Kỷ yếu Tưởng niệm cố Ni trưởng - kỳ 6

TỊNH DIỆP

HẠNH PHÚC

Trong thế gian, người ta luôn muốn cho mình có một đời sống an vui và hạnh phúc.

Họ luôn cho rằng: Hạnh phúc là khi một người tìm được một nửa kia của mình, hạnh phúc khi được gia đình và xã hội công nhận mối quan hệ gia đình của người nam và người nữ, hạnh phúc khi đứa con đầu lòng ra đời trọn vẹn, xinh đẹp, hạnh phúc khi được đầy đủ công danh, sự nghiệp… Nói tóm lại, hạnh phúc khi họ cảm thấy cuộc sống của mình đầy đủ vật chất, tinh thần.

Đó chính là hạnh phúc của tự thân, riêng từng cá thể, cái hạnh phúc ấy nhỏ bé trong phạm vi gia đình hạn hẹp, không nắm ngoài ngũ trược đó chính là tài sắc, danh, thực, thùy. Vì thế nên chỉ cần một điều không vừa ý trong cuộc sống như: Vợ hay chồng không chung thủy, con không ngoan, hoặc sự nghiệp không ổn định thì lập tức cái hạnh phúc trước kia vụt tan chỉ còn lại sự đau khổ ray rứt khiến người cảm thọ nó không còn muốn sống nữa, và rồi có một số người không giữ vững lập trường thì lại chọn cho mình một kết thúc đau buồn…

Vậy hạnh phúc nào là hạnh phúc thật sự? Hạnh phúc nào không đem lại sự chấp ngã, ái luyến và luôn đi kèm đau buồn?

Đó là: Hạnh phúc cao thượng của người xuất gia, đoạn trừ phiền não lậu hoặc, đem lại cuộc sống cho mình và người, tạo nên tốt đời đẹp đạo, đó mới chính là hạnh phúc bền bỉ, lâu dài và cao thượng nhất. Trong thơ Đệ nhất Ni trưởng có câu:

Con nguyện đời đời độ chúng sanh,

Bao nhiêu lao nhọc cũng cam đành.

Miễn con đủ trí đầy năng lực,

Phật chứng cho con đắc Pháp lành.

(Con nguyện)

Đó chính là hạnh phúc rộng lớn hơn tất cả, khi mà mình có thể đem lại an vui cho cuộc sống xung quanh bằng những việc làm thiện lành, bằng cử chỉ ân cần, và tình thương rộng lớn vô bờ của người xuất thế tục gia…

Trong bài thơ “Bàn tay đẹp” của Đệ nhất Ni trưởng có đoạn:

Bàn tay đẹp là bàn tay “lao động”,

Chuyển đường gân dâng sức sống cho đời.

Hiện khắp nơi và ở khắp nơi nơi,

Như đất nước như khí trời vũ trụ…

Trên thế gian này, vẫn có những người ngày đêm miệt mài lao động bằng trí, bằng sức của mình mà không hề thoái tâm hay mệt mỏi, để tạo cho cuộc đời này nhiều hoa trái ngọt thơm theo tinh thần từ bi và trí tuệ mà Đức Thế Tôn đã tìm ra và truyền lại cho đến hôm nay.

Đó chính là những nhà lãnh đạo của một quốc gia, một đoàn thể… trong đó có Đệ nhất Ni trưởng của chúng ta, người đã:

Nguyện xin hiến trọn đời mình,

Cho nguồn đạo pháp cho tình quê hương.

Hạnh phúc là phải biết yêu thương, biết hy sinh niềm vui riêng tư bé nhỏ, để tạo nên sự bình an, lợi lạc cho cuộc đời mới là hạnh phúc miên viễn, trọn vẹn, giữa đạo và đời.

Thân len lỏi một cuộc đời hiếu vắng,

Để tâm hồn thong thả mộng xuân tươi.

Thả hương lòng phưởng phất khắp ngàn nơi,

Mong được thấy cõi đời tròn lạc phúc.

