Kỷ yếu Tưởng niệm cố Ni trưởng - kỳ 2

NT. HỘI LIÊN

Trụ trì Tịnh xá Ngọc Kỳ, Tam Kỳ

ĐÔI DÒNG CẢM NIỆM

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính lạy đức Tổ sư Minh Đăng Quang, nối truyền Thích Ca Chánh pháp, khai sáng đạo Phật Khất sĩ Việt Nam,

Kính lạy Giác linh Đệ Nhất Ni trưởng, bậc Thầy khả kính của chúng con,

Kính bạch Ni trưởng đương kim,

Kính bạch quý Ni trưởng trong hàng Giáo phẩm và quý Ni sư, Sư cô,

Thời gian sao qua nhanh, qua nhanh, mới ngày nào đây nay đã là ba mươi năm, ba mươi năm vắng Thầy, ba mươi năm Thầy trò cách biệt! Trí của Thầy sáng soi như mặt trời, tâm của Thầy hiền dịu như mặt trăng, chí nguyện Thầy mênh mông như trời biển, cả đời chúng con nguyện noi theo mà tự thấy mình nhỏ nhoi, thấp bé quá. Thầy vừa cao rộng, vừa chan hòa gần gũi, như ánh sáng từ trên cao tỏa khắp nhân gian.

Qua những gì Thầy thuật lại, khi Thầy mới gặp Tổ tâm Thầy đã giác ngộ viên dung, Thầy thấu rõ các pháp đều vô thường, vô ngã. Sự dõng mãnh, quyết chí theo bước chân của đức Tổ Sư tạo niềm tin cho những người nữ phát tâm xuất gia theo truyền thống Khất sĩ:

Con giác ngộ, bước ra quỳ đảnh lễ,

“Bạch Đức Thầy, con quyết chí xuất gia”.

Nối nguyện Thầy, con dạo bước Ta Bà,

Giong xe Pháp, đưa người qua Lạc quốc.

(Hoài Niệm)

Đúng là tâm của bậc xuất trần ly cấu, quyết chí độ sanh, tâm nguyện Bồ tát xuất phát từ buổi ban đầu mới gặp Tổ sư.

Rồi thời gian Tổ vắng bóng, Thầy vững lái con thuyền Giáo hội Ni giới:

“Con cơ cực một đoàn toàn trẻ dại,

Mười năm dư mòn mỏi đợi Thầy về.

Mười năm dư tai biến luống ê chề,

Vẫn một nguyện trọn bề lo báo đáp”.

(Hoài Niệm)

Một tấm lòng sắt son, một chí nguyện bao la rộng lớn, dầu là thân nữ lưu tay yếu, chân mềm, nhưng ý chí muốn dời non lấp biển, Thầy là con người độc nhất:

“Sức dầu yếu, mong tát vơi biển khổ,

Tay dầu mềm, toan phá đổ non sầu.

Nức tiếng lành, Đạo thạnh khắp đâu đâu,

Rạng danh Đấng buổi đầu khai Pháp giáo”.

(Hoài Niệm)

Từ đây, Thầy bắt đầu gióng tiếng trống pháp ra miền Trung là dấu son đậm nét. Từ Phan Thiết đến Gio Linh, biết bao cam go thử thách, khi nhiều người chưa biết đạo, pháp khất thực hóa duyên còn lạ lẫm với người dân. Thầy bữa đói bữa no, nhưng vẫn kiên tâm bền chí, sẻ chia bao gian khó cùng người dân địa phương, qua hình ảnh trang nghiêm mà gần gũi của những bước chân trì bình khất thực.

Thời gian ấy, tiêu chí của Thầy đặt lên hàng đầu là thân giáo, khẩu giáo. Thân giáo là dẫn đoàn Ni đi khất thực.

“Pháp khất thực dạy người bố thí,

Cùng dạy mình chân lý không tham”.

