Lời khuyên giản dị nhưng sâu sắc của Thiền sư Ajahn Chah cho một Phật tử nữ đang bệnh nặng

ajahn chah 1

Hôm nay, Sư không mang món đồ vật chất gì để tặng cho đệ tử cả mà chỉ có giáo pháp, chỉ có những lời Đức Phật dạy. Đệ tử hãy lắng nghe cho rõ. Đệ tử nên hiểu rằng ngay cả Đức Phật, Ngài tích lũy rất nhiều phước đức cũng không tránh khỏi cái chết về thể xác. Khi đến tuổi già, Ngài cũng phải từ bỏ thân thể của mình và buông xuống gánh nặng thân xác. Bây giờ, đệ tử cũng phải học cách bằng lòng trong nhiều năm đã lệ thuộc thân xác này. Đệ tử nên cảm thấy rằng thế là đủ lắm rồi.

Đệ tử có thể so sánh nó với đồ vật dùng trong nhà đệ tử đã sử dụng trong một thời gian dài, nào ly tách, đĩa nhỏ, đĩa lớn, v.v… Khi đệ tử mới có chúng, chúng trắng sạch và sáng bóng nhưng bây giờ, sau thời gian dài sử dụng, chúng đang bắt đầu sờn mòn ngả màu. Một số đã bị bể, một số bị mất, và những thứ còn lại đang từ từ hư hoại. Chúng không bền hoài và bản chất của chúng là như vậy. Thân thể của đệ tử cũng giống như thế. Nó cứ dần chuyển biến từng ngày ngay từ lúc đệ tử vừa mới được ra đời, rồi lớn lên thành em bé, thanh niên, cho đến bây giờ đã đến tuổi già nua. Đệ tử hãy nên chấp nhận điều này. Đức Phật bảo rằng các hành (sankharas), hoặc chúng là các hành bên trong thân thể, hay bên ngoài không thuộc tự thân, bản chất của chúng là thay đổi. Quán chiếu sự thật này cho đến khi đệ tử thấy nó một cách rõ ràng.

Giữ cho tâm và thân tách rời nhau

Cục thịt này nằm đây đang hư hoại dần là một sự thật (saccadhamma). Sự thật của thân này là giáo pháp đúng đắn và đó là lời dạy muôn đời không thay đổi của Đức Phật. Đức Phật dạy chúng ta hay nhìn vào thân này, quán chiếu nó và đối diện với bản chất của nó. Chúng ta phải có khả năng sống hòa bình với thân, với bất cứ trạng thái gì diễn ra trên thân. Đức Phật dạy rằng chúng ta hãy đảm bảo rằng chỉ có thân bị nhốt trong tù chứ không có tâm đang ở trong tù với nó. Bây giờ thân của đệ tử bắt đầu suy nhược dần và biến hoại cùng tuổi tác, đừng kháng cự lại điều đó, tuy nhiên đừng để tâm của đệ tử cũng sa sút theo nó. Hãy giữ tâm tách rời ra. Cung cấp năng lượng cho tâm bằng cách nhận diện sự thật mà các pháp vốn đang vận hành như thế. Đức Phật dạy rằng đây là bản chất của thân. Nó không thể nào làm theo cách nào khác được. Được sinh ra đời, rồi già, bệnh và rồi chết. Đấy là một chân lý vĩ đại mà đệ tử đang đối mặt. Hãy nhìn vào thân với trí tuệ và nhận biết nó.

Thậm chí ngôi nhà của đệ tử bị nước cuốn trôi hay bị cháy sạch, bất cứ sự nguy hiểm nào đe dọa nó, hãy xem đó chỉ là căn nhà. Nếu có lũ lụt đừng để lũ lụt cuốn trôi tâm mình. Nếu lửa cháy, đừng để nó đốt cháy tâm đệ tử. Hay xem đấy chỉ là căn nhà, vật bên ngoài đệ tử bị nước lũ cuốn trôi hay cháy mất. Tâm mình chỉ cho phép trôi đi những tham chấp. Làm được như thế là sự tu tập của đệ tử đã đến lúc chín muồi.

