Kỷ yếu khóa tu NGHPKS lần thứ 26 - kỳ 2

NS. Ý LIÊN

Tịnh xá Ngọc Bình, Đồng Nai

DÒNG CẢM AN KHÊ

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính lạy đức Tổ sư Minh Đăng Quang

Kính lạy Giác linh quý Trưởng lão Tăng Ni

Kính bạch quý Ni trưởng trong ban chứng minh

Kính bạch chư Ni trưởng, Ni sư điều hành khóa tu

Kính bạch Thiền đường đại chúng

Kính thưa quý Phật tử

Trước pháp đường đấng Thế Tôn an ngự, hương trầm hoa đăng lan tỏa, dưới bảo tọa chúng pháp tử thành kính đảnh lễ chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng.

Chúng con pháp danh: Ý Liên xin nghiêng mình kính lễ chư Tôn đức Ni và dâng lên lời tri ân.

Ngưỡng bạch quý Ngài, khóa tu truyền thống lần thứ 26 được Ni trưởng trụ trì tịnh xá Ngọc Trung, An Khê đăng cai, chư Ni chúng con từ hai miền Nam - Trung về tham dự.

Đoàn phát xuất từ TP. Hồ Chí Minh lúc 18 giờ ngày 18/01/Âl dưới sự hướng dẫn của Ni sư điều phối, chư Ni trưởng, quý Ni sư và chư Thiền sinh cùng đồng hành trên chuyến xe đi từ TP. Hồ Chí Minh đến An Khê. Xe rời Ngọc Phương đưa những người con Phật vượt qua các phố thị, núi đồi xa tít. Trông lên những hàng ghế đầu là quý Ni trưởng, Ni sư cao niên lạp trưởng thừa nhiệt huyết hoằng pháp, nhất là Đại lão Ni trưởng Chiêu Liên - hàng Giáo phẩm Ni Giới - trụ trì tịnh xá Ngọc Khánh - Đồng Nai. Ngài không ngại sức yếu thân bệnh ngồi suốt tuyến đường mà nhan diện hỷ lạc kỳ đức. Phải chăng Ni trưởng vì công nghiệp của Tổ Thầy, vì yêu đoàn hậu tấn nên diệu hóa nhãn lực làm gương cho Ni chúng... Xe vượt núi, băng ngàn theo định mức qua hàng trăm cây số thâu đêm, chúng con dõi mắt nhìn non sông đất Việt trong tiết Xuân phân, khí lạnh tràn ngập mà cảm thương bao lớp tiền nhân đã khổ nhọc dựng và giữ nước để cho người hiện tại an hưởng thanh bình. Những ức niệm về khẩn hoang địa chất, đồ hình làm cho đất nước phồn thịnh là cả công trình trí tuệ khó nghĩ bàn. Đẹp vô cùng những dãy núi chập chùng, những hàng cây chạy dài thẳng tắp, xa xa những áng mây lang thang theo gió sớm cũng hòa đàm với núi rừng... Gần sáng Gia Lai bừng lên một ngày mới. Này là những dãy phố cao tầng tráng lệ đứng nghiêm vị chào thưa, kia là những thương hiệu, bách hóa mỉm cười chao động phố phường, cảnh đẹp, người xinh thế mà xe chẳng màng ngắm, có lẽ xe cũng thiền quán, chánh niệm từng sát na để biết rõ đâu là sắc, danh. Thế là xe bỏ lại sau lưng những dãy phố se ánh vàng ban mai rực rỡ. Tiến đến những thôn trang với những dãy nhà thật thấp như nói lên nếp sống bình dị của người dân quê, chốc sau xe đến Thị xã An Khê, dừng trước cổng Tịnh xá, thoạt nhìn có vẻ nhỏ bé, đơn sơ nhưng dang cả một vòng tay Bồ Tát hỗ trợ nhân sinh.

Ni trưởng và Ni chúng ân cần tiếp đoàn làm cho chư Thiền sinh nghe ấm lòng quên đi khí lạnh vùng Cao nguyên. Vào đến Tịnh xá, chúng con mới thấy được nếp kinh dinh thuần tịnh. Quả là phước hạnh Ni đoàn há kém chư Tăng vậy! Cả trăm Thiền sinh đều được Ni trưởng ban cho lời thăm hỏi thân tình – Người bảo chúng Ni trao cho Thiền sinh những áo kép, mền hoa nên thân tâm chúng con an hảo.

Ngày khai mạc cũng như ngày cuối khóa tu, chúng con hân hạnh được chư Tôn Hòa thượng Giáo phẩm, Đại đức Tăng Ni tỉnh Gia Lai cùng Ni trưởng hàng Giáo phẩm Ni giới chứng minh và ban lời khích lệ, khâm kính lời dạy của quý Ngài chúng con như có sự trợ lực hơn. Vào khóa tu là khất thực truyền thống, gần trăm vị thân khoác y vàng, tay bưng bát đất, đầu đội càn khôn, chân mang giày thế giới, từng bước chân giải thoát đem ánh sáng an bình đến nhân sinh trên địa phận An Khê... Rồi những giờ thiền hành chúng con an trú theo từng giai đoạn, mỗi mỗi đều tỉnh giác, sinh động hơn là những giờ triển khai Chơn Lý. Chư Tôn đức Ni dẫn giải xúc tích khiến cho chúng con càng kính phục Tổ sư. Quả thật chúng con đã trải qua pháp học của các kinh tạng, lời huấn đạo của Giáo thọ mà vẫn chưa diệt được bản ngã, sở chấp điên đảo, nhưng khi dự vào khóa tu, vừa nghiên cứu vừa thiền tập, chúng con đã buông được nhơn tướng, ngã tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Để thiết lập và ứng dụng pháp, hiệu quả cho Thiền sinh, quý Ni sư điều phối đã diễn giải uyên bác những sắc pháp, danh pháp, giúp chúng Ni nhận rõ được Tam pháp ấn từ thân tứ đại giả hợp mà không đắm nhiễm hoặc ghét bỏ khi đối cảnh thuận, nghịch. Chúng con quán xét tâm, điều phục ý trong từng sát na, vì thế mà chúng con vượt qua năm triền cái, làm lớn mạnh năm thiền chi, cảm giác hỷ lạc, nhất tâm hiện hữu. Giờ giải lao chúng con nhìn thấy những dãy núi đỡ nâng những tòa cao ốc, lại nhớ một thơ đã viết về cảnh đẹp An Khê:

An Khê có núi Hòn Kong

Có rừng Hành hột, có dòng Sông Ba

Có đồng cỏ mướt bao la

Vườn cây đơm trái nở hoa bốn mùa.

Nhà thơ nhìn cảnh trí, dệt nên vẻ đẹp An Khê là thế. Xuyên qua bài thơ, chúng con nhìn núi Hòn Kong mà nghĩ núi như những bậc Tổ Thầy tự bao giờ cho đến bao giờ vẫn đẹp cùng non nước, rừng cây và những dòng sông là những pháp bảo mà chúng con đang huân tập. Đồng cỏ mướt bao la chỉ cho phiền não thế trần đã làm cho chúng con mê ngột. Vườn cây đơm hoa kết trái là lúc chư Thiền sinh tinh tấn tu, đoạn các hệ phược, đoạn nghi hoặc thời Thánh quả hiện hành. Lại những đêm ngồi thiền tiếng nhạc, lời ca nhà ai vang lên, sóng nhạc giúp thế nhân giải khuây sau ngày làm việc mệt nhọc. Thiền sinh chúng con lắng tâm nhiếp niệm, nên tiếng nhạc đời càng xa dần, thay vào đó sóng pháp tâm thức làm tịnh hóa pháp trần.

Giờ thọ thực chúng con được Phật tử đặt bát, thức ăn uống được chư vị hộ thiền cúng dường thật mỹ vị và thanh lương, chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh dâng lên từ tấm lòng ái kính đạo. Thọ nhận bát cơm, tam đề ngũ quán, sao lòng cảm thấy bâng khuâng... tiềm thức hiện lên cảnh thọ trai đơn bạc của Tổ sư, quý đức Thầy lúc mới mở đạo, chắc hẳn kham khổ lắm! Thế mà chư Tôn đức Tăng Ni vẫn vui lòng phát triển sự nghiệp cho chúng đệ tử được thừa hưởng.

Kính bạch chư Thiền đức Ni! Thắm thoát đã đến ngày kết thúc khóa tu, Thiền sinh chúng con trang bị pháp ngữ đáp nghĩa ân Sư. Dẫu biết rằng tu tập Giới Định Tuệ không chấp vào hình thức tạ pháp, nhưng chúng con còn sống trong đối đãi nên mạn phép bộc bạch vài lời tri ân đến các bậc ân nhân đã cưu mang chúng con trong tuần lễ tu học. Chúng con xét nghĩ khi lập một sự gì muốn thành công phải qua nhiều bàn tay tinh cần, trí tuệ mẫn tiệp làm nên. Kết quả tu tập của chúng con là do lòng từ bi của chư Tôn Giáo phẩm, nhất là Ni trưởng trụ trì và chư Ni hộ thiền, các Ngài nhọc tâm, nhọc sức, thế mà gương mặt luôn rạng rỡ khinh an, tấm lòng Bồ Tát hằng nghĩ đến tha nhân chẳng nề gian khó. Với khóa tu này, Ni trưởng và Ni chúng, Phật tử nơi đây đâu an lòng tu tập như chúng con... Biết nói gì hơn để gọi đáp ân người đại sĩ. Mai này khi trở về trú xứ chúng con hạ quyết tâm tu chứng Thánh quả, hoằng pháp lợi sanh, hầu đền ân quý Ngài trong muôn một.

Chúng con xin nguyện cầu chư Tôn đức Tăng Ni An Khê - tỉnh Gia Lai cùng chư Thiền đức Ni pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ, đạo lực tỏa khắp năm châu, đem an lành hạnh phúc đến muôn loài. Và quý Ngài là núi cao vững chải làm điểm tựa cho chúng con trên lộ trình tìm về bảo sở.

Kính chúc quý Sư cô hộ thiền đầy đủ sức thần tiến tu để thành tựu Bồ Tát hạnh.

Thân chúc quý Phật tử hộ thiền, các nhà đạo tâm cúng dường khóa tu truyền thống được thắng duyên thắng phước trong việc gầy dựng sự nghiệp. Chúc gia đình quý vị đầy đủ 5 phước báu "Sống lâu, sắc tốt, yên vui, sức mạnh và trí tuệ".

Xin chúc chính quyền địa phương thân khỏe tâm an, ý chí cao thanh để phục vụ cho lý tưởng của Bác và Đảng.

Nguyện cầu Tiên vương, tướng sĩ, anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân, siêu sinh Lạc quốc. Nguyện chư hương linh được ký tự tại Tịnh xá Ngọc Trung trực vãng Tây phương, bách nạn cô hồn, tốc xả mê đồ, siêu sinh Tịnh Độ.

Phổ nguyện thế thế nhân sanh, cải ác tùng thiện, chí nhân chí sĩ, vạn hạnh an tường, vạn loại hàm linh siêu sanh thoát hóa.

Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát Ma Ha Tát

HOA SEN

PHÁP ÂM THẦY HIỀN

Thầy dắt con đi từ cõi mộng

Trao cho giáo pháp tối huyền thâm

Pháp âm ngày ấy còn vang vọng

In mãi trong con tận đáy lòng.

Khóa tu Truyền thống Ni Giới Hệ phái Khất sĩ lần 26được tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Trung, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai đã thật sự khép lại nhưng pháp âm của quý Ngài vẫn vọng vang trong lòng chúng con. Chúng con thật sự xúc động khi ngắm nhìn nụ cười hiền hòa khả kính hiện trên gương mặt đã nhiều nếp nhăn của quý Ni trưởng, Ni sư. Mặt dù tuổi cao sức yếu nhưng lúc nào quý Ni trưởng cũng đem hết tâm huyết của mình truyền dạy cho đàn hậu học để giáo pháp của Đức Như Lai không bị mai một. Quý Ngài đã truyền trao cho chúng con những phương pháp tu tập, những kinh nghiệm quý báu để chúng con học hỏi và hành trì cho tốt. Khóa tu này cũng thế, mỗi ngày, mỗi ngày, chúng con đều được lắng nghe pháp âm của quý Ni trưởng, Ni sư ban rải.

Ngày 21, Ni trưởng Cảnh Liên giảng bài chơn lý 53 - Số tức quan. Qua những pháp tu tập hơi thở có khó dễ khác nhau, Ni trưởng chia sẻ với đại chúng:Không nên chấp có hơi thở mà phải để tự nhiên. Không có pháp nào qua pháp tự nhiên vì tự nhiên chơn như là định, trung đạo, không nên thái quá bất cập. Với lời dạy của Đức Tổ Sư “Nên tập sống chung tu học”, Ni trưởng nhấn mạnh nên tập sống chung, chung đụng với nhau mới biết tâm mình ra sao chứ sống riêng một mình thì quá dễ, tâm viên ý mã chẳng ai cầm cương nên phép tăng chẳng lìa đoàn là vậy.