Còn khẩu giáo là thầy giảng kinh thuyết pháp. Đó là hai pháp Thầy kiên trì và nhẫn nại nhất. Thầy đi qua từng địa phương, đi trên sỏi đá khô cằn, đi trong nắng nóng chang chang, đi trong bụi mờ khói tỏa, đi trong làng quê yên bình, đi trong phố phường nhộn nhịp. Dân chúng dần quen với hình ảnh những bóng y vàng của chư Ni Khất sĩ do Thầy dẫn đầu trên các nẻo đường mỗi sáng. Nơi nơi đạo tràng Tịnh xá lần lượt mọc lên ngày càng nhiều, các tín nữ phát tâm xuất gia theo Thầy nhập đạo ngày càng đông, bá tánh cư gia quy y Tam bảo hàng hàng lớp lớp. Ao sen Liên Hoa sen đua nhau nở, khoe sắc thắm, quyện hương thơm. Thật lành thay! Hạnh phúc thay! Duyên đầy phước đủ, lòng con xúc động mạnh khi nhìn thấy hình ảnh những chiếc y vàng phấp phới về đến quê nhà. Kể từ ngày ấy, con biết đạo Phật Khất sĩ, được Thầy tế độ vào hàng xuất gia Ni giới Khất sĩ.

Thầy nuôi chúng con bằng cơm thiền sữa pháp:

“Con chìm đắm biển trần thọ khổ,

Thầy từ bi tế độ vớt lên,

Mặc thì áo giới ấm êm,

Ăn thì sữa pháp, cơm thiền nuôi thân”.

(Nhớ Ơn Thầy)

Vào Đạo, Thầy dạy con bao điều hay để con dần thuần thục trong nếp đạo. Ngoài việc gìn giữ oai nghi tế hạnh, trì giới trang nghiêm, Thầy còn dạy chúng con phải biết tu Sổ tức quán, vì đây là pháp tu thiền, nền tảng của Tổ Thầy. Điều quan trọng trong bước đầu tập tu thiền là chánh niệm tỉnh giác, trú tâm vào đề mục “hơi thở”:

“Thở vô dài biết thở vô dài,

Khi thở ra dài cũng biết ngay.

Hơi thở ra vô dài hoặc ngắn,

Biết liền quán sát giác tâm khai”.

(Kệ Chơn Lý)

Thầy nhắc chúng con khắc ghi trong tâm các pháp đều vô thường, không thật, như bào ảnh, mộng huyễn để tự biết thúc liễm thân tâm, đừng để thời gian trôi đi luống uổng:

“Con có biết hồng trần nơi xú uế,

Danh mà chi và lợi để mà chi.

Tấm huyễn thân rồi cũng có ra gì,

Một vật giả chứa đầy muôn thứ giả”.

(Lối Đi)

Thầy diễn tả một cái giả chồng lên trên cái giả rất hình tượng, dễ hiểu; nhờ đó mà người độn căn u mê như chúng con cũng dần thấu hiểu định luật vô thường. Cách dạy của Thầy thật là sâu sắc. Thầy là hiện thân của Bồ tát Quan Thế Âm, và còn hơn thế nữa.

Bấy giờ đất nước chiến tranh phân chia bờ cõi, dân chúng lầm than, đói kém, bom đạn đổ xuống, người chết như rơm rạ, cảnh con mất cha, vợ mất chồng, Thầy đứng ra kêu gọi hòa bình hiệp định Paris thật xứng đáng lập hạnh cứu đời:

“Mỗi ngày một, một người khuất bóng,

Chết lần hồi ta sống với ai?

Sống để rồi chẳng có ngày mai,

Thà liều chết cứu ai được sống”.

(Xua Thần Chết)

Đất nước hòa bình thời kỳ hội nhập, Thầy cho các cô Ni trẻ đi học ở Học viện rồi du học nước ngoài… Thầy luôn có tầm nhìn xa rộng để hoàn thành công hạnh lợi mình, lợi chúng. Đức hạnh của Thầy bay khắp muôn phương, thơm lừng lựng như hương trầm bát ngát. Thầy đầy đủ bốn đức tính quý báu Từ, Bi, Trí, Dũng của người xuất gia giải thoát:

Con người Trí Dũng Bi Từ,

Hiện ra giữa chốn phàm phu tục trần.

(Kinh Pháp Cú số 59)

Rồi cũng theo định luật vô thường chi phối, Thầy đi xa… Thầy đi để lại cho chúng con biết bao niềm thương nỗi nhớ. Thầy để lại cho chúng sanh biết bao lời kinh tiếng kệ, nguồn thơ văn lai láng, dạt dào Ý Đạo, Tình Đời, mà chúng con luôn tụng đọc trong Kinh Tam Bảo và Tinh Hoa Bí Yếu. Đây là Pháp bảo để nhờ đó chúng con nương theo tu tập.

