷ Hợi (1959)

Xe khởi hành tại Tịnh xá Ngọc Phương lối 5 giờ sáng. Vì thức một đêm mệt nhọc, nên khi lên xe, tôi dựa đầu vào cái túi xách của sư Giác Nghĩa treo bên hông xe mà ngủ gật. Vì cái túi trúng Sư, Sư phải né và cười. Bà Hoa lay tôi dậy thì trời sáng hẳn tự bao giờ.

Từ đây tôi tỉnh mỉnh, nhìn xem cảnh vật ban mai trên đường mát mẻ. Xe chạy một mạch xuyên qua những cánh rừng um tùm của con đường Sài Gòn – Phan Thiết, đến một cảnh nên thơ, một nhịp cầu với dòng suối mát, giữa đám cây cổ thọ cao tàng, vượn chuyền cành, chim hót gió, thì Sư Nghĩa dừng xe điểm tâm. Riêng chúng tôi không ăn, đi tìm chỗ xả hơi rửa mát.

Nực cười các cô xúm bứt một mớ “cây thuốc vòi” bên dòng suối đem lên xe để chiều giã nước uống.

Sư Nghĩa thấy chúng tôi không ăn sáng thì ngại lắm, bảo “phải dè các Sư cô không ăn, trò không ghé, ghé để ăn một mình kỳ quá”.

Trên xe tất cả 19 vị Ni cô kể cả tiểu Phụng. Trong số đó chỉ có Sư cô Bạch và Sư cô Hạnh, cô Liễu có đi du hành năm ngoái và tiểu Phụng ở xứ Quy Nhơn, còn bao nhiêu chưa đi lần nào, nên ai nấy đều hăng hái đi cho biết.

Ni đoàn tất cả 21 vị, cư sĩ thì... Riêng tôi, vì lời đã hứa với thiện tín nhiều lần nên ráng đi, chớ theo tin dị đoan thì ngán lắm!

Có lẽ sự ngán ngẫm của tôi lôi thêm một sự chán chề nữa hay sao, mà khi xe đang chạy ngon trớn ngang rừng lá buôn, cách Phan Thiết 42 cây số thì xe vùng gãy nhíp. Lúc ấy ngoài 9 giờ sáng.

Bấy giờ chúng tôi lội vào rừng kiếm chỗ trải chiếu nghỉ ngơi, còn thiện tín thì xách xách bưng bưng những cơm cùng nước, chiếu và đệm để lo dọn bữa.

Một mặt sớt bát,một mặt sửa xe, cho đến lúc cơm đã độ rồi mà xe chưa sửa được, đành phải tính việc quá giang xe đò!

Trước hết phải lo vấn đề giải khát. Khát lắm rồi! Vì ăn cơm xong mà không nước uống; giữa cánh rừng hoang cây khô cỏ cháy, đất nỏng, cát gò, nắng như thiêu đốt càng lúc lại càng khát hơn.

Ông Khánh Thành thấy vậy, lấy thùng đón xe xin nước. Ông đi rồi, ai nấy bắt đầu trông trông ngóng ngóng nước về.

Chập lâu trót nữa giờ ông mới đem nước về, một thùng nhỏ, một ấm to, mấy mươi người xúm uống một hơi hết ráo.

Cậu Giác Châu đã đáp xe đi Phan Thiết mua vật liệu và kêu thợ sửa xe.

Sư Nghĩa thì chun dưới đáy xe nằm rầu!

May phước có một chiếc xe đò còn trống chỗ nhiều, thiện tín bắt xe cho chúng tôi đáp về Phan Thiết.

PHAN THIẾT

Xe vừa đến ngõ vô Tịnh xá Ngọc Thủy (Ni) thì thấy một đám tang có các Sư và các Ni Khất sĩ đi đưa. Chúng tôi đi luôn ra chợ, một lát xe đưa trở lại Tịnh xá mới hay là đám tang đó là của nhà sư Giác Huờn mới quá vãng. Chúng tôi thật tiếc vì không biết mà xuống xe đưa đi hộ.

Lát chiều, Ni chúng kéo bộ đến viếng Tịnh xá Ngọc Cát (của sư An) để hỏi thăm chuyện sư Giác Huờn.

Tịnh xá Ngọc Cát cất trên một đồi cát nho nhỏ, cao vọi mà tròi trọi, cát trắng phau phau, gió rao mát mẻ, nhưng bụi cát phủ đầy mặt mày. Đường đi vào Tịnh xá cát ngập bàn chân, bước đi lún sụn, lại leo nấc thang cao lên ngọn đồi càng thêm mỏi đôi chân.

Ngôi Tịnh xá thật là sắc tướng, sơn vẽ màu mè lộng lẫy, thờ cốt tượng tranh ảnh lung tung, giống chùa miếu chứ không phải Tịnh xá.

Thiện tín trải chiếu, đánh chuông, thỉnh Tăng, quý Sư lên 3 vị toàn là sư mới; chư Ni đảnh lễ, tôi bạch hỏi đôi điều về sư Giác Huờn rồi kiếu ra về, vì trời sắp tối.

Đường về ghé viếng chùa Tứ Phước của hội Huê Kiều, vì nơi đây trước kia quý Sư cô có ở đậu, thiện tín lại có lòng lo lắng giúp đỡ nọ kia. Quý vị trong chùa cũng ân cần mời mọc Ni chúng ở đó đặng cúng dường ngọ mai. Chúng tôi từ chối việc ở, nhưng nhận việc trai tăng, trời quá tối, thiện tín đem xe hàng đưa chúng tôi về.

Đêm nay hỏi thăm việc Đạo nơi đây thật chán chề biết mấy. Buồn cho Giáo pháp gặp tai nàn, những kẻ tách riêng hoạt động, lấy danh nghĩa Giáo hội làm việc riêng tư, phân môn rẽ phái, giết chết mối Đạo; đáng thương thay!

Cảm thương cô Kỉnh, cô Tiến ở hiu quạnh nơi cảnh Tịnh xá này. Cách chợ Phan Thiết trên hai cây số. Một vùng nghĩa địa mênh mông, chòm dừa vắng vẻ, Tịnh xá hẻo lánh làm sao? Mặc dầu có giếng nước trong, gió biển mát, nhưng nước ở vùng nghĩa địa, ngán làm sao, gió lại đưa những mùi tanh của phân cá làm cho thêm ngán nữa. Đường ra lộ cái thì cát thôi là cát, nắng lên đi phỏng cả chân, nóng cho đến đổi người ta đem hột đậu phộng còn vỏ vùi vào cát nóng ban trưa, giây lát đậu phộng chín như rang, tức thì ăn được. Cát đã lún sụn khó đi, đường lại ngoằn ngoèo hẹp lối, hai bên toàn gai xương hùm đáng ngán làm sao!

Chỗ ở nghèo cực như thế nhưng lòng tinh tấn của hai cô không nghèo. Đổi ra đây đã năm tháng đúng, trải qua sự ốm đau vất vả, mà các cô cũng vẫn cố gắng hành đạo, không lui. Đi bát đường xa mở mang giáo pháp, tinh cần giới luật, tiêu biểu gương lành, mới được ít nhiều thiện tín mến thương ủng hộ. Chứ nơi đây chồi Đạo như đã chết nhác héo khô rồi.

Chúng tôi đề nghị “Để Tịnh xá cho một bà già công quả coi chừng rước hai cô theo đoàn du hành, đi cho biết đây biết đó”. Hai cô đồng ý, thiện tín cũng vừa lòng.

Ngày 18 tháng 2 năm Kỷ Hợi (1959)

Ni đoàn hôm nay đi khất thực chợ Phan Thiết, bá tánh nơi đây cúng dường rất đông. Sau khi đi một vòng chợ, Ni đoàn ghé chùa Tứ Phước cúng dường trai tăng. Có một thiện nam đại diện Tịnh xá Ngọc Cát đọc bài Diễn từ cảm tạ và cầu chúc Giáo hội trong cuộc du hành kết quả thành công.

Chúng tôi đáp lời cảm tạ và giảng luôn ý nghĩa cúng dường. Độ cơm xong, đóng cửa chùa nghỉ ngơi, chiều mới về Tịnh xá Ngọc Thủy.

Chiều lại, thiện tín tụ hội cũng đông đông, chuyện trò thân mật, chúng tôi hỏi thăm về cuộc sống của dân ở đây thế nào? Được quý thiện tín cho biết rằng công cuộc làm ăn cũng thật dễ dãi, có nhiều nghề cũng đắp đổi được. Duy có nghề nước mắm là giàu to, vì nước mắm Phan Thiết nổi tiếng, nhưng giàu là chủ vựa kìa, chứ tay chài lưới lao công vất vả lắm.

Đêm nay quý bà ở lại Tịnh xá ngủ, để khuya lo cơm nước theo xe. Tội nghiệp, đường xa thế ấy, mà khuya lối 3 giờ quý bà đã đem cơm từ chợ đến Tịnh xá đưa lên xe.

PHAN RANG

Ngày 19 tháng 2 năm Kỷ Hợi (1959)

Sửa soạn xong xuôi, lối 5 giờ xe chạy, nhìn lại thiện tín theo đưa, Ni chúng luống bùi ngùi; những giọt nước mắt, những lời chúc cầu sao mà thắm thiết!

Xe chạy từ từ rồi chạy thẳng đường Phan Thiết- Nha Trang có nhiều cảnh lạ, những trái đồi cát xinh xinh màu vàng, màu trắng, thứ nào theo thứ nấy. Người ta bảo rằng đến mùa gió Bấc, thì đống bên này cao, đống bên kia thấp, mà sang mùa gió Nam thì đống bên này thấp, đống bên kia cao, bởi gió cát bay theo hướng, hết lại rồi qua. Nào những Tháp Chàm cổ kính, với Phan Rí Thành, Phan Rí Cửa, những tiếng nên thơ, làm cho khách vãng du bồi hồi tưởng đến nước Chiêm Thành thuở trước, đã theo đà “Thành, trụ, hoại, không”.

Đến Phan Rang đã đến giờ khất thực, Ni đoàn xuống xe ôm bát đi dọc vào thành phố một vòng, đoạn trở lại sân vận động độ cơm. Người ta xúm coi đông nghịt, có các thiện tín cũ, mới và đồng bào ở phố đến chào mừng đông đảo.

Phan Rang không có chỗ trụ nên không ở được, vả lại nơi đây chính quyền rất gắt gao với Khất sĩ, ảnh hưởng của quý Sư hành đạo không hợp pháp, bất cần chính quyền đến đổi thuyết pháp bằng máy phóng thanh, thiên hạ đến nghe cả mấy ngàn người mà không xin phép. Vì vậy họ bắt giải tán và đóng cửa Tịnh xá, chặn đứng lối đi. Cho đến khất thực họ cũng đuổi.

Trước tình thế ấy, thiện tín đều thúc thủ, mặc dầu họ rất đông đảo và tận tâm. Nghe nói nguyên do bởi các Tôn giáo khác gây ra một phần, vì cạnh tranh tôn phái.

Độ cơm xong lên xe đi liền, thiện tín bao quanh xe khóc lóc tiễn đưa, xiết bao thương cảm!

Xe chạy khỏi Ba Ngòi, có lối tẻ vào Ba Ngòi để viếng xem phong cảnh, Giác Châu chụp ảnh hằng ngày. Chúng tôi từ chối lời mời đứng chụp riêng, vì không còn thích ưa hình ảnh, ưa ngắm cảnh mà thôi.

Cảnh nơi đây đẹp đẽ làm sao, sông Ba Ngòi nước xanh trong vắt, ghẹ lội thấy hình, sóng vỗ rập rình, ghẹ đùa với sóng, xúm nhau xem ghẹ cũng thú vị rồi. Trước cảnh “Non bao nước, nước vờn non”, một khung cảnh như có tay nghề sắp đặt, gió lộng thổi những mảnh y vàng căng rộng phùng phình, nắng chang chang, mà ai nấy như không biết nắng. Viếng cảnh gần một tiếng đồng hồ mới lên xe đi Nha Trang.

NHA TRANG

Đến Nha Trang, xe chạy vòng bãi biển, chạy tới, chạy lui trình sổ, đến chừng vào Tịnh xá, đã gần khuất mặt trời chiều.

Tịnh xá nơi đây nhỏ gọn thon vót, mái thiếc, vách tre. Trong Tịnh xá cũng có tháp thờ Phật, tháp không sơn, chỉ phất giấy vàng coi là lạ. Cách bày biện nơi đây cũng hơi giống Phan Thiết, nhưng ít rườm rà hơn. Sau tháp, thay vì để hình Sư Trưởng thì người ta để hình cốt bằng đất, lóc cóc xem kỳ kỳ. Có một điều đặc biệt là hình Sư Giác Hội lại treo ngang với hình Sư Trưởng và hình Sư Trưởng chỉ máng lên cột. Đã vậy nào thôi, người ta còn máng chổi lên cây cột ấy nữa. Thật là:

“Gia phong phép tắc ai thu cả

Nầy buổi cương thường đảo ngược ru!”

Tối lại, mưa sa lác đác, thiện tín chỉ đến một ít người.

Tịnh xá thì nhỏ, lại chưa có nhà dài, chỉ vỏn vẹn ba cái cốc, nên chư Ni phải nghỉ tạm nơi nhà thiện tín gần đây.

Ngày 20 tháng 2 năm Kỷ Hợi (1959)

Sáng nay Ni đoàn đi khất thực chợ Nha Trang, nhờ xe đưa cho đi một đổi, khi đi ngang chợ, có một ông Sư áo vàng phái Nguyên thủy từ Sài Gòn ra Nha Trang viếng cảnh đón cô Thuận Ngọc hỏi thăm về Giáo phái mình.

Ở Nha Trang người ta biết cúng dường rất nhiều, đi một vòng phố, bát nào cũng đầy ăm ắp.

Sau khi độ cơm thuyết bài pháp tựa đề “Mặt đất Tây phương” xong, khoảng 3 giờ chiều chúng tôi đi viếng Tịnh xá Ngọc Trang của Sư Giác Tịnh, muốn đi đến Tịnh xá phải qua một chiếc đò. Tịnh xá nầy chỉ là một cái cốc nối thêm mái dài, với hai hàng cốc nhỏ, tất cả ẩn dưới bóng dừa mát mẻ. Cảnh tuy mát mẻ nhưng mát mẻ một cách sầm uất âm u, chớ không phải quang minh sáng sủa. Ba bên đều có mặt sông nhỏ, phía bên kia sông là mặt hậu của phố xá, nhan nhản những cầu xí nhơ trược, tiếng cãi cọ rùm beng, thành ra cảnh cũng không thanh, không tịnh gì cho lắm.

Lễ Phật xong, chúng tôi hỏi thăm Sư vài điều rồi xin kiếu ra về.

Ra về lại có xe của ông Nguyễn Văn Nầy, em của bà Hoa đưa đoàn đi viếng hòn Chồng và tháp Bà Ponagar, kỳ quan của thành phố Nha Trang.

Đêm nay thiện tín hiệp hội khá đông để nghe pháp, bài pháp tựa đề “Đường về Phật quốc”.

Ngày 21 tháng 2 năm Kỷ Hợi (1959)

Ngày nay tính đi, nhưng thiện tín cầm cọng quá, Ni đoàn nán lại. Sáng đi khất thực vòng chợ mới trở về cúng ngọ, độ cơm và thuyết thời pháp về Phước báu sự cúng dường.

Có các bà chủ hiệu Vĩnh Phát, Hoàng Mai và nữ thi sĩ Tương Phố đến nghe pháp, ra chiều luyến Ni, mộ Đạo, cầm cọng hết lời, cầm cọng đủ cách, xin lưu lại vài hôm. Nhưng sổ đã ký đi rồi, đành chỉ hứa nán lại đến trưa hôm sau sẽ đi Vạn Giả.

Liền đó, chúng tôi thuyết giảng Tam quy, Ngũ giới và phú kệ Pháp danh cho quý bà nghe.

Tối nay, bá tánh đến đông đảo quá. Có một thiện nam đến hỏi hai chữ Tu tâm. Lấy đó làm đề mục, chúng tôi thuyết một thời pháp “Tu tâm”.

Ngày 22 tháng 2 năm Kỷ Hợi (1959)

Đi khất thực, cúng dường, thuyết pháp truyền giới xong, Ni đoàn sửa soạn kiếu từ, nhưng thiện tín còn lưu luyến mãi. Bước ra một bước là họ vây mình, tính độ cơm xong đi liền, mà đến khi thoát được ra xe là hai giờ rưỡi. Thiện tín theo ra xe vây quanh đông đảo cầu chúc, vẫy tay rơi lệ, niềm lưu luyến biết tả sao cùng. Bà Tương Phố đọc một câu “thiên thu nhất biệt”và ân cần căn dặn nhớ ghé bận về…..

Hôm nay Ni Hạnh, Thành ở lại Tịnh xá Nha Trang.

Xe chạy qua đèo Rù Rì trên hai cây số, đèo Rọ Tượng…… đến Ninh Hòa mượn chùa ông Bổn để ở tạm, nhưng ông Ban không cho, đành phải lên xe đi luôn Vạn Giả.

Đến Vạn Giả lối 6 giờ chiều, mượn chùa Chiêu Ứng của Huê Kiều tạm nghỉ.

VẠN GIẢ

Ngày 23 tháng 2 năm Kỷ Hợi (1959)

Ni đoàn khất thực ở chợ Vạn Giả, người ta để bát rất đông, lại gánh cơm nước đem vào chùa cúng dường. Trưa nay thuyết pháp đề “Bà lão bán nghèo”. Tối đến thuyết pháp trên máy vi âm, có đến năm, bảy trăm người nghe về đề “Giáo pháp Khất sĩ”. Có bà Quận trưởng và bà Lục sự thăm hỏi chuyện trò.

Ngày 24 tháng 2 năm Kỷ Hợi(1959)

Hôm nay, sau khi khất thực xong, Ni đoàn đi thẳng đến chùa Tân Long cúng lễ trai tăng, thuyết pháp về “Lý nghĩa cầu an”. Cũng có bà Quận trưởng và bà Lục sự với thiện tín khá đông đảo.

Chiều tối thuyết pháp trên máy vi âm, với câu hỏi làm đề mục “Tất cả đều tu hết thì cảnh đời ra sao?”.

Tức cười hôm qua cậu Giác Châu rao trên máy phóng thanh “kêu dữ quá”, “tối nay đúng bảy giờ tại chùa Huê Kiều, có cuộc thuyết Kinh do Sư cô Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam, từ Sài Gòn trải qua các nơi hành đạo, đến đây thuyết trình. Xin mời toàn thể đồng bào Quận lỵ Vạn Ninh đến nghe thuyết pháp hầu trao sửa thân tâm trí tánh, cho đến chỗ toàn mỹ, toàn chơn.”

Chúng tôi nghe rao xiết bao lo ngại, nghĩ sao cậu quá hô hào. Nên trước khi thuyết pháp, chúng tôi khiêm nhượng bằng một câu nầy “Chúng tôi cũng còn đang tu học, chỗ nào đã hiểu thì đem ứng dụng, chỗ nào chưa thông thì xin học hỏi với chư thính giả ”. Nên sau thời pháp, có nhiều người nói “Tôi muốn hỏi Đạo, nhưng nghe nói vậy không sao hỏi được”.

Vì thế nên đêm nay chúng tôi xin thiện tín cứ hỏi chi tự tiện, miễn đừng ngoài Phật pháp, và chúng tôi cũng tùy theo sự hiểu biết cạn cợt mà đáp, câu nào chưa hiểu xin hoãn lại để về hỏi các bậc Thầy dạy. Nên đêm nay có nhiều người hỏi:

1. Niết Bàn ở đâu và Địa Ngục ở đâu?

2. Tu theo Giáo pháp Khất sĩ có phải là khổ hạnh chăng? Tu khổ hạnh có lợi ích gì?

3. Loài người do gì cấu tạo thành?

4. Thích Ca Mâu Ni là gì?

5. Nam Mô là gì?

6. Tứ Đế là gì?

7. Luân hồi là gì?

8. Làm thế nào để xác chứng là có luân hồi?

9. Làm thế nào để biết rằng: Sau khi chết con người còn phần tinh túy là linh hồn?

Trong số hỏi có thanh niên gia đình Phật tử và nghe như có người trách họ còn hăm sẽ mách với khuôn hội phạt răn, vì họ hỏi một cách háo thắng, vấn nạn.

QUI NHƠN

Ngày 25 tháng 2 năm Kỷ Hợi(1959)

Sáu giờ sáng Ni đoàn từ giả thiện tín để lên đường ,họ đã gánh cơm nước đến từ sáng sớm để dằn bát. Hôm nay, cô Thuận Ngọc ở lại để đáp xe lửa trở về Sài Gòn. Xe sắp chạy, cô Thuận Ngọc khóc ròng như mưa, cô Tùng cũng thế, khiến các Ni cô trên xe cũng khó cầm lòng, thiện tín cũng vậy. Tội nghiệp! Hồi đi, đi đông đảo, chừng về quạnh hiu, xứ lạ đường xa, xiếc bao buồn bã!

Từ Vạn Giả đến Quy Nhơn trải qua ba cái đèo, đèo Cổ Mã dài trên hai cây số; đèo Cả dài trên 11 cây số; đèo Cù Mông dài trên 7 cây số.

