Lưỡi không xương

Bộ ThiệtNgày xưa có nhà vua góa vợ, chỉ có một mình công chúa, vua hết lòng thương con. Một hôm, công chúa bệnh nặng, lương y coi bệnh nói phải có sữa của con sư tử mới trị khỏi bệnh… Vua truyền lệnh trong nước ai tìm được sữa con sư tử về trị bịnh cho công chúa, vua sẽ gả công chúa và ban thưởng bổng lộc chức tước… Có một chàng trai, ham công hầu khanh tướng… vào rừng tìm sư tử. Chàng trai phát hiện một bầy mấy chục con sư tử ở trong hang, bèn tìm cách trộn thuốc mê vào thức ăn, nước uống để nhử. Sư tử thấm thuốc mê man, chàng trai nhanh chóng đến nặn sữa đầy bình, và ra khỏi rừng về kinh đô. Trên đường về, chàng trai nằm nghỉ dưới gốc cây ven rừng. Lúc đó, một vị La-hán ngồi gần đó nghe các giác quan của chàng trai tranh công với nhau. Lỗ tai nói: “Nếu tôi không nghe lệnh nhà vua thì làm sao các anh đi tìm sữa, công tôi là to lắm đó, to nhất đó”. Hai chân nói: “Anh đừng có kể công. Tuy tai anh nghe nhưng chân tôi không bước thì anh có thể đến chỗ sư tử ở không? Công to là tôi đây”. Hai con mắt cãi: “Các anh sai hết, chỉ có tôi đây là quan trọng. Tai nghe chân bước, nhưng mắt nhắm lại thì các anh có gãy giò không?” Hai tay la lên phản đối: “Các anh quên rằng nếu đi đến nơi, thấy chỗ của sư tử, thì không có 10 ngón tay và hai cánh tay này thì các anh có mang sữa về không? Công lao to là ta đây”. Lưỡi bỗng nổi giận: “Được! Tôi đây đồ bỏ chắc. Các anh khoe khoang tranh giành nhau rồi đây các anh sẽ biết tay tôi”. Khi chàng trai nọ về tới triều đình, hai tay trịnh trọng dâng sữa lên nhà vua. Bất ngờ lưỡi lẽo đẽo mách bảo: “Tâu bệ hạ! Đây là sữa lừa không phải sữa sư tử”. Chàng trai hết hồn. Nhà vua đang vui mừng, bỗng sa sầm xuống. Vua nổi giận và ra lệnh chém đầu. Chàng trai hết sức biện bạch biện minh, vua không tin. Có một vị quan đề nghị cho công chúa uống thử, công chúa hết bệnh. Vị La-hán vào triều thuật lại việc ngài nghe các giác quan của chàng trai tranh công với nhau và việc sám tấu chính là cái lưỡi. Vua hiểu nội tình bèn trọng thưởng chàng trai. Thật là cái lưỡi không xương nhiều đường lắc léo.

Tổ sư Minh Đăng Quang có dạy:

“Trăm năm vật đổi người dời,

Một câu quí giá, muôn đời còn ghi.

Mở lời trước phải xét suy,

Rằng ta cất tiếng, ích chi chăng là?

Bằng như lời ấy thốt ra,

Làm buồn kẻ khác thì ta xin đừng.

Nói chi mắng nhiếc tưng bừng,

Miệng xây núi nghiệp biết chừng nào tan.

Nói chi chửi rủa kêu vang,

Lưỡi đào hố nghiệp, biết chừng nào lên.

Họa tai vì miệng mà nên,

Bịnh căn vì miệng, mà rên phù trầm.

Ai ơi nghĩ lại kẻo lầm,

Đóng bưng của miệng chớ tầm quỉ ma.

Cũng thời tiếng nói thốt ra,

Của chư Phật thánh diệu hòa biết bao.

Là câu nói pháp thanh tao,

Đưa người giữa biển sóng xao lên bờ.

Ôi lời nói, quí không ngờ,

Đương phàm hóa Thánh một giờ đổi thay!

Ta nay học đạo Như Lai,

Hãy dùng lời nói, mở bày pháp môn!

Ta nên cất tiếng ôn tồn,

Phá tan những giất mộng hồn tối đen!

Miệng ta là cánh hoa sen,

Một khi hé nở, một phen thơm lừng!

Tiếng ta là gió mùa xuân,

Một cơn thổi nhẹ, muôn dân mát lòng”

KhauNghiep-5

Trong quyển sách Sa Di Luật Giải có ghi một câu chuyện để răn dạy các Sa-di, các chú tiểu mới tu cẩn thận ngôn ngữ, để đừng gây khẩu nghiệp mà bị quả báo. Truyện kể rằng: Có một chú tiểu Sa-di, một hôm khởi tà tâm chê vị trưởng lão là thầy của chú, tụng kinh âm giọng giống như tiếng chó sủa. Vị trưởng lão đã đắc quả Thánh A-la-hán nên lòng từ bi không chấp, thương đệ tử còn nhỏ ngu si mê muội nên dạy chú tiểu sám hối. Vậy mà dư nghiệp tà khẩu chê bai bậc thánh, chú bị quả báo đọa làm chó 500 đời. Suốt 500 kiếp làm chó đều sanh thân làm chó ghẻ trong gia đình của người chủ nghèo khổ thiếu ăn, thường bị chủ bỏ đói. Đến kiếp thứ 500, chó sanh ra trong một gia đình khốn khó, xứ đó lại bị hạn hán mất mùa, người chủ chết đói bỏ chó lại bơ vơ, đói khổ. Chó đói, đi lang thang lây lất kiếm ăn. Có một đoàn thương buôn từ xa đi ngang qua xứ hạn hán đó, dừng chân che liều tạm nghỉ. Người đầu bếp trong đoàn lấy thịt lợn ra sửa soạn kho. Bắt mùi thịt, chó nghe bụng đói cồn cào khốn khổ nên chó rình rập. Khi người đầu bếp quay đi, chó ta vội đớp một miếng thịt sườn bỏ chạy. Người đầu bếp nhìn thấy, vội rượt đuổi theo và bắt được chó, giựt lại miếng thịt. Tức giận, người đầu bếp chặt đứt lìa 4 chân con chó cho hả giận. Chó bị chặt 4 chân, đau đớn đi không được, nằm bên lề đường, trời trưa nắng gắt nóng bức, chó đói rên la và đuối sức chết lần mòn. Lúc đó, đức Xá Lợi Phất đi khất thực về ngang, thấy chó đói nằm bên đường đang chết dần, Ngài nhìn chó thương tâm và biết ngay đây là người tu bị đọa vì tà khẩu. Thương cho một chúng sanh ngu muội tạo nghiệp ác khẩu mà bị đọa, Ngài từ bi vội trút cơm và bánh trong bát mới vừa khất thực cho chó ăn. Chó mừng quá vội ăn ngấu nghiến, vừa ăn vừa nhìn ngài Xá Lợi Phất với ánh mắt biết ơn. Ăn vừa xong, chó kiệt sức chết đi, nghiệp thức tái sanh trong một gia đình Phật tử có đức tin thuần thành giàu có tên là Quân Đề. Năm lên 10 tuổi, duyên lành tiền kiếp, một hôm ngài Xá Lợi Phất hành đạo đi ngang nhà Quân Đề hóa duyên; chú bé thấy ngài xúc động, mừng rỡ chạy ra nắm y đòi theo ngài đi tu. Xá Lợi Phất định tâm và biết ngay đây là con chó đói năm xưa đã trả xong nghiệp tội tà khẩu, được tái kiếp làm người. Ngài liền độ chú xuất gia làm Sa-di. Sa-di Quân Đề siêng tu tinh tấn thiền định đắc đạo. Nhớ đến tiền kiếp của mình, chú cảm xúc nhớ ơn thầy, chú tình nguyện không thọ giới tỳ-kheo, để phụng dưỡng chăm lo thầy tuổi già, mà đền ơn tế độ “tà khẩu nghiệp thật đáng kinh sợ”. Trong kinh Thủ Hộ Quốc Giới, Phật dạy: “Vì một lời nói mà đọa nhiều kiếp. Kiếp sau còn sanh được làm người thì bị oan oan tương báo, công kích phe đảng, phải quấy tranh giành, vu oan lẫn nhau, đời đời gây gổ tố tụng, kiếp kiếp bị hiếp đáp chửi rủa nhau không dứt. Còn bị đọa đường súc sanh làm thân rắn rít, bò cạp mối lằn. Còn đọa địa ngục, cảm quả báo hai lưỡi, miệng hả máu trào hôi thúi, cho đến khi tan nghiệp mới hết khổ đau”“Người có tội mà không biết hối, diệt trừ nơi tâm. Thời tội sẽ đến thân. Như nước chảy về biển, dần dần thành sâu rộng”.

