Lược sử Tịnh xá Ngọc Đà - Đà Lạt

 TX NGOCDA-GDIII-1
TỊNH XÁ NGỌC ĐÀ

Số 2 Tô Vĩnh Diện - P.7 - TP. Đà Lạt - Lâm Đồng

Năm 1957, trên bước đường vân du tầm cầu chơn lý, nhà sư Khất sĩ Giác Luận đã đặt chân đến thành phố cao nguyên Đà Lạt và dựng một am cốc nhỏ trên mảnh đất phía Tây Bắc thành phố để tịnh tu. Một năm sau, Đức Thầy Giác An và các đệ tử của Ngài: ĐĐ. Giác Lượng, ĐĐ. Giác Thâu, ĐĐ. Giác Quân trong chuyến hoằng pháp đến nơi đây đã chính thức chứng minh, thành lập và đặt tên cho ngôi tịnh xá đầu tiên của mảnh đất cao nguyên sương phủ này là Ngọc Đà.

Tịnh xá được Đức Thầy chứng minh và bắt đầu được đắp móng nền chánh điện cũng như xây vài cốc gỗ cho chư Tăng vào năm 1958. Sau gần 10 năm xây dựng, tịnh xá được khánh thành ngày 15 tháng 2 năm Đinh Mùi (1967) dưới sự chứng minh của Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam. Sau khi tịnh xá được khai lập, đúng theo luật của Giáo hội Tăng-già, chư Tăng trong Giáo đoàn phải luân phiên nhau 3 tháng đổi chỗ trụ để chăm lo Phật sự tại tịnh xá và hướng dẫn Phật tử học tu.

Đầu năm 1975, Tỳ-kheo Giác Quy được Giáo đoàn cắt cử về trụ xứ. Sư cụ mỗi ngày lặng lẽ khất thực, sớm kệ chiều kinh, một mình một bóng duy trì ngôi Tam Bảo gần 10 năm. Ngày 15 tháng 5 năm Quý Hợi (1983), sau khi thỉnh hồi chuông sáng, Sư cụ đã thuận theo định luật vô thường thâu thần viên tịch.

Sau lễ an táng nhục thân của Sư cụ, chư Tôn đức trong Giáo đoàn đã công cử Thượng tọa Giác Minh tiếp tục sứ mạng trụ trì ngôi tịnh xá này. Sau khi nhận lãnh trách nhiệm, Thượng tọa đã từng bước sửa sang ngôi đạo tràng và tạo cảnh quan cho tịnh xá ngày một nghiêm tịnh, khang trang hơn.

TXNgocDa-2

Xét thấy nhân duyên hội đủ, ngày 4 tháng 10 năm Bính Tuất (ngày 24/11/2006), Thượng tọa đã cung thỉnh chư Tôn đức chứng minh cho Lễ Đặt đá đại trùng tu ngôi chánh điện, cổng tam quan và các công trình khác. Sau hơn 3 năm, Rằm tháng 7 năm Kỷ Sửu (2009), Lễ Khánh thành tịnh xá được long trọng tổ chức, đánh dấu công trình hoàn thành viên mãn.

TX NGOCDA-GDIII

Ngôi tịnh xá được xây dựng bằng xi-măng cốt thép mang nét đẹp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại. Kiến trúc truyền thống của Hệ phái với cấu trúc mái tứ giác cổ lầu cùng chánh điện bát giác vẫn được duy trì cùng với kiến trúc 2 tầng, và một số cách tân trong bố cục thờ phượng đã tạo thêm cho tịnh xá vẻ đẹp hiện đại. Đặc biệt, tông chỉ “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp - Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” được chuyển tải qua kiến trúc kết hợp với phong cách trang trí phù điêu về cuộc đời đức Phật, cuộc đời Tổ sư Minh Đăng Quang cùng Phật ngôn, Pháp kệ liên hệ trực tiếp đến đời sống tu học, hành trì.

