Mạn-đà-la: Tâm thức ở tầng cao với pháp quán ảnh tượng

Ánh Sáng Mật Tông

►Lời đầu sách

►Chương 1: Ba bánh xe pháp

►Chương 2: PG hướng sang Tây Tạng

►Chương 3: Bốn bộ phái Tây Tạng

Chương 4: Tiếng nói thời hiện đại

►Chương 5: Công cụ để chứng Chánh giác

►Chương 6: Âm thanh của Chánh giác

►Chương 7: Tâm thức ở tầng cao

      với pháp quán ảnh tượng

►Chương 8: Trí tuệ từ mặt nữ tính của chúng ta

►Chương 9: Sinh, Tử, và Cảnh trung ấm

►Chương 10: Suối Nguồn của Từ Bi và Trí Tuệ

Chương 7: Mạn-đà-la:Tâm Thức Ở Tầng Cao với Pháp Quán Ảnh Tượng

Chọn lựa hình tròn để làm mô thức để miêu tả vũ trụ không phải là một chuyện ngẫu nhiên. Là hình dạng duy nhất không biểu thị một phương hướng nào cả, hình tròn được người ta tự phát sử dụng khắp nơi để miêu tả những đối tượng có hình dạng không cố định hoặc không câu nệ hình tướng; hay miêu tả một cái gì đó hoàn toàn không có hình dạng, dù là hình dạng nào đi nữa, hoặc một cái gì đó có tất cả hình dạng.

Rudolf Arnheim, Toward a Psychology of Art

Mạn-đà-la (linh đồ) đã có từ thời xa xưa, thời chưa có lịch sử trước khi được Phật giáo Tây Tạng tiếp nhận và sử dụng. Tất cả mọi nền văn minh, mọi truyền thống minh triết đều có một vài dạng linh đồ hay đồ hình tương ứng. Nhà tâm phân học Carl Jung đã sử dụng rất nhiều đồ hình trong công trình nghiên cứu của mình. Ông ta khuyến khích những thân chủ của mình khi phân tích ý thức ở tầng sâu hãy tự biểu đạt bản thân và sự chuyển hóa của mình qua những đồ họa, và những thân chủ này thường xuyên sáng tạo ra những đồ họa của riêng mình để tự biểu đạt. Ông ta khám phá ra rằng việc này đã làm gia tăng năng lực phân tích và tổng hợp của một người. Đồ hình của mỗi thân chủ đều độc đáo và biểu lộ được cá nhân của người ấy trong giai đoạn nhất định nào đó. Ông ta tin rằng những mô thức đều có tính căn bản và thừa kế những tích tập vô thức từ tổ tiên, biểu trưng cho trục xoay của cái Ngã, trục xoay của cái vũ trụ bên trong.

Mạn-đà-la, vòng tròn

Từ mandala trong tiếng Phạn có nghĩa là vòng tròn, và những linh đồ mạn-đà-la có nghĩa là những cái vòng tròn. Trong Phật giáo thời kỳ đầu thì mạn-đà-la là những vòng tròn đơn giản. Về sau những vòng tròn trở nên chi tiết hơn với khung hình vuông hoặc tam giác bên trong vòng tròn.

Vòng tròn là hình dạng vô cùng phỗ biến trong trong cuộc sống của chúng ta ngày nay. Chúng ta không nhận thức được mức độ phỗ biến rộng khắp của nó nhưng rõ ràng hình tròn cùng với hình vuông, tam giác đối với Phật giáo Tây Tạng là những hình dạng căn bản tạo tác ra những mô thức cho thế giới này. Chúng ta cứ mặc nhiên rằng ý nghĩa đương nhiên là như vậy mà chưa từng để tâm đến cái hình dạng đã gợi ra ý nghĩa đó. Bản thân của hình dạng là cái thực.

