Lời di huấn của Đệ nhất Ni trưởng

Đệ nhất Ni trưởng thế danh là Nguyễn Thị Trừ, sanh năm 1923, viên tịch năm 1987, khi Người 65 tuổi.Ni trưởng xuất gia năm 1947, được Đức Tổ Sư giao trọng trách lãnh đạo Ni giới Khất sĩ. Ni trưởng đã lèo lái chiếc thuyền Giáo hội Khất sĩ Ni giới đi khắp 2 miền Nam – Trung. Nhờ bi nguyện bao la, sức tinh tấn không mệt mỏi, Ni trưởng đã Phật giáo hội nhập vào lòng người, cho đến nay, đã thành lập được 72 ngôi Tịnh xá, thu nhận hàng nghìn Ni chúng và hàng vạn tín đồ.

Ni trưởng là người có thiên phú về thơ ca, văn học, nên đạo nghiệp pháp bảo thơ văn của Ni trưởng vô cùng phong phú. Những bài kệ của Người ai đọc qua cũng lưu lại trong lòng những cảm xúc khó tả. Chẳng hạn như bài Lời di huấn của Cố Ni trưởng:

Ngày đã cận cần tu gấp rút,

Giới giữ sao trong sạch như xưa.

Định, Huệ không thiếu không thừa,

Lợi ích dân chúng đúng vừa khả năng.

Ngay câu đầu, Ni trưởng đã thức tỉnh chúng ta, rằng cuộc đời là vô thường, cần phải tinh tấn gấp rút tu hành kẻo trễ.

Ta thử định tĩnh nhìn lại một ngày mới bắt đầu: Sáng ra: Ăn, làm việc. Trưa: Ăn, nghỉ. Chiều: Làm việc. Tối: Ngủ. Ngày lại qua ngày. Thấm thoát, tuổi đời chồng chất, sức tàn, hơi kiệt, khi nhìn lại, giật mình sợ hãi: “Khi ra đi, mình sẽ mang theo gì đây? Và để lại gì? Rồi lại muốn làm cái gì đó để mang theo thì đã trễ tràng vì “Lực bất tòng tâm”.

Học giáo lý, chúng ta thường nghe các bậc Thầy giảng dạy: thân vô thường, cảnh vô thường, tâm vô thường. Chúng ta thấy thật đúng như vậy. Nhìn lên bầu trời, ta thấy những đám mây chẳng hề phút giây nào dừng trụ. Tâm ta cũng vậy, vui, buồn, thương ghét, lo âu, phiền não luôn gặm nhấm chúng ta.

Con người ý vọng gồm hai,

Khi mừng, khi giận, đổi thay không lường.

Vội vàng, khi ghét, khi thương,

Khi vui, vui ngất, khi buồn, buồn hiu.

(NT. Huỳnh Liên - Ý)

Vì vậy, Ni trưởng dạy chúng ta đang sống trong cuộc đời vô thường, cần phải tinh tấn tu hành đừng để một đời qua luống.

Giới giữ sao trong sạch như xưa.

Giới được ví như đôi chân của mình, thiếu chân không thể đi được, thiếu giới thì không thể lên cõi trên được. Vì vậy, Đức Phật đã chế giới cho các đệ tử của Ngài: đệ tử xuất gia giữ gìn 10 giới, 250 giới, 348 giới; Phật tử tại gia có 8 giới, 5 giới.

Phật dạy: Là người cư sĩ tại gia, nếu nghiêm trì 5 giới thì chắc chắn người ấy sẽ được sống cuộc đời an lạc, hạnh phúc trong đời này và đời sau, sau khi chết sẽ được sanh vào cõi người hoặc cõi trời.

Trong Chơn Lý, Đức Tổ sư có dạy: Tu là trau sửa, hễ tu hành thì đức hạnh làm gốc, mà đức hạnh do giới luật phát sanh, nếu nghiêm trì giới luật, tu hành chín chắn, đó tức là con đường giải thoát.

Bốn chân lý mà Đức Phật đã dạy là: Khổ, tập, diệt, đạo. Trong thế gian này,nguyên nhân của mọi đau khổ là do vô minh, hay nói cách khác, chính tham lam, sân hận, si mê là nguồn gốc của mọi phiền não, mọi tranh chấp, oan trái, là động cơ cho 3 nghiệp thân, khẩu, ý gây tạo tội lỗi.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn ưa thích những gì vừa ý, ghét bỏ những gì làm ta phật lòng. Vừa ý thì ta bám víu,phật lòng thì ta sân hận, phiền não. Từ đó, vô tình, hoặc cố ý mà ta làm những điều tội lỗi, tổn hại đến mọi loài chúng sanh.

