Kỳ tích của Trưởng lão Giác Tỵ - Võ sư Hồ Tiền

 

KỲ TÍCH CỦA TRƯỞNG LÃO GIÁC TỴ – VÕ SƯ HỒ TIỀN
(Một cuộc chiến thắng chính mình)

TLGiacTy-1

Trưởng lão Giác Tỵ – Võ sư Hồ Tiền, 1920–1984
(Hình thờ tại gia đình chú Đức Toại ở Thành phố Mỹ Tho)

Trưởng lão Giác Tỵ có tục danh là Hồ Tiền, sinh năm 1920 tại Bình Định. Ngài sinh ra và lớn lên trong sự bảo bọc của gia đình tại thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Cha ngài là cụ ông Hồ Thường và mẹ là cụ bà Võ Thị Xin, đều là người ở địa phương.

Trưởng lão có 6 anh em, anh cả là Hồ Đương, sinh năm 1912, xuất gia học đạo với Trưởng lão Tăng chủ Giác Tánh vào năm 1963 với pháp danh là Giác Thìn. Trưởng lão Giác Tỵ là người con thứ 3 trong gia đình, ngoài 2 huynh đệ đã mất sớm, ngài còn 2 em gái và 1 em trai.

Trưởng lão Giác Tỵ là một người văn võ kiêm ưu. Thuở nhỏ ngài đã học văn hóa phổ thông được bằng Diploma (Đíp-lôm, bằng cấp II), đứng vào bậc khá trong trình độ dân trí người Việt Nam đương thời. Ngài lại được học thông thạo chữ Hán và chữ Nôm, nghiên cứu rành về Nho, Y, Bốc, Lý nhằm tiến thân trên quan trường, nhưng thời thế Việt Nam lúc bấy giờ đã không cho phép ngài dấn thân theo hoài bão ban đầu đã định.

Xuất thân trong một đại gia đình có truyền thống thượng võ, từ nhỏ ngài đã theo học võ với ông Chín, một người em ruột của ông nội. Ông Chín nổi danh xứ võ Bình Định, được tôn xưng là Sư Tổ phái võ Thuận Truyền, người trong xóm làng thường gọi là ông Chín Ngạnh (gọi theo tên con đầu lòng), tức là Võ sư Hồ Nhu.

TLGiacTy-2

Võ sư Hồ Ngạnh (tức Hồ Nhu)
đang biểu diễn roi chiến (côn tề mi) tại nhà, năm ông 83 tuổi.

Võ sư Hồ Nhu sinh năm 1886, mất năm 1976, hưởng thọ 90 tuổi. Thuở bé, nhờ theo học với các võ sư Ba Đề, Đội Sẻ, Hồ Khiêm (chú của Hồ Nhu), đặc biệt là học với một Tiến sĩ võ bạn của cha và nhất là chịu sự rèn luyện của mẹ mà ông trở thành một võ sư huyền thoại. Võ sư Hồ Nhu sở trường về roi và thành danh cũng về roi. Đường roi của ông được giới chuyên môn truyền tụng là tuyệt kỹ vô song, đúng như lời tán thán của võ sư Diệp Trường Phát: “Đoản côn Thuận Truyền duy hữu chủ!”. Ngày nay, về đất võ Bình Định, nói đến Roi Thuận Truyền, nhân vật mà người ta nhắc tới trước tiên với niềm tự hào và kính trọng là ông Chín Ngạnh.

Chính từ lò võ của ông Chín Ngạnh mà người cháu Hồ Tiền đã vang danh là một trong những truyền nhân xuất sắc của vị Sư Tổ phái võ Thuận Truyền. Tương truyền Hồ Tiền có thể dể dàng nhún mình nhảy qua một ngôi nhà tranh ở làng quê. Hoặc một khi Hồ Tiền cầm cây roi trong tay, thì dù cả trăm người bao vây cũng không sao tiếp cận được ông… Thân mang tuyệt kỹ như thầy, vậy mà đến sau này xuất gia giải thoát rồi, mọi giấy tờ tùy thân ông đều vất bỏ, sống rày đây mai đó, nên thế nhân chẳng mấy ai còn biết đến Hồ Tiền năm nào...

Lại nói về ngài Giác Tỵ, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp ngài đã tham gia làm y tá cho đoàn dân công Quân khu V một thời gian dài, sau đó về nhà làm nông và làm y tá cho địa phương. Đến năm hơn 30 tuổi ngài lập gia đình với cô Nguyễn Thị Mai người cùng quê, sinh được 4 con là Hồ Đức Toại (nam, 1952), Hồ Đức Giả (nam, 1954), Hồ Thị Hạnh (nữ, 1956) và Hồ Thị Đức (nữ, 1959).

Vào dịp Tết Nguyên đán năm 1966, Trưởng lão Giác Thìn về thăm quê đã dẫn cháu Đức Toại vào Tịnh xá Ngọc Nhơn ở Quy Nhơn cho xuất gia, có pháp danh là Huệ Thuấn. Ba tháng sau, cảnh tang thương đã xảy ra trong gia đình của ngài Giác Tỵ: một quả lựu đạn nổ trong hầm trú ẩn, vợ và 3 con của ngài đều bị chết. Lúc này ngài cũng bị bắt về Phù Cát, rồi chuyển vô Tây Sơn giam đến năm 1967 thì được thả.

Ra khỏi lao tù, cám cảnh sanh ly tử biệt, gia đình tan nát, ngài có cảm niệm sâu xa về những nỗi bấp bênh giả tạm của đời người. Nghĩ về tấm gương của người anh cả, trong năm 1967 đó ngài đã về Tịnh xá Ngọc Nhơn xin xuất gia, những mong được làm người khất sĩ sống thoát tục, thoát khỏi sự tầm thường của nhân thế.