(NT Huỳnh Liên - Bước Phiêu Lưu)

Thế đó, Ni trưởng đã để lại cho hàng hậu học một tấm gương sáng về hạnh phúc của người xuất gia mà người đã từng tự thân mình chứng nghiệm, và người chắc đã nở nụ cười mãn nguyện hạnh phúc khi thấy cuộc sống xã hội ngày càng đi lên trong hòa bình độc lập, Phật giáo thăng hoa.

Giải phóng mười năm đạo chuyển mình,

Làm ăn tập thể sống quang vinh.

Tương lai rạng rỡ trường cao cấp,

Yểm võ tu văn lúc thái bình.

(Phật giáo và Hòa bình)

Qua những tác phẩm thơ đầy màu sắc Ni trưởng đã để lại cho hàng đệ tử của người một tấm gương đạo đức sáng ngời, để mỗi khi đọc lại những dòng thơ của Người con cảm nhận ra rằng: Hạnh phúc, là điều mà ai ai cũng có thể làm được khi bỏ đi cái “Tôi nhỏ hẹp, riêng tư của tự thân mình!” Vì vậy muốn đền ơn tín thí, muốn xứng đáng đứng trong hàng ngủ xuất gia thì trước hết chúng ta phải tự chuyển hóa thân tâm được “hạnh phúc” an lành cho chính bản thân và tha nhân, vạn loại trong cuộc đời này.

TIỂU CHƠN

Chùa Thuận Phước

KHUYẾN NHẪN

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính lạy đức Tổ Sư, Tổ khai sáng Hệ phái Khất sĩ Việt Nam.

Kính lạy Giác linh Sư Bà đệ nhất.

Kính bạch quí Ni trưởng, quí Ni sư, quí Sư cô

Kính thưa quý Phật tử.

Hôm nay ngày 19 tháng 3 năm Đinh Dậu (2017) là ngày lễ tưởng niệm lần thứ 30 của cố Sư Bà đệ nhất, con tiểu Chơn, chùa Thuận Phước, Long An, thành kính dâng lên Giác linh Sư Bà bài tưởng niệm mà con tâm đắc nhất.

Kính bạch giác linh Sư Bà,

Tất cả mọi người trên thế gian này không ai không đang gánh chịu những nghiệp duyên, quả báo từ nhiều đời nhiều kiếp mà chính mình đã tạo nên. Và chính những nghiệp duyên quả báo này đã khiến chúng sanh phải luân trầm đọa lạc trong sanh tử luân hồi và rồi hôm nay được làm người được gặp Phật pháp không phải là điều ngẫu nhiên, mà chính con người đã tích lũy phước báu, tu nhân tích đức không biết bao nhiêu kiếp mới được thọ nhận thân người. Chính vì điều này, Sư Bà đã làm rất nhiều bài thơ để khuyên mọi người hãy cố gắng tu tập, sửa đổi bản thân mình, kham nhẫn với mọi người, kham nhẫn với mọi hoàn cảnh khắc nghiệt của xã hội để hoàn thiện nhân cách con người, để không uổng phí kiếp người. Trong số những bài thơ đó, con tâm đắc nhất là bài Khuyến Nhẫn.

Trong bài Khuyến Nhẫn, Sư Bà đã dạy:

“Kiếp chúng sanh đọa lạc luân trầm,

Ai cũng có căn thâm gốc tội.

Vì lẽ ấy ngày nay sửa đổi,

Bước đường tu nhuần gội Phật ân”. (Khuyến Nhẫn )

Bốn câu thơ với mối quan hệ nhân quả đã nói rõ: sỡ dĩ chúng sanh “đọa lạc trầm luân” là vì “căn thâm gốc cội” mà họ đã tạo. Chính vì thế mà ngày nay cần phải sữa đổi, cần phải tu tập để được thấm nhuần Phật pháp, giải oan túc trái thoát kiếp luân hồi. Bốn câu thơ cũng đã nói lên sự cần thiết của việc tu tập và sự sửa đổi của bản thân mỗi người. Nếu con người tu hành tinh tấn, thường cải sữa, làm mới con người mình thì sẽ được an vui. Nếu con người giải đãi, không quan tâm kiểm soát những hành vi bất thiện của thân khẩu ý thì sẽ đọa vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vì vậy con người cần phải thực hành hạnh “Nhẫn” như Sư Bà đã dạy:

“Nhẫn! Ráng nhẫn! Sao sao cũng nhẫn”.

