Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh của Giáo đoàn III, lần thứ 23, tổ chức tại tịnh xá Linh Sơn (thôn Yên Dân, xã Trung Thành, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), từ ngày 18 - 25/2 Giáp Thìn (27/3 - 03/4/2024) có nhân duyên hội cả 3 sự kiện lớn: (1) Ngày 19âl là ngày Kỷ niệm đản sanh Bồ-tát Quán Thế Âm; (2) Ngày Tưởng niệm Trưởng lão Giác Phúc - Đệ tam Trưởng Giáo đoàn III, Trụ trì tịnh xá Ngọc Phúc (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai); (3) Ngày 25/2 Giáp Thìn là ngày Tưởng niệm Hòa thượng Giác Dũng - Đệ tứ Trưởng Giáo đoàn III, Trụ trì tịnh xá Ngọc Quang (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Ngày tu thứ hai, 19/2 Giáp Thìn, đại chúng tu học theo thời khóa biểu hàng ngày trong truyền thống Phật giáo Khất sĩ thành kính hướng tâm kỷ niệm đản sanh Bồ-tát Quán Thế Âm và tưởng niệm Trưởng lão Giác Phúc.

04g00: Đại chúng tụng bài Chơn lý - Lễ giáo, sau đó thiền hành theo bước chân của chư Tăng Ni Ban Quản chúng.

 

 

 

08g00: TT. Giác Hoàng hướng dẫn 40 vị tân Tỳ-kheo, tân Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa, Sa-di, Sa-di-ni tập tu hạnh khất thực hóa duyên.


 

 

 

 

10g30 đại chúng đảnh lễ tưởng niệm Giác linh Trưởng lão Giác Phúc - Đệ tam Trưởng Giáo đoàn III và sau khi tụng kinh cúng Ngọ, TT. Giác Hoàng đã cung kính thuật lại những công hạnh đặc biệt của Trưởng lão thuở đương thời.

Trưởng lão sinh ngày 28 tháng 01 năm 1924 tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định. Ngài quy y Tam bảo vào năm 1959 và được Đức Thầy ban pháp danh là Thiện Tánh. Khi còn làm cư sĩ, Ngài cùng với huynh trưởng là cố Trưởng lão Giác Phải và người cháu ruột là cư sĩ Thiện Minh xây dựng tịnh xá Ngọc Sơn (thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) và cúng dường lên Đức Thầy và đoàn Du Tăng làm nơi dừng chân dạy đạo.

Đức Thầy Giác An chứng minh xuống tóc xuất gia cho Trưởng lão vào ngày 23 tháng Giêng năm Quý Mão (1963) và ban cho pháp danh Giác Phúc. Năm 1964, ngài thọ giới Sa-di và năm 1968 thọ giới Tỳ-kheo. Hai mươi tịnh xá của Giáo đoàn III lúc bấy giờ đều ghi dấu bước chân hành đạo trụ xứ. Từ năm 1975, ngài về trụ trì tịnh xá Ngọc Phúc (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Năm 1996, chư Tôn đức Tăng Ni trong Giáo đoàn suy tôn ngài làm Trưởng Giáo đoàn III và cung thỉnh ngài về Tổ đình Nam Trung tại tịnh xá Ngọc Tòng (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) để chứng minh và điều hành Phật sự Giáo đoàn.

Suốt 33 năm hành đạo, Trưởng lão hóa độ nhiều đệ tử xuất gia và tại gia. Ngài tinh tấn tu tập và hành đạo, với hạnh đơn giản thanh bần, kiên nhẫn vị tha. Năm tròn 78 tuổi, ngài “dự tri thời chí” và dạy chư Tăng: “Tôi đã viết di chúc và ngày giờ ra đi của tôi cũng đã xác định. Bảy ngày nữa, vào ngày kỷ niệm đức Bồ-tát Quán Thế Âm đản sanh, tôi sẽ viên tịch.” Từ ngày 15/2 âl, chư Tăng, Ni, Phật tử từ các nơi về đảnh lễ thăm viếng ngài. Cho đến lúc sắp viên tịch, tinh thần của ngài vẫn thanh thản, sắc diện tươi tỉnh.  