Được đức Trưởng lão Tăng chủ Giác Tánh từ bi tiếp độ, Hồ Tiền đã theo thầy thế phát xuất gia, pháp danh là Giác Tỵ. Những ngày ở trong Giáo hội Khất Sĩ, sư Giác Tỵ được chư Tăng cho xem bộ sách Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang. Với khả năng sẵn có, và với những thiện căn đã gieo trồng trong tâm, sư mau chóng hấp thu được tinh thần giải thoát cao thượng của bộ Chơn Lý. Noi theo gương Tổ Thầy, sư quyết tâm hành Tứ y pháp trọn đời, lấy gốc cây, đình làng, nghĩa trang… làm chỗ tạm nương thân; ngày đi khất thực hóa duyên, tối và khuya tọa thiền, đêm ngủ ngồi chớ không nằm, nhắm thẳng Giải Thoát làm mục đích sống cao cả nhất.

Xếp cẳng gốc cây hàng huệ sĩ

Chôn mình trong đất bậc chân nhân

Thân tâm xuất gia hưởng Niết-bàn

Trí tánh hành đạo chuyển Pháp luân.

Tổ sư Minh Đăng Quang

Với nhiệt tình của người vừa nếm được hương vị giải thoát của đạo, xuất gia chưa bao lâu sư Giác Tỵ đã vội vàng tách chúng ra đi. Ban đầu sư lên Buôn Ma Thuột, mấy tháng sau ra Phù Mỹ được sư Giác Không cho đắp y Sa-di. Có y bát, sư bắt đầu đi hành Tứ y pháp. Buổi đầu, sư nương theo 2 nhà sư Giác Bổn và Giác Hành cùng vân du đây đó. Một thời gian sau thấy 2 sư huynh còn yếu, chưa trọn vẹn theo pháp Tổ Thầy đã chỉ dạy trong bộ Chơn Lý, nên sư đã tách đi riêng.

Có lần sư Giác Tỵ đã viết lại quyển Bách Pháp Minh Môn Luận bằng chữ Hán cho quý sư xem, nét chữ rất đẹp. Lại có một dạo ngoài giờ đi khất thực, buổi chiều rảnh sư biên soạn sách Từ Điển HánViệt. Bản thảo của bộ sách này người con trai của Trưởng lão đã để thất lạc sau năm 1980, thật đáng tiếc. Ngoài những ưu điểm, sư Giác Tỵ có khuyết điểm là bị khẩu nghiệp cà lăm, do đó không thuyết pháp được. Biết điểm yếu của mình nên sư chuyên chú thực hành Tứ y pháp, lấy đạo quả làm mục đích tinh tấn. Thế nhưng khi đã hành độc giác, làm được điều ít ai làm được, sư lại hay chỉ trích Tăng chúng, khiến nên nhiều huynh đệ không ưa thích sư.

Thời cuộc thay đổi, lịch sử đất nước sang trang, nhiều năm tháng đã qua mà sư Giác Tỵ vẫn bền chí trên con đường du phương khất thực, sống khổ hạnh đầu đà. Đến năm 1981, đạo nghiệp của sư đã có một bước chuyển ngoặt khi sư lập chí lên núi Ông ở huyện Vân Canh tu, không du phương khất thực nữa.

Vân Canh là một huyện miền núi của Bình Định, nằm ở phía Tây Nam tỉnh, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30km. Huyện Vân Canh nằm dựa lưng vào những khối đá núi đồ sộ của Cao nguyên Gia Lai – Kon Tum. Tại Vân Canh, ngọn núi Ông (hay núi Dương An) vươn lên cao nhất với độ cao 1000m. Cùng với núi Bà, 2 tòa núi này đã tạo cho quang cảnh huyện Vân Canh một vóc dáng hùng vĩ, nên thơ, vẽ nên bao huyền thoại trong tâm thức đồng bào địa phương.

Ngày lên núi Ông ở huyện Vân Canh, Trưởng lão Giác Tỵ thầm nguyện lên núi tu cho đến khi bỏ xác. Dạo đó mùa khô, núi Ông không có nước, nên sư căng tấm nilon hứng sương trời uống. Mỗi đêm, sư hứng được từ lưng ca đến đầy ca nước, tạm vừa đủ dùng. Về cái ăn, trên núi còn món gì ăn được ngoài đọt chà là? Thế nên nhà sư khổ hạnh vui lòng tri túc với những phẩm vật đó, lấy thiền duyệt (niềm vui thiền định) làm chỗ an trú của đời tu.

TLGiacTy-3-camuong

Ca và muỗng inox của Trưởng lão Giác Tỵ sử dụng,
đang được giữ tại nhà chú Toại.
Đây là loại ca uống nước mà mỗi vị Khất sĩ thường có một cái, dung tích khoảng 250cm3.

Đến ngày thứ 20, trong một giấc mộng thiền, sư đã gặp một kỳ nhân. Người này cao tuổi, râu dài, mặc đồ đà, vẻ ngoài như một thầy bên chùa. Ông lão đó đến gần đưa một tay lên trước ngực chào sư và hỏi:

– Sư lên đây làm gì?

Sư thầm chê ông lão ngã mạn, chào nhà sư mà chào bằng một tay. Tuy vậy sư vẫn đáp:

– Lên tu rồi bỏ xác luôn.

Ông cụ khuyên:

– Duyên của sư chưa tới, công quả chưa đủ đâu.

Sư lớn tiếng trách ông cụ, vị đó bất thần vung tay tát sư một bạt tai rồi bỏ đi. Cú tát khiến sư văng xuống đất. Giật mình xuất khỏi cơn thiền và vội đứng dậy, sư nào thấy bóng ai, mới hay rằng kỳ nhân vừa gặp hoặc là sơn chủ hoặc là chư thần tiên ngự trên tòa núi nổi tiếng linh thiêng này.