Và cái sống, biết, linh thì ai cũng có sẵn nhưng do thái quá bất cập, tà pháp ngăn che ám muội không nhận ra được. Chúng ta sống một mình những tánh khí nóng nảy, sân si nổi lên rất khó dừng lại nên phải tập sống chung với nhau, phải ngồi lại học chung, chia sẻ kiến thức cho nhau để cùng lắng nghe và sửa đổi.

Ni trưởng còn nêu rõ ba món tinh, khí, thần trong thân xác của chúng ta để ngăn ngừa bệnh tật. Lồng vào đó Ni trưởng phân tích ba mật mà Tổ Sư đã dạy là thân mật, khẩu mật và ý mật. Với thân không nên lao chao phải theo dõi hơi thở để điều phục nó, khẩu thì bớt nói trở lại, còn ý rất quan trọng phải hàn phục vì công nó cũng đứng trước mà tội nó cũng đứng đầu.

Cuối cùng Ni trưởng nhắn nhủ hành giả nên giữ thân, khẩu, ý cho trong sạch và giữ gìn tinh, khí, thần hay giới định huệ đầy đủ thì lục căn thanh tịnh, thất tình đoạn phủi, ba độc tiêu trừ, ngũ uẩn qua khỏi và nhơn ngã bỉ thử không còn. Như vậy, phép số tức quan hay sự nhập định dưỡng khí rất quan trọng đối với người xuất gia trên con đường giác ngộ giải thoát.

Ngày tiếp theo, Sư cô Trí Liên đảm trách bài chơn lý 20 - Trên mặt nước. Sư cô đã dẫn trích lời dạy của Đức Tổ Sư trong bài và giảng giải rất chi tiết nội dung của bài giảng.

Sư cô phân tích rất rõ mặt nước là mức trung bình của đạo đức xã hội, con người sống trong xã hội là hạt, là bùn và mặt đất ở dưới nước bùn. Người thế gian sống trong gia đình và xã hội là sống cuộc sống riêng tư, lợi ích cho chính mình nên nó lắng xuống dưới nước. Còn người xuất gia là người cũng sinh ra từ trong gia đình và trong xã hội, một khi cắt ái ly gia ra khỏi nhà thế tức là vượt ra khỏi gia đình và xã hội làm sen từ trong bùn đất, sinh ra từ trong bùn đất nhưng vượt lên khỏi mặt nước. Điều này muốn nói rằng người xuất gia chúng ta không nên trở lại nhiễm đất bùn của thế gian mà phải vươn lên trên khỏi mặt nước.

Sư cô nhấn mạnh lời dạy Đức Tổ sư: “Lời nói của người tu ví như hoa sen, việc làm của người tu ví như lá sen, ý niệm của người tu ví gương sen”. Thế nên lời nói của người xuất gia phải đẹp, hành động phải đẹp, ý niệm phải đẹp vì chính hình tướng của người xuất gia thôi cũng đem lại gương đạo đức cho đời rồi. Người xuất gia sống trong xã hội cũng ví như cọng sen đứng trong bùn mà cọng sen đó mang trên cây hoa sen, gương sen và lá sen. Vì thế người xuất gia phải tự cân nhắc, thôi thúc tâm mình sao cho thân khẩu ý trong sạch.

Người xuất gia là làm gương cho đời bằng sự nhẫn nhục, hy sinh, vượt qua những cảnh không như ý của cuộc sống. Vì vậy người xuất gia có thể che chắn cho gia đình và xã hội. “Đem cho tín chủ phước thanh tịnh, xin lấy cho mình nghiệp khó khăn” là vậy.

Sư cô còn trình bày tinh thần Tứ y pháp để đại chúng nhận ra pháp môn hàng đầu tối quan trọng mà Chư Phật để lại. Thời Thầy Tổ chúng ta sống luân chuyển không ở một nơi, điều này trợ duyên cho việc buông xả, không chấp giữ. Còn chúng ta ngày nay vì hoàn cảnh, môi trường rất khó áp dụng tinh thần này nên chúng ta phải tự nhắc mình bớt riêng tư, bớt cất giữ. Tuy còn nuôi thân tạm bằng vật chất thế gian nhưng đó chỉ là phương tiện để duy trì thân này tu tập cho tốt.

Ngày 23, ngang qua bài Chơn lý Chánh Kiến, số 26, Ni trưởng Khiêm Liên đi sâu giảng rộng và chỉ ra những sai lầm cố hữu, những tập tục hủ lậu do sự dốt nát của con người khiến cuộc đời trở nên rối rắm, phức tạp, thoái hóa.

Ni trưởng phân tích kỷ để ta thấy tất cả mọi tệ nạn trong xã hội đều do sự ngoan cố không chịu tìm hiểu và do lòng tham lam, ích kỷ của con người gây nên. Sự ham muốn về ngũ dục: tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn ngon, ngủ kỹ của con người là vô độ, không có điểm dừng “được voi đòi tiên”. Cuộc sống càng đa dạng thì những nhu cầu về sự sống càng gia tăng. Những thói hư tật xấu như trộm cắp, lường gạt, xảo trá… càng phát triển. Muốn chấm dứt những tệ nạn trên phải có cặp mắt chánh kiến, phải có cái thấy thiện, bất thiện, phước báo, khổ báo, nhân quả, luân hồi, tử sanh … thì mới chặn đứng được mọi tệ nạn và phát huy đạo đức, phong hóa, cho cuộc sống được thăng hoa.

Và từ Chánh kiến dẫn đến Chánh Tư Duy, là suy nghĩ đúng, hiểu biết đúng. Khi đã có hai ngọn đèn chánh kiến và chánh tư duy thắp sáng tâm trí rồi mới đủ nghị lực giữ giới: “Ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn là giai đoạn hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện đạo đức bản thân. Thân trong sạch, không lỗi lầm thì tâm mới an tịnh, thông sáng, thấy rõ chân tướng cuộc đời - CHÁNH NIỆM – Từ Chánh Niệm đưa đến Chánh Định, thềm thang vững chắc để bước lên lầu đài tuệ giác chứng Tam Pháp Ấn VÔ NGÃ, VÔ THƯỜNG, KHỔ, giác ngộ, giải thoát, tự tại Niết Bàn.