Qua khỏi đèo Cả có đám kèo nèo, nó quèo cả đám đều xuống hái nhổ.

Xe chạy gần đến Tuy Hòa, qua một cái cầu sắt dài hơn cấy số, trong Nam chưa thấy có cây cầu nào dài như vậy. Qua phà Ngân Sơn và một cái cầu nổi đến Phú Thạnh gần sông Cầu, thì xe ngừng lại để độ cơm.

Lên xe đi chừng 10 cây số nữa, ghé vườn dừa nghỉ mát, vì ai nấy đều mệt mỏi. Nghỉ từ 1 giờ rưỡi đến 3 giờ chiều thức dậy, Sư Giác Nghĩa lái xe trực chỉ Quy Nhơn.

Đến Quy Nhơn lối 4 giờ rưỡi ghé viếng Tịnh xá Ngọc Nhơn của Sư Giác Tịnh. Tịnh xá khá lớn ở gần lộ, cảnh cũng phong quang, nhưng có bề chật hẹp. Tịnh xá nầy thấy có phần vẹn vẻ sáng sủa hơn các Tịnh xá đã trải qua.

Viếng xong ra xe đến khuôn hội khu 2, là nơi các Ni cô ngụ tạm, lúc ấy đã hơn 5 giờ.

Khuôn hội nơi đây rất nghèo, hồi trước còn nghèo hơn nữa, nay nhờ quý Sư cô đến ở, nên thiện tín đông đảo hơn lên, mới cất thêm thảo bạc và hai chái để ở. Chỗ ở cũng khá đàng hoàng.

Có hai Ni cô Tứ và Đoan ở đây. Tối đến thiện tín tụ hội cũng đông thăm hỏi chuyện trò vui vẻ. Đang khi tụ họp có công an đến hỏi nhóm về chuyện gì, thành ra thiện tín ai về nhà nấy.

Hỏi ra mới biết tình thế nơi đây khó khăn lắm. Trước kia, các vị Tăng tách Giáo hội, có việc lôi thôi với chính quyền, nên Tịnh xá nhiều phen bị dẹp. Họ có thành kiến với Khất sĩ, cho đến đổi ở Khuôn hội nầy muôn che thêm hai cái chái cho các cô ở, cũng phải cất lén ban đêm, sáng ra, lính đến phận nộ bắt đóng tiền phạt.

Ngày 26 tháng 2 năm Kỷ Hợi(1959)

Sáng nay, Ni đoàn đi khất thực chợ Quy Nhơn, tôi vì bịnh nên nằm nhà. Trưa lại, thiện tín đến lai rai cũng bộn.

Chiều về, chúng tôi dắt nhau xuống biển dạo chơi, vì Tịnh xá gần bãi biển.

Tối đến thuyết pháp bằng máy vi âm có trên ngàn người dự thính, phần nhiều là đàn ông. Bài pháp tựa là “Giải thoát”.

Ngày 27 tháng 2 năm Kỷ Hợi(1959)

Hôm nay chúng tôi đi khất thực chợ Quy Nhơn và đi luôn lại Tịnh xá Ngọc Nhơn cúng dường, theo lời mời của bà Xuân Ký. Thuyết pháp, độ cơm, xem cảnh Tịnh xá xong, Ni chúng ra xe về chỗ trụ.

Bận về, xe chạy vòng bãi biển xem cảnh Quy Nhơn nước xanh, non xanh, trời xanh, những màu xanh dịu mắt làm sao!

Về đến Khuôn hôi, xe đậu ngoài đường, còn một khoảng đất cát phải đi bộ vào Tịnh xá. Cát bãi biển lún sụn nóng ghê. Thiện tín đem chiếu trải đường, chúng tôi xiết bao cám cảnh; Tôi chợt nhớ đến câu chuyện cổ “Gấm lót đàng, vàng phết cửa ngõ ” ngày xưa.

Đúng bảy giờ thuyết pháp như hôm qua, thiên hạ hôm nay đông hơn hôm trước. Bài pháp tựa đề “Bình đẳng”.

Lối 9 giờ tối, ông Hoằng Pháp và một nhóm hội viên ở nán lại hỏi thêm những vấn đề ông thắc mắc. Ông bảo rằng đã có hỏi nhiều người, nhưng chua thỏa mãn, nay hỏi Sư cô để được giải bày:

1. Chí thiện là thành Phật, còn chí ác làm sao? Nếu chí thiện thành Phật vĩnh viễn, mà chí ác vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì còn luân chuyển; như vậy sao chí thiện không luân chuyển mà chí ác lại luân chuyển, chẳng là không công bình?

2. Trời Phi phi tưởng sao còn luân chuyển? Đã là Phi phi tưởng, tư tưởng còn không có, thì tại sao phải đọa sa?

3. Trong Kinh Kim Cang nói Tứ Cú kệ là đoạn nào?

BỒNG SƠN

Ngày 27 tháng 2 năm Kỷ Hợi (1959)

Sáng nay lối 6 giờ rưỡi, Ni đoàn đã ra xe đi Bồng Sơn, thiện tín đưa ra xe cũng bộn. Cảm thương thiện tín nơi đây thật hết lòng, đêm khuya họ ngủ ngoài trời dưới cát, để khuya thức dậy nấu cơm dằn bát cho các Ni cô. Có các ông trong nhóm ông Hoằng Pháp cũng đến đưa và đứng sau hè Tịnh xá cho đến khi xe chạy. Cô Tứ, cô Đoan ở lại chắc buồn.

Xe vượt qua hai cái đèo, đèo Nhông dài trên 7 cây số; đèo Phủ Cả dài hai cây số. Dọc đường có những ngọn tháp Chàm kiêu hùng cổ kính, đượm nét tang thương.

Gần đến Bồng Sơn, phải qua một cầu ngang sông Lại Giang. Cầu xưa đã hư, cầu mới bắc tạm, thấp là sà mặt nước, sông rộng mênh mang, càng làm cho chiếc cầu thêm đẹp. Bóng cầu mặt nước như dán liền nhau. Xe chạy giữa cầu, nhìn qua bờ kia trong đám dừa xanh, thấy ngôi Tịnh xá Ngọc Tịnh (Ni).

Ngôi Tịnh xá rất đơn giản, chỉ là một cái cốc lá nhỏ, với hai thảo bạc dính liền, như hai cái cánh hai bên. Phía sau có hai dãy cốc dài và một cốc vuông cũng toàn bằng lá. Nhưng phong cảnh rất đẹp, nhờ con sông Lại Giang chảy ngang trước cửa. Sông rộng nước trong xanh, lặng lờ như nước sông Hương. Mé bên kia sông là dãy núi Bình Chương khá cao, rất đẹp, mặt núi bằng phẳng như dãy đồi, như tấm bình phong dựng trên mặt nước.

Đứng trong Tịnh xá nhìn ra trước mặt là sông Lại Giang, bên kia bờ sông (độ hai trăm thước)là núi Bình Chương, bên trái xa xa,thửa vườn dừa xanh, tha thướt giăng giăng.

Tịnh xá không gần nhà ai, cất giữa vườn dừa thanh vắng, trước mặt con sông cũng thanh vắng, bên kia sông dãy núi càng thanh vắng. “Cảnh thanh vắng, mười phần thanh vắng. Đường u nhàn mấy chặng u nhàn”.

Chúng tôi tức cảnh vịnh ít vần thơ cảnh Tịnh xá Bồng Sơn, huyện Bồng Sơn, Bình Định.

Bồng Sơn thiết lập Tinh đàng,

Đơn sơ vách nứa, u nhàn mái tranh.

Ẩn hình dưới bóng cây xanh,

Tàng dừa tha thướt buông mình phất phơ.

Lại Giang giòng bích phẳng lờ,

Thuyền nan đôi lá lững lờ giòng khơi.

Dừa xanh bóng ngã gương soi,

Như nàng tiên ngã tóc dài buông tơ.

Bình Chương bối cảnh xanh mơ,

Rặng bờ thoai thoải, viền bờ thiên nhiên.

Sớm chiều bóng ác nghiêng nghiêng,

Mây giăng điểm lục, nắng xuyên tô hoàng.

Bãi xa cát nhuộm tô vàng,

Sông xa cầu vắt nằm ngang đôi gành.

Bóng cầu mặt nước linh đinh,

Cầu soi mặt nước, nước in bóng cầu.

Bên nầy bến lục cát lầu,

Bên kia bến giác nhiệm mầu núi non.

Cảnh gồm đủ nét giang sơn,

Phước gồm dựng cõi Già Lam thanh kỳ.

Ở Tịnh xá nầy có Sư cô Đức, cô Châu, cô Chiêu, cô Kiệm và Tiểu Nhạn. Thiện tín thì đông đảo lắm, theo lời các Sư cô thì những người đã quy y thọ giới có đến bốn, năm trăm người, ngày thường đến lui thường trực không ngớt, ngày hội thì mấy chục vị luôn.

Nơi đây có hai Tịnh xá một Tăng, một Ni nhưng vì Tịnh xá tăng xa cách, lại không có Sư nào ở nên Ni đoàn không đi viếng được.

Ni đoàn vào đến Tịnh xá là có người chực sẵn rước trai tăng. Tôi ngỡ đám trai tăng thường, vả lại tình cờ gặp chớ mình không có hứa, trong mình lại mệt, tính để các cô đi.

Ai ngờ đó là cuộc trai tăng long trọng của lễ Thanh Minh. Xưa nay, nơi quận Hoài Nhơn có tục lệ mỗi năm đến ngày lễ Thanh Minh, xóm nào hiệp theo xóm nấy, che rạp, rước Thầy thỉnh vong về cúng. Mỗi năm theo lệ nầy, họ sát sanh heo, gà ghê lắm, nhưng từ hai năm nay có Khất sĩ thuyết pháp cho họ nghe biết tội phước, nên họ đã đổi cách cúng. Thay vì rước đồng bóng, họ rước Sư Ni cầu Kinh; thay vì sát sanh cúng tế, họ thiết lễ trai tăng và đãi đằng khách khứa bằng thực phẩm chay lạt. Có người nói “Mấy năm nay mỗi cuộc lễ Thanh Minh tại quận Hoài Nhơn nầy đỡ cả mấy ngàn mạng vật”.

Chiều nay có đoàn Phật tử Oanh vũ đến chào chúng tôi với những bài hát, chúng tôi khen tặng và kể cho các em ấy nghe một mẫu chuyện Đạo “Tướng cướp đi tu”.

Đêm lại có cuộc thả đèn dưới sông Lại Giang theo lễ Thanh Minh thường lệ. Sau khi cúng kiến xong, tối đến họ cắm đèn trên những trái dừa đã vạt đầu, vạt đuôi và chắc nước rồi, mỗi trái dừa một cây đèn. Dừa thả trôi sông, nước chảy từ từ, đèn trôi chầm chậm, muôn ngàn ánh sáng trôi khắp mặt sông. Người ta lại chèo ghe bơi xuồng, trống kèn hò hét trên sông, làm cho càng thêm huyền bí, thật là hoa mắt om tai.

Ngày 29 tháng 2 năm Kỷ Hợi(1959)

Tiếp được bài thơ của bà Như, bài thơ lục bát, thơ hay tứ đẹp, cảm tình nhiều rất cảm trọng ơn bà biết mấy:

Kính gửi Sư cô Trưởng!

Sư cô từ giả Ngọc Phương

Bóng trăng mười bảy rọi đường ra Trung,

Năm ba thiện tín đi cùng,

Mình tuy ở lại mà lòng gởi theo.

Để khi lên núi qua đèo,

Võng tâm đưa hộ, khỏi trèo mỏi chân.

Gặp khi thăm thẳm đường trần,

Xe tâm một cổ thâu gần dặm xa.

Dù khi lỡ bước chiều tà,

Chiếu tâm trải đất để mà nghỉ lưng.

Đôi khi mưa gió không chừng,

Lò tâm trong sưởi, trên dừng lều tâm.

Mắt nhìn Trung lộ xa xăm,

Kỉnh thành gởi một chữ tâm hộ Thầy.

Như Ngọc

(ngày 17/2/Âm lịch 1959)

Vừa xin được phép thuyết giảng bằng máy, đêm nay Sư cô Bạch thuyết về đề “Nhẫn nhịn”. Người ta đến nghe cũng khá đông đảo.Tịnh xá ở chợ, đường đi hẻo lánh, thế mà họ đến rất đông, phần nhiều đi bằng xe đạp, đèn xe, kèn xe khi đến, khi về tạo nên một cảnh tượng vui tai, đẹp mắt.

Ngày 30 tháng 2 năm Kỷ Hợi (1959)

Hôm nay đi khất thực ghé viếng Chi hội Phật giáo quận Hoài Nhơn. Ni đoàn đến chùa các ông tiếp rước rất trọng thể, hai hàng nam hội viên đứng hai bên chùa mặc áo dài đen một sắc, tiếp rước nghiêm trang, gióng trống,gióng chuông inh ỏi.

Lễ Phật xong, Sư cô Bạch thăm hỏi các ông và nói ít lời cảm tạ sự niềm nở của các ông đồng thời cảm tạ luôn về việc Chi hội cầu nguyện cho Sư cô trong cuộc tai nạn lúc trước.

Khi ra, có một ông đứng trước cửa, cứ mỗi vị Ni cô ra cửa là niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật và xá một xá, cứ như vậy cho đến 21 người. Đoàn đi luôn lại miễu bà Hỏa cúng trai tăng, còn Sư cô và cô Lan trở về Tịnh xá.

Lễ cúng trai tăng nầy cũng là trong lễ Thanh Minh, họ che rạp trước miễu, đặt bàn Tam Bảo trai tăng cầu siêu cho chư vong và cầu an cho bá tánh. Bài pháp hôm nay nói về “Lý nghĩa cầu siêu và cầu an”. Độ cơm xong tụng Vu Lan kệ.

Tối nay cũng như đêm qua, thuyết pháp trên máy vi âm, người nghe đông đảo. Bài pháp tựa là “Sự lợi ích của người tu Phật”.

Ngày 1 tháng 3 năm Kỷ Hợi(1959)

Hôm nay có đám trai tăng cầu siêu (tại nhà) một tín nữ quá cố. Bà nầy thuở xanh tiền đã dày công ủng hộ giáo pháp, Bà hằng ao ước được gặp Sư cô Trưởng Giáo hội Khất sĩ Ni giới, nay chúng tôi ra tới là bà đã mất được hai mươi mốt ngày.

Có một thiện nam nói với chúng tôi “Bà Như Ngọc công cán nhiều nhất với Giáo hội, từ khi Tịnh xá mới lập thành. Hằng ngày bà chỉ mong được gặp, được biết Sư cô, mà giờ nầy Sư cô ra đến đây, bà đã ra người thiên cổ, bà còn gặp Sư cô chăng họa chỉ có linh hồn”. Nghe qua chúng tôi cảm động quá.

Nay đến nhà bà cúng tuần trai tăng, ông bạn của bà mặc tang phục ra hầu lễ, lòng tôi bắt bùi ngùi, tưởng như hồn bà phảng phất đâu đây. Nhà bà hơi chật,mà Giáo hội đến đông, phải tạm che rạp ngoài sân. Bóng nắng dọi nóng thôi là nóng, nhưng nghĩ đến niềm vui của linh hồn bà, chúng tôi không còn biết nhọc! Bài pháp trưa nay thuyết về “Lý nghĩa cầu siêu”.

Ra về, chúng tôi còn đi viếng một nhà tín nữ nữa, bà Thọ Ngọc. Bà nầy trên 80 tuổi, đau nặng tưởng lìa trần, nay nghe đã khá. Hôm đau nặng, bà cứ mong cho chúng tôi ra đến để thấy mặt cho biết, rồi chết cũng vui.

Khi chúng tôi đến cửa, bà mừng quá quên cả đau, bương ra ngõ tiếp rước và khóc mùi.

Hỏi sao bà khóc?

Bà đáp “Các Sư cô từ Sài Gòn ra đây, ai nấy đi thăm Sư cô được, còn trò đau yếu không thăm được Sư cô, có lỗi đã nhiều, nay Sư cô lại đến đây thăm trò, trò chi xiết nỗi mừng, nhưng lại sợ tội”.

Chúng tôi an ủi và giảng nói lẽ Đạo cho bà nghe, độ mười lăm phút kiếu về Tịnh xá.

Đường xa đi bộ nắng chang chang, nóng đầu, nóng chân nhưng chúng tôi rất vui, vì làm vui được nhiều người. Các thiện tín nơi đây đều đi theo chúng tôi, họ rất vui mừng ca ngợi, chắc họ nghĩ “Giáo hội từ bi chẳng bỏ lòng ai, mình theo Giáo hội sẽ được đùm bọc trong tình thương, lợi ích cho linh hồn mai hậu”.

Tối nay thuyết pháp cũng nối theo đề tài hôm qua, người nghe đông quá, nhờ có lễ thế phát của cô con gái ông phó Chi hội Phật giáo Bồng Sơn. Từ trước đến nay, Giáo hội chưa có lễ thế phát nào long trọng như cuộc lễ này.

Là con của ông Hội trưởng khuôn hội (nay là phó Chi hội) Phật giáo Bồng Sơn, nhưng cô Lan quyết chí xuất gia theo Giáo pháp Khất sĩ. Từ năm trước cha cô không cho, bảo rằng “Ba còn làm Hội trưởng, mà trong hội còn nhiều người công kích Giáo pháp Khất sĩ, nếu con đi ba sẽ mang tiếng, vậy con chờ ba mãn nhiệm kỳ con sẽ đi”. Nghe đâu trước nữa, ông quyết định không cho, cô nhào xuống sông tự vận, mông muốn làm dịu lòng cô nên dắt cô vào Tịnh xá gởi gắm, chớ chưa cho xuống tóc. Nay nhơn dịp Ni đoàn ra đến, ông bà mừng rỡ xin làm lễ thế phát cho con.

Cô trước kia là một cán bộ huynh trưởng của gia đình Phật tử, nên nay trong nhóm ấy muốn tỏ lòng tri ân, lại cũng muốn làm vẻ vang cho cô, bèn bảo cô viết thơ mời bác Gia trưởng và Gia đình Phật tử đến chứng minh lễ xuất gia cho cô, chứng minh đứa con giác ngộ đã được nung đúc trong Gia đình và để diễn lại cảnh thân yêu sum hiệp trong Gia đình Phật tử lần chót, trước khi cô theo đoàn vào Nam học Đạo. Và cũng nhóm ấy xin chúng tôi viết một lá thơ mời Chi hội đến chứng minh với lý do trên mục đích dung hòa giữa hai tôn chỉ, được thế bác Gia trưởng mới có quyền đi dự lễ nầy. Chúng tôi y lời thỉnh nguyện.

Nghe như trong Chi hội nhóm nhau bàn tán vấn đề nầy sôi nổi lắm. Nhiều người bảo cô Lan về chùa Hội làm lễ, mặc dầu sáng hôm ấy, cô Lan đã về lễ Phật và trình với mấy vị trong ban Quản trị. Có một người bảo “Giáo hội chúng tôi xuyên tạc tuyên truyền…

Các vị đạo tâm đứng lên chống cải, cửa giữa là ông Phó Chi hội (thân sinh cô Lan) rất khổ tâm. Vì thế lễ thế phát tối nay ông vắng mặt, (chỉ có bà). Tuy nhiên, bác Gia trưởng cùng với một số đông thanh niên thiếu nữ gia đình vẫn cương quyết đi dự lễ thế phát, Bác Gia trưởng lại còn có nhã ý sắm cho cô Lan một cái bát và túi bát.

Thuyết pháp xong đúng 9 giờ, cô Lan lên lễ Phật và quì giữa Tháp, gia đình Phật tử mặc đồng phục quì một bên, bác Gia trưởng đứng trước, chư Ni đứng một bên, thiện nam, tín nữ bao quanh dự thính.

Trước hết cô Lan đọc trong máy bài Diễn từ ngắn, đại ý cảm tạ sự hiện diện của bác Gia trưởng với gia đình, cảm ân đức từ bi của Hội, đã nhắc nhở ân cần nung đúc rèn luyện cho cô, cô phát nguyện làm tròn sứ mạng của người xuất gia và từ giả gia đình… Cô Lan đọc một cách bình tĩnh, tiếng nói rõ ràng.

Kế đến bác Gia trưởng ban huấn từ, khuyên dặn cô trên đường học Đạo… Bác quá cảm động, giọt lệ đoanh tròng, nghẹn ngào tiếng nói.

Đến lượt chúng tôi thay mặt Giáo hội Khất sĩ Ni Giới Việt Nam đáp lời cảm tạ bác Gia trưởng với gia đình Phật tử, đã luyện rèn được người con giác ngộ trong gia đình, lại đưa đến Đạo tràng gởi gấm lên đường giải thoát. Chúng tôi đón tiếp cô Lan mà cảm tạ lòng vàng của gia đình…

Quay qua bà thí chủ thân sinh của cô Lan, chúng tôi cắt nghĩa vắn tắt thế nào là cúng dường người con cho Phật, thế nào là quyền cha mẹ sở sanh, nay tự bà cắt cho con một mí tóc chứng minh cắt đứt tình phàm, đưa con nhập vào xứ Phật…

Bà cụ chấp tay khấn nguyện trước Phật, nước mắt tuôn rơi, tay cầm kéo run run gạt lệ, cắt một nhúm tóc cho con.