Một câu thơ với ba chữ “nhẫn”, với ba mức độ nhẫn khác nhau. Chữ Nhẫn thứ nhất khuyên chúng ta gặp việc khó khăn phải nhẫn nhịn. Chữ Nhẫn thứ hai thì mức độ khó của sự nhẫn nhịn đã tăng dần lên, chữ “ráng” ở đây nói lên sự cố gắng, nổ lực dù khó nhẫn cũng phải nhẫn nhịn. Đến chữ Nhẫn thứ ba thì dường như đã lột tả đến tận cùng mức độ của nhẫn, dù khó khăn đến cách mấy, dù có gặp chuyện gì đi nữa, dù có như thế nào đi chăng nữa, dù có ai chọc giận thế nào đi nữa thì cũng phải nhẫn nhịn. Một mức độ Nhẫn mà không phải ai cũng làm được. Phải là người có định lực cao thì mới có thể nhẫn nỗi. Nhưng tại sao Sư Bà lại khuyên chúng ta phải nổ lực nhẫn nhịn như thế. Đó là bởi vì:

Chút nhẫn lòng được giải khó khăn,

Câu niệm Phật vừa dằn nóng nảy.

Học phép nhẫn chẳng sanh oan trái,

Giữ tâm không khỏi phải lụy phiền.

Sống cõi đời thong thả bình yên,

Hướng nẻo đạo diệu huyền trực chỉ. (Khuyến Nhẫn)

Đoạn thơ trên nói lên lợi ích của sự nhẫn nhục. Người xuất gia là người đã quyết chí đi tìm con đường liễu sanh thoát tử. Chắc chắn trên đường đi không sao tránh khỏi những khó khăn, vất vả, thất bại, vinh nhục, hơn thua, được mất, danh vọng, địa vị, oan khiên, túc trái, nghiệp nhân quả báo bủa vây. Chính vì thế mà người xuất gia cần phải học phép Nhẫn để chấp nhận trả nghiệp, giải oan túc trái từ nhiều kiếp trước đồng thời không gây thêm oan trái ở kiếp hiện tại để tâm trí luôn được thong thả, nhẹ nhàng mà thẳng tiến đến nẻo đạo diệu huyền. Đó là ý nghĩa thiết thực của bài Khuyến Nhẫn mà Sư Bà muốn gởi gấm đến toàn thể mọi người.

Chúng con là hàng hậu học, khi chúng con bước chân vào nhà đạo thì Sư Bà đã viên tịch lâu rồi. Tuy chúng con không có duyên được gặp Sư Bà, chỉ được nhìn thấy tôn dung Người qua bức di ảnh được tôn trí tại các tịnh xá thuộc Ni giới Khất sĩ hoặc trên sách báo; Chúng con chỉ được nghe các bậc tôn túc kể lại về Người hoặc đọc thơ văn nói về cuộc đời Người, nhưng khi đọc thơ Người, chúng con thấy thật cảm động, thật gần gũi như Người đang hiện diện trước chúng con, nhắc nhở chúng con siêng năng tu tập tiếp bước Tổ Thầy rạng danh Ni giới như Người đã từng phát nguyện:

“Nguyện xin hiến trọn đời mình,

Cho nguồn đạo pháp cho tình quê hương”.

TIỂU NHU

Chùa Thuận Phước

Khuyến nhẫn

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính lạy Đức Tổ Sư, Tổ khai sáng Hệ phái Khất sĩ Việt Nam

Kính lạy Giác Linh đệ nhất Ni trưởng.

Kính bạch quý Ni trưởng, quý Ni sư, quý Sư cô.

Kính thưa quý Phật tử.

