Lời tâm huyết đối với vị trụ trì

HTHa TTTay TTThong 7 Copy

Trong buổi nói chuyện với đại chúng Tăng Ni hôm nay, tôi không dùng từ “bồi dưỡng” mà chỉ dùng từ “trao đổi” vài nội dung để cùng nhau nhận thức tu tập. Vì trong sự sống chung tu học thì việc trao đổi kiến thức, kinh nghiệm để sách tấn lẫn nhau là tinh thần đáng quý.

Xưa kia ít ai được cha mẹ đồng ý cho đi xuất gia vì họ nghĩ con đường tu hành gian nan, cực khổ. Bản thân nhà sư cũng là người trốn nhà đi tu. Về sau, cư gia bá tánh đến chùa nghe kinh học pháp dần dần có sự hiểu biết nên việc con cháu trong gia đình muốn đi tu học đều chấp thuận. Khi được vào chùa xuất gia, người học trò được chỉ dạy làm các công việc để lập công bồi đức như: quét dọn chùa tháp, rửa chén bát… lần lần lên các việc học kinh, nghe pháp, giữ chùa… Đến khi có được kinh nghiệm và niềm tin đệ tử lại được thầy cho lên làm phó chúng, trưởng chúng trông coi và dạy bảo lại lớp sau. Càng có địa vị trong tịnh xá, người xuất gia lại càng kéo theo sự đầy đủ về lợi dưỡng và sự cung kính nơi hàng Phật tử.

Trong suốt quá trình đó, chúng ta cần phải biết tự cảnh tỉnh lấy mình. Ở một địa vị cao càng phải biết tu nhiều hơn để tâm hưởng thụ được kiểm soát. Người ở địa vị cao có thể được xem là đã trưởng thành. Tuy nhiên, mỗi người phải tự xét lại, xem đó là sự trưởng thành nơi hình tướng hay sự trưởng thành nơi tâm tánh. Hình tướng theo thời gian un đúc dễ có, vấn đề còn lại là phải xem tâm tánh của mình đã trưởng thành chưa?

Cuộc đời được xem như một đám rừng hoang trong đó cây lớn vươn cao chèn ép cây nhỏ, cây nhỏ lại chèn ép cây nhỏ hơn. Con người ở đời cũng phải chen lộn chật vật trong việc mưu cầu danh lợi, sẵn sàng đè bẹp lẫn nhau để thỏa mãn lòng tham của mình. Người được tiếp độ xuất gia là được thầy đem ra khỏi rừng thế tục giống như một người làm vườn vào rừng chọn những loài cây tốt đem về trồng. Mỗi ngày người thợ đó phải uốn nắn, cắt tỉa, chỉnh sửa cây mới trở thành loài kiểng quý. Còn những cây nào không được uốn nắn lớn lên chỉ là một cây tầm thường. Người xuất gia cũng thế, phải chịu những gian nguy cực khổ, theo sự uốn nắn của thầy mới được trưởng thành trong giáo pháp. Còn hạng người tu trái ý cãi thầy, tự làm theo tập khí tham sân si của mình thì tương lai không thể tồn tại trong con đường tu học.

Khi còn làm Tăng chúng, Ni chúng, người tu thường có nết hạnh dễ thương, dễ mến. Khi lên làm trụ trì phải làm sao cho nết hạnh càng dễ thương dễ mến hơn nữa. Phải dùng lòng từ bi để cảm hóa đại chúng vì trụ trì như là bậc cha mẹ ở trong nhà. Phải biết xây dựng tình Linh Sơn cốt nhục thì đạo tràng mới an ổn chăm lo tu hành. Sự cảm hóa không phải ở lời nói suông mà là một qúa trình tu tập lâu dài. Vị trí của trụ trì là vị trí cao nhất nên thường dễ bị soi mói nhất. Tất cả mọi người trong chúng đều xem xét và nhìn vào đời sống của vị trụ trì để noi gương. Nếu vị trụ trì không có một thân giáo trang nghiêm thì lấy gì làm gương dạy đạo. lẽ làm trụ trì là phải gương mẫu không phải lấy quyền lực ra mà áp đảo chúng Tăng. Phải dùng lời nói nhu hòa từ ái để khuyên bảo khi trong chùa xảy ra vấn đề xung đột nào đó. Dùng quyền uy áp đặt sẽ làm chúng Tăng không phục thì sớm hay muộn cũng sẽ rời khỏi đạo tràng mà ta đang trụ trì.