Sáng ngày 19/02 Tân Tỵ (2001), ngài dạy các Sư thị giả tắm rửa, thay y áo trang nghiêm, chuẩn bị cuộc hành trình nối tiếp. Vào lúc 19g00, ngài gọi chư Tăng đến và đưa mắt nhìn khắp một lượt rồi vẫy tay chào thu thần thị tịch. Ngài đã tự tại trong việc đến đi, tự tại mỉm cười trước sanh tử. Ngài quả thật là bậc Cao Tăng đắc đạo ngay hiện đời này. Những thời khắc tưởng niệm công hạnh và đạo nghiệp của vị Trưởng lão Trưởng Giáo đoàn III trong nghi thức dung dị mà ấm áp, trang nghiêm, đại chúng dâng lên một niềm tri ân và tôn kính ngưỡng phục vô biên đối với ngài

Buổi Ngọ trai ngày tu thứ hai do quý Phật tử trong tổ Ma-ha Ca-diếp và tổ A-nan của tịnh xá Linh Sơn thành kính cúng dường.

Thời học pháp buổi chiều, ĐĐ. Giác Kỉnh đã chia sẻ với đại chúng ý pháp trong Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, “Kinh sợ hãi sóng nước”:

“Có bốn sự sợ hãi, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi với người đi xuống nước. Thế nào là bốn? Sợ hãi về sóng, sợ hãi về cá sấu, sợ hãi về nước xoáy, sợ hãi về cá dữ. Có bốn sự sợ hãi này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi với người đi xuống nước. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, đối với một số thiện nam tử đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, có bốn sự sợ hãi được chờ đợi. Thế nào là bốn? Sợ hãi về sóng, sợ hãi về cá sấu, sợ hãi về nước xoáy, sợ hãi về cá dữ.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về sóng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta nay bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức; bị khổ áp bức; bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này.” Khi được xuất gia như vậy, vị này được các vị đồng Phạm hạnh giảng dạy, khuyên giáo: “Ông cần phải đi ra như vậy, ông cần phải đi về như vậy, ông cần phải ngó tới như vậy, ông cần phải ngó quanh như vậy, ông cần phải co tay như vậy, ông cần phải duỗi tay như vậy, ông cần phải mang y Saṅghāṭi như vậy, ông cần phải mang y bát như vậy.”