Hôm nay nhân ngày lễ tưởng niệm lần thứ 30 của Sư bà Đệ nhất, con xin mạn phép kính dâng đôi dòng cảm tưởng. Con học rất nhiều bài kinh bài kệ của Sư Bà và bài nào con cũng cảm thấy hay nhưng bài mà con tâm đắc và thấm nhuần nhất đó chính là bài “Khuyến nhẫn”.

Mở đầu bài Khuyến Nhẫn, Sư Bà day:

“Vào cửa đạo làm người thiện tín,

Phải học câu nhẫn nhịn thuận hòa.

Việc nhỏ nhen thắc mắc bỏ qua,

Chỗ tranh cãi rầy rà nên tránh”.

(Khuyến Nhẫn - Ni trưởng Huỳnh Liên)

Phàm là con người ai cũng vậy, khi còn ở thế tục thì không tin nhân quả hoặc ít tin nhân quả, ít sợ quả báo, tạo nhiều điều ác hoặc chỉ tin suông qua ngôn từ sách vở, chưa từng bắt tay vào thực hành, chưa từng để lại ấn tượng sâu sắc về nhân quả. Nhưng khi một người đã bước vào cửa Đạo thì ít nhất người đó cũng đã quyết chí quay về với Phật, quy y Phật, Pháp, Tăng và mong muốn làm một Phật tử thuần thành trong đạo pháp, có ích cho Giáo hội mai sau. Nhưng điều kiện tiên quyết để trở thành một Phật tử thuần thành đó là phải học hai chữ “Nhẫn nhịn”.

Nhưng phải nhẫn nhịn như thế nào, chúng ta hãy đọc tiếp bốn câu thơ sau:

Việc nhỏ nhen thắc mắc bỏ qua.

Chỗ tranh cãi rầy rà nên tránh.

Tu phải học cẩn ngôn cẩn hạnh,

Đạo phải hành sửa tánh trau tâm.

(Khuyến Nhẫn - Ni trưởng Huỳnh Liên)

Sư Bà khuyên chúng ta không nên câu nệ vào những việc nhỏ, đừng làm lớn chuyện những việc không đáng. Hãy mở rộng tấm lòng bao dung, đừng để “việc nhỏ xé ra to” mà đưa đến sự tranh cãi không cần thiết. Chẳng những phải bỏ qua chuyện người, tránh gây chuyện với người, mà người học Phật còn phải biết cẩn trọng từng hành vi, lời nói và sự suy nghĩ của mình để “sửa tánh trau tâm” ngõ hầu tiến xa hơn nữa trên bước đường học Phật.

Nhưng phàm là người sống trên cõi đời này không ai không phạm phải lỗi lầm, sai trái. Điều quan trọng là biết nhận lỗi và sữa lỗi. Như Sư Bà đã dạy:

Kiếp chúng sanh đọa lạc luân trầm,

Ai cũng có căn thâm gốc tội.

Vì lẽ ấy ngày nay sửa đổi,

Bước đường tu nhuần gội Phật ân.

(Khuyến Nhẫn - Ni trưởng Huỳnh Liên)

Từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta đã chìm đắm, lặn ngụp trong biển sinh tử luân hồi, trải qua không biết bao nhiêu lần lầm đường lạc lối, xuống lên ba cõi. Kiếp này đủ duyên được sinh làm người với đầy đủ sáu căn, được chút hiểu biết. Vậy hãy cố gắng dùng chút tri thức, sự hiểu biết cộng với lòng từ vốn có ở con người để sửa đổi, cải thiện bản thân, làm những việc thiện lành, kiểm soát lời nói, việc làm và suy nghĩ của mình hướng đến chân, thiện, mỹ ngõ hầu hoàn thiện bản thân cũng như hoàn thiện nhân cách con người.