Đệ tử đã sống trong một khoảng thời gian dài. Đôi mắt của đệ tử đã thấy qua đủ loại cảnh sắc, tai đệ tử đã nghe nhiều loại âm thanh và đệ tử có một số trải nghiệm. Và tất cả cũng chỉ có thế, chỉ là những cảm nghiệm. Đệ tử đã ăn rất nhiều loại thức ăn và tất cả hương vị thơm ngon cũng chỉ là hương vị thơm ngon thôi, không có gì hơn nữa. Những hương vị không dễ chịu cũng chỉ là những hương vị không dễ chịu, thế thôi. Nếu mắt thấy cảnh đẹp, chúng ta nhận biết rằng đó là một cảnh đẹp. Một cảnh không đẹp nhận biết đó là một cảnh không đẹp. Tai nghe âm thanh du dương mê li, biết rằng âm thanh vốn dĩ như thế không gì khác hơn. Âm thanh không hòa điệu, chói tai cũng nhận biết đơn thuần nó đang là như thế.

Đức Phật đã dạy rằng giàu hay nghèo, trẻ hay già, con người hay động vật, không chúng sinh nào trên thế giới này có thể tự duy trì trong bất cứ trạng thái nào trong một khoảng thời gian dài, mọi thứ đều trải qua sự biến đổi và suy hoại. Tuy nhiên, Đức Phật cũng dạy rằng những gì chúng ta có thể làm được, đó là quán chiếu thân và tâm để thấy rõ tính vô ngã của chúng, thấy rằng không có gì nơi chúng ta là “ta” hay “của ta”. Chúng chỉ là một thực tại tạm thời. Cũng giống như ngôi nhà: trên danh nghĩa nó là của đệ tử, nhưng đệ tử không thể mang nó đi theo bất cứ đâu.

Tài sản, của cải và gia đình của đệ tử cũng vậy, nói họ là của đệ tử chỉ là trên danh nghĩa, họ không thật thuộc về đệ tử, họ thuộc về bản thể tự nhiên. Bây giờ, sự thật này không thể áp dụng riêng cho đệ tử, mọi người đều có cùng vị trí, ngay cả Đức Phật và chư vị Thánh đệ tử của Ngài. Họ khác với chúng ta không chỉ ở chỗ họ là bậc đáng tôn kính mà còn nhận biết rõ thực tại của các pháp vốn như thế. Họ nhận biết rằng nó chỉ có thể là vậy không có chuyện gì khác hơn.

Đừng mong nó trở nên khác đi

Đức Phật dạy chúng ta quán chiếu lướt qua toàn tấm thân này, từ đầu mút ngón chân cho đến đỉnh đầu và ngược xuống từ đầu đến ngón chân. Chỉ quán chiếu thân. Đệ tử thấy thân này như cái gì? Về bản chất thực của nó có sạch sẽ không? Đệ tử có tìm thấy bản chất vĩnh cửu nào ở đó không? Toàn bộ thân thể này đang dần dần suy hoại và Đức Phật dạy chúng ta phải nhận thức được rằng nó không thuộc về chúng ta. Bản chất tự nhiên của thân luôn đi theo cách này bởi vì tất cả các pháp hữu vi đều luôn biến đổi. Làm sao đệ tử muốn nó khác được. Thật sự, sự vận hành của thân theo cách này không có gì là sai cả. Không phải thân là nguyên nhân làm đệ tử đau khổ mà chính là suy nghĩ sái quấy của đệ tử. Khi nhận thức điều đúng đắn thành sai trái, đệ tử chắc chắn phải rơi vào tình trạng mơ hồ, rối loạn vậy.