Một võ sư như Hồ Tiền mà không tránh được một cái tát tai của ông già trên núi, để đến phải té văng xuống đất! Sự kiện này khiến tâm sư chấn động. Trong “cơn địa chấn” đó, cái bản ngã “Hồ Tiền lừng danh” và cái bản ngã “Giác Tỵ có một không hai” rớt mất xuống sườn núi! Sư vận dụng Phật pháp lý giải chuyện vừa xảy ra. Điều dễ hiểu là bởi có tâm nên mới bị dính đòn, nếu vô tâm thì chư thần đánh vào chỗ nào? Trong các tâm lượng, luôn luôn là bắt đầu từ một cái NGÃ! Nên sư kết luận: “Mình nói người ta ngã mạn mà chính mình mới ngã mạn!”…

Từ ngày bị ông cụ tát, ban đêm sư hứng sương không còn nữa! Tuy vậy sư vẫn kiên trì ở lại, vì khi lên núi sư đã lập chí bỏ xác tại tòa núi này. Thiếu nước uống, sức khỏe ngày càng cạn kiệt, vào một ngày sư đã gục xỉu tại chỗ. Như vậy sức thiền định của sư quả thật như lời ông cụ đã nói, sư chưa có sức tự chủ, chưa vượt qua được chữ BỆNH trong 4 chữ SANH – LÃO – BỆNH – TỬ (nói tắt là SANH TỬ). May sao, lúc ấy có mấy người Thượng lên núi tình cờ gặp nhà sư đang xỉu, họ đã cõng sư và mang mọi vật dụng của sư xuống núi. Sau khi cứu sư tỉnh lại, những người anh em tốt bụng đó đã đưa sư ra Tịnh xá Ngọc Long ở thị trấn Diêu Trì dưỡng bệnh.

Tịnh xá Ngọc Long vốn là chỗ sư hay ghé trên bước đường du phương hóa duyên. Tại đây có một số Phật tử mến mộ, thường hộ trì cho sư mỗi khi sư về Ngọc Long. Từ khi được đưa về Ngọc Long, sư đã dần dần khỏe lại nhờ sự chăm sóc của quý sư và Phật tử nơi đó. Đến lúc đã bình phục, sư hết lòng cảm tạ mọi người rồi lại lên đường vân du, lần này quảy bát đi vô miền Nam. Kể từ ở Ngọc Long ngày ấy, sư đã trở thành một nhà sư Giác Tỵ hoàn toàn mới mà ít ai hay.

Y vàng phất phới khắp mười phương

Thức tỉnh ai ơi giấc mộng trường!

Bể khổ Ta-bà nơi giả tạm

Bồng Lai, Cực Lạc thật quê hương.

Chơn như bổn tánh trường tồn mãi

Danh sắc tài hoa sự bất thường!

Ai sớm kết duyên cùng Chánh pháp

Đồng về bái Phật ở Tây phương.

Lần hồi đi vô miền Nam, sư đã gặp 2 Trưởng lão Giác Thìn và Giác Ngôn, rồi cùng 2 vị về khu 6, ấp Bảo Chánh, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai ẩn cư tu hành. Bấy giờ là cuối năm 1981, Việt Nam vẫn còn trong thời bao cấp nghèo khó, nên mọi người đều phải tăng gia sản xuất. Miếng rẫy 3 vị ở rộng khoảng 5 mẫu, được trồng tỉa bắp, đậu phụng, đậu xanh… nhưng thu hoạch cũng không bao nhiêu. Tại Bảo Chánh, Trưởng lão Giác Tỵ đã độ được một cư sĩ, đặt pháp danh là Thiện Ngộ. Ngoài Thiện Ngộ, sau này sư có độ thêm Thiện Duyên ở Tánh Linh, đó là 2 đệ tử cuối đời của sư.

Trong thời gian ở Bảo Chánh, thỉnh thoảng Trưởng lão Giác Tỵ có ghé ra Tịnh xá Ngọc Xuân tại Long Khánh, trực thuộc Giáo đoàn V. Lúc ấy đại đức Giác Ngọc trụ tại Ngọc Xuân, vì hâm mộ hạnh tu Tứ y pháp của sư mà thỉnh thoảng theo sư hành thiền. Một tối trong rừng La Ngà, đại đức Giác Ngọc tu thiền trong cốc. Sáng, bước xuống cốc Trưởng lão Giác Tỵ hỏi: “À, hồi hôm sư quán như vầy, như vầy… phải không?” – “Sao sư cụ biết?”, Trưởng lão chỉ mỉm cười chứ không nói gì thêm. (Ngài kiểm tra thần thông của mình à?...)

Tháng 11 năm 1983, Ban Trị sự Giáo đoàn II mời Trưởng lão Giác Thìn về trụ trì Tịnh xá Ngọc Giáng ở Đà Nẵng, Trưởng lão Giác Ngôn về trụ tại Tịnh xá Ngọc Đăng trong Thành phố Hồ Chí Minh. Còn lại một mình, Trưởng lão Giác Tỵ cũng rời Bảo Chánh, đi dọc theo sông La Ngà lên Tánh Linh. Miếng rẫy mà 3 vị Trưởng lão đã tá túc trong 2 năm qua được bỏ mặc lại, về sau dân chúng địa phương đã chiếm dụng.

Từ Xuân Lộc lên Tánh Linh không xa, nhưng theo lối vân du của nhà du Tăng khất sĩ, đến khoảng tháng 2 âm lịch năm 1984 Trưởng lão Giác Tỵ mới đến xã Bắc Ruộng. Ở Bắc Ruộng, sau khi đi khất thực như pháp, sư vào nghỉ trong nghĩa địa. Tại đó, công an địa phương đã đến hỏi thăm giấy tờ tùy thân của sư, và họ đã đưa sư về xã vì sư hoàn toàn không có giấy tờ gì cả.

