Lời giới thiệu (Kỷ yếu hội thảo)

Tác phẩm “Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập” là tuyển tập gần một trăm bài tham luận tại hội thảo khoa học mang cùng chủ đề vào ngày 26 tháng 2 năm 2014, tại Pháp viện Minh Đăng Quang, trụ sở của Hệ phái Khất sĩ. Đây là hội thảo, cũng như tác phẩm quy mô nhất, toàn diện nhất, hệ thống nhất về Tổ sư Minh Đăng Quang nói riêng và Hệ phái Khất sĩ nói chung, từ trước đến giờ.

Tác phẩm này là kết quả nghiên cứu học thuật của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Hệ phái Khất sĩ. Lấy bối cảnh tưởng niệm 60 năm ngày Tổ sư Minh Đăng Quang (1954 - 2014) vắng bóng, tác phẩm này khảo cứu một cách toàn diện về những đóng góp to lớn của Tổ sư Minh Đăng Quang trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ điểm xuất phát quan trọng này, ngoài việc khảo cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang cũng như quá trình hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ tại Việt Nam và trên thế giới, các nhà Tôn giáo học và các nhà Phật học còn nghiên cứu tư tưởng Phật học của Tổ sư Minh Đăng Quang qua bộ Chơn lý. Dựa vào tư tưởng của bộ Chơn lý, qua bảy thập niên hình thành và phát triển, Hệ phái Khất sĩ đã có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại.

8

Với tông chỉ “Nối truyền Chánh pháp của Phật Thích-ca”, Tổ sư Minh Đăng Quang đã xây dựng đường lối tu học phù hợp với bối cảnh xã hội Việt Nam. Những đóng góp của Tổ sư Minh Đăng Quang và Hệ phái Khất sĩ cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam có thể được đúc kết qua một số vấn đề trọng tâm như sau:

1. Xây dựng một đạo Phật tiếp biến văn hóa

Một mặt chủ trương quay về đạo Phật gốc qua pháp phục tam y, hành khất độ sinh, thiền định chuyển hóa, lối sống giản dị, ăn chay nuôi tâm từ, Tổ sư Minh Đăng Quang chủ trương lấy văn hóa Việt Nam làm cơ sở truyền bá Phật pháp cho người Việt Nam. Nhờ phương pháp tiếp biến văn hóa qua bộ Chơn lý, Hệ phái Khất sĩ đã nhanh chóng khẳng định chỗ đứng bền vững trong lòng Phật giáo Việt Nam và đất nước Việt Nam, đáp ứng hiệu quả nhu cầu tu học của quần chúng Phật tử tại miền nam Việt Nam.

2. Truyền bá một đạo Phật thuần Việt

Trong bối cảnh các Nghi thức tụng niệm thuộc các trường phái Phật giáo Việt Nam trong thập niên 50 của thế kỷ 20 đều là phiên âm Hán Việt, Tổ sư Minh Đăng Quang đã mạnh dạn sử dụng các bài kinh thuần Việt với ngôn ngữ bình dân, dễ hiểu và đi vào lòng người. Việt hóa nghi thức tụng niệm và hoằng truyền Phật pháp bằng tiếng Việt dễ hiểu không chỉ là chủ trương của Hệ phái Khất sĩ, mà còn là con đường độ sinh thiết thực và hữu hiệu. Nhờ đó, các thành phần Phật tử dễ dàng tiếp cận, hiểu rõ và thực tập lời Phật dạy. Chủ trương này đã được Hòa thượng Giác Nhiên và Ni trưởng Huỳnh Liên chuyển thể qua hai ấn bản “Nghi thức tụng niệm” sau khi Tổ sư vắng bóng. Các nghi thức này đã trở thành tụng bản chính yếu của Hệ phái Khất sĩ Tăng và Ni cho đến ngày nay. Việc thi kệ hóa và sáng tác các bài sám nguyện bằng thi ca thuần Việt, các bài thơ đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang đã được hai vị cao đệ nêu trên tuân thủ nhất quán trong hai ấn bản Nghi thức tụng niệm. Vượt qua được các rào cản ngôn ngữ Hán Việt, các nghi thức tụng niệm thuần Việt, đậm chất thi ca của Hệ phái Khất sĩ đã trở thành thực phẩm tinh thần không thể thiếu đối với các Phật tử tại miền Nam Việt Nam.

3. Kiến trúc Tịnh xá đặc thù

Các ngôi Tịnh xá đầu tiên do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập và hơn 500 ngôi Tịnh xá của Hệ phái Khất sĩ xây dựng trong bảy thập niên qua đều mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt và mỹ thuật Việt. Thay vì dùng “Tự viện” trong Hán Việt, hệ thống chùa của Hệ phái Khất sĩ được gọi là “Tịnh xá”, dịch nghĩa của từ “Vihara” trong tiếng Pali và Sanskrit. Đây là một trong những nỗ lực thoát khỏi “Hán hoá”. Ngôi chính điện của Hệ phái Khất sĩ được xây dựng với cấu trúc bát giác, tượng trưng cho Chánh đạo gồm tám yếu tố (Bát chánh đạo), còn được gọi là con đường Trung đạo, gồm có tầm nhìn chân chính, tư duy chân chính, lời nói chân chính, hành động chân chính, nghề nghiệp chân chính, siêng năng chân chính, ghi nhớ chân chính và thiện định chân chính. Chánh điện bát giác này vừa tạo nên tính độc lập về kiến trúc mỹ thuật tự viện đối với Phật giáo Việt Nam, đồng thời làm phong phú cho kiến trúc mỹ thuật Phật giáo thế giới.