Giống như nước của một con sông, nó chảy một cách tự nhiên xuôi xuống dốc, nó không bao giờ chảy ngược lại được, đó là bản chất tự nhiên của nó. Nếu một người đến đứng bên bờ sông, thấy dòng nước chảy xiết, anh ta có ý muốn ngu xuẩn mong dòng nước chảy theo hướng ngược lên, thế thì anh ta chỉ chuốc lấy thất vọng thôi. Bất cứ điều gì anh ấy làm, suy nghĩ của anh ấy làm cho tâm anh ấy không bình an. Anh ấy không cảm thấy hạnh phúc bởi vì suy nghĩ sai lầm của mình, mong muốn dòng nước chảy ngược. Nếu anh ấy có suy nghĩ đúng đắn, anh ấy sẽ nhận thức rằng dòng nước phải chảy xuống tự nhiên như thế, chỉ khi nào anh ấy nhận ra và công nhận sự thật đó, anh ấy mới chấm dứt sự bối rối và đau khổ.

Dòng sông phải trôi chảy về xuôi cũng giống như thân thể của đệ tử. Đã qua thời xuân trẻ, thân thể đã đến lúc già và bây giờ nó đang đến khúc quanh của sự chết. Đừng mong muốn nó khác đi, nó không phải là cái gì đó mà đệ tử dùng sức mạnh điều khiển được. Đức Phật dạy chúng ta hãy nhận thức cái cách mà mọi thứ đang vận hành và rồi buông xả hết mọi tham chấp của chúng ta đối với chúng. Giữ cảm thọ xả ly này như là nơi nương tựa của đệ tử. Duy trì thiền quán này ngay cả khi đệ tử cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Hãy giữ tâm của đệ tử trụ ngay hơi thở. Thở vài hơi thở thật sâu và tập trung tâm nơi hơi thở cùng tiếng niệm Phật. Hãy tập như vậy cho quen dần.

Hãy buông xả những thứ bên ngoài

Càng cảm thấy yếu mệt, đệ tử càng phải có sức định tập trung và tinh tế để đương đầu với những cảm giác đau đớn khó chịu của thân đang khởi lên.

Khi đệ tử bắt đầu cảm thấy mệt rồi, thì dừng lại hết mọi ý niệm một chút, để cho tâm tự nó nối kết với nhau và rồi trở lại nhận biết hơi thở. Chỉ giữ lời niệm Phật trong tâm: Bud-dho, Bud-dhu. Hãy buông xuống hết mọi thứ bên ngoài. Đừng ôm giữ những suy tưởng về con cái, người thân, đừng giữ tư tưởng nghĩ về bất cứ điều gì, bất cứ ai. Hãy buông xuống. Hãy để tâm định tĩnh về một điểm duy nhất và hãy giữ tâm thanh tịnh đó cùng với hơi thở. Hãy để hơi thở là đối tượng duy nhất của sự nhận biết. Tập trung cho đến khi tâm trở nên tinh tế dần dần, cho đến khi các cảm thọ trở nên vô nghĩa và sự sáng suốt và hết sức tỉnh táo trong tâm lớn mạnh. Khi cảm thọ đau đớn khởi lên, chúng cũng sẽ giảm dần xuống tương xứng như khi khởi lên vậy.

Sau cùng, đệ tử hãy quán chiếu hơi thở như thể nó là một người thân đến thăm đệ tử. Khi người thân ấy rời khỏi, chúng ta đưa anh ta ra ngoài và tiễn biệt. Chúng ta nhìn theo cho đến khi anh bước đi hay lái xe đi mất không còn thấy bóng hình và rồi chúng ta bước trở lại vào cửa nhà. Chúng ta dõi theo hơi thở cũng giống như vậy. Nếu hơi thở thô, chúng ta biết nó thô; nếu nó tinh tế, chúng ta biết rõ nó tinh tế. Khi nó trở nên yên nhẹ dần, chúng ta vẫn liên tục dõi theo nó cùng với sự tỉnh táo trong tâm mình. Cuối cùng hơi thở hoàn toàn biến mất và chỉ còn sự tỉnh táo sáng rỡ lưu lại. Trạng thái này còn được gọi là gặp được Đức Phật. Chúng ta có được sự tỉnh táo sáng rỡ đó còn được gọi là người biết rõ, người tỉnh thức, người tỏa sáng. Chúng ta gặp gỡ và an trụ cùng với Đức Phật, với trí tuệ và sự tỉnh táo. Chỉ có Đức Phật lịch sử bằng xương bằng thịt là nhập Niết-bàn Vô dư. Đức Phật thực sự, đó là tánh Phật sáng rỡ, phát quang, trí tuệ, chúng ta có thể kinh nghiệm và chứng đạt được hôm nay và khi chúng ta thực tập làm tâm định tĩnh.