TXNgocDa-4

Mặt trước tầng trệt, tôn trí tượng Đức Bổn sư đang bắt ấn chuyển pháp luân, mặt sau là bức phù điêu Thập đại đệ tử chắp tay kính cẩn. Hai bên là hai câu đối “Chẳng kể sang hèn một bậc Đạo sư thắp lên đèn Trí Huệ /Không phân quý tiện mười đại đệ tử khai mở cửa Từ Bi”. Phật tử vào lễ Phật sẽ hiểu ngay Đại Giác Điện chính là nơi chư Tăng hoằng truyền Chánh pháp, đồng thời cũng nhận ra phương thức hành đạo của hàng Tăng bảo là tùy duyên duy trì phát triển mạng mạch Chánh pháp. Hành giả Khất sĩ luôn tự phản tỉnh, tự thắp lên ngọn đuốc trí tuệ, mở rộng cánh cửa từ bi tiếp độ chúng sinh.

Tầng hai của tịnh xá là chánh điện theo kiến trúc bát giác truyền thống. Tượng đức Bổn sư uy nghi trong tư thế thiền định được tôn trí trong ngôi tháp 13 tầng. Sau lưng bảo tháp là di ảnh của Tổ sư Minh Đăng Quang được tôn trí trang nghiêm giữa cặp câu đối ca ngợi công hạnh của Tổ sư đã mang ánh sáng Chơn Lý soi khắp đất Việt: “Minh Đăng Quang thị hiện trời Nam ngời Chơn Lý / Khất Sĩ đạo hoằng truyền đất Việt rạng Pháp đăng”. Phía dưới là nơi thờ Đức Thầy Giác An với hoành phi “Đuốc Tuệ Rạng Ngời”. Trên thân trụ trước bàn thờ khắc họa ân đức và hạnh nguyện của Đức Thầy đối với đệ tử trên con đường tu tập tâm linh: “Đức độ muôn loài dần thoát ly biển khổ/ Thầy dìu đệ tử sớm thể nhập vô sanh”.

TXNgocDa-3

Ngoài công trình chính, Thượng tọa trụ trì còn tôn tạo pho tượng Bồ-tát Quán Thế Âm lộ thiên, Bồ-tát Di Lặc trước sân. Bên phải tịnh xá là ngôi nhà hai tầng dành cho khách thập phương lưu trú và phía sau ngôi chánh điện trang nghiêm là khu Biệt thất chư Tăng, nơi chỉ dành cho chư Tăng trụ xứ hoặc khách Tăng vãng lai tịnh tu. Với phong cảnh của miền cao nguyên hữu tình cùng khí hậu mát mẻ, Thượng tọa trụ trì đã trồng rất nhiều bonsai, hoa kiểng tạo cảnh quan tú mỹ nơi cửa thiền.

Tất cả vì tinh thần “Kế vãng khai lai, truyền trì đạo mạch”, Thượng tọa trụ trì kiến tạo ngôi già-lam hàm ẩn nhiều giáo nghĩa sống động trong từng câu đối, tranh khắc… để thức tỉnh những ai có cơ duyên tiếp xúc. Thượng tọa cũng cố gắng đào tạo hàng đệ tử có đủ tài đức, trung kiến với giáo pháp, với hy vọng thế hệ kế thừa này có đủ khả năng thực hành theo tôn chỉ: “Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp - Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

Tịnh xá Ngọc Đà ngày nay đang trên đà phát triển về cả cơ sở cảnh quan lẫn sự tu tập của Phật tử và chư Tăng, xứng đáng là một ngôi tịnh xá tiêu biểu của Giáo đoàn, của Hệ phái và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Những hình ảnh Tịnh xá Ngọc Đà mới cập nhật nhân dịp khóa tu Truyền thống Khất Sĩ lần 15 (do Phật tử Ngọc Chơn cung cấp)

IMG 1841-NgocDa-1a

IMG 1843-NgocDa-2a

IMG 1847-NgocDa-3a

IMG 1852-NgocDa-4

IMG 1862-NgocDa-5

IMG 1874-NgocDa-6

IMG 1878-NgocDa-7

IMG 1866-NgocDa-8

Trích "100 ngôi tịnh xá tiêu biểu"

Khóa tu truyền thống lần thứ 15