Ni Trưởng còn nhấn mạnh, trong sự tu hành, chúng ta phải lấy chánh kiến để soi chiếu mọi động niệm của tâm mình vì tâm tham là rất vi tế, xảo quyệt, lau lách, tráo trở, biến trá khôn lường, nó dùng đủ thứ mặt nạ hoa mỹ để che đậy cái mặt thật tham, sân, si của nó. Tu đến thánh quả thứ tư A La Hán mới đoạn tận gốc rễ của tâm tham vi tế này.

Ni trưởng nhắn nhủ chư hành giả: Là đệ tử của Đấng Toàn Giác, của Tổ Sư “Nối truyền chánh pháp” Minh Đăng Quang, chúng ta phải thông tỏ rốt ráo giáo lý Vô Ngã Tướng này thì mới có thể nếm được pháp vị Niết Bàn. Bản ngã và Niết Bàn là con đường ngược chiều cũng như bóng tối và ánh sáng, có cái này tức không có cái kia, không thể cùng một lúc có cả hai cái được.

Ngày thứ năm của khóa tu, Ni trưởng Gương Liên trình bày chơn lý Nhập định, số 14.Ni trưởng đi sâu phân tích chỗ uyên áo của định để đại chúng thấy rõ tầm quan trọng của việc tu định. Ni trưởng dạy: Định là chỗ yên lặng, là chỗ trở về và cũng là năng lực mạnh mẽ, là thân mạng của thân tâm chúng ta. Nhưng để hiểu rõ hơn Ni trưởng trích dẫn câu chuyện hai cậu học trò. một người thầy có hai học trò, một nghèo và một giàu. Một hôm hai người học trò đi xa, trên đường đi người học trò nghèo nói: cách đây vài dặm có một con voi bị mù con mắt trái, trên lưng voi có người phụ nữ mang thai sáu tháng và em bé gái sáu tuổi. Người học trò giàu không tin nhưng đi một hồi thì thấy có con voi y như người học trò nghèo vừa nói. Hỏi tại sao biết voi mù, người phụ nữ kia mang thai và bé gái thì người học trò nghèo nói:

-Biết voi mù mắt trái vì cây cỏ bên lề phải dọc đường có dấu voi ăn, bên trái thì ko

-Trên lưng voi có người phụ nữ mang thai và em bé giá vì: khi voi đứng lại nghĩ, thấy kế bên dấu chân voi có dấu chân người bên phải nặng hơn chân trái và dấu chân em bé nhỏ mà dài.

Người học trò giàu về kiện với thầy là sao thầy dạy cho học trò nghèo biết nhiều đến vậy trong lúc không dạy những cách nhận biết đó cho mình.

Thầy nói: Không phải thầy dạy mà do học trò nghèo có sự chánh niệm, cósự định tâm nên biết được mọi việc.

Mượn câu chuyện trên Ni trưởng muốn nhắn nhủ đến chư hành giả việc tu tập cũng vậy, cũng phải có sự tập trung, tránh xa chỗ ồn ào, náo nhiệt, bên cạnh đó cũng phải có giới hỗ trợ. Và người có định thường ít nói mà nói hay, ít làm mà làm nên, ít nhớ mà nhớ phải.

Cuối cùng, Ni trưởng khuyên hành giả phải giữ gìn giới luật, siêng tu thiền định, bớt cập nhật thông tin thế sự vì có biết mình cũng không giải quyết được gì,nên để thân, khẩu, ý được thanh tịnh, lắng đọng.

Ngày 26, Ni sư Yến Liên chia sẻ chơn lý Chánh Pháp, số 21.Ni Sư trình bày sơ lược lộ trình tiến hóa từ thấp lên cao là: Cây, thú, người, trời, Phật. Ni Sư nói rõ Phật giáo hiện nay đang trên đà đi xuống vì tu sĩ nghiên về pháp học bỏ quên pháp hành mà pháp hành ở bài này Đức Tổ Sư nhấn mạnh là Tứ y pháp.

Ni sư nói sơ lược Tứ y pháp là con đường trung đạo, không nên thái quá và bất cập vì thái quá và bất cập đều đưa đến khổ đau không giải thoát. Giá trị của Tứ y pháp không những tự độ mà còn độ tha. Nhờ tứ y pháp mà thành tựu đạo quả, cũng nhờ tứ y pháp mà hóa độ chúng sanh. Và nhờ y, bát trên tinh thần tứ y pháp mà Hệ phái Khất sĩ phát triển rộng rãi từ Nam ra Trung. Ni sư còn nói thêm, Tứ y pháp của Khất sĩ như Tứ thánh chủng của Bắc tông cũng nói lên sự thoát ra cái ăn, mặc, ở, bệnh, không bị lệ thuộc vào nó.

Ngày kế tiếp, Ni sư Tín Liên chia sẻ bài Học chơn lý, số 19. Ni Sư nói rõ việc học chơn lý là học lẽ thật để hiểu rõ sự sinh khởi của chúng sanh và các pháp như thế nào và chúng sanh vạn vật sẽ tiến hóa tới đâu? Qua đó Ni sư phân tích chi tiết sự tiến hóa của vũ trụ để đại chúng hiểu nguyên nhân có được vũ trụ và vạn vật.

Ni sư chỉ rõ con người đến được với đạo là nguyên nhân con người có từ thú, tiến hóa dần thành người nên tâm tánh còn tối tăm xấu ác, có những hành động sai quấy. Nhưng nhờ Đức Phật xuất hiện chỉ ra con đường trung đạo, là con đường chính giữa đi thẳng tới không chấp vật chất cũng không chấp thiện ác.

Nhờ Đức Phật ngồi dưới cội Bồ đề sưu tầm nguồn cội của chúng sanh vạn vật và các pháp mà thấu đạt được sự thật của cuộc đời là khổ, vô minh và ái dục, đó là khổ đế. Sau khi biết vô minh và ái dục là Tập đế nguyên nhân của sự sinh tử luân hồi, Đức Phật đã suy gẫm tìm ra con đường để diệt trừ vô minh và ái dục, chính là Đạo đế. Đây chính là con đường trung đạo mà Đức Phật đã tìm thấy dưới cội Bồ đề, đó là Bát chánh đạo.

