Quảng Nam: Pháp thoại “Tiếp cận chữ Tánh trong Chơn lý” do HT. Minh Thành thuyết giảng tại khóa tu truyền thống lần thứ 34

Sáng 20/04/2024 (nhằm 12/03 Giáp Thìn), HT. Minh Thành - UVTT HĐTS, Phó ban Giáo dục Phật giáo T.Ư, Phó ban Hoằng pháp T.Ư, Phó Viện trưởng VNCPHVN, Phó Trưởng ban Thường trực GPHP, đã có thời pháp thoại chủ đề “Tiếp cận chữ Tánh trong Chơn lý”, nhân ngày thứ 10 của khóa tu truyền thống Giới - Định - Tuệ lần thứ 34.

Với đề tài “Tiếp cận chữ TÁNH trong Chơn lý”, HT. Minh Thành cho biết, ở khóa tu truyền thống Giới - Định - Tuệ lần thứ 34, chư Tôn đức đã thống nhất đặt trọng tâm thuyết giảng vào các bài đầu của Bộ Chơn lý (từ bài 1-5). Theo đó, nội dung mà Hòa thượng tâm đắc nhất trong 5 quyển đầu đó là Chơn lý – Lục căn, thể hiện góc nhìn của Tổ sư Minh Đăng Quang, qua biết bao sự trải nghiệm và tu tập, về tầm quan trọng của việc phát triển ngũ căn, tức hành giả tu tập cần phát triển hệ thống tâm thức của mình. Rõ ràng, khi muốn phát triển hệ thống tâm thức, nghĩa là ta phải thông qua 5 căn – nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân). Đối với căn thứ 6 – ý căn, Hòa thượng cho rằng, nếu chúng ta chỉ sống với ý căn trở xuống sẽ khó có thể đạt được cảnh giới mà một hành giả tu tập cần đạt được, hay khó có thể đạt được những tầng bậc tu chứng mà một hành giả cần đạt được.

Hòa thượng khẳng định, chúng ta cần hạn chế việc sử dụng 6 căn đầu và thường sử dụng căn thứ 7 để biến căn thứ 7 này thành nội lực chính của một hành giả. Trong Chơn lý, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang gọi căn thứ 7 này là “trí căn”. HT. Minh Thành nhấn mạnh: “Cùng làm một việc, phán định, suy xét và lựa chọn một việc, nhưng người dùng ý để làm thì dẫu có lúc sẽ trùng lặp, nhưng chắc chắn việc làm bằng ý sẽ không chứa đựng nội hàm cao như khi vận dụng bằng trí. Bởi lẽ, ý hàm chứa sự riêng tư, cá nhân, có tính bộc phát, nhất thời, trong khi đó, trí hàm chứa sự công tâm, trong sáng và giảm đi tính cá nhân, nhất thời hơn”.

Không chỉ dùng trí căn nâng dần hoạt động tư duy, ứng xử của một hành giả, mà trong Chơn lý còn nói đến căn thứ 8 – tánh căn. Hòa thượng khẳng định: “Rời khỏi thế giới của trí, tạm gọi là thế giới của nhị nguyên, ta đi vào thế giới của tánh thể, thế giới phi nhị nguyên, tức trở về với bản nguyên, chân như, tự tánh, với cái thường hằng, viên mãn. Nếu hành giả tu tập chỉ dừng lại ở ý căn thì chỉ là một phàm phu đơn thuần, dừng lại ở trí căn thì chỉ vươn lên hơn phàm phu đến bậc Thánh. Tuy nhiên, bậc Thánh không phải là chỗ đến cuối cùng, lý tưởng cuối cùng của nhà Phật. Vì vậy, hành gải tu tập không thể dừng lại ở trí mà phải tiến lên tánh”.

Như vậy, chữ tánh hiện lên trong Chơn lý như thế nào? Theo Hòa thượng, việc tiếp cận chữ tánh trong Chơn lý cũng có nghĩa đang tìm hiểu cách tiếp cận cảnh giới cao nhất của một hành giả tu tập đang đi trên đạo lộ của Đức Phật và Tổ Thầy đã đi. Qua đó, Hòa thượng nêu lên hai cách tiếp cận tối ưu nhất, đó là tiếp cận theo kiểu nhà Thiền và tiếp cận theo tư cách một hành giả.

Tiếp cận theo kiểu nhà Thiền: Theo lời các vị Thiền sư chỉ dạy, hãy đưa một đề tài, hay đề mục nào đó, trở thành một hình dáng, thực thể nhất định, để khi hành giả suy nghĩ về, đề tài đó có thể hiển lộ ra được. Một hành giả cần xem xét tâm thức của chính mình như một mảnh đất, một thửa ruộng và dụng công săn sóc mảnh đất, thửa ruộng ấy, dọn dẹp, cắt tỉa đi những cỏ dại, rác rến, những thứ gây cản trở sự sinh sôi, nảy nở hạt giống tốt đẹp của nó, bằng cách công phu hằng ngày, như niệm Phật, tọa thiền, tụng kinh, lễ bái, kinh hành v.v… Những việc đó khiến tâm thức của hành giả tu tập trở thành môi trường thuận tiện cho hạt giống thiện tâm, hạt giống Phật được gieo vào và có kết quả khả quan. Bước tiếp theo là phơi phóng mảnh đất tâm khiến nó được tơi sốp dưới ánh sáng mặt trời, tức dùng chánh niệm rọi vào tâm, để diệt sạch những mầm móng có thể gây nguy hại cho hạt giống. Sau đó, hành giả tu tập đem đối tượng cụ thể ra, hay các vị Thiền sư gọi là đưa ra công án.