Đời sống của trụ trì phải nghiêm túc đừng phạm vào những gì sái quấy lộ liễu làm xốn mắt Tăng chúng. Đừng lạm dụng thân quen mà nhờ vả Phật tử chăm lo những việc mà lẽ ra đệ tử nên làm hoặc được làm. Tại sao Tăng chúng thân thiết không nhờ mà lại nhờ Phật tử bên ngoài? Đây là những việc đơn giản mà vị trụ trì có thể mắc phải. Không phải trụ trì là người đã dứt hết lậu hoặc, phiền não nhiễm ô. Khi bổn nghiệp che mờ tâm tánh thì vị trụ trì cũng làm những việc tầm thường như mọi người. Cho nên phải tự cảnh tỉnh lấy mình, để hạn chế tối đa những lỗi lầm mắc phải. Đặc biệt trong vấn đề lợi dưỡng trụ trì bao giờ cũng được Phật tử quan tâm ưu ái hơn chúng Tăng. Nếu rơi vào tham đắm vật dụng thì bản thân bị ô nhiễm bởi miếng mồi ngon của ngũ dục.

Ngày xưa việc thay đổi trụ xứ từ ba tháng đến sáu tháng là để các vị trụ trì không bị cố chấp vào tịnh xá mà mình trong coi. Đây là một vấn đề mà ngày nay đang hết sức nan giải. Do hoàn cảnh của thời đại bắt buộc mỗi trụ xứ phải có pháp nhân pháp lý nên việc trụ trì phải cố định. Chính vì lẽ đó tâm niệm đây là chùa mình, tài sản của mình là không thể tránh khỏi. Nếu vì duyên sự Giáo hội yêu cầu thay đổi nơi trụ xứ chắc chắn vị trụ trì sẽ không chấp thuận. Do đó việc mở các cơ sở tịnh xá Giáo hội phải đào tạo vị trụ trì có tâm đức vô ngã vị tha. Nhận lãnh trụ trì trên ý niệm là làm Phật sự cho Giáo đoàn, cho Hệ phái chứ không phải làm cho mình. Tâm niệm đây là chùa của mình dễ đưa đến tâm hẹp hòi ích kỷ với những toan tính lo sợ bị Giáo hội thay đổi, sợ mất vị trí, mất đạo tràng. Vấn đề này cần phải quán triệt một cách sâu sắc. Trụ trì phải nghĩ rằng chùa là ngôi nhà chung của cư gia bá tánh, là tài sản chung của Giáo hội. Với tâm rộng mở như vậy trách nhiệm trụ trì sẽ nhẹ nhàng, Tăng chúng an vui và tăng trưởng niềm tin cho hàng Phật tử.

HTHa TTTay TTThong 8 Copy

Tóm lại, trụ trì là một trách nhiệm lớn của người xuất gia. Chỉ có những ai đã trưởng thành trong giáo pháp mới xứng đáng đảm nhiệm vai trò này. Trụ trì là một tế bào/ cơ quan quan trọng trong một thân thể Giáo hội. Sự hưng thịnh hay suy vong của Giáo hội nói chung và của hệ phái nói riêng được đặt trên đôi vai của các vị trụ trì. Chính vì lẽ đó mỗi vị trụ trì phải tu hành nghiêm chỉnh, lấy giới luật làm nền tảng, sống đúng Hiến chương của Giáo hội và Luật pháp Nhà nước. Phải mở lòng từ bi tiếp Tăng độ chúng và dùng đạo hạnh của mình để hóa độ hàng Phật tử tại gia quy hướng theo Tam bảo. Được như vậy mới thật sự làm một vị trụ trì.