Làm gì trong ngày Tết?

168605 181066915259373 100000681961730 487380 1152470 nChúng ta có khi nào đã tự đặt cho mình một câu hỏi giản đơn rằng ta sẽ làm gì trong ngày Tết chưa? Câu hỏi không lời giải đáp! Cả một quá trình chuẩn bị với thật nhiều thứ: nào bánh kẹo, mứt gừng, thiệp chúc xuân, cành mai vàng, phong bì đỏ,… đủ nói lên rằng ta cũng háo hứng đón chào một năm mới đang đến gần.

Những việc có thể làm…

Thật nhiều hoạch định được đề ra trong đầu, nào là: Ta sẽ trở về thăm cha mẹ sau những ngày xa quê hương, sẽ cùng gia đình ngồi quay quần bên nhau trong đêm giao thừa, kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn của một năm qua và hướng đến một năm mới tốt đẹp. Ta sẽ đi chùa lễ Phật đầu năm để cầu nguyện sự bình an,... Nhưng cũng không ít người cho rằng Tết là dịp để ta được thỏa mãn rượu chè, cờ bạc, thích làm những việc mà bấy lâu nay ta không dám làm,... Hoặc có khi khởi lên những ý tưởng tham cầu, cố gắng tranh thủ kiếm thật nhiều tiền từ những việc làm sai trái.

Với tôi…

Ngày Tết cũng có nhiều việc cần có ý niệm trước như: Tôi sẽ về thăm Thầy Tổ, thăm gia đình sau những tháng ngày tha phương. Tôi sẽ thức đêm để nấu bánh tét, sẽ rạng rỡ nụ cười khi nói “lì xì cho đệ”; sẽđược đảnh lễ Thầy và đại chúng để dâng lên những lời chúc an lành… Không khí xuân cũng tràn ngập trong lòng khi nhớ về nó.

Những ý niệm sai biệt của đời thường…

“Ngày tết mà ăn chay, tu thiền, tụng kinh, và sám hối”… Với nhiều người, đây là những việc làm giết chết ngày xuân. Cần phải làm việc gì đó thật ý nghĩa với những phút giây quý báu trong ba ngày Tết, và họ đắm chìm trong những đam mê trụy lạc đời thường.

Giá trị từng phút giây…

Thời gian qua nhanh và chẳng trở lại bao giờ. Nếu ta xem cuộc đời là một quá trình trải nghiệm tâm linh qua chặng đường đầy hoa lá, ta sẽ nghe được tiếng chim hót, nước chảy, và tiếng rì rào của gió, tiếng thủ thỉ của côn trùng... Nó như khúc trường ca vô tận, khi ấy thời gian là một thỏi vàng đắc giá. Một lời cầu nguyện chân thành dưới chân Phật, hay một chút tĩnh tâm hít thở trong ngày xuân,… là những việc nên làm để bắt đầu cho những định hướng tốt đẹp tương lai. Đừng bao giờ lãng quên và thờ ơ với nó. Nếu không, ta sẽ đánh mất thời gian vô ích.

Như câu chuyện nói về một người cha giàu có ở thành thị muốn dạy con trai mình biết quý trọng những gì đang có bằng cách cho cậu bé thấy tận mắt cuộc sống cực khổ ở thôn quê như thế nào. Sau nhiều lần dự tính, ông đã sắp xếp để hai cha con dành ra hai ngày đêm ở một nông trại mà hầu hết người dân sinh sống ở đó đều rất lam lũ.

Khi đang lái xe về nhà cùng con trai sau hai ngày ở nông trại, người cha quay sang hỏi cậu bé: Con có thấy những người dân ở đây đã phải sống thế nào chưa? Con thấy rồi. Thế con đã học được gì? Sau một phút suy nghĩ, cậu con trai đáp: Con thấy rằng chúng ta thì mua thức ăn, nhưng họ lại tự trồng trọt và họ thấy ngon miệng hơn vì điều đó. Con thấy rằng họ có đến bốn con chó trong khi chúng ta chỉ có một. Chúng ta chỉ có một mảnh đất nhỏ để sống trong khi họ có những cánh đồng bao la. Chúng ta chỉ có một cái hồ bơi sau nhà, và nó thật nhỏ bé khi so với dòng sông nơi họ sinh sống. Chúng ta phải xây tường bao quanh nhà để bảo vệ tài sản của mình, còn bạn bè họ bảo vệ tài sản cho họ. Cảm ơn Cha đã cho con thấy chúng ta nghèo như thế nào, Cha ạ! Người cha chỉ thì chỉ biết nhìn con mình với vô vàn thất vọng.

Có thể nói trong câu chuyện này nhân vật đứa con trai đã phần nào khắc họa lại chính bản thân ta, cứ mãi chạy theo những dòng tư tưởng trước cái nhìn ngoại cảnh tầm thường, và cho đó là đúng mà quên đi giá trị đích thực, bài học kinh nghiệm mà nó mang lại là gì? Nếu ta đặt mình trong nhân vật đứa con để nhìn nhận ngày Tết thì cũng như thế, ta chỉ nhìn những khía cạnh bên ngoài, mà quên mất bên trong ẩn chứa một giá trị đạo lý vô cùng quý báu.

Hãy tự nhắc mình nhìn lại…

Ngày mùng một Tết, tôi hay đứng trước bàn thờ Phật và cầu nguyện rằng: Cảm ơn Phật đã cho con được sống thêm một năm nữa, để con được hiện hữu trên cõi đời này, tuy chỉ là giả tạm phù du nhưng nó đã cho con được sống và yêu thương, được trải nghiệm những khổ đau, thử thách rèn luyện thân tâm, hay trải lòng trong những cảm xúc vui tươi, hỷ lạc,… hay hổ thẹn, thất vọng mỗi khi con phóng dật, tham lam, tật đố,… Đó là những lời tôi bộc bạch với Phật vào những dịp đầu xuân, để tự nhắc nhở và suy nghiệm lại chính mình. Tôi nghĩ hạnh phúc đơn giản chỉ khi ta biết sống, làm mới mình để từ bỏ những gì không đẹp trong tâm hồn,…Năm mới chúng ta hãy cùng nhau sống lại… đơn giản thế thôi, bạn nhé!