Sau khi bắt sư về xã, công an xã Bắc Ruộng đã chuyển sư ra xã Lạc Tánh tạm giam lỏng. Tại đây sư sống tự nhiên, không gấp cũng không rỗi. Mỗi sáng sư thong thả ra sân tắm nắng và ngắm mặt trời (phép luyện mắt của con nhà võ), đến 7, 8 giờ thì vào nhà nghỉ… Hay tin Trưởng lão Giác Tỵ bị giam ở huyện lỵ Tánh Linh, các đại đức Giác Ngọc, Giác Hớn và anh em chú Thiện Ngộ đi xe đạp lên thăm nhưng không được gặp. Gần 2 tháng sau, đầu tháng 4 âm lịch Trưởng lão Giác Tỵ đã được thả ra, vì chính quyền xét thấy không có lý do gì để giam giữ nhà sư này lâu hơn. Khi đã được thả ra, sư đi khất thực rồi lên thẳng núi Ông. Trên núi, sư gặp một nhóm người đi rừng kiếm quả ươi, một loại trái quý của Trường Sơn dùng để ăn và giải nhiệt rất tốt, có giá trị kinh tế cao. Trong nhóm đó có một thanh niên, mấy ngày sau người đó bị kiểm lâm chận bắt ươi nên đã cắt rừng đi tránh, lại tình cờ gặp sư, từ đó quen nhau. Sư có nhờ chú thanh niên này làm giúp một cái rựa để sư sử dụng trên núi.

Chú thanh niên đó tên Sáng, nhà ở xã Lạc Tánh. Do sư muốn đi sâu vô núi, nên ngày mùng 6 Sáng đã lên núi đưa sư qua tới ngã ba suối Cát, ở lại đó với sư một đêm rồi về. Khi Sáng xuống núi, sư viết một lá thơ nhờ Sáng gởi ra Tịnh xá Ngọc Xuân giúp. Sáng mang về đưa cho Phương, một người đi tìm trầm, nhà ở Long Khánh. Chú Phương đưa thư cho chị là Phúc mang ra tịnh xá trao cho đại đức Giác Ngọc. Nhờ cô Phúc mà chú Toại cũng được biết tin cha ở trên núi Ông và quen được Sáng. Hai lần chú Toại lên núi thăm cha vào rằm tháng 7 và rằm tháng 10 đều do Sáng dẫn đường.

Đến huyện Tánh Linh, một vùng chuyển tiếp về địa hình và khí hậu của miền Cao nguyên và Duyên hải Trung Bộ, ta sẽ được tham quan tòa núi Ông hùng vĩ, sông La Ngà chảy ngang huyện một đoạn dài 50km và Biển Lạc rộng 280ha án ngữ cả một vùng…Núi Ông ở Tánh Linh cao 1302m, nằm cách trung tâm huyện 6km. Núi Ông được quy hoạch vào Khu Bảo Tồn Núi Ông có diện tích hơn 25.400ha, gồm mấy ngọn núi đều có độ cao trên 1000m và một vùng rừng nguyên sinh nhiệt đới rộng lớn, với nhiều loại cây cổ thụ cao ngút ngàn, nhiều loại động vật quý hiếm đang được bảo tồn, các quần thể thực vật và thảm thực vật đa dạng, phong phú… Nơi đây là đầu nguồn lưu xuất các dòng sông Cát, sông Phan, sông Muôn... tưới thắm cho những vùng xung quanh. Đặc biệt, khoảng mới giải phóng, nơi đây còn rất nhiều cọp, gấu, voi… các loài dã thú.

Ở trên núi, hàng ngày Trưởng lão Giác Tỵ không làm gì khác ngoài tu thiền. Hồi chưa lên núi, sư có một cái ghế xếp bằng sắt, đi đâu cũng mang theo, khi cần thì banh ghế ra, mắc mùng lên rồi vào trong ngồi thiền. Khi lên núi, sư đan một bồ đoàn bằng tre, mặt rộng 7, 8 tấc vuông, hình hộp dày khoảng 2 tấc. Sư dùng 4 sợi dây rừng treo bồ đoàn lên cao khoảng 1m dưới tán cây, mắc mùng và leo lên đó vào mùng ngồi tu. Sư vốn là một võ sư thượng thặng nên đâu ngại ngồi cao, cũng chẳng sợ dã thú hay bóng đêm. Và sư cũng đã quen với đời sống khổ hạnh rồi, nên chướng khí của núi rừng hoang dã không còn xâm nhập cơ thể sư được nữa.

Trên núi Ông, Trưởng lão Giác Tỵ sống rất đơn giản. Sư chặt mấy chạng cây cắm xuống đất, trên chạng mắc vài món đồ của sư. Mỗi ngày sư ăn một bữa trưa bằng cách nấu một ít gạo với rau rừng và muối. Tối sư ngủ luôn trong mùng ngồi thiền, chiếc mùng vuông 7 tấc, nên dĩ nhiên là ngủ ngồi! Khi trời mưa, sư che một tấm nilon trùm lên, tạm trú mưa trong đó, thong thả qua ngày…

TLGiacTy-4-mung

Chiếc mùng của Trưởng lão Giác Tỵ thường dùng,
vuông 7 tấc, miếng gạch bên dưới 4 tấc