Con đường trung đạo hay Bát chánh đạo mà chúng ta đang hành trì là Giới- Định - Tuệ, mở rộng ra là 37 phẩm trợ đạo. Nhưng Đức Tổ Sư dạy con đường trung đạo là con đường Tứ y pháp. Vậy để hành trì con đường Bát chánh đạo hay để hành trì Giới- Định - Tuệ không gì tốt hơn là hành trì Tứ y pháp, nên nói kính lạy cửa Khất sĩ đường Như Lai, tức con đường Đức Như Lai đã vạch ra, chúng ta đi theo con đường đó là thành bậc Như lai, bậc giác ngộ nhưng phải đi qua cửa Khất sĩ hành tứ y pháp vì đó là hạnh khất sĩ thanh bần, ta mới tiến lên bậc chánh đẳng giác được.

Cuối cùng làlời sách tấn của Ni trưởng Thiền chủ khóa tu vào ngày cuối, lời văn mộc mạc, ngắn gọn nhưng xúc tích vô cùng. Giọng nói nhẹ nhàn, nụ cười móm mém luôn nở trên môi. Ôi thương kính làm sao! Ni trưởng mặc dầu tuổi đã ngoài chín mươi, sức khỏe đã yếu dần nhưng vì thương đàn hậu học chúng con còn non dại nên đã đồng hành với chúng con suốt khóa tu. Ni trưởng còn khuyên chư hành giả phải cố gắng tu tập, tịnh hóa thân tâm, giữ gìn giáo pháp của Tổ Thầy. Mượn lời thơ:

“Giới giữ cho thân sạch lỗi lầm

Cho tâm như ngọc luyện dồi tâm

Cho hoa trí tuệ tươi ngàn kiếp

Cho quả từ bi đẹp bội phần”.

Qua ý thơ Ni trưởng nhắn nhủ chư hành giả phải trau dồi giới đức cho nghiêm để nêu cao mối đạo, đền ơn Thầy Tổ, đáp nghĩa hiếu sinh trong muôn một.

Qua đó, chúng con mới thấy được tình thương quý Ngài dành cho chúng con quả là vô bờ bến. Quý Ngài không những chỉ dạy chúng con bằng khẩu giáo mà còn dạy cả thân giáo và ý giáo.

Hình ảnh ấy, âm thanh ấy sẽ là chất liệu nuôi lớn chúng con trong chánh pháp, giúp chúng con có thêm kiến thức Phật Đà, có thêm nghị lực để vững bước trên đường tu tập.

ÂN THẦY MUÔN THUỞ

Khóa tu truyền thống NGHPKS lần thứ 26 rồi cũng khép lại trong niềm hỷ lạc vô biên của chư hành giả. Với không khí trang nghiêm của khóa tu, nét từ hòa, đức độ của Ni trưởng Thiền chủ, sự uy nghiêm, hòa ái của quý Ni trưởng và chư hành giả sẽ là những hình ảnh đẹp trợ duyên cho chúng con trên con đường tu tập.

Một tuần qua chúng con luôn được sống trong vòng tay yêu thương của các bậc Thầy khả kính, mặc dầu ngoài kia khí trời vẫn lạnh, nhiệt độ vẫn thấp nhưng sự ấm áp vẫn lan tỏa trong lòng chúng con. Quý Ngài đã không ngại tuổi cao, sức yếu đường xá xa xôi, cách trở đã về với khóa tu để chăm chút, hướng dẫn, dìu dắt cho những cánh chim non đang chập chững hướng về bến giác. Niềm hạnh phúc ngập tràn, mối nguy hại của tham, sân, si cũng lìa xa chúng con trong thời gian ấy.

Bao ân đức mà ngày hôm nay chúng con có được đều nhờ vào lòng từ bi, sự hy sinh vô bờ bến của Ni trưởng Hiệp Liên, trưởng ban tổ chức khóa tu, trụ trì tịnh xá Ngọc Trung. Với cương vị là Trưởng ban Quản sự Ni giới Giáo đoàn III, Ni trưởng mong sao Ni chúng giáo đoàn ngày một vững vàng, kiên định hơn trong chánh pháp của đức Thế Tôn. Niềm ưu tư ấy đã thôi thúc Ni trưởng đăng cai mở khóa tu truyền thống Ni giới để Ni chúng có dịp gần gũi, học hỏi những điều hay những kinh nghiệm quý báu từ các bậc trưởng thượng của Ni giới Hệ phái để thăng tiến trên con đường tu tập.

Và rồi niềm trăn trở ấy đã trở thành hiện thực, nơi núi đồi Cao nguyên lại đủ duyên cung đón bước chân của chư Tôn đức Ni từ khắp nơi trở về tham dự khóa tu lần thứ 26. Dẫu chỉ một lần được đăng cai cúng dường khóa tu thôi, Ni trưởng Trưởng ban tổ chức cũng cảm thấy mãn nguyện lắm rồi.

Chúng con vẫn biết nỗi lo lắng của chư vị mở khóa tu, làm thế nào tạo điều kiện tốt nhất để chư hành giả tu tập có kết quả. Nơi đây Ni trưởng Hiệp Liên cũng vậy, tuy không nói ra nhưng chúng con nhận thấy sự lo lắng hiện rõ trên nét mặt, mặc dầu ăn không ngon, ngủ không yên giấc nhưng Người lại rất vui, tất cả đều dồn hết cho khóa tu không khi nào tỏ ra mệt nhọc.

Mùa xuân năm nay, thời tiết thay đổi, nóng lạnh bất thường, khóa tu đã đến ngày khai mạc mà khí trời vẫn lạnh, cái rét cuối đông vẫn còn. Đây chính là nỗi lo lớn nhất của Ni trưởng trụ trì, lo vì quý Ni trưởng tuổi cao sức yếu với thời tiết thế này, sức khỏe quý Ngài sẽ không tốt, hành giả sẽ không đủ duyên được quý Ngài chỉ dạy, hướng dẫn việc tu tập,phần lo cho chư hành giả ốm đau không theo sát thời khóa để thực hành các bước tu trong thiền quán. Nhưng niềm hạnh phúc nào bằng khi quý Ni trưởng, quý Ni sư, Sư cô vẫn có đủ sức khỏe, có đủ nghị lực vượt qua chướng duyên này để tu tập, gặt hái kết quả tốt.