Lời cuối cùng của Thầy dạy chúng con trở thành Di Huấn, phương châm sống cho hàng đệ tử các thế hệ và chúng con khắc ghi mỗi ngày khi quỳ trước chân dung Thầy thành tâm đảnh lễ:

Ngày đã cận, cần tu gấp rút,

Giới giữ sao trong sạch như xưa,

Định huệ không thiếu, không thừa,

Lợi ích dân chúng, đúng vừa khả năng.

Lắm khi con nhớ lại giọng nói của Thầy, nghe sao mà ngọt ngào như dòng sữa thánh, mát rượi như dòng suối tiên, cảm xúc dâng trào không sao kể xiết. Dẫu có lấy nước biển khơi làm mực, lấy cây rừng làm bút, chúng con cũng không sao kể hết công hạnh và ân đức của Thầy dành cho chúng con. Đúng là:

Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng,

Nghĩa Ân sư muôn kiếp khó đáp đền.

Con chỉ biết tinh tấn hành trì những lời Thầy chỉ dạy, hầu phần nào đền đáp thâm ân. Giờ đây, con nghe như đất trời, cỏ cây, hoa lá cũng cúi đầu trước giác linh Thầy cùng chúng đệ tử khắp các miền trở về Tổ đình Ngọc Phương, dâng tấm lòng thành đến Thầy vô vàn tôn kính. Ngưỡng mong Thầy chứng minh lòng thành kính tri ân của chúng con.

NT. ÁNH LIÊN

Trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu, Hội An

TƯỞNG NIỆM 30 NĂM CỐ NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN VIÊN TỊCH

Năm nay (2017), Hệ Phái Phật giáo Khất sĩ Ni giới long trọng tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày cố Ni trưởng Huỳnh Liên, vị giáo phẩm lãnh đạo tối cao của Giáo hội Ni giới, bậc thầy cao cả và khả kính của chúng con viên tịch.

Theo quy luật thông thường của thế gian, mọi sự vật đều chịu sự chi phối của thời gian; và như vậy, 30 năm là một khoảng thời gian đủ dài để tất cả dần chìm tan vào lãng quên, và tất cả dường như đều bị cuốn theo những tất bật của đời sống. Nhưng ngược lại, với trường hợp của cố Ni trưởng Huỳnh Liên, 30 năm là khoảng thời gian cần thiết để chúng con có một cái nhìn đầy đủ hơn, trung thực hơn về vẻ đẹp, cũng như sự lớn lao, cao cả về nhân cách, đạo hạnh và tài năng của bậc Thầy vĩ đại.

Thật vậy, với hơn 60 năm trụ thế và hành đạo, Ni trưởng của chúng con trong sứ mệnh truyền thừa đạo nghiệp của Tổ Sư Minh Đăng Quang là nối truyền Thích Ca chánh pháp, Người đã thực hiện vẻ vang vai trò của người lãnh đạo Ni giới Khất sĩ, đã đưa con thuyền Giáo hội vượt qua bao ghềnh thác, bão to, sóng dữ, để đến bến bờ bình an.

Kính bạch Giác linh Ni trưởng,

Công lao xây dựng ngôi nhà Ni giới Khất sĩ Việt Nam của Thầy, chúng con không thể nào có đủ từ ngữ để diễn tả, tán dương cho cân xứng. Thầy đã cùng các bậc Tôn túc của Giáo hội xây dựng hơn 100 ngôi Tịnh xá Ni giới Khất sĩ ở khắp hai miền Trung - Nam nước Việt; đã tế độ hàng ngàn đệ tử xuất gia, hàng vạn đệ tử tại gia, đã cải hóa cho biết bao tâm hồn nơi cõi thế trở nên trong sáng, thanh lương, nhuần triêm đạo vị.

Ngày nay, với sự hiện hữu của hơn 200 ngôi Tịnh xá và sự hiện diện nhiệt tâm của chư Ni áo vàng khắp mọi miền đất nước đã đủ khẳng định công lao cao dày và đức độ vô biên của Thầy.

