Lễ phép nuôi tư tưởng

tsmdq050Trong danh ngôn có câu nói: “Lễ phép là cái đầu tiên và dễ chịu nhất trong các đức tính". Lời gợi ý cho chúng ta bài học làm người, biết dưỡng nuôi đời sống đạo đức, biết đề cao phẩm hạnh của con người. Tục ngữ lại có câu: “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ”, để từ đó cho chúng ta thấy việc lễ phép là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử giữa người với người.

Theo từ điển giải thích, lễ phép là cách thể hiện lịch sự trong giao tiếp và kính trọng bề trên. Còn Tổ sư thì dạy “Lễ phép nuôi tư tưởng”, nghĩa là phép dưỡng nuôi tư tưởng con người, và cũng chính là sự khiêm cung trong hành vi ứng xử. Suy ngẫm về ý nghĩa này người viết xin có những cảm nhận nhân đọc lời dạy trên.

Người xưa có dạy: “Ngựa quen đường cũ” để nói về những người có hành vi tư tưởng không chịu sửa đổi hay “tánh nào tật đó”. Thái độ không chịu thay đổi có trăm ngàn những nguyên nhân vừa hại mình vừa hại người, gây tổn thất cho cho những giá trị tâm linh mà con người đang có.

Trong cuộc đời, quả thật rất khó đoán được những hành vi tư tưởng của con người, có biểu hiện trộm cắp, cướp giật, tống tiền… những hành vi bên ngoài chúng ta có thể nhìn thấy được, nhưng ở mức độ sâu hơn, khó hiểu hơn như chính tư tưởng mưu tính từ trước, có sắp xếp, tổ chức… trong hành vi mà người ấy thực hiện. Tùy theo mức độ gây ra mà những người có trách nhiệm có thể định ra được tội trạng mà người ấy đã làm. Ngoài ra, có những tội con người không thể định ra được tội mà họ đã gây ra cho cuộc sống này. Và có những loại tội không thể đoán định được, chỉ có tòa án lương tâm của họ mới có thể hiểu rõ và đưa ra quyết định chính xác mà thôi.

Qua lời dạy của Tổ, phép nuôi tư tưởng con người thì phải học sự khiêm cung trong hành vi ứng xử với con người. Tại sao được Tổ nhắc đến vấn đề này? Trong các kinh đức Phật thường nhắc đến: tâm như đất, tâm nhẫn nhục, tâm khiêm nhường… rất nhiều danh từ để chỉ ra ý nghĩa lễ phép trong hành vi ứng xứ của con người. Mặc khác, thái độ ứng xử tốt của mỗi người chính là nhân tốt, chúng sẽ bảo vệ cho ta trước những cạm bẩy đầy quyến rũ, đam mê của cuộc sống để không phải đón nhận đời sống tội lỗi khổ đau. Cho nên Tổ mới dạy: “Tư tưởng ác sinh tà dâm”, nghĩa là tư tưởng xấu chính là hạt giống không tốt trong con người, do quan điểm thái độ không đúng của con người mà có, biểu hiện ra là tâm có vui buồn, mừng giận, thương ghét,..tất cả điều này đến từ hạt giống thiện hay bất thiện của con người, hạt giống không tốt thì sẽ trổ ra quả không tốt. Những hạt giống này tạo ra chất độc làm cho con người mất sự cân bằng, tâm lý không thể kiểm soát, ăn không ngon ngủ không yên, hại cho bản thân mà không hề hay biết. Theo một nghiên cứu khoa học đã cho thấy.

"Rồi cũng thế, " vô tình" với cây và nước; khoa học nước có biểu cảm, có "kiến, văn, giác, tri", nước hiểu sâu sắc ý nghĩ cũng như mọi ngôn ngữ trên hành tinh. Một cốc nước được đặt ở Nhật, nếu một người Việt nam quán tưởng yêu thương hay giận hờn, khi đem kết tinh, chụp lại sẽ cho ra hình ảnh đẹp như viên kim cương hay xấu xa như trái thối; ứng với niệm của người đã quán đó..." (Giác ngộ-709/16)

Những quan điểm, nhận thức, cách nhìn…xuất phát từ động cơ tư tưởng không tốt, điều này từng giây từng phút chiêu cảm quả báo lên bản thân con người hằng ngày mà có ai quan tâm tới. Thật là kém khuyết thay khi quả đã chín, chuyện đã rồi, phóng lao thì phải theo lao chứ còn phải biết tính sao!

Đọc lời khuyên của Tổ, chúng ta không khỏi lo âu trước sự thiếu hiểu biết của con người. Nhiều lúc chúng ta chăm sóc cho chính bản thân quá chu đáo, quá sạch sẽ… nhưng hậu quả mang lại là không như ý muốn ban đầu, tâm chiêu cảm sự khổ trong kiếp sống luân hồi thì có nên chăng? Chúng ta làm nhiều mà không có hưởng, không có thành quả biểu dương thì có nên chăng?... Hậu quả việc không có giáo dục, không chịu sống khuôn phép đạo đức, không có sự huân tu thiền định, không sống trong nguyên tắc giới luật…Kết quả chúng ta nhận được chỉ là “cơm chưa lành, canh chưa ngọt.” Tâm không có được một phút giây bình an.