Vị ấy suy nghĩ như sau: “Trước kia, khi ta chưa xuất gia, chính ta giảng dạy, khuyên giáo người khác. Những người này giống như con ta, giống như cháu ta, lại nghĩ rằng cần phải giảng dạy ta, cần phải khuyên giáo ta.” Vị ấy phẫn nộ, không hoan hỷ, từ bỏ học tập và trở về hoàn tục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này được gọi là vị Tỷ-kheo sợ hãi về sóng. Này các Tỷ-kheo, sợ hãi về sóng là đồng nghĩa với phẫn não. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sợ hãi về sóng.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về cá sấu?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta nay bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức; bị khổ áp bức; bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này.” Khi được xuất gia như vậy, vị này được các vị đồng Phạm hạnh giảng dạy, khuyên giáo: “Ông nên nhai cái này, ông không nên nhai cái này; ông nên ăn cái này, ông không nên ăn cái này; ông nên nếm cái này, ông không nên nếm cái này; ông nên uống cái này, ông không nên uống cái này. Cái gì được phép, ông nên nhai; cái gì không được phép, ông không nên nhai. Cái gì được phép, ông nên ăn; cái gì không được phép, ông không nên ăn. Cái gì được phép, ông nên nếm; cái gì không được phép, ông không nên nếm. Cái gì được phép, ông nên uống; cái gì không được phép, ông không nên uống. Đúng thời, ông nên nhai; không đúng thời, ông không nên nhai. Đúng thời, ông nên ăn; không đúng thời, ông không nên ăn. Đúng thời, ông nên nếm; không đúng thời, ông không nên nếm. Đúng thời, ông nên uống; không đúng thời, ông không nên uống.” Vị ấy suy nghĩ như sau: “Trước kia, khi ta chưa xuất gia, cái gì ta muốn, ta nhai; cái gì ta không muốn, ta không nhai. Cái gì ta muốn, ta ăn; cái gì ta không muốn, ta không ăn. Cái gì ta muốn, ta nếm; cái gì ta không muốn, ta không nếm. Cái gì ta muốn, ta uống; cái gì ta không muốn, ta không uống. Cái gì được phép, ta nhai; cái gì không được phép, ta cũng nhai. Cái gì được phép, ta ăn; cái gì không được phép, ta cũng ăn. Cái gì được phép, ta nếm; cái gì không được phép, ta cũng nếm. Cái gì được phép, ta uống; cái gì không được phép, ta cũng uống. Cái gì đúng thời, ta nhai; cái gì không đúng thời, ta cũng nhai. Cái gì đúng thời, ta ăn; cái gì không đúng thời, ta cũng ăn. Cái gì đúng thời,  ta nếm; cái gì không đúng thời, ta cũng nếm. Cái gì đúng thời, ta uống; cái gì không đúng thời, ta cũng uống. Khi các gia đình có tín tâm cúng dường ta ban ngày, phi thời, những món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, hình như những món này, ta bị chặn đứng lại trên miệng.” Như vậy, vị ấy từ bỏ học tập và trở về hoàn tục. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là vị Tỷ-kheo sợ hãi bởi sự sợ hãi về cá sấu, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với tham ăn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sự sợ hãi về cá sấu.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về nước xoáy?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta nay bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức; bị khổ áp bức; bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này.” Khi được xuất gia như vậy, vị này buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng hộ thân, không phòng hộ lời, không phòng hộ tâm, niệm không an trú, các căn không phòng hộ. Tại đấy, vị ấy thấy gia chủ hay con người gia chủ hưởng thụ, được cung cấp đầy đủ, được thực hiện năm dục trưởng dưỡng và cảm thấy hoan hỷ trong ấy. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta xưa kia chưa xuất gia đã hưởng thụ, được cung cấp đầy đủ, được thực hiện năm dục trưởng dưỡng và cảm thấy hoan hỷ trong đó. Vì nhà ta có tài sản, ta có thể vừa hưởng thụ tài sản vừa làm các công đức.” Vị ấy từ bỏ học tập và trở về hoàn tục. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là vị Tỷ-kheo sợ hãi bởi sự sợ hãi về nước xoáy, từ bỏ học tập, trở về hoàn tục. Này các Tỷ-kheo, sợ hãi về nước xoáy là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sợ hãi về nước xoáy.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về cá dữ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức; bị khổ áp bức; bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này.” Khi được xuất gia như vậy, vị này buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng hộ thân, không phòng hộ lời, không phòng hộ tâm, niệm không an trú, các căn không chế ngự. Vị này thấy ở đây những phụ nữ mặc y phục không đoan chánh hay đắp y phục không đoan chánh. Khi thấy những phụ nữ mặc y phục không đoan chánh hay đắp y phục không đoan chánh, ái dục phá hoại tâm của vị ấy. Vị này, tâm bị ái dục phá hoại, từ bỏ học tập, trở về hoàn tục. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Tỷ-kheo sợ hãi bởi sự sợ hãi về cá dữ, từ bỏ học tập và trở về hoàn tục.

Này các Tỷ-kheo, sợ hãi về cá dữ là đồng nghĩa với phụ nữ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sợ hãi về cá dữ.

Này các Tỷ-kheo, ở đây, có bốn sự sợ hãi này, được chờ đợi đối với một số thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp, Luật này.”

Để làm rõ hơn bốn sự sợ hãi này, Đại đức giới thiệu thêm các bài kinh khác như kinh Tiểu kinh dấu chân voi số 27 trong Kinh Trung bộ, Kinh Bāhiya trong Kinh Tiểu bộ 1, câu chuyện về cuộc đời Trưởng lão Cūlapanthaka và nhiều ý pháp trong cuộc sống hàng ngày.

Tiếp theo thời học pháp, các hành giả Tăng Ni họp riêng để kiện toàn một số việc cần thiết và hướng dẫn cho nhau những điều nhỏ nhặt, tinh tế.

Các thời tu thiền tọa, tụng kinh, sám hối cuối ngày được diễn ra nhịp nhàng, thanh tịnh. Ngày tu thứ hai trong khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh lần thứ 23 thật ý nghĩa, lợi lạc.