Riêng về Chư Ni miền Trung, chúng con sinh sau đẻ muộn, thiếu thốn phước duyên, không gặp được Tổ Sư Minh Đăng Quang, Thầy là người đã hết lòng chăm sóc cho chúng con từng bước đi chập chững đến những bước thanh thoát vững vàng, từ trong lối mòn nhỏ hẹp ra đến đại lộ thênh thang. Thầy đã hao mòn thể lực, tiêu tứ lao tâm, vắt cạn tâm huyết mình nuôi dưỡng giáo dục chúng con để chúng con đủ kinh nghiệm trưởng thành. Trong quá trình xây dựng, duy trì cũng như phát triển Giáo hội, vì hạnh nguyện độ sanh, vì hiếu kính với Thầy Tổ, vì lòng bi mẫn với hàng hậu học, Thầy đã nếm trải biết bao gian khổ để Phật sự hoàn thành. Nói sao cho hết những gian lao vất vả trong những năm tháng hành đạo ở miền Trung của Thầy.

Kính bạch Thầy, đọc qua bài thơ “Chuyến du hành miền Trung” của Thầy, chúng con được biết tỉnh Quảng Nam của chúng con là tỉnh thành thứ tám được vinh hạnh in dấu chân du hóa:

“Miền đất Quảng túc duyên sẵn có,

Nên kiếp này sáng tỏ Minh Quang”.

(Thơ Nhật Huy)

Vào những năm đầu của thập niên 60 trong thế kỷ XX, ánh sáng chân lý của Tổ Sư Minh Đăng Quang dần lan tỏa ra các tỉnh miền Trung. Cùng với Giáo hội Tăng, Ni trưởng và các bậc Tôn túc trong Giáo hội Ni giới đã đến phố cổ Hội An. Buổi sáng đoàn đi khất thực, trưa độ cơm, tối thuyết pháp. Hình ảnh này có khác gì Tăng Đoàn của Ni trưởng Kiều Đàm Di thời Phật tại thế! Đồng bào Phật tử Hội An dường như đã có duyên lành từ kiếp trước, ai nấy đều mến thương đoàn du tăng Khất sĩ, đều thăm viếng và lễ bái kính thành. Tuy vậy, Thầy cùng các vị Tôn túc cũng gặp không ít những nghịch cảnh trái ngang. Nhưng bằng tất cả sức kiên trì tinh tấn, bằng nhẫn nại từ hòa, bi nguyện bao la, Thầy và các vị Tôn túc đều dũng mãnh vượt qua. Từng giọt mồ hôi ngày nào của Thầy đổ xuống, nay đã trở thành những tảng đá hoa cương rắn chắc trải đường cho chúng con nong nả tiến hành.

Tịnh xá Ngọc Châu - Hội An cũng được bắt đầu xây dựng vào lúc này. Thưở ban sơ ngôi Đạo tràng chỉ bằng mái tôn, vách ván, nhà Cửu Huyền và nhà Tăng bằng nứa lá tranh tre, nhưng đối với hàng Phật tử tại gia, nó lại đẹp đẽ và lớn lao biết mấy. Chúng con bước chân vào Tịnh đàng mà tưởng chừng như bước vào nơi Cực lạc, và biết bao tâm hồn non nớt bơ vơ như được về đây ươm mầm giải thoát, dọn đường tương lai.

Lúc ấy, vào lứa tuổi thanh xuân, lần đầu tiên được nhìn thấy hình bóng chiếc Y vàng thanh cao, con tưởng chừng như được chứng kiến hình ảnh của Tăng Đoàn thời Phật tại thế. Hình ảnh ấy in vào trong tâm trí con như gợi nhớ đến những hình ảnh thân quen nào trong tiền kiếp. Dường như duyên lành đã đến, trong lần lên Tịnh xá, con may mắn xin được quyển “Kinh Tam Bảo” về nhà, đọc đến bài “Nguyện về cõi Phật”, lòng con dạt dào cảm xúc lệ nóng dâng trào như gột rửa tất cả trần duyên hệ lụy. Từ lúc ấy, chí nguyện xuất gia cầu đạo trong con càng thêm mãnh liệt hơn:

Âu kiếp trước nhân duyên sẵn có,

Nên kiếp này hội ngộ phải không?