Mọi phiền lụy của đời người đã gác qua hết, trên núi vắng sư lặng lẽ gột rửa tâm mình. Ngày tháng trôi qua, người dân Tánh Linh lên núi săn thú, lấy mây, tìm trầm, đốt than, hái lượm các thứ đặc sản của rừng… dần dần biết đến một nhà sư già, quắc thước, phong thái trầm tĩnh đang ẩn tu giữa tòa núi Ông linh thiêng. Họ rất kính phục ông cụ. Thỉnh thoảng có người ghé thăm cúng cho sư ít gạo, ít rau… sư tùy duyên tiếp nhận, chẳng thấy đó là phiền hà như hồi còn khư khư đi Tứ y pháp…

Trong hơn 7 tháng Trưởng lão Giác Tỵ ở trên núi Ông, chú Sáng hay lên thăm sư. Vào ngày mùng 10 tháng 10, chú Sáng lên núi thăm và ở lại một đêm với sư. Ngày đó Trưởng lão Giác Tỵ đã cho chú quy y Tam Bảo, đặt pháp danh là Thiện Duyên và cạo tóc cho chú. Lên núi chung với Sáng còn có Phương (cỡ tuổi Sáng), lần đó đã hỏi sư cụ Tỵ: “Sư cụ đi thế này mà có biết cách chữa bệnh không?”. Trưởng lão Giác Tỵ đáp: “Lo chữa bệnh là tà pháp, không phải là chánh pháp.”. Lát sau sư bảo Phương: “Chú có hỏi gì nữa cứ hỏi, chớ sau này không còn dịp.”. Lúc đó chú Phương đã không hỏi gì nữa. Như vậy, sư đã báo trước sẽ đi mà Thiện Duyên và Phương không để ý.

Đến rằm tháng 10, chú Toại lên núi thăm cha, Trưởng lão Giác Tỵ đã kể cho con nghe một giấc mộng thiền gần đây của ngài:

– Núi Ông có nhiều người đi kiếm mây, tìm trầm… Thời buổi này khó khăn, bà con bám rừng mà sống chứ còn cách nào hơn. Hôm đó đang ngồi thiền, sư thấy mình đi xuống suối lấy nước. Gặp một toán người đi tìm trầm đang ngồi đùa giỡn vui vẻ, sư rầy nhẹ: “Mấy chú sao không lo đi kiếm trầm mà ngồi đây giỡn chơi?”. Mọi khi sư rầy thì họ tôn trọng tránh nơi khác, để yên cho sư tu hành. Nhưng lần đó họ lại hỏi ngược lại: “Thầy làm gì mà giờ này xuống đây?” – “Tui đi xuống lấy nước. Mà sao hôm nay mấy chú khác lạ hơn mọi khi?” – “Vậy chớ thầy có biết là thầy khác lúc trước không?” – “Tui có thấy khác gì đâu?” – “Thầy xuống suối nhìn xem mình là ai đi.”.

Sư xuống suối nhìn, thấy mặt mình trong nước trẻ lại như thuở lên 3. Sư thốt lên: “Ủa, sao nay tui lạ vậy!”. Mấy người kia đứng dậy đi, vừa đi vừa cười nói ra ý là không nói trước được…

Theo giấc mộng thiền này, có lẽ sư đã vượt qua được chữ LÃO trong 4 chữ SANH – LÃO – BỆNH – TỬ và cảnh giới trong mộng chắc là Tiên cảnh (phản lão hoàn đồng) chứ không phải Thánh cảnh (Chơn không Diệu hữu). Dù sở chứng của sư dung thông Tiên cảnh thì vẫn không sai lệch Phật pháp, bởi Tiên đạo là một chánh đạo và Phật pháp vốn trùm khắp các pháp giới. Trong Kinh có kể câu chuyện đức Phật đã trả lời câu hỏi “Ngài là ai?” bằng lời này: “Khi ta là người, ta là một người giác ngộ. Khi ta là trời, ta là một vị trời giác ngộ. Khi ta là A-tu-la, ta là một A-tu-la giác ngộ. Khi ta là Phạm thiên, ta là một Phạm thiên giác ngộ…”. Như vậy chư Phật là những bậc giác ngộ, các ngài có thể mang mọi hình hài, ở mọi cảnh giới.

Xét lại câu cảm thán “Ủa, sao nay tui lạ vậy!” cho thấy Trưởng lão Giác Tỵ đã có phần bỡ ngỡ khi gặp cảnh giới này. Trong thời gian tu thiền, sư thường dùng Kinh Lăng-nghiêm (bản chữ Hán) làm sách gối đầu nằm. Vốn kinh này đã được Phật dạy rất rõ về việc tu thiền định, về 50 cảnh ma chướng biến hiện ứng với 5 uẩn, về 10 Tiên cảnh, về 25 Thánh cảnh đại định tương ứng 18 giới (6 căn, 6 trần, 6 thức) và 7 đại (địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến, thức)… nên sư đã có sự chuẩn bị. Có nghiên cứu kinh sách và hạ thủ công phu hơn 15 năm mà sư còn không khỏi ngạc nhiên trong những biến hiện của thiền. Thế mới hay thiền có vô số cảnh giới vi diệu, ứng với tâm chúng sanh, chắc chỉ có chư Phật mới biết hết…

Biết ngày xả báo thân đã sắp đến, Trưởng lão Giác Tỵ bảo con rằng: “Ngày công thành quả mãn của sư chắc không còn xa, thôi Tết này con khỏi lên thăm.”. Và khi chú Đức Toại hỏi ba tu pháp gì, ngài đáp: “Dạo này sư chỉ có 6 chữ Nam-mô A-di-đà Phật thôi, chớ không có gì khác.”. Đây là tâm nguyện vãng sanh Cực Lạc thế giới của sư, mục đích để được diện kiến đức Phật A-di-đà và nghe thuyết pháp từ kim khẩu của đức Thế Tôn đó. Có được gặp Phật và nghe pháp thì mới giải quyết thấu đáo được những hoài nghi mà một nhà sư độc giác như sư chưa lý giải được. Nói chung, quy hướng Cực Lạc là một lựa chọn sáng suốt của sư, cho thấy đến cuối đời sư vẫn kiên cố tâm Bồ-đề, không đi lạc vào các Tiên cảnh và Thiên cảnh trong Tam giới…