4. Đường lối tu tập nguyên thủy

Tông chỉ và đường lối tu tập của Hệ phái Khất sĩ được trình bày đầy đủ trong bộ Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang. Thoát khỏi các ảnh hưởng của các hình thái “Đạo Phật pháp môn” của Phật giáo Trung Quốc, Tổ sư Minh Đăng Quang nhấn mạnh “Đạo Phật nguyên chất” qua ba trụ cột tâm linh Phật giáo, gồm đạo đức, thiền định và trí tuệ. Về đạo đức, gồm có đạo đức tại gia, đạo đức xuất gia, đạo đức Bồ-tát như đức Phật đã dạy. Về thiền định, Tổ sư Minh Đăng Quang trung thành với phương pháp thiền chỉ, thiền quán, thiền minh sát tuệ như trong Phật giáo Nguyên thủy. Về trí tuệ, cần hội đủ trí tuệ do nghe học Phật pháp (văn tuệ), trí tuệ do nghiền ngẫm Phật pháp (tư tuệ), trí tuệ do tu tập đạo giải thoát (tu tuệ).Các bài giáo lý bằng văn xuôi và thi kệ trong bộ Chơn lý đều xoay quanh “kiềng ba chân” quan trọng này. Về phương diện xã hội học, Tổ sư Minh Đăng Quang đề cao thuyết tứ ân, ứng dụng sáu pháp hòa kính và bốn pháp đắc nhân tâm (Tứ nhiếp pháp) để nhập thế năng động và hiệu quả.

Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập có thể được xem là một hình thái đạo Phật “Dung hợp tinh hoa” của Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền tại Việt Nam. Về Nam truyền, Hệ phái Khất sĩ qua việc giữ truyền thống “Tam y, khất thực, không giữ tiền bạc, thực tập thiền quán, không đặt nặng nghi lễ”, đã phát triển nhanh hơn và mạnh hơn Phật giáo Nam truyền tại Việt Nam, nhờ vào tiếp biến văn hóa Việt Nam. Về Bắc truyền, Hệ phái Khất sĩ qua việc tiếp thu “văn hóa ăn chay, tụng kinh sám Đại thừa, không truyền bá mê tín”, đã phát triển vượt trội hơn một số giáo phái Đại thừa tại miền Nam Việt Nam, nhờ vào cách làm đạo thuần Việt, giản dị và dễ hiểu.

Nhờ chủ trương hòa hợp, Hệ phái Khất sĩ không chỉ có mặt trong dòng chảy chính thống của Phật giáo Việt Nam, mà còn góp phần tích cực trong việc xây dựng và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức Phật giáo thống nhất các trường phái và hệ phái Phật giáo đúng nghĩa, sau năm 1981.

Với 70 năm hình thành, tồn tại và phát triển tại Việt Nam và trên thế giới, Hệ phái Khất sĩ với những thành công và hạn chế nhất định đã trở thành mô hình làm đạo đáng tham khảo về phương diện học đạo, tu đạo, hành đạo, phụng sự nhân sinh của các cộng đồng Phật giáo Việt Nam.

Vì là Hội thảo mang tính học thuật, các bài nghiên cứu trong tác phẩm này thể hiện các quan điểm phong phú và đa chiều về Tổ sư Minh Đăng Quang và Hệ phái Khất sĩ. Cũng có nhiều vấn đề, do đánh giá từ góc độ này, nhìn nhận từ góc độ khác, một số tác giả thể hiện quan điểm dị biệt nhau. Dù dị biệt, các tác giả đều ghi nhận những đóng góp to lớn của Tổ sư Minh Đăng Quang nói riêng và Hệ phái Khất sĩ nói chung cho sự phát triển Phật giáo miền Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Tôi cho rằng tác phẩm này không chỉ là nguồn tham khảo quan trọng cho các nghiên cứu chuyên sâu về Hệ phái Khất sĩ mà còn là nguồn tài liệu hữu ích đối với các nghiên cứu về phong trào Phật giáo cách tân và Phật giáo phát triển cuối thời kỳ Pháp thuộc và trong giai đoạn Xã hội Chủ nghĩa. Đọc tác phẩm này, độc giả không chỉ thán phục về lí tưởng thiêng liêng, chí nguyện cao cả, độ sinh hữu hiệu của Tổ sư Minh Đăng Quang, mà còn cơ hội ôn lại một giai đoạn nhập thế đầy khó khăn và thử thách của Phật giáo tại miền Nam Việt Nam.

TT.TS. Thích Nhật Từ

Phó Viện trưởng kiêm Tổng thư ký

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

Phó Ban Tổ chức Hội thảo