Chỉ an trú trong sự tĩnh lặng

Thế nên hãy buông xả, đặt xuống hết mọi thứ chỉ trừ sự nhận biết. Đừng để bị lừa nếu hình ảnh hay âm thanh khởi sinh trong tâm khi đang thiền định. Buông tất cả chúng xuống. Đừng nắm giữ bất cứ gì. Chỉ an trú với sự tỉnh thức không hai này. Đừng lo lắng về quá khứ hay tương lai. Chỉ an trú trong sự tĩnh lặng và rồi đệ tử sẽ đạt đến chỗ không tiến, không lùi, không dừng lại, nơi ấy không có sự bám víu hay tham chấp nữa. Tại sao vậy? Bởi vì không còn có cái “tôi”, không còn cái “của tôi” và “tự ngã của tôi”. Tất cả mọi thứ đều đã rơi rụng biến mất.

Đức Phật dạy chúng ta làm mọi thứ trở nên trống rỗng theo cách này, chúng ta không mang theo bất cứ gì bên mình cả. Hãy nhận biết, đã biết rồi và hãy để mọi thứ đi qua.

Nhận thức giáo pháp, con đường đưa đến giải thoát khỏi vòng sinh tử là một nhiệm vụ mà tất cả chúng ta phải tự trải nghiệm một mình. Vì vậy, hãy cố gắng tập buông xả và hiểu rõ giáo pháp. Tập trung hết mình vào sự quán chiếu. Đừng lo lắng về gia đình của đệ tử nữa. Ngay thời điểm này, họ là họ, trong tương lai, họ cũng sẽ giống như đệ tử thôi. Không ai trên thế giới có thể thoát khỏi số phận này. Đức Phật dạy chúng ta buông xuống hết mọi thứ, những thứ thiếu vắng bản chất thường hằng thực tại. Nếu đệ tử đặt được mọi thứ xuống rồi, đệ tử sẽ nhận chân được chân lý. Nếu đệ tử không làm được việc buông bỏ như thế, đệ tử sẽ không thể. Đó là cách mọi thứ vận hành, và đối với tất cả mọi người trong thế giới này đều giống nhau. Vì vậy, đừng lo lắng và cũng đừng bám víu vào bất cứ điều gì.

Nếu đệ tử đang khởi lên vài ý niệm trong tâm, thế cũng được miễn là đệ tử suy nghĩ trong một trạng thái sáng suốt. Đừng suy nghĩ trong trạng thái mê muội. Nếu đệ tử nghĩ về con cháu của mình, hãy nghĩ tưởng với trí tuệ chứ không phải với sự mê muội. Bất cứ suy nghĩ nào khởi lên, hãy suy nghĩ và nhận biết nó với trí tuệ, tỉnh táo với bản chất của nó. Nếu đệ tử nhận biết điều gì đó với trí tuệ rồi, đệ tử buông xuống và không có chút khổ sở nào. Tâm luôn tỏa sáng, hoan hỷ và an lạc dẹp sạch phiền nhiễu, viên mãn. Ngay bây giờ, những gì mà đệ tự trông đợi được giúp đỡ chỉ là hơi thở của đệ tử mà thôi.

