Lời Tưởng niệm Đại lão HT. Pháp sư

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Giác linh Đại lão Hòa thượng.

IMG 1239 Copy

Trong khung cảnh trang nghiêm thanh tịnh, đượm nét trầm mặc của buổi lễ tưởng niệm hôm nay, Tăng Ni, Phật tử Hệ phái Khất sĩ cùng nhau bày tỏ tấc dạ chí thành nhớ thương tha thiết, để rồi mai đây khi bình minh ló dạng, kim quan Đại lão Hòa thượng sẽ được cung tống đến đài hỏa táng trà tỳ, chúng con xin được thay mặt chư Tăng Giáo đoàn V kính dâng lên Ngài đôi dòng tưởng niệm.

Kính bạch Giác linh Đại lão Hòa thượng,

Cho phép chúng con được gọi Ngài hai tiếng “Pháp sư” theo cách xưng hô thân tình ngày trước để bớt đi khoảng cách ngăn ranh bởi ngôn từ trần thế.

Kính bạch Pháp sư,

Nhớ lại trước đây, Pháp sư cùng Thầy chúng con – Đức Thầy Giác Lý gặp được Tổ sư cùng nhau thọ học. Kể từ đó, ba y bình bát, du hóa độ đời, hành trì hạnh Du Tăng Khất Sĩ, lấy pháp giới làm nhà, chúng sanh làm quyến thuộc. Đầu trần chân đất, muối dưa đạm bạc, bữa đói bữa no, nhưng quí Ngài vẫn nối gót Tổ sư giong thuyền tế độ.

Sau khi Tổ sư vắng bóng, cả hai huynh đệ đã cùng Tăng đoàn tiếp tục tô đắp con đường mà Tổ sư đã khai phá và định hình căn bản. Bất chấp mọi khó khăn gian khổ, tinh tấn và kiên trì, quý Ngài đã thành công trong việc tự giác, giác tha, tiếp tục sứ mạng của Đạo Phật Khất Sĩ tại Việt Nam. Tuy chia ra năm đoàn, nhưng huynh đệ luôn gắn bó keo sơn, khi thành lập Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Pháp sư làm Viện trưởng Viện Hành đạo thì thầy chúng con làm Đệ nhất Phó Viện trưởng, cùng nhau làm cho Tổ ấn trùng quang, tông phong vĩnh chấn. Thầy chúng con vì niên kỷ cao, sức lực mỏi mòn nên vội về Phật cảnh. Pháp sư ở lại 42 năm tiếp tục đưa cao ngọn đuốc Nhiên Đăng soi đường nhân thế từ trong nước ra đến nước ngoài. Với đức tính vị tha vô ngã, nhiếp hóa mọi người, Pháp sư đã làm cho những Tăng Ni, Phật tử hữu duyên phát khởi tín tâm, tu hành tinh tấn, vững bền đạo nghiệp, tiến bước trên đường giải thoát. Mặc dù Tăng Ni Khất sĩ xuất gia thọ học, hành đạo theo các Giáo đoàn khác nhau, nhưng đa số đều bắt nguồn từ Pháp âm của Pháp sư khơi mầm giải thoát để phát chí xuất trần, trở thành rường cột Phật pháp.

Với vóc dáng uy nghi, giọng nói hùng hồn, biện tài vô ngại, Pháp sư đã cảm hóa biết bao người tìm về bến giác. Với ý chí kiên cường bất khuất, không ngại gian lao, Pháp sư không ngừng chu du nơi này, nơi khác để thuyết pháp độ sanh. Đến đâu Ngài cũng trỗi giọng hải triều tuôn trào pháp nhủ như thác cuộn đê tràn, đã vậy dung nghi đĩnh đạc, đạo phong cốt cách làm cho người người kính nể quy hướng đạo mầu. Những năm gần đây, tuy thể vóc mỏi mòn, sức khỏe yếu dần, nhưng lúc nào Pháp sư cũng hướng về quê hương chia sẻ ngọt bùi cùng đồng bào khó khổ, trải lòng bi mẫn đối với Tăng Ni, Phật tử trong nước. Năm 2007, Giáo đoàn V tổ chức Lễ Tưởng niệm 53 năm Tổ sư vắng bóng và khánh thành Tịnh xá Ngọc Cẩm tại thành phố cổ Hội An, Pháp sư không những hướng dẫn Tăng Ni hải ngoại về tham dự mà còn ban pháp lành cho Phật tử địa phương, hướng dẫn Tăng Ni hơn 400 vị trì bình khất thực tại phố cổ Hội An, làm nức lòng Phật tử. Quả thật: “Đức hoằng pháp tô son kinh điển, Công độ sanh tạc đá sơn hà”.

Những tưởng trên bước đường hoằng hóa độ sanh, thừa hành Phật sự tại nhân gian, Pháp sư còn thác tích lâu hơn nữa, để làm hải đăng định hướng cho Tăng Ni, Phật tử trên đường về bến giác; nào ngờ đâu, một phút vô thường, huyễn thân tạm xả, ta bà mãn hóa, Tịnh độ hoa khai. Vẫn biết Pháp sư ra đi là thuận lý vô thường, thong dong tự tại, nhưng chúng con ở lại sao khỏi ngậm ngùi.

Trong giờ phút tôn nghiêm, trước di ảnh Pháp sư, để tưởng niệm ân đức của Ngài, toàn thể chư Tăng đệ tử Giáo đoàn V chúng con thành kính dâng lên cúng dường Giác linh Ngài năm phần hương báu với tất cả lòng tri ân cao quý nhất, xin nguyện mãi mãi noi theo gương hạnh của Pháp sư, tinh tấn hành Bồ tát hạnh trên lộ trình giải thoát.

Hữu hình hữu hoại lẽ thường

Hoa Đàm tuy rụng mùi hương vẫn còn

Dù cho sông cạn đá mòn,

Công lao ghi tạc, dấu son ngàn đời.

Xin thành kính đảnh lễ bái biệt Hòa thượng Pháp sư.