Những cái làm cho chúng ta vui, buồn, thương ghét, phiền não là giả dối, không thật, đó chỉ là vọng tưởng. Nếu ta dùng gươm trí tuệ cắt đứt những vọng tưởng ấy thì tâm chơn thật hiện tiền, như Ni trưởng đã dạy. Giới giữ sao trong sạch như xưa là chân tâm Phật tánh của mình đã có sẵn mà lâu nay ta bỏ quên.

Định Huệ không thiếu không thừa”.

Khi vọng tưởng không còn, sống an trú trong giới luật thì ta không còn chấp cái bản ngã này nữa, chúng ta thấy thế gian này là giả tạm, không thật, luôn bị luật vô thường chi phối. Lúc ấy, tham sân si giảm thiểu và tâm sẽ được an định.

Nhờ thiền định mà chúng ta có thể vượt qua tham muốn vật chất tầm thường, tự đặt mình vào đời sống kỷ cương, tự kiểm soát được thân tâm, phát sanh trí tuệ, tự mình giác ngộ. Như trong kinh đã nói: Nhơn giới sanh định, nhơn định phát tuệ.

Phật dạy cho chúng ta con đường trung đạo để đoạn tận khổ đau, để đạt được an vui hạnh phúc ngay trong đời này, và dẫn đến giải thoát sanh tử. Và con đường trung đạo đó cũng chính là tu tập Giới – Định – Tuệ.

Qua 3 câu thơ Ni trưởng đã dạy, Người khuyên chúng ta phải biết tinh tấn giữ mình theo Giới, Định, Huệ để có thể diệt trừ tham, sân, si thì đời sống mới được an vui hạnh phúc.

Tình yêu quê hương của Ni trưởng rất tha thiết, câu cuối cùng, Ni trưởng dạy: “Lợi ích dân chúng đúng vừa khả năng”.

Tinh thần vì đạo vì đời của Ni trưởng lúc nào cũng bàng bạc trong thơ văn:

Nguyện xin hiến trọn đời mình,

Cho nguồn đạo pháp cho tình quê hương.

Sau khi xuất gia, ngoài việc tiến tu đạo nghiệp, Ni trưởng còn đấu tranh cho chân lý, cho lẽ thiện, cho nền hòa bình, độc lập, tự do, chống bất công trong cuộc sống, giành quyền bình đẳng nam nữ. Như lời khen tặng của Hòa thượng Từ Thông:

Chí bất khuất vì Hạnh phúc – Tự do,

chiếc áo Khất Sĩ làm vẻ vang trong Ni Giới;

Nguyện kiên cường cho Hòa bình – Độc lập,

tấm thân nữ lưu nêu gương sáng chốn Tòng lâm.

(Hòa thượng Thích Từ Thông)

Người là một trong 25 đại biểu miền Nam dự Hội nghị Hiệp thương chính trị để bàn về vấn đề thống nhất nước Việt Nam sau ngày giải phóng đất nước; Người là vị trưởng lão Ni của Phật giáo đầu tiên được bầu vào quốc hội khóa VI, khóa đầu tiên khi nước nhà thống nhất.

Ni trưởng đã đem đạo vào đời, nhập trần bất nhiễm, tùy duyên bất biến, dạy cho hàng môn đồ Phật tử biết trưởng dưỡng thiện căn, để tiêu trừ nghiệp chướng; biết sống lợi tha, hỷ xả, tu hành tinh tấn, để đủ đức độ, tài năng hoằng dương chánh pháp.

Nghiêng vai gánh Đạo vào đời,

Cho đời tỏ Đạo ta người đồng tu.

(NT. Huỳnh Liên – Sen gương)

Tấm lòng vì đạo, vì đời của Cố Ni trưởng bát ngát như biển khơi, như hư không bất tận. Dù Ni trưởng không còn nữa nhưng pháp bảo của Người còn sống mãi trong hàng môn đồ, Phật tử.Những ai được đọc qua thơ của Người cũng cảm thấy phải tự sửa mình để sống có ý nghĩa hơnvà cuộc đời đẹp hơn.

Là người Phật tử, chúng takhông phải chỉđọc tụng suông lời Di huấn của Ni trưởng,mà giờ giờ phút phút luôn khắc ghi vào tâm khảm đểtinh tấn tu hành theo lời dạy của Người:

Tu phước ngày đêm cội phước trồng,

Phước trồng thấm thoát huệ sanh bông,

Quên thân vì đạo lòng thơ thới,

Học pháp, hành thiền, trí sáng thông.

(NT. Huỳnh Liên – Kệ Chơn lý bài “Cư sĩ”).