Đây là công việc của chỉ riêng mình, không phải của ai khác cả. Hãy để những người khác làm công việc của riêng họ. Đệ tử có bổn phận và trách nhiệm của riêng mình và đệ tử không phải gánh vác bổn phận đối với mọi người trong gia đình. Đừng nhận lãnh điều gì khác nữa, hãy buông xuống hết. Sự buông xuống sẽ làm cho tâm đệ tử thanh tịnh. Trách nhiệm duy nhất của đệ tử trong lúc này là chú tâm và mang niềm an lạc đến cho tâm. Hãy để mọi thứ cho người khác. Cảnh sắc, âm thanh, hương, vị, hãy để tất cả những thứ ấy cho người khác. Đặt mọi thứ đằng sau đệ tử và hãy làm công việc của riêng mình, hoàn thành trách nhiệm của riêng mình. Bất cứ điều gì khởi lên trong tâm đệ tử như sợ hãi cơn đau, sợ hãi sự chết, lo âu cho người khác hay bất cứ điều gì, hãy nói với chúng: “Đừng làm phiền tôi nữa. Sự việc ấy không phải phần việc của tôi nữa”. Chỉ cần thầm nhắc điều này với chính mình đệ tử sẽ thấy giáo pháp phát sinh.

Việc đời trở thành một trạng thái tinh thần đang dao động trong tâm đệ tử ngay lúc này. “Đứa con này sẽ làm gì đây? Khi tôi chết, ai sẽ chăm sóc cho chúng? Làm thế nào chúng xoay sở nỗi đây?” Tất cả đấy là “việc đời”. Thậm chí lúc khởi sinh một ý nghĩ sợ hãi cái chết hay cơn đau cũng chính là việc đời. Quăng bỏ việc đời ấy đi! Việc đời là chuyện của nó. Nếu đệ tử cho phép nó khởi lên trong tâm mình và cho phép nó làm chủ tâm thức, tâm đệ tử bị che mờ và không thể nhận biết được tự thân nữa. Vì vậy, bất cứ gì xuất hiện trong tâm, chỉ cần nói “Đấy không phải là việc của tôi. Nó luôn thay đổi, khổ đau và không phải tôi ”.

Tìm thấy ngôi nhà thực sự của đệ tử

Nghĩ rằng muốn tiếp tục sống trong môt thời gian dài nữa sẽ làm cho đệ tử thêm đau khổ. Nhưng nghĩ rằng đệ tử muốn chết ngay bây giờ hoặc sớm chết đi cũng không đúng. Đệ tử đều cảm thấy bất an đau khổ, có đúng thế không? Mọi yếu tố nhân duyên không thuộc về chúng ta, chúng thuộc về quy luật tự nhiên riêng của chúng. Đệ tử không thể làm gì đó cho thân này được. Đệ tử có thể tô điểm một chút cho nó, làm cho nó trông dễ thương, sạch sẽ một chút giống như những cô gái trẻ tô son, để móng tay dài nhưng khi tuổi già đến, mọi người đều đi trên cùng một chiếc thuyền. Đó là cách vận hành của thân thể này, đệ tử không thể nào tạo ra cách gì khác. Tuy nhiên, những gì đệ tử có thể làm cải thiện và làm tốt đẹp đó là làm cho tâm.

Ai cũng có thể xây ngôi nhà bằng gỗ và bằng gạch nhưng Đức Phật dạy rằng loại nhà ấy không phải là ngôi nhà thật sự của chúng ta, nó chỉ là ngôi nhà trên danh nghĩa mà thôi. Đó là ngôi nhà của cuộc đời và đi theo cách của cuộc đời. Ngôi nhà thật sự của chúng ta là sự an bình nơi nội tâm. Ở bên ngoài, căn nhà vật chất có thể đẹp đẽ đấy nhưng nó thật sự không có yên bình. Hết lo âu điều này đến lo âu chuyện khác, hết khắc khoải này đến khắc khoải khác. Vì vậy, chúng ta nói rằng, đó không phải là ngôi nhà thật sự của chúng ta, đó chỉ là vật bên ngoài chúng ta. Sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ từ bỏ nó. Đó không phải là nơi chúng ta có thể sống vĩnh cửu bởi vì nó không thật sự thuộc về chúng ta, nó chỉ là một phần của thế giới này.

Thân thể của chúng ta cũng giống như vậy, chúng ta nhận nó làm tự ngã, làm tôi và của tôi, nhưng trên thực tế nó không thật sự như vậy. Nó chỉ là một ngôi nhà khác của thế giới này. Thân của đệ tử vận hành theo lập trình tự nhiên của nó từ lúc sinh ra đời cho đến bây giờ. Nó già, nó bệnh và đệ tử không thể nào cấm đoán nó không già không bệnh được. Dòng chảy tự nhiên chính là như thế. Muốn nó trở nên khác đi là một sự ngốc nghếch, cũng như muốn một con vịt trở thành con gà. Khi đệ tử biết rằng điều đó là không thể, rằng con vịt phải là con vịt, con gà phải là con gà, thân thể phải già phải chết, đệ tử tìm thấy được nguồn sức mạnh và năng lượng. Tuy nhiên, mong muốn thân thể tiếp tục sống thêm thời gian dài, nó sẽ không thể làm được điều đó.

Mọi yếu tố, điều kiện đều vô thường và không ổn định, chúng có mặt rồi biến mất, chúng khởi lên rồi diệt đi. Mọi người mong muốn chúng thường hằng, điều ấy là sự điên rồ.

Ngay khi chúng ta vừa được sinh ra, chúng ta cũng đã chết rồi. Sự ra đời và cái chết chỉ là một. Giống như một cái cây: khi có một gốc thì phải có những nhánh nhỏ, khi có những nhánh nhỏ ắt phải có một gốc. Đệ tử không thể có chỉ một thứ mà không có cái khác. Đó là một chút hài hước để thấy rằng con người ta khi thấy cái chết đến thì đau khổ, phân tâm, sợ hãi, buồn thương dường nào, rồi khi thấy sự sanh thì sung sướng hạnh phúc dường nào. Thật là ảo tưởng. Không ai chịu quán sát cho thật kỹ điều ấy. Tôi nghĩ, nếu đệ tử thật sự muốn khóc thì tốt hơn cứ khóc khi thấy có người được sinh ra đời. Vì thực sự, sinh tức là chết và chết tức là sinh đấy thôi, gốc rễ là cành nhánh và cành nhánh cũng tức là gốc rễ vậy. Nếu đệ tử đã khóc rồi, khóc ở chỗ gốc rễ, khóc ở chỗ sanh ấy. Hãy quán sát kỹ: nếu không có sanh thì đã không có chết. Đệ tử có thể hiểu được điều này không?

Đừng suy nghĩ quá nhiều. Chỉ cần nghĩ rằng: “Đây là cách vận hành của các pháp”, đó là việc của đệ tử, bổn phận của đệ tử. Ngay lúc này, không ai có thể giúp đệ tử được cả, không có gì hết, gia đình của đệ tử, tài sản của đệ tử cũng không thể làm gì giúp đệ tử. Tất cả có thể giúp đệ tử lúc này chỉ là sự tỉnh táo đúng đắn.

Vì vậy, đừng nao núng nữa. Hãy buông xuống. Quăng bỏ tất cả đi.

Thậm chí nếu đệ tử không buông xuống, mọi thứ cũng đang bắt đầu rời xa đệ tử rồi đó. Đệ tử có thấy rằng những phần trên thân thể mình đang mất dần cảm giác? Mắt, tai, mũi, lưỡi, mọi thứ đang rời khỏi bởi vì đây không phải là nhà của chúng nữa. Đệ tử không thể làm một ngôi nhà thường hằng vĩnh viễn trong một hành, đệ tử có thể ở lại đó trong chốc lát ngắn ngủi và rồi phải rời bỏ nó mà đi. Cũng giống như một người thuê nhà nhìn căn nhà nhỏ của mình một lượt với đôi mắt mỏi mệt. Răng của anh ta không còn tốt nữa, tai của anh ta cũng không có nghe rõ, thân thể không còn khỏe mạnh, mọi thứ đang rời xa dần.

