Lời tựa (Kỷ yếu hội thảo)

To su Minh Dang Quang

Tổ sư Minh Đăng Quang là vị sơ Tổ khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam vào thập niên cuối của tiền bán thế kỷ XX với phương châm “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Ngài sinh năm 1923 tại miền Nam nước Việt, sáng đạo vào năm 1944 lúc 22 tuổi. Hai năm sau, Ngài phát nguyện khai phá lại, làm mới lại con đường cổ xưa của ba đời chư Phật như là một phương thuốc để tái tạo nguồn sinh lực tinh thần mới, nhằm cứu vãn tình trạng kiệt quệ, nhiễu loạn, suy vi của nhân sinh và xã hội ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Con đường đó Ngài gọi tên đầy đủ là “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

Về mặt ý nghĩa, tên gọi đó gồm hai vế: Một, “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”; Hai, “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Vế một, “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, là yếu tố nền tảng, là tư tưởng cốt lõi, phương châm chủ đạo để dựng lập tông phong. Vế hai, “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” là yếu tố sáng tạo, là nội dung dựng lập mang tính thích nghi, cụ thể là phần bản địa hóa. Vốn là ẩn khuất âm thầm, phần nền tảng sở dĩ được khởi sắc, được hoạt hóa, phát huy tác dụng lợi lạc nhân sinh là nhờ phần dựng lập theo hướng bản địa hóa. Trường hợp này là Việt hóa. Vốn là minh nhiên biểu đạt, phần sáng tạo và dựng lập tông phong, sở dĩ có giá trị vững chắc là nhờ quay trở về, soi mình vào cái lõi, lập cước trên nền tảng Chánh pháp mà Phật Thích-ca Mâu-ni đã tuyên thuyết. Tổ nói gọn là “Thích-ca Chánh pháp”.

Mặt khác, chữ nối truyền trong cụm từ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” ở đây có thể diễn giải như sau: Nối là quay về với nguồn mạch, là gắn kết và hiệp thông với nguồn mạch Chánh pháp mà Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã truyền giảng vào thời cổ đại tại Ấn Độ. Truyền là quảng diễn, phát huy, khai thị cho nhân sinh, lợi lạc cho xã hội trong hiện tại và tương lai. Lấy ý nghĩa của sự nối truyền này kết hợp với hình tượng dẫn dụ về cội cây đạo Phật thì đều có thể dễ dàng nhận ra là Tổ sư Minh Đăng Quang không nghiêng về hình ảnh cành cây nhỏ khởi phát từ cành cây lớn, cành cây lớn khởi phát từ cành cây lớn hơn, cho đến cành cây lớn nhất khởi phát hay phát tích từ gốc cây. Hình ảnh mà Tổ sư tâm đắc và chọn lấy sẽ là hình ảnh một cành cây phát tích trực tiếp từ, và luôn luôn nối kết với, cội cây.

Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi 8 năm hành hoạt, từ năm 1946 lúc 24 tuổi đến năm 1954 lúc 32 tuổi, Tổ sư đã toàn tâm toàn ý thực hiện trọn vẹn và thành công tông chỉ mà cũng là sứ mệnh: “Nối truyền Thích-ca Chánh Pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Tạm để qua một bên khối lượng công việc mang tính siêu hình phi vật chất, chỉ nói đến việc thành lập hơn 20 ngôi tịnh xá trong vòng 8 năm ngắn ngủi (mỗi năm khai lập gần 3 ngôi tịnh xá mới), song song với việc thu nhận gần 50 đệ tử xuất gia cùng với việc cảm hóa hàng vạn nam nữ cư sĩ thì đã là một khối lượng công việc ngoài khả năng lượng định thông thường. Nếu gộp chung cả hai khối lượng công việc, vật chất và phi vật chất thì quả thật sự thành tựu của Tổ sư đã vượt ngoài khung lượng định của phàm nhân.

Chương trình hội thảo “Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập”, trong dịp Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang lần thứ 60 là một cố gắng của hàng đệ tử, mong đền đáp phần nào ân đức cảm hóa, khai ngộ của Ngài. Hội thảo đã thành công trên nhiều phương diện với số lượng tham luận đóng góp rất khả quan. Trong đó có những tham luận có độ chuyên sâu đáng kể, giúp khai thông được nhiều dòng cảm xúc, khám phá được nhiều điều ẩn khuất, và đặc biệt là kích khởi và đặt nền móng cho một mạch nghiên cứu mới.

Xin được niệm ân chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chư Tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Xin được kỉnh ơn Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Xin được ghi ân các cơ quan chức năng các cấp đã hỗ trợ về mặt pháp lý và các mặt khác. Xin được trân trọng cảm ơn quý vị lãnh đạo các cơ sở học thuật nghiên cứu thẩm quyền trong từng lĩnh vực chuyên môn, quý vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà văn và các ngòi bút đã tham gia đóng góp, làm cho chương trình hội thảo đạt đến độ phong phú và chuyên sâu như đã thấy. Xin được trọng ơn sự đóng góp âm thầm của những vị thiện tri thức, Tăng Ni và Phật tử.

Ban Biên tập rất hoan hỷ được đón nhận bất kỳ mọi đóng góp, phản hồi về Hội thảo hay về tập Kỷ yếu này, về nội dung ý tưởng hay về hình thức biểu đạt, với tinh thần cầu thị cao nhất. Mặc dầu đã cố gắng hết lòng, nhưng lực vốn bất tòng tâm, bất kỳ sơ thất nào đều do lỗi của Ban Biên tập và xin quý vị niệm tình hỷ xả cho.

HT.TS. Thích Giác Toàn

Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN

Giáo phẩm Thường trực Hệ phái

Trưởng ban Tổ chức Hội thảo