Chiều 14 tháng 11 âm lịch có một cơn mưa cuối mùa rất to ở núi Ông. Thời điểm đó chú Thiện Duyên đang ở bên sông Phan. Đến khi về nhà tại Lạc Tánh, chú không có thời gian rảnh để lên thăm sư. Đầu tháng Chạp, Thiện Duyên lên núi thăm Trưởng lão Giác Tỵ mà tìm không gặp, không biết sư đã dời đến chỗ nào. Qua sau Tết, Thiện Duyên đã rủ ông Năm Lượm (nay là sư cụ Minh Nhẫn) lên núi tìm sư lần nữa mà cũng không gặp. Đến khi Thiện Ngộ với một người bạn từ Bảo Chánh vào hỏi thăm Trưởng lão Giác Tỵ, Thiện Duyên đã cùng 2 người lên núi tìm sư lần thứ 3. Lần đó 3 người đi qua đến Mỹ Thạnh, tới rừng cây bằng lăng ở Mương Mán, rồi ngược lên núi Ông lại vẫn tìm không thấy Trưởng lão Giác Tỵ. Đương thời vùng này vẫn còn Fun-rô hoạt động, nên mọi người đều lo là sư đã bị bắt dẫn đi.

Lên lại núi Ông, không may Thiện Ngộ phát bệnh sốt rét, 2 người đi chung đành để Thiện Ngộ nằm tại ngã ba suối rồi đi tiếp. Vừa đi vừa gọi, lên khỏi chỗ Trưởng lão Giác Tỵ thường ngồi tu vẫn không gặp, Thiện Duyên và bạn Thiện Ngộ cắt rừng xuống lại chỗ Thiện Ngộ đang nằm. Thấy những dấu cây được phát, Thiện Duyên đi theo, và không uổng công 3 lần tìm kiếm, chú đã gặp được vị Trưởng lão khả kính của mình!

Cách ngang địa điểm Trưởng lão Giác Tỵ thường ngồi tu khoảng 20m, Thiện Duyên đã tìm được nhục thân của Trưởng lão (chỗ này không có đường đi qua, nhưng từ suối đi lên thì được). Ngài đã cao đăng Phật quốc trong tư thế tọa thiền, đầu đã sứt ra rớt nằm bên ngoài cái bát để trước mặt nhà sư, ngay sát bồ đoàn. Còn tay chân và thân thể ngài được gói trọn trong y, cao khoảng 3 tấc, trên bồ đoàn bằng tre của ngài. Túi đồ của ngài được treo lên một cái cây cặm sau lưng. Nồi, ơ, chén, bát… được rửa sach, sắp ngay ngắn trên một gờ đá. Cái y thượng ngài thường dùng không biết bị con gì kéo dài xuống mé suối, y được vuốt gọn lại theo đường chéo y. Trong cảnh rừng rậm rạp yên ắng, không có ruồi nhặng, không có chút mùi hôi thúi nào bốc ra từ thân xác kia. Hai người vừa mừng vừa sợ rởn tóc gáy. Họ không dám đụng đến hiện trường, chỉ xuống cho Thiện Ngộ hay rồi vội về báo tin cho chú Toại và vài người thân biết.

Lần đi thăm cha vào rằm tháng 10, chú Toại đã không hiểu ý cha và cũng không có cảm nhận rằng đây là lần cuối mình gặp cha. Nên khi về nhà ở Mỹ Tho, chú lo làm ăn mấy tháng cuối năm. Đến rằm tháng Giêng chú định ra Tánh Linh thăm cha thì cũng vừa lúc nghe tin ông cụ đã tịch. Ngày 20 tháng Giêng chú ra đến nơi, cùng đi có hai đại đức Giác Ngọc và Giác Ân. Sau khi bàn tính, chú Toại, 2 đại đức, Thiện Duyên, ông Tám Tàng, ông Tám Long, ông Năm Lượm, bà Chín Cam-pu-chia, cô Huệ và cô Phúc (2 cô về sau đã xuất gia) cùng nhau lên núi, đến chỗ phát hiện nhục thân của Trưởng lão Giác Tỵ.

Trên lưng triền núi, không xa dòng suối Cát, dưới những táng cây rừng dày đặc, những gì còn lại của nhục thân Trưởng lão Giác Tỵ được gom trên một bồ đoàn đan bằng tre. Thường ngày ngài treo bồ đoàn trên cây như cái xích đu và ngồi tu trên đó. Nhưng khi ra đi ngài đã để bồ đoàn trên đất, phía sau kê 2 cục đá cho bằng, phía dưới khoét đất một lỗ bằng cỡ cái bát, bỏ đầy lá cây vào lỗ, chắc để nước từ thân chảy ra sẽ xuống đó.