Đến phiên chúng tôi nói với cô Lan, về sự noi gương Thái tử Sĩ Đạt Ta dũng mãnh ly gia, cầm gươm cắt tóc quăng lên hư không phát nguyện, chứng tỏ rằng tự mình giác ngộ phát tâm quyết định hy sinh, không phải ai xui bảo hay ai bắt buộc.

Cô Lan bình tĩnh tự nhiên cắt một nhúm tóc và lạy Phật.

Bây giờ đến lượt chúng tôi cắt tóc cho cô, trước khi cắt, chúng tôi giảng sơ rằng: “Sự cắt tóc của bà thân cô Lan, như đưa cô Lan đến bến thuyền; sự cô Lan tự cắt tóc, như cô Lan tự bước lên thuyền; sự chúng tôi cắt tóc cho cô Lan, như chúng tôi đưa tay tiếp đón cô Lan vào thuyền. Thuyền đây là thuyền Giáo hội, tượng trưng cho Bát Nhã, chúng tôi người Giải thoát, tiêu biểu người Tây phương thì cô Lan ngày nay, từ bến mê dìu qua bờ giác, có người rước vào thuyền Bát Nhã, hẹn đưa về xứ Tây phương…”

Mỗi nhát kéo vừa cắt, mỗi nhúm tóc vừa rơi, cô Lan nên quán tưởng rằng bàn tay giải thoát nào đây đã giải thoát cho cô Lan những não phiền vướng víu, những tơ tóc buộc ràng. Tóc cạo sạch, lòng trần cũng sạch, tóc cạo xong, duyên nghiệp phủi xong. Cô Lan đã bước qua thế giới khác nên quán tưởng có ánh từ quang bao phủ thân mình, mình đã hoàn toàn khác lạ…

Một lưỡi kéo nhắp, muôn ngàn cặp mắt chăm chăm. Cô Lan vẫn trang nghiêm tươi tĩnh, bên cạnh bà mẹ khóc dầm. Ni chúng hòa âm đọc bài Thuyền Trí Tuệ trên máy phóng thanh nhã ý mừng cô Lan được lên thuyền giác.

Lưỡi kéo thoăn thoắt, tiếng kinh thâm trầm, trong khung cảnh cực kỳ trang nghiêm, dưới ánh đèn măng song sáng rực.

Độ mươi lăm phút, tóc nhắp đã xong. Một cô thanh nữ đoàn trưởng xinh đẹp, trang hoàng trong bộ áo lam, quì trước chư Ni xin chứng minh trao tặng cô Lan một quả bát. Chúng tôi để tay lên quả bát chứng minh và bảo cô trao cho cô Lan. Bấy giờ cô Lan đang quì, cô thanh nữ đoàn trưởng cũng quì, mắt long lanh lệ, hai tay nâng quả bát tròn đang bọc trong chiếc túi vải, đưa tận tay cô Lan miệng nói trong máy phóng thanh “Chị trưởng thay mặt toàn thể gia đình trao tặng Lan quả bát, mỹ ý, cầu chúc Lan nắm vững Đạo lành, để xứng đáng người con của gia đình, người bạn của thanh thiếu nữ, chúc Lan sức khỏe bền công…” cô thanh nữ nói đến đây, đôi môi mấp máy, cổ họng nghẹn ngào, giọt lệ đoanh tròng ngó sửng cô Lan tha thiết!

Chúng tôi bảo cô Lan tiếp nhận tặng phẩm và đáp tạ ơn lòng.

Cô Lan hai tay tiếp nhận tặng phẩm mắt ngó xuống miệng nói trong máy phóng thanh, đại ý “Lan trọng ân Gia đình, nguyện làm tròn sư mạng giao phó cho rỡ mặt gia đình, trọng ân chị trưởng…

Vẻ người bình tĩnh, tiếng nói rõ ràng, giọng nói cương quyết, cử chỉ cô Lan đã làm cho biết bao người tắc lưỡi ngợi khen.

Kế đó bên thanh niên cũng có một vị xin phép Bác gia trưởng bước ra quì xuống, nét người quả cảm cất tiếng ôn tồn cầu chúc và nhũ dặn cô Lan đường tu kiên cố, để làm gương mẫu cho Phật tử Bồng Sơn, vì sau bước chân cô Lan sẽ còn nhiều bước chân khác, cô Lan nên nhẫn chí trên đường tìm chân lý xa xăm…

Cô Lan đáp tạ lời vị thanh niên Phật tử bằng một câu ngắn “lãnh ý và trọng ân”.

Đến đây bác Gia trưởng thay mặt Ban Trị sự chi hội Phật giáo Bồng Sơn gởi gắm cô Lan cho chúng tôi. Chúng tôi cảm nhận và ngỏ đại ý rằng, việc làm của chúng tôi cũng như việc làm của Hội, đều là phận sự độ sanh. Hội đã dìu dẫn một người trần vào trường đạo đức dạy sự học hành, còn chúng tôi tiếp nhận người lành lên đường Giải thoát, dạy điều tu tỉnh. Cả hai đều phụng sự Chánh pháp Như Lai. Đường lối tuy có khác, mục đích vẫn như nhau. Chúng tôi trọng đức ôn hòa, trọng ân vị tha của quí vị và thay lời Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam, chúng tôi nguyện hết lòng dắt dẫn cô Lan lên đường Giải thoát, học Đạo chơn như…

Lúc bấy giờ bác Gia trưởng ra lệnh cho toàn thể đọc một bài Kinh ngắn và niệm câu Nam Mô A Di Đà Phật nhiều lần. Tiếng niệm rập ràng và huyền diệu làm sao, làm cho lòng người như lên khơi, nao nao khó tả!

Cuộc lễ chấm dứt sau khi lễ Phật, ai nấy ra về, cô Lan quảy túi lên vai ra sau cạo tóc.

Đêm đã khuya, nhưng nhiều người vẫn còn nán lại để xem Sư cô cạo tóc cho cô Lan.

Ngày 2 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Ngày nay là ngày kỵ cơm ông nội của ông Khánh Thành, nên ông và bà Hoa Ngọc xin cúng dường trai tăng, chư Ni khỏi đi khất thực.

Buổi lễ trai tăng cũng đông đảo quá vì thiện tín nơi đây định dâng Tịnh xá cho Giáo hội trong ngày này.

Bà Hoa chỉ có một mình, quê người xứ lạ, mà đi chợ làm cổ linh đình, thật là giỏi quá.

Đến giờ cúng, bà đọc bài dâng lễ Trai tăng mà khóc, ông Khánh Thành cầm lòng không đậu, vì lẽ tủi buồn.

Chúng tôi rất cảm động, thuyết giảng cho ông bà và chư thiện tín nghe về việc cúng kiến quý ở tâm thành. “Người có tâm thành ở đâu cũng được chứng. Vẫn hay rằng, lâm cảnh ông bà ai khỏi tủi, có cửa có nhà, giường thờ, giường lạc, nhưng đến ngày giỗ thì đơn độc lộ đồ. Thấy xét thì tủi buồn, nhưng nghĩ kỹ ra là phước báu. Vì sao? Vì ông bà đã hy sinh cho Phật Pháp quá nhiều, mua xe cúng dường Giáo hội, cũng là một ngôi chùa lưu động đó đây. Ông lại nương theo ngôi chùa (chiếc xe) ấy săn sóc sửa sang, còn bà theo Ni chúng lo lường mọi việc, thật quý biết dường nào! ”.

Ngày nay trên đường phụng sự, ông bà bỏ phế cửa nhà, mặc dầu trong nhà chỉ có hai ông bà vỏn vẹn, thế mà phế bỏ ra đi. Cho đến lễ kỵ cơm nội tổ, một cỗ đơn sơ trên đường thiên lý! Nhưng chính đó là phước báu! Vì người quá vãng chẳng có xác thân, không cần ăn uống như chúng ta nữa, các Ngài chỉ có linh hồn, linh hồn chỉ cần nhờ phước đức. Thì hôm nay ông bà đã đem phước đức mà cúng dường cho nội tổ, phước đức ủng hộ Phật pháp chí thành, lại phước đức hy sinh hạnh phước gia đình, cho đến hy sinh lễ nghi đạo hiếu, thì thử hỏi thế gian này ai hái được quả phước như vậy? Ví bằng vong linh chưa đi nhập thế, giờ này theo lời vái nguyện của ông bà đến đây nhậm lễ, thì vong linh cũng đi theo xe Giáo hội, cũng biết xứ Trung phần, hơn nữa được nghe Kinh nghe Pháp, chú nguyện cầu siêu, thì biết bao nhiêu là quý ích. Và vong linh có lẽ vui mừng vì con cháu biết giác ngộ hy sinh, lại hy sinh cho vong linh phần nào trong ấy, thì còn gì vui mừng cho vong đã quá vãng mà còn được hy sinh. Linh hơn nữa chắc chắn vong linh sẽ vui lòng!

Chúng tôi cũng biết rằng ông Khánh Thành và bà Hoa Ngọc tâm ý đã giác ngộ, mới có được việc làm giác ngộ thế này, thì sự chúng tôi nói giảng ra đây cũng bằng thừa. Nhưng chúng tôi phải nói theo phận sự và cũng để cho trong Ni chúng và thiện tín được tỏ tường, hầu chứng nhận tấm đạo tâm hy hữu của ông bà đây vậy.

Đến đây thiện tín đọc kinh dâng Tịnh xá một cách giản tiện đơn sơ.

Chúng tôi cũng giảng sơ cho thiện tín rõ về việc lợi ích cúng dâng tứ sự cho Tăng Già, mà Đạo tràng chỗ ở là quý nhất.

Tối nay Sư cô Đức thuyết pháp về đề “Nhơn quả” chuyện tích vua Lương Võ Đế và Hy Thị phu nhân.

Sau đó, chúng tôi giải thích câu hỏi của một thiện nam:

- Bạch Sư cô chẳng hay Giáo pháp Khất sĩ khác với Tổng Hội Phật giáo Việt Nam thế nào?

Chúng tôi giải thích về Nam Tông, Bắc Tông và cho biết rằng Giáo pháp Khất sĩ không phải Nam Tông, cũng không phải Bắc Tông mà là sự dung hòa giữa hai Giáo phái…

Sau khi chấm dứt thời giảng, Ban tổ chức từ giả thiện nam, tín nữ sáng mai Giáo hội lên đường.

QUẢNG NGÃI

Ngày 3 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

07 giờ sáng sửa soạn xong xuôi, Ni đoàn ra lộ chờ xe. Thiện nam tín nữ theo đưa đông vầy, mặc dầu đoàn hẹn sẽ trở lại.

Hôm nay có thêm Sư cô Đức và cô Châu nhập đoàn, cô Chiêu, Kiệm, Lan, Nhạn ở lại vì xe chật mà cô Chiêu cũng không được khỏe.

Xe chạy đến Quảng Ngãi đã đúng giờ độ ngọ, lấn quấn kiếm chỗ giờ lâu mới mượn được ngôi Chùa của Giáo hội Tăng già. Ấy cũng nhờ các ông bà thiện tín nơi đây chạy lo sốt sắng. Xe vừa ngừng là có bà Viên chạy đến, rồi bà gọi các ông bà khác chạy đáo chạy đôi.

Nơi đây mặc dầu không Tịnh xá, nhưng cũng đã có thiện tín do Giáo hội Tăng hành đạo năm xưa.

Vào chùa lễ Phật xong, chúng tôi xin phép độ cơm ngoài thảo bạc trước chùa. Độ xong chúng tôi lễ Phật, tạ ơn Thầy trụ trì ra xe đi liền vì không chỗ ngủ.

Các ông bà thiện tín theo đưa buồn bã, có người khóc mướt, chúng tôi hẹn chuyến về sẽ trở lại, các thiện tín hãy lo chỗ nơi sẵn đi.

Xe chạy từ từ như đi không dứt, thiện tín bươn bả theo xe như dứt không đành; nhìn lại sau xe chư Ni biết bao cảm xúc!

Đường ra Hội An có nhiều dốc với một cái đèo trên ba cây số, đèo Bình Đê, cầu nổi Trà Khúc, phà Châu Ổ và cầu là cầu, cái nào cái nấy rất dài.

HỘI AN

Ngày 04 tháng 03 năm Kỷ Hợi (1959)

Đến Hội An gần 5 giờ chiều, xe vừa ngừng liền có thiện tín ra rước vào chùa Chiên Đàn của hội Minh Hương ngang đầu chợ. Hỏi ra mới biết thiện tín nơi đây hay tin Ni đoàn Giáo hội sắp ra nên mượn sẵn chùa mấy bữa trước.

Chùa khá rộng rãi, phía trước thờ Phật đơn giản, phía sau có phòng liêu đủ chứa cả Ni đoàn, chỗ ở rất thuận tiện.

Tối lại, thiện tín đến viếng chúng tôi cũng khá đông, có bà Sĩ là người đảm đương việc mời rước chúng tôi và lo lắng nơi ăn chốn nghỉ.

Thiện tín nơi đây chưa biết Giáo hội Ni lần nào, nhưng được nghe Giáo hội Tăng giới thiệu, họ rất khát khao ngưỡng mộ, nên nay mới gặp lần đầu mà họ rất mừng rỡ mến thương, như quen đâu từ thuở trước.

Đêm nay chưa xin phép, nên chưa thuyết pháp, chỉ tiếp chuyện sơ với quý bà, rồi chúng tôi ra sau ngơi nghỉ.

Sáng nay đi khất thực chợ Hội An. Phố Hội An vẫn còn giữ nét cũ kỹ của thời xưa, những mái nhà cổ, những căn phố thấp, cửa nẻo lôi thôi, đường sá nhỏ hẹp dơ bẩn… Ngần ấy thứ trình bày trước mắt chúng tôi, đời sống dân cư ngót trăm năm trước, khiến chúng tôi tưởng chừng mình cũng đang sống lại trong thế kỷ qua. Xứ này có nhiều người biết để bát, nhưng đặc biệt là bánh in.

Trưa nay Sư cô Đức thuyết pháp, chiều lại có Sư nữ chùa Bửu Thắng đến viếng chúng tôi, với một Sư nữ nữa. Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên, sao có người “giác ngộ đến quên mình như thế?

Sau nghe lại mới hay rằng bà Cửu Lý đi Sài Gòn dự lễ Khánh Thành Tịnh xá Trung ương, thấy có Ni trưởng Như Thanh và Ni chúng đi dự lễ đông đảo, khi về bà thuật lại với Sư nữ và kết luận “trong ấy Ni bộ và Khất sĩ rất hòa hiệp nhau

Chúng tôi tiếp Sư nữ với cảm tình đặc biệt, người cũng vui vẻ quá, nhưng có vài cử chỉ hơi hơi chấp mình, chứ không phải hoàn toàn như chúng tôi đã tưởng.

Câu chuyện chỉ là xả giao thăm hỏi, độ hai mươi phút hai bên kiếu từ ra về.

Tối đến chúng tôi thuyết pháp, bài pháp tựa là “Phát lòng Bồ Đề.” Sau thời pháp, đọc bài kệ “Cây Bồ Đề

BỒ ĐỀ

Khi Hoàng tử lìa ngôi quý báu,

Bước vân du tầm đạo chơn như.

Sáu năm khổ hạnh thừa dư,

Đạo mầu chưa tỏ lòng từ chẳng vơi.

Gốc cổ thọ lặng ngồi niệm tưởng,

Ánh huyền đăng tỏ xuống minh quang.

Ngưng thần nhập định tham thoàn,

Bồ Đề phủ nhánh che tàng giác chơn.

Đạo chánh giác hoằng dương tự đó,

Gốc từ bi nẩy nở ra đây.

Cửa thiền rộng mở am mây,

Sân thiền đứng vững gốc cây linh huyền.

Âu kiếp trước nhơn duyên sẵn có,

Nên kiếp này hội ngộ phải chăng?

Hột lành đã khéo ươn trồng,

Tiền căn hậu quả cân đồng dễ chinh.

Pháp Bồ Tát xương minh hoằng hóa,

Đạo Như Lai cao cả diệu thâm.

Cội lành bóng mát tà râm,

Truyền căn chánh giác roi mầm huệ chơn.

Gốc chánh giác trước sân Tịnh xá,

Tiết trung thu lễ hạ cung nghinh.

Sư Ni thiện tín kiền thành,

Cầu nguồn tịnh thủy nước lành tưới chan.

Gốc chánh giác xây tàng đâm nhánh,

Thân Bồ Đề tùy cảnh hóa duyên.

Giới lành hạnh quý ban truyền,

Chuyển nền khổ hải ra nền Lạc Bang.

Gốc chánh giác xây tàng đâm nhánh,

Tâm Bồ Đề tùy cảnh hóa duyên.

Định thiền quán tưởng tinh chuyên,

Chuyển nền Đông độ ra nền Tây phang.

Gốc chánh giác xây tàng đâm nhánh,

Trí Bồ Đề tùy cảnh hóa duyên.

Tuệ thông lý đạt siêu huyền,

Chuyển nền Đông độ ra nền Già lam.

Gốc chánh giác trước sân Tịnh xá,

Cầu pháp thiên nhành lá sum suê.

Khai minh phát huệ phá mê,

Đỡ nâng bá tánh chở che muôn loài.

Kế đó có người hỏi:

- Xin Sư cô giảng về tích bà Thanh Đề.

Một người nữa hỏi:

- Xin giải câu tục ngữ “Của Phật mất một đền mười.”

Liền đó có ba người xin quy y.

Sau khi cho quy y, chúng tôi kiếu từ chư thiện nam tín nữ, ngõ ý rằng không đủ nhơn duyên phương tiện cho chúng tôi ở đây hoằng pháp,nên từ giả quý vị sáng mai Giáo hội lên đường...

Quý thiện tín quá cầm cọng nói rằng “Dầu Chính quyền chỉ cho thuyết pháp một đêm nhưng không cấm ở, vậy Sư cứ ở lại đây đi khất thực và thuyết pháp miệng suông, cũng thiếu gì người nghe. Được thế chị em chúng tôi thỏa nguyện cúng dường, công mong mỏi mấy năm nay, mà chỉ gặp Giáo hội có hai hôm, thì ức quá.”

Chúng tôi thấy cũng tội, hẹn nán lại một hôm nữa. Khuya quá rồi các bà cứ lu bu chuyện vãn, bàn tán suýt xoa hoài.

Ngày 5 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Trong lúc chúng tôi còn đang khất thực ngoài phố, thì bên tòa Tỉnh trưởng sai người đem một tấm giấy phép có đề chữ “tối khẩn” qua chùa. Giấy ấy cho phép Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam thuyết pháp thêm bốn đêm nữa.

Mới hay rằng hôm qua cậu Giác Châu đại diện nộp đơn xin phép, tòa Tỉnh trưởng trả lời rằng “Năm xưa Giáo hội Tăng Khất sĩ đến đây thuyết pháp đốn phá Giáo hội Tăng già Phật học, năm nay nếu chúng tôi cho phép thuyết pháp nữa, thì e có sự bất hòa xảy ra trong trường Đạo đức, không nên.”

Giác Châu năn nỉ rằng “Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam có giấy phép thành lập hẳn hòi, theo tôn chỉ là Du Hành Thuyết Pháp. Từ Sài Gòn ra đây, đến đâu Ni đoàn cũng được ủng hộ, bằng chứng thuyết pháp không đốn phá ai, mới được suôn sẻ, xin Tỉnh Trưởng vui lòng…

Ông Tỉnh trưởng cho phép nhưng chỉ cho có một đêm, và bảo cứ thuyết thử một đêm sẽ hay….

Vào đêm qua người ta cũng có dọn chỗ cho ông bà Tỉnh trưởng đến dự thính, nhưng vì đến trễ và thấy người ta đông đảo quá, nên ông chỉ ở ngoài xe thôi.

Câu hỏi “Của Phật mất một đền mười”nghe như là tấm giấy của ông trao vô hỏi. Tuy ông không có mặt tại điểm đã đặt sẵn, nhưng có các nhânviên cao cấp bên tòa Tỉnh trưởng có mặt rất đông, ở mãn thời pháp. Có lẽ sự cho phép, một phần lớn là do các vị này.

Nghe được thuyết pháp thêm bốn đêm nữa, chư Ni mừng lắm, thiện tín lại càng mừng hơn, nói nói, cười cười không ngớt.

Trưa nay, sau bữa cơm, Sư cô Đức thuyết pháp đề “Sợ tội lỗi”.

Lối 3 giờ chiều, Ni đoàn đi viếng chùa Sư nữ để trả lễ hôm qua, vì người ta đã đến viếng mình. Chùa Bửu thắng nho nhỏ, cất cũng khá đẹp, cách thờ cúng khá nghiêm trang. Vào lễ Phật xong, Sư nữ mời ngồi tại Chánh điện uống nước, trò chuyện đôi câu chúng tôi xin phép ra viếng vườn bông trước sân chùa.

Vườn có nhiều thứ bông lạ, chúng tôi hỏi han, Sư nữ giải thích xem vui vẻ quá. Chúng tôi được biết thêm bông Móng Tay gọi là Kim Phượng; bông Nở Ngày gọi là Lão Lai Kiều.