Thời gian nhanh đến không ngờ, mới ngày nào tịnh xá Ngọc Trung vui mừng cung đón quý Ngài trong sự rụt rè bỡ ngỡ vậy mà bảy ngày trôi qua, khóa tu đã thật sự khép lại trong sự luyến lưu của tình pháp lữ.Bảy ngày tu tuy ngắn ngủi nhưng nhờ các khóa tu gần như liên tục, cọng với sự thực hành pháp nghiêm mật, sự an lạc vững chải đã hiện rõ trên gương mặt của mỗi hành giả. Qua đó, chúng ta mới thấy được giá trị của sự “Sống chung tu học” theo tinh thần của Đức Tổ Sư chỉ dạy. Thành quả mà đại chúng đạt được trong khóa tu cũng chính là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao đối với Ni trưởng trụ trì.

Chúng con thiết nghĩ, mình thật sự hạnh phúcđược may mắn sinh ra trong ngôi nhà Khất sĩ. Được sự giáo dưỡng của các bậc Thầy khả kính, được tham dự khóa tu, được nếm trải hương vị giải thoát từ đức Thế Tôn qua kim khẩu của các bậc trưởng thượng. Mai này, dẫu khóa tu có qua đi nhưng nhữnghình ảnh thiêng liêng sống động ấy mãi khắc sâu trong tâm khảm chúng con, là động lực mạnh mẽ giúp chúng con vững bước trên con đường tìm về bến giác.

Chúng con xin thành kính đảnh lễ niệm ân, quý Ni trưởng, quý Ni sư cùng quý Sư cô, cũng như Ni trưởng trưởng ban tổ chức thân tâm được an lạc mãi là cội tùng vững vàng để che mát và dìu dắt chúng con sang bến bờ giải thoát.

NS. ÂN LIÊN

Tịnh thất Vân Sơn, Vĩnh Lương, Khánh Hòa

NHỚ ƠN

Thời gian trôi qua thật mau. Mới đây mà bảy ngày tu tập cùng đại chúng đã hết. Mai đây, mỗi vị phải về nơi trú xứ của mình, con không biết nói gì hơn, chỉ biết nguyện với lòng sẽ cố gắng học theo đức hạnh của chư Tôn đức Ni. Buổi Bế mạc Khóa tu đã viên mãn mà lòng con vẫn còn nhớ mãi.

Con vẫn nhớ những lời Sư chỉ dạy,

Khuyên con tu để tạo phước tác duyên,

Thường yên vui đừng vướng bận ưu phiền,

Gieo hạt giống vị lai mà hưởng quả.

Sư khuyên con đừng mơ gì khác lạ,

Sư mong con mau đến bậc nhân hiền,

Để cùng nhau đến được cảnh Tây Thiên,

Là toại nguyện tấm lòng Sư mong ước.

Tình sư đệ, nhân duyên từ kiếp trước,

Đến hôm nay được hội ngộ nơi đây,

Con nguyện tu để đền đáp ơn này,

Để khỏi uổng bao ngày qua Sư dạy.

Con thành kính tri ân quý Sư trưởng – Những bậc Mô phạm để chúng con nương học theo.

NS. HẢI LIÊN (GĐ III)

Tịnh xá Ngọc Kỳ, Ninh Thuận

NIỀM TIN

Hương các loài hoa thơm,

Không ngược bay chiều gió,

Nhưng hương người đức hạnh,

Ngược gió khắp tung bay,

Chỉ có bậc chân nhân,

Tỏa khắp mọi phương trời.

(Kinh Pháp cú, kệ 54)

Nhìn gương hạnh, đức hạnh, phẩm hạnh, đạo hạnh của chư Tôn Thiền đức Ni chứng minh và hướng dẫn khóa tu, niềm tin khởi trong tâm trí con rằng quý Ngài giống như đức Phật, đức Tổ sư, đức Thầy đang ngự nơi đạo tràng và lòng con cảm thấy thật hoan hỷ, hơi thở của con bỗng nhẹ nhàng an lạc. Thấy, nghe quý Ni sư điều phối khiêm tốn, nhiệt huyết hướng dẫn đại chúng tu học, quên cả thời gian sức khỏe con càng quý kính hơn. Đức khiêm tốn rất quan trọng, làm nấc thang cho mình bước lên lớp trên.

Để có đủ tiện nghi cho đại chúng sinh hoạt là khó.

Vật chất chu cấp đầy đủ cho khóa tu là khó.

Có tấm lòng quảng đại mở khóa tu cho đại chúng tu là khó.

Được Ban Trị sự tỉnh, huyện chứng minh là khó.

Được quý Ni trưởng chứng minh hỗ trợ là khó.

Được đại chúng khắp nơi về tu học là khó.

Được quý Ni trưởng đến trụ liên tục suốt bảy ngày tại khóa tu là khó.

Được Ni chúng ngoại hộ là khó.

Được Phật tử phát tâm cúng dường là khó.

Khóa tu kết thúc viên mãn tốt đẹp là khó.

Bao nhiêu điều khó vậy mà Ni trưởng viện chủ Tịnh xá Ngọc Trung đều vượt qua được, quả thật phước đức của Ngài lớn quá.

Phần con chỉ mỗi một việc tu mà không làm tròn được, cứ để tâm viên ý mã chạy rông khắp nơi nên cảm thấy rất hổ thẹn. Vì đại chúng, các bậc Thầy đã hy sinh biết bao công lao khó nhọc, không còn nghĩ cho riêng mình, tấm lòng của quý Ngài thật rộng lớn mênh mông – Ai sống cho riêng mình thì lòng hẹp như sông. Ai sống cho muôn người thì lòng rộng mênh mông – là vậy.

Quý Ni trưởng nhiều lần nhắc lại lời dạy của đức Phật: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”. Thật sâu sắc vô cùng. Núi, sông, mặt trời, thành thị, v.v… đều có thể thay đổi theo thời gian, không gian, chỉ có lời dạy của đức Phật là bất di bất dịch. Vì vậy, con tâm đắc nhất đoạn Chơn lý – bài Chánh pháp: “Đời này nếu có người nào chỉ học mà không tu, không nỡ lìa xa danh lợi, bỏ Tứ y pháp, tức là bỏ giới luật, bỏ đạo Phật rồi, thì kinh luận ngoài môi chót lưỡi, có ăn thua gì đâu. Ngài lại cho rằng “… bỏ Tứ y pháp, sửa đổi giới luật, chế biến đạo Phật, người hơn Phật, thì đâu còn đạo Phật nữa. Người ấy lấy biểu tướng đạo Phật bên ngoài nhưng bên trong là hại đạo Phật, không hành theo pháp chánh giác của chư Phật thì những lời nói, sách vở của người đó có đúng với đạo Phật đâu? Mà nào có ai lại chẳng bênh vực giáo lý riêng tốt xấu, chỗ sai của mình mà cho rằng mình phải mãi? Vì vậy mà khi xưa Phật có dạy rằng về sau chúng sanh chớ vội tin lời nói hay sách vở của ai mà cho bảo là của Phật, nghe xem phải xét cho đúng lý, rồi hãy tin”.