Tổ đưa ra phương pháp hóa giải lối sống buông trôi theo ý ham muốn đời thường này bằng cách nhìn lối sống đạo, “Lấy lễ phép nuôi tư tưởng”. Cách nhìn này thật vô cùng quý giá, như là lời nhận định con người có nếp sống đạo đức, sống có tình có nghĩa, có thứ lớp, biết bảo vệ sức khỏe của mình, những điều này hình thành trật tự chung của xã hội, như năm giới của người phật tử…giữ được nguyên tắc đạo đức trên, mình sống và mọi người cùng sống. Lối sống đạo này mới hạn chế được tâm ham muốn không biết dừng của con người.

Tư tưởng xấu ác làm sự sống con người trở nên nghèo nàn về tinh thần và làm con người không có lối ra. Tư tưởng xấu ví như trong căn phòng chúng ta đang ở, vì bận công việc mưu sinh cho nên chúng ta không chú ý đến việc dọn dẹp căn phòng cho sạch sẽ, trong nhà hết sức bề bộn, không gọn gàng, quần áo dơ, hay cả thức ăn thừa,…chưa kịp dọn đi. Đây chính là nguyên nhân làm căn nhà trở nên ô nhiễm, vì các vi sinh độc hại từ đó mà sinh ra, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tư tưởng xấu cũng giống như vậy, sự toan tính, hoài nghi, lòng ích kỷ, tranh chấp hơn thua đã làm con người cảm thấy mệt mỏi, sự sống bị bào mòn, tan hoại. Có cái sống mà dường như đã chết.

Thông qua lễ phép, người sống có giới luật, có nguyên tắc chuẩn mực của tâm, mình có thể hạn chế, ngăn chặn tư tưởng xấu ác đang rập rình con người trong mỗi lúc. Thông qua hành vi của lối sống đẹp, biểu hiện tư tưởng, đạo đức, nhân cách, năng lực, bản lĩnh sống của con người lương thiện, chơn chánh...Người xưa, đã bàn về điều này rất nhiều, qua nhiều nhân vật nổi tiếng, tinh thần hiếu nghĩa, tinh tấn, từ bi trí huệ...đó là những tấm gương sáng đạo đức con người lưu truyền mãi mãi.

Quan sát tiến trình phát triểu tư tưởng còn non yếu, hoạt động bản năng rất sung mãn, như lời Tổ dạy “Thú khó dằn tư tưởng mà giao cấu.” Ở điểm này, cho chúng ta nhận thấy, các loài vật sống bằng tư tưởng bản năng, có nhiều loài vật tưởng tri phát triển có thể biết, cảm nhận được thời tiết khi có bão, sóng thần, hay mưa… Nhưng nhìn chung tư tưởng này chưa có thức phân biệt nên loài thú không thể làm chủ được hành động khi các căn tiếp xúc với trần.

Sự không khéo tu tập tâm đã làm cho tư tưởng tốt và xấu lẫn lộn nhau, một tư tưởng hướng con người đến sự tốt đẹp cho bản thân và mọi người, còn tư tưởng kia hướng dẫn con người đến sự ham thích cùng thỏa mãn các giác quan mà không biết đủ. Sự suy thoái tinh thần, coi trọng vật chất làm cho cả nhân loại lo ngại, nó như bóng đêm khiến cho con người không biết đâu là lối đi, như sương mù bởi vì che mất tri thức của con người, như miếng vải nhuộm màu khó lòng làm cho sạch sẽ trở lại. Đây cũng là sự lo lắng của những nhà có trách nhiệm bảo vệ và duy trì văn hóa tư tưởng tốt đẹp của nhân loại.

Các nhà nho xưa đã phát triển tư tưởng này rộng rãi và phổ cập trong mọi tầng lớp nho sĩ thời bấy giờ: “Nhân – lễ - nghĩa – trí - tín”, năm nguyên tắc về đạo đức này là thước đo giá trị của con người thời đó, và cũng là tiêu chuẩn đạo đức xã hội. Ai không tuân thủ nguyên tắc này thì không phải là người tốt, người không có lễ thì không thể chỉ dạy những bài học đạo đức...Trái lại những người tốt hay người quân tử thì được mọi người coi trọng về lòng thành thật, thanh liêm, đức hy sinh, tinh thần trách nhiệm. Con người biết đặt tư lợi của mình dưới lợi ích của cộng đồng, họ là tấm gương sáng để mọi người soi chung.

Một lối sống đẹp, một ý niệm thiện lành là nấc thang giúp cho con người khỏi bị sa đọa trong cảnh khổ tối tăm, là nơi nương tựa để giúp con người phân biệt nẻo chánh đường tà, là giá trị tâm linh mà con người tạo ra cho cuộc sống. “Lễ phép nuôi tư tưởng” là phép tu chỉ cho chúng ta cái sống ích lợi, đạo lý thật gần gũi, giản dị. Một cách nhìn, một phương pháp hàm ý lòng từ bi và trí tuệ được triển khai hết sức bình dị trong đời sống. Con người thực hiện được, chúng ta thấy tiến trình của tư tưởng được thăng hoa, giá trị của cái biết già chắc, kết quả lối sống đạo mang lại thật là vô cùng tốt đẹp, mong rằng ai thấy lợi ích như vậy mà thực hành chăng!