Gió nơi đây rất mát vì trước chùa có sông có ao và ruộng rẫy, không khí trong lành. Viếng cảnh ước gần một giờ, chúng tôi kiếu về.

Chiều lại, phòng thông tin cho mượn thêm ống loa, cho tiếng pháp được nghe xa hơn nữa.

Đêm nay, chúng tôi thuyết về đề tài “Cây quạt phép” và giải thích những câu hỏi:

1. Ma ngũ ấm là gì?

2. Quy y Tam Bảo có lợi ích chi?

3. Phật Pháp Tăng nghĩa là gì? Ở đâu?

4. Tam đồ nghĩa làm sao? Làm thế nào thoát khỏi?

Giải thích xong gần một giờ, chư Ni lui ra sau, nhưng thiện tín vẫn còn la cà trò chuyện mãi. Nơi đây thật giàu tâm đạo cho đến họ đem chiếu, đệm ngủ với nhau dưới đất ở ngoài thềm, cả mười mấy người, đêm nào cũng vậy.

Ngày 6 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Sáng nay cũng đi khất thực như thường lệ, trưa về độ cơm xong, Sư cô Đức thuyết pháp tựa đề “Khuyến tu”.

Chiều lại, chúng tôi đang ngồi tiếp chuyện với thiện tín, cậu Giác Châu vô nói:

- Bạch Sư cô, có ông Vương Sỹ Chủ tịch thị xã Hội An chuyên tu pháp kiến tánh, muốn đến hội kiến với Sư cô. Ông trước đã từng tiếp chuyện với vị Tăng Khất sĩ, nhưng ông chưa được hài lòng, nay ông muốn hỏi Sư cô coi đắc được pháp kiến tánh chưa? Hiện ông đang ở ngoài ngõ, nhờ trò vô bạch Sư cô.

- Được cậu mời ông vô.

Ông Vương Sỹ bước vào, tôi mời ông ngồi. Ông ngồi xuống chiếu, Giác Châu cũng ngồi theo, các bà bao bọc nhìn nghe. Ni chúng vừa tôi là bốn vị.

Ông hỏi tôi trước:

- Tôi có nghe nhiều người nói và nhờ tôi hỏi Sư cô rằng “Tu như thế này chỉ làm ruộng phước cho người gieo trồng, chứ mình không pháp môn chứng đắc, như thế chưa thoát luân hồi sanh tử, thưa Sư cô có phải vậy chăng?

- Thưa ông, trồng cội phước là theo việc trồng cội phước, mà trau tâm là theo việc trau tâm. Giáo hội chúng tôi ngoài việc trồng cội phước cũng có việc trau tâm, nhưng việc trau tâm đó là phần tu tập riêng trong hội chúng.

- Tôi muốn hỏi Sư cô sở tu đó như thế nào? Pháp kiến tánh ra sao? Thế nào là đắc pháp? Xin hỏi rằng tôi hỏi đây là muốn trợ duyên chứ không phải đốn phá Sư cô. Bỡi tôi thấy biết bao vị Giảng sư đi thuyết pháp, nhưng họ chưa thuyết đúng theo pháp Phật.

- Thưa, pháp vô sở đắc, đó là kiến tánh. Đức Phật và các vị Đại Giác xưa, một khi đắc pháp rồi đều nói rằng “Pháp vô sở đắc”. Theo chúng tôi hiểu “vô sở đắc” thì tuyệt đường ngôn luận, bất khả tư nghì…

- Kiến tánh không phải ở Pháp môn bất nhị ư?Theo Sư cô Pháp môn bất nhị là như thế nào?

- Thưa, theo chúng tôi thấy trong Kinh Duy Ma Cật về phẩm “Pháp môn bất nhị” có nhiều thí dụ khác nhau nhưng rốt lại không ngoài ý nghĩa diệt trừ pháp nương sanh tương đối, là vào pháp môn không hai, như thế là “vô sở đắc”.

- Chúng sanh vì trước tướng sanh tử, nên Phật chỉ cảnh Niết Bàn, sanh tử đoạn diệt, Niết Bàn không có là vào bất nhị pháp môn.

- Theo tôi tưởng nhà hành đạo phải tỏ ngộ pháp môn bất nhị, con đường Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng Bồ Đề, khai Phật tri kiến, ngộ chơn tâm, kiến bổn tánh đồng quả vị như Phật. Khi ấy bổn thị cụ túc nhưng bất khả trầm không thủ tịch, nghi quảng học đa văn, hòa quang tiếp vật, vô ngã vô nhơn, quảng hành phương tiện, độ thoát chúng sanh, với vô lượng pháp môn, thiên bá ức hóa thân, pháp thân, báo thân mà thảy đều bất ly giả cá, tức là diệu dụng hằng sa linh sơn pháp bảo, diệu dụng tứ trí tam thân.

- Hành pháp thì ư nhất thiết pháp, bất thủ, bất xả, bất nhiễm, bất trước, dụng thời tức thiên nhứt thiết xứ, diệc bất trước nhứt thiết xứ. Đản tịnh bổn tâm, xử lục thức xuất lục môn, ư lục trần trung vô nhiễm vô tạp, lai khứ tự do thông dụng vô ngại. Như vậy pháp mới lưu thông, nếu chấp pháp thành ra pháp tướng tức phi Phật pháp.

- Thuyết pháp cũng thế, trong khi hành đạo phải là ứng dụng tùy tác, ứng ngữ tùy đáp. Phổ kiến hóa thân, bất ly tự tánh. Tức đắc tự tại thần thông du hí tam muội.

- Thưa từ xưa, chúng tôi cũng được Đức Thầy chúng tôi dạy về Pháp Giác ngộ, khai thị bổn tâm, nhưng chúng tôi cứ tưởng Pháp hành dường ấy còn pháp thuyết thì phương tiện tùy duyên theo căn cơ chúng sanh mà chỉ lần tiệm giáo, còn đốn giáo thì nhơn duyên hy hữu. Các tổ khi xưa nói chỉ một vài câu mà người liền tỏ ngộ, đó là bậc đại căn.Bởi thế, sở thuyết của chúng tôi phần nhiều pháp thấp không hay áp dụng pháp cao.

- Ông cười:

Hành đạo phải dùng ứng, hóa pháp thân diệu dụng hằng sa bất ly tự tánh, căn bản là ư tướng ly tướng, ư không ly không.

- Ư tướng ly tướng là vạn cảnh tự nhiên như: ư chư thiện ác cảnh giới tâm niệm bất sanh; ư chư nhơn thiện ác, bất thủ, bất xả, bất trước bất nhiễm.

- Ư không ly không là nội ly ư không; ư chư thiền định nhi bất tịch; ư chư phiền não nhi bất loạn, ư chư pháp vô ngại, bất trước bất nhiễm, pháp tánh không tịch, ly sanh pháp tướng, pháp tánh vô trụ, ly trụ pháp giới, nhược trụ pháp giới, tức thành pháp trược, ngũ uẩn giai không; lục trần phi hữu.

- Ư chư Thánh Hiền nhi bất tăng,

- Ư chư phàm phu nhi bất giảm,

- Ư chư phiền não nhi bất loạn,

- Bất sanh bất diệt, bất lai bất khứ, bất động diêu. Tâm đồng hư không, diệc vô hư không chi lượng, tức là vô biên tế.

- Thuyết pháp cũng thế, muốn bất ly pháp tánh thuyết, thì lấy tương đối. Như ác thì nói thiện, vô thường nói hữu thường. Khi có tương đối tức là nói biên tế, đạo thành trung đạo nghĩa. Ấy là phiền não tức Bồ Đề. Như hữu thường nói vô thường, người chưa hiểu thấy hai, mà kiến tánh thì vô nhị; vô nhị chi tánh tức vô thượng bồ đề chi đạo giả.

- Thuyết pháp lấy tương đối bất ly pháp tánh tức đưa người vào Vô thượng bồ đề, tức là khai bày Phật tri kiến, chỉ thị Phật tri kiến, tỏ ngộ Phật tri kiến, và chứng nhập Phật tri kiến. Pháp như thế mới gọi là pháp Phật, pháp chẳng phải thế tức phi Phật pháp. Chớ như những pháp cạn cợt, khác gì ngoại giáo? Thì người ta cứ nghe ngoại giáo cạn cợt cần gì nghe Phật pháp cao thâm?

Trí tôi bỗng nhiên sáng tỏ như làn gió vừa cuốn đám mây, ánh hồng nhựt tỏ bày rạng rạng.

- Thưa ông, những lời ông vừa nói, tôi đã lãnh hội được rồi.

Đang ngồi, ông vùng đứng dậy gọn gàng, vội vàng cho đến đỗi tôi quá ngạc nhiên không kịp đứng lên đưa tiễn, chỉ kịp vội nói một câu:

- Thưa ông, từ trước đến nay, tôi chưa gặp người cư sĩ nào thông suốt như ông. Những lời của ông vừa qua rất cần ích cho sự hành đạo độ sanh của tôi, tôi xin chân thành cảm tạ.

Ông đang xá Phật không đáp, lại đưa tay chỉ Phật trên bàn mà cười. Thế rồi ông chào tôi thoăn thoắt bước chân ra cửa.

Tôi xiết bao ngơ ngẩn, ngẩn ngơ, từ sự đột ngột này sang sự đột ngột khác. Định tâm, tôi mới hỏi quý bà:

- Ông ấy là ông nào vậy quý bà? Thật là một người hiểu đạo cao siêu thông thái lắm, tôi chưa từng gặp người như thế đó quý bà.

- Bạch Sư cô đó là ông bạn của bà nầy.

Thì ra bà Sỹ người chí thành hộ trợ chúng tôi hổm nay. Tôi lại càng ngạc nhiên.

- Thế à! … Ông học Đạo nhiều lắm sao bà? Lạ quá, ông thông suốt về Đạo lắm bà à. Tôi đâu có ngờ gặp được người thông thái dường ấy.

- Bạch Sư cô nhà con học Đạo lâu rồi, ngót trên chín mười năm ông phế cả việc làm, ở trọn trên gác cứ xem Kinh sách, ông nghiên cứu Kinh sách nhiều lắm, và tu thiền định cũng khá lắm. Nhưng con thì dốt kém, chỉ biết thế, chớ không hiểu chi nhiều.

Bà Sỹ năm nay tuổi ngoại ngũ tuần, và theo lời bà thì ông năm mươi tám tuổi. Ông trước kia có làm việc về đốc công họa đồ, sau này xin nghỉ để học Đạo. Và hiện làm Chủ tịch vì ông muốn nâng đỡ làng Minh Hương, bởi gốc ông người Minh Hương.

Các bà kia còn nói thêm cho chúng tôi biết rằng ông bà rất tốt, đối với dân chúng miền nầy. Ông năm xưa có lãnh phận sự Trưởng ban Giáo lý ở Tỉnh Hội Phật giáo Quảng Nam; Bà thì đảm đương vận động cất ngôi chùa Bảo Thắng và rước Sư nữ ở Huế vào trụ trì mấy năm nay, vì bà thấy phố Hội An chưa có chùa Sư nữ nên cứ ước ao và đã thực hiện được lòng mong muốn của bà rồi.

Vấn đề luận Đạo của ông Vương Sỹ trong Ni chúng cũng ngạc nhiên không ít, nhưng ngạc nhiên nhất là Giác Châu. Coi bộ cậu buồn vì giữa đám đông chúng tôi lại quá hạ mình tôn tặng người cư sĩ còn gì uy tín của Giáo hội Khất sĩ, của vị Pháp sư từ Sài Gòn trải qua các nơi hành đạo, đến đây thuyết trình.

Riêng tôi không ân hận vì lời nói tôi không phải bất cập chẳng kịp nghĩ suy, mà là lời nói tự chân tâm phát hiện. Vì sao? Vì Pháp kiến tánh không phải Đức Thầy tôi không có dạy, chỉ tại chúng tôi mê muội lãng quên. Mê muội cho đến đổi chúng tôi nghĩ Pháp ấy chỉ để riêng cho người đắc đạo, mình tu chưa đến có học càng chấp mình thêm, đến như bá tánh nhơn sanh thì còn xa lắm, làm sao hiểu thấu? Nghĩ vậy mà chúng tôi có đếm xỉa gì đến nó đâu. Chỉ lo trao dồi phương tiện in như thế pháp.

Lấy công tâm mà xét, phải nhận rằng phương tiện của chúng tôi cũng đặc sắc lắm, bằng chứng ở nhiều người tán trọng khen lao. Nhưng riêng chúng tôi không lấy đó làm thỏa mãn, bởi chúng tôi mường tượng thiếu một cái gì, cái thiếu ấy làm cho chúng tôi khó nổi trở xoay, trong khi chuyển pháp. Từ lâu, chúng tôi thật rất khổ tâm, và đã chí thành cầu nguyện ơn trên điểm hóa.

Thì hôm nay, bỗng nhiên xảy ra câu chuyện lạ lùng trong một trường hợp lạ lùng, cử chỉ của một người cũng hết sức lạ lùng đối với chúng tôi. Bởi từ xưa nay chúng tôi tiếp xúc các thiện tri thức phần nhiều là những người mến pháp, hộ pháp và xin học pháp; dầu có gặp người luận pháp, hay dạy pháp cũng là trao đổi vậy thôi, chớ có gặp ai truyền pháp trong trường hợp đặc biệt như vậy đâu. Cũng không phải chúng tôi mờ quáng, hiểu cạn tin lầm, bị lòe mắt qua cử chỉ của người lập dị. Không, chúng tôi chỉ ý thức ở pháp lý cao thâm, đó là điểm lạ lùng hơn hết.

Tôi lại nghĩ, Phật hay chư Bồ Tát đã mượn vị này đến điểm hóa tôi chăng? Hỏi lại mới hay rằng ông Vương Sĩ có ơn trên dạy Đạo, tôi mới biết mình cũng có tánh linh.

Các Sư cô và chư thiện tín không ở trong hoàn cảnh của tôi, làm sao có quan niệm ý thức như tôi. Phương chi, với tôi các vị ấy quá quý mến, nên sẵn thành kiến, đâu có như tôi nhận thấy sự thiếu kém của tôi.

Vả lại, trong cuộc “đem chuông đi đánh xứ người”, ai cũng sẵn quan niệm “không kêu cũng đánh một hồi lấy danh”, thì ai cũng chú trọng đến thanh danh của Giáo hội.

Tôi cũng vậy, nếu là trong cuộc tranh biện cùng người vấn nạn ố tu, thì dầu đuối lý tôi vẫn giữ thể thống Giáo hội, có bao giờ lại xuống nước cuối đầu. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt, không phải cuộc biện luận tranh tài. Trường hợp ấy tôi phải lấy tâm chân thật mà lãnh hội, lời chân thật xuất phát từ nơi tâm chân thật mà công nhận tạ ơn. Đó là bằng chứng của người Giác ngộ hay kiến tánh cũng nên.

Giác ngộ dõng mãnh và chân thật rõ ràng như vậy, tôi đâu còn chấp ta, mà phải đi e ngại không nói được tiếng nói Giác ngộ của quả tâm chân thật, mặc dầu giữa chốn đông người.

Ai có phiền, tôi cũng cam, miễn tôi được an ủi, từ đây cái gánh nặng oằn của Đức Thầy giao phó, chắc tôi sẽ gánh vác được rồi, không phải quá sức nặng nhọc, khiến tôi phải ngậm thở ngùi than. Nắm được pháp yếu nhiệm trong tay, từ đây tôi sẽ hiểu thế nào là chuyển nổi bánh xe pháp luân, thế nào là phương năng kiến lập vạn pháp, thế nào là vạn pháp quy chơn… Tôi sẽ không còn lầm lẫn pháp tướng và pháp tánh nữa.

Nghĩ lại khi xưa, tôi giống như người tự trang nghiêm với những món trang sức giả, mà lấy làm vui thích cho đó là ngọc chơn châu, may mắn gặp người thức giả chỉ cho thứ ngọc báu tuyệt vời, bấy giờ hỗ thẹn, thấy ra các món kia không còn giá trị gì nữa.

Tôi cảm thấy có nhiều tư tưởng mừng vui khôn xiết và trọng ân vị điểm hóa khôn lường. Nhưng chung quanh tôi chẳng ai cùng hiểu, lại chừng như có nhiều tư tưởng u buồn vương rãi đâu đây.

Tôi đành phải im lặng và im lặng mãi…

Với bao nhiêu tư tưởng bận rộn trong đầu, tối nay không làm sao thuyết pháp được, vì tự ti mặc cảm đã làm cho tôi đảo lộn quá nhiều, năn nỉ bao nhiêu Sư cô Bạch cũng không chịu nói, thôi tôi đành phải lên nói vậy.

Quả nhiên, thời pháp “Khuyến tu” hôm nay tôi nói lôi thôi quá, hết sức bực mình.

Lại có người hỏi về hai chữ “vô thỉ” câu hỏi nghe lãng quẻ, tôi giải thích cũng không hay ho gì. Sau hết có năm người quy y thọ giới.

Ngày 7 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Sáng nay cũng đi khất thực như thường lệ, trưa độ cơm xong Sư cô Bạch thuyết pháp về “con ngạ quỷ

Tối đến chúng tôi thuyết về đề “nguồn gốc Giáo lý Khất sĩ” (Nam tông, Bắc tông), sau thời pháp có nhiều người hỏi Đạo:

1. Hãy nói rõ quan niệm Phật giáo trong tâm lý của bà Hồ Xuân Hương qua bài thơ “Chế Sư

Chẳng phải Ngô mà chẳnng phải Ta

Đầu thì trọc lóc áo không tà.

Oản dân trước mặt năm ba phẩm,

Vãi chực sau lưng sáu bảy ba.

Khi cảnh, khi tiu, khi chụm chọc,

Giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha

Tu lâu có lẻ lên Sư cụ,

Ngất ngểu tòa sen nọ đó mà.

Hãy thích nghĩa từng câu trong bài thơ, và nói triết lý của tư tưởng Phật giáo trong bài này

2. Trong truyện Kiều có câu “Tu là cội phúc, tình là dây oan” là nghĩa sao? Thế nào gọi là “tu” và “tình”; thế nào gọi là “phúc” và “oan”?

3. Cử chỉ bán mình chuộc cha của Kiều có hợp với Giáo lý nhà Phật hay không? Hợp như thế nào và không như thế nào?

4. Theo thuyết luân hồi của Đạo Phật thì kiếp trước Kiều như thế nào mà hiện tại này là một gái đủ phúc, nghĩa, tiết, trung mà phải chịu mười lăm năm điên đảo?

5. Phật sống ở Tây Tạng, tin ấy có thật không? Nếu không thì sao có tin ấy? Nếu có thì đầu đuôi như thế nào?

6. Xin giải thích mười hai câu nguyện của Phật Quan Âm?

Vẫn còn nhiều tờ giấy “vấn Đạo” nhưng vì hết giờ nên chúng tôi xin nghỉ, hẹn hôm sau sẽ tiếp tục giải thêm. Cho đến có nhiều người muốn quy y mà hết giờ nên cũng không quy y được.

Ngày 8 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Sáng đi Khất thực, trưa Sư cô Bạch giảng Kinh.

Chiều 3 giờ, chúng tôi đi xem đất cất Tịnh xá, người ta dọ được ba chỗ đất, nhưng chỗ nào chúng tôi cũng chưa vừa lòng. Xem đất xong xe chạy luôn ra bãi biển Hội An. Biển nầy sạch và tốt quá, đứng trên bãi biển nhìn ra khơi phía mặt thấy hòn Yến. Một bà tín nữ giảng cho chúng tôi nghe rằng Hòn nầy có hai tấm vách đá dựng cao lên, kẹt giữa chim Yến làm tổ. Mỗi năm những tay chuyên môn tổ chức đi lấy ổ Yến, không phải mạnh ai vào đó lấy ổ, mà đã có người đấu giá đánh thuế mão hết cả Hòn, rồi chia lại bán từng phần cho các chủ khác. Cuộc làm ăn hòn Yến rất lớn lao, thuế vụ to tát lắm.

Nhìn bên trái thấy hòn Non Nước ở Đà Nẵng, những hòn nầy nhô lên mặt biển điểm thêm vẻ đẹp của biển phản ảnh trời chiều mặt biển càng xinh. Xa xa những chiếc thuyền đánh cá giong buồm trắng, chạy có hàng ngũ ra khơi, xem rất đẹp.

Ni đoàn ra biển cũng đông, thiện tín đi theo cũng không ít, sẵn dịp vui đông quý thiện tín xin phép chụp hình chung. Chúng tôi không nỡ từ chối bèn sắp đứng, sắp ngồi, sắp đi, chụp cũng nhiều kiểu. Gần tối mới ra về.

Đêm nay Sư cô Bạch thuyết pháp về đề “Xuất gia báo hiếu”, sau thời pháp chúng tôi giải thích về những câu hỏi còn đọng lại ngày hôm qua, và cũng có nhiều câu hỏi khác.