(Bồ Đề - Ni trưởng Huỳnh Liên)

Đã mấy chục năm nay, con nương bóng Tổ Thầy, cùng bước chân lên thuyền Giải thoát, trở thành một nữ Khất sĩ sống đời phạm hạnh, công ơn của Tổ Thầy không một phút giây nào con dám nguôi quên.

Nhìn lại cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng, từ khi Tổ Sư vắng bóng và nhất là những ngày đầu vào Giáo hội với muôn vàn khó khăn thử thách, Ni trưởng đã vững vàng chèo lái, từng bước đưa con thuyền của Giáo hội đi vào ổn định và phát triển không ngừng…

Những năm nước nhà lâm vào cảnh chiến tranh khốc liệt, biết bao cảnh chết chóc thảm thương, hàng vạn trẻ em Việt Nam đã trở thành cô nhi, sống vất vưởng không nơi nương tựa, Thầy đã nhanh chóng dấn thân vào công tác từ thiện xã hội. Bao nhiêu cô nhi viện đã được dựng lên để bảo bọc nuôi dưỡng trẻ mồ côi.

Đặc biệt, Tịnh xá Ngọc Phương - Trung tâm Ni giới Khất sĩ Việt Nam - nơi còn in dấu ấn của một khúc quanh lịch sử; noi theo hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền, nối chí những thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt… Ni trưởng chủ trương đem Đạo vào Đời, cư trần bất nhiễm, tùy duyên bất biến trước khổ nạn của đồng bào, trong đó có cả tín đồ Phật Giáo từng chịu quá nhiều áp bức bất công… Thầy đã cùng chư Ni và tín đồ Phật tử tham gia vào các phong trào xuống đường đấu tranh đòi quyền sống, đấu tranh cho hòa bình độc lập dân tộc và sự trưởng tồn của đạo pháp. Do vậy, vào ngày 15 tháng 10 năm 1994, Tịnh xá Ngọc Phương đã được Bộ văn hóa thông tin nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia.

Đúng với 30 năm diễn tiến của Ni trưởng, ở vị trí nào, Ni trưởng cũng có nhiều cống hiến xuất sắc. Sau ngày hòa bình, Ni trưởng Huỳnh Liên đã đảm nhiệm các chức vụ:

- Đại biểu Quốc Hội khóa VI,

- Ủy viên kiểm soát Hội đồng Trị sự GHPGVN,

- Phó Chủ tịch Ủy Ban MTTQVN,

- Ủy viên Hội Liên Hiệp Phụ Nữ VN,

- Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế Giới TP. HCM.

Ni giới Hệ phái Khất sĩ có được như ngày hôm nay là nhờ tinh thần đoàn kết, lấy phương châm phục vụ đạo pháp và dân tộc làm kim chỉ nam cho cuộc sống tu hành (trích Lời Di Chúc).

Lúc này, sức khỏe Ni trưởng ngày càng giảm dần, thân tứ đại rã rời như cỗ xe cũ kĩ, không còn đủ sức chịu đựng sự tàn phá của vô thường, Ni trưởng đã yên nghỉ lúc 16 giờ 20 phút ngày 16 tháng 4 năm 1987, nhằm ngày 19 tháng 3 năm Đinh Mão tại Tịnh xá Ngọc Phương.

Ôi! Chiều mười chín thật kinh hoàng,

Là buổi chiều đau xé ruột gan.

Sét đánh ngang tai Thầy thị tịch,

Màn đêm phủ xuống khắp không gian.

(thơ Huy Nhật)

Hỡi ơi! Ni trưởng mất đi,

Không riêng gì người con Phật,

Cả non sông dân tộc cũng thương tiếc ngậm ngùi!

(Huyền Linh Tử)

Ni trưởng ra đi để lại cho chúng con một kho tàng Pháp Bảo quý giá mà tài sản thế gian không sánh được, đó là gần 1.000 bài Thơ và Kinh tụng hằng ngày. Ni trưởng đã vắt não nhồi tim không ngừng nghỉ để tạo nên những âm điệu tuyệt vời, mỗi khi tụng đọc nghe giống như điệu nhạc của cõi trời Phạm Thiên vậy.