Tình trạng nhục thân Trưởng lão Giác Tỵ lúc đó là thịt đã tan hết, còn chút ít da. Da đầu và tóc trôi xuống y, y áo gói kín toàn thân. Đầu lâu rớt nằm áp má xuống đất, phía bên ngoài bình bát của sư. Đầu chỉ còn xương, chính chú Toại đã ôm đầu lâu đặt lên bồ đoàn. Đặc biệt, không có một con mối hay một con kiến nào bò lên xác, và tịnh không có một chút hôi thúi. Mà lần đó cũng không có ai chịu vén cái áo ra xem bên trong như thế nào nữa…

Đồ đạc của Trưởng lão Giác Tỵ để trên gờ đá còn đầy đủ hết, không thiếu gì. Ngoài bộ y mặc trên người, còn có một bộ y trung hạ để ở ngoài. Y thượng bị kéo ra đất, cách xa xác khoảng 5, 6m. Trên y thượng có 2 lỗ rách, lỗ chữ nhật khoảng 12 x 15cm, lỗ bầu dục kia trung bình 20 x 10cm. Hồi lên núi, sư có mang theo một cái áo màu vàng, dài tay, loại áo các sư Khất Sĩ thường mặc khi làm việc. Thời gian ở núi sư không mặc đến áo đó, nhưng khi mất thì sư lại mặc nó. Do nhờ chiếc áo này, toàn bộ xương sống, xương sườn và xương cánh tay gom lại một chỗ trong áo, nằm chồng lên xương chậu và xương chân trong y hạ, trên cùng có y trung che thêm một lớp.

Lúc chú Đức Toại lên núi, chiếc y thượng vẫn còn nằm nguyên chỗ cũ, không ai dám thay đổi hiện trường. Ban đầu chú Toại đến ôm đầu cha đặt lên bồ đoàn, sát 2 chân. Rồi mọi người gom đồ đạc của Trưởng lão bỏ hết vào cái lu da bò đựng gạo của ngài (gạo, muối… lấy ra). Sau đó xuống suối vần một tảng đá bàn lên, phải mất cả 2 tiếng. Mọi người cùng nhau bưng bồ đoàn ra, bang đất bằng bằng, đặt tảng đá bàn vào đúng chỗ đã làm dấu rồi bưng bồ đoàn đặt lên. Ổn định đâu đó mới lấy đá nhỏ chất xung quanh như cái thành, rộng khoảng 1m, cao khoảng 6 tấc, đem tấm nilon của Trưởng lão Giác Tỵ trùm lên… Trời chiều dần buông, đường rừng lại xa, nên hôm đó cả toán đã nghỉ lại, sáng hôm sau mới về.

Ngẫm lại cuộc đời tu hành của Trưởng lão Giác Tỵ có 3 giai đoạn rất rõ rệt:

– Năm 1967 sư xuất gia, không tụng kinh, không theo chúng làm gì và không bao lâu đã rời giáo đoàn đi hành Tứ y pháp theo như Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy. Lúc này sư rất khó tánh, hay nặng lời chê bai những ai không sống Tứ y pháp như mình, nên không được lòng chư Tăng.

– Ba năm cuối đời, sau khi từ núi Ông ở Vân Canh xuống, sư thay đổi hoàn toàn. Ba năm đó sư bắt đầu tùy duyên nhập chúng, bất kể là tịnh xá của giáo đoàn Tăng nào, tánh tình ôn hòa, được sự cảm mến của những ai tiếp xúc với sư.

– 9 tháng cuối đời của Trưởng lão Giác Tỵ diễn ra tại Tánh Linh và núi Ông, dệt nên một huyền thoại trong lòng người địa phương. Dân gian sùng kính núi Ông linh thiêng bao nhiêu, thì khi thấy hạnh tu Tứ y pháp của Trưởng lão Giác Tỵ trên núi, mọi người lại càng kính ngưỡng ngài bấy nhiêu.

Sau khi đã làm tròn bổn phận với người đã khuất, chú Đức Toại và mọi người cùng nhau xuống núi, 2 Đại đức Giác Ngọc và Giác Ân ở lại núi tu. Từ đó, trên núi mỗi đêm vang tiếng tụng kinh Phổ Môn và Di Đà (2 vị tụng riêng), tiếng mõ chuông phá tan bóng tối tĩnh mịch của núi rừng… Còn chú Toại vô Thành phố Hồ Chí Minh, tìm đến Tịnh xá Trung Tâm xin thượng tọa Giác Toàn làm một văn bản để chú mang ra huyện Tánh Linh nhờ giúp đỡ. Đến khi chú ra lại Tánh Linh trình báo, công an địa phương nhân đây đã buộc chú phải mang hài cốt của cha xuống núi. Chú Toại cương quyết phản kháng, bên công an đã lên núi bắt 2 đại đức Giác Ngọc và Giác Ân xuống, đồng thời bắt đại đức Giác Ân phải gùi di cốt và tất cả mọi vật dụng của Trưởng lão Giác Tỵ xuống theo. Bấy giờ, 2 đại đức đã ở trên núi được 40 ngày.

Cuối cùng thì di tích Trưởng lão Giác Tỵ trên núi Ông đã bị san bằng, xương và y bát cùng mọi vật dụng của Trưởng lão đều được đại đức Giác Ân bỏ hết vào một cái quách, bên ngoài bọc bằng tấm nilon của Trưởng lão, đem chôn tại nghĩa địa Lạc Hưng trước sự chứng kiến của dân địa phương. Nói cho ngay, ban đầu Trưởng lão Giác Tỵ đã lánh vào một chỗ không ai ngờ để xả báo thân, bởi hậu nhân không hiểu được thâm ý của ngài nên mới ra cớ sự…

Sau sự cố đó, chú Đức Toại về nhà chuyên trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa một thời gian dài, tâm nguyện được cha cho biết ngày viên tịch. Đáp ứng lòng thành của con, sư đã báo mộng cho chú Toại biết ngày sư tịch là đúng rằm tháng 11 năm Giáp Tý (ngày 07/12/1984). Buổi trưa hôm đó sư có nấu cơm và cúng Phật xong thì đi…

Thời gian dần trôi, cám cảnh bậc tu hành chơn chính lại được đem chôn xuề xòa, thà rằng để đơn sơ trên núi như ban đầu mà lại hay, nên chú Toại và mọi người đã bàn với nhau làm mộ Trưởng lão Giác Tỵ lại cho trang nghiêm. Đến năm 87 chú Toại được công ty thưởng một số tiền lớn, có đủ điều kiện để xây mộ cho cha. Vợ chồng chú Toại liền ra Tánh Linh, cùng Thiện Ngộ, Thiện Duyên, thầy Mây (dạy ở Trường Trung cấp Phật học Phan Thiết), bà Chín Cam-pu-chia và 3 người nữa tập trung làm mộ Trưởng lão Giác Tỵ chỉ trong một ngày.