- Bạch Sư cô một người Phật tử chơn chánh đã quy y thọ giới rồi có thể thực hiện chữ từ bi của Đạo Phật ở ngoài mặt trận không? Nếu được thì kiếp luân hồi ở đâu? Vì theo thuyết của Đạo Phật thì kẻ làm ác phải mang tội, kẻ thiện được sung sướng, cũng như giết người thì mang tội. Mong Sư cô hoan hỷ giải thích giùm.

Ông Vương Sỹ viết giấy bảo bà xin giải thích mấy câu sau đây cho mọi người nghe chung, nhưng bà thấy có nhiều người hỏi quá nên bà để đêm nay mới đưa ra các câu hỏi:

1. Tam Bảo là gì?

a. Phật là gì? (Đối với Tam Thừa)

b. Pháp là gì? (Đối với Vô thượng Bồ đề)

c. Tăng là gì?

2. Quy y Tam Bảo là sao?

3. Tự Quy Y nghĩa thế nào?

4. Tại sao không quy y Bổn sư Thích Ca, lại nói tự quy y Phật?

5. Phật với Pháp là thế nào? Pháp trước Phật hay Phật trước Pháp?

6. Giới hương là gì?

7. Định hương là gì?

8. Huệ hương là gì?

9. Giải thoát là gì?

10. Giải thoát tri kiến là gì?

11. Định với Huệ có khác nhau không? Và có trước sau không?

12. Giải thoát tri kiến và khai Phật tri kiến khác nhau không? Và khác nhau chỗ nào?

13. Tâm là gì mà tánh là gì?

14. Kiến tánh là nghĩa làm sao? Làm thế nào biết được người kiến tánh?

- Đệ tử xin hỏi Sư cô:

- Đệ tử thấy trong sách Phật giáo có nói rằng “Phật là lớp nhứt, Trời là lớp nhì, chúng sanh là lớp ba, loài vật là lớp chót”. Tại sao Trời đã sinh Đức Phật mà Phật nhứt, Trời nhì xin Sư cô giải thích.

- Bạch Sư cô từ bi giải cho chúng con biết ý nghĩa việc thí thực?

- Kính chư Tăng:

- Đức Phật Thích Ca có nói: “Muốn thành chánh quả thì phải diệt dục” nhưng muốn là dục. Vậy diệt dục thì nên hiểu làm sao? Vì Đức Thích Ca không phân biệt dục phải, dục trái nhờ chư Tăng sáng suốt cho chúng tôi hiểu.

- Một học giả đã nói “Trên đời này, sự sung sướng nhứt của chúng ta là sự làm việc; nhứt là sự làm việc đó mang lại cho chúng ta những kết quả tốt đẹp”. Nhờ chư Tăng cho biết giá trị về tinh thần và vật chất câu trên ngay cho.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Kính xin

Hội An, ngày 15.4.1959

Kính bạch Sư cô, đệ tử vui mừng được nghe giảng pháp diệt trừ “Tam đồ” hôm trước.Đệ tử thành kính bạch Sư cô giảng cho pháp giải thoát “Bát nạn khổ”.

Bạch Sư xin hỏi:

- Bát nạn là những nạn khổ gì?

- Phương pháp diệt trừ “Bát nạn khổ” (Tám nạn khổ) kể đối tượng của tám nạn.

- Nếu được thuận tiện, kính bạch Sư cô xin Sư cô ghi vào giấy cho, đệ tử sẽ được lĩnh hội ngay; đệ tử cầu tiến, xin Sư cô chỉ cho pháp đối tượng trường nạn khổ để diệt nạn khổ ấy.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Câu hỏi nầy được viết trên giấy và do hai ông bà mang lại hồi sáng, người ta cho chúng tôi biết rằng đó là hai ông bà Trưởng Ty Canh Nông rất mộ Đạo và kính Tăng, mỗi đêm đều đi nghe thuyết pháp, những khi Ni đoàn đi khất thực ngang, đều được ông bà để bát cúng dường. Hôm nay, ông bà có đem thực phẩm và thuốc men đến đây dâng hộ, đang chờ chúng tôi trả lời.

Chúng tôi viết một mảnh giấy đưa ra:

Kính thưa thiện hữu!

Bát nạn theo trong kinh:

1. Địa ngục (thán đồ)

2. Ngạ quỹ (huyết đồ)

3. Súc sanh (đao đồ)

4. Trường thọ thiên

5. Bắc Cu Lư Châu

6. Đui, điếc, câm, ngọng, liệu

7. Thế trí biện chông (trí thế gian biện luận thông suốt)

8. Sanh trước Phật hay sau Phật.

Sở dĩ gọi nạn, là vì ở tám chỗ nầy không được thấy Phật, nghe Pháp; mặc dầu tám chỗ ấy cảm thọ vui khổ khác nhau.

Thưa, những lời trên chúng tôi hãy còn hoài nghi về pháp lý. Thí dụ: Ở cõi “Trường thọ thiên” (cõi trời) mà còn cho là nạn, thật cũng lạ, mặc dầu cõi ấy chưa phải cứu cánh giải thoát; chưa phải cứu cánh giải thoát chứ chưa phải là nạn nhưng theo kinh sách lưu truyền, chúng tôi không sao sửa đổi.

Thế thì về pháp đối tượng để diệt trừ tám nạn, chúng tôi tưởng phải phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ đề, gieo kết thiện duyên với Phật Pháp, để mỗi kiếp sanh thân đều được thấy Phật nghe Pháp hoặc được tỏ đạo chánh giác,đắc pháp chơn như.

Mô Phật.

Ni cô Khất sĩ HUỲNH LIÊN

Hội An, ngày mùng 8 tháng 3 Kỷ Hợi

Sau khi giải thích hết các câu hỏi đã hơn mười giờ đêm, lại còn lễ cho thọ giới, quy y và chúng tôi kiếu từ thiện tín mai sáng lên đường. Xong xuôi đứng dậy là mười một giờ hơn.

Tội nghiệp, coi bộ người ta lưu luyến quá, khuya khoắc thế nầy mà họ còn nấn ná đến mãn cuộc mà chửa muốn ra về.

Ra sau chưa kịp nghỉ ngơi, thì có một cô tín nữ pháp danh Nguyên Phát xin xuất gia, ngày mai nhập đoàn theo luôn Giáo hội. Chúng tôi phải lên chứng lễ cho cô, có thân nhân cô đến gởi gấm.

Cô thắp hương lạy Phật, các anh chị cô thay cha mẹ (cha cô đã quá vãng) đem cô cúng dường cho Phật. Một người chị lớn ra nhắp tóc cho em và nói lời gởi gấm cho Giáo hội.

Chúng tôi nhận lãnh cô Phát, trao lời cảm trọng và nói việc quí báu của sự xuất gia.

Cuộc lễ xuất gia đã xong, cô Phát ở luôn đây nghỉ và sáng sẽ đi theo đoàn.

ĐÀ NẴNG

Ngày 9 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Sáng sớm đã có rất nhiều thiện nam tín nữ đến chùa để đưa chúng tôi lên đường.

Khi chúng tôi ra xe, họ chen nhau ra cửa chùa vây quanh xe khóc lóc, những người theo ra Đà Nẵng thì họ bao một chiếc xe lớn đi theo.

Xứ này cũng ngộ, mình đến Hội An thì thiện tín Bồng Sơn cả chục người theo đưa ra Hội An. Mình đi Đà Nẵng thì thiện tín Bồng Sơn cùng tháp tùng.

Hai xe chật ních, xe vàng chở toàn áo vàng chạy trước; xe xanh chở đoàn áo trắng chạy sau, nối đuôi nhau xem rất đẹp. Người được theo đưa nói cười vui vẻ, người phải ở lại nước mắt tuôn rơi, chúng tôi thấy cảnh lao xao bùi ngùi chi xiết.

Xe đến Đà Nẵng độ tám giờ, chúng tôi xuống xe đi khất thực một vòng, mới đi ngay vào chùa Bửu Nghiêm, còn xe đã đến trước. Vừa đến cửa chùa, trong chùa gióng trống dộng chuông inh ỏi, tiếp rước Ni đoàn.

Chúng tôi vào chùa lễ Phật, chùa không lớn lắm, cách thờ phượng y như các chùa. Nơi đây chỉ có một ông già, trên 60 tuổi với một chú tiểu độ 17, 18 tuổi. Ông Thầy mời chúng tôi xuống dãy nhà dài ngơi nghỉ.

Lát trưa cúng dường độ cơm trên chùa. Độ cơm xong, chúng tôi tiếp chuyện và tạ ân vị trụ trì đã cho chúng tôi đùm đậu. Thái độ ông Thầy cũng lạ, ông đứng nói có bộ tịch “Các vị đừng ngại ngùng gì cả, cứ việc tự tiện ở đây, thuyết giảng mấy ngày cũng được. Tôi vẫn ủng hộ quý vị, cũng không phải ân nghĩa gì đó. Tôi chưa hành được như quý vị, thì tôi ủng hộ quý vị chớ sao! Quý vị là Phật thân, giới tướng trang nghiêm, làm lợi ích cho đời, còn tôi phàm thân tội lỗi sao bì được với quý vị! ”

Lại có ông thầy ở chùa Bát Nhã lại đây dọn dẹp, khuân đồ đạc tiếp với Giác Châu, tội nghiệp quá.

Xin phép thuyết pháp ở đây,chính quyền bảo rằng đằng Phật học có tổ chức thuyết pháp, nếu cho bên đây sợ mích lòng, Giác Châu nài nỉ chỉ cho một đêm.

Đêm nay chúng tôi thuyết về đề “Đời Đạo Đức”. Trước khi thuyết pháp, ông thầy gióng chuông, gióng trống om sòm. Sau thời pháp có người hỏi về “Lục độ”, chúng tôi giảng mới một độ Bố thí thì đã đúng giờ theo đơn xin (10 giờ).

Ngày 10 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Khất thực độ cơm xong, lối hai giờ Ni đoàn ra xe đi viếng hòn Non Nước. Cảnh đúng như danh từ Non Nước. Những hòn núi nhỏ liền nhau bên ven biển. Trong các hòn có những động Vân Nham, Hoa Khuê, Huyền Không, Tạng Chơn, Động Mới và vài động không tên. Các động cũng không có gì lạ, duy có động Huyền Không là có phần đặc sắc hơn. Động Huyền Không mới bước vào, chúng tôi có cảm giác kinh ngạc:

Ô hay! Đây là một cảnh thần tiên! Bốn bề vách đá rêu xanh, trên nóc có nhiều kẻ hở để lọt ánh sáng mờ ảo, mơ màng huyền diệu. Đặc biệt là có đá nhủ, nhỉ ra từng giọt nước, người ta rất tin tưởng, cho là nước Thánh, mỗi người đến hứng uống một chút, lấy làm quý báu vô vàn. Động rất lớn, như cái nhà to dung chứa trăm người chắc được. Mặt đất bằng phẳng, sườn vách trơn tru như có những bàn tay của muôn đời đục đẽo, sửa sang, làm nơi trú ẩn tu hành, nên động mới được như thế ấy.

Động Mới thì tối om om, phải có đèn soi mới thấy. Vào cửa động phải đi qua một cái nhà lá. Cũng nhờ chú tiểu trong chùa cầm đèn pin rọi chỉ những cảnh kỳ thú trong động. Nào là con Rồng, con Qui, con Dơi, con Lân, con Phụng, Đức Phật Di Lặc, Phật Quan Âm v.v… toàn là hình đá non nhiểu xuống hơi giông giống vật gì, rồi do trí tưởng tượng của con người in thêm vào đó, thành ra “có sắc, có danh”. Mà cũng ngộ, mỗi khi chú tiểu rọi đèn và tiếp theo là tiếng nói giòn giả của chú “đây là con Qui, đây là con Phụng” tức thì mình thấy rõ ràng “con Qui, con Phụng” đúng trăm phần trăm, cho hay tư tưởng con người nhạy như điển hút. Người kia tưởng, người nọ tưởng, những tư tưởng hợp hòa sau tiếng nói liên lạc…

Đặc sắc hơn hết là cái chuông. Đó là giọt đá non từ trên nóc nhểu xuống, đâu hồi thiên cổ, mới nom như một cái ống hơi của nhà máy rượu, sắc trắng, ruột bộng, nhờ đó mà gõ kêu thanh như tiếng chuông. Cái trống thì cũng bằng đá nhểu, trên sườn vách bộng, tròn, hơi dẹp, gõ vào kêu như tiếng trống khác với tiếng đá dựng ở Hà Tiên là nếu vác một cục đá to, dộng xuống nền đá có bộng, tức thì kêu ra tiếng như trống chầu.

Đến chót động, có suối nước trong mát lạnh. Đường lên hòn Non Nước, chỗ xe đậu có những cái quán chưng bày đủ thứ đồ bằng đá như tượng Phật, cối đá, lục bình đá, vòng đá, cá, chim, voi, rùa v.v… Bà Hoa, bà Huệ và cô Tùng đua nhau mua thỉnh, chúng tôi thì đi xem, đến tận chỗ người đang đục tượng Phật mà xem và hỏi thăm cách làm việc, cùng sự sinh sống. Tức cười bà Hoa Ngọc giận ông Khánh Thành sao đó, nên cuộc đi này bà đi riêng, đến khi ai nấy đi xem Động Mới, bà ở lẫn lại để mua voi. Vì tâm chứa giận, nên con voi của bà mua có vẻ buồn buồn, mặt nó như giận. Còn cũng thời voi mà con voi của cô Tùng mua coi bộ vui vui, mặt nó như cười.

Núi ở đây toàn là đá cẩm thạch, những tấm đá lót đường có màu, có vân xem rất đẹp. Xem cảnh xong xuôi, lên xe trở về, trời đã tối.

Đêm nay, mặc dầu không được thuyết pháp trên máy, chớ cũng có người ta tựu nghe đông đảo, nên Sư cô Bạch giảng tiếp tục năm độ trong đề lục độ hôm qua tôi còn bỏ dở. Người nghe cũng có trên trăm.

HUẾ

Ngày 11 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Sáng nay Ni đoàn từ giã Đà Nẵng đi ra Huế, thiện tín Bồng Sơn, Hội An, Đà Nẵng cũng đưa theo.

Con đường từ Đằ Nẵng ra Huế phải trải qua ba cái đèo:

1. Đèo Hải Vân trên 22 cây số

2. Đèo Phú Gia trên hai cây số rưỡi

3. Đèo Phước Tượng 3 cây số

Đèo Hải Vân lên xuống có giờ, khi xe đến chân đèo chưa đúng 10 giờ rưỡi nên chưa lên đèo được, phải đậu xe chờ một lúc khá lâu.

Đèo nầy cao nhất, đường lại quanh co mà hẹp, hố sâu xa thẳm, xe chạy thấy ghê ghê. Xe lên đến đỉnh đèo phải dừng lại hết, chờ có lịnh mới xuống một lượt hai bên.

Đến đây đúng ngọ, độ cơm tren đèo, Ni chúng ngồi trên xe, thiện tín mặc ai nấy xuống đất kiếm chỗ ngồi độ.

Độ xong đến giờ xe xuống đèo. Đường xuống càng ghê nữa, dốc cao, quanh gắt, ngán làm sao. Tôi cứ niệm niệm cầu Phật độ.

Xe chạy gần tới Huế, đến đám ruộng có nước có rau thì Sư Nghĩa dừng xe cho ai nấy đi rửa bát, hái rau, xả hơi xong xả mới lên xe chạy nữa.

Đến Huế, chúng tôi lại Hội Quảng Trị văn hóa ở tạm. Hội này sáng lập từ năm 1901. Hội quán rộng rãi như cái rạp hát lớn, có nhà tắm, cầu tiêu, đầy đủ tiện nghi để ở, chúng tôi giăng màn trải đệm, nằm liệt trên nền xi măng, rất vui vui.

Hôm nay xin phép không kịp, nên không thuyết pháp, Giác Châu đi mượn đằng Chi Hội Thông Thiên học lo giùm, vì năm xưa Giáo hội Tăng ra đây hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mà nhờ ở đó tổ chức cuộc thuyết pháp hoàn toàn mỹ mãn.

Ngày 12 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Sáng nay Ni đoàn đi khất thực vòng thành ngoại, nơi đây ít ai biết cúng. Về Hội Quảng Trị cũng ít ai tới, lai rai một vài người.

Có bà Sỹ Hội An hổm nay theo ra Đà Nẵng và đi luôn Huế ủng hộ dùm. Bà bảo:

- Con có người bạn, trước kia chồng bà làm tỉnh Trưởng Quảng Nam, nay đổi về làm việc nơi đây, để con nhờ người ấy ủng hộ may ra có dễ, chớ ở Huế này khó lắm. Hội An mười phần dễ hết mười, Đà Nẵng khó năm phần, còn Huế này khó cả mười phần bạch Sư cô.

Giác Châu thuật lại công cuộc khó khăn của Giáo hội Tăng ra đây trong hai năm trước ai đó rơi thơ đến chánh quyền nói rằng Giáo pháp Khất sĩ về mặt đời thì tổ chức không hợp pháp, không đủ giấy tờ cho chánh quyền thừa nhận, về mặt đạo thì tông giáo không ra tông giáo, chẳng phải Bắc tông cũng không phải Nam tông, một đạo vô thừa nhận. Thuyết pháp và kinh sách đường lối theo thuyết duy vật, vì thế chánh quyền cứ làm khó mãi. Tăng đoàn vừa mới đến nơi là đã có công an theo dõi, lát tốp này, lát tốp nọ, hỏi vầy hỏi khác bực mình, mỗi buổi sáng đều có công an làm rối.

Về mặt tôn giáo khi đến mượn chùa nầy, vừa vào ở là có sự lôi thôi phải qua chùa khác, qua chùa khác lại không ở được, cứ vác đệm chiếu chạy hoài. Sau rốt nhờ người điềm chỉ Hội Quán Quảng Trị, đến đây mượn ở mới được yên ổn. Tuy ở yên nhưng chẳng ai tới lui bao nhiêu. Thuyết pháp thì chỉ có đằng Thông Thiên Học tổ chức dùm ba đêm thế thôi. Nghe ngán ngẫm, càng thêm ngán ngẫm.

Hội Thông Thiên Học tử tế vô cùng, ông Hội Trưởng sẳn sàng giúp đỡ điều kiện ấy nhưng ông bảo phải cho dàn bài đặng ông in thiệp đi mời và ngày thứ ba (14)mới thuyết pháp được ba đêm 14, 15, 16.

Chúng tôi lo soạn dàn bài, tối đến mà chưa rồi, Giác Châu chờ chực mãi, vì có hẹn tối nay phải rồi in mới kịp.

Lối 8 giờ tối, trông hoài không thấy Giác Châu, ông Hội Trưởng phải đích thân đến tại Hội Quán Quảng Trị, ông đến mà tôi soạn cũng chưa xong, ông bảo Giác Châu vào nói “Sư cô cứ thủng thẳng soạn đi không ngại, ông còn đi đằng kia có việc cần” lát ông trở lại,chúng tôi soạn xong trao cho ông đem về quay roneo. Giác Châu bảo rằng chính ông cực nhọc thức đêm làm lấy một mình, vì Hội đơn chiếc lắm.

Ngày 13 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Sáng nay Ni đoàn khất thực đường cầu Gia Hội, đi một vòng xa, qua cầu Đông Ba trở về Hội Quán, người ta ít cúng quá. Độ cơm xong, 1 giờ rưỡi đi xem đền vua.

Ni đoàn đi xe Giáo hội, thiện tín đi xích lô, hẹn nhau trước Thành Nội để vào cửa, vì Giác Châu xin được giấy phép miễn đóng tiền vào cửa. Vô cửa Đông Nam thành ngoại, đi lần đến thành nội, qua các cửa Tam quan chạm trổ, xe dừng lại đường vô sân Điện Thái Hòa.

Điện Thái Hòa cất theo xưa, một cái nhà ngói trệt rất dài, hai đầu có hai chái. Cột thật to một ôm không giáp, cây thật tốt bóng ngời, rồng bạc rồng vàng uốn khúc. Điện này ngày xưa vua ngự làm việc với văn võ trăm quan. Giữa điện còn chiếc ngai vàng, đặt trên tam cấp chạm rồng. Sân điện tức sân chầu, có những bảng đá ghi rõ cấp bực từ cửu phẩm đến tể tướng. Ngũ phẩm sắp lên ở trên gần vua hơn, ngũ phẩm sắp xuống ở sân dưới xa vua. Trước sân chầu, hai bên có hai con thạch lân to tướng. Trước điện là cửa ngọ môn xem thật uy nghi. Tuy gọi là cửa nhưng có nhà rộng sàn cao, ba giàn cửa lớn, một bên có cái trống lớn, một bên có cái chuông to. Từ cửa ngọ môn vào sân chầu, phải đi qua cái cầu rộng bắc ngang hồ sen dài. Sen trắng lá xanh, hương bay bát ngát.

Đứng trước ngọ môn, nhìn ra thành ngoại, thấy đài Quốc kỳ cột cờ cao ngất, lẫm liệt uy nghi. Phía sau Điện Thái Hòa còn nền gạch trống, trước kia nơi đó là Điện Kiến Trung, cung vua và hoàng hậu ngự. Gần bên là nhà dạy nhạc và vũ nữ. Bên trái Điện Thái Hòa thì có Triệu miếu và Thái miếu. Triệu miếu thờ Chúa Nguyễn Kim lập đời nhà Nguyễn. Trước Triệu miếu là Thái miếu thờ chín đời vua khai sáng miền Nam. Thái miếu bị phá hồi thời đảo chánh.

Tả miếu gồm có Hưng miếu và Thế miếu. Hưng miếu thờ đức vua cha của vua Gia Long. Thế miếu thờ mười đời vua kể từ vua Gia Long, nơi đây thờ những vị đã được tôn vua.

Trước các miếu đều có những đỉnh đồng lớn và những chậu sứ to tráng men xem rất đẹp, và những hình tượng như: Quan đá, lính đá, voi đá, ngựa đá xem rất oai phuông. Có nhiều cây kiểng như tùng, thông, mai, thiên tuế trơ hình với bao thời đại. Có dãy nhà để chứa long xa, phụng tán, kiệu của vua và hoàng hậu dùng thuở xưa.

Đến Diên Thọ cung là chỗ ở của hoàng Thái hậu. Cung cất theo kiểu xưa như cái Từ đường thờ Tổ phụ. Trong cung có nhiều bàn ghế sơn son thếp vàng, cách bày trí cũng xưa lắm. Dãy bên trong có một ván giữa trải chiếu bông, bày gối dựa, có lẽ chỗ tôn nghiêm của Thái hậu ngự, trên ấy để ban truyền huấn lịnh. Hai bộ ván hai bên cũng chiếu bông, gối dựa chắc là chỗ của Hoàng hậu, Thứ hậu, Vương phi hai bên hầu nghe Hoàng Thái hậu. Dãy ngoài có ghế đẳng, lục bình to, chậu sứ lớn, tranh ảnh đồ cổ, nhiều vật bóng nhoáng, lịch mắt vô cùng. Có dãy nhà ngang, ấy là phòng đợi của khách ngoại quốc mỗi khi đến viếng Hoàng Thái hậu, đó cũng là nơi để múa hát cho Thái hậu xem. Bước ra sau là Lương Phong Đình cất trên hồ sen, muốn vào phải qua chiếc cầu ván, hai bên có hai hòn dã sơn rất đẹp. Quả đúng với tên không sai, chúng tôi bước vào đình Lương Phong thì có hây hẩy gió mát, khỏe khoắn, nhẹ nhàng.

Từ đình Lương Phong đến chùa Phước Thọ, chúng tôi trải qua dãy hậu cung thấy có hai chiếc xe kéo rất đẹp, bốn cây lọng rất xưa và những tấm khảm trải đường cho vua đi thuở trước.

Phước Thọ tự là chùa của vua lập trong cung để cho Thái hậu hành hương, ngôi chùa nho nhỏ thờ Phật trên sàn gác. Thờ Phật cũng khá nhiều, lại có nhiều bàn thờ cốt tượng ông kia bà nọ hằng hà ở phía sau buồng, hiện có một bà già cạo tóc ở chùa này trông nom hương khói.

Trở ra viếng Bảo tàng viện. Nơi đây chứa nhiều đồ cổ thật đúng với tên Bảo tàng. Đồ bằng sành, bằng đồng, bằng sừng, bằng ngà, cây trầm chạm trổ. Những gươm, những súng, những áo, những mão di tích của thời qua. Có một tấm ảnh của vua Gia Long. Vòng ra phía sau có những bảng in bằng cây khắc chữ Hán chất chồng, chất ngất, xem coi mãn nhãn rồi về.

Ngày 14 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Sáng nay Ni đoàn đi khất thực chợ Đông Ba, chiều lại lối 2 giờ đi viếng các Lăng tẩm.

Đến Lăng Khải Định trước. Lăng này xây cất trên một trái đồi cao, phải lên nhiều bực thang bằng đá. Lên một từng 36 nấc thang có sân rộng; lên từng nữa 28 nấc thang. Hai bên có hình rồng ngăn ra ba khoảng. Lên tới sân rồng, chính giữa có bia đá dựng trong nhà “lục giác”. Hai bên sân có hai cột cao ngất như hình tháp, trước sân có bốn hàng tượng đá: Quan, lính và ngựa voi.

Từng thứ ba phải lên 23 nấc thang đến sân trống. Lên thêm tam cấp, cấp nhứt 12 nấc, cấp nhì 11 nấc, cấp ba 9 nấc là tới nhà mồ, cửa trước toàn đá chạm trổ, vẽ vời những rồng là rồng.

Vào trong tối om rọi đèn thấy hình vua Khải Định bằng cốt thếp vàng xem như người sống, tượng ngồi trên tam cấp, phía dưới là mồ. Trước tượng có chưng đồ thờ và hai hộp kiếng đựng cành vàng lá ngọc, trên vách có tràng hoa đủ thứ. Nền lót toàn đá bông, cột và vách gắn toàn miếng chén, đó là đặc sắc của Đền này. Phía trong, Khải Thành Điện có cột chạm rồng miểng chén.

Hai bên có hai chái trống, chái mặt phòng vua Bảo Đại và chái bên là phòng của hoàng hậu Nam Phương.

Viếng lăng vua Minh Mạng phải qua chiếc đò ngang trên sông Hương. Đến bờ, phải đi bộ ngót năm trăm thước, đến tả Hồng Môn. Từ tả Hồng Môn đến Hiển Đức Môn (nhà dựng bia) qua một sân rộng có hai hàng tượng đá mỗi bên năm vị quan và voi ngựa bằng đá, hai bên có hai con lân đá. Lên 19 nấc thang có nhà dựng bia, từ nhà dựng bia đến nhà thờ có cầu bắc ngang, hồ sen bao vòng Lăng. Qua sân rộng có ba cấp đến Tòng Ân điện.

Từ Tòng Ân điện đến Minh Lầu lại phải qua cầu bắc ngang hồ sen. Nơi đây có ba cái cầu bắc sang Minh Lầu, hai bên có nhà Thủy Tạ dựa bờ hồ.

Từ Minh Lầu đến cửa ngoài vòng Lăng phía sau, phải qua hai cái cầu tới “Chánh Đại Quang Minh” là cửa tam quan. Cầu thứ nhứt và cửa tam quan, cầu thứ nhì đến cửa sau vòng thành Lăng ra đến rừng thông, là nơi chôn vua Minh Mạng.

Theo lời người chỉ dẫn thì sau khi chôn vua rồi lấp vì thời ấy nội cung lộn xộn, huynh đệ tranh giành ngôi thứ nên sợ quật mồ.

So sánh hai lăng Khải Định và Minh Mạng, thì một cái đẹp theo kim thời, một cái đẹp theo cổ kính. Lăng Khải Định rực rỡ hào nhoáng bên ngoài, chỉ nhờ chạm trổ vẽ vời mà đẹp, chứ không có phong cảnh. Còn lăng Minh Mạng có cảnh thiên nhiên hợp với bàn tay nhân tạo vẽ nên nét đẹp u nhàn. Lối kiến trúc lại theo xưa, thuần túy Việt Nam, hòa với cảnh sắc, thiên nhiên càng tăng phần cổ kính.

Người ta bảo rằng đi trên máy bay nhìn xuống thấy lăng Minh Mạng, một bên có chữ Minh, một bên có chữ Mạng xem rất đẹp. Có lẽ đúng, bởi hai bên lăng có đào hai cái ao sen to hình như hai trái cật ốp vào nhau. Ao lại uốn khúc gio gốc như hình rồng lượn. Bờ ao cao lên như quả đồi, trên ấy trồng cây cổ thụ, tàng cao bóng mát, cảnh nầy thật cảnh nên thơ.

Bận về trời sắp tối mà đò chậm đưa, bực quá. Ngồi bên nầy sông, nhìn chiếc xe bên kia sông, chẳng biết làm sao phi đằng. Tối nay, bắt đầu thuyết pháp mà chừng nầy còn ngồi đây. Đò vừa qua là toàn bộ hành khách họ ào xuống đầy rồi, mình khỏi đi, đành chờ chuyến khác. Mỗi chuyến có hơn nữa giờ. Đến khi qua đò mới hay chủ đò tử tế, mình đi đông quá mà họ chẳng ăn tiền.

Sáu giờ rưỡi Ni chúng đã sửa soạn ra xe đi thuyết và nghe pháp. Từ Hội quán Quảng Trị (cầu Gia Hội) qua Chi Hội Thông Thiên Học (Đập Đá) ước ba bốn cây số.

Người ta đi nghe pháp bằng xe hơi, xe máy,xe xích lô, hằng hà. Đến nơi, ông Hội trưởng cầm đèn ra tận lộ thỉnh chúng tôi vào hội quán.

Đây chỉ là một cái nhà có thờ Phật với một cái nhà giảng kế bên. Chúng tôi vào lễ Phật, ông Hội trưởng quì xuống hầu chuông một cách cung kính. Ni chúng lễ xong, ông xá thỉnh ngồi nghỉ ở phòng khách, để chờ thính giả vào phòng giảng trước, cho có quy tắc trang nghiêm.

Độ mười lăm phút sau, ông đến thỉnh chúng tôi xuống phòng giảng, cử chỉ của ông thật là kính cẩn vô cùng. Bà hội trưởng cũng dịu dàng đáo để, bà bưng nước ra hộ chúng tôi.

Xuống đến phòng giảng, bước lên sạp ngồi, các thính giả đều đứng dậy chào chúng tôi, đến khi chúng tôi ngồi, họ mới ngồi xuống. Chúng tôi ngồi vòng bán nguyệt. Trước mặt có một bình bông, một bên ly nước, một bên chiếc đồng hồ.

Trước khi thuyết pháp, ông Hội trưởng giới thiệu Giáo hội Khất sĩ Ni giới trên máy phóng thanh, lời giới thiệu rất dài cho biết rằng Giáo hội đã thành lập chánh thức, cho biết thế nào là Nam tông, Bắc tông, đường lối Khất sĩ… Ông ca ngợi Giáo hội Khất sĩ rất nhiều. Thời pháp hôm nay tựa là “Bình Đẳng”.

Coi bộ không ai hỏi Đạo, vì thời pháp thuyết cũng khá dài,. Xong xuôi, chúng tôi đứng dậy kiếu từ, lên lễ Phật và ra xe về. Lúc ra đường, cảnh thật nhộn nhịp, đường hẹp, đèn không sáng lắm, người ta lại chen chúc lẫn nhau, in như đám hát. Ra khỏi lộ con đến lộ cái, thì nào là xe máy, xe lôi, xe hơi lớn nhỏ, chen nhau chật đường, tiếng người kiếm xe, lên xe, gọi nhau ồn ào trong không gian. Những người đi bộ thì lặng lẽ, từng chòm đi trước ra về.

Chúng tôi ra xe cũng có các bà bu quanh xe.

Xe chạy, chúng tôi thấy rõ bên đường khuya vắng, những người đi nghe thuyết pháp ban nãy họ đã về đến đây rồi, có tốp đi chân, có tốp đi xe đạp. Phần nhiều là đàn ông, họ mặc áo dài tươm tất, thấy cảnh đó chúng tôi bắt ngậm ngùi.

Thời nay người ta đông đảo mộ Đạo nhiệt thành dường ấy mà kẻ cung phụng pháp lý như chúng tôi lại quá ít ỏi, lại quá kém thiếu, nghĩ đến luống ngẩn ngơ lòng.

Ngày 15 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Sáng nay, Ni chúng phân tốp đọc giới bổn tại Hội Quảng Trị. Đọc xong, cạo tóc,tắm rửa và lo cúng dường. Cúng dường xong chúng tôi thuyết giảng về “Phước đức cúng dường” cho những người thí chủ mới được nghe.

Tối lại, lối 7 giờ, chúng tôi cũng đi thuyết pháp như hôm qua. Đến chỗ ông Hội trưởng cũng rước vào, cũng hầu chuông cho chúng tôi lễ Phật, xong ông cũng thỉnh ngồi ở phòng khách như hôm qua. Đêm nay thuyết về đề “Giải thoát”. Thuyết xong có một vị thanh niên ra hỏi:

- Nghe Sư cô giảng hôm qua có đề cập đến định mạng, chẳng hay Phật giáo có đề cập đến định mạng hay sao?

- Tôi đáp:

- Thưa ông, có lẽ vì ông nghe chưa được rõ, chớ chúng tôi nghĩ hôm qua chúng tôi nói về đề nhơn quả, số phần sướng khổ của mỗi người, đều do mỗi người tự chiêu cái nhơn, tự cảm cái quả, có phải chăng là mỗi người tự làm một đấng tối linh để định đoạt vận mạng của mình, chớ không phải là một đấng nào khác chủ trương…

- Thưa ông, thế thì tiếng định mạng của chúng tôi dùng hôm qua có nghĩa khác biệt với định mạng thế thường người ta hằng dùng.

Nhiều người xầm xì, làm cho thanh niên ấy rút mất. Xong chúng tôi cũng ra về như hôm qua. Ngoài đường hôm nay lại đông hơn hôm qua nữa.

Ngày 16 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Sáng nay Ni chúng đi khất thực xong, trở về cúng dường như hằng lệ. Chúng tôi thuyết giảng một vài điều cho thiện tín nghe. Độ cơm xong một lát, có một thiện nam lớn tuổi từ bên Đập Đá, chỗ thuyết pháp hai đêm rồi, qua viếng chúng tôi.Ông có hộ tiền thuốc và bộ ông mộ Đạo lắm, ông bảo rằng “Quy y đâu thì tôi chưa quy, nhưng thuyết pháp đâu thì tôi ưa đi nghe lắm, nghe cho rõ cạn sâu”.

Hồi hôm nầy Sư cô thuyết khác hơn đêm trước nhiều, lý luận chặt chẽ hơn, mạch lạc liên tiếp hơn, thấy nó cũng khác hơn, cho đến có người bảo rằng hai người thuyết hai đêm chứ không phải một người. Buồn cười quá chính tôi ngồi trong thấy cũng Sư cô hôm trước chớ ai. Thì ra, chiều hôm qua nhờ bà Hoa cho chúng tôi uống nước chanh lùi, nên tiếng thanh lại, chớ hôm đầu vì ho khan mất cả tiếng, lạc cả giọng, thuyết một cách mệt nhọc. Còn lý luận thì đêm nào cũng như đêm nấy, có hay ho gì đó mà họ phân tách lôi thôi.

Tối nay đêm chót, chúng tôi cũng đi thuyết pháp như hai hôm trước.

Trời mưa lác đác,thế mà họ đi đông hơn hai hôm trước vì người ở xa hôm nay mới hay biết mà đi nghe.

Đêm nay cũng như hai đêm qua, ông Hội trưởng tiếp rước chúng tôi rất cung kính và cũng giới thiệu, trước khi thuyết pháp trên máy phóng thanh. Bài pháp hôm nay thuộc đề “Giác Ngộ”. Thuyết pháp xong, có nhiều câu hỏi:

1. Tại sao Khất sĩ không dùng sữa?

2. Tô Lạc đề hồ xưa kia Phật dùng là chất sữa chứ gì?

3. Tại sao Thái tử chưa thành Phật, mà mỗi bước đi lại nở hoa sen?

Giải thích xong những câu hỏi đã trên 10 giờ, chúng tôi từ giã thiện tín ra về. Ông Hội trưởng Thông Thiên Học lại giới thiệu chỗ ở của chúng tôi (Hội Quảng Trị) cho những ai muốn hỏi han thăm viếng thì đến đó…

Ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Hôm nay, sau khi Ni đoàn đi khất thực xong, có nhiều người theo vào chỗ ngụ thăm hỏi và xem cách thức cúng dường. Ở đây cũng ngộ, hổm nay ngày nào cũng có người mời cúng dường tại chỗ. Và bữa nào trước khi độ cơm cũng có thuyết pháp ngăn ngắn.

Chiều lối hai giờ Ni đoàn đi viếng chùa Linh Mụ (Thiên Mụ), có hai bà tín nữ nơi đây dẫn đường.

Chùa cất trên quả đồi ngó ra mặt sông Hương, bên kia sông là núi xanh ngăn ngắt, soi bóng trên dòng sông lờ đờ, gió thổi lao rao mát mẻ.

Trước sân chùa có cái Tháp bảy từng cao vót, hai bên có hai cái nhà nhỏ, nhà bên mặt trong có con Quy, bằng đá cẩm thạch trắng rất lớn ước độ 1m 20 bề ngang và 1m50 bề dài. Trên lưng con Quy có dựng tấm bia to cũng bằng đá cẩm thạch khắc chữ hán. Nhà bên trái có treo cái chuông khổng lồ, ước chừng úp 7, 8 người cũng được.

Từng trong có ba cửa, mỗi hai bên cửa đều có tạc hình ông râu to lớn chỉnh ghê, tất cả sáu ông giữ ba cửa.

Gần đó lại có hai dãy nhà trong,tạc hình là hình, hình nào hình nấy lớn to phát sợ. Qua một sân rộng trồng nhiều thứ kiểng hoa, đến chánh điện. Trong chánh điện cũng thờ tượng Phật hằng hà.

Trong chùa chỉ có một chú tiểu tiếp khách còn Hòa thượng đi vắng. Chùa nầy vừa được Chánh phủ cấp cho hai triệu bạc để sửa sang, nhưng không thấy có gì đặc sắc duy có một cái chuông là đáng kể, còn bao nhiêu cũng như các ngôi chùa khác ở miền Nam. Sau chùa có điện thờ Phật Quan Âm và cây trái nhiều thứ.

Từ chùa ra xe đi viếng lăng vua Tự Đức. Đường xe chạy đến cửa hữu môn vô cửa, lên 14 nấc thang qua sân đến cấp khác 15 nấc, tới Khiêm cung môn, trước có Vũ Khiêm Tạ là cầu trước hồ sen. Muốn đến Sung Khiêm Tạ có hòn Dã Sơn khá lớn mọc trên hồ sen to. Hòn Dã Sơn nầy không phải thon lỏn như bao nhiêu hòn khác, nó có nhánh nhóc mỹ thuật dáng duyên, do những trí giả khéo tay nghề tạo tác. Đường qua hòn non là một cây cầu ván uốn khúc quanh co.

Bên trên, cấp thứ nhì qua sân rộng là Hóa Khiêm điện thờ đức vua trong đó có cả áng thơ nữa. Đi khỏi điện nầy, qua sân rộng đến Lương Khiêm điện thờ đức Từ Dũ là mẹ ngài Tự Đức. Trước sân có cây Lê Thanh Nhã, những trái Lê Thanh Kiều, trước gió thảnh thơi.

Phía trái Lương Khiêm điện là Minh Khiêm Trường nhà để vũ cho hoàng thái hậu xem.

Lăng vua Tự Đức có lạ hơn các lăng đã xem qua là bên nền mộ vua có mộ của hoàng hậu.

Phải trở ra cửa đi vòng theo phía trái dọc theo hồ sen dài uốn khúc đến một cảnh rộng rãi trang nghiêm thăm thẳm. Bước lên tám nấc thang rồi mười nấc, kế đến năm nấc nữa đến chỗ dựng bia, hai bên có hai tháp cao.

Qua một cái sân đến hồ bán nguyệt, vòng qua hồ và phải lên hai từng thang tám và năm nấc là tới mộ. Mộ xây trên nền trống có vòng thành rào cửa khóa hẳn hòi, không vô xem được, chỉ đứng ngoài dòm vào, không thấy có gì hoa mỹ. Vòng qua mé trái, cách hồ sen ranh, đến một ngôi riêng biệt, đây là nền mộ hoàng hậu, cũng như nền mộ của vua nhưng hơi nhỏ hơn. Cứ đó đi vòng theo phía mặt, dọc theo hồ sen dài uốn khúc xa cỡ trăm thước đến một ngôi riêng biệt là lăng ngài Phúc Kiến, con vua Tự Đức. Lên hai nấc thang là đến điện thờ, bên trái là vuông mộ trong một vòng tường có cửa đóng kín.

Phong cảnh nơi đây thanh tao, nhàn nhã phải chỗ yên giấc ngàn thu của một nhà vua có tâm hồn thi sĩ. Những là đình tạ, hồ ao, dã sơn, cổ thụ, bàn tay nhơn tạo điểm vào cảnh vật thiên nhiên ra một cảnh phong quang kỳ thú. Đến đây nhớ đến những vần thơ tao nhã của vua, đến Tao đàn nhị thập bát tú của vua sáng lập. Phải chăng từ lâu hương linh vua cùng quần thần đã cùng nhau thơ thẩn chốn nầy ngâm thơ vịnh nguyệt.

Viếng cảnh nơi đây đến mặt trời lặn mới ra về.

Tối lại có ít thiện nam, tín nữ đến thăm hỏi chuyện trò. Ông thiện nam ở Đập Đá đến hôm qua đó, hôm nay đến hỏi chúng tôi rằng:

- Sư cô nói pháp ba đêm nhiều người mộ lắm, nhứt là mấy vị đã có tu hành,mới hiểu qua pháp lý cao siêu. Nơi đây có ông Siêu cư sĩ tu theo Tịnh độ pháp môn là người phát tâm Bồ Tát, tu hạnh Bồ Tát năng làm công đức giúp đỡ nhơn sanh, lớn lao vô kể. Ông ấy ba đêm nay có đi nghe pháp và kính quý Sư cô lắm. Trưa nay ông, tôi và ít vị nữa đến viếng Sư cô để bàn luận Đạo lý, nhưng Sư cô đi vắng. Mai nầy lối ba giờ ổng sẽ đến đây.