Ni trưởng thật vĩ đại! Con xin đội ơn Thầy! Nhờ vậy mà những bài Kinh kệ của Thầy, con thuộc rất nhiều. Hôm nay, nhân ngày tưởng niệm 30 năm Ni trưởng viên tịch, chúng con xin niệm niệm khắc ghi tấm gương sáng chói, công hạnh tuyệt vời, chí nguyện cao cả, đức trí viên dung và tinh thần bất khuất của Ni trưởng.

Đối với riêng con, con nguyện đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung của Giáo hội, xem như là một sự báo đáp trong muôn một trước công ơn trời biển của Thầy và chư vị Tôn túc.

NT. GƯƠNG LIÊN

Trụ trì TX. Ngọc Tâm, Long An

LẶNG NHỚ NGƯỜI XƯA

Thấm thoát mà đã 30 năm lặng lẽ trôi qua! Thế nhưng khi hướng tâm nhớ về dĩ vãng thì tưởng như hiện thực mới gặp gỡ hôm nào, rất nhiều nhiều kỷ niệm khó nhạt nhòa trong ký ức.

Năm nay 2017, Ni giới Hệ phái Khất sĩ sẽ long trọng tổ chức Đại lễ Tưởng niệm 30 năm ngày Đệ nhất Cố Ni trưởng Huỳnh Liên - vị lãnh đạo tài ba duy nhất của Ni giới Hệ phái Khất sĩ, đã về cõi vĩnh hằng muôn thuở.

Có thể nói, đây là vị Bồ tát ứng thân để hướng dẫn dìu dắt Ni lưu trên đường tầm cầu chánh pháp. Nên Ngài đã phát nguyện:

“Con nguyện hiện thường kiếp nữ thân,

Bởi bao phụ nữ khổ trong trần.

Tiện bề thân thiện con dìu dắt,

Dầu phải cực lòng lốt phụ nhân”.

Đúng là cõi Niết Bàn đi ngược mà lên. Trong khi xã hội thời nào, và ở đâu, con người đều có quan niệm trọng nam khinh nữ. Vậy mà Ni trưởng chúng con lại nguyện hiện thường kiếp nữ thân. Ôi! Thương kính biết bao nhiêu vị Sư nữ dẫu biết cực lòng, dẫu biết người khinh miệt mà vẫn dấn thân vào cho tròn hạnh nguyện.

Hẳn là Bồ tát xuất trần, nên lần đầu tiên Ni trưởng gặp Tổ sư Minh Đăng Quang xin thế phát xuất gia đã biểu hiện khẩu khí của mình qua bài “Hoài Niệm” rằng:

“Con giác ngộ, bước ra quỳ đảnh lễ,

“Bạch Đức Thầy, con quyết chí xuất gia”.

Nối nguyện Thầy, con dạo bước Ta Bà,

Giong xe Pháp, đưa người qua Lạc quốc”.

Và Tổ sư đã thọ ký như sau:

“Thầy cảm động, ngẩng nhìn ban huệ phước,

“Người căn xưa, duyên trước vốn sâu dày”.

Nối nguyện lành chuyển kiếp độ trần say,

Soi đuốc huệ sáng tương lai nữ giới”.

Là người nối nguyện lành, nên mới xuất gia không bao lâu mà Ngài đã giữ vai trò lãnh đạo, thay Tổ thống lãnh Ni đoàn Khất sĩ, hoằng truyền giáo pháp khắp Trung, Nam… Mới 24 tuổi đời mà năng lượng trí tuệ dạt dào, văn thơ lưu loát bóng bẩy, ý đạo thâm sâu huyền diệu, chuyển tải đạo mầu bằng văn thơ Việt ngữ khiến người dễ hiểu, mau nghe, lý hợp tình. Vì vậy, khi Ni trưởng hành đạo đến tỉnh nào thì tỉnh ấy liền lập nên các ngôi Tịnh xá.

Chẳng những hoằng dương Chánh pháp, thiết lập đạo tràng, tiếp độ chúng Ni, mà Ngài còn ban rải lòng từ đến cho chúng sanh nhân loại như mở những Cô ký nhi viện Nhất Chi Mai ở Biên Hòa, ở Pleiku, ở Bình Long, ở Cà Mau và ở Ngọc Phương… để nuôi dạy trẻ mồ côi do chiến tranh để lại.

