Lời sách tấn của HT. Giác Giới trong khóa tu “Một Ngày An Lạc” lần thứ 10.

IMG 1517 Copy

Đầu tiên Hòa thượng rất hoan hỷ khi thấy chư Tăng cùng nhau chung lo Phật sự trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp để tạo nên nguồn năng lượng an lành, vững chải và kết quả tốt nhất cho việc phục vụ chúng sanh, như trong tục ngữ Việt Nam có nói:

“Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

Và trong kinh Đại Niết Bàn, Đức Phật cũng dạy rằng: “Chúng Tỳ-kheo thường hay tụ họp, và tụ họp đông đảo với nhau, thời này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Chúng Tỳ-kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các Tỳ-kheo, chúng tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”.

Còn đối với hàng Phật tử sắp xếp được thời gian, công việc để trở về tham gia tu học là điều đáng được tán thán. Khi Phật tử học tu sẽ có được niềm hoan hỷ và lợi ích cho tự thân, cũng như hỗ trợ và khích lệ cho người khác cùng tu, như câu nói: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”.

IMG 1465 Copy

Để việc tu tập mang đến kết quả thù thắng thì người con Phật phải xác định cho được mục tiêu rõ ràng bằng trí tuệ, như kinh Tất Cả Lậu Hoặc trong Trung Bộ Kinh: “Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy”. Chính vì thế trên bước đường mang lợi ích đến cho chúng sanh, đức Thế Tôn luôn tuyên thuyết, khuyến hóa và được kết tập lại thành tam tạng Thánh điển: Kinh, Luật, Luận; nhưng những lời dạy ấy vẫn không đi ra ngoài hai điều cốt yếu: “Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”. (Kinh Ví dụ con rắn, Trung Bộ Kinh). Như tiền thân của Ngài đi tìm chân lý tối thượng để giác ngộ và đoạn tận khổ cho chúng sanh. Ngài nghiệm ra cái gì là khổ (Khổ đế), nguyên nhân đưa đến khổ đau (Tập đế), trạng thái tâm viễn ly phiền não (Diệt đế) và biết rõ phương pháp đoạn trừ gốc tội khổ sầu (Đạo đế). Trong Phật giáo, tu là chuyển nghiệp ưu, bi, khổ, não để được hạnh phúc, an lạc, Niết-bàn và sự chấm dứt khổ đau ngay nơi tự thân này, như kinh Rohitassa:

Này Hiền giả, trong cái thân dài độ mấy tấc này, với những tưởng, những tư duy của nó, Ta tuyên bố về thế giới, về thế giới tập khởi, về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt.” và kinh Thế Giới: “Này các Tỷ-kheo, thế giới được Như Lai chánh đẳng giác. Như Lai không hệ lụy đối với đời. Này các Tỷ-kheo, thế giới tập khởi được Như Lai chánh đẳng giác. Thế giới tập khởi được Như Lai đoạn tận. Này các Tỷ-kheo, thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác. Thế giới đoạn diệt được Như Lai giác ngộ. Này các Tỷ-kheo, con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác. Con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai tu tập”.

Chứ không như ngoại đạo đã có luận điểm sai lầm, tà kiến thông qua bài kinh Sở Y Xứ: “Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn, thuyết như sau, chấp kiến như sau: 1/ “Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ.”; 2/ “Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do nhân một tạo hóa tạo ra.”; 3/ “Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do không nhân, không duyên”, nếu như người nào có sự nhận định sai lệch như vậy thì không thể nào tu tập để thoát khỏi khổ được.

Như vậy, việc tu tập để đoạn trừ căn bản phiền não là phải thực hành Bát thánh đạo hay nói gọn hơn là phải tu giới, định, huệ. Ba pháp tu này, đức Phật và chư Tổ cũng đã khuyến tấn người xuất gia và hàng bạch y cư sĩ nên hành trì chứ có buông lung, phóng túng.

Tóm lại, điều quan trọng đối với người Phật tử cư sĩ là phải siêng năng tìm hiểu, học hỏi, tu tập, và thường siêng phản tỉnh thì trí huệ mới có thể phát sanh và tăng trưởng. Như thế thì hạnh phúc an lạc mới được trọn vẹn như kinh Trí Tuệ Tăng Trưởng có dạy: “Bốn pháp đưa đến trí tuệ tăng trưởng: Thân cận bậc Chân nhân, nghe diệu pháp, như lý tác ý, thực hành pháp tùy pháp”.