Nghiệp là hành động tạo tác nhiều lần có chủ ý của Thân, Miệng và Ý, nguyên nhân đưa tới quả báo, “nghiệp”“quả báo” đó là “luật nhân quả” tuần hoàn không dứt, đưa con người luân hồi khắp sáu cõi. Nếu gieo nghiệp thiện thì sẽ sanh ở cõi trời, người, a-tu-la, còn nếu tạo nghiệp ác thì sẽ bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Trong đó phần miệng là gieo tạo nghiệp nhiều nhất. Trong kinh Thập Thiện, Phật dạy rằng trong mười cái nghiệp ác của con người thì trong đó cái miệng đã chiếm gần một nửa đó là 4 ác nghiệp:

1. Chuyện không nói có, chuyện có nói không

2. Nói lời hung dữ độc ác

3. Nói lưỡi đôi chiều

4. Nói lời thêu dệt.

Đó là ác khẩu nghiệp, tội ác vô cùng. Vì ác khẩu nghiệp nó vừa hữu hình, vừa vô hình. Nó chửi ra miệng thành âm thanh tiếng nói mà nó còn chửi lầm bầm trong tâm ý vô thanh, vô hình. Cổ đức nói: “Lời nói không chỉ ở miệng lưỡi mà còn là ngôn vi tâm thanh”. Lời nói là tiếng lòng từ tâm, là ký hiệu của tâm hồn “âm thanh tuy ở ngoài miệng mà thực phát ra tự trong lòng”. Nó biểu lộ tư tưởng, tâm trạng, tính cách, phẩm hạnh con người, chỉ đến khi ra đến đầu miệng, lưỡi mới chọn hình thức biểu đạt, âm vực cho cao thấp khác nhau mà thôi. Nói là việc làm của lưỡi, của miệng nhưng gốc nó ở tâm, mà tâm thì vô hình sâu sắc vô cùng. Nếu không thấy rõ tâm thì chưa phân biệt được, những cái khúc mắc trong lời nói. Thế gian thường bảo: “Miệng mật gươm lòng, hay khẩu Phật tâm xà. Nhưng biết người thì dễ, biết ta thì khó. Vì khó, nên lắm khi chính ta khẩu Phật tâm xà mà không hay”. Biết người không bằng ta biết ta. Biết người khỏi bị người làm lầm, biết ta lợi bằng hai. Vừa tránh lầm người vừa tránh ta lầm ta. Thật thế, chuyện không nói có, đó là gạt người, nhưng trước khi gạt được người ta, ta đã gạt ta trước “Ghét người thù người, mà vẫn ngọt ngào, thì chưa chắc dụ được con ruồi non té vào chén mật độc, mà trước nhất là ta đã đầu độc cái miệng ta”. Học đâm học tể, đâm đầu này thọc đầu kia, nếu không cố ý mượn tay người trả thù riêng, thì cũng là bưng bợ để được một ân huệ gì đó. Sau trước gì toàn là biểu hiện của một tấm lòng hèn kém nhác gan. Người Trung Hoa ngày xưa có câu: “Nhất thanh nhị sắc tam hình”. Đây là nghịch lý định giá phẩm chất của con người cũng như hạnh phúc mà người Trung Hoa đúc kết trong suốt mấy ngàn năm. Theo đó hình dáng tưởng đập vào mắt ngay đầu tiên lại xếp hạng cuối cùng. Thứ hai là sắc của da – màu huyết hiện qua lớp da, người có máu huyết, sức khoẻ mới tốt và mới có nghị lực sống. Quan trọng nhất là âm thanh, tức giọng nói. Ngôn ngữ biểu hiện của ý chí và trí tuệ. Người đàn ông quảng đại bác ái không khi nào có giọng the thé. Người phụ nữ hiền thục chịu thương chịu khó không khi nào có giọng chanh chua, âm thanh từ phổi đưa ra, từ tim trào lên, từ trí tuệ dội xuống, và từ chiếc cổ đặc biệt rung lên. Và như thiên nhiên kia tạo ra con công có chiếc đuôi rất đẹp nhưng không có giọng hót và đi đứng di chuyển rất vụng về. Trái lại còn gà kia trông bình thường mà đập cánh gáy vang trời đất… Muốn biết ai thế nào, phải có thời gian bên họ và để ngôn ngữ họ vang lên, xem đó là âm thanh của người phúc hậu, tử tế, trí huệ hay là của người thùng rỗng kêu to. Sâu sắc hơn, muốn hiểu một con người, ta hãy có thời gian xem tiếng nói của tâm hồn họ vọng ra theo ứng xử, công ăn việc làm, chớ có vội vàng hấp tấp. Trong mối quan hệ giữa con người với nhau, buộc mỗi chúng ta phải có sự suy đoán chính xác về người có mối quan hệ với mình, đây là một hành vi đòi hỏi sự tinh tế “Dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Song, bằng ngôn từ của một con người, ta biết được điều tu dưỡng; qua hành vi, ta biết được phẩm cách ở họ. Tình yêu, ý đó, niềm vui, nỗi buồn quả thật là những điều chẳng dễ bộc lộ từ nội tâm sâu kín. Nếu quan sát kỹ càng, phân định rõ ràng, ngẫm suy sâu sắc, chắc chắn ta sẽ nắm bắt được những điều hay, điều tốt của mỗi con người. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày ngoài bốn điều trên, cái miệng còn tạo thêm nhiều nghiệp nữa như:

5. Ăn uống cầu kỳ

6. Phê bình, khen chê

7. Rêu rao lỗi của mọi người.

KhauNghiep-7

Toàn là những điều tổn phước và tội phải đọa vào địa ngục, cũng như làm mích lòng, gây mâu thuẫn, hận thù giết hại lẫn nhau mà thôi. Cổ đức dạy: “Phù sĩ xử thế, phủ tại khẩu trung, sở dĩ trạm thân, do kỳ ác ngôn”, nghĩa là: xét người ở đời, búa để trong miệng, sở dĩ giết người, do lời nói ác. Cổ nhân cũng có dạy: “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất” nghĩa là bệnh từ cái miệng do ăn uống mà đem vào, họa cũng từ cái miệng do nói chuyện thị phi mà tạo ra. Trong kinh dạy rằng có 4 hạng người chúng ta nên tránh:

1. Hay nói lỗi kẻ khác

2. Hay nói chuyện mê tín, tà kiến

3. Miệng tốt, bụng xấu (khẩu Phật, tâm xà)

4. Làm ít kể nhiều.

Từ cái miệng mà ta có thể biết tâm ý và đánh giá được người khác, để có cách ứng xử, giao tiếp thích nghi. Vì ngôn ngữ là ký hiệu của tâm nên đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, thì lưỡi (ngôn ngữ) là cửa lớn. Cho nên, cổ đức dạy cái miệng tội lỗi vô cùng:

“Nghiệp khẩu có bốn, nói chung rất nhiều.

Lời thời hung ác, lưỡi lại đôi chiều.

Chuyện không nói có, có thời nói không.

Nhiều lời thêu dệt, lắm chuyện viễn vông.

Đâm bì thóc nọ thọc bì gạo kia

Khiến cho bao kẻ chịu cảnh chia lìa.

Nát tan nhà cửa gia đình thảm thương

Lại thêm rao lỗi tứ chúng bốn phương

Truớc mặt khen nịnh sau lưng chê cười

Thương thay người lại biến thành đười ươi.

Để cho đánh mất tình người trong ta.

Cái miệng ăn uống rất đỗi xa hoa.

Giết bao loài vật để mà nuôi thân

Nhậu nhẹt say khướt như kẻ ngu đần.

Thân mình phá hoại bệnh tình phải mang.

Nhà quán ăn uống cầu kỳ nhẫn tâm.

Quan điểm hưởng thụ tạo mọi lỗi lầm.

Cũng từ cái miệng ăn càn nói xiên.

Họa tai lại đến lắm chuyện não phiền.

Lỡ lời một tiếng hận thù ngàn năm.

Lòng ta trong sáng tợ ánh trăng rằm.

Chiếu soi nhân thế tỏ đường quy y.

Khiêm cung đối đãi tôn trọng lễ nghi.

Nhạy lời xin lỗi trọng lời cảm ơn.

Nhân văn đẹp tuyệt còn có nào hơn.

Tán dương ca tụng trọng người hơn ta.

Miệng cười tươi đẹp thanh thoát như hoa.

Thành người cao quý trên đời tôn vinh.

Khẩu nghiệp hàng ngày chuyển biến thành xinh.

Ăn sạch nói đẹp thanh bình hoan ca”.

Kẻ hay nói xấu người khác là người xấu. Kẻ gặp ai cũng khen thì cũng không phải là người hay. “Hỷ thời chi ngôn đa thất tín. Nộ thời chi ngôn đa thất ngôn” lời nói trong khi mừng phần nhiều hay thất tín, lời nói trong khi giận thường hay lỗi lầm. Chúng ta ít quan tâm đến sự thanh lịch trong giao tiếp cho nên càng cần chú ý đến lịch sự tao nhã trong lời ăn tiếng nói. Lời nói cộc cằn tuy không ác độc bằng lời nói vu oan, vu cáo, và giá họa người; nhưng lời nói cộc cằn, thô lỗ, chửi rủa, mắng nhiếc ác ngữ chẳng hay ho gì; nó biểu hiện một trạng thái tâm chưa được huấn luyện, thuần thiện. Ấy là cái tâm đang còn hoang dã, bản năng thô xấu, thiếu văn hóa, thiếu giáo dục, thiếu gia phong, lễ giáo. Những lời nói như thế làm đau lòng người khác, thường đưa đến sự xô xát, đánh đập tay chân hoặc dùi gậy, dao búa đến sứt đầu, bể trán mà thôi. Người có học thức, hiểu biết, nội tâm đã được huấn luyện, có tu tập, thường dễ tránh xa những lời nói kiểu nầy. Là Phật tử chơn chánh, ngôn ngữ nói ra phải dịu dàng, từ ái, khiêm tốn dễ nghe. Người ta thường ví miệng thơm như hoa lan để nói đến người có lời nói chân thật, ái từ là vậy. Có thơ rằng:

“Cộc cằn thô lỗ ai ưa?

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Tâm hoa thơm ngát, thơm lâu

Từ hòa, ái ngữ một câu miệng vàng”.

Là Phật tử, một lời nói ra phải giúp cho nhiều người thông hiểu, an lạc, lợi ích thì chúng ta không tiếc lời, phước đức cũng rất vô biên, nhưng phải cẩn ngôn, cẩn ngữ. Khi nói ra những lời khiến người khác khổ đau, thiệt hại, thì chúng ta sẽ gặt hái những điều tương ứng. Tạo phước đức cả một đời, nhưng chỉ cần một lời ác khẩu nói ra là tiêu tan trong giây phút, “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”; nhất là chúng ta muốn tu hành được tinh tấn và tu hành được thành tựu thì phải tránh nói những chuyện thị phi, vì thị phi mất rất nhiều thời gian một cách vô ích, và lại gây tạo rất nhiều nghiệp khẩu, oan trái.

Có bài thơ rất hay:

“Lời qua tiếng lại, giải quyết chi đâu?

Sao không dừng lại, kẻo hố thêm sâu.

Lời qua tiếng lại, đưa ta đến đâu?

Sao không thở nhẹ, mĩm cười nhìn nhau.

Lời qua tiếng lại, đưa ta đến đâu?

Sao không dừng lại, thở nhẹ và sâu”.

Do vậy, cùng với sự thực tập tâm, tu chỉnh lời nói, chúng ta phải biết giữ tâm mình cho thăng bằng, an tịnh, không bị dao động bởi những tiếng thị phi, ác khẩu, những vu khống, mạ lị, lăng nhục. Giữ được trạng thái như vậy thì, dù cho người khác có cố ý ám hại, nói xiên xỏ đặt điều, nói bóng nói gió, nói thêu dệt lắm chuyện… mình vẫn an nhiên tự tại, xem đó như là thử thách trong bước đường tìm cầu đạo giải thoát của chính mình. Những lời nói rỗng không, nhảm nhí, tục tĩu, vô ích thì lâu ngày thành thói quen, tích lũy thành nghiệp ác. Những lời nói bỡn cợt, bông đùa, trêu chọc ban đầu tưởng vô hại, lâu dần chúng trở thành cá tính khó rời, khiến ta thành người không đứng đắn, thiếu tư cách, mất phẩm chất, thật là uổng phí. Khi mà đã trở thành như thế thì kẻ ấy dù có địa vị, danh vọng và sự nghiệp gì trên cuộc đời cũng sẽ bị người coi khinh, xem thường!

Người Phật tử cũng không nên nói lời nhảm nhí, vô ích, rỗng không phù phiếm, những cách nói nầy làm mất thì giờ vô ích. Chỉ có kẻ ăn không ngồi rồi, ngồi lê đôi mách, ăn rỗi ở thì, nội tâm trống rỗng, không có việc làm, không đọc kinh sách, nhàn cư, thiếu học… mới rơi vào trường hợp nầy.

Cho nên có thơ rằng:

“Rỗng không, tục tĩu, vô duyên

Miệng lời nhảm nhí, trí hiền chẳng ưa

Chẳng nên thêu dệt thiếu thừa

Đẹp ngôn, đẹp khẩu lại vừa thơm hương”.

Trong bát chánh đạo, chánh ngữ là một trong những căn lành người Phật tử phải tu tập, cần bảo dưỡng. Chánh ngữ thường được hiểu là không nói lời điêu ngoa, không nói chuyện người, nói hai lưỡi, nói đâm thọc, nói lời dữ ác hay chửi rủa người khác. Đức Phật dạy rằng: “Lời nói có thể gây thù, hay kết bạn, đem lại hạnh phúc gia đình hay đổ vỡ. Nó là cội rễ của tình bạn đậm đà hay chia ly tan tác”. Đức Phật cũng nói rằng chánh ngữ cũng có nghĩa là không đi đến cực đoan. Nghĩa là lúc thì quá nhiều lời, lúc cạy miệng không ra, làm thế cũng bằng nói dối. Nó bắt nguồn từ ý muốn làm mình thêm quan trọng. Tại sao ta không chánh ngữ được? Có ba nguyên nhân:

1. Vì không chánh kiến.

2. Vì không nhận rõ sự lợi ích, cũng như thất bại của lời nói nên thiếu sự cố gắng bỏ bốn cái nghiệp ác của miệng.

3. Thiếu chánh niệm tỉnh giác.

Chúng ta muốn tu hành thành tựu công đức giải thoát thì phải tránh những chuyện thị phi, phải quấy, khen chê. Có một Ni sư lớn tuổi tại vùng núi Cửu Hoa - Trung Quốc, năm nay 136 tuổi, thân thể vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Từ khi xuất gia đến nay, Ni sư không bao giờ bàn tán chuyện nhảm, mở miệng, ngậm miệng cũng chỉ một câu “A Di Đà Phật”. Trong trường hợp, nếu có ai muốn hỏi Ni sư về vấn đề có liên quan đến việc tu hành thì Ni sư khai thị vài câu; ngược lại Ni sư chỉ nhắm mắt mà không trả lời. Sinh hoạt của Ni sư rất đơn giản, cơm ngày 3 bữa, ăn ở hoàn toàn tự chính mình lo liệu lấy, không bao giờ chịu nhờ một ai khác. Đức hạnh của Ni sư được đồn khắp xóm làng. Đức tu và danh tiếng của Ni sư đã khiến cho nhiều Đài truyền hình Trung Quốc tranh nhau đến xin phỏng vấn. Trước ống kính của Đài truyền hình, lão Ni sư vẫn nhất tâm niệm Phật, thái độ vẫn an nhiên bất động, mặc cho những ký giả cứ liên tiếp phỏng vấn mà không hề trả lời. Lão Ni sư từng nói: “Nữ nhân dù là tại gia hay xuất gia tu hành, nếu giữ gìn được khẩu nghiệp, thì đã thành Phật một nửa”. Qua việc tu hành của lão Ni sư, chúng ta đã thể hội và giác ngộ được thật tướng của công đức niệm Phật và tướng chân thật của khẩu nghiệp.