TLGiacTy-6-cot

Sáng sớm, Chú Đức Toại (đứng đầu bên trái), Thiện Ngộ (giữa) và Thiện Duyên
đã mang chiếc quách chứa xương và y bát của Trưởng lão Giác Tỵ lên khỏi mặt đất.

Hôm đó, sau khi thầy Mây cúng nguyện, chú Toại, Thiện Ngộ và Thiện Duyên bắt đầu quật mộ mang hòm lên. Rã hòm ra, chú Đức Toại lấy các vật dụng để ra ngoài, rửa sạch từng cái xương rồi sắp ngay ngắn qua một hòm mới. Mọi người xây mộ kế bên cạnh, cách qua khoảng 1m và quay mộ lại theo hướng hiện nay. Chú Toại giữ lại y thượng, bát, ca, muỗng, mùng và túi bát của Trưởng lão Giác Tỵ, mang ra sông La Ngà giặt rửa sạch rồi mang về Mỹ Tho thờ. Còn áo và các y kia cùng tấm nilon chú đem đốt hết.

TLGiacTy-7-ybat

Y bát của Trưởng lão Giác Tỵ thờ tại nhà chú Đức Toại.
Bát bằng gang, chu vi hông khoảng 8 tấc, cao khoảng 2 tấc, đã lủng mấy chỗ.

Mộ Trưởng lão Giác Tỵ được 2 con của ngài cùng 2 đệ tử và dân địa phương xây lại trang nghiêm vào năm 1987. Mộ ngài có hình dạng khác hơn mọi ngôi mộ xung quanh. Nó trông thật đằm thắm, đơn giản mà đẹp đẽ với hình những cánh sen, búp sen... Bậc giải thoát chẳng màng chi đống xương thúi, nhưng đối với người ở lại, làm mộ là dạy cho con cháu biết quý trọng ân nghĩa của cha ông, nhắc nhở người học trò biết cung kính công đức của những bậc thầy đã khuất. Đây là việc có ý nghĩa mà vợ chồng chú Đức Toại, Thiện Ngộ, Thiện Duyên, bà Chín Cam-pu-chia, thầy Mây và mọi người đã làm để cúng dường lên Trưởng lão Giác Tỵ.

TLGiacTy-8-mo

Mộ Trưởng lão Giác Tỵ tại nghĩa địa Lạc Hưng, thị trấn Lạc Tánh, năm 2012.

Hồi Hòa thượng Giác Thường - Trị sự Trưởng Giáo đoàn II còn sống, Hòa thượng đã bảo chú Toại hốt cốt cha rồi hỏa táng, đem về bảo tháp ở Tịnh xá Ngọc Giáng thờ. Tuy cảm kích sự quan tâm của quý Hòa thượng, nhưng chú Toại nghĩ rằng lúc còn sống cha đã hay ở nghĩa trang, thôi bây giờ để nhục thân của cha an nghỉ tại đó luôn. Và nếu sau này có điều kiện, chú Toại mong sẽ đưa hài cốt cha lên núi trở lại, chỗ ngài đã xả báo thân.

Trong khi chưa làm được điều đó, hơn 10 năm trước đây chú Toại và Thiện Duyên đã lên núi làm một tấm bia tưởng niệm Trưởng lão Giác Tỵ. Hai anh em đã mất cả tuần để đục nguyên một mặt đá ra, rồi gắn tấm bia đá vào. Những lời khắc trên bia tưởng niệm đã nêu vắn tắt về thân thế của cố Trưởng lão Giác Tỵ như sau:

TLGiacTy-9-ditich

Di tích Trưởng lão Giác Tỵ xả báo thân trên núi Ông

BIA TƯỞNG NIỆM CỐ THIỀN SƯ GIÁC TỴ

“Xếp cẳng gốc cây hàng tuệ sĩ

Chôn mình trong đất bậc chơn nhơn

Thân tâm xuất gia hưởng Niết-bàn

Trí tánh hành đạo chuyển Pháp luân.”

Thế danh của ngài là HỒ TIỀN

Sinh năm 1920 tại thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Xuất gia năm 1967 tại Tịnh xá Ngọc Nhơn, Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với Giáo đoàn II, trực thuộc Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam, bổn sư là Trưởng lão Tăng chủ Giác Tánh.

Viên tịch năm 1984 tại Núi Ông, xã Đức Bình, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.

Trụ thế 64 năm thuận theo “Chư hành vô thường, Thị sinh diệt pháp, Sinh diệt diệt dĩ, Tịch diệt vi lạc.”.

Môn đồ pháp quyến đồng phụng lập.

Hiện nay (tháng 5/2012), một ngôi chánh điện và mấy tòa nhà gỗ đã được thầy Chúc Trung ở Bến Tre lên cất trên núi Ông, nơi di tích Trưởng lão Giác Tỵ xả báo thân. Trong tương lai, có lẽ thầy sẽ thành lập được đạo tràng ở nơi đây. Núi Ông linh thiêng dần dần sẽ có những ngôi già-lam thắng cảnh, góp phần mang lại một phong khí mới cho cả vùng sơn thủy hữu tình rộng lớn này!

 

Ban Biên tập: Trong bài đăng lại, Ban Biên tập có bỏ ra một vài tấm hình, xin tác giả hoan hỷ.

Nguồn: Ánh Nhiên Đăng