Ở đây, HT. Minh Thành đưa tánh thành 3 tầng nghĩa theo cách của Chơn lý, với phần lõi – thịt cơm – vỏ, như một hạt giống, dùng hạt giống này gieo vào mảnh đất tâm thức của hành giả tu tập. Mỗi ngày, hành giả chỉ cần ý thức rằng trong mình đang có hạt giống của tánh, rồi liên tục dụng công tu tập một cách chuyên cần, đến một ngày hội đủ nhân duyên, hạt giống ấy sẽ tự nảy mầm, vươn chồi, ra hoa và kết trái. Đây là cách tiếp cận tối ưu theo cách nhà Thiền.

Tiếp cận thứ cấp: HT. Minh Thành nêu lên cách tiếp cận đối với hai chữ tánh trong Bộ Chơn lý, bao gồm chữ tánh xuất hiện đầu tiên và cuối cùng.

Trong Chơn lý – Võ trụ quan có đoạn: “Sao tinh là ánh sáng, nếu là hơi sáng của một quả địa cầu khác, thì bền dài. Hào quang của núi thì lâu, của người thú, cây, cỏ, thì khi không, khi có; bởi trong mỗi thân thể đều có lửa đốt ánh sáng xuất lộ ra ngoài, nếu thân chết lửa tắt, thì tinh quang mất dạng. Đối với bậc thanh tịnh có trí huệ, đủ đức tánh, không có chi xao động, thì ánh sáng ấy trụ rất gần trên đỉnh đầu, gọi là hào quang; bằng xao động thì nó tản ra xa khó thấy. Hễ vật chi có lửa là có hào quang, có lửa là có sống, có cử động có màu sắc, tướng hình, linh và biết”. Qua đây có thể thấy, sức nhìn của Chơn lý là khôn cùng, khác cách biệt so với cách nhìn thông thường của chúng ta. Hòa thượng chỉ rõ: “Chơn lý thấy ‘sao tinh là ánh sáng’, đây là một câu tinh túy khi đưa ra được sự đồng thể với con người, nói sao tinh là nói đến con người. Ánh sáng của con người ở đây chính là ánh sáng của sự bừng ngộ, dạng ánh sáng cao nhất của con người, ánh sáng linh biết”.

Chữ “đức tánh” xuất hiện trong đoạn trên, so sánh với những chữ trong cùng một dòng có thể thấy là “thanh tịnh”, “trí tuệ”, “không xao động”, mà theo HT. Minh Thành, đó là sự đồng song, đồng hạng, đồng vị. Như vậy, phải chăng đức tánh có gì đó mang hơi hướng, màu sắc, hương vị tương thông tương tác với “có trí tuệ không có chi xao động” và “có trí tuệ không có chi xao động” là tiền đề của đức tánh. Chữ đức tánh lúc này hòa vào thế giới của “trí tuệ” và “không xao động”.

Chữ tánh thứ hai nằm ở số 327, trong câu kệ của Chơn lý: “Làm người, ta có lòng nhân / Hãy khơi tánh Phật lần lần sáng ra / Người cùng muôn vật một nhà / Ta là anh chị, chúng là đàn em / Khôn hơn ta phải xét xem / Trông nom giúp đỡ đàn em dại khờ”.

Hòa thượng chỉ rõ, chữ tánh ở đây không nằm riêng mà gắn với chữ Phật, tạo ra từ tánh Phật. Tánh Phật ở đây có mối tương quan với việc không sát sanh. Thông thường con người chúng ta từ cho mình là số 1 và thế giới chung quanh ta là số 2, như ý của HT. Minh Châu trong một luận văn của mình có đề cập rằng, vì sao nhiều người luôn xem thế giới này là môi trường và môi trường ấy phải đáp ứng được nhu cầu có hạnh phúc của họ. Nghĩa là, chúng ta coi môi trường xung quanh ta là nơi để ta khai thác, sử dụng, làm tất cả những gì để hòng đáp ứng nhu cầu có được hạnh phúc của mình. Hay nói cách khác, con người chúng ta đang xem môi trường như hòn đá lót đường để ta đặt chân lên đi tìm hạnh phúc. Với tư duy và nhận thức như vậy, bất cứ thứ gì cản đường ta, hay thậm chí hiện hữu mà không mang lại lợi ích cho ta, đó đều phải bị loại trừ, ngay cả đó là con người bất kỳ.

Khép lại buổi thuyết giảng, Hòa thượng khẳng định: “Tư duy, nhận thức tách biệt về ta và thế giới, chính là nguyên nhân cho thảm kịch của nhân loại. Và, chỉ khi nào ta nhận ra thế giới này, môi trường này với ta là một thể, là nhất như, chúng ta mới chạm đến được chữ tánh trong chữ tánh Phật”.

 

Một số hình ảnh tại khóa tu truyền thống ngày thứ 10: