Loài hoa đẹp

senvaphat1 320x240

“Hoa sen thanh khiết thơm tho,

Mọc lên giữa chốn bùn nhơ ao tù.

Con người trí, dũng, bi, từ,

Hiện ra giữa chốn phàm phu tục trần”.

(Đệ nhất Cố Ni trưởng)

Thật vậy, hoa sen trong bùn nhưng trong sạch chẳng ô nhiễm, chẳng bị nước bùn làm ô uế. Cũng vậy, tâm ở trong trần lao mà chẳng bị trần lao làm mê hoặc. Tâm chúng ta không hình tướng, hoa có xanh, vàng. Nhân hoa mà rõ cái thấy, do cái thấy biết hoa. Hoa là sắc tướng vô tình còn thấy biết chính là chân tâm, chỉ chẳng vọng sinh phân biệt thì vật ngã tự như như.

Hoa sen khác với các loài hoa khác. Hoa sen nở ra là có sẵn gương ở trong nên gọi là nhân quả đồng thời. Mọc trong bùn lầy mà hoa sen vẫn sạch thơm, cọng hoa từ gốc đã tách rời cành lá. Loài ong bướm hoa nào cũng đến, nhưng đặc biệt hoa sen chúng không đến, và hoa sen không bị người lấy làm đồ trang sức.

Hoa sen sinh trưởng trong bùn lầy vẫn tinh khiết, còn chúng ta bao nhiêu năm trôi dạt trong trần quên đi cái tâm chân thật, không biết mình là ai, để rồi trôi dạt, vướng mắc vào cái hư giả, khổ sở điên đảo khôn cùng. Con người thường chạy theo sự thay đổi giả tạm bên ngoài, chợt có chợt không, khi còn khi mất. Khổ đau luân hồi sinh tử vậy mà chúng ta mãi cứ chạy theo cái hư giả. Bây giờ chúng ta nhận ra, hãy quay về sống với cái thật; sống được cái thật, cái giả không còn nữa, vòng luân hồi lẩn quẩn từ bao nhiêu đời kiếp sẽ dừng lại.

Thật vậy, chúng ta đủ duyên xuất gia làm Tăng phải quyết theo một con đường thẳng tiến, chắc rằng sẽ thành công. Chúng ta phải nhận ra cái thật, chớ không thể nào chạy trốn, phải đến nơi nào đó yên mới tu được. Ở ngay đây, bây giờ tu không được thì đừng nói chạy đi đâu, tìm kiếm nơi nào khác mới tu được, đó chẳng khác người đứng núi này trông núi nọ. Không chịu khó, không dám đương đầu với thực tế, không chấp nhận với hoàn cảnh hiện tại sẽ không thể tiến trên bước đường tu tập. Chúng ta làm sao ở trong bùn lầy mà vẫn trong sạch như hoa sen. Trong cuộc sống này với bao nhiêu vướng mắc mình vẫn tự tại, giữa bùn lầy chúng ta vẫn thơm tho, đừng để cảnh trần cuốn hút tạo thêm nghiệp. Chúng ta tu là để giác ngộ, không lẽ nào lại chạy theo dục vọng mê cuồng hào nhoáng bên ngoài.

Chúng ta lấy cái gương của các Ngài đi trước mà tu, không nên nuôi mặc cảm yếu đuối, tự ti, lúc nào cũng tự gắng, tự khắc, tự nhận mình có khả năng giác ngộ và mọi người cũng đều như nhau. Chúng ta khéo nhận, khéo tu, nghiêm khắc áp dụng đúng với bốn oai nghi, tu tập đúng thời khoá mỗi ngày. Thấy kẻ ác, trong tâm hãy tự tỉnh lấy, cũng như thấy đoàn người đi trước bị trơn trợt hầm hố, chúng ta chẳng lẽ để cho mình té ngã như người trước vậy sao? Cho nên chúng ta phải tỉnh, phải dè dặt phải coi dưới chân là đất cứng hay hầm hố gai gốc; biết đó là bẫy, là trơn trợt mà để té là thật quá si mê.

Người tu khi biết mình còn cái gì dở phải bỏ, đừng kiêu mạn cho ta là giỏi là hay, cố chấp mê lầm cho mình là đúng là hơn người, hễ người khác nói, mình liền nổi sân, si. Nếu chúng ta không sửa lỗi của mình, một niệm tâm sân nổi lên là đốt hết cả rừng công đức, trăm ngàn cửa chướng ngại mở ra. Sân hận rồi còn giải đãi lười biếng, đến giờ thời khoá tụng kinh, ta không đi, nói là mình bệnh mà thật là không có bệnh. Chúng ta đang bị những nghiệp tập trầm kha sáu ngả, nếu không bỏ được những tật hư dở của mình, chúng ta không thể sáng suốt, bình tĩnh, và không nhẫn chịu được những hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta không siêng năng tinh tấn công phu hằng ngày, thiếu chịu đựng thì sẽ đổ vỡ hết, sẽ khiến mọi người chê cười. Nếu chúng ta không cảnh giác, không nghiêm trì giới luật, làm sao phát huy trí tuệ được. Trí tuệ ở đây là trí tuệ Bát-nhã xuyên thủng tất cả những tham đắm, chấp trước cái ngã từ lâu nay.

Người tu chúng ta phải mặc áo giáp tinh tấn, siêng năng liên tục chớ không phải siêng năng một lúc, phải bền chắc chẳng động như đất chở chúng sanh không chút nhàm mỏi. Đây mới thật là biết gìn giữ tâm, hoàn toàn không có ngã. Khi chúng ta cắt đứt các duyên chung quanh sẽ nhẹ nhàng trên bước đường tu tập.

Giống như cọng hoa sen từ gốc đã tách rời cành lá, loài ong bướm không bao giờ lẩn quẩn bên nhuỵ hoa, và loài người không dùng hoa sen làm vật trang điểm, chúng ta tu tập như thế nào đừng để bị cuốn hút, đừng tạo nghiệp, chúng ta cố gắng phấn đấu từng hơi thở, từng tâm niệm, chuyển hoá nghiệp của mình, để giải thoát ngay trong cõi đời uế trược này.

"Kỷ yếu Hạ trường Tịnh xá Ngọc Phương"