Luôn luôn cố gắng để tâm thực hiện cho tròn phận sự

HTDung-KTu3 CopyNhắc đến cố Hòa thượng Đệ tứ Trưởng Giáo đoàn III mới viên tịch, những người con Phật không ai không bày tỏ lòng thương tiếc đối với một bậc chân tu. Đời sống của Ngài rất bình dị và luôn đề cao việc hành trì giới luật để tiến tới sự giải thoát.

Để hiểu hơn về cuộc đời của cố Hòa thượng, chúng con đã được Hòa thượng Giác Thuận, Trưởng ban Trị sự Giáo đoàn III chia sẻ một số thông tin về những kỷ niệm mà ngài có được.

Bạch Hòa thượng, xin ngài hoan hỷ chia sẻ cho hàng hậu học chúng con một vài hình ảnh về cuộc đời của cố Hòa thượng Trưởng đoàn?

Hành trạng về cuộc đời của cố Hòa thượng thì có rất nhiều, hồi đó Giáo đoàn có quy định không cho ở yên tại một trú xứ, chư Tăng phải thay đổi đi các tịnh xá trong Giáo đoàn. Chính vì thế, trong giai đoạn 1968, từ Tịnh xá Ngọc Sơn đến Tịnh xá Ngọc Long (Diêu Trì, Tuy Phước, Bình Định), bà con Phật tử thường thấy Sư Giác Dũng (lúc đó là Sa-di) mặc bộ đồ tập sự màu nâu bạc, đội nón lá cũ, cuốc đất trồng rau, trồng khoai lang và có một đời sống tu hành rất đạm bạc.

Lúc bấy giờ đang trong hoàn cảnh chiến tranh, đời sống kinh tế rất khó khăn, vì thế khoai lang và củ mì được xem là “món ăn đậm chất quê hương” của xứ Bình Định.

Vậy mà hồi đó, cố Hòa thượng dù chỉ có những món ăn đơn giản như vậy nhưng lúc nào Ngài cũng ăn một cách rất ngon lành. Trò thấy Ngài thường lấy củ khoai, củ mì ăn trước, cơm ăn sau.

Lúc đó, trò chỉ là một chú tập sự tên là Huệ Thảo nên khi thấy cố Hòa thượng ăn vậy cũng thắc mắc, mới hỏi Ngài. Cố Hòa thượng giải thích là Ngài ăn những gì không ngon trước, món ngon ăn sau. Vì khi đói, những thứ gì ăn cũng ngon. Các món như cháo trắng… các Sư ít ăn thì cố Hòa thượng ăn rất ngon lành.

Trò còn nhớ năm 1969, cố Hòa thượng về làm trụ xứ tại Tịnh xá Ngọc Cát - TP. Phan Thiết (Bình Thuận). Khi đó, chính quyền sở tại bồi thường thiệt hại do chiến tranh, tịnh xá được cấp 1 số xi-măng, cố Hòa thượng tích cực làm thành bờ kè chắn cát bao quanh đồi cát làng thiền.

Trong thời gian này, cố Hòa thượng lúc nào cũng làm việc từ sáng đến chiều, xây kè chắn cát, sống với Tăng chúng lúc nào cũng hòa hợp và vui vẻ, kể cả khi làm việc hay ăn uống.

Xin Hòa thượng nhắc lại vài lời giáo huấn khi còn hiện tiền cố Hòa thượng đối với Tăng Ni trong Giáo đoàn?

Đời sống của cố Hòa thượng lúc nào cũng giản dị và tinh tấn. Ngay như sau này, khi làm lãnh đạo Giáo đoàn, Trị sự trưởng rồi Trưởng Giáo đoàn, cố Hòa thượng luôn ôn hòa với Tăng Ni, nhu thuận với mọi người. Trong công việc cố Hòa thượng rất chịu khó và trên khuôn mặt lúc nào cũng thể hiện nụ cười.

Khi cố Hòa thượng còn hiện tiền, trò thường đi làm Phật sự chung với Ngài, những khi đi họp ở Hệ phái; tham dự và hướng dẫn các khóa tu truyền thống; đi thăm các miền tịnh xá trong Giáo đoàn…, cố Hòa thượng luôn luôn khuyên nhắc, sách tấn chư Tăng Ni trong những lúc cúng hội, nghe pháp, tham thiền không nên hôn trầm, khó coi lắm. Phải “thường trực năm thiền chi, viễn ly năm triền cái…”.

Lúc ngồi thiền nên dùng phương pháp Số tức quan (Chơn Lý): “hít vào thật sâu phình đơn điền, thở ra cho hết tóp bụng lại năm, ba lần rồi giữ đề mục cho chặt chẽ là không bị hôn trầm, phóng tâm…”.