Chư Tổ Thầy dạy “Học mà không tu như cái đãy đựng sách, tu mà không học là tu mù”. Quý Ni trưởng cũng dạy “Thà rằng có đức mà không có tài hơn là có tài mà không có đức”. Nói thì ai cũng nói được nhưng thực hành mới quan trọng. Quý Ngài thực hành xong mới nói.

Bảy ngày trôi qua nhanh như điện chớp. Đối với con bảy ngày ấy là bài học quý báu cho kiếp hiện tại và muôn kiếp về sau. Trải qua 26 khóa, con nhìn lại mình và thấy rất hổ thẹn, song nghĩ lại, nhìn lên là thế, nhìn xuống cũng đỡ hơn, tuy không đựng được nước, nhưng sạch được bụi. Lời dạy của quý Ngài, con học hoài học mãi vẫn không thuộc hết nhưng cũng đỡ hơn không học. Nhìn oai nghi của quý Ngài, lòng con an lạc tinh tấn theo.

Quý Hòa thượng hạ cao,

Quý Ni trưởng cao hạ,

Quý Ni sư thảnh thơi,

Quý Sư cô tướng hảo,

Quý Phật tử thuần thành,

Màu bạch y thanh tịnh,

Với lòng thành dâng cúng,

Cầu phước đức mai sau.

Trên thế gian lắm người,

Phung phí phước sẵn có,

Vung tiền như vứt rác,

Khi khổ nạn ập đến,

Hối tiếc đã muộn rồi,

Ít người biết gieo duyên.

Lòng con rất mừng vui,

Ít mà có hơn không.

Quý Ngài hoan hỷ nhận,

Quý Ngài hoan hỷ ban,

Quý Phật tử vui mừng,

Khởi niềm tin kiên cố,

Tuyệt đối với Tam Bảo,

Trong tâm không còn nghi,

Biết rõ chánh và tà.

Ni trưởng Quản sự Ni,

Ni chúng Giáo đoàn III,

Phước đức và hạnh đức,

Lo tròn xong mỗi cảnh,

Lo Ni chúng chu tất,

Việc lớn đến việc nhỏ,

Đại chúng sanh hoan hỷ,

Quý Ni trưởng tùy hỷ,

Ánh mắt nhìn đại chúng,

Niềm hoan hỷ ngập tràn,

Hội chúng hưởng an lạc,

Từ lòng từ quý Ngài.

NS. LÃNH LIÊN

Tịnh xá Ngọc Chơn, thị xã Buôn Hồ

NIỀM TIN ĐUỐC TUỆ

ĐẠO Phật ra đời cứu chúng sanh

PHẬT tâm, Phật tánh tự nhiên thành

KHẤT xin tu học gương Phật Tổ

SĨ độ nhân sanh thoát khổ vành

Y pháp chơn truyền ba đời Phật

BÁT cơm tín chủ mãi ghi ân

CHƠN như viên mãn tâm tròn sáng

TRUYỀN bá hậu lai mãi tín thành.

SC. HỮU LIÊN

Tịnh xá Ngọc Lương, Bình Thuận

CẢM KÍNH HÌNH BÓNG QUÝ NI TRƯỞNG

Sáng hôm ấy khí Xuân trời quang đãng

Rực nắng hồng thanh thoát áng mây xanh

Gió lâng lâng nhẹ bước thổi yên lành

Cành sứ nở khoe hoa màu sắc thắm

Bao cảnh vật phơi mình trong nắng ấm

Trước cổng chùa con lặng lẽ dõi tâm

Bừng tỏa sáng hạnh Khất sĩ uy hiền

Hình ảnh đẹp bậc siêu nhân thoát tục

Quý Ni trưởng đầu tiên con được gặp

Từ bi quá rõ ràng trên nét mặt

Hình ảnh Ngài luôn nở nụ cười tươi

Là hiện thân bao đức tính thương người

Nơi đối mặt dịu hiền nhiều cảm mến

Như an ủi bao nhiêu người bạc mệnh

Bước chân đi Ngài chậm rãi khoan thai

Vừa khoan thai, vừa thanh nhẹ hay hay

Con nhớ mãi bóng hình không phai nhạt

Theo bước chân Ni trưởng sáng và chiều

Ngày ban đầu cũng như mãn khóa tu

Con cảm kính muôn vạn lần cảm kính.

SC. LIÊN KHÁNH

Tịnh xá Ngọc Châu, Hội An

HƠI ẤM NƠI CAO NGUYÊN LỘNG GIÓ

Hừng Đông chưa tỏ rạng, ô tô đưa chúng con rời đất mặn đồng sâu đến miền núi xa xôi nơi Cao nguyên lộng gió.

Gia Lai, Tịnh xá Ngọc Trung tổ chức khóa tu truyền thống lần thứ 26, khóa tu Giới Định Tuệ của Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam.

Những con đường đi về miền cổ tích

Đều bắt nguồn từ những cánh đồng tre

Chắc hẳn trước khi tịnh xá Ngọc Trung được dựng xây thì đây có lẽ là vùng núi, với những rừng cây xanh ngát bạt ngàn. Thật hy hữu làm sao khi hạt mầm Phật Pháp được trổ ngay trên vùng rừng thiêng ấy. Lại cũng thật hạnh phúc vô cùng khi tịnh xá Ngọc Trung là nơi để những khách tha hương trở về hội ngộ.

Con thực sự không biết nên nói Tịnh xá có rộng không, nhưng tình người nơi đây thì ôi thôi thênh thang quá!

"Hổ cọp lìa rừng là cọp chết

Còn Tăng ly chúng, tức Tăng tàn".

Thật vậy, từng đoàn chư Ni khách lữ khắp ba miền lần lần trở về khuôn viên Tịnh xá cho kịp ngày hòa hợp một tuần cùng sống chung tu học. Chúng con bắt đầu khóa tu khi tiết Xuân còn se lạnh.

Khai mạc khóa tu là bước chân đoàn Tăng lữ đi khất thực "Mặc gió, mặc mưa, mặc nắng hồng". Những bóng dáng thanh mảnh bước chậm rãi sao mà thân thương, không cần gọi tên, không cần ca ngợi, chẳng ai bảo ai.

"Đi về một bóng trên đường lớn

Thơ chẳng ai đề vạt áo phai".

Trở về tịnh xá Ngọc Trung, chúng con như đàn chim được trở về tổ ấm, được che chở bởi những tàng cây cổ thụ to lớn vĩ đại, là quý Ni trưởng, Ni sư những bậc Tôn túc Trưởng lão trên bước đường du phang miệt mài cứu khổ, quý Ngài đã không ngại trở về đây để dạy cho chúng con những lời chánh lý. Biển Đông có lúc đầy vơi, chứ lòng của quý Ngài luôn một lòng lo lắng cho đoàn hậu học, quý Ngài sách tấn chúng con trau tâm dồi trí trên hành trình tu học.

Bước vào chốn thiền môn, quý Ngài dạy chúng con những bước chân tỉnh thức trong sinh hoạt hằng ngày.

Quên sao được khi chúng con say sưa giấc mộng thì bên ánh đèn leo lét, nụ cười từ bi không che được hình ảnh quý Ngài trán nhăn, mắt nheo đang chăm chú soạn bài giảng cho chúng con.

Vì: "Phải ươm tơ là bổn phận con tằm

Phải thuyết pháp là hành vi Tăng lữ".

Trong những giờ Chơn Lý, quý Ngài sách tấn chúng con bằng tấm gương của Tổ Thầy, của đoàn Tăng sĩ lắm bụi đường, dầu dãi gió sương, là cuộc đời tam y, nhất bát, tự do giải thoát. Quý Ngài truyền cho chúng con tinh thần xả kỷ, lợi tha vô ngã của chính quý Ngài – một cuộc sống màn trời chiếu đất. Nhắc nhở chúng con đừng quên chí nguyện mà phụ bát cơm đàn na tín thí.

Nhớ ngày nào thời dĩ vãng xa xăm, thời tuổi trẻ hồ hải dọc ngang khắp phương trời. Trên những con đường thiên lý, quý Ngài mãi miết lợi sanh giáo hóa. Thế mà giờ đây, thời gian "bào mòn" mái tóc quý Ngài đổi dạng tuyết sương, lưng mỏi, tay run, lê chân chẳng vững. Dầu vậy, quý Ngài vẫn ân cần dẫn dắt chúng con trong dáng bước thiền hành.

Rồi những giờ thiền tọa, không quản tuổi lớn, hình khô, lưng còng, xương loãng, quý Ngài vẫn ngồi yên lặng lẽ, nhiếp niệm gom tâm làm gương cho chúng con, dạy chúng con thở trong chánh niệm để biết rằng:

"Thở đi nhẹ một kiếp người

Vui đi để có nụ cười thênh thang".

Rồi cứ thế hằng ngày đi khất thực trong sân Tịnh xá trước ngọ thời ôm bát lãnh cơm. Đoàn Thiền sinh đầu đội trời, chân đạp đất, choàng y, quảy bát, từng bước thong dong, nhận cơm từ hàng Cư sĩ thân thương trong chiếc áo màu lam. Chúng con cảm nhận được sự tín tâm thành kính, lòng mộ đạo của những người con lam lũ đồi núi, cao nguyên.

Để có bát cơm trắng ngần, những hôm an tâm tu tập miên mật như vậy, không những là công lao của hàng Phật tử, của quý Sư cô mà còn phải kể đến sự lo toan vẹn toàn của Ni trưởng viện chủ tịnh xá Ngọc Trung, Ngài đã quên thân mình, quên mệt nhọc, không chỉ trong bảy ngày của khóa tu lần thứ 26 mà sự lo toan đã phát sinh từ hồi Ngài tâm nguyện đoàn hậu học. Chúng con được sống trong giáo pháp, chỉ thân hình bé nhỏ thôi mà sao tim Ngài mênh mông thế?! Ngài lo cho những người con miền Nam xứ nóng không chịu được rét lạnh nơi đây, Ngài lo miền Trung đồng bằng, không quen ở miền núi. Ngài hỏi chúng con có lạnh không? Ngài hỏi chúng con có no không? Ngủ có được không? Ngài chỉ phòng y tế. Ngài lật đật tìm ban thị giả.

Ôi, đẹp làm sao sự sáng trong, lặng lẽ, giản dị mà đức độ uyên thâm của Người. Bên cạnh đó còn có sự dịu dàng, dịu dàng mà không phải nhu nhược, dịu dàng mà vẫn kiên quyết…

Ai đi mãi miết trong sương gió

Thỉnh thoảng xin dừng nghe tiếng chuông.

Nắng tắt, chiều lên, hay khi sương sớm phủ xuống đồi. Tiếng kinh trong đêm thanh vắng hòa tiếng chuông ngân như tiếng hát xa, đánh thức ai kia tàn mộng điệp. Cũng như nhắc nhở chúng con hoài bão còn ôm ấp. Thức tỉnh chúng con mái tóc xanh xanh đã cạo, tình riêng đã dứt, “vượt ngàn khơi” trở về với cội nguồn thì hãy giữ tấm lòng son độ khách đời, đoạn sầu bi mà cũng lo tự giải thoát cho mình, tinh tấn tu hành.

Chiều trời buồn man mác, ngồi ngắm áng mây bay trên phố núi. Chợt nhận ra hoa nở để rồi tàn, trăng tròn để rồi khuyết. Giờ này ngày mãn khóa tu đã đến, chúng con cảm nhận ngẩn ngơ lòng. Ngăn dòng lệ đẫm mi, ngăn tiếng nấc nghẹn ngào, để quý Ngài chẳng bảo “hiệp là ly”. Xin gửi đến quý Ngài lời tri ân, lời cảm tạ chân thành nhất. Công lao thầm lặng của quý Ngài không ngòi bút, nét mực nào có thể dệt thành chương. Kính chúc quý Ngài pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ. Chúng con nguyện đời đời tinh tấn, nguyện noi theo “tinh thần thép” của quý Ngài.

Cầu mong những “má hồng” đang còn lưu lạc nơi trần thế sớm tỉnh giấc chiêm bao, nhận ra phù du kiếp người mà trở về nơi Già Lam Phật cảnh.

“Đã sinh ra giữa đất trời,

Đừng đem mái tóc buột đời nam nhi.

Bước chân là một lần đi,

Thì đem chí cả mà thi với đời.

Chờ em chưa hẳn một người,

Mong em có cả đất trời chờ em…”