Mẹ là vĩ nhân[*]

TNT56-CopyNăm nay là năm con rồng, năm tuổi của mẹ tôi. Tuổi mẹ rơi vào cái hạn “Bốn chín chưa qua/ Năm ba đã tới”. Người xưa tin vào bói toán cho rằng, bốn mươi chín tuổi sẽ gặp sao hạn nặng lắm! Tới tuổi này, nhiều người cố gắng cúng sao giải hạn cho cái tâm lý sợ hãi nó giảm nhẹ đi.

Mẹ tôi hồi trước cũng rất tin vào bói toán. Nhưng từ khi quy y Tam Bảo thì mẹ đã thay đổi, mẹ nói: “Con quy y Tam Bảo, có nghĩa là con xin đem toàn thể sinh mạng của con nương tựa vào chư Phật, cái bản ngã của chính mình không còn nữa, mà con xin dâng thân mạng mình lên chư Phật. Nếu chư Phật cho con sống thì con sống, bảo con chết thì con chết. Con hoàn toàn tin vào chư Phật. Không một lời bói toán nào có thể làm lung lay ý chí, niềm tin và sự cung kính của con đối với chư Phật”.

Mẹ tôi cũng như bao bà mẹ Phật tử mà tôi từng gặp và quen biết, họ cũng không còn tin vào việc bói toán như ngày trước nữa. Cái duyên lành gặp được đạo và tu đạo khiến cho mẹ tôi vượt qua được nỗi đau mất chồng từ khi mẹ mới hai mươi bốn tuổi, một mình nuôi hai con thơ dại: chị tôi lên ba tuổi, còn tôi mới mười tháng tuổi. Người phụ nữ trẻ đẹp như mẹ tôi, vào cái thời đại văn minh vẫn giữ được tiết hạnh thờ chồng nuôi con, không hiếm trên dải đất hình chữ S này. Mẹ tôi làm nghề buôn bán chạy chợ, đương nhiên phải khôn khéo, lanh lợi, thậm chí phải mồm miệng mới có thể kiếm sống được trên thương trường. Nhưng cái chất “lương thiện” sẵn có của mẹ đã kết nối được một nhóm bạn đạo nữ Phật tử đều là “con buôn”, ban ngày lăn lộn giữa chợ đò vì miếng cơm manh áo, tối đến là họ gọi nhau đi chùa tụng kinh niệm Phật không bỏ sót đêm nào.

Mẹ tôi thấy chị em tôi chăm ngoan, biết vâng lời, tự giác học hành giỏi giang làm cho mẹ an tâm ra ngoài lo chạy chợ kiếm tiền. Chị tôi đã tốt nghiệp Đại học, lấy chồng và sinh được một cháu gái. Niềm vui của mẹ chưa trọn vẹn, thì tôi bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não rất nặng lúc tôi đang học năm thứ ba đại học sư phạm. Mẹ tôi vô cùng lo lắng cho tính mạng của tôi, nhưng không hốt hoảng như lần trước, tai nạn đã cướp đi sinh mạng của ba tôi. Lần này, mẹ cố gắng bình tâm niệm Phật liên tục để lấy lại bình tĩnh mà lo chạy chữa cho tôi đang hôn mê trong phòng cấp cứu. Sau ca mổ phức tạp kéo dài mấy tiếng đồng hồ, như có phép màu, lạy Phật trời, ông bà tổ tiên độ trì gia hộ giúp tôi vượt qua phút giây sinh tử và tỉnh lại trong sự vui mừng tột độ của mẹ.

Giống như một giấc ngủ dài, khi thức giấc, tôi thấy xung quanh toàn là màu trắng mới hiểu mình đang ở bệnh viện. Tôi mở mắt thấy mẹ ngồi cạnh bên với ánh mắt trìu mến thương yêu như ngày nào. Mẹ nói: “Lạy Phật, con tôi tỉnh rồi”. Chấn thương của tôi khá phức tạp, phải phẫu thuật nuôi cấy ghép mảnh xương sọ, điều trị dài ngày. Nếu không có mẹ bên cạnh an ủi động viên, nhắc nhở tôi niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm thì chắc chắn tôi sẽ rất buồn và tuyệt vọng, không biết tôi có còn tồn tại đến hôm nay, để mùa Vu Lan báo hiếu, ngồi bên mẹ thủ thỉ nói lời tri ân.