Biết bao nhiêu những hoạt động cốt lõi, chủ yếu và căn bản, biết bao nhiêu ý nghĩa của cuộc sống chúng ta đều nằm trong hình dạng mạn-đà-la, hình tròn. Đĩa bát mà chúng ta dùng mỗi ngày để ăn uống - chuyện rất căn bản của mạng sống - là hình tròn. Nồi niêu xoong chảo mà chúng ta dùng để nấu nướng cũng hình tròn. Cái muỗng (thìa), dụng cụ đầu tiên để đút đứa bé ăn uống, cũng hình tròn. Cái mũ mà chúng ta đội trên đầu khởi điểm cũng hình tròn. Chúng ta nói về vòng tròn (luân hồi) của những kiếp sống, của bốn mùa... và bản thân quả đất này cũng hình tròn. Chỉ khi nào những đường tròn và những đường thẳng kết hợp với nhau thì những đơn vị chữ trong bản mẩu tự mới có thể hình thành.

Hình tròn thường được dùng trong những biểu tượng tôn giáo. Một hình tròn nằm trong một khung hình vuông là biểu tượng của Thượng đế trong Cơ đốc giáo. Bánh xe pháp luân của Phật giáo cũng hình tròn với tám cây căm Bát thánh đạo tỏa ra từ tâm điểm, điểm của khoảng trống. Bản âm dương của đạo Lão cũng hình tròn. Trong Thiền tông, biểu tượng của sự chứng đắc cũng là một vòng tròn rỗng lặng.

Khoa học hé lộ ra rằng những xung động của hữu thể vật lý lại ứng hợp với những khía cạnh trong cấu trúc mạn-đà-la. Một trong những điển hình khiến người ta phải giật mình là vòng benzen, tức là vòng nối kết của những nguyên tử carbon, vòng căn bản của tất cả sinh mệnh. Chúng ta mặc nhiên xem như vậy. Thực ra, đó là một phân đoạn trong bản thiết kế thế giới. Những biểu tướng của mạn-đà-la đã cống hiến những chân lý vượt thời gian trước khi những nhà khoa học có những khám phá tương ứng.

Tương Tục Vòng Tròn

Toán học phương Tây vận dụng những đoạn đẳng thức làm trung tâm với điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Hình học sử dụng những đường thẳng kết hợp theo nhiều phương thức khác nhau để tạo thành muôn trùng những hình dạng. Trong khi đó, một mạn-đà-la đơn giản là một đường thẳng có tính chất bí ẩn, không có điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Những khái niệm của Phật giáo Tây Tạng được sắp xếp xoay quanh tâm điểm quan sát nằm ở giữa vòng luân hồi này. Tất cả sinh mệnh đều là cái tương tục: từ sinh, đến tử, đến tái sinh. Cái tương tục đó diễn tiến xoay quanh tâm điểm, thế mà tâm điểm đó lại là cái không có thực thể, và đó chính là phương thức mà những khái niệm này không ngừng hỗ tương phái sinh ra những khái niệm khác.

Các Dạng Mạn-đà-la

Trong Phật giáo Tây Tạng có hai dạng mạn-đà-la. Dạng thứ nhất miêu tả Đức Phật ở vị trí trung tâm, thường là trong tư thế thiền định, thể hiện tính rỗng lặng, cốt lõi của Phật giáo. Chúng ta quán chiếu tâm điểm sâu thẳm; toán học của chúng ta bắt đầu bằng phép tính số học đơn giản và dãy số của phép tính này có nền tảng là con số không; từ đó tiến ra vòng ngoài với những khái niệm toán học cao hơn. Con số không đã làm cho những phép tính cao cấp có thể thực hiện được. Tương tự như vậy, trung tâm của mạn-đà-la cũng là điểm không, đầu nguồn của tướng trạng. Xung quanh thiền giả là chư Phật, chư Bồ-tát, chư Thánh Hiền nam nữ.

Những mạn-đà-la đôi khi thể hiện bản thiết kế của những ngôi chùa, bốn hướng được trình bày bằng những hình vuông nằm trong một vòng tròn, cửa ra vào được những vị thần hung dữ canh gác. Sự cân xứng của ý nghĩa biểu trưng nằm ở những mô thức bề ngoài và đường biên chung quanh nó. Những hình dạng thể hiện trong không gian hai chiều này được trình bày với nhiều màu sắc, tạo ra hiệu ứng của không gian ba chiều.

Dạng thứ hai của linh đồ miêu tả một khuôn mẫu của vũ trụ. Được xem là bánh xe luân hồi hay vòng tròn của sinh mệnh, những mạn-đà-la này trình bày tổng thể tiến trình tương tục của kiếp sống, cái chết và giai đoạn trung gian. Cái chết được hình tượng hóa thường ngồi canh giữ ở vị trí phía trên vòng tròn. Bản thiết kế này rất phức tạp, đầy ấp những diện mạo của những sinh mệnh, hữu tình và vô tình.

Trong phương diện ảnh tượng, những hình dạng và biểu tướng của mọi mạn-đà-la đều truyền đạt một bộ mã ý nghĩa, cho phép người quan sát có được một mối liên hệ đặc biệt với những khái niệm hàm chứa trong đó.

Nhập Thân Vào Mạn-đà-la để Chuyển Hóa

Những mạn-đà-la được cơ cấu vào lộ trình tu học, là một bộ phận của công phu thiền tập. Thật sự thì sự chuyển hóa có thể được hàm dưỡng ngang qua mạn-đà-la.

Mạn-đà-la diễn tả một mức độ căng thẳng và sự chuyển động là một dạng biểu hiện. Chúng ta có khuynh hướng nhìn vào điểm trung tâm, nguồn cội của vòng tròn. Một mạn-đà-la được thiết kế khéo léo sẽ đưa đẩy người quán chiếu nó mường tượng ra sự chuyển động hướng về điểm trung tâm, nhập thân vào và được tiếp dẫn.

Vòng tròn của một mạn-đà-la có một đường biên trong và một đường biên ngoài. Phật giáo Tây Tạng nói về việc nhập thân vào mạn-đà-la, tức có ý nói rằng mạn-đà-la không chỉ là một bản đồ: Mạn-đà-la là một khung cửa để đi vào một chiều kích khác của sinh mạng. Mạn-đà-la chỉ bày ra con đường Đạo và cũng chính là Đạo.

Một người đi vào vòng tròn này, nhập thân vào mạn-đà-la có nghĩa là người ấy bước vào tiến trình chuyển hóa, một cuộc thể nghiệm dưới sự hướng dẫn của vị đạo sư.

Đi vào mạn-đà-la là một trải nghiệm đưa đến sự chuyển hóa bên trong, giải tỏa những hạn chế và khai phóng những tiềm năng. Chúng ta có nhiều vai trò trên sàn diễn cuộc sống. Trong đó, một số vai trò có khả năng cải hóa chúng ta, đặc biệt là những vai trò vượt cao hơn bản thân của người đang diễn. Những câu chuyện mà chúng ta kể và thực hiện trong đời sống trở thành nguồn tuệ giác. Qua việc thể hiện các vai diễn chúng ta học hỏi về bản thân mình và thế giới, nhận ra chuyện gì thích đáng, chuyện gì không thích đáng; chuyện gì chúng ta có thể làm thoải mái, thông suốt và chuyện gì không thoải mái và bị cản trở.

Đường vào mạn-đà-la bắt đầu từ ngoại vi của giáo lý Phật giáo và dần dần đi vào điểm trung tâm của cá nhân mỗi người. Bắt đầu với vai trò như thế nào thì như thế đó sẽ là một phần của nhân thân bạn, là trục chính của bản thân. Mạn-đà-la là cái tự ngã của một người trong tiến trình thay đổi, chuyển hóa.

Ngữ căn của từ vựng mạn-đà-la là manas, có nghĩa là tâm ý. Đối với Phật giáo Tây Tạng thì tâm ý là cốt lõi; do đó mạn-đà-la hỗ trợ cho việc định hình và phác họa ra phần tâm ý của vô thức, miêu tả rõ ràng thế giới nội tâm của con người.