Nên nhớ:

- Khẩu nghiệp: là nghiệp lực khó khắc phục nhất cho việc tu hành của nữ chúng.

- Khẩu nghiệp: là lực cản trở lớn nhất cho việc tu hành chứng đạo của nữ chúng.

- Khẩu nghiệp: là sức mạnh sát hại sinh mạng lớn nhất cho việc tu hành của nữ chúng.

- Khẩu nghiệp: là nghiệp lực chính yếu đưa nữ chúng đọa xuống ác đạo.

- Khẩu nghiệp: là sức mạnh ngăn trở lớn nhất cho việc vãng sanh của Nn chúng.

- Khẩu nghiệp: Khiến cho đạo tràng không được thanh tịnh, thị phi không ngừng.

- Khẩu nghiệp: Khiến cho Tăng đoàn không hòa hợp, đạo pháp không hưng thịnh.

- Khẩu nghiệp: Khiến chúng sanh thoái mất đạo tâm, đoạn mất thiện căn làm người.

Tội gây ra bởi khẩu nghiệp sâu nặng không gì sánh bằng. Ni chúng tu hành nếu không dứt đoạn được bốn loại khẩu nghiệp “vọng ngữ (nói dối), ác khẩu (nói lời thô ác), lưỡng thiệt (nói lưỡi đôi chiều), ỷ ngữ (nói lời thêu dệt để gạt người)”, thời vĩnh viễn phải bị đọa vào đường ác, gánh chịu “khổ khẩu vô lượng” không có ngày ra khỏi. Cho nên đối với nữ chúng khi tu hành, để có thể chứng đắc được đạo quả Bồ-đề, thời trong lúc xử sự, đối người tiếp vật phải vô cùng thận trọng trọng lời nói của mình, có thế mới khỏi bị đọa vào các ác đạo phải gánh chịu nỗi cực khổ của luân hồi. Phật giáo cho rằng con người có ba cái nghiệp chánh là: thân, khẩu và ý, mà khẩu nghiệp lại có thể gây nên tai hại nhiều hơn cả hai nghiệp kia tức là thân nghiệp và ý nghiệp. Hãy cẩn thận trong tất cả các suy nghĩ, lời nói và hành động của mình “Trong cuộc sống con người, hạnh phúc hay khổ đau đều khởi đi từ lời nói. Lời nói trung thực, thẳng thắn nhưng dịu dàng, lịch sự và đằm thắm, dễ thương, luôn mang lại một cảm giác ấm áp, an vui, nhẹ nhàng, chân tình và thoải mái cho người nghe. Tuyệt nhiên, đó không phải là lời nói khách sáo, tâng bốc, dua nịnh để cho được việc. Và ngược lại, đôi khi chỉ một lời nói mà lại làm cho người khác phải tan nhà nát cửa, gây ra sự thù oán, nghi kị lẫn nhau”.

Thế nên:

“Chim khôn hót tiếng rảnh rang,

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.

Nhìn thấy được tầm quan trọng của lời nói như thế là một trong những phương thức tu thân, nên trong đạo Phật gọi là Ái ngữ: Ý nghĩa nhằm nhiếp hóa hữu tình, mang lại hạnh phúc, an vui thiết thực cho mình và cho người.

Trích sách "Tu cái miệng"