Lòng bao dung theo giáo lý nhà Phật

LienTon 1Kính thưa Ban Tổ chức,

Kính thưa quý vị chức sắc đại biểu các tôn giáo và toàn thể cử tọa hiện diện,

Lời đầu tiên cho phép chúng tôi thay mặt Hòa thượng Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, trụ trì Tịnh xá Trung Tâm (Q. Bình Thạnh) và Pháp viện Minh Đăng Quang (Q. 2, TP. HCM), là bậc thầy của chúng tôi, trân trọng gởi lời thăm hỏi sức khỏe đến quý vị trong Ban Tổ chức và toàn thể thính chúng trong buổi hội ngộ liên tôn lần thứ 5 này. Kính chúc quý vị luôn an lành trong mọi thiện sự.

Kính thưa liệt quý vị,

Chúng tôi được mời trong ngày hôm nay để cầu nguyện cho thế giới hòa bình, để nối kết tình hữu nghị giữa các tôn giáo, đồng thời để chia sẻ đến hội chúng đề tài: “Lòng bao dung theo giáo lý nhà Phật”.

Kính thưa quý vị,

Lòng bao dung là một phẩm chất tốt đẹp cần phải nuôi dưỡng và phát huy đối với mọi người dù người theo tôn giáo hay không theo tôn giáo. Một người có đời sống an vui và hạnh phúc nhiều hay ít, tùy thuộc vào người đó có trái tim rộng mở, bao dung và tha thứ bao nhiêu. Do đó, trong phạm vi bài thuyết trình ngắn này, chúng tôi xin trình bày các khía cạnh sau:

1. Bao dung hay khoan dung là thuộc tính của Tứ vô lượng tâm

Từ-bi-hỷ -xả là bốn trạng thái tâm cao thượng mà đức Phật thường dạy các đệ tử cư sĩ tại gia và xuất gia tu tập. Những phẩm chất tốt đẹp này mọi người đều có thể tu tập để có được đời sống ý nghĩa và an vui thật sự. Hai phẩm chất đầu liên hệ mật thiết với khổ đau và hạnh phúc của tác nhân. Hai phẩm chất sau có mặt khi tâm của người sở hữu được an vui và thư thái. Bốn trạng thái tâm này hành giả có thể tu tập đến sung mãn và không bị giới hạn trong một đối tượng, không gian và thời gian nào. Bốn trạng thái tâm ấy một khi tu tập viên mãn được gọi là “tứ vô lượng tâm”. Các trạng thái tâm này đem lại niềm an vui trong hiện tại và tương lai đối với những ai sở hữu chúng, không những trong thế giới ta-bà mà còn là nền tảng để sanh về các cõi Phạm thiên.

Một khi người thực hành bốn trạng thái tâm này sẽ sở hữu được các phẩm chất quý giá khác như thương yêu, bao dung, tha thứ, độ lượng, vị tha, cởi mở, hợp tác,... Chính vì vậy, nghĩa của lòng bao dung ở đây không chỉ giới hạn trong phạm vi của nghĩa thông thường như sự tha thứ của người lớn đối với người nhỏ, người tốt đối với kẻ xấu, mà đó là lòng thương yêu rộng lớn và vô vị lợi được thể hiện trong các mối quan hệ giữa con người với con người, và với thú vật. Cũng cần lưu ý, lòng bao dung không đồng nghĩa với sự đồng thuận, chấp nhận với những hành vi sai lầm, những lời nói không thực, hoặc những tà niệm, mà đó là sự cảm thông có trí huệ cho những lầm lỡ mà người tạo nên đã phát hiện những hành vi, lời nói và ý niệm không lợi ích, đưa đến sự tổn hại cho bản thân người thực hiện hay mọi mọi người mọi vật xung quanh. Do đó, sự bao dung là nhận diện rất rõ về các hành vi và bản chất của tội lỗi, nhưng với tâm khoan thứ, cảm thông để tìm cách nâng cao phẩm chất của con người.

Một người cha có tâm bao dung là người cha biết chấp nhận lỗi lầm của con, sẵn sàng tha thứ khi con vấp phải sai trái và khi con biết ăn năn, khắc phục. Các thành viên trong gia đình biết bao dung đó là biết tha thứ cho nhau những vấp váp trong cách ứng xử đời thường và tình cảm. Một người bạn có tâm bao dung sẽ dễ tha thứ cho bạn những lỗi lầm mà người bạn có thể lỡ tạo, gây khổ đau cho mình và cho người. Một người lãnh đạo có tâm bao dung là người biết bảo bọc đời sống vật chất và tinh thần của nhân viên, và sẽ dễ thông cảm cho những sơ thất trong quá trình làm việc. Nói tóm lại, những trạng thái tâm lý như xoi mói, cố chấp, bảo thủ, thù hận, ganh tị,... chắc chắn sẽ không tồn tại trong ý thức của những người có tâm bao dung rộng lớn.

LienTon 3

2. Lòng bao dung đối với các truyền thống tôn giáo thời Phật

Khi đức Phật còn tại thế, những người theo truyền thống Bà-la-môn cố cựu quan niệm Phật giáo là một trong những truyền thống phi chính thống, khác với 6 triết thuyết lúc bấy giờ là Mimansa, Vedanta, Yoga, Samkhya, Nyaya và Vaisesika và cũng khác với hai trường phái bị xếp là phi chính thống: Kỳ-na (Jainism) và Duy vật (Chakravaka). Dù nhiều lần bị người khác đạo dùng những lời chống đối nặng nề, nhưng đức Phật và Tăng chúng vẫn giữ thái độ thản nhiên trước những lời chỉ trích vô căn cứ. Đức Phật đã thể hiện quan điểm của mình về đạo đức, nhân sinh và vũ trụ một cách rõ ràng, và Ngài cũng trình bày khách quan nhiều quan điểm sai lạc của các truyền thống tôn giáo thời đó, nhưng không nặng nề chỉ trích hay chống đối. Đức Phật chỉ làm nhiệm vụ trạch pháp, tuyên thuyết về quy trình nhân quả nghiệp báo, mỗi người là thừa tự của nghiệp, nghiệp là điểm tựa, nghiệp là thai tạng, và mỗi người cũng là chủ nhân của nghiệp.

Ngài tuyên bố rằng Ngài không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ngài. Với tinh thần không kỳ thị các quan niệm mà tôn giáo đương thời sử dụng, Ngài vận dụng linh động và đã thổi vào đó một nội hàm mới, mang một ý nghĩa đạo đức, nhân văn và cao thượng hơn. Ví dụ, khái niệm “Bà-la-môn” lúc bấy giờ chỉ cho những người sanh ra từ một dòng dõi, chủng tộc, huyết thống Bà-la-môn hoặc là các tu sĩ hành khổ hạnh theo truyền thống Bà-la-môn, trong khi đó, đức Phật đã sử dụng khái niệm “Bà-la-môn” là các vị Tỳ-kheo đã trong sạch hóa thân tâm, không còn bị các trạng thái tâm lý tiêu cực chi phối.

Từ thái độ và cách ứng xử khoan hòa đó, Phật giáo và các truyền thống tôn giáo thời đó cùng tồn tại trong một quốc độ hay một khu vực. Các tín chủ của Phật giáo cúng dường cho các vị tu sĩ thuộc truyền thống tôn giáo khác mà không có bất kỳ một rào cản nào từ giáo luật của Phật. Mỗi người đều có quyền chọn cho mình một niềm tin, một lối đi, một cách sống. Sự ganh tị tật đố có thể xảy ra từ các truyền thống khác như ngoại giáo đã cho bà Cinca độn bụng vu khống đức Phật, hoặc là giết người để cáo buộc đức Phật đã làm chuyện mờ ám rồi sát nhân, nhưng không vì vậy mà đức Phật và Thánh chúng của Ngài có tâm sân hận, bực bội, khó chịu hoặc phản kháng; ngược lại, các Ngài luôn sống trong dòng suối thanh lương của tâm đại từ đại bi đại hỷ và đại xả.

3. Lòng bao dung của đức Phật và đệ tử của Phật

Trong kinh Từ Bi (Metta Sutta), đức Phật khuyến khích mọi người nên thực tập tâm Từ. Tâm từ phải được huân tu cho được sung mãn và chia sẻ (ban rải) cho mọi chúng sanh; tâm từ phải bao trùm vạn vật, sâu rộng và đậm đà. Đối với đức Phật, tình thương Ngài dành cho La-hầu-la (Rahula), người con trai duy nhất khi ngài còn là Thái tử, không hề khác với A-nan (Ananda) là vị thị giả trung kiên suốt 25 năm cuối đời, hay Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) luôn có dã tâm đối với đức Phật vì mục đích tham vọng của ông. Đề-bà-đạt-đa xuất phát từ tâm ganh tị và tham vọng, ông hay chống đối và còn hãm hại đức Phật, lập kế giết Phật và bẫy đá hại Phật, nhưng không vì vậy Ngài phán xét ông ấy phải bị đọa địa ngục vĩnh kiếp, mà còn tuyên bố rằng, trong đời vị lai, Devadatta tinh tấn tu hành, đoạn trừ các lậu hoặc sẽ thành Phật hiệu là Thiên Vương Như Lai.

Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất) một trong mười vị đệ tử lớn của Phật, được đức Phật ca ngợi là tướng quân Chánh pháp. Một lần nọ, một người bạn đồng tu chỉ trích Tôn giả Sariputta có những hành vi không hợp lẽ đạo (đánh vị ấy) và có những lời không tao nhã với vị ấy. Khi nghe như vậy, Tôn giả Sariputta không dùng quyền uy của một sư huynh với vai trò là đệ tử lớn của đức Phật mà bắt nạt, quở phạt, mà ngược lại, Ngài trầm tĩnh trình bày lại sự kiện một cách chân thật, và còn xin lỗi vị sư ấy rằng Tôn giả không cố ý là phiền lòng huynh đệ. Hạnh khiêm cung và lòng bao dung của Tôn giả khiến cho vị ấy thức tỉnh sám hối, ăn năn.

4. Gương bao dung điển hình trong nhà thiền

Một câu chuyện sau đây rất phổ biến trong truyền thống Phật giáo thiền tông. Vào một ngày nọ, vị thầy phát hiện có chú tiểu nghịch ngợm leo tường đi chơi. Thiền sư lặng lẽ chờ đợi và đến khi chú tiểu trèo tường vào, vị thiền sư liền kê vai bảo đệ tử cẩn thận leo xuống. Người đệ tử sửng hồn, nhưng nhìn Thầy với ánh mắt từ hòa, bảo về phòng kẻo sương khuya thấm lạnh... Kể từ đó, người đệ tử cảm phục đức độ và sự bao dung của Thầy, cương quyết thay đổi tật xấu.

Một câu chuyện khác, một vị trụ trì nuôi chúng rất nhiều. Có một vị hay ngang bướng, Tăng chúng quyết lòng cho vị ấy về nhà. Khi vấn đề được đưa ra, vị Hòa thượng trụ trì bảo rằng đại chúng đã trưởng thành, đã huấn luyện tâm thức tốt rồi nên có thể rời tự viện, có thể tu hành và hoằng dương Phật pháp khắp mọi nơi; trong khi vị đệ tử kia cần ở lại để được bảo hộ và hướng dẫn thêm. Khi nghe nói vậy, vị đệ tử cảm phục đức độ và khoan dung của thầy, và từ đó quyết lòng khắc phục những khuyết tật và sống thật tốt để đền đáp ơn đức của sư phụ.

Qua hai câu chuyện trên, sự khoan dung của người thầy quả là một phương pháp giáo dục hữu hiệu cho các đệ tử. Thay vì la phạt hay trách mắng, người thầy chỉ quan tâm đến đệ tử về khuya sương lạnh, hoặc như câu chuyện thứ hai, người thầy chỉ quan tâm đến tương lai hạnh nghiệp của đệ tử. Hành động, ngôn ngữ và ý niệm ấy có giá trị đánh thức không những cho người trực tiếp được giáo dục mà còn là bài học vô giá cho những người có trách nhiệm đối với sinh mạng tâm linh của một cộng đồng hoặc một tổ chức.

5. Lòng bao dung của vua Asoka đối với các tôn giáo bạn

Sau khi Phật nhập Niết-bàn khoảng 250 năm, vua Asoka (272-231 TCN) đã thống nhiếp thiên hạ. Ông đã dùng giáo pháp Phật như một trong những phương tiện chính trị để cai trị nhân dân. Đặc biệt ông chinh phục nhân tâm bằng chính đức độ, lòng bao dung và tha thứ của ông. Chính vì vậy, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc, đất nước được phú cường. Mặc dù ông rất tôn kính Phật giáo, vì giáo pháp Phật đã giúp tâm ông thấy được tâm người, biết thương người mến vật hơn, biết khoan dung hỷ xả hơn và cũng giúp ông cai trị nhân dân không phải bằng bạo lực mà bằng sự khoan hòa, từ bi; nhưng không phải vì thế mà ông không quan tâm đến đời sống tinh thần của các truyền thống tôn giáo khác ngoài Phật giáo. Sử ghi rằng, ngoài việc ông ủng hộ Phật giáo, ông còn ủng hộ tất cả các truyền thống tôn giáo khác. Đó là chính sách khoan hòa của những người lãnh đạo anh minh của một quốc gia. Với phong cách này, vua Asoka đã trở thành hình ảnh tiêu biểu của vị vua cư sĩ hộ pháp Phật giáo trong các nước Phật giáo. Quyền tự do tín ngưỡng theo tôn giáo và không tôn giáo là quyền căn bản của con người. Do đó, lịch sử truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ sang các nước luôn là những trang sử đẹp, đóng góp cho nền văn hóa dân tộc của nước đó mà không có sự cưỡng bức, áp chế nào.

