Miền đất quê hương Tổ sư

tsmdq057Hồi xưa, khi Tổ sư còn nhỏ, Ngài sống ở quê với ngôi nhà gỗ có một tầng lầu. Mặt tiền nhà hướng ra sông Cái Ngang. Bên phải là một con rạch nhỏ chảy vào cánh đồng ở phía sau lưng nhà. Người xưa gọi nơi đây là Láng Tịch. Ở phía tay trái khoảng vài trăm mét là Láng Doi, cũng có con rạch nhỏ chảy vào cánh đồng, phía sau lưng nhà. Địa danh này bây giờ ít ai nhắc tới. Từ Láng còn được dùng nhiều ở Bạc Liêu như ấp Láng Giài ở huyện Hòa Bình, phường Láng Tròn ở thị xã Giá Rai…

“Láng” là từ Nôm có nghĩa là cái láng, láng nước, một vùng đất thấp khá rộng, chứa nước, có nhiều tôm cá… (T.C – Văn hóa, Nghệ thuật – Bạc Liêu online). Nếu lấy trung tâm điểm giữa Láng Doi và Láng Tịch thì Láng Tịch thuộc về hướng Tây. Hướng Tây theo chữ Hán là buổi chiều. Tịch dương, buổi chiều mặt trời lặn về hướng Tây. Cõi Tịch Diệt lại mang ý nghĩa về Đạo là sự giải thoát, mà nơi đây đã sinh ra một vị Tổ sư của Hệ phái Khất Sĩ. Còn Láng Doi, “Doi” là mãnh đất dài được bồi đắp, như vậy là nơi Láng này đang đươc phù sa bồi đắp. Để nhận định rõ hơn về Doi và Vịnh, người dân nơi đây dựa vào con sông. Thường khúc cong của sông bị nước chảy xoáy mạnh vào là Vịnh, phần cong có dãy đất dài bồi ra gọi là Doi. Ở đây có địa danh là Vịnh Ông Bê, gần nhà Tổ ở phía thượng lưu con sông; Doi Ban Hòa ở phía hạ lưu, nhánh sông chảy về Ba Càng. Tìm hiểu về địa danh xưa và nay cũng góp phần hiểu rõ về chốn Tổ. Vùng quê hương của Tổ được Tăng Ni Phật tử biết đến nhiều vào năm 2000, khi Hòa thượng Giác Giới xây dựng hoàn tất ngôi phủ thờ kế cận nơi lăng mộ song thân của Tổ. Sau đó có tổ chức lễ giỗ cho thân sinh của Tổ là cụ ông Nguyễn Tồn Hiếu vào ngày mùng 05 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Năm nào Hòa thượng cũng chứng minh buổi lễ cùng đông đảo Tăng N,i Phật tử. Càng ngày duyên lành hội đủ, vào ngày mùng 08 tháng Giêng năm Quý Tỵ (2013). Hòa thượng Giác Giới đại diện cho toàn Hệ phái Khất sĩ làm lễ đặt đá thành lập Tổ đình Minh Đăng Quang diện tích trên 2 mẫu đất, khỏang giữa Láng Tịch và Láng Doi. Mặt tiền hướng ra tỉnh lộ 909. Đây là công trình mang ý nghĩa lịch sử nơi đức Tổ sư sinh ra. Nơi đây tương lai cũng là nơi trung tâm tu học của Hệ phái. Qua ba năm xây dựng với nhiều hạng mục như chánh điện, nhà thờ Tổ, giảng đường, thiền đường, Tăng xá, cốc chư Tăng… trong giai đoạn gần hoàn thành. Các khóa tu  một ngày an lạc lần lược được hàng trăm Phật tử về tu học. Đặc biệt năm 2016, Tổ đình nơi đây tổ chức lễ tưởng niệm 62 năm Tổ Sư Minh Đăng Quang vắng bóng cho chư Tăng Ni Giáo đoàn I vào ngày mùng 01 tháng 02 năm Bính Thân (2016). Sau đó ngày mùng 04 tháng 02 tiếp tục tổ chức khóa tu truyên thống lần thứ 19 cho chư Tăng 6 Giáo đoàn.

Thật hạnh phúc thay quê hương đức Tổ sư nơi dấu ấn lịch sử huy hoàng hình thành ngôi Tổ đình mang tên Ngài cho hôm nay và cả mai sau. Đúng như tên làng Phú Hậu xưa hay Hậu Lộc cũng đều là hậu hữu. Láng Tịch sẽ còn mãi trong tâm hàng môn đồ pháp quyến. Về đây là cõi tịch tịnh, cõi Tây Phương. Láng Doi là chánh pháp mãi mãi vun bồi. Về hành hương quê Tổ, hay được tu học mỗi người như được trở về vùng Thánh địa - Thánh địa của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam.

                                               (Tịnh Xá Pháp Vân – Mỹ)