Lời tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng của T.Ư GHPGVN

Ban Biên tập:

Đại lễ Tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (1954 – 2014) dù đã trôi qua, nhưng sự kiện thể hiện hiếu tâm đặc biệt đó có lẽ là một dấu ấn khó phai nhòa trong ký ức của người tham dự, đặc biệt là những vị trong Ban Tổ chức. Dù hai năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh và những lời tán dương ca ngợi công đức Tổ sư của chư Tôn đức Giáo phẩm Giáo hội khắp các tỉnh thành và đặc biệt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn còn khắc sâu và vang vọng trong lòng môn đồ đệ tử Hệ phái Khất sĩ. Hôm nay, trang nhà Đạo Phật Khất Sĩ xin được đăng lại bài Tưởng niệm của Trung ương Giáo hội do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, lúc bấy giờ với chức vụ là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký  HĐTS GHPGVN tuyên đọc.

Sau sự kiện Đại lễ Tưởng niệm năm nay, chúng tôi sẽ cho đăng tải toàn bộ những bài nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam kết hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội phối hợp với Hệ phái Khất sĩ tổ chức hội thảo. Xin trân trọng và kính giới thiệu đến độc giả.

Trân trọng.

5

LỜI TƯỞNG NIỆM 60 NĂM TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG VẮNG BÓNG
CỦA TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HT. Thích Thiện Nhơn

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Hôm nay, trong bầu không khí trang nghiêm thanh tịnh, hòa hợp với ý nghĩa tri ân và báo ân của Tăng tín đồ Phật giáo Hệ phái Khất sĩ, thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhân Đại lễ Tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, giữa Pháp hội đạo tràng thanh tịnh, chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo hội và Tăng tín đồ Hệ phái Khất sĩ vạn lòng như một hướng về tôn ảnh Đức Tổ sư, chúng tôi xin được thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có đôi lời tưởng niệm.

Kính bạch Đức Tổ sư,

Trong Pháp giới duyên sinh vô tận, bậc hiền nhân hiện hữu cõi trần, mượn tứ đại làm thân giả hợp, giữa phàm trần chẳng nhiễm hồng trần. Nước Cửu Long giang thao thao dòng Phật thủy, làng Phú Hậu gió quyện mây từ, đất Tam Bình duyên lành kết trái, biển Trí tuệ chan hòa bản thể, quyết đạt thành đại nguyện. Rồi đến độ Bồ đề tâm khai phát, xứ Cao Miên xả tục cầu chơn, ngày đêm nghiên tầm giáo điển; Hà Tiên biển gọi, gềnh đá Mũi Nai tham thiền nhập định, tỏ ngộ đạo mầu, để lẽ huyền vi còn mãi trong tâm.

Kể từ đó, đường về Chánh pháp thênh thang rộng mở, đất trời Nam, đơm hoa kết trái, xây dựng đạo vàng, khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, nối truyền Thích Ca Chánh pháp. Mảnh Ca sa, bình bát một thân, hành trì hạnh Du Tăng Khất sĩ, Tăng vô nhất vật, hạnh nguyện ba đời, pháp giới là nhà, chúng sanh là quyến thuộc. Quyết chí nêu cao gương xả kỷ, thực hành hạnh nguyện lợi tha, tháng lại ngày qua, hòa mình cùng vũ trụ. Muôn phương cất bước, tung rãi trăm hoa, giáo pháp Thích Ca, hoằng truyền nhân thế.

Hơn một nửa miền Nam nước Việt, giáo pháp hoằng truyền, chúng sanh lợi lạc, đạo thể vuông tròn, vẫn giữ sắt son, tâm hồn vô ngã, từ bi hỷ xả, nhiếp hóa mọi người, tiến tu đạo nghiệp. Một đời giữ vững chữ Hiền, trọn kiếp lưu danh chữ Nhẫn, học hạnh sống chung, cùng tu giáo pháp Phật truyền. Nam tông Bắc phái một thể viên dung, an trụ trong Chánh pháp, giải thoát trong việc làm, vô vi tự tại.

Tổ sư đã gióng trống lôi âm, vang rền tiếng pháp, nêu cao gương uy mãnh giữa rừng tà, khai đàn thuyết pháp, truyền giới khai tâm, tiếp độ hàng đệ tử, tứ chúng cùng tu, từng đàn giới tử học đồ, thành tựu giới thân huệ mạng, trở thành pháp khí, làm lợi ích cho Đạo pháp và Xã hội, tốt đời đẹp đạo. Nhất là trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thế những tưởng trên bước đường Du Tăng Khất sĩ, tiếp tục mở rộng Đạo mầu, Đức Tổ sư còn hiện diện lâu hơn nữa để lãnh đạo Tăng đoàn, làm hải đăng định hướng cho Tăng Ni hệ phái noi gương hành đạo theo hướng Đạo sư trên đường tìm về bến giác. Nào ngờ đâu, Tổ sư lâm nạn và vắng bóng từ đó đến nay vừa tròn 60 năm.

Sáu thập kỷ đã trôi qua, từ Tăng đoàn ước độ ngoài trăm, đến nay đã gần 5000 ngàn Tăng Ni xuất gia và hàng trăm ngàn cư sĩ bạch y, quyết chí một lòng, phụng mệnh Tổ sư, truyền trì Tổ đạo, làm cho Tăng đoàn hòa hợp, Hệ phái tăng huy, tứ chúng đồng tu, lục hòa cộng trụ, một cội hai tàng, sáu nhánh, bông trái xum xuê, hoa thơm quả kết.

Ngày nay, trong dòng chuyển lưu của Dân tộc và Đạo pháp, Tăng Ni, Phật tử Hệ phái Khất sĩ đã thực sự vừa là thành viên sáng lập và trung kiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cơ sở Pháp viện Minh Đăng Quang là chốn Tổ không những của tông phong Hệ phái mà còn là ngôi nhà chung của Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bằng tinh thần từ bi và hòa hợp chúng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong mõi tinh thần này càng được phát huy và nhân rộng, để đền đáp công đức Tổ sư và xứng đáng là hàng đệ tử tứ chúng của Tổ sư khai sáng tông môn pháp phái, kế thừa đạo mạch.

Trong phạm vi trách nhiệm và bổn phận, chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội các cấp và Tăng Ni Phật tử thuộc Giáo hội mãi mãi khắc ghi ân đức Tổ sư, đã có công lao khai sáng Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, nay là Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam, là một trong những thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không ngừng phát triển, đồng hành cùng dân tộc trong hiện tại và tương lai.

Hôm nay, nhân ngày Đại Lễ tưởng niệm 60 năm Tổ sư vắng bóng, trước hình ảnh tôn nghiêm, trong tình Pháp lữ, lục hòa cộng trụ, chúng tôi nhất dạ chí thành tưởng niệm công đức Tổ sư. Ngưỡng nguyện Tổ sư từ bi gia hộ cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam nói chung, Tăng Ni, Phật tử Hệ phái Khất sĩ – Thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng tín tâm kiên cố, đạo hạnh vuông tròn, nối chí Tổ Sư, truyền thừa đạo mạch, làm tốt Đạo đẹp Đời trong thời kỳ phát triển và hội nhập của đất nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

* Trang nghiêm lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng của GHPGVN