Ngày 18 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Chiều nay, lối ba giờ ông thiện nam hôm qua, dắt một ông khác nữa đến viếng chúng tôi. Ông giới thiệu:

- Đây là ông Siêu

Chúng tôi chào và mời ngồi xuống tiếp chuyện, ông Siêu năm nay trạc lục tuần, vóc người cao ốm, mặt hơi dài, răng rụng nhiều, nhưng khí sắc còn mạnh mẽ. Ông đã cạo tóc mà còn mặc quần trắng, áo dài vải đen, xem cũng là lạ. Ông giống người khách trú thì phải. Đến khi ông nói chuyện thì lại giống khách trú hơn, ông nói giọng Huế trọ trẹ, lại nói mau líu lưỡi khó nghe.

Qua vài câu xả giao nghiêm cẩn, ông hỏi:

- Bạch Sư cô, nếu muốn được tri kiến của Phật phải làm sao?

- Thưa ông, muốn được Phật tri kiến phải ở trong chỗ của Phật ở, làm việc của Phật làm, nói lời của Phật nói, thì sẽ được tri kiến như tri kiến Phật. Cũng như trên đường núi có những đèo ải hầm hố một người đi trước đã nhờ đi đó mà được những sở tri, sở kiến gì, thì những người đi sau, cũng nhờ ,mắt thấy tai nghe, chân bước trên đường ấy mà được những sở tri, sở kiến như người trước. Chúng ta muốn được tri kiến như Phật, phải đi trên con đường của Phật. Đường của Phật là đường Giác Ngộ, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, Đạo của Phật đã tròn nên chữ giác đã tròn. Chữ giác ấy là tri kiến Phật.

- Theo Kinh Pháp Hoa thì Phật vì một nhơn duyên khai thị cho chúng sanh mà ra đời. Đức Phật đã đem mình chứng nghiệm Đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác và dìu dắt chúng sanh vào Đạo Vô Thượng. Nếu chúng sanh theo đường của Phật mà đi, và tiếp nối bổn nguyện của Phật mà dắt người vào đường ấy, tức là tỏ được tri kiến của Phật.

- Bạch, đường lối của Phật, Lão và Khổng có giống nhau không?

- Thưa, theo chúng tôi hiểu, chẳng biết có đúng không, Pháp Phật là siêu việt hơn cả. Lão và Khổng cũng không phải thấp gì,nhưng sở dĩ gọi pháp Phật siêu việt hơn là vì giáo lý Phật có chứa gồm giáo lý của Lão, Khổng trong ấy. Thí dụ như Thuyết Hư Vô của Lão, bên Đạo Phật vẫn có, tức là “Không Pháp”. Thuyết Trung Dung của Khổng, bên Đạo Phật vẫn có, tức là “Trung Đạo”. Như vậy, chúng tôi tưởng, giáo lý của Phật bao trùm hết, trong cái bao trùm ấy có tất cả những cái khác, không thiếu sót thứ gì.

- Bạch quý Sư cô hành pháp tinh chuyên nhiều năm kinh nghiệm, trong đường tu có thấy pháp nào thuận tiện lợi ích hơn hết?

- Thưa, tám vạn bốn ngàn pháp môn đều quý báu lợi ích đối với nhơn sanh, nhưng trong ấy có pháp kiến tánh là rốt ráo chóng mau hơn hết. Nhưng kiến tánh không phải tiệm giáo nên nó không có hình thức bài bản học hành. Nó là đốn giáo, mà đốn giáo là tùy duyên, phăng theo chỗ trói buộc mà cởi mở cho người, giải hết triền phược bỏ vọng về chơn tức thì kiến tánh.

- Bạch niệm Phật, tham thiền, quán tưởng, trì giới có phải cùng đi đến kiến tánh không?

- Tham thiền cốt để định tâm (nhập định) niệm Phật, quán tưởng trì giới cũng vậy. Định tâm là đi lần đến kiến tánh, chớ chưa phải kiến tánh. Thí dụ như mặt kính đóng bụi lâu ngày, bây giờ phải lau rửa, lau rửa nhiều lần, bụi được sạch, soi vào kính, thấy được hình. Mặt kính đóng bụi ấy là tâm vương trần lụy, lau rửa ấy là niệm Phật tham thiền, quán tưởng trì giới, soi thấy hình ấy là định tâm. Định tâm sẽ lần đến kiến tánh. Nhưng đó là tiệm giáo, chứ đốn giáo thì tâm vốn không có tướng: Nó là huyễn hóa là hư không. Đã là huyễn hóa hư không thì có gì vương bụi? Không vương bụi, có gì lau rửa? Bản thể chơn như nhứt thừa thật tướng, không nhơ, không sạch, không giảm, không tăng, không dư, không thiếu, thì có gì là kiếng, có gì là hình, có gì là soi, có gì là thấy. Ngộ pháp kiến tánh là chỗ nầy.

- Bạch, kiến tánh có còn niệm Phật, tham thiền nữa hay chăng?

- Niệm Phật không chấp biết rằng mình có niệm Phật, ấy lối niệm Phật của người kiến tánh, tham thiền không chấp biết rằng mình có tham thiền, ấy lối tham thiền của người kiến tánh. Vậy có thể bảo rằng người kiến tánh có niệm Phật, tham thiền, nhưng cũng như không tham thiền niệm Phật.

- Bạch pháp môn bất nhị cái có cũng không, cái không cũng không, diệt sở chấp hai bên để tỏ đường trung đạo, có phải vậy chăng?

- Thưa, đường trung đạo theo ông nói là dung hòa giữa cái có và cái không, chưa phải là diệt sở chấp hai bên theo pháp môn bất nhị. Theo chúng tôi thấy trong Kinh Viên Giác có đoạn nầy “Bồ Tát và chúng sinh đời mạt thế phải ly cảnh huyễn, ly tâm huyễn, cho đến cái ly cũng phải ly, mới là hết huyễn”.

- Thưa ông nghĩ, ly cho đến cái ly cũng phải ly, như thế thì pháp môn bất nhị, ly hẳn hai sở chấp hai bên chớ không phải dung hòa.

- Bạch Sư cô, chúng tôi theo tông Tịnh Độ không theo thiền, cũng như không thể tu theo quý Sư cô được. Vậy chẳng hay, sự tu của chúng tôi sau nầy có kết quả gì chăng?

- Thưa, Đức Thầy của chúng tôi có dạy, Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn, chúng ta tu theo pháp môn nào cũng lợi ích, miễn là tu rốt ráo, thì pháp môn nào cũng có kết quả. Ví như tu thiền, cho đúng mức thiền, thì tham thiền để được tịnh tâm lần qua kiến tánh. Tu tịnh cho đúng mức tịnh, thì tịnh lòng niệm Phật thấy Phật A Di Đà từ trong tự tánh chứ không xa.

Lại cũng chẳng phải chỉ thấy tự tánh của mình là A Di Đà mà phải quán xem tất cả đều có A Di Đà tự tánh. Từ người Đạo, người đời, người hiền, người dữ, cho đến tất cả các loài bò, bay, máy cựa, đều có tự tánh A Di Đà, mỗi khi cứu ai, giúp đỡ ai dầu một kẻ nào, ta tự xem là phụng sự chúng sanh hay cúng dường chư Phật. Bao giờ Phật sự viên mãn thì Phật quả viên thành chớ gì!

Hay thay! Lời pháp quý báu như ngọc ma ni, Đức Thầy đã dạy rất đúng. Trong Long Thơ Tịnh Độ cũng dạy như vậy, dầu người thiện, người ác, người tốt, người xấu cũng là Phật đó là nói về bề sâu, nghĩa là mình không dám khinh ai, không dám chê ai. Tất cả đều có tự tánh của Phật, chẳng qua các vị ấy chưa hiển lộ được cái tự tánh, và rồi cũng có ngày hiển lộ được vậy.

Hai lớp ấy khác nhau là ở mê cùng ngộ, vọng cùng chơn, mê để rồi ngộ, vọng gốc là chơn. Vậy pháp môn nào miễn tu rốt ráo là kết quả.

Đến đây trời đã tối, quý Sư cô mệt nhọc cũng nhiều, chúng tôi có nhơn duyên được điểm hóa như thế nầy lấy làm hữu hạnh, xin cố gắng thực hành gọi là đáp đền ơn trọng.Xin kiếu chư Sư cô.

Hai ông ra về.

Tối nay tín nữ đến lai rai cũng đông. Họ xin pháp danh và chuyện trò quyến luyến thân mật làm sao. Cũng lạ, mình ở trót tuần nhao nháo, không ai đến bao nhiêu, bữa chót mình về họ lại đến đông quá, khiến mình tiếc nuối, ý muốn lưu đình, nhưng mà không thể được.

ĐƯỜNG VỀ

(Ký sự Du Hành Miền Trung)

Ngày 19 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Hôm nay Ni đoàn khởi sự trở về Nam. Bốn giờ khuya ai nấy đã thức dậy thu xếp đồ đạc đem ra xe ràng, trên mui cho đến gần 7 giờ sáng mới rồi.

Ni đoàn từ giả hội Quảng Trị; đại diện của hội là ông Phú, tổng thơ ký và ông Siêu, hội viên với một bà tín nữ khuôn hội Phật Giáo (thuộc ông Siêu) đã đến từ sớm chực sẵn đưa lên xe. Cuộc đưa đón có phần tẻ nhạt hơn các nơi khác, tẻ nhạt vì ít người, chớ khi xe chạy, quý ông cũng đứng trước cổng chấp tay xá bái với niềm kính cẩn mến tin và vẻ mặt biệt ly chua xót.

Xe mở máy chạy, chúng tôi nhìn lại hội sở Quảng Trị một lần chót, đánh dấu kỷ niệm nơi đã đùm bọc chúng tôi ngót tuần này, xiết bao cảm cảnh.

Trên đường về không có gì lạ, chỉ vượt qua ba cái đèo:

1. Đèo Phước Tượng, dài 3km

2. Đèo Phú Gia, dài 2,5km

3. Đèo Hải Vân

Về đến Đà Nẵng ghé chùa Bửu Nghiêm định thuyết pháp nhưng không được phép. Hình như nơi đây Chính Quyền qua tư vị bên Phật học. Giác Châu đến xin phép, bữa đầu họ nói ông Thị Trưởng đi Huế chưa về. Hôm sau đến, họ phê rằng vì vấn đề an ninh trong ngày lễ Lao Động… nên không cho phép thuyết pháp được. Thế là thôi. Ba hôm chỉ thuyết miệng suông, thế mà người ta đến cũng độ sáu bảy chục người.

Có một điều buồn cười,

Ông thầy Bửu Nghiêm buồn vì thấy cảnh đàn áp, Ông mượn rượu giải phiền. Rượu vào Ông nhiếc mắng đàng kia đủ thứ mỉa mai lung tung.

Đêm ấy các cô đều sợ Ông “bất tử”, nên ních chặt cửa lại, các bà tín nữ cẩn mật canh phòng. Trưa hôm sau Ông nói với cô Tùng:

- Sao cô không đi ăn cơm, cô cứ đi ăn đi. Còn tôi, chừng nào “thuyết pháp” được, tôi mới ăn, không thôi thì đói

Thương quí thiện tín nơi đây quá: Họ ít oi nhưng rất dũng cảm và thành tâm, họ đến nơi hộ sóc đầy đủ. Có bà Tôn Nữ Mộng Lan, người hoàng phái, lại bà con chú bác với bà Tỉnh Trưởng là cháu bà Diệu Không, từ lâu bà chưa chịu quy y ở đâu, lại ít đi chùa, nhưng nay vừa gặp giáo pháp Khất sĩ bà liền quy y. Nghe nói: Sau khi quy y bà bị bà Tỉnh công kích, bà cũng thẳng thắn trả lời, chứ không sợ uy thế.

Nơi đây có gia quyến cô Lương Ngọc là trọn vẹn theo giáo pháp một chiều. Có bà Trợ Khương, một bực trí thức tinh thông giáo lý. Bà hộ pháp một cách ẩn vi và vô cùng lợi lạc. Bà nói: “Nếu ra mặt tới lui với quý Sư cô thì họ sẽ có thành kiến với bà, chi bằng bà ẩn mặt được dùng uy tín và thân thiện sẵn có mà tùy duyên đưa họ vào đường sáng. Bà lại bí mật cảnh tỉnh Sư bà Diệu Không bằng thơ ẩn danh với quan niệm vô tư trình bày tôn chỉ từ bi giác ngộ của Phật. Bà Trợ Khương thật là một người đàn bà có bản lãnh. Bà Trợ Thuận cũng đáng mến; Bà mong mỏi xuất gia và hẹn mùa hạ sẽ vào Nam học đạo.

Ngày 22 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Hôm nay Giáo hội sửa soạn lên đường về Hội An. Ông Thầy gióng chuông trống tiễn đưa inh ỏi. Khi Ni chúng từ giả, Ông bảo: “Chúc quý Ngài Phật sự viên thành, không ai ngăn trở nỗi bánh xe chánh pháp. Quý Ngài đến nơi đâu với tâm minh bạch về cũng minh bạch, nào ai làm gì được ai. Quý Ngài an tâm lên đường.”

Xe chạy, bao người bên lộ bịn rịn khóc đưa. Ông Thầy cũng ra ngõ đứng trong quán bên đường ngó ngóng. Tội quá!

Xe lăn bánh đôi ba tiếng đồng hồ tới Hội An. Cách Hội An vài ngàn thước có đám kèo nèo, xe ngừng. Bà Hoa xuống lộ hái rồi về sau. Về đến Hội An, vào ngôi chùa cũ khiến tôi có cảm tưởng chán chán, không sốt sắn tý nào, đi quanh, đi quẩn luân hồi đáo lệ!

Các bà lần lần tề tựu đông đảo, họ vẫn như hôm xưa: đầy lòng kính cẩn mến thương lưu luyến.

Sư cô Bạch định lưu lại nơi đây, còn tôi thì tính về Bồng Sơn trong ngày 23, nhưng quý bà cầm cọng và xe cũng đang sửa, vả lại nhằm ngày lễ Lao Động mà hành trình phải ghé Quảng Ngãi là nơi chưa biết chỗ nơi đùm đậu ra sao? Thôi đành phải hoãn lại.

Ngày 23 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1959)

Chiều hôm nay bà Vương Sĩ mời CUỘC GIẢNG LUẬN về nhà bà trong dịp đi xem đất. Đến nhà, Ông Bà tiếp rước niềm nở. Nhà có ngăn một gian phòng thờ Phật riêng biệt. Chúng tôi vào lễ Phật và ngồi giữa điện, nghe ông luận về pháp môn kiến tánh.

Câu chuyện rất hào hứng. Ông một người tài cao học rộng, quảng kiến đa văn, lại uyên thâm Phật Pháp (theo lời những người xứ này nói lại). Tôi có cảm tưởng như đến nhà của Ông Duy Ma Cật và được nghe đại sĩ thuyết kinh.

Ông có một thái độ gần như kỳ quặc. Trong lúc chúng tôi ngồi im lặng trang nghiêm thì ông nhịp đùi rung vế, hút thuốc nói chuyện rang rảng như không chú ý đến tịnh hạnh là cần. Tiếng ông nói lại hơi khó nghe, giọng Quảng Nam, tôi phải chăm chú lắm mới nghe được tiếng của ông. Đầu tiên ông đọc một bài kệ tứ tuyệt, tôi chép, ông giảng.

Bài ấy như vầy:

Niên niên đạo hạnh ý muôn muôn

Như nhựt như tinh định phiến tuồng

Tâm lạc đỉnh trầm không không sắc,

Thức hình chơn giả lệ vô tuôn.

Theo ông giảng sơ thì không có gì sâu sắc khác với nghĩa của những tiếng ráp câu. Duy có “muôn muôn”, ông bảo là vạn vạn nghĩa là nhiều vô cùng. Tôi ngỏ ý:

- Bài thơ kỳ quặc, tiếng Nôm pha chè với tiếng Hán, nghe không xuôi.

Ông bảo:

- Bài này không nệ chữ, chỉ cần lý thôi.

Kế đó ông hỏi về năm chữ Không:

1. Diệu Không

2. Chơn Không

3. Lạc Không

4. Ngoan Không

5. Khô Không

- Đã là Không, sao lại có nào là “diệu” nào “chơn”, “lạc”, “ngoan”, “khô” v.v… đạo hữu thử giảng?

- Thưa ông, bài nhiều danh từ quá, có tiếng tôi không thấy trong kinh sách nào cả, như tiếng Khô Không có lẽ ông mới đặt ra. Không có nhiều tánh Không. Thí dụ: Bây giờ thử bỏ qua hết các danh từ này, để tìm những tiếng “Không” khác nghĩa.

Một người đang làm ác, họ không hề có thiện, thế là họ “Không” thiện. Đến khi họ thức tỉnh nhơn quả, lo làm thiện là họ có thiện, có chấp pháp thiện. Kịp lúc họ giác ngộ pháp lý, phá chấp, là họ “Không” có thiện. Không có thiện nhưng vẫn làm thiện, làm thiện mà không chấp thiện. Thì cũng thời “Không” mà “Không có” thiện với “Không chấp” “thiện” hai thứ “Không” khác nhau. Thưa ông, tiếng “Không” có nhiều nghĩa, phải chăng như thế?

- Cũng gần đúng! Diệu Không là diệu dụng của pháp Không. Ví dụ như: đất sét là không, đun nấu ra tượng Phật là diệu, sao không nắn chén, nắn tô, lục bình, bồn, chậu mà lại nắn ra tượng Phật. Thì tượng Phật là linh, linh là diệu, có phải đất sét là Không mà tượng Phật là diệu hay chăng. Đạo hữu có nhận thức chưa? Diệu là biến tam thân, tứ trí diệu dụng hằng sa vậy.

Còn chơn Không là cái Không chơn thật, tức không phải Không ngơ. Lắm kẻ lầm chấp tiếng sắc Không, Không sắc, cho Không là Không ngơ, nên mới lạc vào “cảnh giới Không” tai hại. Tôi thấy nhiều người học lý thuyết cao, chấp lý thuyết suông nghe pháp chơn Không rồi tưởng cái gì cũng Không hết, cho đến lúc té bể đầu, cũng Không Không trơ lặng, “Không” đó thiệt là “Không” hại.

Ông nói đến đây nổi lên một chuỗi cười dài ngó qua cậu Giác Châu và quý bà lại thêm một trận… những chuỗi cười nữa, tiếng cười rộn rả.

Kế đó, ông giảng qua bài kệ Kiến tánh:

Hàm sanh vạn vật bổn chơn không,

Tự tánh chơn không bổn thị đồng

Biến hóa thiên hình nhơn duyên hiệp

Hiệp ly ly hiệp tổng hoàn không.

Bài thơ bốn câu, nhưng nghĩa lý gói trọn trong hai tiếng chơn không. Vạn vật sinh ra từ gốc chơn không. Chơn Không chứa gồm vạn vật. Đừng tưởng chơn không là không ngơ, trong chơn không có tất cả chính chơn không có chứa “cái ta” trong ấy. Cái ta tự tánh gốc chơn không tức đồng bản thể. Ví như những ngọn đèn điện đây, tất cả bao nhiêu ngọn đèn đều chung một tánh sáng, mặc dầu tự thể của mỗi ngọn đèn riêng biệt. Bấy giờ có người đem một ngọn đèn ra phía trước kia, thì thể của đèn có tánh, nhưng tánh của đèn vẫn đồng. Thì tự tánh chơn không giống y như vậy. Thể của vạn vật là vũ trụ thiên địa, có bốn chất tạo thành, thì cơ thể con người cũng đủ bốn chất ấy. Võ trụ thiên địa có linh, thì cơ thể con người cũng có cái linh ấy. Võ trụ có sấm sét con người cũng có sân si v.v.

- Do nhân duyên hội hợp biến hóa thiên hình, nhơn duyên ly tán, thiên hình ly tán. Hội hiệp tán ly, tán ly hội hiệp thảy vào bản thể chơn không.

Đoạn này Ông luận rất hay, rất dài, đó là then chốt mật nhiệm.

Tôi tức cười:

- Thế ra tôi rớt rồi.

Nhưng bụng bảo dạ: Ông Thầy nào kỳ quặc, đưa ra những điều lệ kỳ quặc, ai mà hiểu!

Đến đây, Ông cắt nghĩa về đường ngập bước… vô thượng bồ đề.

Tôi hỏi:

- Thưa ông, theo tôi hiểu như vầy chẳng biết có phải:

- Kiến tánh là giác ngộ, giác ngộ chẳng vô minh, thì người kiến tánh hẳn không còn tạo nghiệp vô minh, vì hễ tạo nghiệp vô minh phải trả quả, thế là cứ phải trả vay theo vòng luân hồi sanh tử?

-Cái gì là vô minh? Cái gì là sanh tử? Đạo hữu thử chỉ ra?