Con còn nhớ vào năm 1969, Ni trưởng cho con và một số Ni cô đi dự khóa nuôi dạy Cô ký nhi do Bộ Xã Hội mở ở Đà Lạt, để có cán bộ điều hành. Rồi năm 1971, Ni trưởng dạy con về phục vụ Cô ký nhi viện Bình Long do Ni trưởng Nhàn Liên làm Giám đốc, lúc ấy con khoảng 19 tuổi. Sau khi ở phụ việc được một năm, con xin về theo đoàn du hành của Sư phụ mình là Ni trưởng Minh Liên. Khi về Tịnh xá Ngọc Phương, con được Ni trưởng khen và thưởng nhiều thứ. Rồi Ni trưởng bảo: “Đi du hành có nhiều người rồi, thôi con ở lại đi trụ xứ dùm Sư cô nghe con”. Con ngoan ngoãn vâng lời, nhưng kèm theo điều kiện: “Sư Trưởng cho con ở đâu cũng được, nhưng trừ mấy chỗ Cô ký nhi viện ra”. Do yêu cầu đó, con bị Ni trưởng quở thật nhiều.

Rồi sau bữa cơm trưa, con xin về Long An gặp Sư phụ đang neo đoàn du hành chờ đợi. Nghe con kể lể, Sư phụ bèn viết thơ lên Sài Gòn xin Ni trưởng. Và Ni trưởng gởi lại một lá thơ hồi đáp, trong thơ con còn nhớ câu này: “Tất cả các Pháp đều là Phật pháp, sở dĩ Gương bị rầy vì bảo trừ mấy chỗ xã hội từ thiện ra…”.

Thật ra, với lòng từ bi và trí tuệ sâu rộng thì Ngài đã thấy được tất cả các Pháp đều là Phật pháp, cho nên cuộc đời tu, Ngài có ước nguyện trong bài “Quyện Tơ Lòng” rằng:

“Điều em mong ước suốt ngày đêm,

Tất cả cùng em hiệp bổn nguyền.

Tay bắt cầu thương qua biển khổ,

Lưỡi khêu đèn huệ vẹt trời đêm”.

Đã thấy rõ các Pháp đều là Phật pháp, nên Ngài thể hiện sự quên mình trên nhiều lĩnh vực.

Có những thời điểm, Ngài kết hợp với bà luật sư Ngô Bá Thành tổ chức những cuộc xuống đường đòi quyền sống cho chị em phụ nữ, đòi hòa bình cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Rồi có hồi phải lẩn tránh nơi này chốn nọ như ở nhà bếp của Chùa Ấn Quang, có lần xuống ở Tịnh xá Ngọc Tâm mấy tháng. Chính thời điểm đó, cụ ông thân sinh của Ni trưởng là ông Thiện Trí đã từ trần ở xã Lợi Bình Nhơn, tỉnh Long An. Vì đang lẩn tránh mật vụ công an, nên mặc dù là Lễ Tang cụ thân sinh của bậc Thầy khả kính, nhưng quý Sư cô dám đâu tổ chức trọng thể linh đình! Nghĩ thật xót xa thay!

Và cũng tại Tịnh xá Ngọc Tâm, lúc này, Ni trưởng đã sáng tác quyển Kệ Trích Lục bằng cách chuyển thể văn vần trích từ quyển “Đức Phật và Phật Pháp” của Đại Đức Narada do ông Phạm Kim Khánh dịch từ tiếng Anh ra Việt ngữ, và chính con là người đã chép từng đoạn mỗi khi Ni trưởng viết thành vần.

Ni trưởng dạy chúng đệ tử hãy thực hành Bồ tát hạnh rằng:

“Trương đại tâm Bồ tát phát lời nguyền:

Dân Việt Nam còn đau khổ triền miên,

Trong cảnh khổ, con xin nguyền cứu khổ.

Trong mê tối, con đưa đường Giác ngộ,

Trong hãi hùng, con giải khổ âu lo.

Trong đói nghèo, con tạo cuộc ấm no,

Tùy phương tiện, chuyển vai trò theo cảnh”.