Vậy là hơn tám năm kể từ ngày tôi gặp nạn, tôi đã trải qua những ngày tháng đau buồn tuyệt vọng, mà không tuyệt vọng sao được khi tai họa đã dập tắt ước mơ trở thành một cô giáo. Tai họa đã biến một cô sinh viên xinh đẹp tài năng trở nên tàn phế. Có đôi lúc tôi muốn tìm đến cái chết, nhưng thật may bên cạnh tôi, lúc nào cũng có mẹ như một bà Tiên nhìn tôi với ánh mắt và nụ cười tươi tắn an vui, hỏi làm sao tôi có thể bỏ mẹ mà ra đi theo ba về chín suối! Mẹ bảo: “Làm người khó lắm, phải tu đến vô lượng, vô vô lượng kiếp mới có thể đầu thai làm kiếp người, sống được một ngày trên đời là quý lắm, vì vậy, nên trân quý từng giây phút sống sao cho có ích”.

Mẹ tôi dọn cho tôi một cái quầy nhỏ trước nhà, bán đồ lưu niệm có cả kinh sách, băng đĩa… để cho tôi cảm thấy mình còn có ích cho cuộc đời này. Tôi được đọc, được nghe pháp Phật nhiệm màu khiến lòng tôi lắng lại. Tối đến theo mẹ đi chùa, bây giờ tôi có thể lạy sám hối 108 lạy và dự một thời kinh tối trọn vẹn mà không cảm thấy mệt. Dù tôi không thể phục hồi được mức một trăm phần trăm, nhưng mức năm mươi đối với tôi là diễm phúc nhất trên đời. Ai cũng nói những ca chấn thương như tôi khó sống sót, mà có sống sót thì cũng sẽ bại liệt tàn phế sống đời thực vật. Tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều người, tôi không oán trách số phận, không than thở đất trời vì tôi ý thức được chữ “nghiệp”. Cho nên đêm nay - một đêm đẹp trời đầu tháng bảy, chuẩn bị một mùa Vu Lan thắng hội - tôi cùng mẹ đi trên con đường phố đến chùa, trong lòng tôi bỗng dưng muốn nói:

“Xin cám ơn Chư Phật, Chư Bồ Tát đã trông nom con, gia hộ cho con, dù cho con có lúc lầm lỡ yếu hèn. Ngài yêu thương con, dù con đầy khuyết điểm, ương ngạnh, nông nổi, cứng lòng và tìm giải pháp giúp con chuyển nghiệp.

Xin cám ơn những vị bác sĩ, y sĩ, y tá đã tận tình cứu chữa cho con thoát khỏi giây phút hiểm nghèo, để cho con còn có mặt trên đời này.

Và con xin cám ơn mẹ đã sinh thành dưỡng dục con, đã làm hồi sinh sự sống cho con thêm một lần nữa. Con xin cám ơn mẹ đã và đang dìu dắt, nâng đỡ, ủi an con bước vững vàng trên con đường đạo. Mẹ là một bậc vĩ nhân của riêng con trong bài tập làm văn con viết hôm nay để nộp cho quý thầy. Con biết khi đọc bài này mẹ sẽ rất vui, và mẹ sẽ vui gấp vạn lần nếu bài này được quý thầy khen ngợi.

Đã bắt đầu thời kinh tối sám hối, chư Phật sẽ chứng giám lòng thành sám hối tội lỗi của con từ vô thỉ kiếp trước, con xin cầu nguyện chư Phật gia hộ cho mẹ được sống mãi, để cho con được ngắm người mẹ vĩ nhân xinh đẹp đầy lòng “từ bi” của con”.

Trần Thị Thu Hiền (Diệu Hiếu)

[*] Giải Nhì cuộc thi Nói Lời Tri Ân năm 2012.