Tầm quan trọng của những biểu tướng

Chỉ khi nào sống nhịp nhàng với những biểu tướng thì chúng ta mới có thể sống một cuộc sống viên mãn; trí tuệ là hành trình quay về với chúng. Đây không phải là vấn đề tín ngưỡng hay tri thức, mà là một sự đồng điệu giữa nếp tư duy của chúng ta với những ảnh tướng tiên thiên trong vô thức. (Jung, 1981, 402 - 403)

Mạn-đà-la là một hệ thống biểu tướng quan trọng và hữu dụng, cẩn thận chỉ ra những xung lực của thực tại. Phật giáo Tây Tạng sử dụng mạn-đà-la làm điểm trung tâm cho việc thiết lập những nguyên lý tu tập, thể hiện những quan niệm cốt lõi. Như vậy mạn-đà-la không chỉ đơn thuần là tranh ảnh, mặc dầu một bức tranh, một bức ảnh có thể là biểu tướng của mạn-đà-la. Mạn-đà-la là những biểu tướng của Biểu tướng Vĩ đại: Thế giới của chúng ta và tổng thể những hiện hữu.

Mạn-đà-la hiển bày một cái nhìn về thực tại, giúp cho hành giả nhận thức dạng thực tại ở cấp độ cao hơn. Những biểu tướng chính xác giúp cho hành giả tiếp cận được những thể nghiệm chính xác. Mạn-đà-la là một thể nghiệm quy chuẩn.

Những người phương Tây còn sử dụng những biểu tướng để chỉ cho thực tại. Chúng ta dùng biểu đồ để miêu tả và dự đoán thực tại. Chúng ta gọi đó là những con số toán học, hướng lượng (vector), lượng tử (quantum). Chúng ta tạo ra ý nghĩa của thế giới này y hệt như người Tây Tạng sử dụng biểu tướng để hiểu biết thế giới tâm linh. Nội dung biểu tướng của chúng ta thì có sự khác biệt nhưng chân lý lại nằm trong bản thân của hệ thống biểu tướng, trong quá trình vận hành biểu tướng, chớ không chỉ nằm trong nội dung và hình thức của biểu tướng.

Một cánh rừng lớn thì không đơn thuần là những cội cây. Tương tự, đại dương không đơn thuần là nước mặn và những đợt sóng dâng trào. Đồng thời, rừng cũng lại từng cội cây; đại dương cũng lại nước mặn và sóng, nhưng hãy còn nhiều thứ khác nữa. Sử dụng những công cụ, chúng ta có thể đong đo được sức mạnh, độ cao và hướng di chuyển của sóng; có thể đo được chiều cao của cây, phân loại gỗ tính ra những con số... Tất cả những phép đo lường đó đều là những hành động mang tính biểu tướng giúp cho chúng ta biết thêm về thế giới này.

Phật giáo Tây Tạng đã sử dụng công cụ ý thức để đo lường, trực tiếp nắm bắt thực tại và những tham số của nó; sử dụng đồ hình huyền bí và những ý niệm có tính ảnh tượng về tâm thức chứa đựng trong mạn-đà-la để nhận ra những sự kiện đang trong xu thế diễn biến. Những nhà toán học cũng có thể dự báo những sự kiện đang trong xu thế xảy ra, chỉ khác là họ sử dụng những biểu đồ theo kiểu riêng của họ mà thôi.

Chúng ta có thể tính ra những sức mạnh tiềm ẩn sẽ làm gãy một cây cầu nếu như người ta không cẩn thận hóa giải những sức mạnh đó. Tương tự, một người chuyên tu du-già và mật pháp thì trực cảm được những sức mạnh tiềm ẩn của thực tại và có thể trực cảm được những phương thức để ứng đối với chúng.

Những biểu tướng nói chung được sử dụng để chỉ bày cách thực hiện và cách hoàn thành công việc. Những biểu tướng của Phật giáo Tây Tạng nói riêng được sử dụng để chỉ bày cách thức thực hiện những điều cần thực hiện để vận hành và hoàn thiện tuệ giác của tâm thức ở tầng cao. Mạn-đà-la cho phép chúng ta sử dụng những biểu tướng làm phương tiện hữu ích trên con đường đạo.