(Lối Đi)

Trong tinh thần tùy duyên bất biến, Ni trưởng làm việc với tâm chẳng quản nhọc nhằn. Tuy nhọc nhằn nhưng lúc nào cũng hoan hỷ qua giọng cười đầy hỷ lạc của Ngài. Nếu ai đủ duyên gặp Ngài thì chắc hẳn không quên được giọng cười dễ mến ấy đâu.

Với sự tích cực năng nỗ trong cuộc đời hành đạo, cố gắng chèo chống, lèo lái con thuyền Liên Hoa vượt qua nhiều sóng gió, nên trí tuệ Ngài càng phát sanh, đúng là thuốc dạy thầy, cây dạy thợ. Ni trưởng dường như biết trước thời cơ, nên động viên Ni chúng phải bồi dưỡng văn hóa và dự các trường Phật học để thích nghi với thời đại mới, thay vì theo chủ trương của Tổ là chỉ chuyên giữ pháp hành. Do thấy xa, hiểu rộng, nên Ni trưởng đã biến Tịnh xá Ngọc Phương trở thành nơi nuôi dưỡng quý Sư cô trẻ từ các tỉnh thành trong toàn quốc về dự những khóa học Phật pháp ở các trường Phật học thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhờ vậy, mà Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương hiện nay đã sản sinh lắm bậc anh tài, nào Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân… đúng theo tâm nguyện của Ni trưởng đã dày công gầy dựng.

Đây là sự thành công nổi bật nhất của Ni trưởng, vì đã đào tạo được thế hệ kế thừa, có thể sánh vai cùng chúng bạn, để bớt đi sự kỳ thị, thiệt thòi trên lộ trình giải thoát.

“Gừng già càng rụi cay,

Người cực nghĩa nhơn dày.

Khởi nguyên nhiều đau khổ,

Kết thúc đẹp tương lai”.

Những tưởng tương lai xán lạn huy hoàng ấy sẽ là niềm an lạc vô biên cho Ngài trong quảng đời còn lại, nào ngờ định luật trớ trêu thay!

Năm Đinh Mão ấy - 1987, chỉ trong mấy ngày bạo bệnh, vô thường đã cướp mất đi vị Sư Trưởng vô cùng kính quý của Giáo Hội Liên Hoa. Tịnh xá Ngọc Phương từ đây đã mất đi dung nghi đỉnh đạc nhưng bình dị thân thương, vắng đi nụ cười hỷ lạc hiền hòa trong những khi giao tiếp.

Sáu mươi lăm tuổi đời, cái tuổi chưa gọi là già lắm, phải nói ở khoảng tuổi này, những kinh nghiệm trong đời sống nảy sanh hơn, lòng từ bi trí tuệ phong phú dạt dào hơn. Thế nhưng con tạo lá lay nỡ cướp mất đi của Ni giới Hệ phái Khất sĩ một tiềm lực phi thường, một vị lãnh đạo tài ba hiếm có.

Thật là:

“Tiếng sét vang tai dội cửa Thiền,

Tin Thầy viên tịch đất trời nghiêng.

Bồ đề gió giật cành ưu gãy,

Bát nhã mây vần bóng nguyệt chen”.

Mấy mươi năm về trước, mỗi lần giỗ Tổ, quý Ni trưởng vào thời còn gặp Tổ, đều ứa lệ sầu thương. Còn chúng con hầu như chưa trào dâng niềm xúc cảm.

Bây giờ, đến lượt thế hệ chúng con, mỗi năm về dự lễ tưởng niệm Đệ nhất Ni trưởng, chúng con mới thẩm thấu được nỗi buồn xa vắng khi bậc Ân sư mà mình đã từng gặp gỡ, từng thọ ơn giáo dưỡng. Và hẳn nhiên, nước mắt chúng con cũng lại đoanh tròng bởi dạ kính thương.

Kỷ niệm 30 năm ngày Đệ nhất Cố Ni trưởng thiên thu về cõi vĩnh hằng, chúng con không biết nghĩ gì hơn, chỉ xin nhất tâm đồng phát nguyện:

“Nguyện xin hiến trọn đời mình,

Cho nguồn Đạo pháp, cho tình quê hương”

Và luôn trau dồi sao cho:

“Định Huệ không thiếu, không thừa,

Lợi ích dân chúng, đúng vừa khả năng”.

Gọi là món quà kính dâng Tôn sư trong ngày tưởng niệm.