Mặt khác, không phải chỉ có người học Phật mới kiểm soát lời nói, việc làm và suy nghĩ của mình mà ngay cả người thế tục cũng phải thực hành điều này. Cũng như tục ngữ có câu: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Chữ “uốn lưỡi” có nghĩa là trước khi nói phải nghĩ đi nghĩ lại có nên nói hay không. Người thế tục còn phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói thì người học Phật càng phải cẩn ngôn cẩn hạnh hơn thế nữa. Nếu nói mà làm người khác buồn phiền, đau lòng thì không nên nói. Chỉ nên nói những lời tốt lành làm cho người khác vui lòng. Như Sư Bà đã dạy trong bài Khẩu:

Miệng ta là cánh hoa sen,

Một khi hé nở, một phen thơm lừng.

Tiếng ta là gió mùa xuân,

Một cơn thổi nhẹ, muôn dân mát lòng.

(Khẩu - Ni trưởng Huỳnh Liên)

Thật vậy, người học Phật là người ở trong đời nhưng vượt lên khỏi sự uế trược của đời. Cũng như hoa sen mọc giữa bùn nhưng không nhiễm mùi bùn. Vì thế, Sư Bà đã ví lời nói của người học Phật giống như cánh hoa sen tỏa ngát hương thơm, như ngọn gió mùa xuân ấm áp đem đến sự mát dịu, an vui cho mọi người. Và Sư Bà đã dùng chính việc làm cũng như ý chí để minh chứng cho lời nói của mình. Sinh ra làm kiếp nữ lưu tay yếu chân mềm, ít nhiều đã là chướng duyên trong cuộc sống, đồng thời so với nam giới thì nữ giới có phần thiệt thòi hơn rất nhiều. Cũng là một người phụ nữ, Sư Bà đã hiểu rõ những bất công cũng như nỗi khổ của người nữ. Sư Bà thương cho thân phận người nữ và phát nguyện thường làm kiếp nữ thân để thân cận, gần gũi tiện bề hóa độ người nữ:

Con nguyện hiện thường kiếp nữ thân,

Bởi bao phụ nữ khổ trong trần.

Tiện bề thân thiện con dìu dắt,

Dầu phải cực lòng lớp phụ nhân.

(Con Nguyện - Ni trưởng Huỳnh Liên)

Dù biết mang thân người nữ phải chịu nhiều thiệt thòi nhưng Sư Bà vẫn phát nguyên thường làm thân nữ. Sư Bà là một hình ảnh sống động cho đóa hoa sen tỏa ngát hương thơm, là ngọn gió xuân ấm áp đem đến sự mát dịu, an bình cho nữ giới. Đây không phải là một hạnh nguyện mà ai cũng có thể làm được. Một việc làm với lòng bao dung lớn, một sức nhẫn chịu cho sự dấn thân, một hành động đầy sự thuyết phục cho việc Khuyến Nhẫn của Sư Bà. Cũng là một người nữ, con thật kính phục ý chí và nguyện lực của Sư Bà. Được dự vào hàng xuất gia chúng con lại được thọ hưởng những thành quả mà mấy chục năm qua Sư Bà đã dốc công gầy dựng. Để đền đáp công ơn lớn lao của Sư Bà, chúng con nguyện sẽ nỗ lực tu hành trau tâm dồi tánh, lấy lòng bao dung, vị tha của chính mình giúp người vượt qua khó khăn dõng mãnh trên con đường Đạo. Đã 30 năm ngày Sư Bà viên tịch nhưng Sư Bà vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí của Ni giới Hệ phái Khất sĩ nói riêng và Tăng Ni Việt Nam nói chung. Sư Bà mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho hàng hậu học chúng con noi theo.

TIỂU THIỆN

Chùa thuận Phước

TƯỞNG NIỆM

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính lạy Đức Tổ Sư, Tổ khai sáng Hệ phái Khất sĩ Việt Nam

Kính lạy Giác Linh đệ nhất Ni trưởng.

Kính bạch quý Ni trưởng, quý Ni sư, quý Sư cô.

Kính thưa quý Phật tử.

Hôm nay là ngày lễ tưởng niệm lần thứ 30 của Sư Bà Đệ nhất con thành kính đảnh lễ dâng lên Giác linh Sư Bà đôi dòng tưởng niệm.

Trong bài Khuyến Tu, Sư Bà có dạy:

Răn khuyên: đời khổ lắm thương ôi,

Sanh, chết, đau, già mãi thế thôi.