Vì vậy, đệ tử không cần phải lo lắng về bất cứ điều gì bởi vì đây không phải là ngôi nhà thật sự của đệ tử, nó chỉ là một nơi trú ngụ tạm thời. Đến với thế giới này, đệ tử nên suy tư bản chất tự nhiên của nó. Mọi thứ hiện hữu đây đều đang sửa soạn hoại diệt. Hãy nhìn vào thân thể của mình. Có cái gì trên thân này vẫn còn nguyên hình thể ban đầu không? Phải chăng da của đệ tử vẫn luôn như thế? Tóc của đệ tử cũng vậy? Phải chăng nó luôn giống như thế? Mọi thứ đã đi về đâu? Đấy là bản chất tự nhiên, là cách vận hành muôn thuở vậy. Khi đến đúng thời, các yếu tố nhân duyên đều vận hành theo cách của chúng. Thế giới này không có gì để nương tựa, đó là một vòng bất tận của sự xáo trộn, rắc rối, khoái lạc và khổ đau. Không có chút an bình nào cả.

Vì vậy, hiểu được điều này, tất cả mọi người, tất cả sinh vật đều đang sắp rời khỏi cả. Khi chúng sinh đã sống trong một khoảng thời gian thích hợp rồi, chúng phải đi theo cách của chúng. Kẻ giàu sang, người nghèo nàn, người già hay trẻ, tất cả chúng sinh đều phải trải qua sự thay đổi này. Hiểu một cách giản dị, sự vô thường chính là vị Phật. Nếu chúng ta nhận chân được thế giới hiện tượng vô thường này thực sự rõ ràng, chúng ta sẽ thấy rằng đó là thường trong ý nghĩa là quy luật thay đổi này không bao giờ thay đổi cả.

Đấy là sự thường hằng mà chúng sinh sở hữu được. Sự biến đổi liên tục từ thuở thơ ấu đến thiếu niên, thanh niên rồi già nua và sự vô thường muôn thuở đó, tính thay đổi chính là sự vĩnh hằng và cố định. Nếu đệ tử quán chiếu nó như thế, tâm đệ tử sẽ cảm thấy dễ chịu, thanh thản.

Hãy quán chiếu, thư giãn, và hãy để người thân trong gia đình chăm sóc đệ tử. Những ai chăm sóc người bệnh sẽ nuôi lớn nơi họ quả phước lành. Người bệnh cho mọi người xung quanh cơ hội không nên tạo thêm khó khăn cho họ. Nếu cơn đau hay khó chịu hay gì gì khác khởi lên, hãy để cho họ cùng biết và giữ tâm trong trạng thái bình thản.

Người chăm sóc bệnh nhân nên trang bị cho mình lòng tốt và sự ấm áp, không nên có ác cảm. Đây là khoảng thời gian bạn có thể đền ơn mà bạn đã mắc nợ họ. Từ khi sinh ra, trải qua thời niên thiếu đệ tử khôn lớn, bạn đã sống nhờ vào cha mẹ. Chúng ta ngày hôm nay đây được hiện diện bởi có mẹ và cha đã giúp cho chúng ta đủ mọi mặt, mọi điều. Chúng ta mắc nợ họ một món nợ tình thâm bất khả tư nghì.

Vì vậy, ngày hôm nay, tất cả con cháu và người thân của đệ tử hội họp về đây thăm viếng cha mẹ, đệ tử hãy quán chiếu cài vòng luẩn quẩn cha mẹ rồi đây quay lại làm con cháu như thế nào. Bây giờ chúng là con cháu của đệ tử, rồi sẽ có một ngày đệ tử có thể trở thành con cháu của chúng. Chúng càng lúc càng lớn, càng già cho đến khi chúng trở thành con cháu trở lại. Trí nhớ của chúng quên dần đi, mắt của chúng không thấy rõ và tai không còn nghe rõ nữa. Đôi khi lời nói sai lạc đi ý của chúng. Đừng để nó làm đệ tử buồn phiền. Tất cả những người chăm sóc người bệnh phải biết làm thế để nào buông xả. Đừng chấp chặt điều gì, cứ buông xuống và hãy để chúng vận hành theo cách của chúng. Khi một đứa trẻ không biết vâng lời, đôi khi cha mẹ để cho nó theo tính cách của nó, họ chỉ giữ yên lặng để nó vui. Bây giờ, cha mẹ cũng giống như đứa trẻ vậy. Trí nhớ và nhận thức của họ đang chập chờn. Đôi khi họ nói lộn tên của bạn hoặc bạn nhờ họ đưa cho bạn cái tách, họ lại đưa cái đĩa. Chuyện đó bình thường, đừng vì vậy mà khó chịu.