Đành rằng kiến tánh không vô minh, trí huệ, không sanh tử, Niết Bàn. Nhưng còn cái nghiệp, vì Phật kia kiếp chót hãy còn trả nghiệp Đề Bà? Và như trong Kinh Viên Giác Phật đã bảo: Kẻ giác ngộ ví như vàng trong mỏ đã được lọc, thì vàng đã lọc không bao giờ trở lại mỏ, cũng như kẻ giác ngộ không bao giờ trở lại vô minh. Lấy theo thuyết tiến hóa: tóc thành lươn, lươn thành chồn, chồn không bao giờ thành lươn, cũng như lươn không bao giờ thành tóc. Thì kiến tánh có khi nào từ giác ngộ trở lại vô minh để tạo nghiệp trả quả? Theo tôi hiểu: Kiến tánh rồi phải lên đường giác ngộ hành đạo độ sanh.

Sen mọc giữa bùn sình, không mọc trên chót núi, Phật pháp bất ly thế gian pháp. Đường lối giải thoát là một phương tiện trong bao nhiêu phương tiện, một vài tuồng trong bao nhiêu giai tuồng. Trong vở tuồng có một ông vua với người hề thì hai vai đều ngang nhau, biết đâu hề này kép chánh, vua kia kép phụ? Cả hai đều lãnh phận sự làm trò, khi vãn tuồng vào buồng thay áo thì cả hai ai cũng như ai.

Có câu: Nhứt Phật ứng thế, thiên Phật hộ trì. Một vị làm Phật, ví như Phật Thích Ca còn ngàn vị khác làm gì bây giờ, không lẽ tất cả đều ở không? Họ phải phân công làm việc, người vai này kẻ vai kia. Không phải các Phật đều khất thực trì bình hết. Hằng sa chư Phật biến hóa vô lượng phương tiện như nhau.

Cũng như những vị tổ hiện đang lẫn lộn chốn nhơn gian độ chúng ta, biến hóa muôn ngàn phương tiện tùy duyên, nhưng làm sao chúng ta được biết?

Đành thế, nhứt Phật ứng thế, thiên Phật hộ trì. Thí dụ là một vở tuồng, Phật Thích Ca vai chánh, các vị kia vai phụ, như người này Bồ Tát, kẻ nọ Bích Chi, vị kia La Hán, bao nhiêu nữa bát bộ Thiên Long, kẻ thiện người ác… cho đến Đề Bà cũng là một ác pháp trợ duyên.

- Đạo hữu đã nhận thức rồi đó.

- Tôi muốn hỏi về những hạt giống? Nghiệp?

Hạt giống dầu có, nhưng nếu chẳng gieo thì không mọc, ươm hạt vào đất ướt sẽ lên cây, phơi khô thì chết héo, pháp kiến tánh cũng thế.

- Tu muốn nói về sự tu chứng !

- Cái gì là tu? Cái gì là chứng?

Đành rằng kiến tánh không thấy có tu có chứng, nhưng không phải là không tu, không chứng hẳn. Nếu “không hẳn” thì e lạc vào “ngoan không” hay “khô không” thứ “không” của “người đàn bà con trẻ”? Thưa Ông, theo chúng tôi hiểu thì kiến tánh chỉ là một pháp giác ngộ thấy tánh Phật chớ chưa đủ công đức thành Phật, chưa phải Phật; cũng như trong cây sen, nhưng hiện tại nó chưa phải hạt sen, thì trong cái “chưa phải” ấy, nó có bổn phận phải “làm cho phải” hạt sen, ấy là hành đạo để đắc đạo, sau khi ngộ đạo, mặc dầu có hành đạo có đắc đạo, nhưng không thấy biết có hành đạo đắc đạo, cũng như không thấy biết có chứng có tu?

- Đạo hữu đã lạc vào kiến giải của nhị thừa rồi, vô thượng bồ đề không phải thế.

- Thưa, theo tôi vừa nói, là pháp thứ ba, chứ không phải pháp thứ nhất là chấp hữu, pháp thứ nhì chấp vô mà lạc vào nhị thừa kiến giải.

- Pháp kiến tánh đồng thể chơn không như trong bài kệ trước. Bản thể chơn không chứa trùm vạn vật, tự tánh chơn không là một thành phần trong một thành phần có đủ cả thể, tướng, dụng, lý, không thiếu, không dư, không thêm, không bớt.

Muốn đạt đến cảnh giới chơn hòa đồng bản thể thật không phải chuyện thường. Thí dụ:

Đạo hữu trèo thang chín nấc, lên đến nấc chót, muốn bước thêm nấc nữa nhưng thang không có nấc (vô thượng bồ đề) thì chỗ đâu mà bước? Nếu bước càn thì hỏng chân phải té trở lộn xuống. Hoặc giả, đứng chựng lại đó, ở dưới lại có người rút thang, tức nhiên đạo hữu phải té lộn xuống đất.

Phải nhờ một đá văng ra hư không buông lìa chiếc thang (sở chấp, pháp chấp, tam thừa). Hư không ấy là chi? Nếu hư không là hư không mà đạo hữu là đạo hữu, thì đạo hữu làm sao trụ được trên hư không? Đạo hữu phải là hư không thì hư không với hư không còn gì mà sợ té? Có còn té vào đâu nữa?

Đạt đến cảnh giới chơn không hòa đồng bản thể cũng giống như thế.

Ông nói đến đây thì tôi chợt hiểu là pháp thứ tư ngày xưa Thầy tôi đã có giảng qua, tôi vì mê tối luống để cho thời gian mai một.

Thầy tôi vẽ hình bánh xe pháp với bốn cây căm: Thân, Tâm, Trí, Tánh; bốn cửa: hữu, vô, trung, đạo. Cửa Hữu cửa Vô là lọt hàng nhị thừa, cửa Trung là lọt vào hàng Bồ Tát, cửa Đạo đến bực Như Lai, đó là pháp thứ tư: Kiến tánh.

Tôi hỏi đây là vào pháp thứ ba thừa bồ tát, chót vót nấc thang, không còn chỗ với; nhưng vì còn thấy biết, nên còn nấc thang, mà pháp thứ tư là chiếc thang không nấc hay không có nấc thang (Vô thừa Phật thừa). Muốn đạt cảnh giới ấy phải lìa thang. Tuy lìa thang nhưng không phải lìa thang, nếu lìa thang hẳn thì lọt vào thừa thứ hai (pháp không), mà chấp thang hẳn thì ở thừa thứ nhất (chấp hữu). Lìa thang đây là lìa cái biết có thang. Bởi cái biết có thang như cái biết có tu có chứng, nếu như không biết hẳn thì còn đâu tiếng nói có chứng có tu, (mặc dầu qua pháp “không chấp biết”).

Ông còn đưa ra nhiều thí dụ, nhiều chi tiết, nhưng tôi không nhớ xiết hầu ghi chép. Và ghi lại đây cũng tóm lược đại khái, chớ thật rta còn thiếu sót rất nhiều. Cuộc giảng luận từ 3 giờ chiều đến hơn 6 giờ tối thì biết bao nhiêu lời lẽ.

Đến đây thì quá tối, chúng tôi kiếu ra về, không quên tạ ơn ông dẫn giảng.

HOÀI NGHI

Về đến chùa chúng tôi bàn bàn tán tán câu chuyện vừa qua, thật là một vấn đề sôi nổi.

Một vị nói:

- Theo ngu ý tôi: suy luận thì ông ấy chưa kiến tánh? Vì sao? Vì Ông ấy còn chấp ngã. Bằng chứng là: nơi nét mặt, giọng cười, tiếng nói, điệu bộ, cử chỉ ông có vẻ chấp mình. Cho đến đổi ông dám chê Phật Thích Ca, chê pháp giải thoát của Phật, ông nói Phật Thích Ca là ông ám chỉ chúng ta: hình tướng, giải thoát thanh tịnh nhưng tâm ý chưa chắc cũng đã diệt trói buộc phiền não, còn ông nói các Tổ hình thức thế gian mà kiến tánh giác ngộ tùy duyên bày hiện pháp môn lợi lạc chúng sanh vô kể. Ấy là ám chỉ ông. Như thế ông chấp ngã to lắm.

Theo tôi nhận xét, ông kém ông Siêu ở Huế. Ông Siêu pháp lý hẳn không thua ông này. Ông đã nói được câu: Vọng và chơn ví như nước trên mặt biển và nước dưới đáy biển, trên mặt nước là xao động chứ dưới đáy nước vẫn thanh tịnh rõ ràng, thì chúng sanh và Phật cũng thế, thể tánh vẫn đồng, hình tướng có khác. Xuất gia, tại gia cũng thế, chúng tôi tuy chẳng xuất gia, lại ở vào tông phái khác, tịnh độ tông, chúng tôi không bỏ đường lối của chúng tôi để qua đường lối của quí vị nhưng chúng tôi sẽ không khác quí vị, vì đường đi tuy vạn nẻo nhưng chỗ đến chỉ có một nơi, nhập vào bản thể cũng y như vậy.

Có điều chúng tôi phải công nhận rằng: Đường lối của quí vị rộng, phương tiện hơn chúng tôi nhiều, chúng tôi phải nương học nơi quí vị, theo gương của quí vị và xin thành thật trọng ân quý vị đã ban cho chúng tôi rất nhiều học nghiệm cao thâm.

Như vậy mới phải người có tinh thần giác ngộ chứ. Còn ông nầy còn chấp ngã lắm, chưa giác ngộ thế đâu.

Đến như sư cô đi hạ giá mình, tôn giá ông, thế mà ông không nghĩ, lại có những cử chỉ khinh thường trước mặt bao nhiêu người lệ thuộc sư cô, cái mới lạ?

- Tôi nói: Ông Siêu mặc dầu pháp lý cũng thông suốt lắm nhưng không bì được ông này.

Sự khiêm nhượng của Ông Siêu đã đành hay quá, chứng tỏ một tinh thần biết phục thiện, nhưng nếu là pháp kiến tánh là: không mấy chú trọng đến hình thức bề ngoài ngược lại là khác nữa. Tôi ngờ rằng ông vì muốn làm cho chúng ta chứng pháp môn không hai, tịnh hạnh và không tịnh hạnh đều như nhau và rốt ráo là không có, nên hiện bài cử chỉ thế thường để phá trừ tướng chấp.

Còn câu chuyện: Nhứt Phật ứng thế, thiên Phật hộ trì, phân tách vai tuồng hiện ẩn, đó cũng là phá trừ tướng chấp nữa. Bởi có chấp mới có phá không chấp không có phá; và có phá mới biết có chấp. Cũng như thế, nếu chúng ta không chấp thì câu chuyện ấy không là thừa, chứng tỏ chúng ta có chấp.

- Nếu như ông ấy không dụng ý như thế, mà bởi sự khuyết điểm, thì sao?

- Dầu người không phải dụng ý mà làm, ta cũng nên dụng ý mà hiểu, giác ngộ pháp môn phải nên như vậy.

Một vị khác nói:

Bài thơ của ông ấy làm thường lắm, nếu không phải là dở, có thể gọi kỳ quặc; chính tôi còn thấy thế, còn sư cô đã chăm luyện nghệ thuật phú thơ đến mức tinh vi, thì sư cô nghĩ sao về bài thơ ấy?

- Ban đầu tôi cũng cho là bài thơ kỳ quặc, nhưng chính tướng kỳ quặc ấy làm cho tôi suy nghĩ khác: Ông ấy muốn phá tướng văn tự của mình, đó là về thể thức bài thơ, còn nội dung rời rạc, tư tưởng chấp nhặt ấy tôi lại cho là: không nệ ý.

- Đã không nệ văn, lại “không nệ ý” thì bài thơ còn nghĩa gì? Tốt hơn là đừng làm.

- Như tôi đã giải thích: không nệ văn để phá tướng văn tự, không nệ ý để phá tướng pháp môn.

- Ngoài hai lẽ ấy, sư cô có lãnh hội được gì hơn?

- Không bao nhiêu. Có lẽ tôi chưa nghiệm thấy.

- Nếu người không dụng ý như thế mà chỉ vì thiếu mạch lạc và nghệ thuật, hành văn thì sao?

- Thì ta cũng quán tưởng như thế. Cũng như đeo kính tròng vàng, nhìn ra mọi vật đều vàng, tâm thần giác ngộ nhận ra các pháp đều giác ngộ.

- Sư cô có nên làm thơ như vậy?

- Không, vì không hữu ích. Nó chỉ hữu ích trong trường hợp có người lãnh hội như thế thôi. Còn thường thì văn phải điêu luyện văn, ý phải tinh tường ý.

Một vị khác nói:

- Tôi tưởng: Ông này chưa bằng Đức Thầy của mình. Pháp ông nói chưa rốt ráo bằng pháp của Đức Thầy. Thế sao sư cô lại trọng kỉnh như chưa từng nghe biết? Tôi tưởng dầu có hay quý cái gì cũng là người cư sĩ, còn mình là kẻ xuất gia há đi hạ mình tôn trọng quá sức vậy?

- Tôi cũng nhận rằng: Pháp kiến tánh xưa Đức Thầy đã có dạy chúng ta, nhưng vì mê muội mà tôi đã để cho mờ mịt. Ngày nay gặp người khai thị dẫu được tỏ ngộ ít nhiều, hay chưa tỏ ngộ, thì ơn ấy cũng vẫn là Thầy. Vả chăng đạo vô thượng bồ đề vô cùng tôn quý, có kẻ di suốt ngàn đời không gặp được, nhiều người gặp được phải là có nhân duyên. Thì nhơn duyên người truyền pháp, người thọ pháp, phải chăng là sư đệ!

Phương chi, chúng ta là những nhà truyền giáo, dẫn dắt nhơn sinh, muốn cho người trọng pháp, ta càng phải trọng pháp.

- Còn như câu nệ ở chỗ: người cư sĩ kẻ xuất gia, thì phải chăng chúng ta còn chấp tướng? Chúng ta đang xuất gia học pháp vô vi vô ngã há đi còn chấp nê hình tướng?

Chuyện giả can thuyết pháp, thiên đế hầu nghe trong kinh V.T.H T.N.D hay như chuyện Quốc Vương cầu pháp nơi dạ xoa đến khinh thân hủy mạng theo tiền thân Phật, các chuyện ấy chứng tỏ sự kính pháp vô biên, chẳng nệ hình thức ở pháp sư tốt xấu.

Hoặc như nói người chỉ có thuyết không có pháp hành thì quyển kinh là bọc giấy ghi những lời lẽ tư tưởng chứ nó có tác động gì mà người ta vẫn kính vẫn tôn. Có câu: Trọng kinh như trọng Phật?

Thế nên tôi kính người qua, kính pháp, kính pháp như kính Phật, vì pháp vô thượng bồ đề là pháp của mười phương chư Phật nói ra; Pháp vô thượng bồ đề một khi Phật giảng thuyết thì hàng nhị thừa sửng sốt, bực bồ tát ngơi khen, pháp môn bất khả tư nghị…

Một vị khác nói:

- Theo chỗ tôi hoài nghi: Ông ấy chỉ mới ngộ được pháp môn kiến tánh, chứ ông hẳn chưa kiến tánh.

Vì ngộ được pháp môn kiến tánh nên nói suốt được pháp kiến tánh, sự tầm hiểu dựa theo kinh điển, chứ tự ông chưa chắc chắn đã hòa đồng bản thể chơn như? Bằng chứng là quan niệm của ông còn thiên về một bên sở chấp: Ông giữ vững lập trường cư sĩ, bài xích pháp môn xuất gia; cho mình bằng Phật, không cần phải tu.

Đành rằng giác ngộ thấy ra tự tánh cùng bản thể vốn không sai khác, không có chi phải bớt, không còn chi phải thêm; nhưng đó là về lý, còn về sự thì phải có bớt có thêm, có bớt có thêm mà không hay mình có bớt có thêm mới gọi rằng không thêm không bớt. Cũng như người bằng Phật mà không hay biết rằng mình không cần phải tu mới thật là không cần phải tu.

Còn đàng nầy có thấy biết, có thủ chấp như vậy sao rằng kiến tánh. Đó là chưa kể những khuyết điểm nơi ngôn ngữ cử chỉ hành vi.

- Sự nhận xét của sư cô cao siêu lắm rồi, chứng tỏ khả năng hiểu biết ban đầu tôi cũng nghĩ thế; nhưng sau xét tột nguyên do, tôi thấy khác hơn:

Pháp vốn không tướng, chỉ tùy dụng mà hiển tướng; tưởng có tương đói, được phá hữu phá vô. Bởi có ác mới có thiện, lấy thiện trừ ác, thật ra thiện không có, chỉ vì có ác mới có thiện thì tướng thiện cũng là không.

Sở chấp cũng thế, bởi mình chấp một bên mới thấy người một bên; chính vì tướng chấp bên này mới có tướng chấp bên kia đối trị, khi dứt được tướng chấp bên này thì tướng chấp bên kia sẽ không còn. Sư cô nghiệm kỹ sẽ rõ hơn nữa.

- Thế là sư cô nhìn nhận ông ấy kiến tánh rồi à?

- Kiến tánh tôi cũng không biết

Một cư sĩ:

- Theo trò nói dốt: Trò nhận ra ông ấy nói thì hay thật, nhưng thấy ông có vẻ ra người dạy đạo hơn là luận đạo, ông có cử chỉ người Thầy dạy bảo những trò, bởi thế mới có những tiếng cười hả hê thích ý, trò nghe hơi khó chịu. Vì xưa nay trò có đức tin: Ngoài Đức Thầy ra sư cô là hoàn toàn hơn hết, chưa thấy có ai hơn. Nay bỗng nhiên thấy chuyện lạ trò lấy làm khó nghĩ, thấy sư cô hạ mình trò lại càng khó nghĩ vô cùng.

- Xưa nay người cao vẫn có người cao hơn, mỗi niệm tưởng của con người đều tiến hóa thuận một niệm vừa qua đã hơn niệm trước, chính mình đã vượt bỏ mình trong mỗi lúc thì trên đường tiến hóa xa dài biết ai kém ai hơn?

Đức Thầy có dạy: Khất sĩ là trò của tất cả, học với tất cả, vũ trụ vạn vật là quyển sách to, con người phải học mãi thì cái học nói sao cho cùng? Chẳng phải chỉ học với người trí kẻ thiện mà còn phải học với người ác kẻ ngu, cho đến tứ đại vô tri, cỏ cây vô giác ta cũng phải học với nó rất nhiều. Thế thì khất sĩ học đúng pháp học có lấy chi làm lạ?

Sở dĩ thiện tín khó nghĩ là bởi quá có đức tin với bậc Thầy mà mình tôn kính, một khi đã quá có đức tin rồi thì dẫu người có ít nhiều chỗ dở cũng không làm sao nhận ra đó là thành kiến thứ nhất.

Còn thành kiến thứ hai là: một khi chê người là cư sĩ trong vòng thấp thỏi, trói buộc tội tình và nhứt là khi mới thấy cử chỉ thô tháo bên ngoài của người mà vội phẩm bình xem rẽ; đã có thành kiến như vậy thì dầu người có ít nhiều điều hay cũng không làm sao thấy được. đó là những thành kiến không hay mà người Phật tử nên tránh, để giải cho mình những sở chấp trói trăn và công bình trong khi phê phán.

- Bạch Sư cô, theo trò nghĩ thì pháp hành của Khất sĩ trong đường kinh nghiệm chắc là vô cùng quý báu mà cư sĩ dầu có kiến tánh cũng không sao nhận thức được. Và cứ hành như thế cũng có ngày được kiến tánh chứ gì, bạch sư cô có phải?

- Có lý đúng! Vì pháp khất sĩ là một lối tu hoàn toàn, con đường mà chư Phật đều trải qua để đến mục đích thì đường tu ấy có đủ cả phương pháp. Nhưng chỉ có bậc đại căn mới tự mình giác ngộ. Như Phật Thích Ca còn tiểu căn phải nhờ tha giác như các đệ tử Phật.

Một cư sĩ khác:

- Bạch, thế thì kiến tánh hành đạo hẳn hơn kiến tánh cư gia?

- Về sự thì đã hẳn về lý vẫn như nhau.

- Thế nào kiến tánh hành đạo cũng hơn nhiều, vì sư sĩ nhiều người nê chấp không tu, lại không đủ phương tiện dũng tiến nên hay trệ một chỗ; còn khất sĩ đã sẵn đường lối, có lớp người sau thúc đẩy tiến tới chóng mau, nên không trệ pháp.

- Cư sĩ kiến tánh hành bồ tát đạo nếu đủ phương tiện như ông Duy Ma Cật, hay các vì vua chúa thuở xưa thì lợi ích cũng lớn lắm, sánh với những tỳ kheo kém trí tuệ thì có hơn. Như vậy nên biết: sự hơn kém tùy trường hợp.

Hoài nghi như chúng tôi có hại gì chăng?

- Không, trái lại hoài nghi rất có lợi ích, nó là chìa khóa mở kho trí tuệ, nó làm cho mình khỏi lớp nô lệ tinh thần, các nhà học đạo nên dùng nó làm lợi khi mở mang.

Các vị thông hiểu khá nhiều mới có những câu hỏi quí giá. Tôi giải thích tùy theo sở kiến hẹp hòi của tôi với phương tiện ứng ngữ tùy đáp, phá chấp quyết nghi, chưa ắt có phải hay chăng? Dầu sao chúng ta cũng nên tầm học hỏi thêm trong biển giác mênh mông, rừng tòng bát ngát ấy.