6. Sự bao dung tôn giáo trong lịch sử Phật giáo Việt Nam

Phật giáo Việt Nam được du nhập từ đầu kỷ nguyên và đồng hành với dân tộc cho đến ngày nay. Trong quá trình du nhập và phát triển đó, Phật giáo cùng chia bùi sẻ ngọt với vận mạng của dân tộc. Thời Lý – Trần (X – XIII) là một điển hình cho sự phát triển rực rỡ của nền chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật của nước nhà. Phật giáo không những đã vận dụng kho tàng giáo pháp của đức Phật để làm giàu đẹp cho nền văn minh Việt Nam mà còn biết vận dụng những nguyên lý đạo đức của Nho gia và tinh thần vô vi của Lão gia để củng cố nhân tâm và chính trị của nền văn hóa Việt Nam. Những giai thoại hào hùng chống xâm lăng của dân tộc biểu hiện sự đoàn kết, nhất trí quyết tâm cao của toàn dân, khẳng định sự hài hòa của người lãnh đạo đối với những người dị biệt tín ngưỡng đã đem lại cho dân tộc một sinh lực dồi dào tự cường trong mấy trăm năm và là niềm tự hào của một dân tộc có nền văn hiến và độc lập tự chủ trong mọi thời đại.

Phật giáo Việt Nam trước năm 1975, có những giai đoạn rơi vào khủng hoảng do những tác động của yếu tố ngoại lai, nhưng không vì vậy mà các bậc Tôn túc Giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo có những cách nhìn cực đoan, ngược lại luôn nhìn sự việc với cách nhìn duyên khởi. Sự tha thứ, khoan hòa, bao dung luôn là dược liệu trị lành mọi vết thương sai lầm do hành vi, ngôn ngữ hay nhận thức lệch lạc. Theo quan điểm nhà Phật, “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, ai cũng có khả năng khắc phục những sai lầm và đều có khả năng giác ngộ, thành Thánh và cao hơn nữa là thành Phật.

Quá khứ là những gì đã qua, hiện tại là những gì chúng ta đang sống và tương lai là những gì chúng ta hướng đến. Cuộc sống đang trôi chảy. Thực tại là những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại. Hãy sống cho đáng sống. Sống hỷ xả, khoan dung, tha thứ cho tất cả.

Kính thưa quý vị,

Đức Phật có một bài kệ bất hủ rằng “Hận thù diệt hận thù/ Đời này không thể được/ Từ bi diệt hận thù/ Là định luật ngàn thu” (Kinh Pháp Cú, câu 5). Quả thật vậy, hận thù không thể dập tắt hận thù mà chỉ có từ bi mới hóa giải thù một cách triệt để. Một khi người có tâm từ bi thì người đó chắc chắn có độ lượng... Dù ở cương vị nào, chúng ta cũng cần chất liệu khoan thứ, bao dung để làm hành trang trong cuộc sống. Sống tha thứ để được thứ tha. Sống bao dung để được bao dung trong sự sống. Hạnh phúc chỉ thật sự có mặt khi tâm ta rộng lớn, bao la. Biển cả thật bao la, bầu trời còn bao la hơn, nhưng tâm hồn của những người bao dung, tha thứ, khoan hòa mới thật sự là rộng lớn bao la...

LienTon 4

Kính chúc Ban Tổ chức cuộc Hội ngộ Liên tôn năm nay dồi dào sức khỏe để phụng sự tốt cho muôn loại chúng sanh. Kính chúc quý vị đại diện các truyền thống tôn giáo được an khương và luôn sống trong năng lượng an lành của tâm bao dung, khoan thứ.

Tịnh xá Trung Tâm, 25/10/2015.