Để giúp cho hàng hậu học hiểu hơn về phương pháp này, Ngài có bài kệ ngồi thiền:

“Ngồi thiền lưng thẳng, đầu không nghiêng

Hít sâu thở nhẹ khí đơn điền

Cô tinh thần thạnh thông kinh mạch

Trí tánh giao hòa dứt đảo điên

Đi đứng nằm ngồi trong tĩnh lặng

Thấy nghe ngửi nếm thảy an nhiên

Toan vun chánh pháp lòng thanh thản

Khất thực hóa duyên dứt não phiền”

Cố Hòa thượng áp dụng pháp tu này vào đời sống của mình, nên trò thấy ngài rất ít bệnh, có sức khỏe, ngồi lâu ngay thẳng và mỗi khi có bệnh ngài thường đóng cốc, uống nước tự điều trị thân tâm. Mỗi năm, Ngài đều có một khoảng thời gian nhịn ăn, chỉ uống nước. Có lần Ngài nhịn ăn đến 49 ngày, điều đặc biệt là trong lúc nhịn ăn, Hòa thượng vẫn đi làm công tác Phật sự bình thường, chỉ có thân thể ốm gầy, chứ tinh thần của nNài luôn minh mẫn, thật là đáng khâm phục.

Kính bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng kể lại vài kỷ niệm của Hòa thượng với cố Hòa thượng Trưởng đoàn?

Kỷ niệm thì có nhiều lắm, nhắc tới muốn xúc động…; kỷ niệm gần nhất là mới cách đây một năm thôi, ngày 16-12 năm Nhâm Thìn (2012), trò có ngỏ lời thỉnh ngài về Tịnh xá Ngọc Phú chứng minh cho lễ đặt đá xây dựng tịnh xá (lúc ấy chưa có giấy phép). Khi đặt đá Ngài nói: “Đặt đá làm phép, mà phép thì “thiên biến vạn hóa”. Nói xong Ngài cười.

Ngày 26-2-Quý Tỵ, Ngài nhận lời thỉnh về dự lễ khởi công. Chư Tăng và Phật tử Tịnh xá Ngọc Phú chuẩn bị tổ chức lễ khởi công thật long trọng, trang nghiêm. Nhưng, sáng ngày 25-2-Qúy Tỵ, Ngài xả báo an tường Niết-bàn tịch tịnh, khiến cho Tăng Ni, Phật tử đã đến trước đầy bất ngờ, nam nữ Phật tử ở nơi đây thật là buồn!

HTDung-HTThuan Copy

Khi nghe tin cố Hòa thượng viên tịch, trò cảm thấy hụt hẫng và có một điều gì đó mất mát, vì không nghĩ cố Hòa thượng đi sớm như vậy. Nhưng khi ngồi quán chiếu thì thấy được việc đến đi tự tại của một bậc thật học, thật tu, thuận thế vô thường. Chính vì thế, trò liền cố gắng nén nỗi đau mất mát để làm cho xong lễ khởi công xây dựng rồi cấp tốc lên Tịnh xá Ngọc Quang (Buôn Ma Thuột) để phụ các sư chuẩn bị lễ tang cố Hòa thượng.

Tuy ngài không còn nữa, nhưng trò và Phật tử luôn tin chắc là cố Hòa thượng đã chứng minh và hộ trì nên việc xây dựng Tịnh xá Ngọc Phú tiến triển rất tốt.

Trò giờ chỉ cầu nguyện Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc, sớm hội nhập Ta-bà, tiếp chúng độ sinh, thật hành Bồ-tát đạo làm cho Đạo pháp, con đường Tổ thầy được xương minh, Giáo đoàn III luôn phát triển.

Để đảm trách công việc tiếp theo của cố Hòa thượng Trưởng đoàn, Hòa thượng có những suy tư hay mong muốn gì không ạ?

Thật ra do trước đây trò được theo cố Trưởng lão đi tham dự các hoạt động của Giáo đoàn nói riêng và Hệ phái nói chung. Chính vì đã thấy, nghe, biết nên khi được đại chúng Tăng-già giao phó trách nhiệm, trò luôn luôn cố gắng để tâm thực hiện cho tròn phận sự.

Hiện nay, trò vẫn tiếp tục những định hướng của cố Hòa thượng đã vạch ra, luôn lấy tấm gương của Ngài để noi theo.

Còn về công tác lãnh đạo Giáo đoàn, thì trò vẫn thường xuyên khuyên nhắc Tăng Ni nên tham dự các khóa tu truyền thống của Hệ phái, mở các khóa tu bồi dưỡng đạo hạnh cho Sa-di, Sa-di-ni, tập sự nam nữ; khuyến khích Tăng Ni đẩy mạnh việc học tập; sau khi học xong các cấp học Phật, Tăng Ni phải tham gia các khóa tu học để hiểu rõ đường lối hành trì của người tu Khất sĩ.

Hiện nay Giáo đoàn III đã có số lượng 500 Tăng Ni, hơn 100 cơ sở thờ tự… vì thế bản thân mỗi Tăng Ni phải cố gắng tự thân tu hành giữ gìn phạm hạnh để không phụ lòng sự mong đợi của Đức Thầy và các bậc Trưởng lão đã viên tịch.

Xin cảm ơn Hòa thượng!

Trích: "Kỷ yếu cố HT. Giác Dũng"