Duyên tục vấn vương, vương chẳng dứt,

Nợ trần vay trả, trả không rồi.

(Khuyến Tu - Ni trưởng Huỳnh Liên)

Qua đoạn thơ trên, Sư Bà dạy rằng: Chúng sanh trên đời này, không có ai mà sung sướng suốt cuộc đời và cũng không ai tránh khỏi được cái khổ của sanh, lão, bệnh, tử. Ai tạo nhân nào thì hưởng quả đó. Không ai có thể thoát khỏi sự chi phối của nhân quả, dù có chạy xa cách mấy hoặc trốn đến chân trời hay tận gốc biển. Chạy trốn đến đâu đi chăng nữa thì cuộc đời con người cũng chỉ lẩn quẩn trong vòng nhân quả vay trả, trả vay không ngừng ngớt. Vì thế, phải tin tưởng Phật pháp. Chỉ có ánh sáng của Phật pháp mới có thể giúp con người thoát khỏi nhân quả. Nếu ai chê bai hoặc không tin tưởng Phật pháp thì đời đời kiếp kiếp nghiệp duyên sẽ không bao giờ chấm dứt mà nó cứ quanh quẩn mãi theo chúng ta.

Và để giúp mọi người thoát khỏi nhân quả khổ đau, nhất là người nữ phước mỏng nghiệp dày, chướng duyên đeo đẳng, Sư Bà đã phát nguyện thường làm kiếp nữ thân để tiền bề gần gũi, giúp đỡ, cảm hóa:

“Con nguyện hiện thường kiếp nữ thân,

Bởi bao phụ nữ khổ trong trần.

Tiện bề thân thiện con dìu dắt,

Dầu phải cực lòng lốt phụ nhân”.

(Con nguyện - Ni trưởng Huỳnh Liên)

Khi quỳ trước đức Tổ Sư, Sư Bà đã bày tỏ ý nguyện xuất gia làm chiếc thuyền chở chuyên phái nữ. Và ý nguyện đó đã trở thành lời phát nguyện của Sư Bà, không những đời này mà suốt chặng đường cho đến ngày đạo quả viên mãn. Sư Bà nguyện sẽ làm kiếp nữ thân để che chở cho những người phụ nữ khổ đau trong thế gian này. Sư Bà nguyện dầu phải cực khổ đến đâu thì Sư Bà cũng sẽ không bao giờ từ bỏ chúng sanh.

Những ai là Phật tử mỗi ngày đi Chùa tụng Kinh tại các Tịnh xá thuộc Ni giới Khất sĩ, không Phật tử nào không biết đến lời di huấn của Sư Bà:

Ngày đã cận, cần tu gấp rút,

Giới giữ sao trong sạch như xưa.

Định Huệ không thiếu, không thừa,

Lợi ích dân chúng đúng vừa khả năng.

Đây là lời Di huấn của Sư Bà mà các Tịnh xá Ni giới Khất sĩ đã đọc mỗi tối sau khi tụng kinh xong để đảnh lễ Sư Bà, tỏ lòng tôn kính, nhớ đến công hạnh của Sư Bà đã cống hiến cho Ni giới Khất sĩ. Đồng thời cũng giúp mọi người nhớ đến lời Di huấn của Sư Bà, tự răn khuyên nhắc nhở chính mình tinh tấn tu Tam vô lậu học Giới, Định, Tuệ để làm hành trang khi một mai vô thường đến. Bởi tất cả vạn vật trên thế gian này đều là vô thường, ai ai rồi cũng phải chết, không phân biệt giàu nghèo, Vua quan hay thứ dân.

Khi đọc những bài kệ thơ của Sư Bà làm cho con cảm thấy mình cần phải dõng mãnh hơn trên bước đường tu học, cần phải siêng năng trau dồi tâm tánh cho ngày một tốt hơn. Nhân ngày tưởng niệm lần thứ 30 của Sư Bà con kính dâng đôi dòng cảm tưởng. Kính nguyện giác linh Sư Bà thùy từ chứng giám.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.