Hãy để người bệnh nhớ đến những điều tốt lành của người chăm sóc và chịu đựng với những cảm thọ đau đớn khó chịu. Dùng sức mạnh tinh thần nơi chính mình, đừng để tâm bị kích động và phân tán và đừng tạo sự khó khăn cho những người đang chăm sóc cho mình. Hãy làm cho những người chăm sóc người bệnh lúc nào trong tâm cũng đức độ hiền hòa. Đừng gớm nhờm đối với mặt trái của công việc, vệ sinh dãi, đờm, nước tiểu hay phân. Cố gắng hết sức. Mọi người trong gia đình giúp một tay.

Đây là cha mẹ của bạn. Họ đã cho bạn đời sống này. Họ là những người thầy, người chăm sóc, người bác sĩ của bạn. Họ làm tất cả mọi thứ cho bạn. Họ nuôi bạn khôn lớn, dạy dỗ, chia gia tài cho bạn và giúp bạn thừa hưởng việc làm phúc thiện vĩ đại của cha mẹ. Do vậy, Đức Phật đã dạy về hạnh tri ân và đền ân. Hai pháp này bổ sung cho nhau. Nếu cha mẹ cần, họ không khỏe hay đang gặp khó khăn, chúng ta hãy cố hết mình giúp đỡ họ. Đây là tri ân và đền ân, một đức tính rất cần thiết cho cuộc đời. Nó ngăn chặn sự tan vỡ hạnh phúc gia đình, nó làm cho mọi gia đình ổn định bền vững và hòa hợp.

Hôm nay, Sư mang đến cho đệ tử bài pháp như một món quà trong lúc đệ tử bệnh nặng. Sư không có những món quà bằng vật chất để tặng cho đệ tử. Có lẽ trong nhà đã có rất nhiều thứ rồi và vì vậy Sư mang giáo pháp đến cho đệ tử, một chút gì đó song có giá trị lâu dài, một chút gì đó mà đệ tử sẽ không bao giờ có thể làm cho hao mòn. Sau khi đón nhận giáo pháp từ Sư rồi, đệ tử có thể chuyển nó đến với nhiều người khác như đệ tử muốn, và nó sẽ không bao giờ bị hao mòn đâu. Đó là bản tính tự nhiên của Chân lý. Sư rất hoan hỷ đã có thể mang món quà giáo pháp đến cho đệ tử và mong nó sẽ tiếp cho đệ tử thêm sức mạnh để chống chọi với cơn đau tự thân.

 

Đôi nét về Thiền sư Ajahn Chah

Thiền sư Ajahn Chah tu học pháp thiền theo Phật giáo Nguyên thủy dưới sự dìu dắt của Thiền sư Ajahn Mun, một đại Thiền sư của truyền thống thiền lâm ở Thái Lan và Lào trong nhiều thế kỷ. Thiền sư Ajahn Chah đã sống đời sống tu hành đơn giản trong rừng núi hơn 70 năm. Rất nhiều người Tây phương ngưỡng mộ trí tuệ và đời sống tu hành của Ngài đã xuất gia tu học với Ngài. Ở Thái Lan, có hơn 100 thiền viện được hình thành và tu học dưới sự hướng dẫn của Ngài.

Ấn bản đầu tiên vào ngày 1 tháng 1 năm 1994
dưới sự đồng ý của Trụ trì tu viện Wat Pah Nanachat, Thái Lan.

(Nguyên tác Advice for someone who is dying,
đăng trên Lion’s Roar, ngày 6 tháng 11 năm 2015)