Khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 36 tại Tịnh xá Trúc Lâm (Tây Ninh) đã bước vào ngày tu thứ 8. Theo đó, sáng 10/12/2024 (10/12/Giáp Thìn), HT. Giác Đăng – Giáo phẩm Hệ phái, Trụ trì Tịnh xá Vạn Đức (Tiểu bang California, Hoa Kỳ), đã có thời pháp đàm đến hành giả tham dự khóa tu xoay quanh chủ đề Chơn lý “Thập nhị nhân duyên”.
Thập nhị nhân duyên, hay 12 nhân duyên là giáo pháp quan trọng, là cách trình bày đặc biệt của giáo lý “duyên khởi” (Paticcasamuppada). Giáo lý này do chính Bồ-tát Tất Ðạt Ða (Siddhartha) thể chứng dưới cội bồ đề sau 49 ngày tư duy thiền định, từ đó Ngài trở thành một bậc Giác ngộ hoàn toàn. Xuyên suốt thời gian này, Đức Phật đặc biệt xoay quanh việc liên hệ tới hai vấn đề: nhân duyên và nhân quả.
Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, với Chơn lý “Thập nhị nhân duyên”, cũng đã đề cập đến vấn đề này. Theo đó, Hòa thượng đã giải thích về bản chất của các pháp trên thế gian là vô thường và cách con người có thể nhận thức được sự vô thường đó thông qua trải nghiệm thực tế.
Lấy ví dụ về câu chuyện cô công chúa và chuỗi ngọc, bởi thấy những giọt sương rơi xuống từ mái hiên, xuyên qua ánh nắng tạo thành những hạt long lanh, cô công chúa lầm tưởng đó là ngọc và đòi hỏi một chiếc chuỗi ngọc bằng chính những hạt sương ấy. Đó là điều bất khả thi, cho đến khi có một ông lão đến và tự nhận có thể làm được chuỗi ngọc ấy cho công chúa, với điều kiện cô công chúa phải tự lựa được viên ngọc “sương” mà mình yêu thích. Sau khi không thể nào hứng được những giọt sương, cuối cùng chán nản và không còn ham muốn chuỗi ngọc nữa.
Thông qua câu chuyện này, HT. Giác Đăng nhận định: “Đó là cái bài học mà khi chúng ta quán xét sự vô thường không phải là do từ kiến thức của người khác, không phải từ sự vay mượn, mà từ chính trải nghiệm thực tế của mình. Tóm lại, cần phải tự mình trải nghiệm sự vô thường, khi đó chúng ta sẽ không còn tham luyến những thứ phù du trên thế gian. Như vậy, làm sao để tự mình trải nghiệm sự vô thường? Đó là chúng ta phải tu tập”.
Hòa thượng chỉ rõ, việc tu tập giống như học võ, cần phải luyện tập thường xuyên để kiến thức, kỹ năng trở thành phản xạ tự nhiên. Tương tự đó, hành giả tu tập cần phải quán xét về nhân quả cho đến khi nó trở thành một phần trong nhận thức của mình.
Trở lại vấn đề về 12 nhân duyên, Hòa thượng đặc biệt nhấn mạnh về “vô minh”, là việc con người không thấu suốt được bản chất của các pháp, dẫn đến những hành động tạo tác nghiệp. “Vô minh là nền tảng của hành động (hành). Hành là hành động tạo tác qua thân, khẩu, ý. Mỗi hành động tạo ra một vòng tròn nghiệp, vòng tròn này di chuyển cho đến khi kết thúc và tạo ra kết quả. Con người bị chi phối bởi nghiệp, dù có tin vào Phật pháp hay không”, Hòa thượng chỉ rõ.
Nói về nghiệp, Hòa thượng không đồng ý với định nghĩa nghiệp là những hành động lặp đi lặp lại nhiều lần trở thành thói quen. Thay vào đó, Hòa thượng bày tỏ quan điểm: “Nghiệp là một tiến trình khép kín, trong đó khởi điểm là một nhân, tức là hành động tạo tác của chúng ta qua thân - khẩu - ý. Khi chúng ta có một hành động tạo tác, nghĩa là ta tạo nên một vòng tròn và một khởi điểm xuất hiện trên vòng tròn đó. Khởi điểm đó bắt đầu di chuyển cho đến khi giáp mối lại với điểm khởi đầu, thì lúc bấy giờ kết quả được hiện ra. Nguyên cái vòng tròn đó chúng ta tạm gọi là ‘vòng tròn nghiệp’. Thời gian di chuyển của điểm trên vòng tròn nghiệp được tính từ lúc khởi điểm xuất hiện cho đến khi nó giáp mối trở lại, nguyên giai đoạn đó gọi là ‘duyên’. Cái khởi điểm đầu tiên gọi là ‘nhân’. Toàn bộ tiến trình đó gọi là ‘duyên’ và cuối cùng kết thúc bằng ‘quả’. Và, khi nó giám mối lại thì vòng tròn nghiệp sẽ biến mất, đồng thời kết quả được hiện ra cho người tạo tác ‘nhân’”.
Theo Hòa thượng, trong vòng tròn nghiệp, khi một người tạo nghiệp xấu thì cũng giống như kích hoạt một quả bom nổ chậm, mặt khác, tạo nghiệp tốt thì như kích hoạt pháo hoa. Trong tiến trình vận hành của nghiệp xấu / tốt, mỗi người phải gánh chịu hậu quả của hành động mình đã tạo ra, kể cả khi không có bất cứ ai hay điều gì tác động vào. Theo đó, có 03 loại quả báo mà con người phải trả quả cho hành động trong quá khứ là: hiện báo (trả quả ngay trong hiện đời), sanh báo (trả quả trong đời tiếp theo), hậu báo (trả quả trog nhiều đời, nhiều kiếp).
Từ đó, Hòa thượng giải thích về việc không nên ôm lòng hiềm hận khi bị người khác làm tổn hại, vì đó chính là kết quả của những nghiệp xấu mà mình đã gieo trong quá khứ. Như vậy, nếu con người hiểu rõ nhân quả sẽ giúp chính mình buông bỏ hận thù, chấm dứt sớm vòng tròn nghiệp.
Được biết, chiều cùng ngày, HT. Giác Đăng tiếp tục chủ trì buổi pháp đàm với chủ đề về 12 nhân duyên. Qua đó, Hòa thượng đã nhắc lại các khái niệm về vòng tròn nghiệp, ngũ uẩn sanh khởi, nghiệp và tội… đồng thời giải thích những thắc mắc và trình bày từ chư hành giả tham dự khóa tu. Khép lại chủ đề này, Hòa thượng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc suy tư và thực hành giáo pháp trong việc tìm kiếm con đường giải thoát khỏi mọi khổ đau, sanh tử luân hồi.
Một số hình ảnh được ghi nhận: